Câu chuyện của những vì sao
Chiêm tinh học và Thiên văn học, tuy cả hai có cùng một xuất phát điểm, một đối tượng nghiên cứu là vũ trụ và các vì tinh tú nhưng lại hoàn toàn khác nhau về tính chất. Trong khi Thiên văn học nghiên cứu về vị trí, chuyển động, tính chất của các thiên thể thì Chiêm tinh học lại nghiên cứu cách mà các vị trí, chuyển động và tính chất ấy ảnh hưởng đến hành động của con người lẫn các sự kiện xảy ra trên trái đất. Hiểu nôm na Thiên văn học là việc kể lại giấc mơ còn Chiêm tinh học là việc đoán định giấc mơ ấy có ý nghĩa gì, điềm báo gì. Tất nhiên việc quan sát và dự báo về các vì tinh tú thì chuẩn xác và mang tính khoa học nhiều hơn những giấc mơ.
Đấy là theo cách hiểu của tôi. Để làm rõ hơn, tôi đã hỏi một người được cho là có chuyên môn trong lĩnh vực này, đó là admin của fanpage Chòi Chiêm Tinh vốn rất nổi tiếng về chuyên môn học thuật lẫn tinh thần “Mang chiêm tinh học hiện đại đến với người Việt Nam” để giúp các bạn có cái nhìn hoàn chỉnh và khách quan hơn.
“Thiên văn học và Chiêm tinh học là một. Thiên văn học là “đứa con” của Chiêm tinh học. Tuy đều quan sát bầu trời và vũ trụ nhưng mỗi ngành sẽ tập trung vào những hướng khác nhau.
Thiên văn học đi sâu vào nghiên cứu về tính vật lý và khoa học, ví dụ như tìm hiểu cấu trúc, phân tử, môi trường, khí quyển, thời tiết, vòng đời của các vì sao hay nguồn gốc của vũ trụ… để xem liệu chúng có thể giúp ích hay gây tác hại cho trái đất lẫn đời sống con người hay không. Hoặc liệu con người có thể khai thác năng lượng, tài nguyên từ chúng; có thể du hành hoặc sinh sống ở ngoài trái đất được hay không.
Chiêm tinh học cũng quan sát chuyển động của các thiên thể trên bầu trời giống y như thiên văn học, nhưng không quan tâm lắm về khía cạnh vật lý (ví dụ như mặt trời nóng bao nhiêu độ K hay trên sao Hỏa có bao nhiêu phần trăm khí oxygen…), công nghệ nói trên mà họ chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa các thiên thể trên bầu trời với tâm lý, tâm linh, hành vi và vận mệnh của con người trên trái đất.
Nói một cách khác, để nghiên cứu Chiêm tinh học một cách nghiêm túc, bạn cần có kiến thức cơ bản đầy đủ của không chỉ thiên văn học mà bạn còn cần có thêm những kiến thức thuộc loại “bách khoa” khác như tâm lý, nhân văn, xã hội, tôn giáo, lịch sử, địa lý và càng biết nhiều thêm các môn khoa học khác (như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Khảo cổ, Chính trị, Luật, Y khoa, Kỹ thuật …) sẽ càng tốt. Khả năng liên kết tất cả những kiến thức ấy lại với nhau để giải thích về thế giới, đó chính là Chiêm tinh học.”
Quả là một lời giải thích đơn giản và dễ hiểu. Xin cảm ơn Chòi Chiêm Tinh! Giờ chúng ta sẽ cùng đi sâu hơn một chút để xem Chiêm tinh học có phải là “mê tín dị đoan” hay là một môn khoa học bí truyền cấp cao không dành cho mọi người.
Chúng ta đều biết rằng từ ngàn xưa Chiêm tinh học đã được coi là một bộ môn quan trọng. Những nhà chiêm tinh dành hàng giờ mỗi ngày theo dõi và quan sát sự chuyển dịch của các vì tinh tú để đưa ra các nhận định về hiện tại và tương lai. Họ dùng kiến thức và khả năng suy luận của mình để cho người cầm quyền lời khuyên về thời điểm gây chiến tranh, dẹp loạn lạc hay thời điểm mưa thuận gió hòa tập trung cho mùa màng… Chính vì thế các nhà chiêm tinh chiếm một vị trí quan trọng trong triều chính, chỉ sau các giáo sĩ.
Nhà hiền triết Bhrigu của Ấn Độ được cho là người đã truyền dạy về bộ môn này cho các môn đồ của ông vào khoảng 6.000 năm trước và lưu giữ những kiến thức cốt lõi trong bộ sách Brahma Chinta. Bộ sách gồm hai phần: công truyền và bí truyền. Kiến thức công truyền được phổ cập rộng và ứng dụng trong dân chúng nhưng kiến thức bí truyền chỉ dành riêng cho những môn đồ được lựa chọn kỹ lưỡng và trải qua quá trình điểm đạo gắt gao. Bhrigu chỉ truyền cho bốn môn đồ những kiến thức bí truyền ấy, về sau mỗi người hứng thú với mỗi bộ môn khác nhau nên di chuyển tới vùng đất khác nhau để nghiên cứu và ứng dụng kiến thức của riêng họ. Người thứ nhất giỏi về khoa học đã đi sang Ba Tư (Iran ngày nay) lập nghiệp, từ đó ngành chiêm tinh đi về hướng Tây và ảnh hưởng đến Hy Lạp và La Mã sau này. Người thứ hai giỏi về triết học đi về phương Đông, sang Trung Hoa truyền bá ngành này ở đây. Người thứ ba thích nghiên cứu những hiện tượng siêu hình đã lên dãy núi Tuyết Sơn nhập thất, sau đó truyền môn này cho dân chúng Tây Tạng. Người thứ tư ở lại xứ Ấn và làm đến chức quốc sư.
Bộ sách về vũ trụ Brahma Chinta được coi như bảo quốc và bảo quản trong cung điện nhưng sau này do các vị hoàng tử tranh cướp quyền lực với nhau đã làm cho bộ sách bị chia nhỏ thành nhiều phần lưu lạc khắp nơi, từ đó khoa học chiêm tinh trở nên thất truyền. Các mảnh vụn của cuốn sách được sưu tầm, ghi chép lại và được diễn giải theo nhiều cách khác nhau bởi nhiều người, cả tốt lẫn xấu, cả chính lẫn tà. Tà là khi người ta dùng các kiến thức về vũ trụ không phải để giúp cho cuộc sống con người tốt hơn mà chỉ vì mưu lợi bản thân.
Chiêm tinh học trở thành một phần của khoa học chính thống cho đến những năm cuối thế kỷ 17, khi Isacc Newton chứng minh được một số quá trình vật lý mà theo đó, các thiên thể trong vũ trụ ảnh hưởng lẫn nhau. Kể từ đó, iên văn học đã phát triển thành một lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt, nơi những dự đoán về các hiện tượng thiên văn được thực hiện và kiểm tra bằng phương pháp khoa học. Trong khi ngược lại, Chiêm tinh học hiện nay được coi là một thú tiêu khiển và là một lĩnh vực giả khoa học.
Nhiều nhà thiên văn học cũng như nhiều nhà khoa học không công nhận, thậm chí phản đối các kiến thức chiêm tinh vì cho rằng đó là mê tín dị đoan. Nhưng có thật nó là mê tín dị đoan khi một người có thể dự đoán được tương lai dựa trên hiểu biết về quy luật vũ trụ và ảnh hưởng của vũ trụ lên toàn trái đất cũng như toàn nhân loại?
Theo Blair Thomas Spalding viết trong cuốn sách vô cùng nổi tiếng Hành trình về Phương Đông về những gì ông học hỏi được từ những nhà huyền môn và chân sư trong chuyến du hành nhiều năm thì: “Chiêm tinh học là một khoa học thực tiễn chứ không chỉ là một môn huyễn hoặc mê tín. Các tinh tú trong vũ trụ là những khí cụ trung gian biểu lộ một cách trung thực các tác động của năng lượng vào trái đất kể cả đời sống con người. Mỗi người sinh ra đời vào một ngày giờ cụ thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các tinh tú khác nhau với sự sắp xếp và tác động khác nhau ấy gây ra nhiều hoạt động, kể cả việc làm mạch máu di chuyển, tế bào thay đổi, dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời con người đó.”
Quả đúng như vậy, trái đất chỉ là một hành tinh rất nhỏ trong vũ trụ và luôn chịu tác động bởi hàng triệu hành tinh khác dù gần hay xa. Lấy một ví dụ về hành tinh gần gũi nhất với trái đất: mặt trăng. Chúng ta đều biết mặt trăng ảnh hưởng trực tiếp đến sự lên – xuống của thủy triều, lượng mưa trên trái đất, kể cả các thiên tai như động đất hay hạn hán. Mặt trăng giúp cho trái đất giữ trục quay ổn định hơn và quay chậm hơn. Nếu không có mặt trăng thì một ngày sẽ rút ngắn chỉ còn 3-4 giờ và trái đất sẽ rung lắc mạnh hơn gây ra nhiều hỗn loạn cho toàn bộ đang sinh vật sống trên đó. Mặt trăng tạo ra khí hậu, làm nên sự thay đổi của các mùa và cũng được biết đến là có ảnh hưởng đến tính khí lẫn sức khỏe con người. Ví dụ dễ thấy nhất là nó ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và trong khoảng thời gian ấy tính khí của họ thường trở nên bất thường, rất nhạy cảm do sự cân bằng hoóc môn trong cơ thể họ bị ảnh hưởng bởi mặt trăng. Bên cạnh đó năng lượng mặt trăng cũng được cho là mang những ý nghĩa tâm linh rất lớn, những người thường xuyên thiền định rất thích tham thiền mỗi kỳ trăng tròn.
Bạn có thể thấy, chỉ riêng mặt trăng đã có thể gây ra bao nhiêu tác động lên trái đất và ảnh hưởng đến từng sinh vật đang tồn tại trên trái đất. Thế thì tại sao bạn không tin hàng triệu hàng tỷ các hành tinh khác, các vì tinh tú khác trong thiên hà lại không ảnh hưởng đến trái đất theo những cách thức khác nhau? Bởi vì mọi tinh tú trong vũ trụ đều mang theo nguồn năng lượng khổng lồ và có ảnh hưởng đến những tinh tú khác, kể cả những ngôi sao bé nhỏ chứ không chỉ mỗi mặt trăng.
Vậy thì cả Chiêm tinh học và Thiên văn học đều có những công dụng khác nhau trong việc lý giải hiện tại và dự báo tương lai cho nhân loại. Thiên văn học quan sát, ghi chép. Chiêm tinh học cố gắng lý giải và áp dụng những gì đoán định để đem thực hành vào thế giới.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể ứng dụng kiến thức thiên văn và chiêm tinh như thế nào?
Bài: Câu chuyện những vì sao
Link bài tiếp theo: Câu chuyện Chiêm tinh với Khoa học: https://phituyet.com/chiem-tinh-va-khoa-hoc/
cuốn “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?”
Phi Tuyết, 2018
Cảm ơn bạn đã đọc bài. NAMASTE!