Đứa trẻ nổi loạn: Osho và chuyện văn hoá, niềm tin Ấn Độ

Kính trọng

Ở Ấn Độ bạn thường có hàng ngàn người họ hàng xa mà bạn chẳng biết ai là ai cả. Mỗi khi có người nào đó đến nhà tôi, cha tôi thường bảo tôi đến chạm chân người đó.

Tôi nói: “Con sẽ không chạm vào chân ai cả cho tới khi con tìm ra được điều thật sự đáng kính trọng từ người đó”. Dần dần khi những người họ hàng xa khác tới thăm việc đầu tiên mọi người làm là thuyết phục tôi đi ra chỗ khác chơi bởi vì, họ nói: “Điều đó thật là xấu hổ khi chúng ta nói ‘Con hãy chạm chân người đàn ông già này’ thì con sẽ nói ‘Đợi đã, hãy để cho con thấy vài điều đáng kính trọng ở ông ấy trước, không thì làm sao con có thể chạm chân ông ấy khi không biết bất cứ điều gì về ổng, nếu vậy làm sao cha có thể mong đợi con là người thành thật được?’”

Nhưng đó là tất cả những gì xã hội yêu cầu: bạn chỉ cần biết cách mỉm cười, tung hô người khác và nghe lời, thế thì bạn sẽ được yêu quý.

Lúc bé tôi cũng phải nghe đi nghe lại câu này: “Con phải lễ phép. Con phải kính trọng người già”.

Tôi thường nói với cha tôi rằng: “Trước khi cha bảo con kính trọng một người, ít nhất cha cũng phải biết chắc là người đó có đáng được kính trọng không đã chứ; nếu không cha sẽ biến con thành đứa đạo đức giả. Con biết có những người không đáng kính chút nào, thế nhưng họ lớn tuổi hơn con và con phải kính trọng họ. Con sẵn sàng kính trọng người ta nhưng ít nhất họ phải có gì đó xứng đáng. Nếu không thì tại sao con lại phải kính trọng họ?”

Cha tôi thường nói rất nhiều lần: “Con toàn nói ra những điều lố bịch. Chúng ta phải sống trong một xã hội, mà xã hội thì vận hành theo những quy tắc nhất định. Chúng ta phải làm theo những phong tục tập quán, nếu không con sẽ bị xã hội bài trừ. Con đừng lố bịch như thế nữa.”

Tôi nói: “Con không muốn bị xã hội bài trừ, nhưng con không thể cư xử theo logic được trong khi hiện hữu lại đi theo một hướng khác. Những gì cha nói là logic. Cha nói rằng: ‘Đó là cách mà bấy lâu người ta vẫn sống; và người ta cần phải sống theo cách đó’ nhưng nếu không thì sao? Cách thức là do con người tạo ra, con người cũ từng tạo ra những cách thức cũ thế thì hãy để cho con người mới tạo ra những cách thức sống mới. Con sẽ xung phong là người tạo ra cách thức mới ấy.”

Trong nhà tôi thời ấy thường hay có khách, mỗi khi trong nhà có khách họ lại phải tìm cách để đẩy tôi ra ngoài, đi đâu đó. Có lần họ còn bảo tôi hãy đi gặp bác sĩ vì tôi đang bị cảm đã nhiều ngày rồi, tôi nói: “Con biết con bị cảm, con biết chỗ bác sĩ. Con sẽ đi khi tự con muốn đi. Nhưng ngay lúc này thì con không muốn đi và sẽ không ai ép con đi được. Cảm hay ung thư cũng được, con sẵn sàng chết ngay trong nhà lúc này.”

Họ nói: “Tại sao chứ?”

Tôi nói: “Con biết ai đó đang tới nhà, có lẽ một vị khách quý và cha mẹ thì đang sợ.”

Tất nhiên là họ sợ, vì tôi thường làm cho họ mất mặt lẫn lúng túng. Vị khách có thể là một người quan trọng nào đó và tôi thì cứ liên tục làm hỏng những mối quan hệ tốt đẹp đó của họ. Một lần, đang trong bữa ăn tôi bỗng cười lớn. Cả gia đình tôi biết rằng sắp có chuyện xảy ra khi tôi đột nhiên cười như vậy, nhất là khi nhà đang có khách. Cả nhà thì chuẩn bị tinh thần rồi nhưng vị khách tội nghiệp thì không, ông ta nói: “Tại sao cháu lại cười?”

Tôi nói: “Cười đâu cần phải có nguyên nhân. Thực tế, cháu hỏi bác: Tại sao cháu lại không được cười? và Tại sao bác và mọi người không cười mà lại ngồi mặt dài ra như thế? Tiếng cười là thứ có giá trị, mặt dài như bác và mọi người thì có giá trị gì? Trước khi bác tới mọi người còn có chút vui vẻ, từ khi bác tới mọi người bỗng trở nên nghiêm trang, buồn bã, mặt dài và đờ đẫn, không sự sống. Hẳn là có điều gì đó sai với bác. Tại sao bác lại tạo ra bầu không khí này? Những nơi khác bác tới bầu không khí có giống vậy không?”

Họ bị sốc. Họ bị sốc hết lần này tới lần khác. Đó là lý do họ cứ tìm cách đẩy tôi ra khỏi nhà khi nhà có khách. Một lần, giữa buổi trò chuyện của họ, tôi nhảy múa và tất nhiên họ dừng việc trò chuyện lại. Bởi vì tôi không chỉ nhảy múa xung quanh, tôi còn nhảy múa giữa họ nữa. Họ nói: “Cháu ra ngoài chơi đi. Ra ngoài kia mà nhảy múa.”

Tôi nói: “Khi cháu nhảy múa, cháu biết chỗ nên nhảy. Nếu cháu muốn nhảy múa ở ngoài sân, chẳng lẽ cháu không biết tự đi ra đó ngay từ đầu sao? Cháu có quyền nhảy múa ở mọi nơi cháu muốn. Nếu các bác thấy phiền, các bác có thể ra ngoài sân mà nói chuyện với nhau. Những chủ đề ngu xuẩn các bác đang nói, chẳng có gì ý nghĩa trong đó cả. Nhảy múa còn có ý nghĩa hơn những câu chuyện của các bác. Nói về thời tiết, mùa vụ… để làm gì chứ? Tất cả các bác đều biết, ngay cả cháu cũng biết. Nói điều ai cũng biết rồi và không ai thay đổi được, thì có ích gì?”

Ở Ấn Độ, trong các cuộc nói chuyện người ta không bao giờ thảo luận về các chủ đề đang gây tranh cãi bởi vì điều đó có thể tạo ra bất hòa, đối kháng hay xích mích. Họ chỉ thảo luận về các chủ đề không gây tranh cãi chút nào như thời tiết chẳng hạn. Có gì để mà trò chuyện về thời tiết chứ? Nếu trời nóng, thì nó nóng. Nếu trời lạnh, thì nó lạnh. Có gì để mà bàn?

Tôi nói với họ: “Cháu nhảy múa ở đây chỉ để làm cho các bác nhận ra rằng các bác đang lãng phí thời gian của mình trong những câu chuyện vớ vẩn. Tốt hơn là hãy tham gia nhảy múa cùng cháu thì hơn.”

 

Ngủ

Cha tôi thường bảo tôi phải đi ngủ sớm – đó cùng là cách mọi đứa trẻ ở Ấn Độ được dạy trong hàng thế kỉ. Tôi được bảo rằng: “Đi ngủ sớm và dậy sớm vào buổi sáng, điều đó sẽ làm cho con thông minh.”
Tôi nói với cha tôi: “Điều này thật kì lạ, khi con không cảm thấy buồn ngủ, cha buộc con phải đi ngủ sớm – trong nhà của người Jaina, ngủ sớm thật sự là rất sớm, chỉ sau bữa cơm chiều, khoảng 5-6 giờ, và chẳng còn gì để làm nên trẻ con sẽ được bảo phải đi ngủ.
Tôi nói với ông ấy “Khi năng lượng của con vẫn còn đang hoạt động, cha bắt con phải ngủ. Và vào buổi sáng khi con vẫn còn cảm thấy buồn ngủ cha lại lôi con ra khỏi giường. Đây là một cách kì lạ để làm cho người ta thông minh. Con không thể nhìn ra bất cứ sự liên hệ nào – làm sao con có thể thông minh bằng việc đi ngủ khi con không muốn ngủ? Và con cứ phải nằm yên hàng giờ trong bóng tối – khoảng thời gian quý giá ấy đáng lẽ phải được dùng để làm cái gì đó khác, cái gì đó mang tính sáng tạo – cha bắt con đi ngủ lúc ấy, nhưng giấc ngủ không phải thứ mà cha có thể quản được. Chỉ vì nghe lời cha mà con đã phí hoài biết bao nhiêu thời gian quý báu của mình vào việc chờ đợi giấc ngủ tới. Và buổi sáng con vẫn muốn ngủ cha lại bắt con dậy để đi dạo – làm sao những việc đó lại làm cho con trở nên thông minh? Con không thể hiểu được, xin cha hãy giải thích cho con!

“Xin cha hãy kể cho con, bao nhiêu người đã trở nên thông minh theo cách này? Vì con không thấy ai xung quanh con cả. Thậm chí đến cả ông nội, con đã nói chuyện với ông và ông cũng đã nói rằng đây là một cách ngu xuẩn, vô ích. Ông nói trí huệ không đến bằng việc đi ngủ sớm, nó không đến đâu, đừng để bị lừa bởi những quan niệm vớ vẩn.”
Tôi bảo với cha tôi: “Cha hãy nghĩ về điều đó mà xem, và xin hãy công bằng với con. Hãy cho con điều tự do nhỏ nhoi này – rằng con có thể đi ngủ khi con cảm thấy giấc ngủ tới, và con chỉ dậy khi con cảm thấy rằng đó là đúng lúc tức là khi sự buồn ngủ không còn đó nữa.”

Cha tôi đã suy nghĩ mất một ngày và rồi ngày hôm sau ông ấy nói: “Thôi được có lẽ con nói đúng, con hãy làm nó theo nhu cầu của riêng con, hãy lắng nghe cơ thể con hơn là nghe lời ta.”

 

 

 

Quyền nói “Có” và quyền nói “Không”

Ngay từ thời thơ ấu tôi đã nhận ra một điều. Tôi có mười anh chị em ruột trong nhà, chưa kể các anh chị em họ con của các chú nữa. Và tôi nhận ra một điều rằng bất cứ đứa trẻ nào biết vâng lời thì đều rất được người lớn yêu quý và xem trọng. Vậy nên tôi đã phải ra một quyết định, quyết định ấy không chỉ vì sự tồn tại của tôi trong gia đình hay trong thời thơ ấu  nhưng là một quyết định giá trị cả cuộc đời tôi – rằng nếu tôi là một người vâng lời – theo bất cứ cách nào – chỉ để nhận được sự yêu mến và xem trọng từ họ – thế thì tôi sẽ không bao giờ có thể phát triển và nở hoa cho tính cá nhân của mình. Thế nên ngay từ thời thơ ấu, tôi đã bỏ hoàn toàn cái ý định về việc phải vâng lời ai đó để được họ yêu quý và xem trọng từ người khác.

Tôi đến nói với cha tôi: “Con có một điều cần tuyên bố với cha cho rõ ràng.”

Cha tôi luôn luôn lo lắng bất cứ khi nào tôi tới chỗ ông ấy, bởi vì ông ấy biết rằng kiểu gì cũng sẽ có rắc rối. Ông ấy nói: “Đây không phải cách một đứa trẻ đến nói với cha nó rằng ‘con muốn tuyên bố với cha một điều’”

Tôi nói: “Nó là một tuyên bố thông qua cha để đến toàn thế giới. Ngay lúc này thì toàn thế giới hơi khó với con và cha là đại diện cho cả thế giới. Nó không còn là vấn đề của một đứa con trai và một người cha, nó là vấn đề giữa một cá nhân và một tập thể hay một đám đông. Tuyên bố rằng con sẽ từ bỏ toàn bộ mọi ý tưởng về việc được xem trọng, vậy nên dưới danh nghĩa của “sự tôn trọng” đừng bao giờ yêu cầu bất cứ điều gì từ con, nếu không thì con sẽ chỉ làm những điều ngược lại.

“Con sẽ không luôn vâng lời đâu. Điều đó không có nghĩa con sẽ luôn cãi lời cha, nó đơn giản nghĩa là việc vâng lời hay không vâng lời hoàn toàn là do sự lựa chọn của con. Nếu con cảm thấy điều gì hợp lý, con sẽ làm theo, nhưng khi đó nó không có nghĩa là con đang vâng lời như cha nghĩ đâu, nhưng là tùy thuộc vào trí thông minh của riêng con để phán đoán xem có nên nghe theo hay không mà thôi. Nếu con cảm thấy điều gì không hợp lý thì con sẽ từ chối. Con xin lỗi nhưng cha phải hiểu một điều: chỉ trừ khi con có thể nói ‘Không’ thì cái ‘Có’ của con mới có ý nghĩa được.

“Đây là tuyên bố của con – cha có thể đồng ý hay không, điều đó là tùy ở cha nhưng con đã quyết định rồi, bất kể sự lựa chọn của con có dẫn đến hậu quả nào con cũng sẽ chịu trách nhiệm, con sẽ theo nó đến cùng.”

Và tôi làm cho tuyên bố này trở nên rõ ràng với tất cả mọi người trong nhà, rằng sẽ không ai áp đặt được tôi làm bất cứ việc gì mà không theo ý của tôi. Nếu họ muốn tôi làm gì thì họ nên chuẩn bị sẵn sàng những lập luận để thuyết phục tôi, tôi sẵn sàng nghe theo họ, nếu họ có thể.

Tôi nói: “Cha có thể là cha con nhưng không có nghĩa cha trở thành trí thông minh của con, tính cách của con, cuộc đời của con. Cha giúp sinh con ra nhưng nó không có nghĩa là cha sở hữu con. Con không phải một món đồ vật. Vậy nên nếu cha muốn con làm việc gì, hãy chuẩn bị. Hãy làm bài tập của cha. Con sẽ tranh luận tới cùng, cho tới khi con hoàn toàn cảm thấy hài lòng.”

Và rồi dần dần từ những việc nhỏ nhất họ dần nhận ra rằng: “Tốt hơn là hãy cứ đề xuất điều  gì chúng ta muốn sau đó để thằng bé tự quyết định xem liệu nó có muốn làm hay không. Đừng lãng phí thời gian một cách không cần thiết để quấy rầy nó vì còn khổ hơn khi bị nó quấy rầy lại…”

Thế rồi càng ngày họ càng trao cho tôi nhiều tự do nhất trong mọi việc – nhờ đó tình yêu của tôi trở thành thứ rất thật.

Tình yêu trở thành thật khi nó không bị sở hữu, khi nó không biến bạn thành đồ vật. Tình yêu trở thành thật khi nó chấp nhận trí thông minh của bạn, tính cá nhân của bạn, tự do của bạn. Và nó mang lại cho bạn sự tôn trọng của người khác dù cho bạn chỉ mới là một đứa trẻ. Tôi biết họ là những người tôi có thể hoàn toàn tin tưởng, tôi biết họ sẽ không bao giờ lừa dối tôi.

Tôi hoàn toàn được quyền lớn lên theo cách riêng của mình, và họ chấp nhận điều đó. Họ bảo vệ tôi theo mọi cách có thể, họ giúp tôi theo mọi cách có thể, nhưng không bao giờ quấy rầy tôi. Và đó là điều mà mọi bậc cha mẹ nên làm.

Khắp mọi nơi, khoảng cách giữa các thế hệ là rất lớn, các cha mẹ phải chịu trách nhiệm cho điều đó, bởi vì họ đã cố gắng áp đặt học thuyết của họ, chính trị của họ, xã hội của họ, tôn giáo của họ, triết lý của họ – tất cả mọi thể loại rác rưởi đó họ đều cố gắng áp đặt lên đứa trẻ.

Thời thơ ấu của tôi là một cuộc chiến thường xuyên với cha tôi. Ông ấy là một người đáng yêu, rất hiểu biết, nhưng dầu vậy ông ấy vẫn như bao người cha khác khi thường xuyên nói “con PHẢI làm điều này, điều kia” và tôi luôn đáp lại là “Cha không thể ép con PHẢI làm gì được, cha chỉ nên gợi ý thôi và hãy nói rằng nếu con thích thì con hãy làm, nếu con không thích, thì thôi. Việc con sẽ làm nên là quyết định của con, không phải của cha. Con sẽ vâng lời với những gì là chân lý và tự do. Con có thể hi sinh mọi thứ cho chân lý, cho tự do, cho tình yêu, chứ không phải cho sự nô lệ. Và từ “PHẢI” của cha thì quá nặng mùi nô lệ.”

Chẳng mấy chốc cha tôi hiểu rằng tôi không thuộc loại vâng lời hay không vâng lời. Tôi không nói “Con sẽ không làm” nhưng tôi nói “Cha hãy rút bỏ chữ “PHẢI” của cha đi đã. Hãy cho con không gian để quyết định liệu con có muốn nói ‘có’ hay không, và cha cũng đừng phật lòng nếu con nói ‘không’. Đây là cuộc sống của con, con phải sống nó, và con có mọi quyền để sống nó theo cách riêng của con. Cha có nhiều kinh nghiệm hơn, cha có thể gợi ý, cha có thể khuyên nhủ, nhưng con sẽ không nhận mệnh lệnh từ bất kì ai. Dù cái giá là thế nào, dù hậu quả là thế nào, con cũng sẽ không nhận lệnh từ bất kì ai.”

Và dần dần cha tôi đã bỏ cái từ “PHẢI” của mình. Ông ấy bắt đầu nói “Có vấn đề này, nếu con cảm thấy đúng, con có thể làm giúp ta, nếu con cảm thấy không thích, đó là quyết định của con.”

Tôi nói: “Đây mới là cách thể hiện tình yêu đích thực cha dành cho con”

Chỉ có ba thứ nên được đưa ra làm hướng dẫn cho người lớn cách hành xử với trẻ con – với ba thứ đó chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một thế giới mới với những con người mới – chúng ta sẽ có những con người mang tính cá nhân chứ không phải đám đông hỗn loạn. Và mỗi cá nhân đều là duy nhất đến nỗi việc ép buộc ai đó trở thành một phần của đám đông là phá hủy người đó, phá hủy tính duy nhất của người đó. Anh ta có thể góp phần xây dựng nên một thế giới mới nhưng chỉ khi anh ta được để cho một mình và được hỗ trợ, được giúp đỡ nhưng không bị chỉ thị, áp đặt. Chính là ba thứ đó: bảo vệ, giúp đỡ mà không áp đặt.

Tóc

Khi ấy, tôi hay để tóc dài như một đứa con gái. Ở Ấn Độ con trai thường không được để tóc dài, ít nhất ở thời điểm đó việc để tóc dài gần như là không được phép. Nhưng tôi lại vẫn thích để tóc dài và bất cứ khi nào khi tôi đi ngang qua cửa hàng của cha tôi thì những vị khách hàng của ông thường nhìn thấy và hỏi:“Đứa con gái đó là ai vậy?”

Cha tôi chỉ có thể nhìn theo tôi rồi nói: “Nó là con trai tôi. Nó không nghe tôi chút nào cả. Tôi còn có thể làm gì đây?” Và ông ấy cảm thấy bị xúc phạm.

Tôi nói: “Cha không cần cảm thấy bị xúc phạm. Con không thấy có vấn đề gì cả. Nếu ai đó tưởng con là con gái thay vì con trai, đó là việc của họ. Con chẳng bị khác đi tí nào bởi nhận xét của họ cả.”

Nhưng cha tôi vẫn cảm thấy bị xúc phạm chỉ bởi vì con trai của ông ấy bị gọi là con gái. Cái ý tưởng về một đứa con là trai hay gái là một ý tưởng rất điên rồ. Ở Ấn Độ khi một đứa bé trai được sinh ra người ta sẽ đánh chiêng, đánh trống và có ban nhạc hát những bài hát rồi thì người ta sẽ mang kẹo ra phân phát cho khắp hàng xóm láng giềng. Nhưng khi một đứa trẻ gái được sinh ra thì không có gì xảy ra – không gì cả. Bạn sẽ ngay lập tức biết được nhà đó sinh con trai hay con gái khi nhìn những gì xảy ra sau đó có chiêng, có chuông, có múa hát hay có kẹo không. Và nếu như không thì sẽ không ai đến để hỏi thăm cả vì khi bạn đến hỏi thăm, người cha – đang ủ rũ trước thềm nhà – sẽ phải trả lời “nó là con gái” điều đó giống như một sự xúc phạm với ông ta.

Vậy nên cha tôi nói: “Điều này thật bực mình. Ta sinh ra một đứa con trai nhưng lại phải nhận những buồn phiền hệt như sinh ra một đứa con gái.”
Một lần nọ cha tôi đã trở nên thực sự tức giận khi một vị khách – một người quan trọng trong thị trấn đang ở trong cửa hàng và hỏi câu tương tự: “Đứa con gái đó là ai vậy? Trông thật lạ vì nó mặc quần áo giống như con trai, chưa kể nó làm gì với những cái túi chất đầy đá sỏi bên người như vậy?”

Cha tôi nói: “Nó là con trai tôi, nó không phải là con gái. Chỉ vì cái mái tóc đó, tôi sẽ cắt nó ngay hôm nay. Nhiêu đó là quá đủ rồi.”

Nói rồi ông ấy liền chạy đi tìm cái kéo, đến chỗ tôi và cắt tóc của tôi. Tôi để cho ông ấy cắt mà không nói bất cứ lời nào. Sau đó tôi đi đến một cửa hiệu cắt tóc – chỉ ngay trước nhà tôi – và nói với người thợ “Kaka (bác), nếu bác có thể hiểu, xin hãy cạo trọc cái đầu này giúp cháu.”

Có cả dãy cửa hàng cắt tóc nhưng tôi cửa hàng này và người đàn ông này – ông ấy tuy nghiện hút cần sa nhưng là một dạng người hiếm hoi mà tôi rất tôn trọng. Tôi hay qua nhà ông ấy chơi và chúng tôi thường trò chuyện hàng giờ dù cho tất cả những điều ông ấy nói đều vô nghĩa! Kiểu như một hôm ông nói: “Nếu tất cả những người nghiện thuốc phiện mà được tổ chức thành một đảng chính trị, chúng ta có thể tiếp quản đất nước này!”
Tôi nói: “Ý tưởng hay đấy.”
“Nhưng,” bác ấy nói, “bởi vì chúng ta tất cả đều nghiện thuốc phiện, bản thân ta cũng quên mất ý tưởng riêng của mình.”
Tôi nói: “Bác đừng lo. Cháu ở đây và cháu sẽ nhớ. Bác chỉ cần bảo cháu những thay đổi nào bác muốn có ở đất nước này, loại ý thức hệ chính trị nào bác muốn và cháu sẽ xoay xở điều đó.”

Nhưng ông thợ ấy vẫn cạo cho tôi vì tôi có một mối quan hệ đặc biệt với ông ấy, tôi không bao giờ làm phiền cái việc lảm nhảm một mình của ổng bất kể ổng nói gì, tôi không bao giờ bận tâm hay thắc mắc hay tỏ ý khó chịu một chút nào.

Khi tôi đến và bảo ông ấy: “Bác cạo trọc đầu giúp cháu đi.”

Ông ấy nói: “Chuyện gì xảy ra vậy? Cha cháu chết rồi sao?” Đấy là một tục lệ khác ở Ấn Độ, chỉ khi cha bạn mất thì bạn mới phải cạo trọc đầu, còn không thì không được.
Tôi nói: “Bác đừng bận tâm về những điều này, đấy không phải là việc của bác! Bác hãy chỉ làm điều cháu nói. Hãy cạo trọc đầu cho cháu, cạo sạch vào.”

“Được”-  Ông ấy nói rồi hút một điếu thuốc để đủ can đảm cạo trọc đầu cho tôi. Ông ấy nói: “Được thôi. Cạo trọc đầu tính ra đó là công việc dễ nhất. Biết bao nhiêu lần bác bị rắc rối. Mọi người nói bác cạo râu và bác quên mất nên bác cạo đầu họ. Khi họ nhận ra và nói, ‘Ông đã làm cái gì vậy?’ thì bác bảo ‘Cùng lắm ông không cần phải trả khoản tiền mà tôi đã cạo đầu cho ông – có vấn đề gì nào?'”
Tôi hay ngồi trong cửa hàng của ông ấy bởi vì bao giờ cũng có cái gì đó buồn cười xảy ra. Ông ấy sẽ cắt một nửa râu mép của ai đó rồi nói: “Đợi nhé, tôi vừa chợt nhớ ra một công việc cần kíp.” Và người này sẽ nói: “Nhưng tôi bị buộc ngồi đây trong chiếc ghế của ông với nửa bộ ria cắt rồi. Tôi không thể đi khỏi cửa hàng được!” Ông ấy sẽ nói: “Hãy cứ đợi ở đó.”
Và thế rồi nhiều giờ trôi qua và người đó vẫn ngồi ở đó, lầm bầm: “Người này là cái loại ngốc gì vậy?”
Một lần tôi phải giúp cạo râu mép cho một người. Tôi nói: “Bây giờ ông tự do nhé. Đừng quên là hãy quay lại đây lần nữa bởi vì bác thợ cạo đã chẳng làm hại gì tới ông cả, bác ấy chỉ quên mất mà thôi.”

Bởi vì có mối quan hệ tốt với nhau cho nên khi tôi nói về chuyện cạo đầu, bác ấy nói “Phải đấy. Đấy không phải là mối quan tâm của ta. Nếu ông ấy chết, thì ông ấy chết.”

Khi nhìn thấy cái đầu đã được cạo sạch, tôi nói “Tuyệt” và về nhà.

Cha tôi trông thấy tôi bước vào với cái đầu trọc lóc liền sửng sốt: “Chuyện gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra vậy?”

Tôi nói: “Có chuyện gì đâu. Cha đã cắt tóc con bằng kéo, chúng sẽ lại mọc lại ngay thôi, vì vậy con làm một lần cho xong luôn, con nhờ Kaka cạo luôn bộ tóc ấy và con dự định sẽ để như vậy trong một thời gian thật lâu, cho tới khi con thích. Và cha đừng lo về chuyện tiền bạc vì Kaka nói rằng bất cứ khi nào con muốn cạo cứ ghé qua, bác ấy sẽ làm cho con  miễn phí. Bởi vì chỉ mình con là người duy nhất nghe những điều bác ấy lảm nhảm cả ngày, chú ấy sẽ không lấy tiền cho việc cạo tóc này bất cứ khi nào con muốn, cha đừng lo.”

Cha tôi nói: “Nhưng con biết rõ việc này sẽ mang lại nhiều rắc rối hơn cho ta”

Và ngay khi ông ấy vừa nói thì có một người đàn ông đến nhìn tôi và nói: “Chuyện gì vậy? Đây là con của ai? Cha của nó mất rồi sao?”

Cha tôi bối rối nói: “Nó là con trai tôi và tôi vẫn còn sống sờ sờ ra đây! Nhưng tôi biết tại sao nó lại làm như vậy. Đó là câu trả lời của nó cho hành động của tôi.”

Cha tôi nói: “Có khi cứ để con bị hiểu lầm như con gái lại tốt hơn. Giờ thì ta chết rồi. Con hãy làm sao để tóc con mọc ra càng nhanh càng tốt đi, hãy đến chỗ Kaka của con mà hỏi xem anh ta có cách nào giúp không. Nếu không thì chắc chắn con sẽ gây thêm rắc rối cho ta. Cả thị trấn người ta sẽ đến đây. Và ta biết con hay đi vòng quanh thị trấn cho nên sớm thôi mọi người sẽ nghĩ rằng cha của thằng bé đó đã chết. Họ sẽ tới đây và ta sẽ phải thanh minh với từng người. Thật phiền phức.”

Và họ bắt đầu tới thật.

Sau lần đó ông ấy nói: “Ta không định làm gì với con nữa bởi vì nó nhất định sẽ kéo theo nhiều rắc rối.”

Tôi nói: “Con không đề nghị điều đó. Con sẽ vẫn cứ tiếp tục làm mọi việc theo cách của riêng con. Việc can thiệp của cha dù bằng bất cứ hình thức nào cũng chỉ là điều không cần thiết.”
Bất kì chỗ nào tôi tới mọi người đều hỏi: “Có chuyện gì vậy? Ông ấy hoàn toàn mạnh khoẻ cơ mà.”
Tôi nói: “Mọi người chết vào bất kì tuổi nào. Tại sao các bác không tới mà lo cho ông ấy mà lại phải đi bận tâm về tóc của cháu?”
Đó là điều cuối cùng cha tôi đã tự ý can thiệp trên tôi, bởi vì ông ấy biết rằng câu trả lời của tôi có thể còn nguy hiểm hơn! Ngược lại, ông ấy đã mua dầu nào đó vẫn dùng cho việc mọc tóc. Đó là dầu rất đắt, bắt nguồn từ Bengal từ loại hoa nào đó, javakusum. Nó rất đắt, hiếm, chỉ những người giầu nhất mới dùng – và không phải bởi đàn ông mà chỉ đàn bà – để giữ cho tóc dài nhất có thể được. Ở Bengal tôi đã bắt gặp những đàn bà có tóc dài chấm đất – dài mét rưỡi, mét tám. Dầu đó đơn giản có tác dụng, cực kì công hiệu cho tóc.
Tôi nói: “Bây giờ cha hiểu chứ.”
Ông ấy nói: “Ta đã hiểu. Con dùng dầu này nhanh lên; trong vài tháng tóc con sẽ mọc lại.”
Tôi nói: “Cha tạo ra cả đống lộn xộn này. Tại sao cha phải xấu hổ? Cha có thể đã nói với họ rằng: ‘Nó là con gái đấy.’ Con chẳng phản đối gì về điều đó cả. Nhưng cha không nên can thiệp vào con theo cách mà cha đã làm. Điều đó là bạo hành. Thay vì nói với con điều gì đó, cha lại cứ thế cắt tóc của con. Thật là một hành động man rợ.”
Cha tôi nói “Ta xin lỗi.”
Không ai cho phép bất kì ai được là chính mình. Ai cũng cố áp đặt ý tưởng của họ lên bạn. Đến nỗi bạn chấp nhận tất cả những ý tưởng của người khác sâu sắc tới mức dường như bạn tin chúng là các ý tưởng của bạn. Thảnh thơi đi. Quên tất cả những ước định, những ý tưởng đó đi, vứt chúng như lá khô rụng khỏi cây. Tốt hơn cả cứ là cây trụi lụi không lá nào còn hơn có lá nhựa và hoa nhựa và quả nhựa; điều đó là xấu. Mọi thứ không thực, đều xấu.

 

Trang phục

Trong thị trấn ấy, thì tôi là người phi Hồi giáo duy nhất ăn mặc giống như một người Hồi giáo. Cha tôi nói: “Con có thể làm bất cứ cái gì nhưng ít nhất, đừng làm điều này bởi vì cha phải sống trong xã hội, cha phải nghĩ về những đứa con khác nữa không thể chỉ lo mỗi con. Con có ý tưởng ăn mặc như thế này từ đâu thế?”

Những người Hồi giáo trong thị trấn của tôi dùng một loại pajama được gọi là salvar, thay vì cái dhoti mà người Ấn thường dùng. Cái đó được dùng bởi những người Pakhtoon tại Afghanistan và Pakhtoonistan – những nơi xa xôi gần Hy mã lạp sơn, phía bên kia Hy mã lạp sơn. Nhưng nó là một bộ pajama đẹp và không được may một cách hà tiện vải giống như một bộ pajama bình thường; nó có rất nhiều nếp gấp. Nếu bạn có một cái salvar thực thụ, thì bạn có thể may ít nhất 10 cái pajama bình thường khác từ đó. Nó có nhiều nếp gấp và những nếp gấp đó tạo cho nó vẻ đẹp riêng khi chúng kết lại cùng nhau. Và tôi mặc một cái kurtha đặc biệt của người Pakhtoon, không phải loại kurtha của Ấn Độ. Kurtha kiểu Ấn thì ngắn, và những tay áo thì không quá rộng. Kurtha kiểu Pakhtoon có tay áo rất rộng, và cái kurtha thì rất dài; nó xuống tận đầu gối. Và thêm vào đó nữa, tôi có một cái mũ lưỡi trai Thổ Nhĩ Kỳ.

Cha tôi thường bảo tôi: “Con bước vào cửa tiệm với mắt nhắm, và nhắm mắt đi ra. Tại sao không dùng cửa sau?” Ông nói, “Con có thể đi vào từ cửa sau, con có thể đi ra từ cửa sau; con có thể có chìa khóa riêng, bởi vì không ai dùng cửa sau. Ít nhất, chúng ta sẽ khỏi phải mất công trả lời mọi khách hàng, ‘Người Hồi giáo đang nhắm mắt đi vào, là ai thế?’ Thế mà con lại có những ý tưởng kỳ lạ này. Chúng ta có một cửa tiệm vải vóc – đủ loại vải đều có ở đây, y phục may sẵn đều có ở đây, con có thể có bất cứ kiểu nào, nhưng tại sao con lại chọn kiểu Hồi giáo chứ?” Tại Ấn, kiểu y phục Hồi giáo được xem là kiểu tồi tệ nhất.

Tôi nói: “Đó chính là lý do, bởi vì tất cả mọi người đều nghĩ rằng kiểu Hồi giáo là kiểu tồi tệ nhất. Con mặc nó để phản đối tất cả mọi người, con cho rằng y phục của người Hồi giáo là y phục đẹp nhất. Và người ta có thể nhận thấy điều đó một cách dễ dàng, bất cứ nơi nào con đi, chỉ có con là được chú ý, không ai khác được chú ý. Bất cứ khi nào con bước vào phòng học, con cũng đều được chú ý; bất cứ nơi nào con đi, con được chú ý ngay lập tức.”

Và đó là lý do mà tôi sử dụng loại trang phục đó. Nó thực sự là một kiểu trang phục đẹp và với một cái mũ lưỡi trai Thổ Nhĩ Kỳ nữa chứ. Cái mũ lưỡi trai thì dài và có một cái tua treo lủng lẳng một bên; mọi người Thổ Nhĩ Kỳ giàu có đều dùng nó. Tôi còn rất bé nhưng kiểu trang phục đó đã giúp tôi trong nhiều cách.

Tôi có thể đi gặp ông ủy viên hội đồng của thị trấn và người gác cổng thường chỉ nhìn thấy tôi liền nói: “Mời vào” khi ông ấy nhìn thấy bộ trang phục đó. Có lẽ ta ông sẽ không cho phép tôi, một cậu trai nhỏ, bước vào nhưng “Với cái trang phục này, hẳn cậu ta là một sheik hay một ai đó rất quan trọng.” Và ngay cả ông ủy viên hội đồng cũng thường đứng lên, khi nhìn thấy cái trang phục của tôi. “Sheik” được dùng cho những người rất đáng tôn trọng, và ông thường nói, “Sheikji, betye – Sheikji, xin mời ngồi.”

Tôi nói với cha tôi: “Cái trang phục này giúp con trên nhiều phương diện. Chỉ mới hôm kia, con đến gặp một ông mục sư và ông ta cũng nghĩ rằng con là một sheik thuộc về một gia đình Ả Rập hay Ba Tư. Thế mà cha lại muốn con bỏ cái trang phục này, chỉ dùng một dhoti và kurtha – những thứ tầm thường mà chắc hẳn không có ai thèm chú ý đến?”

Một hôm, cha tôi lấy tất cả salvar, kurtha và ba cái mũ lưỡi trai Thổ Nhĩ Kỳ của tôi và gói lại thành một gói rồi đi xuống nhà kho ở tầng hầm. Ông ấy đặt chúng ở đó, nơi cất giữ mọi loại vật dụng bị vỡ, vô dụng, hư hỏng. Khi ra khỏi phòng tắm và chẳng thấy quần áo đâu cả, tôi chỉ đơn giản trần truồng, mắt nhắm lại, cứ thế mà đi vào trong cửa tiệm. Trong khi tôi đang đi ra ngoài, cha tôi nói: “Con đợi đã! Hãy trở lại. Mặc áo quần vào đã chứ.”

Tôi nói: “Cha hãy mang chúng đến, bất kể chúng đang ở đâu.”

Ông nói: “Ta chưa bao giờ nghĩ rằng con sẽ làm điều này. Ta nghĩ rằng con sẽ nhìn quanh tìm áo quần và khi không tìm thấy chúng, bởi vì ta đã đặt chúng trong một nơi mà con sẽ không tìm thấy chúng. Rồi tự nhiên con sẽ mặc những y phục bình thường mà đáng lẽ con nên mặc. Ta chưa bao giờ nghĩ rằng con sẽ làm việc này.”

Tôi nói: “Con thích những hành động trực tiếp. Con không tin vào lời nói không cần thiết.”

Tôi thậm chí cũng không hỏi bất cứ ai, là áo quần của tôi ở đâu. Tại sao lại phải hỏi chứ? Sự trần truồng của tôi sẽ phục vụ mục đích tương tự. Ông nói: “Con có thể lấy lại quần áo của mình và không ai sẽ quấy rầy con về chúng nữa. Nhưng hãy làm ơn, đừng ở truồng, vì điều đó sẽ tạo ra thêm sự rắc rối – rằng một nhà buôn vải vóc, mà lại có một đứa con trai không có y phục để mặc. Con là người tai tiếng và con sẽ làm cho chúng ta bị tai tiếng lây; ‘Hãy nhìn đứa trẻ đáng thương!’ Mọi người sẽ nghĩ rằng ta không cho con y phục.”

Tôi tiếp tục mặc cái trang phục đó cho tới tận kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Họ cố hết sức để tôi không mặc nó nữa, nhưng họ càng cố sức thì càng vô vọng. Tôi nói: “Nếu cha mẹ ngừng cố gắng thì có lẽ con có thể bỏ nó; còn như nếu cha mẹ tiếp tục cố sức để ngăn cản, thì con là người cuối cùng bỏ nó.”

 

Mê tín

Người Ấn Độ tin rằng nếu vào một buổi sáng đẹp trời bạn bước đi trên đường và bạn gặp một người chỉ có một mắt – một người chột – thế thì cả ngày của bạn xong – bạn tiêu đời. Chẳng hiểu sự liên quan là gì, làm cách nào mà một ngày của bạn lại bị phá hủy bởi điều đó? Ấy thế mà vẫn có những mê tín dị đoan, những định kiến cũ xưa vớ vẩn như vậy.

Có một cậu bé chột ngay gần nhà tôi và xui cho kẻ nào mà tôi muốn tra tấn – có một vài người mà tôi muốn.

Mỗi sáng tôi sẽ đến gặp cậu bé ấy, chỉ cần cho cậu ấy một ít kẹo hay socola thế thì cậu ấy sẽ sẵn sàng. Tôi thường đứng núp từ một góc ở đàng xa để quan sát và bảo cậu ấy: “Em chỉ cần đứng ngay chỗ cánh cửa và đợi cho tên ngốc nhà đó ra mở cửa là được.”

Và khoảnh khắc ông ta mở cánh cửa và nhìn thấy cậu bé chột, ông ta sẽ nói: “Chúa tôi, lại nữa hả? Nhưng tại sao mày lại cứ đến đây vào mỗi buổi sáng như vậy?”

Một ngày nọ ông ta trở nên tức giận và muốn đánh cậu bé tội nghiệp. Tôi phải rời khỏi chỗ nấp để đến chỗ ông ta và tôi nói: “Ông không thể đánh cậu ấy, đây là một con đường công cộng, cậu ấy có toàn quyền đứng đây vào mỗi buổi sáng nếu cậu ấy muốn. Chúng tôi chỉ thỉnh thoảng đứng đây nhưng vì ông tức giận như vậy, từ giờ chúng tôi sẽ đứng đây mỗi ngày. Và quyền của ông chỉ là mở cửa hay không mở cửa mà thôi.”

Ông ta nói: “Nhưng nếu ta không mở cửa, làm sao ta đến cửa hàng để làm việc được?”

Tôi nói: “Đó là chuyện của ông, không phải của chúng tôi. Còn việc của cậu bé này là sẽ đứng đây mỗi buổi sáng.”

Ông ấy nói: “Điều này thật lạ. Nhưng tại sao thằng bé này lại cứ…? Mày không thể mang nó đi đến chỗ người khác sao? Như là… tới chỗ hàng xóm của tao chẳng hạn. Ông ta là đối thủ cạnh tranh với việc kinh doanh của tao, và tao sẽ bị đánh bại mất nếu cứ thấy thằng bé này.”

Tôi nói: “Điều đó phụ thuộc vào ông. Baksheesh (hối lộ đi)! Nếu ông đưa cho cậu bé này một rupee, cậu ấy sẽ đứng ở một cánh cửa khác.”

Ông ấy nói: “Một rupee ư?” Những ngày đó một rupee là rất giá trị, ông ấy tiếp “Tao sẽ đưa.”

Tôi nói: “Nhớ đấy, nếu người khác đưa hai rupees thế thì cậu ấy sẽ vẫn tiếp tục đứng đây. Đây chỉ đơn thuần chỉ là một việc kinh doanh.”

Ông ấy nói:“Tao sẽ đến báo cáo với cảnh sát về việc này. Tao có thể…”

Tôi nói: “Ông có thể đi. Vì thậm chí ngay cả ngài thanh tra cảnh sát cũng rất sợ cậu bé này. Ông ấy có thể bắt ông viết một tờ tường thuật nhưng nhất định ông ấy sẽ không gọi cậu bé này đến đồn của ông ấy đâu.”

Mọi người đều sợ – thậm chí ngay cả các giáo viên cũng sợ. Cậu bé chột đó quả thật là một cậu bé quý giá đối với tôi, vậy nên nếu ai tạo ra bất cứ rắc rối nào cho tôi trong thành phố, tôi sẽ mang cậu bé ấy đến. Việc duy nhất tôi bảo cậu ấy làm chỉ là đứng đó, ngay bậc cửa và thế là xong, mọi việc đều được giải quyết.

Những mê tín luôn đầy rẫy xung quanh bạn. Một khi bạn tưởng mình xong vấn đề mê tín này ngay lập tức sẽ có vấn đề mê tín khác xuất hiện ngay mà bạn không thể nào quản lý cũng như ngăn cản được. Những vấn đề về mê tín sẽ cứ liên tục khởi lên cho tới khi nào bạn đi sâu hơn vào sự hiểu biết của việc quan sát. Đó là chiếc chìa khóa vàng duy nhất, điều đã được khám phá từ hàng thế kỉ trong nhận thức của người phương Đông: đó là không có nhu cầu về việc giải quyết bất cứ mê tín nào. Bạn chỉ cần quan sát chúng, chỉ cần quan sát là đủ, mê tín sẽ tự động biến mất.”

 

Trích các chương liên quan vấn đề văn hoá/mê tín/niềm tin trong cuốn “Đứa trẻ nổi loạn” (thời thơ ấu của Osho)
 
Phi Tuyết sưu tầm, dịch và biên tập
 
Để đăng kí mua bộ sách, mời bạn liên hệ Fanpage: Cuộc đời Osho  (1 triệu/bộ 4 cuốn/freeship)
 
Để biết thêm nghệ thuật học tiếng Anh hiệu quả và thú vị qua phương pháp dịch thuật, mời bạn tham gia nhóm: Học Viện Anh Ngữ Thần Chú (nhóm kín: 1 triệu/membership + bộ tài liệu Thần Chú)
 
Xin cảm ơn vì đã đọc với cả trái tim.
 
Namaste – tôi thành kính cúi chào đấng linh thiêng đang ngự bên trong bạn!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *