Vì quá nhiều người hỏi, “Phi Tuyết đã đọc những sách gì?” nên tôi đã quyết định viết ra hẳn một cuốn sách về những gì tôi đã đọc và thấy giá trị nhất trong toàn bộ sự nghiệp đọc sách của mình tới lúc đó, đó chính là cuốn sách này!
Bản thân tôi – từ ngày rời ngôi trường học tập chính quy, tôi không còn nhớ bất cứ gì mình đã được dạy. Những kiến thức mà tôi đang có trong đầu và mang ra ứng dụng trong cuộc sống – không ngạc nhiên – phần lớn đều là những kiến thức do tôi tự học hỏi, tự đọc sách, tự trải nghiệm, tự chiêm nghiệm đúc kết mà thành. Kiến thức tuyệt nhất là kiến thức chúng ta tự học bằng nhiều cách, chứ không chỉ là thứ chúng ta được dạy. Việc dạy suy cho cùng không quan trọng cho bằng việc học.
Tôi không bao giờ dám nhận mình là người hiểu biết, cũng chả bao giờ dám nói là mình đọc nhiều, biết nhiều. Nhưng cái may mắn của tôi, là đọc ít nhưng lại được những thứ mình cần đọc; không quá nhiều về lượng nhưng đủ chất. Một người đọc nhiều nhưng không ứng dụng được gì từ việc đọc ấy, thì cũng là vô ích. Tôi đọc không nhiều nhưng lại ứng dụng được nhiều điều đã đọc vào cuộc sống vì vậy mà tôi tiến bộ khá nhanh trên con đường phát triển bản thân, con đường tìm ra ý nghĩa cuộc sống của riêng mình.
Đó cũng chính là lý do tôi viết cuốn “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?” Cuốn sách là những kiến thức mà tôi thấy là thú vị, quan trọng, cần thiết mà trong nhiều năm tôi đã đọc từ rất nhiều nơi khác nhau, về những lĩnh vực khác nhau.
Công việc của tôi trong cuốn sách này, là kể lại cho bạn những kiến thức ấy, sau đó sắp xếp lại như trò chơi ghép hình thành một bức tranh lớn thú vị. Mà qua bức tranh ấy, bạn có thể hiểu được cách thức thế giới này, cuộc sống này vận hành – qua góc nhìn của tôi. Hiểu được cách vận hành của cuộc sống loài người, chúng ta mới có thể vận hành cuộc sống của riêng mình. Đó là toàn bộ ý đồ lẫn mong ước của tôi qua cuốn sách này.
Đây không phải là một cuốn dễ đọc như sách kĩ năng sống hay tự truyện, vì nó chứa rất nhiều kiến thức và ý tưởng nhưng tất cả đã được tôi viết lại cho đơn giản thành những câu chuyện dễ đọc mà không quá khô khan: Câu chuyện vũ trụ, chuyện lịch sử loài người, chuyện cách mạng công-nông nghiệp, chuyện giáo dục… Nhưng như một phần thưởng cho người kiên trì đọc đến cùng, là bạn sẽ đọc được những thứ mà có thể bạn không bao giờ học được ở trường, kể cả trường đại học, cũng như khó mà tìm đọc được ở môi trường internet đầy phức tạp này. (Làm sao bạn lại bận tâm chuyện nuôi bò ăn cỏ thế nào khi mà internet đầy ắp chuyện người đẹp siêu xe cướp giật? Cũng như làm sao mà bạn được học những cách giải thích về luân hồi, nghiệp quả, định mệnh, số phận ở trường chính quy?)
Mỗi người chúng ta mỗi ngày đều hành động như một cái máy tính được lập trình sẵn. Vậy ai đã lập trình chúng ta? Họ đã lập trình như thế nào? Họ đã làm vậy để làm gì? Có cách nào để chúng ta tự gỡ bỏ những lập trình ấy mà sống cuộc đời theo ý mình, như ý mình: tự do, hạnh phúc? Mà bạn có thật biết “ý mình” là gì không hay ý của bạn cũng chỉ là ý của những người khác: ý sếp, ý cha mẹ, ý vợ con, ý của chúa? Bạn đã thực sự từng có “ý muốn của riêng mình”?
Tên trên bìa cuốn sách là “Tại sao chúng ta KHÔNG hạnh phúc?” với chữ “Không” đươc bôi rất mờ. Cuốn sách có thể được ví như cục tẩy, tẩy bớt chữ “không” và tẩy luôn chữ “tại sao” để biến bìa sách từ “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?” thành “Chúng ta hạnh phúc”. Hay ít nhất, cũng là khiến bạn sắp xếp lại những chữ ấy thành “Chúng ta hạnh phúc, tại sao không?”
Tại sao giáo dục không giúp chúng ta hạnh phúc?
Toàn bộ giáo dục chỉ đề cập về kiến thức, tri thức, đôi khi là kỹ năng nhưng cuộc sống thực lại rất khác môi trường giáo dục. Trong cuộc sống, chúng ta không cần kiến thức kĩ năng mới có thể hạnh phúc. Trẻ con là người hạnh phúc, chúng đâu cần kiến thức kĩ năng? Tất nhiên chúng ta không nên mãi ngây ngô như những đứa trẻ. Chúng ta cần học hỏi nhiều điều, tích lũy nhiều kiến thức nhưng sau cùng khi ta vứt bỏ tất cả những kiến thức mình đã học, đã biết thì lúc ấy ta mới có cơ may hạnh phúc được. Chúng ta nên dùng kiến thức để hiểu về cuộc đời, về thế giới và sau đó là hiểu chính mình. Có đầy kiến thức mà vẫn không hiểu về thế giới về cuộc đời thì hiểu để làm gì, phỏng có ích gì? Hiểu cả thế giới mà sau rốt lại không hiểu chính mình, thì lại càng vô ích hơn.
Một tội lỗi lớn khác của giáo dục, là nó hoạt động trên cơ chế so sánh và đánh giá người ta dựa trên thành tích, điểm số. Nó quy con người thành những cái máy tính và rồi lập trình cho chúng ta những quy tắc nhất định cho cuộc sống. Công thức thường thấy nhất: học lấy điểm cao, thi lấy thành tích cao, kiếm việc làm tốt, kiếm việc tốt hơn nữa, thành đạt, thành đạt hơn… Cả đời ta chìm trong công thức ấy, quay cuồng trong một cuộc chiến không bao giờ kết thúc do giáo dục đặt ra.
Ta bị so sánh và bản thân ta cũng luôn so sánh mình với mọi người, từ lúc bắt đầu bước vào mẫu giáo, trẻ con bắt đầu học cách so sánh – một cách chính thức – và rồi mất nhiều chục năm sau đó khi đã già, đã hiểu biết sự đời, người ta mới học được cách thôi so sánh, thế thì lúc ấy người ta mới bắt đầu tìm thấy bình yên.
Người không so sánh, người không phán xét, người không đua tranh… ấy là người hạnh phúc. Giáo dục đi ngược lại tất cả những thứ ấy. Đó là lý do giáo dục không giúp chúng ta hạnh phúc tí nào. Trong hàng bao nhiêu thế kỉ, giáo dục vẫn không đào tạo được lớp người hạnh phúc, nó thất bại. Trừ khi có một cuộc cách mạng vĩ đại nổ ra bên trong ngành giáo dục và thay đổi toàn bộ cách tiếp cận lẫn cách thức hoạt động của nó, thì may ra sự thể mới khác đi được. Nhưng sự thật là giáo dục luôn đứng hàng TOP những thứ “chậm trễ” nhất trong việc thay đổi. Thời gian cho mỗi bước thay đổi trong giáo dục là hàng chục năm, có khi hàng trăm năm trong khi cuộc sống thì biến thiên không ngừng, thay đổi từng giây phút. Giáo dục quá xa với thực tế, đó là lý do nó thất bại.
Người thông minh cần “giáo dục thông minh”
Nhìn những bậc giác ngộ: Phật Thích Ca, Chúa Jesus, Lão Tử… tôi không tin những người này là những người học cao chút nào. Họ không cần một môi trường giáo dục cứng nhắc và tù đọng như môi trường giáo dục hiện nay mà thế giới đang áp dụng. Chúng ta sống ở thời hiện đại thì tất nhiên chúng ta phải tuân theo những quy tắc của thời hiện đại. Ở thời hiện đại này, người không có giáo dục e rằng cũng khó mà hạnh phúc được. Tuy nhiên bên cạnh chuyện giáo dục, chúng ta phải thông minh. Giáo dục không tạo ra người thông minh. Thông minh là tính chất sẵn có của mỗi người.
Chúng ta phải thông minh để biết được rằng việc tuân theo một chương trình giáo dục của ai đó sắp xếp cho mình, là điều ngu ngốc. Ngay cả việc theo học những điều mà mình không yêu thích, dù cho trong mắt xã hội nó là quan trọng, cũng là điều không đáng. Là người thông minh, chúng ta phải biết cách để tự giáo dục chính mình. Nghĩa là tự mình học những điều mà mình yêu thích, mình có năng khiếu, mình quan tâm, mình say đắm.
Trước khi tự học có một việc rất quan trọng cần làm, ấy là chúng ta phải tẩy khỏi bộ não của mình những ý tưởng của người khác, mong muốn của người khác, kế hoạch của người khác. Chúng ta phải nhận ra ý đồ và bản chất của giáo dục, để rồi tự tìm ra phương pháp học tập tối ưu cho chính mình. Như ly nước đầy muốn rót thêm thì phải đổ bỏ phần nước trong ly đi đã, huống hồ phần nước cũ trong ly là phần nước thải, rất bẩn, rất độc hại, rất không… hạnh phúc. Thì nhu cầu cẩn tẩy độc bản thân khỏi những ước định, cài đặt trong quá khứ lại càng trở nên quan trọng hơn nhiều.
Không phải cứ ai học cao là sẽ mặc nhiên thành người hữu ích. Cũng không phải kiến thức có thể quy đổi sang thành công. Kiến thức và lý thuyết xa nhau rất nhiều. Trong nguyên tắc 80/20 thì chỉ nên dành 20% thời gian cho kiến thức mà thôi còn lại 80% cần dành cho việc sử dụng, trải nghiệm, đúc kết kinh nghiệm từ kiến thức ấy. Không có phần sử dụng này thì kiến thức của bạn cũng chỉ là đồ bỏ đi không hơn không kém. Giống như việc bạn ăn đồ ăn, đồ ăn là kiến thức nhưng việc tiêu hóa đồ ăn ấy thành máu, thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể bạn mới là mục đích sau cùng của việc ăn – chính là sự hiểu biết và kinh nghiệm. Đừng chỉ nuốt cho nhiều đồ ăn trong khi cơ thể không thể tiêu hóa chúng.
Sách có thể truyền một đốm lửa nhưng lửa cần ô-xi và củi thì mới giữ cháy lâu được
Một cô bạn của tôi nói rằng cô ấy đang rất buồn chán, muốn đọc sách của tôi, muốn mua cuốn “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?” Tôi nói rằng nếu cô ấy cần động lực sống thì có lẽ nên đọc cuốn “Sống như ngày mai sẽ chết” sẽ nhiều năng lượng hơn, còn cuốn “Tại sao ta bất hạnh?” thì nhiều kiến thức không à, e là cổ sẽ bị ngán trước khi đọc xong. Cô bạn nói, đã đọc cuốn *Sống* nhiều lần, mỗi lần đọc xong đều hừng hực khí thế, nhưng sau vài ngày tất cả lại đâu vào đấy ngay. Tôi nói “Đúng là như vậy. Thứ bạn cần không phải là một động lực, nhưng là hành động cụ thể để thoát khỏi tình trạng buồn chán ấy, mà việc này thì mình không giúp được rồi”.
Những cuốn sách của tôi nếu gọi là sách truyền năng lượng, truyền lửa thì quả đúng là như vậy – và nó có vẻ như đã hoàn thành khá xuất sắc vai trò ấy. Nhưng việc quan trọng hơn cả việc truyền lửa là bạn phải làm gì với lửa đó đi, đừng để nó lụi mất. Tôi có thể trao cho bạn đốm lửa nhưng nếu bạn muốn lửa cháy thì bạn phải cung cấp thêm ô xi, thêm củi, thêm chất đốt thì lửa mới cháy hoài được chứ. Nếu không sớm muộn gì lửa cũng tắt, lúc ấy rõ là lãng phí công sức bạn đã đọc sách rồi. Tệ hơn nữa, nó còn làm cho bạn chùn bước vì cảm giác thất vọng về bản thân nữa. Điều này thì không đùa chút nào.
Sách của tôi có thể truyền năng lượng, như một nguồn điện nhưng bạn phải dùng điện để làm gì đi chứ đừng để cho nó hao phí mất. Dùng điện để thắp sáng, quạt mát, làm lạnh món kem, nấu nồi cơm, xem phim, nghe nhạc… làm gì cũng được nhưng đừng để nó biến mất vào thinh không, sẽ rất là lãng phí.
Tương tự vậy với giáo dục, với kiến thức mà chúng ta được học và được dạy mỗi ngày. Nếu bạn có kiến thức mà bạn không làm gì với nó thì chẳng khác gì một người tích lũy thật nhiều của cải, rồi chết. Liệu có ích gì?
Kiến thức nhiều bao nhiêu không quan trọng bằng việc áp dụng kiến thức ấy vào thực tế. Dùng kiến thức để thay đổi tư duy suy nghĩ của mình, để làm cho đời mình tốt hơn, tự do hơn, hạnh phúc hơn – ấy mới là giáo dục đúng nghĩa.
Việc giáo dục này không ai có thể làm thay cho bạn được đâu.
Một cách rất tình cờ, sáng nay tôi nhận được inbox từ một bạn độc giả trẻ, bạn ấy nói về cuốn “Sống như ngày mai sẽ chết” rằng: “Cuốn sách của chị là cuốn đầu tiên em chăm chỉ đọc hết. E tham gia câu lạc bộ đọc sách thắp sáng thắp sáng niềm tin, em hơi đối lập vì em yêu sách nhưng lại lười hiếm khi đọc hết một cuốn nào. Sách của chị là một cuốn sách vô cùng hay, e cảm ơn chị đã viết ra cuốn sách đó. Nó dường như cho e rất nhiều động lực để đi xa hơn. Nhờ có cuốn sách của chị e đã biết điều khiển cảm xúc mỗi khi bị bắt nạt. Nhờ có chị e đã có thêm niềm tin vào tương lai đằng sau cánh cổng đại học. Nhưng bất ngờ hơn e tìm thấy rất nhiều giải đáp cho e về mơ ước, về tuổi trẻ, về tầm quan trọng của đọc sách.” – Thế Minh (Tôi nói với bạn rằng, để xem em giữ được cảm giác này bao lâu, hi vọng là sẽ lâu. Vì nếu em không làm gì với cảm xúc ấy – ngay lúc này – nó sẽ lụi ấy)
Cũng sáng nay, tôi nhận được tin nhắn từ một cô bạn khác, cô ấy nói về cuốn “Khi ta muốn ta sẽ tìm cách, Khi ta không muốn ta tìm lý do” – “Cảm ơn T đã giúp Y giải được một bài toán quan trọng. Từ trước tới giờ lúc nào Y cũng bị “xa lánh hội đồng” mặc dù không xấu với ai, cũng không đụng chạm đến ai. Kể cả lúc đi học hay đi làm. Ngày đầu tiên đi làm cũng bị xa lánh hội đồng. Nhiều lúc Y nghĩ nên tử tế với người ta thì bị cho là “lấy lòng “ họ, là “vô duyên”. Vừa đọc xong cái bài “Hãy đặt niềm tin vào bản thân thay vì tìm từ nơi khác” nhận ra không cần nhu cầu khiến mọi người yêu thích mình nữ”, tự nhiên sáng ra.” – Yennie Lee. (Bài ấy tôi nói về việc chúng ta cứ cố lấy lòng người khác, cố gắng khiến người khác yêu mến mình là việc vô ích lẫn ngu si. Bởi vì chúng ta không tin tưởng chính mình. Người tin vào chính mình đủ, sẽ không cần người khác. Người không tin vào chính mình, thì còn bắt ai tin mình cho được? Cho nên điều quan trọng là bạn phải gây dựng lòng tin nhưng không phải với người ngoài đâu, mà là với chính bản thân mình, đại loại vậy)
Nói ra những điều này cũng hơi xấu hổ, nhưng bạn ạ, sự thật là sách không khiến bạn hạnh phúc đâu, nhưng sách có khả năng là khơi dậy cái kho hạnh phúc đang có sẵn bên trong bạn. Sách có thể chứa những cái tát khiến bạn tỉnh dậy khỏi cơn ác mộng hoặc chứa cả những gáo nước lạnh giúp bạn gột sạch những bụi bẩn đang bao quanh bạn. Thế thôi.
Trước khi kết thúc, xin tặng bạn một trích đoạn sách rất hay tôi đọc sáng nay:
Rào cản của sự hiểu biết
Có gì khác biệt giữa tri thức và sự hiểu biết? Tự điển không phân biệt được chúng nhưng với cuộc sống thì chúng rất khác. Tri thức là lý thuyết trong khi sự hiểu biết là trải nghiệm. Để trải nghiệm bạn phải mở to mắt mà nhìn, trong khi tri thức là thứ bạn có được từ cặp mắt của người khác. Bạn vẫn có thể có được tri thức khi bạn “mù” nhưng để có sự hiểu biết bạn cần có “đôi mắt sáng”. Sự hiểu biết là trải nghiệm chân thật, còn tri thức chỉ là hư ảo.
Tri thức tạo ra khoảng cách khiến con người tách ra khỏi tổng thể. Biết càng nhiều, khoảng cách của bạn với sự vật càng lớn, biết càng ít thì khoảng cách càng nhỏ. Cũng giống như khi bạn yêu một người nào đó là lúc không có khoảng cách nào giữa bạn với người đó. Chỉ có sự rung động, hoà hợp, kết liên.”
– Trực giác siêu linh – Osho
Phi Tuyết 2018
Namaste!