Osho – Guru của người giàu

Kẻ hà tiện hào phóng

Một trong những người bạn của tôi, ông Rekhchand Parekh, là một người rất giàu.

Ông ấy chính là người đã tặng cho tôi dường như tất cả mọi thứ. Ông ấy cũng nhấn mạnh rằng không ai khác được quyền tặng tôi bất cứ cái gì trước ông ấy. Ông ấy muốn được là người đầu tiên tặng tôi mọi thứ. Vậy nên bất cứ thứ gì tôi cần hay là ông ấy nghĩ tôi cần tới, ông ấy sẽ làm mọi cách để mang chúng đến cho tôi: kể cả những thứ mà tôi chẳng bao giờ dùng tới.

Tôi hỏi ông ấy: “Tôi làm gì với những thứ này bây giờ? Tôi không cần chúng.”

Ông ấy đáp: “Điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là, không ai được phép tặng cho cậu bất cứ cái gì trước tôi. Sau này sẽ có rất nhiều người hiến tặng cậu rất nhiều thứ. Thậm chí hàng triệu người sẽ dâng tặng cậu bất cứ thứ gì họ có, với tình yêu và sự kính trọng. Nhưng họ sẽ luôn phải xếp hàng ở phía sau tôi. Tôi muốn là người đầu tiên mang đến cho cậu mọi thứ. Không ai khác được đứng trước tôi trong hàng người yêu mến cậu.”

Tôi đã rất miễn cưỡng khi nhận những thứ ấy, bởi vì ông ấy cứ tặng tôi những thứ mà tôi chẳng có ý định dùng tới chút nào, nhưng nếu tôi không dùng, thế thì ông ấy đã phải tiêu tiền một cách không cần thiết, rất nhiều tiền một cách vô ích. Điều đó làm tôi áy náy.

Bởi vì quá giàu nên ông ấy luôn có những yêu cầu rất khắt khe. Ông ấy thuộc người của chủ nghĩa hoàn hảo, chỉ những thứ tốt nhất, đắt nhất mới có thể làm vừa lòng ông ấy. Và nhiều lần xảy ra là nếu tôi từ chối món quà, ông ấy nhất định sẽ xoay xở tìm ra cách để tống món quà ấy vào nhà tôi theo đủ mọi cách: đường hòang hay không đường hoàng, ông ấy không quan tâm.

Ông ấy là kiểu người sẵn sàng phá khoá cửa nhà tôi để đặt vào trong nhà một món quà mà tôi đã từ chối.

Mỗi năm tôi thường ghé thăm và ở lại nhà ông ấy ít nhất đôi ba ngày, đó là một thoả thuận của chúng tôi. Một lần trước khi tôi rời đi, ông ấy đã căn dặn một điều mà ông ấy chưa từng dặn trước đây. Ông ấy nói: “Hãy cẩn thận một chút với cái vali của cậu.”

Tôi hỏi: “Tôi đã thăm ông bao nhiêu lần và rời đi bao nhiêu lần, ông cũng đã tiễn tôi tới nhà ga và nói tạm biệt bấy nhiêu lần. Nhưng chưa bao giờ ông dặn tôi bất kì điều gì với cái vali cả. Nói thật đi, có vấn đề gì thế?”

Ông ấy đáp: “Chẳng có vấn đề gì cả” và rồi đưa tôi chìa khoá của chiếc vali.

Tôi nói: “Thật lạ. Tại sao ông lại có chìa khoá vali của tôi? Nếu ông quên đưa và cứ giữ chiếc chìa khoá này khi tôi đã đi khỏi, thì tôi nhất định sẽ gặp rắc rối lớn. Chuyến tàu từ nhà ông tới Jabalpur mất khoảng 36 tiếng. Nếu như ông quên đưa tôi chiếc chìa khoá thì…?”

Ông ấy đáp: “Tôi không quên trả lại chiếc chìa khoá này được đâu.”

Khi đã rời đi, tôi biết ngay là có vấn đề với chiếc vali vì chẳng lý gì tự nhiên ông ấy lại trộm chiếc chìa khoá vali của tôi như thế. Tôi mở nó ra và bất ngờ khi thấy chiếc vali bị nhét đầy những cọc tiền giấy mệnh giá 100 rupees.

Tôi phải thốt lên:“Lạy chúa, ông làm gì thế này?” Rồi tôi thấy một phong bì trong ngăn phụ, viết: “Đây là tiền cho chiếc xe hơi Fiat. Hãy mua nó ngay lập tức khi cậu đến nơi. Cậu không được phép từ chối vì nếu cậu từ chối, điều đó sẽ tổn thương tôi tới cuối đời.”

Tôi nói với chính mình: “Thật là một người kì lạ. Tôi nên làm gì đây vì tôi không có nhu cầu xe hơi chút nào, lại còn là một chiếc xe rất đắt giá. Mỗi lần ở Jabalpur tôi chỉ ở đó năm đến bảy ngày mỗi tháng, tôi không cần xe hơi. Nhưng nếu tôi không làm, ông ấy sẽ rất buồn lòng.”

Và chẳng để tôi quyết định, khi tôi về đến nhà ở Jabalpur, điện thoại reo, ông ấy nói: “Cậu phải đi lấy chiếc xe ngay. Tôi đã sắp xếp xong cả rồi. Tôi đã liên hệ với công ty Fiat ở Jabalpur, chiếc xe đã sẵn sàng. Cậu chỉ cần mang theo cái vali tới đó và mang xe về.”

Tôi nói: “Ông thật sự không để tôi có một chút quyền quyết định nào!”

Nó giống như tôi mua giúp cho ông ấy, ngoại trừ ông ấy chỉ để tôi dùng nó.

Tôi mang cái vali tiền đến hãng xe và người chủ gara nói: “Chúng tôi đã đợi anh cả ngày.”

Tôi nói: “Tôi làm được gì bây giờ? Chuyến tàu bị trễ hai tiếng”.

Ông ấy nói: “Anh đừng lo. Bạn của anh đã sắp xếp mọi sự đâu vào đó. Trong xe cũng đã có một chiếc radio để sẵn rồi. Ngoài ra, tất cả những thứ khác như bảo hiểm, bằng lái, những cuộn băng, thậm chí cả loại camera tốt nhất nữa, tất cả đã đâu vào đó.”

Ông ấy thật sự đã xoay xở để làm cho mọi thứ sẵn sàng ngay cả trước khi tôi biết về chúng. Thật là một người đàn ông chu toàn và hiếm có. Lạ lùng nữa. Ông ấy được biết đến như là người keo kiệt nhất thành phố, ông ấy không bao giờ cho ăn xin dù chỉ một xu. Những người ăn xin thậm chí không thèm nhìn qua nhà ông ấy khi họ đi ăn xin bởi vì họ biết chẳng cách nào để lấy được một cắc từ con người giàu có nhưng hà tiện bủn xỉn này.

Nếu như một người ăn xin nào đến đứng trước nhà ông ta và những người ăn xin khác mà thấy, họ sẽ nói: “Anh chắc hẳn là người mới rồi. Ăn xin trước nhà của Rekhchand Parek sao? Thật sao? Đúng là việc ngu ngốc và lãng phí thời gian quá.”

Ông ấy thật sự nổi tiếng là một người keo kiệt. Ông ấy không chỉ không cho ăn xin mà còn không bao giờ quyên góp hay làm từ thiện một xu cắc nào, cho bất cứ tổ chức nào hay một trường hợp nào trong suốt cả đời ông ấy. Không bao giờ, dù chỉ một xu.

Người giới thiệu tôi với ông ấy chính là vợ của ông. Một ngày bà ấy tìm đến tôi và nói: “Chồng tôi là người quá keo kiệt, trong khi ông ấy lại qúa giàu. Chúng tôi chỉ có ba đứa con gái. Tất cả chúng đều đã kết hôn với những gia đình giàu có và có cuộc sống rất tốt nên không vấn đề gì về thừa kế cả, không có nhu cầu. Chúng tôi không có con trai, chẳng có ai kế tự, nhưng ông ấy vẫn cứ tiếp tục kiếm thêm tiền, mua thêm nhà, tích cóp thêm của cải. Chính tôi cũng không biết ông ấy đang có những gì và có bao nhiêu.”

Họ sống ở Chanda, thuộc Maharashtra. Bà ấy nói: “Ông ấy đã thu mua gần như một phần ba số nhà trong thành phố này, dường như ông ấy dự định mua hết cả thành phố. Nếu trên phố có bất cứ nhà nào rao bán, ông ấy sẽ mua ngay mà không bao giờ để bất cứ ai khác có cơ hội mua chúng. Cứ dường như niềm vui duy nhất trong đời ông ấy là tích luỹ tiền. Tôi đã mời về nhà rất nhiều những vị sư Jaina giáo” – vì họ theo đạo Jaina và cả Gandhian- “Tôi cũng mời rất nhiều đại tín đồ của Gandhi, với mong muốn rằng may ra ai đó có thể thay đổi suy nghĩ của ông ấy. Nhưng ông ấy luôn rất lạnh lùng và thẳng thắn, ông ấy không để cho ai có bất cứ cơ hội nào để thuyết phục.”

Vậy nên tôi nói: “Được rồi, tôi sẽ đến. Tôi không đảm bảo sẽ thay đổi bất kì điều gì đâu. Tôi không biết ông ấy là loại người như thế nào nhưng chắc chắn có gì đó về ông ấy khiến tôi cảm thấy rất thu hút.”

Ông ấy tới đón tôi tại nhà ga. Khi chúng tôi trên đường về, ông ấy lái xe, tôi nói: “Có điều này tôi cần phải nói trước với ông, rằng chính vợ ông đã mời tôi tới đây để thuyết phục ông đừng quá keo kiệt. Bà ấy muốn ông quyên góp tiền cho những tổ chức từ thiện hoặc hoạt động xã hội, hoặc cho các tổ chức tôn giáo, nhà thờ, bệnh viện.

Tôi không hứng thú chút nào tới những điều đó hay các nơi đó. Tôi chỉ muốn đến đây để gặp ông vì tôi cảm thấy ông là người thú vị. Ông thu hút tôi. Ông là một người thật sự hiếm hoi. Tôi nghe nói cả đời ông chưa từng bố thí cho bất cứ người ăn xin nào hay quyên góp cho bất cứ tổ chức nào, dù chỉ một đồng cắc?”

Ông ấy nói: “Đúng vậy. Tôi chưa bao giờ cho ai dù một xu. Bởi vì tôi đang chờ đợi một người đúng xuất hiện. Người mà xứng đáng để tôi hiến tặng tất cả.”

Khi chúng tôi về đến ngôi nhà của ông ấy, người vợ đã vô cùng kinh ngạc bởi vì ông ấy chưa bao giờ mời ai vào thư phòng. Trong suốt cuộc đời sống cùng, bà ấy đã mời không biết bao nhiêu nhà sư, người tu hành, kể cả những vị thầy lớn đến nhà mà ông ấy chưa từng cho phép ai vào trong thư phòng riêng đó.

Ông ấy cũng dặn người giúp việc chuẩn bị cho tôi căn phòng dành cho khách và các thứ tiện nghi khác vì tôi sẽ ở lại. Sau đó ông ấy quay sang nhìn người vợ đang sững sờ: “Bà không phải lo gì về thêm người này nữa.”

Bà ấy không tin nổi, gần như bất động, mất trí, không thể tin vào điều đang xảy ra.

Ông ấy nói với tôi: “Điều này thật lạ lùng nhưng thật sự tôi đã cảm thấy nó. Vào cái khoảnh khắc tôi thấy cậu, tôi đã biết rằng cậu chính là người mà tôi đã chờ đợi cả đời.”

Bây giờ, sau hơn hai mươi năm kể từ ngày đầu tiên chúng tôi gặp nhau, ông ấy chưa bao giờ có bất cứ câu hỏi nào, bất cứ nghi ngờ nào hay quan ngại nào. Ông ấy cũng chưa bao giờ tranh luận với tôi về bất cứ điều gì, mọi điều tôi nói ra, ông ấy đều xem nó như chân lý.

Tôi hỏi vợ của ông ấy, một lần duy nhất, sau ba ngày đầu tiên ở trong nhà của họ. Tôi hỏi: “Ông ấy có chút hứng thú nào trong đời sống tình dục không?”

