“Nhận thức – Ý thức – Nhân chứng” trong Thiền là cái quái gì?
Những từ này bạn có thể nghe rất nhiều khi đọc các sách hay nghe các bài giảng về thiền, bạn cũng có thể mường tượng một cách mung lung về nó nhưng bạn vẫn không chắc mình biết nó là gì. Người ta bảo ‘thiền nói đơn giản là trở nên nhận thức hơn, ý thức hơn, chứng kiến nhiều hơn”. Ừ nói thì dễ vậy đấy nhưng ‘nhận thức’ này, ‘chứng kiến’ này – là cái gì? Làm sao để đi tìm nó? Vì logic đơn gỉan rằng chẳng ai có thể tìm thứ mà họ không hề hay biết.
Thật ra bạn biết nó, bạn đã trải qua rất nhiều những khoảnh khắc của nhận thức – chứng kiến này mỗi ngày mà bạn không để ý đấy thôi. Một ngày 24 giờ, tương đương 86.400 giây, khoảnh khắc là thứ còn nhỏ hơn cả giây. Trong 86.400 khoảnh khắc/ngày này có lẽ bạn chỉ thực sự có “nhận thức” khoảng vài chục giây là cùng. Cho nên những khoảnh khắc “nhận thức” này luôn được ví như là “kim cương” trong cuộc sống. 86 ngàn 3xx khoảnh khắc còn lại chỉ là sỏi đá mà thôi. Bạn sống mà chẳng nhớ mình đang sống, mình đang sống để làm gì, mục đích gì, đâu là ý nghĩa của mọi sự? Nói đúng hơn bạn sống như một đối thể, không phải chủ thể; như một nô lệ, không phải người chủ một chút nào.
Đây là một ví dụ về khoảnh khắc “nhận thức”. Tôi đang gõ tới chỗ 24 giờ, tính nhấc điện thoại lên để tìm máy tính và nhân 24 giờ x 60 phút x 60 giây xem bao nhiêu giây cả thảy, nhưng vừa nhấc điện thoại lên thấy có tin nhắn, tôi trả lời tin nhắn xong, vẫn cầm điện thoại nhưng không nhớ mình đang định làm gì, cần làm gì đó. Không thể nhớ được nhưng biết là có gì đó cần làm. Bỗng “beng” trong một khoảnh khắc, tôi nhìn lên màn hình thấy số 24 giờ và nhớ ra mình đang tính tìm app máy tính để tính số giây trong một ngày. Một cái “À” nhè nhẹ bên trong cất lên, tôi tiếp tục công việc. Cái “À” này, khoảnh khắc bạn “nhớ ra”, “nhận ra” này chính là một khoảnh khắc của nhận thức. Đây là một ví dụ hời hợt thôi, cho bạn thấy rằng “nhận thức” là thứ bạn luôn có, nó luôn ở đó, biết mọi việc nó đang làm, ý nghĩa của mọi thứ, chứng kiến mọi thứ: dự định của bạn, ý đồ, kế hoạch tương lai, nỗi sợ trong quá khứ, sự chây lười và mất trí ở hiện tại – “nhận thức” của bạn nó biết hết, thấy hết nhưng không bao giờ cất tiếng nói trừ khi bạn “nhớ ra”, gạt bỏ hết mọi cản trở để cho nó được phép xuất hiện.
Một ví dụ khác, bạn vừa ăn trưa vừa xem phim, bạn cứ và thức ăn vào miệng nhưng không thật sự bận tâm về đồ ăn trong miệng bạn chút nào. Bạn nhai, nuốt, thậm chí khen đồ ăn như một cái máy. Tâm trí bạn quá bận rộn với bộ phim. Bỗng “beng” – bạn nhai phải hột chanh hay hạt sạn gì đó – toàn bộ nhận thức của bạn như dừng lại và chỉ tập trung vào đúng hương vị đắng nghét trong miệng bạn hoặc cảm giác khó chịu của hạt sạn bạn vừa cắn phải. Giây phút ấy bạn quên hết về bộ phim nhưng đồng thời “nhận ra” mình đang làm gì: À mình đang ăn mà chẳng để ý hương vị đồ ăn chút nào – vị giác quay trở lại cùng lúc với nhận thức. Cái khoảnh khắc bạn nhận ra này, chính là “chứng kiến”. Bạn thấy mình đã vô ý thức, bạn thấy ý thức quay trở lại – bạn nhận ra điều đó.
Một ví dụ khác dễ thấy hơn rất nhiều: người cha hoặc người mẹ chửi mắng con mình vì lỗi gì đó. Khoảnh khắc bạn tức giận và chửi đứa trẻ, năng lượng giận choán hết ý thức bạn, chỉ cơn giận còn đó kiểm soát mọi thứ, bạn nói những câu mà bạn biết là bạn sẽ hối hận, nhưng bạn vẫn nói. Cái khoảnh khắc bạn “biết” mình vừa nói điều không nên nói, biết mình đang tức giận, “biết mình đang hung hăng” này. Cái “biết” ấy, chính là nhận thức. Nó mong manh và tinh tế. Nó như một ánh sao loé lên trong màn đêm tăm tối của cơn giận nhưng ánh sáng loé lên đó cứ mạnh dần lên một khi cơn giận qua đi. Đôi khi nó trở nên mạnh đến nỗi bạn có thể “nếm” được sự hối hận của mình ngay trên đầu lưỡi, sao mà đắng nghét đến vậy.
Bạn đang làm việc (tôi đang làm việc), làm hăng say quên mọi thứ xung quanh, đầu óc trống rỗng dù tay vẫn gõ miệt mài, bỗng nhiên ngoài sân một chú chim sẻ cất lên tiếng hót lích rích, tôi dừng lại, nhắm mắt, lắng nghe – ý thức của tôi biết đó là thứ tôi luôn tìm kiếm.
Bạn đang làm một việc mà bạn tự hứa sẽ không làm, ví dụ nói xấu ai đó, khoảnh khắc nói ra sao mà đã miệng. Lời vừa bay ra khỏi môi đột nhiên có một cảm giác hối tiếc rằng đáng lẽ mình không nên nói – đây là một khoảnh khắc kim cương của nhận thức. Không quan trọng điều bạn làm, nhận biết về nó mới là quan trọng.
Bạn tự hứa với bản thân điều gì đó nhưng bạn toàn quên, như là hít thở bụng, như là ngồi thẳng lưng… Đột nhiên bạn nhớ ra và chỉnh lại tư thế – đây là một khoảnh khắc của nhận thức.
Trực giác – giác quan thứ sáu là khi nhận thức của bạn trong và mạnh đến nỗi nó biết điều gì đó xảy ra ở xa về cả không gian hoặc thời gian. Khi đó, bạn mất đi “biên giới” của chính mình, nhận thức của bạn hoà làm một với nhận thức của ai đó khác hoặc nhận thức của một nguồn nào đó khác và bạn biết điều người đó biết. Đó là cách trực giác hoạt động. Thứ mà bạn gọi là giác quan thứ sáu, bạn chỉ biết là mình biết cái gì đó mà không thể giải thích được tại sao và như thế nào.
Những khoảnh khắc của nhận thức này là kim cương vì một ngày bạn chỉ “chợt nhận ra” có vài khoảnh khắc thôi, còn phần lớn còn lại, 99,99999% còn lại là bạn cứ hành động theo thói quen, hành động như người mộng du, không thực sự nhận biết mình đang làm gì, dù vẫn đang ngồi trong bàn ăn, bên máy tính, trên giường ngủ… Đầu óc bạn cứ mung lung, nếu không mung lung thì lại nghĩ về thứ này, tưởng tượng thứ khác – tất cả những thứ này đều không phải nhận thức hay việc chứng kiến.
Hãy thu gom những khoảnh khắc này, đây là “khoảnh khắc ngộ”, đây là cánh cửa và là con đường. Đến một ngày, khi cái “nhận thức” này chiếm hữu cuộc đời bạn 24/7, bạn là Phật, bạn là Thượng đế!
Trước khi có khả năng nhận thức về mọi thứ, mọi sự. Hãy bắt đầu bằng việc nhận thức về những khoảnh khắc “kim cương” này.
Phi Tuyết
Namaste!