‘Ấy là một ngày xinh đẹp và ngọt ngào đến nỗi người ta có thể nếm hương vị của nắng ngọt hệt như mật ong, Gấu Pooh tìm đến nhà Eyeeore-Thông-Thái hỏi mượn một hũ mật. Eyeeore thông thái bảo gấu ta ngồi xuống, nhắm mắt và đừng nghĩ gì cả. Gấu Pooh vui vẻ làm theo và khi mở mắt ra, chú thấy khắp xung quanh mình là những hũ đầy mật ong đầy tràn thơm phức, nhiều đến nỗi “cả đời mình cũng không ăn hết chỗ này”, chú nghĩ.
“Chúng từ đâu ra thế?” Pooh hỏi.
“Mật ong luôn luôn ở đó, nhưng cậu chỉ có thể tìm thấy nó khi cậu không tìm kiếm nó.” Eyeeore đáp.
Pooh nghĩ là mình hiểu. Chú cảm ơn Eyeeore và mang một hũ mật ra về, vừa đi vừa hát vang khắp khu rừng.
Nhưng những ngày sau đó, khi gấu Pooh thực hiện lại những gì đã làm thì chú chẳng thấy hũ mật nào xuất hiện cả. Khi ngồi xuống và nhắm mắt, chú len lén hé nhìn qua kẽ mắt nhắm hờ của mình – không mật ong nào. Chú đã cố ngồi xuống lần nữa và nói thật lớn “Tôi đang không tìm kiếm mật ong” nhưng khi mở mắt ra, vẫn chẳng có tí mật ong nào.’
“Thưa thầy, làm sao tôi có thể vứt bỏ lòng tham và kì vọng của bản thân, để chỉ hiện hữu?”
Đây là một trong những câu hỏi nền tảng nhất của cuộc sống.
Và câu trả lời đúng như những gì Eyeeore nói: Chỉ khi bạn không tìm kiếm, bạn sẽ nhận được mật ong ở khắp nơi. Còn khi bạn bắt đầu tìm kiếm mật ong, nó đơn giản biến mất.
Đây là một sự thật vĩ đại.
Khoảnh khắc bạn bắt đầu tìm kiếm thứ gì đó, bạn trở nên căng thẳng. Khoảnh khắc bạn bắt đầu tìm kiếm nó, bạn trở nên tập trung, bạn trở nên đóng và thu hẹp mình lại. Và mật ong chỉ có đó khi bạn mở, không đóng, không bị thu hẹp. Mật ong sẽ tuôn tràn khắp xung quanh bạn khi bạn cũng tuôn tràn chính mình theo mọi hướng.
Để tìm kiếm thứ gì đó nghĩa là bạn phải tập trung chỉ theo một hướng.
Bạn có để ý không? Chỉ khi bạn không phải nhìn về một hướng, không truy tìm một thứ cụ thể, thế thì bạn mới có khả năng mở ra cho mọi hướng. Thế thì bạn có thể mở rộng bản thân mình ra cho toàn thể sự tồn tại.
Nhưng điều khó khăn là nếu ai đó nói bạn đừng nhìn, bạn nói “Được rồi, tôi sẽ không nhìn” nhưng từ sâu bên trong, một nỗ lực vô thức vẫn cứ tiếp tục. Bạn thậm chí cố gắng để không nhìn, nhưng cả điều đó nữa, cũng trở thành một nỗ lực để tìm kiếm.
Câu hỏi là rất nền tảng. Phật nói: “Khi bạn vô tham muốn, tất cả mọi ham muốn sẽ được thoả mãn.” Một ngày nọ một sư hỏi Phật, “Từ khi thầy nói rằng tất cả mọi ham muốn sẽ được thoả mãn chỉ nếu chúng tôi trở nên vô ham muốn, từ đó tôi chỉ còn một ham muốn: ham muốn trở nên vô ham muốn. Giờ tôi phải làm sao?” Bạn thấy không? Ham muốn trở nên vô ham muốn vẫn còn là một ham muốn.
Bạn vẫn còn trên cùng một mặt phẳng như cũ. Liệu ham muốn của bạn là về tiền – quyền lực – uy danh hay ham muốn sự vô-ham-muốn, nó không khác biệt tí nào cả. Chỉ cái tên của ham muốn là thay đổi, bản thân ham muốn vẫn còn nguyên. Và ham muốn mới chính là vấn đề, không phải những cái tên.
Nếu bạn khao khát tiền bạc, người ta sẽ gọi bạn là người vật chất, duy vật. Nếu bạn khao khát Thượng đế, người ta sẽ gọi bạn là duy tâm, hoặc người tôn giáo. Nhưng đối với những người mà đã thấy và đã biết, thì không có sự khác biệt nào giữa hai kiểu người này cả: bạn vẫn còn thuộc về thế giới này, vẫn còn duy vật.
Tham vọng và ham muốn là những thứ trần tục nhất. Nó luôn là duy vật, bất kể thứ bạn ham muốn là cõi trời hay Thượng đế.
Thượng đế không thể bị ham muốn. Nếu bạn ham muốn, bạn bỏ lỡ mất. Nếu bạn truy tìm, bạn sẽ không thấy. Bạn càng tìm kiếm nhiều, bạn lại càng chỉ thấy nhiều khổ sở hơn. Đừng tìm kiếm, và bạn sẽ thấy. Chỉ đơn giản hiện hữu – trong tâm thế của người không truy tìm. Không phải kiểu người mà sâu bên trong vẫn cứ tiếp tục suy nghĩ, tiếp tục tìm kiếm. Kiểu người mà bên ngoài thì nói “Giờ phúc lạc sẽ đến bởi vì tôi dừng tìm kiếm rồi” – đây một lần nữa lại là cái bẫy khác. Bạn lại đang trông đợi. Bạn lại đang ham muốn dù cho ham muốn của bạn là rất tinh tế.
Vấn đề là những gì nên được làm: “Làm cách nào để tôi vứt bỏ sự tham lam của tôi, ham muốn của tôi?”
Nhưng tại sao bạn lại muốn vứt bỏ ham muốn của bạn? Tại sao ngay từ chỗ ban đầu bạn lại muốn vứt bỏ lòng tham? Hẳn là có một vài lòng tham khác đang ẩn phía sau điều này, như là lòng ham muốn đạt đến Thượng đế, đến niết bàn, đến giác ngộ, đến cái gì đó. Mọi thứ rác rưởi mà bạn tham muốn đều vô nghĩa.
Giác ngộ xảy ra, bạn không thể khao khát nó. Bất chợt một ngày bạn nhận ra mọi tham vọng ham muốn của mình đều đã biến mất. Thế rồi cái còn lại là giác ngộ, nó luôn ở ngay đó. Nó bị che lấp bởi tất cả mọi ham muốn và tham vọng của bạn. Chính tham vọng và ham muốn giống như tấm rèm che mắt bạn. Bạn mất đi sự tỉnh táo của mình. Bạn không thể thấy rõ mọi thứ xung quanh.
Làm sao bạn có thể thấy thực tại khi mà bạn đang muốn thứ gì đó khác ở đó? Khi bạn kì vọng thứ gì đó, kì vọng này sẽ không cho phép bạn thấy những gì đang có đó. Với kì vọng này, bạn đang chỉ thấy tương lai, bạn đi vào ảo tưởng của tương lai, bạn không còn trong hiện tại nữa, làm sao bạn có thể thấy?
Bạn muốn một người phụ nữ đẹp và thế rồi bạn tưởng tượng. Bởi vì chính tưởng tượng đó bạn sẽ bỏ lỡ người phụ nữ của bạn, người mà đang đứng ngay trước mặt bạn nhưng bạn không thể thấy. Tưởng tượng cứ liên tục lôi kéo bạn ra xa, xa khỏi hiện tại, xa khỏi sự thực.
Bạn hỏi “làm sao tôi có thể vứt bỏ lòng tham của mình?” Tôi muốn hỏi tại sao ngay chỗ đầu tiên bạn lại muốn vứt bỏ lòng tham đó? Và thình lình, bạn sẽ thấy những lòng tham khác đang được ẩn giấu đang sau nó. Lòng lam ẩn sau lòng lam khác và lại ẩn sau lòng tham khác nữa. Điều này không giúp ích cho bạn chút nào.
Vậy nên tôi sẽ không bảo bạn làm cách nào để vứt bỏ nó. Tôi sẽ nói bạn làm cách nào để hiểu nó. Trong hiểu biết, tự lòng tham sẽ vứt bỏ chính nó. Giờ thì bạn không thể nào vút bỏ nó được đâu, kể cả khi bạn muốn.
Bạn đang tham lam: làm sao để vứt bỏ sự tham lam. Bạn đang ham muốn: làm sao để vứt bỏ ham muốn. Bạn đang khao khát: làm sao để vứt bỏ khao khát. Bạn đang truy tìm: làm sao để vứt bỏ truy tìm? Cái “bạn” này là trung tâm của mọi điều điên rồ của bạn.
Bạn hỏi làm sao để vứt bỏ ham muốn. Ai đang hỏi? Ở đó có một cái “tôi”. Bây giờ chữ “tôi” – cái “tôi” này thậm chí muốn sở hữu cả Thượng đế, cái “tôi” này muốn sở hữu cả sự giác ngộ. Cái “tôi” này không muốn chỉ thế giới này, nó muốn cả thế giới kia nữa. Cái “tôi” này thậm chí còn nhiều điên rồ hơn.
Chỉ hiểu điều này: Không có nhu cầu phải vứt bỏ bất cứ gì cả. Người ta không thể vứt bỏ bất cứ gì. Hãy cố hiểu điều ấy. Hiểu về cách lòng tham vận hành. Nó rất tham lam. Hãy hiểu cách mà lòng tham luôn mang lại nhiều khổ sở hơn cho bạn, nhiều mệt mỏi căng thẳng hơn. Hãy hiểu cách nó cứ liên tục tạo ra địa ngục mới cho bạn, ngay trước bạn để sao cho bạn luôn có hàng tá địa ngục mới chực chờ sẵn mỗi khi bạn thoát ra khỏi một cái.
Hãy nhìn sâu vào hiện tượng mang tên lòng tham và không cần gì ý tưởng vứt bỏ nó. Bởi vì nếu bạn muốn vứt bỏ nó, một phần của ham muốn này sẽ tiếp tục duy trì bên ngoài tầm quan sát của bạn. Phần này sẽ muốn bạn vứt bỏ lòng tham khác nhưng vẫn vô nhận biết về chính nó, để nó vẫn được ở trong bóng tối.
Không có nhu cầu nghĩ về những khuôn mẫu này. Hãy cố hiểu. Đó là những gì Socrates ngụ ý khi nói “Biết chính mình”. Nó không có nghĩa là bạn ngồi yên lặng và lặp lại “Tôi là linh hồn, tôi là thượng đế”. Nó không có nghĩa đó. “Biết chính mình” nghĩa là trong bất cứ trường hợp nào, bạn vẫn đi sâu vào bên trong, xuyên qua từng lớp của bản ngã. Đi vào tới đáy của nó, tới tận gốc rễ. Nhìn xuyên qua nó. Và ngày mà bạn có thể nhìn xuyên qua tất cả những lớp đó của lòng tham, của bản ngã…
Những lớp ấy chỉ như những lớp vỏ của củ hành. Bạn cứ tiếp tục lột vỏ một củ hành. Chỉ như thế, lột các lớp của bạn như một củ hành. Lột những lớp đã khô bên ngoài, lột cả những lớp còn tươi bên trong, thế rồi cứ tiếp tục lột… Một ngày, đột nhiên bạn lột tới tận cùng và không gì khác ngoài sự trống rỗng còn lại trong tay bạn – Cái Không, Không Gì Cả. Trong cái không đó, lòng tham biến mất, trong sự trống rỗng đó, giác ngộ xảy ra. Trong cái không đó là tính linh thiêng, là thượng đế.
Vậy nên thay vì hỏi làm cách nào để vứt bỏ lòng tham, hãy hỏi làm sao để hiểu lòng tham. Toàn thể mọi thứ đều treo quanh một thứ: sự hiểu biết. Khi hiểu biết là hoàn hảo, có giải thoát.
Đó là những gì Jesus ngụ ý khi nói “Sự thật sẽ giải phóng ngươi”.
Khi bạn biết sự thật về lòng tham, bạn được giải thoát. Khi bạn biết sự thật về tính dục, bạn được giải thoát. Khi bạn biết sự thật về bất cứ gì, bạn được gỉai thoát khỏi thứ đó.
Để hiểu biết chính là được tự do, không hiểu biết tức là còn trong nô lệ.
Vậy nên đừng hỏi làm cách nào để vứt bỏ lòng tham. Không có gì phải vội cả. Trên thực tế, hãy đi sâu vào trong nó, quan sát nó một cách sâu sắc trước khi nó tự mình biến mất. Nếu không thì, bạn sẽ luôn lỡ mất dịp để hiểu biết. Nếu nó tự rụng trước khi bạn hiểu, thứ gì đó đã bị lỡ mất. Đó là lý do tại sao nó không bao giờ tự rụng một cách ngẫu nhiên cả, nó cứ bám lấy bạn. Nó bám lấy bạn cho tới khoảnh khắc cuối cùng khi bạn hiểu nó, khi bạn có cái nhìn sâu sắc vào nó rằng không có gì mà không được tiết lộ. Bằng quan sát một cách sâu sắc, bạn có thể thấy cách thức vận hành của lòng tham, cách thức tinh tế của lòng tham.
Giờ, câu hỏi này là một câu hỏi tinh tế của lòng tham “Làm sao để từ bỏ?” Đó chính là vấn đề của gấu Pooh: “Nó nghĩ rằng nó hiểu. Nhưng những ngày sau đó, khi nó ngồi xuống và lén lút liếc nhìn qua kẽ mắt – chẳng có mật ong nào”. Bạn sẽ cũng lén lút liếc nhìn từ kẽ mắt của bạn – trừ khi bạn hiểu về lòng tham một cách toàn bộ.
“Gấu Pooh thậm chí cố gắng ngồi xuống trở lại và nói rất to ‘Tôi không đang tìm mật ong’. Và bạn cũng nói điều tương tự nữa. Bạn nói đi nói lại điều ấy rất nhiều lần “Tôi đang không kiếm tìm phúc lạc. Tôi không đang kiếm tìm giác ngộ. Osho nói niết bàn là cơn ác mộng cuối cùng, vậy nên tôi không tìm kiếm nó đâu.” Và rồi sau đó một cách lén lút, từ kẽ mắt của bạn, bạn đang tìm kiếm nó. Bạn đang chờ đợi, và bạn nói, “Vấn đề là gì? Osho đã nói ‘khi bạn vứt bỏ mọi lòng tham, nó sẽ xảy ra’. Vậy mà tôi chờ mãi mà nó vẫn chưa xảy ra.” Bạn chưa bỏ lòng tham của bạn chút nào.
Nhưng bạn không thể từ bỏ tham vọng một cách dễ dàng đâu. Tôi cứ phải nhấn mạnh điều này, nhấn mạnh của tôi là rất rõ ràng.
Sẽ có những người thầy khác nói với bạn “Hãy từ bỏ lòng tham!” Tôi không nói bạn từ bỏ nó, bởi vì tôi biết bạn không thể từ bỏ nó. Không ai từng có thể từ bỏ nó cả. Thậm chí cả Phật cũng không thể từ bỏ nó. Nó tự bỏ chính nó một ngày khi Phật hiểu ra mọi thứ. Khi bạn hiểu, lòng tham giống như trái chín muồi, nó tự rụng. Bạn chẳng thể nào bảo một trái phải rụng cả.
Nếu bạn từ bỏ thứ gì đó, bản ngã bây giờ sẽ cảm thấy rất được nâng cao: ta đã từ bỏ. Và bản ngã được bắt rễ sâu trong những ham muốn. Nó sẽ tạo ra nhiều ham muốn hơn. Nó sẽ tìm thấy những cách thức mới. Nó là thứ rất sáng tạo. Bởi vì tính sáng tạo của bản ngã, bạn không thể nào phát hiện ra nó là cái gì. Bởi vì quá nhiều sáng tạo, thực tại bị lỡ mất. Lòng tham muốn sẽ luôn tìm những cách khác, như là từ cửa sau để quay trở lại.
Vậy nên đừng hỏi làm sao để từ bỏ. Tôi không ở đây để giúp bạn từ bỏ nó. Tôi ở đây để giúp bạn hiểu nó. Nếu lòng tham vẫn còn đó, nó đơn giản biểu lộ một điều: bạn vẫn chưa hiểu nó. Bạn vẫn chưa làm xong bài tập về nhà. Làm bài tập về nhà đi. Đừng vội vàng vứt bỏ nó. Chỉ cần nhìn, quan sát.
Quan sát trong những thứ rất nhỏ bé của cuộc sống. Bạn đang bước đi trên con đường, một chiếc xe hơi chạy qua. Chỉ cần nhìn sâu vào bên trong bạn: có những sự ham muốn khởi lên. Khoảnh khắc bạn nói chiếc xe thật đẹp, một lòng tham tinh tế khởi lên trong bạn về ước muốn sở hữu nó. Một người phụ nữ đẹp đi ngang qua, hay một người đàn ông đẹp và đột nhiên một mong muốn nảy sinh để sở hữu người đó.
Khoảnh khắc bạn thấy thứ gì đó – một đứa trẻ đẹp – và sâu bên dưới một mong muốn khởi lên: bạn cũng muốn có một đứa trẻ như thế. Trên thực tế, nếu bạn nhìn sâu vào trong mong muốn của bạn, bạn sẽ tìm thấy mong muốn được mang thao một đứa trẻ xinh đẹp khởi lên bên trong tâm trí bạn. Trong những lớp sâu nhất, mong muốn có đó. Trên bề mặt, bạn đơn gỉan nói “thật là một đứa trẻ xinh đẹp. Tôi ước tôi có một một đứa trẻ xinh đẹp như thế.” Trên bề mặt nó là đơn giản, đơn giản như khi bạn trao một lời khen cho đứa trẻ, nhưng bên dưới, rất nhiều thứ đã xảy ra.
Hãy quan sát cách lòng tham khởi lên trong những thứ nhỏ bé khác của cuộc sống nữa. Ví dụ khi bạn đang ăn, bạn biết cơn đói của bạn đã được thoả mãn, nhưng dù không còn đói, bạn vẫn cứ tiếp tục ăn. Quan sát đi – một mong muốn ăn thêm có đó dù cho nó không còn là nhu cầu của cơ thể. Bây giờ bạn không chỉ ăn vì đói, bạn ăn vì tham.
Hay một ngày khác khi bạn đang trong thiền định, một cảm giác rất đẹp xảy ra. Nó thoảng qua như một cơn gió mát tràn vào sự tồn tại của bạn. Đột nhiên có ánh sáng, đột nhiên có hương thơm, bạn chưa kịp thưởng thức hương thơm ấy được bao lâu thì nó biến đi mất. Từ đó, mỗi khi bạn thiền, bạn lại muốn cảm giác đó xảy ra mọi ngày trong thiền của bạn. Thế thì bạn lại căng thẳng. Và như một quy luật, bạn càng có nhiều căng thẳng hơn thì càng có ít khả năng cho nó xảy ra hơn. Giờ thì cơn gió không thể tràn vào vì cửa sổ của bạn đã đóng. Và khi nó không mở, bạn lại càng khao khát nó nhiều hơn. Bạn trở nên khổ sở và tự vặn hỏi: tại sao nó lại không xảy ra?
Tôi đã quan sát rất nhiều thiền nhân, hàng ngàn. Khi lần đầu tiên họ đi vào thiền, họ đi rất sâu, rất dễ dàng, gần như ngay lập tức. Thế rồi sau khi cái nhìn thoáng qua đó biến mất, nó biến mất hàng tháng mà không trở lại. Họ đến với tôi và nói, “Chuyện gì đang xảy ra? Tôi đã thấy gì đó và nó cực kì đẹp. Nhưng tại sao nó lại biến mất? Tôi đã làm gì sai?”
Bạn không làm gì sai cả, bạn chỉ trở nên tham lam mà thôi. Khi nó xảy ra lần đầu tiên, bạn đã không tham lam, bởi vì bạn chưa bao giờ trải qua nó trước kia. Làm sao bạn có thể tham lam thứ gì đó mà bạn không biết? Nó đơn giản đến và bạn đã bắt được nó một cách vô nhận biết. Giờ thì quan sát đi. Nó đến khi bạn không đòi hỏi nó chút nào. Nó tự đến khi bạn không trông đợi. Giờ bạn lại đang đòi hỏi nó. Giờ bạn đang hỏi thứ gì đó mà chỉ xảy đến khi bạn không đòi hỏi. Bạn đang tạo ra toàn thể rắc rối vì lòng tham đã đi vào tâm trí bạn một lần nữa.
Thỉnh thoảng nó xảy ra rằng một người đã đến rất gần với chứng ngộ, thế rồi đột nhiên nó đi mất do người này khởi lên một lòng tham, một sự kì vọng: mình sắp đạt đến.
Vậy nên hãy quan sát. Ăn – hãy quan sát. Ngủ – hãy quan sát.
Trong buổi sáng bạn biết rằng giấc ngủ đã qua rồi nhưng bạn vẫn cứ nằm nán lại và muốn có thể ngủ thêm một chút nữa. Đây chính là lòng tham. Nếu cơ thể và tâm trí của bạn đã tươi tắn và bạn cảm thấy khoẻ, không mỏi mệt. Tại sao lại muốn ngủ thêm? Đây là một cái tham rất tinh tế. Tâm trí bảo, “thêm một chút cũng chẳng hại gì” nhưng bạn cứ nằm đó trằn trọc, không thể ngủ được mà cũng chẳng muốn dậy chút nào.
Cảm gíac tham lam tinh tế này hiện diện ở khắp mọi nơi: khi bạn ăn, ngủ, thiền định – lòng tham ấy có ở khắp mọi nơi.
Một ngày bạn làm tình với người đàn bà hay người đàn ông, và nó thật tuyệt. Sau đó bạn tham lam, bạn muốn nó lặp lại nữa, nhưng cái cảm giác tuyệt vời đó không bao giờ quay trở lại. Bạn đau khổ. Bạn không biết chuyện gì đã xảy ra, cái gì đã đi sai? Tại sao tôi lại không đạt lại cùng đỉnh cao đó? Bạn sẽ không bao giờ đạt lại nó lần nữa đâu. Bởi vì bạn đang tìm kiếm nó. Lần đầu tiên nó xảy ra bởi vì bạn đã không tìm kiếm nó.
Đây là luật nền tảng. Mọi thứ xảy ra và chỉ xảy ra theo luật tự nhiên của nó. Bạn không thể xoay xở nó xảy ra theo ý của bạn. Những thứ vĩ đại không bao giờ xảy ra theo sự sắp xếp hay tính toán của bạn. Chúng luôn luôn vượt lên trên bạn, bên ngoài tầm điều khiển của bạn. Bạn có thể cùng lắm là cho phép nó xảy ra. Cùng lắm bạn có thể giữ cho cửa mở để chúng có thể xảy ra, nhưng bạn không thể bắt ép chúng xảy ra được.
Nếu bạn bắt ép, không gì xảy ra cả. Sau đó bạn có thể tiếp tục đi làm tình với người yêu của bạn và không gì xảy ra. Trên thực tế, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy chán ngán. Bạn sẽ bắt đầu ghét người phụ nữ, bạn sẽ bắt đầu ghét người đàn ông. Bạn sẽ nghĩ rằng người kia đang lừa dối bạn. Thế rồi bạn bắt đầu tìm kiếm một người khác, bạn sẽ kiếm tìm một nơi khác để đi bởi vì ‘nó không xảy ra ở đây nữa’. Bạn sẽ trở nên nghi ngờ liệu nó đã bao giờ thực sự xảy ra hay chỉ là do bạn đã tưởng tượng? Bạn sẽ nghi ngờ về chính kinh nghiệm mà bạn đã trải qua. Bạn nghi ngờ về chính mình.
Người ta đến với tôi và nói, “Đã hàng tháng tôi thiền định rồi mà chẳng có gì xảy ra cả.” và họ nói họ nghi ngờ: Liệu họ đã tưởng tượng ra nó ở chỗ đầu tiên? Họ đã không tưởng tượng ra nó. Nó đã thật sự xảy ra. Nhưng giờ họ muốn nó xảy ra và họ đang tưởng tượng và họ tạo ra một ý tưởng quanh chính họ.
Vậy nên cần phải làm gì?
Bạn chỉ phải quan sát mọi cách thức của tâm trí, mọi hoạt động của tâm trí, mọi trò chơi của nó: lòng tham, khao khát, ham muốn, tham vọng, ghen tị, tính sở hữu, tính chi phối, tính thống trị… Bạn phải quan sát mọi thứ. Tất cả chúng đều kết nối với nhau, nhớ đấy.
Nếu lòng tham biến mất, thế thì tức giận cũng biến mất.
Nếu tức giận biến mất, ghen tị cũng biến mất.
Nếu ghen tị biến mất, bạo lực cũng biến mất.
Nếu bạo lực biến mất, tính sở hữu biến mất.
Chúng tát cả đều đan xen.
Trên thực tế, chúng là những nan hoa của cùng một bánh xe, và trung tâm kết nối lẫn hỗ trợ cho tất cả chúng chỉ là một thứ. Thứ đó là bản ngã. Vậy nên quan sát cách thức của bản ngã đi.
Quan sát, quan sát, quan sát… một ngày, đột nhiên nó không còn ở đó. Chỉ người quan sát còn lại. Khoảnh khắc đó của tính quan sát thuần khiết chính là khoảnh khắc của biến đổi, của giác ngộ.
Osho, cuốn “Fame, fortune and ambition: what is the real meaning of success?”
Phi Tuyết dịch
20/05/2020
Namaste!