Bà ấy đáp: “Không, không hề. Ông ấy không có chút nhu cầu hay hứng thú nào cả. Ông ấy thậm chí còn bảo tôi rằng, nếu muốn, tôi có thể ra ngoài để gặp gỡ với bất cứ ai, ông ấy không quan tâm. Đơn giản là ông ấy không bận tâm dù chỉ một chút với chủ đề ấy.”

Khoảnh khắc một người đàn ông mà không còn bận tâm hay hứng thú chút nào với tình dục nữa, năng lượng của ông ấy sẽ được tập trung và dồn vào những mục tiêu thay thế khác. Nó sẽ hướng ông ấy làm thứ gì đó, ông ấy sẽ trở nên bậc thầy trong một số lĩnh vực, trở thành người chủ của chính mình và bắt đầu có sự minh mẫn, cái nhìn sáng suốt bên trong, kể cả viễn kiến về những gì mà người còn đang trong vô thức không thể thấy được.

Chỉ nhìn thấy tôi lần đầu tiên, trước cả khi giới thiệu, ông ấy nói: “Tôi đã tìm thấy người đó rồi.”

Từ sau đó, bất kể khi nào tôi cần bất cứ khoản tiền nào, dù là cho bản thân tôi hay cho bất cứ ai khác, tôi chỉ cần nói với ông ấy: “Hãy gửi nhiêu đây, cho người này…”

Ông ấy không bao giờ hỏi: “Người này là ai và tại sao lại phải gửi nhiều như thế này?”

Ông ấy không bao giờ hỏi nhưng chỉ đơn giản gửi nó, trao nó đi đúng với yêu cầu của tôi. Ngay cả vợ của ông ấy cũng bị sốc. Bà ấy không thể tin được người đàn ông keo kiệt này, người bị xem là bủn xỉn bậc nhất này đột nhiên lại được biến đổi hoàn toàn thành một con người khác hẳn, một con người đối lập, quá hào phóng.

Tôi bảo bà ấy: “Bà đừng lo nghĩ. Ông ấy không phải người keo kiệt đâu. Đó chỉ là hiểu nhầm. Ông ấy không muốn cho những người không xứng đáng. Thật ra ông ấy là một người vô cùng hào phóng. Trên xe từ nhà ga về đây ông ấy thậm chí đã nói rằng, ‘Giờ tôi đã tìm ra người đúng. Tôi sẵn sàng hiến tặng tất cả. Mọi thứ của tôi đều thuộc về cậu. Cậu có thể làm  bất cứ gì với tài sản của tôi nếu cậu muốn’. Một người như vậy thì tất nhiên không phải người keo kiệt chút nào. Chỉ là hiểu nhầm thôi. Thật không dễ dàng để tìm ra người nào hào phóng hơn ông ấy.”

Nhưng tính hào phóng ấy ở đâu mà bỗng nhiên xuất hiện như vậy? Nó là thứ đến từ vùng nhận thức mà ông ấy đã trở thành người chủ.

Bản năng đàn ông là thứ khiến họ bám riết lấy mọi thứ: tình dục, tiền bạc vật chất, danh vọng quyền lực, mọi thứ. Nó thuộc vùng vô thức. Càng ý thức bao nhiêu người ta càng ít bám dính hay lệ thuộc vào chúng bấy nhiêu.

Tôi hỏi ông ấy: “Tại sao ông cứ tiếp tục mua tất cả những căn nhà?”

Ông ấy đáp: “Bởi vì một ngày nào đó có lẽ cậu sẽ muốn xây dựng cả một cộng đồng. Nếu tôi không chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, làm sao tôi có thể tặng nó cho cậu khi cậu cần? Tôi phải mua dần để đến khi cậu cần, tôi sẽ có sẵn cả một thành phố cho cậu tuỳ nghi sử dụng.

Tôi biết là sẽ cần một ít thời gian cho tới ngày cậu cần một nơi của riêng mình. Tôi đang chuẩn bị nó cho cậu.”

Thật lạ lùng. Ông ấy đã mua rất nhiều những căn nhà từ trước khi gặp tôi và ông ấy cũng đã dành cả cuộc đời để chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày nào đó, một người đúng nào đó sẽ bước vào đời ông ấy. Ông ấy thậm chí còn tính tới cả việc cái người đúng đó có thể sẽ cần cả một thành phố cho công việc riêng của mình.

Ông ấy đã làm tất cả những điều này để chuẩn bị cho một người ông ấy không biết khi nào sẽ xuất hiện. Thật là một tình huống lạ lùng.

Thỉnh thoảng ông ấy cũng đi du hành cùng tôi. Tôi có thể thấy thêm một lý do khiến mọi người nghĩ ông ấy là tay hà tiện bậc nhất. Bởi vì ông ấy quá giàu, rất giàu nhưng bất cứ khi nào phải đi du hành, ông ấy đều chọn đi trên những toa tàu hạng ba, hạng tồi nhất chứ không phải toa hạng nhất hay toa lạnh. Chưa kể ông ấy cũng luôn chọn loại tàu hạng thường nhất chứ không phải tàu siêu tốc.

Nhưng bất cứ khi nào du hành cùng tôi, ông ấy luôn nói: “Cậu có thể đi bằng toa hạng nhất. Tôi sẽ ngồi ở toa hạng ba.”

Một lần tôi hỏi: “Tại sao ông cứ nhất thiết phải ngồi ở toa hạng ba đó?”

Ông ấy đáp: “Tôi có những lý do riêng. Mọi người cứ nghĩ rằng tôi là kẻ keo kiệt nhất. Họ không biết rằng tôi không quan tâm về tiền một chút nào cả. Tôi biết làm gì với đống tiền sau khi tôi chết đi chứ? Chúng cứ nằm ở đó cũng được. Tôi không bận tâm. Nhưng việc du hành trên toa hạng ba thật là một trải nghiệm đáng giá: những đám đông, những lời xì xào bàn tán, những lời đàm tiếu sau lưng… Nói chung là tất cả các thể loại lộn xộn mà người ta có thể bắt gặp chỉ ở các toa tàu của Ấn Độ. Đối với tôi, chúng rất thú vị.”

Ông ấy hẳn đã du hành khắp Ấn Độ trên các toa hạng ba ấy cho nên bất cứ trạm dừng hay nhà ga nào ông ấy đều có bạn bè. Ông ấy gọi những người cu-li khuân vác bằng tên riêng của từng người. Ông ấy biết tất cả mọi nơi cần biết: nơi nào có sữa ngon nhất, nơi nào có trà ngon nhất, nơi nào có bánh ngọt ngon nhất.

Ông ấy giải thích: “Đây là lý do tôi không đi các tàu siêu tốc, vì chúng chỉ dừng ở một vài ga cố định. Tôi muốn dừng ở mọi ga vì ở mỗi ga tôi đều có những người bạn và những việc phải làm. Tàu chở khách sẽ dừng lâu hơn ở mỗi trạm so với các tàu đưa thư hay tàu chở hàng. Tàu hành khách rất dễ để trì hoãn, luôn có lý do để nó hoãn giờ chạy đâm ra tôi luôn có ít nhất vài giờ trong bàn tay để làm điều tôi muốn.

Chưa kể, tất cả những người quản lý hoặc người làm công ở các toa tàu đều là bạn của tôi: từ người quản lý nhà ga, những người tài xế hay cả cánh bảo vệ, tất cả đều là bạn tôi vì mỗi khi tôi khám phá ra những món bánh hay trà ngon, tôi đều gọi bọn họ đến cùng thưởng thức. Họ quý tôi nên bất cứ khi nào tôi tới, họ đều nói, ‘Ngài Parek, cứ thong thả mà tận hưởng. Trừ khi ngài bước lên tàu, tàu sẽ không nhúc nhích’.”

Và ông ấy cũng nói thêm: “Tôi thích làm người chủ hơn là người phục vụ. Tôi không thích là người phải vội vàng chạy khi người khác chỉ huýt một chút gió. Không!”

Lý do của ông ấy là: “Tôi thích cảm giác chỉ sau khi tôi bước lên tàu thế thì người ta sẽ huýt sáo và vẫy cờ để cho tàu được phép rời khỏi ga. Mọi người đều biết Ngài Parek đã lên tàu.”

Ông ấy đã khá già lúc ấy, khoảng năm mươi, còn tôi chỉ mới ba mươi lăm nhưng ông ấy là người thường kéo tôi ra khỏi nhà ga và bào: “Đi thôi. Những cây xoài đã tới lúc chín rồi và xoài ở đây rất ngon.”

Tôi nói: “Tàu đang ngay đây mà chúng ta bỏ đi hái xoài sao? Tôi có những cuộc hẹn đã lên lịch, tôi không muốn trễ tàu.”

Ông ấy thường nói: “Đừng lo lắng. Trừ khi tôi bước lên tàu, nó sẽ không rời khỏi ga. Cậu cứ đi cùng tôi, chúng ta sẽ đi hái những quả xoài chín.”

Một ngày nọ khi chúng tôi đang hái xoài thì ông ấy bảo tôi nhìn lên phía trên cây và tôi nhìn lên thì thấy một người đàn ông khác cũng đang trên cây hái xoài.

Ông ấy bảo tôi: “Đó là người lái tàu của chúng ta. Anh ấy biết tôi sẽ ra đây hái xoài nên chẳng việc gì phải vội, anh ấy cũng ra làm vài trái. Anh tuyệt đối không phải lo lắng về đoàn tàu. Cứ hái xoài đi, xoài ở đây rất ngon, rất ngọt. Mọi sự đều trong tầm kiểm soát của tôi. Đừng lo lắng.”

Một lần khác khi chúng tôi ở thành phố Rajasthan, Biawar và tôi đã có một trận cúm. Cả đêm ông ấy cứ túc trực bên cạnh giường tôi, tôi bảo: “Parek, ông nên đi ngủ đi, vì ông mà tôi không thể ngủ được.”

Ông ấy đáp: “Ngủ hay không là chuyện của cậu. Tôi không thể rời khỏi đây được. Lỡ trong đêm cơn sốt gia tăng và có chuyện gì với cậu trong lúc tôi đang ngủ… Tôi không thể để chuyện gì xảy ra được.”

Nhưng chuyện đó đã thật sự xảy ra, đêm đó tôi đã bị sốt rất cao và ông ấy đã ở đó chăm sóc tôi. Ông ấy nói: “Cậu thấy lợi ích của việc tôi không đi ngủ chưa? Thế thì khi cậu sốt cao cậu không cần phải đánh thức tôi dậy chút nào.”

Tôi đáp: “Quả đúng là như thế.”

Rồi ông ấy gọi bác sĩ và bảo tôi: “Đây không phải lúc để cậu rời bỏ thân thể này. Nếu như cậu có thể bằng cách nào đó làm điều này: tôi sẵn sàng rời khỏi thân thể tôi để cậu có thể ở lại trong thân thể cậu. Tôi sẵn sàng đánh đổi mạng sống của tôi cho cậu, vì cậu còn có việc phải làm, tôi không còn gì để làm trên đời này nữa cả.”

Đây là một loại tình yêu thật đặc biệt: tình bạn với quá nhiều tôn trọng và yêu mến.

Tình yêu thông thường của bản năng là giả cho nên nó dễ dàng bị chuyển hoá sang ghét bất cứ lúc nào. Người sẵn sàng chết vì bạn lúc trước có thể giết bạn sau đó. Người yêu thương bạn nhiều nhất có thể chính là người đầu độc bạn sau này.

Tình yêu, nếu nó mang tính bản năng, nó nằm ngoài sự kiểm soát của bạn, bạn chỉ là nô lệ của nó. Khi sự vô ý thức làm chủ, mọi sự đều dễ dàng bị lộn ngược mà bạn chẳng thể làm gì cả.

Nhưng khi tình yêu đạt đến cấp độ của ý thức, nó sẽ mất đi những mục đích sinh học, nó giúp nâng cao trí tuệ của bạn, chứ không phải bản năng, khi ấy tình yêu sẽ mang một hương vị hoàn toàn khác.

*Sau này, năm 1973, một đạo tràng mang tên “Kailash” được thành lập trên vùng gia trang của nhà Parekh tại Chanda.

Chương 41: Kẻ hà tiện hào phóng

Cuốn “Giáo Sư Nổi Loạn” – những câu chuyện cuộc đời Osho do Phi Tuyết sưu tầm, biên tập và dịch

Mời bạn inbox Fanpage Cuộc đời Osho để đặt mua sách!

Namaste!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *