“Tôi đã luyện thần chú như thế đấy!” – báo cáo của Hồng Hạnh, Học viện Anh ngữ Thần chú

(Bạn gởi nhiều hình nhưng VT không tải về đc nên xin đăng nguyên văn bài báo cáo trước ha)

BÁO CÁO KẾT QUẢ HỌC TẬP 

HỘI VIÊN : NGÔ HỒNG HẠNH

Tôi nhận được bộ Bảo bối ngày 5/9 và đã bắt đầu học ngay. Đến ngày 5/10 tôi hoàn thành việc chép dịch toàn bộ Bộ bảo bối và duy trì việc học tiếng Anh đều đặn hàng ngày, mỗi ngày khoảng 2 –> 4h hoặc hơn. Tôi đã không những nhận thấy được kết quả việc học qua những trang giấy mình viết mà còn qua niềm vui của mình khi học, niềm tin của mình vào khả năng của chính bản thân mình.

  1. Nỗi ám ảnh về năng lực bản thân
  • Tôi từng học ban D. Năm đầu thi đại học, tôi học khoa tiếng Anh viên đại học Mở. 2 năm liền đến trường tôi hầu như không học thêm được gì, những kiến thức học từ thời phổ thông còn rơi rụng gần hết. Kì cuối năm thứ 2 tôi thi lại 8 môn. Tôi không có chút niềm vui nào cho việc học tiếng Anh và quyết định bỏ học.
  • Tôi thi lại và đỗ vào khoa Văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội vì rất yêu thích Văn học. Ra trường đi dạy học 4 năm tôi nghỉ dạy. Cảm thấy bản thân không phù hợp với môi trường Sư phạm chuẩn chỉnh. Tôi xin làm ở 1 Tổ chức phi chính phủ với vị trí nhân viên bán hàng
  • Khách hàng của tôi 99% là người nước ngoài, hàng ngày đều dùng tiếng Anh rất nhiều, nhưng tôi vẫn chỉ nói 1 thứ tiếng Anh bồi, ấp úng. Nhiều khi muốn giải thích về sản phẩm, muốn giới thiệu thêm về văn hóa Việt Nam mà bất lực. Dù có kiến thức về tâm lí và marketing nhưng tôi chưa bao giờ là nhân viên bán hàng giỏi.
  • Tôi đã nhiều lần thử học. Tự học cũng có, đến trung tâm cũng có, nhờ các bạn đồng nghiệp dạy cũng có. Nhưng lần nào cũng chỉ được vài hôm là chán. Kèm theo đó là nỗi hồ nghi, sự thất vọng về bản thân mình. Tôi đã nghĩ chắc đét rằng, mình chẳng bao giờ học được tiếng Anh cả.
  1. Sự thay đổi

Tôi tình cờ biết Viện trưởng qua bộ sách: Đứa trẻ nổi loạn. Theo dõi FB và biết thêm Học viện Anh ngữ thần chú. Đúng đợt này thì thấy có tin là Học viện đang mở cửa miễn phí. Tôi xin tham gia luôn. Thực sự nếu phải trả phí thì tôi cũng chưa chắc đã tham gia, vì không có nhiều tiền, và vì đã từng thất bại nhiều rồi.

Tôi theo dõi các bài đăng trong học viện, xem các phần VT viết về cách học và quyết định thử xem. Tôi down các thần chú về, in màu và dán vào như cách VT làm bộ bảo bối. Mỗi sáng tôi dậy sớm để ngồi đọc, chép, dịch 3-5 thần chú. Mấy ngày đầu tiên khá khó khăn, từ nào cũng mới. Câu thần chú dù hiểu láng máng nhưng không dịch ra được cho ngọn ngành. Nhưng không hiểu sao, những thần chú ấy rất có sức mạnh,chúng khiến tôi ham thích.

Sau khoảng chục ngày như vậy thì tôi quyết định mua bộ bảo bối và bắt đầu học nghiêm túc.

Giai đoạn 1

  • Ngay khi nhận được bảo bối tôi làm bước đầu tiên: Động lực, Mục tiêu và Kế hoạch. Cố gắng làm thật cụ thể, thật sát với thực tế, không mơ mộng nhiều.

Dù đã từng hàng tỉ lần lên kế hoạch và thất bại nhưng lần này, tôi tin theo hướng dẫn của VT và cứ làm. Mình là người thử nghiệm, mình cứ làm theo hướng dẫn được hay không cũng không ân hận.

  • Mỗi ngày tôi dịch khoảng 3-5 thần chú và 2 đoạn truyện.

+ Với thần chú, tôi dịch, tra từ mới và đặt câu với từ mới đó luôn.

+ Với truyện, tôi cũng tra từ và đặt câu.

+ Phần nghe: tôi nghe và đọc theo bài nghe VT đăng. Nghe đi nghe lại bài 1,2 và nói theo

Tôi bỗng nhiên rất tự giác dậy sớm học, đến mức chồng tôi cũng rất ngạc nhiên, vì thường ngày tôi toàn ngủ nướng, chẳng bao giờ đưa con đi học buổi sáng. Tôi thích học nhất vào lúc sáng sớm vì lúc này là yên tĩnh nhất. Buổi sáng dậy tâm trí chưa vướng bận gì, làm ngay điều mình muốn làm nhất.

Học xong rồi thì cả ngày thấy nhẹ nhõm, làm việc gì cũng yên tâm

Hôm nào không học xong mà phải học cả vào buổi chiều hoặc tối thì thấy bồn chồn, như là mình còn nợ bản thân cái gì đó.

 

Giai đoạn 2: khoảng 10 ngày giữa

  • Lúc này, việc học đi vào ổn định. Tôi khám phá ra nhiều điều thú vị trong tiếng Anh mà bao năm qua đi học không hề thấy. Ví dụ như: cùng diễn đạt 1 ý mà câu tiếng Anh ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề, còn dịch ra tiếng Việt thì lại phải lòng vòng bằng rất nhiều câu chữ. Lối tư duy của người viết tiếng Anh cũng thế, luôn thẳng và thật. Còn người Việt hay thích nói ý, nói dài
  • Tôi tăng tốc và thay đổi 1 chút cách học

+ Thần chú: dịch từ 5-7 câu. Sau mỗi câu thần chú tôi tự viết suy nghĩ, cảm nhận của mình về ý nghĩa của nó.

+ Truyện: tôi bỗng nhiên ham dịch, có ngày dịch 4 truyện, có ngày cao điểm dịch 8 đoạn truyện. Cả chép cả dịch sưng cả đầu ngón tay.

+ Phần nghe: tôi lại không thấy thích thú việc học nghe theo các đoạn hội thoại đó nên dừng việc học nghe lại.

Ở giai đoạn này, tuy tốc độ học rất nhanh, tôi mê man học suốt ngày, nhưng lại thấy chất lượng học thực sự không ổn lắm, nhất là phần dịch truyện. Nhiều từ mới lặp đi lặp lại ở các bài nhưng tôi không nhớ lắm vì không để tâm đặt câu, nhớ từ. Nhiều cấu trúc ngữ pháp lặp lại nhưng tôi chỉ note lại chứ không dành thời gian tìm hiểu thêm.

 

Giai đoạn 3: Chậm lại

  • Lúc này, tự nhận thấy việc học của mình đang có sự bất ổn, tôi bắt mình học chậm lại. Lượng bài cần chép dịch theo mục tiêu không còn nhiều. Tôi học kĩ hơn.

+ Thần chú: vẫn chép dịch, nhưng tôi cắt dán những phần ngữ pháp mà VT chia sẻ trên học viện thành các phiếu nhỏ. Sau mỗi 1 thần chú, tôi nhặt 1 phiếu ngữ pháp này và đặt câu có áp dụng nó,  câu ấy cũng phải có ý liên quan đến thần chú vừa chép ở trên

+ Truyện:  tôi dịch chậm hơn, tra từ kĩ hơn, dịch đi dịch lại những câu cảm thấy chưa thoát ý. Ở giai đoạn này, tôi nhận thấy lượng từ mới cần tra giảm đi đáng kể, tôi đã bắt đầu có một số vốn từ trong đầu, đã quen với mạch truyện nên dịch trôi chảy hơn nhiều.

 

Giai đoạn 4: Hậu Bảo bối

  • Đúng như VT có cảnh báo: dịch xong bộ bảo bối xong không còn gì để dịch nữa thì lại thấy thiếu thiếu.

Đối với tôi, cái thiếu thiếu này không nhỏ, nó là sự chông chênh, hoang mang không biết phải làm gì tiếp theo. Vốn đã quen với việc làm theo chỉ dẫn, tôi thấy khó khăn trong việc xác định mình thực sự cần gì, muốn gì.

Tôi mất khoảng 2,3 ngày chỉ làm mấy việc linh tinh: tổng kết lại từ mới và ngữ pháp. Dịch lại bộ truyện. Những việc này gần như chỉ dùng đến tay chứ không phải động não quá nhiều, bởi vì tôi thực sự bị đơ. Tôi không chán học, không sợ học. Chỉ là muốn làm tiếp mà không biết làm gì cho tốt.

+ Từ khoảng ngày thứ 15 tôi đã có ý định viết 1 bản thu hoạc bằng tiếng Anh và thu âm lại để báo cáo VT và tự đánh giá mình, nhưng đã không làm được. Đến gần ngày cuối tôi nhận ra, trong tháng vừa rồi, mải mê chép dịch, tôi không để tâm đến kĩ năng nghe nói và cũng không viết 1 đoạn văn hoàn chỉnh chỉn chu lần nào. Diễn đạt ý mình bằng tiếng Anh vẫn là 1 việc thật khó khăn

+ Sau gần 1 tháng mải mê học, tôi bỏ tập chạy buổi sáng, bỏ lớp học nhảy buổi trưa, cũng không quan tâm nhiều đến chuyện ăn uống, nên sức khỏe của tôi đi xuống. Dù không ốm đau, nhưng tôi cảm thấy sự trì trệ trong cơ thể mình. Tôi biết mình cần phải cân bằng lại.

  • Và tôi định hình lại suy nghĩ và kế hoạch

+ Về việc học, ngoài dịch lại story và tìm hiểu sâu hơn về ngữ pháp, làm bài tập áp dụng, tôi bắt đầu luyện nghe hàng ngày, bằng việc nghe Mini story trên youtube, vừa nghe vừa trả lời câu hỏi. Tôi trả lời rất to, khua chân múa tay loạn xạ để tăng hưng phấn và không thấy chán. Đến nay (khoảng 10 ngày rồi) việc luyện nghe theo cách này vẫn đang khiến tôi thấy thích thú.

+ Tôi cũng bắt đầu lựa chọn 1 bộ môn thể dục để tập luyện. Tôi chọn yoga và tập theo video hướng dẫn của Adriene . Vừa tập vừa luyện nghe. Tôi thường xem bài tập từ hôm trước, vừa xem vừa đọc script, đọc được đến đâu thì đọc, đến hôm sau tập lại đỡ bỡ ngỡ. Mấy hôm đầu còn cầu kì in script ra, google dịch để hiểu. Nhưng sau thấy việc này phiền hà mất thời gian quá mà không hiệu quả lắm nên bỏ, hiểu được đến đâu thì hiểu. Mấy buổi đầu nghe như vịt nghe sấm, nhưng giờ cũng tự thấy bắt được vài từ, hiểu được những câu được lặp đi lặp lại. (Tôi đã tập đến buổi thứ 13)

 

  1. Bài học rút ra

Đối với tôi, 1 tháng vừa rồi vừa như chuyện bình thường vừa như 1 điều kì diệu: Bình thường vì thực sự tôi đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức học. Kì diệu vì tôi đã không bỏ cuộc như rất nhiều lần trước đó. Vẫn duy trì được năng lượng và niềm vui với việc học. Vậy nếu để nói điều gì đã khiến tôi vượt qua được thử thách 30 ngày

  • Việc viết ra Động lực, Mục tiêu, Kế hoạch tưởng là máy móc nhưng thực sự quan trọng. Dù không dùng nó để thúc ép bản thân, nhưng tôi thấy mình có ý thức hơn, có động lực hơn khi nhìn lại những gì mình mong muốn lúc đầu. Nhất là những điều đó được xây dựng nghiêm túc, chân thật dựa vào hoàn cảnh, và năng lực thực chất của mình chứ không phải ảo tưởng
  • Phương pháp học TA mà VT sáng tạo ra thực sự rất tuyệt vời. Nó giúp tiếng Anh trở nên thú vị, gần gũi, dễ hiểu. Mỗi ngày, dù chỉ là đọc 1 câu thần chú, xem 1 cái post meme trong Học viện cũng đủ để cảm thấy tiếng Anh thật gần với mình. Tâm lí e ngại, sợ hãi cứ thế mà tan biến, chỉ còn niềm vui, chỉ còn sự can đảm dám dấn thân.
  • Sống chậm lại, nhận biết thứ gì thực sự quan trọng với mình để theo đuổi, những cái khác thì bỏ đi. Nếu tâm trí quá bận bịu với những thứ thừa thãi, thì nó không còn chỗ cho những điều quan trọng nữa. Tôi nhận ra, trước kia tôi làm gì cũng không theo được đến cùng là vì tôi đã để tâm trí mình quá bận bịu, liên tục lo lắng, liên tục toan tính và quá nhiều tham vọng. Nên cuối cùng không cái nào thành công. Giờ đây, khi tôi xác định được NIỀM VUI là ưu tiên hàng đầu, thì làm gì tôi cũng ưu tiên niềm vui. Tôi kiếm tiền ít hơn, nhưng lại có nhiều thời gian hơn cho bản thân mình. Những việc không thích làm dù có ra tiền, dù có làm bố mẹ chồng con vui tôi cũng không làm nữa.

Như vậy, mỗi ngày, tôi ưu tiên việc học tiếng Anh đầu tiên, sau đó thì bọn trẻ con tỉnh dậy, tôi chuẩn bị cho chúng đến trường. Tối về, nếu chúng tự chơi hoặc đi chơi với bạn thì tôi học thêm, nếu không thì tôi chơi cùng con hoặc cùng chồng. Tuyệt đối không lậm vào thời gian dành cho gia đình. Tôi cảm thấy thỏa mãn.

  • Trong quá trình học, Động lực thì không đổi, nhưng mục tiêu và kế hoạch của tôi được thay đổi 2 lần. Tôi điều chỉnh để nó phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình hơn. Cứ thế tôi không xa rời những gì mình đã viết ra, cảm thấy từng bước đi của mình cụ thể chắc chắn.

Tôi cũng áp dụng cả những bài học mình lượm lặt được ở nơi khác, miễn là thấy nó có ích, nó dễ hiểu.

  • Thần chú: “Cố nốt hôm nay, mai tao bỏ cuộc” của Vt thực sự có ích, không chỉ cho việc học TA mà còn cho cả việc tập luyện và có lẽ cho cả những điều khác nữa.
  • Thực sự, 1 tháng vừa qua việc vượt qua thử thách 30 ngày và khám phá ra những điều thú vị trong 1 ngôn ngữ mới mà không phải hô quyết tâm, hô khẩu hiệu, đè nén bản thân khiến tôi phấn khích, khiến tôi thay đổi quan điểm và niềm tin của mình về cuộc sống, về chính bản thân mình. Nó là tiền đề, là động lực để tôi tiếp tục dấn thân, làm những việc mình vốn thích mà còn ngại, còn sợ, hoặc đã từng thất bại.

 

Viện trưởng Phi Tuyết nói đôi lời hí hí 

  1. Đây là một bài báo cáo (bài thu hoạch) chất lượng, đủ tiêu chuẩn giành học bổng của Viện trưởng nha. Bạn sẽ nhận được ngay món quà là cuốn sách A Revolution for kids bản đầy đủ (gần 400 trang thay vì chỉ 55 trang như bản rút gọn trong bộ Bảo Bối, trị giá 500k). Nhận được cuốn này bạn tiếp tục chép dịch hoặc đơn giản đã đủ khả năng đọc và hiểu ngay không cần chép và dịch trên giấy nữa. Lựa chọn cách nào, ấy là tuỳ bạn.
  2. Việc phân chia thời gian học của bạn khá hợp lý. Đừng buồn khi nhận ra mình yếu kĩ năng này hay kia vì việc nhận ra này là tiền đề để thiết lập mục tiêu và kế hoạch học tập mới. Viện trưởng khuyến khích các bạn tập trung từng kĩ năng một sẽ tốt hơn dàn trải 3-4 kĩ năng trong một lần học. Ví dụ hai tháng chuyên tâm chép – dịch. Tiếp theo là hai tiếng chuyên tâm nghe – đọc – nói. Hoặc ví dụ bạn học chép – dịch sau một thời gian thấy tốt rồi, lúc này có thể toàn tâm toàn ý lập kế hoạch cho việc nghe thì nghe sẽ hiệu quả. Hai tiếng ngồi học mà chỉ dịch, hoặc chỉ nghe và nghe sẽ cho kết quả tốt hơn so với chia ra một tiếng dịch, một tiếng nghe. Tất nhiên với điều kiện bạn có khả năng tập trung tốt. Và tất nhiên trong bài nghe thì có kết hợp việc chép + dịch nữa nhưng chủ yếu vẫn là nghe. Còn trong bài chép dịch thì hi vọng VT sớm xong bài nghe đọc thần chú một cách chi tiết để các bạn vừa chép dịch vừa nghe và đọc chuẩn luôn thần chú. (Cái này cần thời gian vì nó liên quan nhiều thứ)
  3. Với bài báo cáo như trên, Viện trưởng xin “tuyên bố” bạn đã đủ điều kiện để làm trợ lý cho Viện trưởng trong công tác tư vấn cho học viên mới rồi nha. Mỗi học viên mới cần được tư vấn về phương pháp, cách thức… VT sẽ “giao phó” cho bạn, và sau mỗi “ca” tư vấn thành công, VT sẽ gởi bạn hoa-đồng-tiền 100k/học viên nha. Một ngày bạn tư vấn cho hai-ba học viên thôi là thu nhập cũng khá rồi đó. Việc tư vấn giúp bạn định hình lại kiến thức trong đầu, nâng cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, chăm học hơn nữa và đặc biệt là chuẩn bị cho bạn sẵn sàng tham gia vào giai đoạn phát triển kế tiếp của học viện. Hiện tại Viện Trưởng đang tập trung cải tiến bộ bảo bối để cho ra version chuyên nghiệp nhất với đầy đủ: Bìa da + tập sổ tay dày + bộ 100 thần chú + bộ 100 memes + bộ truyện (gồm 2 cuốn là tập rút gọn lẫn tập đầy đủ) – tất cả đều được thiết kế và in ấn chuyên nghiệp => giá bộ tài liệu là 2 triệu đồng, tặng kèm một phiếu Học Bổng hoặc Quà tặng (500k tiền mặt hoặc chứng nhận trợ lý học viện hoặc vé tham gia workshop => khi học viên học và gởi lại bản báo cáo chất lượng như trên) Những cái này VT sẽ nói rõ trong học viện sau ha.
  4. Điều cuối cùng: Viện trưởng rất cảm ơn bạn đã kiên trì và cả tự hào về bạn ghê hihi. Cùng nhau phấn đấu thiết lập mục tiêu cao cấp hơn nữa nhé!

Namaste!!!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *