Bí mật về những video bất động

VIDEO BẤT ĐỘNG = MỘT CÁCH ĐƠN GIẢN ĐỂ NẾM HƯƠNG VỊ VÔ TRÍ
“Xác Chết” vui sướng
Những ai từng tập yoga có lẽ đều hiểu cảm giác sung sướng đã đời mỗi khi kết thúc giờ tập miệt mài và được nghỉ ngơi thư giãn sâu trong tư thế xác chết. Bạn càng tập yoga với nhận thức cao độ, nghĩa là vừa ngừng suy nghĩ linh tinh nhưng đồng thời vẫn phải dùng tâm trí để tập trung quan sát cơ thể từ các nhóm cơ cho đến việc kết hợp hơi thở cho đúng – nếu bạn tập đúng theo tinh thần này thì việc tập sẽ rất hiệu quả, đương nhiên cái mệt cũng nhân gấp bội nhưng cái mệt này là cái mệt của “đã đời”.
Cùng những động tác đó nhưng nếu bạn không biết cách tập trung, để mặc tâm trí suy nghĩ lung tung, không bận tâm chuyện siết cơ hay thả lỏng cơ thể khi cần, không chú ý ráp hơi thở cho đúng từng động tác thì càng tập lại càng thấy uể oải và chán nản chứ không đã đời chút nào cả. Hai sự mệt này là rất khác nhau. Sự mệt sau khi tập đúng sẽ dẫn đến những khoảnh khắc “xác chết” vui sướng ngập tràn.
Người không tập yoga vẫn có thể kiểm chứng việc nghỉ ngơi cơ thể này bằng nhiều cách khác, ví dụ thông qua công việc lao động chân tay. Ban ngày bạn làm việc mệt, tối bạn ngủ ngon và say. Cơ thể được nghỉ ngơi toàn bộ sau khi nó đã mỏi mệt và giấc ngủ là phương cách để cơ thể phục hồi lại năng lượng.
Giả sử bạn làm việc liên tục liên tục ngày đêm và không ngủ nghỉ chút nào thì sao? Thì bạn sẽ sớm chết vì kiệt sức. Cơ thể có mức giới hạn năng lượng hoạt động, nó không phải robot – cơ mà thậm chí robot cũng cần thời gian bảo trì bảo dưỡng cơ mà.
Một đêm ngon giấc là khi cơ thể được nghỉ ngơi toàn bộ, giống như động tác xác chết sau buổi tập yoga, tức là bạn bất động một vài tư thế mà bạn thoải mái nhất.
Một người khi ngủ mà liên tục trằn trọc, xoay qua trở lại, đổi tư thế nhiều lần thì giấc ngủ ấy không giúp hồi phục năng lượng cho cơ thể chút nào, sẽ khiến bạn còn mỏi mệt hơn khi thức dậy.
Giấc ngủ ngon là cực kỳ quan trọng trong việc hồi phục và tái tạo năng lượng cho cơ thể. Bây giờ nói về thiền.
Thiền là gì? Tại sao nó quan trọng? Nói cho bạn dễ hiểu thì THIỀN chính là GIẤC NGỦ NGON của TÂM TRÍ.
Thiền là khi tâm trí được nghỉ ngơi
Bạn dễ dàng thấy cơ thể vận động nhưng bạn ít để ý việc tâm trí hoạt động. Một ngày làm việc bạn phải cho cơ thể nghỉ ngơi nhưng bạn có biết tâm trí của bạn hoạt động gần như suốt 24/7 mọi khoảnh khắc kể cả khi bạn ngủ? Giấc mơ chính là việc hoạt động của tâm trí. Chưa hết, tâm trí hoạt động kể từ khi bạn sinh ra cho tới tận hôm nay, giờ phút này, chưa từng có một ngày nghỉ nào cả. Và nó sẽ hoạt động ngay cả sau khi bạn chết đi.
Nói thêm một điều này còn tệ hơn nữa này, tâm trí bạn phải làm việc không chỉ mỗi một kiếp này thôi đâu, nó hoạt động liên tục như thế hàng trăm, hàng triệu kiếp sống trước đây của bạn nữa rồi.
Một “nhân công” làm việc 24/7 mọi ngày trong nhiều kiếp sống, chả trách sao “nhân công” ấy nay đã trở thành “chủ nhân” của bạn. Nó sẽ không cho phép bạn để nó nghỉ ngơi đâu, vì nó mà nghỉ ngơi đồng nghĩa với nó “mất việc”, mất quyền kiểm soát bạn. Nó không thích điều này và sẽ làm mọi cách để phản đối việc bạn cho nó “nghỉ ngơi”.
Thiền bước đầu là sự nghỉ ngơi của tâm trí, là bạn tạo điều kiện cho nó được “ngủ ngon”. Khi nó “ngủ”, tức là mất quyền kiểm soát lên bạn thì đồng thời bạn sẽ nhận ra mình là ai – lần đầu tiên. Vì không có tâm trí, bạn là ai? Chẳng là ai cả.
Mọi ý tưởng của bạn về bản thân và thế giới đều là do tâm trí tạo ra, phóng chiếu ra trên một màn ảnh lớn. Tâm trí giống như rạp phim, nó là máy chiếu, là màn hình, là mọi thứ. Bạn là người xem phim mà thôi, bạn không phải nhân vật trong phim nhưng nếu bạn được đặt vào rạp chiếu phim và cả đời cứ xem những gì trên màn ảnh thì làm sao bạn biết bạn không là nó?
Để ý đi, khi xem bất cứ bộ phim nào bạn rất dễ đồng hoá mình với nhân vật trong phim, bạn khóc bạn cười, bạn tức giận, sợ hãi, thù ghét cùng với nhân vật dù biết những ì trên màn ảnh là không có thực.
Tắt máy chiếu đi và đột nhiên bạn nhận ra mình đang ở trong rạp chiếu phim mà thôi, rằng mọi người khác xung quanh cũng như bạn, cũng đang đồng hoá mình với những bộ phim mà tâm trí phóng chiếu lên đã quá lâu rồi.
Khoảnh khắc nhận ra mình chỉ là người xem phim, không phải nhân vật trên phim đó, đó là khoảnh khắc của chứng ngộ (chứng-biết một điều gì đó và ngộ ra cái gì đó).
Việc tắt máy chiếu đó chính xác là tắt tâm trí, hay như ngôn ngữ chúng ta dùng bài viết này, là cho tâm trí đi ngủ – là thiền. Không có tâm trí bạn sẽ không có suy nghĩ, không tưởng tượng, không xét đoán, không phán xét, không kì vọng, không so sánh, thế thì không lo âu và không sợ hãi, không tham và cũng không buồn.
Thử đi, một khoảnh khắc dừng mọi suy nghĩ về quá khứ và tương lai thì hiện tại trong trẻo đó có gì để mà buồn? Quá khứ làm bạn buồn, tương lai khiến bạn lo. Hiện tại tinh khiết khi gạt bỏ sự ảnh hưởng của quá khứ và tương lai thì chẳng có gì để mà buồn mà lo cả.
Mọi khổ của con người là do tâm trí phóng chiếu tạo ra, dừng tâm trí là dừng khổ và thiền là cách duy nhất để dừng tâm trí.
Thiền là khi tâm trí của bạn được nghỉ ngơi sau hàng trăm kiếp sống làm việc liên tục. Việc nghỉ ngơi của nó đồng nghĩa với việc nó ngừng làm chủ bạn, ngừng điều khiển bạn. Nó cũng đồng nghĩa luôn với việc lần đầu tiên, bạn có thể dùng đôi mắt mình để nhìn vào thế giới, vào cuộc sống thực chứ không phải nhìn vào màn hình. Lần đầu tiên bạn có thể nhìn mọi thứ bằng đôi mắt và nhận biết của bạn chứ không thông qua đôi mắt của ai, định hướng của ai.
Nghĩ về điều đó đi, về việc để cho tâm trí nghỉ ngơi một chút sau hàng vạn năm nó làm việc vất vả với tư cách chủ nhân của bạn. Cho nó quyền nghỉ ngơi là bạn đang cho phép bản thân lấy lại quyền làm chủ cuộc đời mình. Bạn có quyền sống cuộc sống vui vẻ, an yên. Bạn có quyền sống cuộc sống bình an, phúc lạc. Bạn có mọi quyền đó, lấy lại nó đi.
Để bắt đầu, hãy thử việc đông cứng tâm trí lại chỉ trong vài khoảnh khắc, cho nó ngủ yên vài khoảnh khắc thôi. Nếu như bạn có thể giữ cho tâm trí yên lặng trong một tiếng, bạn là Phật rồi! Thử đi để thấy rằng chỉ giữ cho nó yên lặng trong một phút cũng thật khó khăn nữa là. Gần như bất khả.
Những chiếc video bất động: Trong động có tĩnh, trong tĩnh có động
Nhưng tôi có một cách cho bạn, cách này ứng dụng thuật yoga và cả tâm lý học, nó dễ dàng cho tất cả mọi người.
Cách ấy là hãy bật điện thoại lên và quay một chiếc video 30 giây thôi. Trong 30 giây đó bạn bất động như tượng đá, bất động toàn bộ. Khi bạn ý thức mình đang quay video bất động, tâm trí sẽ giữ cho cơ thể bạn đông cứng, vì nó biết bạn muốn quay video mà. Yoga nói rằng cơ thể và tâm trí là một mối, khi cơ thể bất động thì tâm trí cũng khó mà cử động – khi bạn đang ý thức.
Cho nên khi bạn cố ý thức giữ cho mình bất động trong 30 giây (nhớ phải quay video lại, xung quanh càng động càng tốt, bạn cứ giữ nguyên tĩnh như thế) – khi bạn ý thức giữ cơ thể bất động như tượng đá (yoga) – HÃY QUAN SÁT TÂM TRÍ CŨNG BẤT ĐỘNG TRONG SUỐT THỜI GIAN ĐÓ MỘT CÁCH ĐẦY TỈNH TÁO VÀ NHẬN BIẾT. ĐÓ LÀ KHOẢNH KHẮC CỦA VÔ TRÍ. ĐÓ LÀ THIỀN.
LÀM ĐI NÀO!
(Phi sẽ đăng một vài video mẫu dưới mục comment trên fanpage Phi Tuyết, bạn cũng làm và đăng video của bạn nhé. Bạn sẽ nghiện trò này đấy, vì một khi đã nếm trải cảm giác vô trí đầy nhận biết, bạn sẽ không thể dừng nó lại nữa. Bánh xe đã quay và bạn đã vào hành trình rồi.)
Namaste!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *