NGHỆ THUẬT TẠO ĐỘNG LỰC TRONG HỌC ANH VĂN
Nếu bạn không có động lực đủ lớn, đừng học Anh Văn. Bởi vì dù có học, bạn cũng không kiên trì mà học lâu được, bạn sẽ bỏ cuộc sớm thôi. Nếu biết mình không đủ lực tham gia một cuộc trường chinh, thà khỏi tham gia ngay từ đầu. Điều đó sẽ tiết kiệm được cho bạn nhiều thời gian, tiền bạc và đặc biệt là đỡ mất niềm tin của bản thân vào chính mình – thứ vốn dĩ đã và đang rất ít rồi.
Động lực là gì? Là oxi, là lửa, là nhiên liệu giúp bạn biến quyết tâm của mình thành hành động, thay vì chỉ ngồi một chỗ ao ước. Động lực giống như nhiên liệu cho chiếc ô tô. Ô tô bất kể mới xịn thế nào, nếu không có nhiên liệu nó sẽ không thể chạy được.
Bất kể bạn có điều kiện tốt đẹp thế nào để học Anh Văn, nếu bạn không có nhiên liệu là động lực học, để đưa việc học thành thói quen, thành lỷ luật thì việc học Anh Văn của bạn cũng sẽ chỉ để trang trí như chiếc xe kia thôi, sẽ chẳng đi được tới đâu cả.
Cho nên trước mỗi chương trình học, hãy nghiêm túc suy nghĩ về động lực học của bạn, hỏi bản thân xem bạn có động lực gì không, tại sao bạn lại muốn giỏi Anh Văn. Hãy dành thời gian suy nghĩ và tạo động lực đủ lớn cho bản thân trước đã. Đây tuy là việc nhỏ nhưng rất quan trọng đánh giá sự thành bại chuyến đi của bạn. Giống như việc chuẩn bị hành lý chu đáo trước một chuyến trekking khám phá rừng rậm ấy, nó là công việc nền tảng. Không làm xong việc này, đừng vội vàng làm gì khác.
Bạn biết tại sao người ta chăm chỉ đi học ở trung tâm Anh ngữ không? Vì họ đã phải đóng tiền, đóng rất nhiều tiền. Người có động lực càng lớn thường mới càng dám bỏ nhiều tiền để mua khoá học và khi đóng tiền rồi thì việc “ván đóng thuyền” này sẽ lại là động lực để người đó đi đến lớp mỗi ngày. Đó cũng là lý do những thứ miễn phí thường không mang lại hiệu quả.
Không có động lực miễn phí, ai đó có thể cho bạn động lực của họ nhưng làm sao động lực của người khác lại có thể hữu dụng với bạn được? Người khác có mong muốn hẹn hò trai ngoại nên muốn giỏi giao tiếp Anh Văn, bạn nhìn lại mình thấy đã một chồng ba con thì làm sao bạn dùng động lực đó được? Thế thì động lực của bạn có thể là vì con, bạn muốn mình giỏi đủ để có thể dạy con của bạn, để chúng nó có một tương lai tốt hơn của bạn. Thế thì đây mới là động lực của bạn. Viết nó ra. Tìm thêm 5-10 động lực tự thân nữa đi, những động lực mà liên quan trực tiếp đến cuộc đời của bạn và mong muốn của bạn ấy. Tìm đủ 5-10 cái đi rồi hãy bắt đầu việc học.
Dù đã được nhắc nhở liên tục nhưng nhiều bạn tham gia Học Viện Thần Chú thường bỏ qua môn tạo động lực này, hoặc có viết thì cũng viết rất qua loa sơ sài, rồi ngại không dám cho ai coi vì sợ bị đánh giá gì đó. Thế thì đừng ngạc nhiên khi bạn chỉ hăng hái chăm chỉ học được một thời gian rất ngắn rồi lại tắt ngúm, mất hút. Đây là điều đáng buồn nhất. Bởi vì không ai có thể cho bạn động lực được, không ai có thể học thay cho bạn được. Con đường học Anh Ngữ giống hệt con đường tâm linh vậy, người khác có thể chỉ cho bạn hướng đi, người khác có thể hướng dẫn bạn, thậm chí có thể đi cùng bạn nhưng không một ai có thể đi thay bạn được. Chính bạn phải tự bước đi trên đôi chân của mình nếu muốn tới đích.
Trên đường tới đích hành trình sao mà quá dài, sẽ có những lúc chúng ta mệt mỏi chứ, chùn chân mỏi gối chứ, nản chí chứ. Không ai là không cả vì chẳng một hành trình nào đáng giá mà lại chỉ toàn thảm đỏ và hoa hồng. Hành trình càng khó khăn thì kết quả sẽ càng đáng giá. Vậy làm gì khi chúng ta “mất lửa” dọc đường đây? Câu trả lời – đáng buồn thay – là chúng ta phải nhóm lửa lại thôi. Mỗi khi nản chí, hãy mở trang Động lực ra, đọc lại những lý do khiến bạn muốn giỏi Anh Văn mà bạn từng viết. Đọc lại nó, viết lại nó và nếu cần thì hãy tạo ra thêm động lực mới nữa.
Có thể bạn nghi ngờ, nhưng việc giới thiệu, mời và chịu trách nhiệm hướng dẫn cho một người khác nữa học cùng mình, là cách rất hay để giữ động lực học. Đôi khi học một mình ta sẽ lười, học cùng bạn bè thân cũng lười vì bạn bè cũng lười hệt như mình. Nhưng nếu có một người “bên dưới” mình, “đi sau” mình mà mình chịu trách nhiệm hướng dẫn và đôn đốc người đó, thì trong chính việc đôn đốc người kia tự dưng mình cũng được hưởng xái sự đôn đốc ấy. Trong việc tạo động lực cho người khác mình cũng đang tạo động lực cho chính mình. Trong việc hướng dẫn người khác thì tinh thần trách nhiệm của mình cũng theo đó mà nâng cao. Đôi khi là học sinh mình có thể lười, nhưng là cô giáo thì mình không được quyền lười nữa vì nó đã thành trách nhiệm.
Nếu như bạn có thể gắn động lực với trách nhiệm thì đó là một điều tốt. Đó là lý do Học Viện rất khuyến khích việc Học viên tự học một thời gian để cảm nghiệm tính hiệu quả của Bộ Bảo Bối, sau đó hãy mời một người khác mà bạn biết là cũng đang muốn học Anh Văn tham gia cùng. Sau đó bạn sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn người mới này và được trả công cho sự hướng dẫn ấy. Việc trả công bằng tiền mặt này không chỉ mang tính vật chất, giúp người học có thêm động lực trong việc học thông qua thực tế cơm áo gạo tiền, mà nó còn mang tính tâm lý rất lớn, nó khiến bạn trở nên trách nhiệm với đồng tiền ấy để mà giữ cho bản thân mình chăm chỉ nhiệt huyết. Nhiệt huyết này chính là động lực không chỉ giúp bạn du hành đường xa mà còn giúp người khác nữa. Ai có sức mạnh lớn thì du hành một mình rất tốt. Ai không có nhiều sức mạnh thì hãy tìm bạn đồng hành và du hành cùng nhau. Đây là một thủ thuật tâm lý của phương pháp, không chỉ về chuyện tiền bạc đâu bạn nhé. Mặc dù tất nhiên càng nhiều tiền thì động lực sẽ càng lớn. Bạn hướng dẫn một người được 10%, nếu bạn hướng dẫn một lúc 5 người, 10 người, thế thì đôi khi thu nhập từ việc hướng dẫn này còn lớn hơn bạn từng tưởng tượng đấy. Mặc dù tất nhiên khi ấy bạn cũng đã phải luyện kha khá thần chú rồi, lẫn luyện cả khả năng tự học, khả năng hướng dẫn người khác, khả năng truyền đạt, tính kiên nhẫn, khả năng giao tiếp… Toàn những kĩ năng mềm cực kì quan trọng và cần thiết trong cuộc sống.
Có thể bạn chưa nhận ra, rằng trong bộ Bảo Bối, các môn học đều có sự liên kết và bổ trợ bạn trong việc tạo động lực học rất lớn: không chỉ các câu thần chú, các meme – bùa cười đều mang đầy năng lượng, tính thơ, tính tâm lý lẫn tính khai phóng tâm linh khiến việc học không nhàm chán lý thuyết, mà hai môn Mục tiêu và Kế hoạch tuy ít được Viện Trưởng nhắc đến hơn nhưng lại đóng vai trò rất lớn trong việc tạo động lực học đấy.
Khi bạn biết đặt mục tiêu một cách đúng đắn và biết lên kế hoạch một cách hợp lý để đạt mục tiêu đó, thì động lực sẽ tự nó sản sinh dài dài.
Để làm được điều đó có vài điểm về mục tiêu và kế hoạch bạn cần lưu ý: Mục tiêu nên có mục tiêu dài hạn và ngắn hạn. Ví dụ mục tiêu của ba năm, một năm; rồi mục tiêu của ba tháng, một tháng; rồi mục tiêu của một tuần. Dừng lại tại đây.
Có mục tiêu của tuần rồi bạn sẽ dễ dàng lên kế hoạch cho việc học mỗi ngày. Hãy lên kế hoạch cho nó khớp với cuộc sống và trình độ thực tế của bạn, đừng kì vọng và đặt khởi đầu quá cao. Cứ từng bước một thôi: ví dụ tuần này, một ngày chỉ cần luyện được 3 thần chú, 3 meme là đủ. Qua tuần sau, khi “máy đã được làm nóng” rồi, thì nâng lên: 5 thần chú, 10 memes; tuần sau nữa nhắm thấy sức mình khá hơn rồi thì 5 thần chú, 10 memes, 1 story, 1 gramma. Cứ thế nâng dần lên và quan sát sức học của mình tăng trưởng. Mỗi tuần nếu bạn thấy mình đã theo đúng kế hoạch và đã đạt được mục tiêu tuần, tự thưởng cho bản thân cái gì đó – một cuốn sổ tay hoặc một chiếc tách xinh xinh để uống cafe khi học bài. Rồi lại bắt tay đặt mục tiêu và kế hoạch cho tuần mới.
Việc thường xuyên đặt mục tiêu và kế hoạch này sẽ như việc tiếp thêm củi khiến cho ngọn lửa của bạn luôn cháy. Nếu bạn đặt mục tiêu và kế hoạch quá cao và phạm vi quá rộng ngay từ đầu, khi bạn không hoàn thành được nó sẽ thấy rất chán nản và dễ dàng bỏ cuộc. Sự chán nản thậm chí còn tăng gấp đôi vì bạn không chỉ cảm giác mình dở tệ, không làm được gì mà còn cả cảm giác mình thất hứa với bản thân, mình là đứa không giữ lời – thấy không: bạn vừa là người thất hứa vừa là người bị thất hứa – nỗi đau nhân hai này làm sao mà đấu lại, nó sẽ kéo bạn xuống tới đáy của chán nản rất khó để ngóc lên lại. Thật nguy hiểm.
Nên các bạn nhớ nhé: tuyệt đối không xem thường môn ĐỘNG LỰC này.
Hãy dành ít nhất một buổi học hoặc một ngày để suy nghĩ về nó cho thấu đáo, viết nó ra đúng như Viện trưởng hướng dẫn trong Bộ Bảo Bối: Viết ra 5-10 lý do tại sao bạn muốn GIỎI Anh văn? Lý do càng mang tính thực tế và càng cá nhân càng tốt. Thậm chí đôi khi những lý do cá nhân như: để trả thù thằng người yêu cũ (đứa giỏi Anh Văn) vì nó từng dám nói mình không làm được trò trống gì, mình học để thi IELTS 8.0 cho biết tay. Ví dụ thế, thì đây cũng là động lực mạnh hơn việc “học để giết thời gian và quên nỗi buồn”.
Câu chữ trong động lực của bạn rất quan trọng, đấy cũng là ý nghĩa của chữ “Thần Chú – Sức mạnh ngôn từ”: Mọi lời bạn viết ra luôn mang theo sức mạnh và ý nghĩa nào đó, hãy viết lời cho “đúng, rõ ràng” – thế thì lời sẽ hỗ trợ bạn, là tay sai của bạn, tiếp cho bạn năng lượng, chỉ lối cho bạn. Còn nếu “lời” mà mù mờ, lòng vòng thì nó sẽ là chủ của bạn, nó sẽ điều khiển bạn lạc vào mê cung của sự mù mờ và bạn sẽ chẳng đi đến được đâu cả.
Đừng viết động lực là “tăng thu nhập”, hãy viết “để “tăng thu nhập thêm x triệu/tháng từ các việc: giành học bổng, làm mentor hướng dẫn người khác, dịch sách, làm thêm dịch vụ hướng dẫn viên du lịch hoặc nấu ăn dọn dẹp nhà cho các khách Tây tại Sài Gòn… Tuyệt đối đừng ngại ngùng hay xấu hổ khi bạn tạo động lực. Học Anh Văn mà còn xấu hổ thì… oải lắm.
Rồi đừng viết “để du lịch thế giới”, nhưng hãy viết “để đi du lịch tự túc khắp thế giới: đầu tiên là Thái Lan, rồi Singapore, rồi Bali, rồi Châu Âu – một năm/chuyến với bạn thân hoặc người yêu.”
Đừng viết “để mở ra thêm cơ hội” nhưng hãy cụ thể hoá đó là cơ hội gì: hẹn hò người yêu mới, một công việc mới, một đất nước mới… viết cụ thể ra. Động lực mà không cụ thể thì giống như việc xe bạn hết nhiên liệu, bạn đi đến trạm petro với một cái can rỗng nhưng lại không biết mình cần mua loại nhiên liệu gì, xăng hay dầu vì dù cùng là nhiên liệu nhưng mua sai loại thì chúng cũng sẽ vô ích ngay.
Đừng viết “để hát tiếng Anh, để xem phim không cần phụ đề” bởi vì bạn chẳng phải là ca sĩ định chuyển sang hát bằng tiếng Anh và cũng không phải đang sống ở nước ngoài nơi chiếu phim không có phụ đề – những động lực này không thực tế thì cũng không đủ mạnh chút nào. Viết ra cho vui thôi thì được.
Cho nên để đảm bảo việc học không bị tuột mood mất hứng, hãy tạo động lực đúng, và đủ mạnh. Để biết nó đủ mạnh hay chưa, đừng ngại đưa cho người Viện Trưởng này xem và tư vấn cho bạn (nếu cần) nhé. Thực tế là sau một thời gian giúp mọi người thiết lập mục tiêu cho chiến lược cuộc đời (Học viên Đầu tư/ Giả Kim Thuật) Viện trưởng nhận ra có ít người biết cách tạo động lực và mục tiêu đủ rõ ràng ngay từ đầu lắm. Mà hai thứ này không rõ ràng thì việc học lẫn việc đầu tư cá nhân sẽ chẳng tới đâu được cả ấy.
Còn một típ nữa là chúng ta nên gắn việc học Anh Văn với việc xây dựng một thói quen mới, ví dụ như thói quen ngủ dậy sớm hơn 30 phút mỗi ngày, thói quen hát thật to một bài tiếng Anh khi tắm, thói quen viết nhật ký, tạo to-do-list mỗi ngày… Trong số này, người Viện Trưởng thấy thói quen dậy sớm 30 phút là tuyệt nhất, vì 30 phút không quá nhiều, ai cũng sẽ làm được. Dậy sớm thì luôn tốt.
Rồi trong 30 phút này có thể hát một bài, rồi luyện thần chú, rồi viết to-do-list một ngày. Xong 30 phút tự dưng cảm thấy tuyệt vời thế, tràn trề sinh lực, tự tin và hứng khởi để bắt đầu ngày mới. Việc học Anh Văn buổi sáng tự dưng tạo đủ động lực cho cả ngày dài luôn. Quá tiện!!!
Để biến việc học thành thói quen, thì thứ bạn cần là gì bạn biết không? Đó là SỰ KỶ LUẬT.
Mai người Viện Trưởng viết về chủ đề sự kỷ luật nha.
VIỆN TRƯỞNG CŨNG CẦN ĐỘNG LỰC:
Sau đây là vài động lực của Viện Trưởng: Tại sao tôi muốn giỏi Anh Văn?
– Để công việc dịch thuật bộ sách Cuộc đời Osho nhanh hơn, tốn ít thời gian hơn, tầm một nửa thời gian hiện tại thôi chứ giờ vẫn mất nhiều quá.
– Xong bộ này rồi còn dịch các sách Osho khác nữa. Thu nhập từ dịch sách sao cho khoảng 50 triệu/tháng là ngon. (động lực phụ: Kiếm được một nguồn sách Osho đặc sắc và “đào tạo” được một nhóm dịch giả sẵn sàng dịch sách Osho mượt mà dễ hiểu, giúp nhiều người tiếp cận sách Osho hơn, cả sách tiếng Anh lẫn tiếng Việt)
– Biên soạn được bộ Cuộc đời Osho bằng tiếng Anh, trình lên tổ chức Osho quốc tế xin giấy phép, để kiếp sau nếu có muốn dịch bộ này sang ngôn ngữ khác thì đỡ mất thời gian.
– Để lan truyền phương pháp Thần Chú và xây dựng Học viện thành nơi uy tín, hiệu quả với số thành viên theo học lên tới hàng ngàn, xem nào 5.000 chắc trong khả năng. Tạo hẳn một cộng đồng học Anh Văn vừa vui, thơ lại vừa tâm lý lẫn tâm linh – khai phóng người ta trên mọi mặt trận hí hí
– Động lực để tự học và lan truyền trước, nếu nó đủ tốt thì tiền sẽ tự nhiên theo sau => thậm chí là rất nhiều tiền cho bản thân lẫn các học viên. Nếu VT phát triển đúng hướng, hoàn toàn có thể đăng ký lộ trình học này thành một phương pháp độc quyền, được bảo hộ bản quyền và tạo công việc cho rất nhiều người (cái này viết cho vui chứ khó thành động lực chính bởi vì bản thân mình không còn chút tham vọng làm lớn nào cả)
– Không chỉ du lịch lướt qua Châu Âu, mà còn sống và làm việc vài tháng tại các nước Châu Âu để tìm cảm hứng sống, cảm hứng trải nghiệm cuộc sống chứ giờ chẳng còn tí desire mong muốn hay khao khát làm gì, kể cả sống. Hệ quả phụ của con đường tâm linh đấy ạ.
– Cái này quan trọng nè: Viết sách tiếng Anh, cuốn đầu tiên sẽ là: Sweet Philosophy và rồi tới làm video, làm diễn giả tiếng Anh, nói tiếng Anh trên các diễn đàn quốc tế không cần suất sắc hay chuẩn ngôn từ, chỉ cần đủ rõ ràng, có duyên và thu hút (có hồn lẫn thần thái – chỉ mình nói cái mình biết, ngôn từ bên ngoài với sự hỗ trợ của sự im lặng bên trong)
– Làm thơ tiếng Anh cũng là một ý hay!
Hiện nay Viện trưởng chẳng có động lực gì về tiền bạc, không có sức ép gì về việc kiếm tiền, thành ra ép bản thân phải nghĩ đến tiền cũng rất là khó. Nhưng không viết ra thì các bạn cũng sẽ khó hình dung nên VT sẽ cứ viết ra cho bạn tham khảo nha:
Về kiếm tiền:
– In tập Mantras Academy và phát hành, giá chỉ 300.000 cho một tuần học thử nghiệm nghiêm túc, bán 3.000 cuốn thì sẽ thu về 900 triệu, chưa trừ chi phí.
– Tiếp tục bán bộ Bảo Bối hoàn chỉnh cho 1000 người đã qua việc học thử nghiệm, giá 2 triệu/bộ thì sẽ thu về … eo ôi chả biết bao nhiêu luôn. 2 tỷ nhờ. Đối với người làm lớn thì 2 tỷ chẳng là gì nhưng bản thân VT chưa bao giờ làm gì ra tiền tỷ cho nên thấy tiền tỷ là thấy ghê rồi ạ. Tiền này mà có trong tay thì làm gì nhỡ? Mua đất mở Làng Phù Thuỷ cho mọi người đến luyện Thần Chú chăng? Nghe hay đấy!
(Động lực phụ: Trích 10-20% tổng thu nhập để làm các học bổng, chương trình giao lưu, workshop, quà tặng, phần thưởng cho học viên khắp nơi thay cho chi phí quảng cáo => ứng dụng phương pháp marketing yêu thích nhất vào cuộc sống: phương pháp Hữu xạ tự nhiên hương hí hí)
– Uầy, mở luôn một cộng đồng nghỉ dưỡng nghỉ hưu (lưu trú + dịch vụ trọn gói) cho người nước ngoài lẫn người Việt (speak English) tại Bảo Lộc như mơ ước hồi xưa nhĩ.
Ừa, nhiêu đây động lực thấy cũng ổn ổn rồi đấy hí hí
Còn bạn thì sao?
Để bắt đầu tạo động lực cho mình và cho nhau, ai xung phong cam kết bắt đầu từ sáng mai sẽ thức dậy “luyện chú” cùng Viện Trươngr từ 5:30Am nào? (Vì bình thường VT dậy lúc 6Am á)
Ai tham gia là phải cam kết luôn một tuần mới được nha!
Viện Trưởng xin chào thân ái và quyết thắng tới các bạn hí hí.
NAMASTE!