Ngỗng ở ngoài chai. Người ở ngoài gương!

“Ngỗng ở ngoài chai.”
Một lần, viên tri phủ Lu Hsuan hỏi Nam Tuyền, “Sẽ có chuyện gì nếu một người đã cho một con ngỗng vào trong cái chai, ngắm nhìn nó lớn dần lên rồi đến một ngày anh ta nhận ra rằng con ngỗng đã lớn đến độ không thể chui ra khỏi cái cổ chai? Vì ông ta không muốn đập vỡ chai hay làm chết con ngỗng, làm sao ông ta lấy được con ngỗng ra?”
Một câu đố kì lạ. Dù bạn làm bất cứ gì bạn cũng không thể cứu cả cái chai lẫn con ngỗng, nhưng cái chai và con ngỗng chỉ là những biểu dụ, chúng là bản thân việc chứng kiến và thân thể bạn. Thân thể bạn là cái chai còn tâm thức bạn là con ngỗng, nhưng chưa bao giờ có ai tự hỏi làm sao tâm thức đã đi vào trong thân thể và làm sao tâm thức có thể đi ra khỏi nó. Tâm thức là thứ bao la, vô hạn theo mọi chiều. Còn thân thể nhỏ bé thế chỉ như cái chai nhỏ. Thật là một phép màu khi cái vật lý, cái vật chất lại chứa bên trong nó cái phi vật chất, cái tâm linh.
Để trả lời cho câu hỏi này, cho công án thiền này, Nansen – Nam Tuyền đã chỉ hét lên “Ông tri phủ. Ngỗng ở ngoài.” Câu hỏi kì lạ và cách thức giải quyết cũng lạ không kém. Tâm thức không bị cản trở bởi thân thể. Thân thể có thể là rào chắn với thứ vật chất, nó không phải là rào chắn đối với thứ phi vật chất. Chẳng có đâu trong cuộc sống mà tâm thức bạn lại chạm vào thân thể, dù bạn làm bất cứ gì. Tâm thức đơn giản là nhân chứng, đứng xa xa trên núi.
Giống như bạn đang đứng trước tấm gương, bạn có hỏi làm sao hình phản xạ của bạn đi vào trong tấm gương? Tấm gương không có không gian chứa bạn nhưng chắc chắn bạn đang đứng trong gương. Nhưng nếu bạn quan sát cẩn thận, bạn đang đứng trước tấm gương và quan sát sự phản xạ của mình trong tấm gương. Tấm gương hoàn toàn có khả năng phản xạ, nhưng nó không chứa được bạn.
Thân thể không chứa yếu tố tâm linh trong bạn, mà yếu tố tâm linh cũng không chứa thân thể. Yếu tố tâm linh chỉ là tấm gương. Nhiều nhất nó có thể phản xạ thân thể, tâm trí nhưng nó bao giờ cũng ở bên ngoài, nó bao giờ cũng ở ngoài.
Osho, cuốn “Nansen – Điểm khởi hành”
“Người ở ngoài gương”
Bản thân tôi rất thích “Thiền soi gương”. Tôi có thể ngồi hàng giờ trước tấm gương lớn ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu của mình. Không phải ngắm nhìn kiểu yêu mến bản thân nhưng là ngắm nhìn kiểu chứng kiến. Tôi nhìn hình ảnh mình phản chiếu trong gương và luôn ngạc nhiên tới mức chẳng tin được đó là mình, cứ như tôi đang nhìn một ai đó khác. Càng nhìn nhiều hơn, tôi càng có tình yêu cho nó nhiều hơn nhưng đồng thời nó lại càng trở thành một người xa lạ, một cá nhân tách rời, nó không phải là tôi.
Hình phản chiếu của bạn không phải là bạn. Trăng trong hồ không phải là trăng.
Tôi thường nhìn mình trong gương – những lúc không kinh ngạc rằng đó là mình còn lại thì tâm trí tôi thường trống rỗng, chỉ nhìn, chỉ quan sát nhưng cũng chẳng chú ý lắm về thứ mình đang nhìn, nó chẳng đáng bận tâm chút nào – chỉ việc quan sát “người lạ trong gương” cho tôi một niềm vui lớn, một sự trống rỗng lớn, một sự tách rời lớn.
Có thể đó là lý do tôi đối xử với cơ thể mình như một ngôi đền của Thượng đế, bởi vì tôi đã thấy thóang nhìn về Thượng đế trong nó – cái trống rỗng, không nội dung, chỉ biết ơn và cảm tạ.
Người ta thường soi gương để xem mình đang xấu ra sao, đẹp thế nào, khác biệt gì với hôm qua. Tôi nhìn gương bắt đầu như một thói quen vì tôi kinh doanh thời trang trong nhiều năm và nhiều năm đó gương soi luôn bao quanh tôi, tôi luôn có thể nhìn thấy bản thân mình khắp mọi nơi – trong tấm gương – với một khoảng cách nào đó. Nhiều năm “soi gương” một cách thụ động này đã gieo trong tôi hạt mầm nào đó về việc quan sát bản thân mình từ bên ngoài. Việc kinh doanh khiến tôi soi gương với tâm thế “phán xét” nhiều hơn: mình trông như thế nào, quần áo khách mặc lên trông như thế nào?
Khi hết hứng thú kinh doanh và đóng cửa shop, tôi mang những tấm gương về nhà và một lần nữa lại bao bọc bản thân quanh những tấm gương. Lần soi gương này rất khác, tôi chỉ nhìn hình ảnh bản thân trong đó mà chẳng có phán xét nào cả vì không còn mục đích kinh doanh hay ý thức phải chỉn chu trước khách hàng. Tôi nhìn nhìn trong gương với nhiều im lặng hơn. Tôi nhìn tôi cười, nhìn tôi khóc, nhìn tôi ngồi lặng yên, nhìn tôi quan sát tôi đang quan sát tôi từ trong gương với gương mặt ngày càng tĩnh lặng, không phán xét, không nội dung, không suy nghĩ.
Kì lạ là tôi thấy mình… đẹp hơn. Những năm trước tôi chưa bao giờ thấy mình đẹp, dù chỉ một ý nghĩ thoáng qua nhưng từ khi soi gương và quan sát thấy một cái đẹp nào đó nảy nở trên gương mặt mình – cái đẹp của sự bình tâm, tĩnh lặng, cái đẹp của bình an, cảm tạ, chấp nhận, vô suy nghĩ. Thiền thật sự khiến người ta đẹp hơn, gương soi sẽ cho bạn thấy rõ điều đó – như một tác dụng phụ tuyệt vời. Hệt như khi người ta cáu giận hay suy nghĩ nung nấu thì mặt người ta nhăn lại, mắt nheo lại, hàm cứng ra hoặc môi bặm lại – xấu, cái xấu thấy được từ năng lượng xấu. Nhưng khi người ta cười, mặt giãn ra, môi cười mắt cũng cười – đột nhiên người ta đẹp hơn. Thế rồi có một cái đẹp khác khi người ta không buồn, không vui, không đau khổ cũng chẳng hạnh phúc, không phấn khởi cũng chẳng chán nản, không hào hứng cũng chẳng nề hà, không tích cực chẳng tiêu cực – đây mới là gương mặt đẹp thật sự – gương mặt thiền của bình an và vô trí.
Bạn sẽ thấy gương mặt đó của bạn một ngày, nhưng bắt đầu từ hôm nay, thử quan sát chính mình trong gương và nhận ra đó chẳng phải bạn. Thế rồi một ngày bạn cũng sẽ hét lên “Ngỗng ở ngoài” – tâm thức không liên quan gì tới thân thể cả. Thiền không liên quan gì đến thân thể ở điểm khởi đầu nhưng tại điểm kết thúc, nó biến đổi thân thể.
Câu này hôm qua đọc cũng trong cuốn “Điểm khởi đầu” này mà tôi rất thích. Osho nói, “Chừng nào tâm linh chưa làm biến đổi thân thể bạn, nó còn chưa mang tính tâm linh nhiều lắm đâu.” Tôi đã thấy, và tôi đồng ý!
Phi Tuyết
Namaste, chúc tuần mới an yên!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *