Thiền làm ta ngu đi hay thông minh hơn?
Hôm nay có bạn hỏi mình câu rất hay: “Em hay nghe người ta nói thiền là không suy nghĩ gì cả, hoặc là để suy nghĩ lướt qua mà không nắm bắt nó. Nhưng mà như vậy lâu ngày mình có bị ngu đi không? Kiểu là mình phải suy nghĩ thì mới tập luyện trí não, không suy nghĩ gì hết thì trí não có bị sa sút không?”
Xin trả lời em tiện lỡ cho ai cùng chung thắc mắc:
- “Em nghe người ta nói…” tức là em chưa thiền bao giờ.
Bởi vì người thiền sẽ biết nó là gì và khi mình biết nó thì mình sẽ không cần nghe người ta nói thiền là gì nữa. Cái “nghe người ta nói” này rất tai hại, nó là kiến thức vay mượn và chưa kể kiến thức này đúng hay không, nó sẽ khiến ta hoang mang lẫn lộn. Nó làm cho ta tưởng mình biết và dần sinh định kiến trước cả khi ta thực sự biết nó.
Ví dụ bạn mới nhận việc vào một công ty, bạn nghe người xung quanh nói rất nhiều điều xấu về một người đồng nghiệp, thế là bạn định kiến luôn người đồng nghiệp ấy là người xấu. Bạn tin vào những điều ấy và hình thành luôn thái độ xấu khi gặp người ấy lần đầu. Đây là kiểu kiến thức vay mượn tai hại của việc “nghe nói”. Rõ ràng bạn không biết nhưng bạn tưởng như bạn biết và dễ dàng đóng sập các cánh cửa trước cả khi có người tới.
Rồi hãy tưởng tượng cái người bị nói xấu ấy chính là bạn! Cam lòng không? Buồn không?
Cũng tình cờ hôm nay mình đọc cuốn Sen Trắng, Osho giảng về những lời kinh của Bồ Đề Đạt Ma có đoạn rất hay. Một người cũng hỏi Osho câu, “Tôi nghe nói… Điều đó có đúng không?” và Osho đáp, “Cái bạn nghe nói không phải là của bạn. Mọi cái bạn nghe nói đều vô nghĩa. Chỉ cái bạn biết bằng kinh nghiệm của chính mình thì mới có ý nghĩa.” Mình đồng ý với điều này bằng thẩm quyền cá nhân.
Cho nên bất kể việc bạn nghe là gì, bỏ nó đi. Thiền đi để biết nó là gì, thế thì khi đó bạn sẽ không cần hỏi nữa.
Thiền không mang lại nhiều câu trả lời đâu, nó giúp xoá đi mọi câu hỏi và khi câu hỏi biến mất, bạn sẽ chẳng cần câu trả lời cho bất cứ vấn đề gì. Đây là kiểu thông minh của thiền.
Bản thân việc mình trả lời bạn hôm nay cũng không phải là câu trả lời đâu, nó là việc “phá huỷ” câu hỏi của bạn.
- “Em nghe nói: Thiền là không suy nghĩ gì cả hoặc suy nghĩ nhưng không nắm bắt nó.”
Điều này đúng, nhưng đúng một nửa.
Thiền là không suy nghĩ – nhưng phải nhận biết về khoảnh khắc vô trí không suy nghĩ đó nữa. Và thiền cũng là việc suy nghĩ nhưng không nắm bắt – nhưng đừng quên việc phải nhận biết về sự không nắm bắt suy nghĩ (hay còn gọi là quan sát) đó nữa. Bỏ đi vế ½ về sự nhận biết này, thiền chỉ là một nửa, không trọn vẹn.
Chữ thiền nếu chỉ một nửa thế thì nó là ‘thì’ chứ chưa có ‘ền’. Bản thân chữ ‘thì’ cũng có nghĩa đấy, nhưng cũng vô nghĩa nữa.
Điều này tuy nhỏ nhưng vô cùng quan trọng, hiểu đúng về nó sẽ cho chúng ta những chỉ dẫn cần thiết trong việc hành thiền mà không cần bất cứ trường lớp hay người hướng dẫn nào.
Cứ thi thoảng tự hỏi bản thân “mình đang nghĩ gì thế nhĩ?” hệt như cách facebook hỏi bạn mỗi ngày “what’s on your mind? – điều gì đang trong tâm trí bạn?”
Dùng câu “mình đang nghĩ gì” này như một thần chú để đôi khi khựng lại, nhận ra rằng mình đang chẳng nghĩ gì cả – sự nhận biết về việc không suy nghĩ này chính là thiền – chứ không phải bản thân việc không suy nghĩ hay việc để tâm trí suy nghĩ miên man.
Ngay cả khi ta suy nghĩ và ta chơi đùa với các suy nghĩ của mình cũng là thiền nữa, nhưng với điều kiện là ta nhận ra mình đang chơi đùa với suy nghĩ, đang diễn giải, đang tưởng tượng, đang bị tâm trí lôi đi… – cái nhận ra rất nhỏ bé này chính là tinh tuý của thiền – hay còn gọi là sự nhận biết.
Cho nên việc nghĩ hay không nghĩ không phải là vấn đề lớn lắm. Cái đáng nói là việc nhận biết mình đang nghĩ hay không nghĩ. Hãy lưu ý nó. Nó chính là kim cương của cuộc đời. Một khoảnh khắc của nhận biết là khoảnh khắc kim cương. Mọi khoảnh khắc vô nhận biết thường được ví như sự ngủ mê, bùn đất, sỏi đá. Việc của thiền nhân là thu lượm ngày càng nhiều khoảnh khắc nhận biết quý giá này.
- “Phải suy nghĩ thì mới tập luyện trí não, không suy nghĩ lâu quá thì mình có bị ngu đi không?”
Có chứ, có ngu đi chứ.
Ngu đi trên một số phương diện của cuộc sống nhưng đồng thời bạn sẽ thấy mình chưa bao giờ hạnh phúc và hài lòng hơn với “cái ngu” ấy của mình. Đó là một cái ngu rất khôn, rất đáng giá.
Ví dụ bạn không còn tham vọng và tranh đấu, bạn hài lòng với hiện tại đến mức chẳng còn ham muốn ghanh đua gì. Trong mắt người đời tất nhiên là bạn ngu rồi, nhưng kệ người đời chứ, bạn hạnh phúc và mãn nguyện cơ mà.
Bạn sẽ ngu đi trong việc tính toán. Điều này là có thể. Bạn bắt đầu không thích các con số, bắt đầu không thích việc nghe theo lệnh của ai, không thích việc lặp đi lặp lại những công việc nhàm chán cũ. Bạn sẽ thích tự do, thích sáng tạo, thích làm thơ, vẽ tranh, trồng cây và dành thời gian làm mọi điều mình yêu thích, kể cả khi nó không mang lại nhiều tiền. Điều này làm bạn thấy vui và mãn nguyện nhưng trong mắt người khác, họ sẽ thấy bạn ngu đấy. Kệ người khác chứ.
Bạn cũng sẽ ngu hơn trong những việc như nói dối, nịnh nọt, thảo mai, luồn cúi. Bạn đơn giản không làm được nữa dẫu biết nó sẽ mang lại nhiều lợi lộc.
Thiền là bạn bắt đầu sống theo bản thể mình một cách đầy nhận biết, không theo ý tưởng của ai cả. Và khi bạn không hành động theo ý tưởng của ai đó, người đó nhất định sẽ cho bạn là đồ ngu.
Bạn không làm theo ý thầy cô, họ bảo bạn ngu.
Bạn không làm theo ý cha mẹ, họ bảo bạn ngu.
Bạn không làm theo ý cấp trên hay đồng nghiệp, họ bảo bạn ngu.
Bạn không làm theo ý người lạ trên mạng xã hội, họ cũng chửi bạn ngu nữa kìa.
Nhưng kệ chứ.
Thiền cho bạn món quà lớn: đó là khả năng sống và hành xử bằng nhận biết của riêng bạn, bằng trí thông minh của riêng bạn. Khi ấy, kể cả thế giới bảo bạn ngu, bạn cũng chẳng bận tâm đâu. Ngược lại, bạn bắt đầu thấy thế giới có vẻ rất ngu ngốc. Nói chữ ngu ngốc nghe hơi nặng, nói là “kì lạ” và “thú vị” thì đúng hơn.
Điều này không mang tính phán xét, chỉ là một sự nhận biết. Bạn bắt đầu soi chiếu thế giới thông qua hành động của chính mình trong quá khứ.
Bạn ngồi trong nhà nghe hai người hàng xóm cãi nhau, ai cũng có cái lý của riêng mình. Bạn nghe và bạn thấy sự vô nghĩa của việc tranh cãi. Bạn nhận ra mình cũng từng tranh cãi như thế suốt cả cuộc đời. Bạn thấy cái ngu trước đây của bản thân, tự dưng bạn thấy cái ngu trong việc tranh cãi của mọi người khác.
Thế giới đột nhiên trở thành tấm gương khổng lồ để bạn soi rọi chính mình.
Bạn nhìn ra xung quanh và thấy mình trong từng hành động của mọi người: Bạn đã từng phán xét người khác như thế; bạn đã từng tham vọng như thế; bạn đã từng tức giận và buông lời tổn thương người khác như thế; bạn đã từng luồn cúi vì lợi ích cá nhân như thế; bạn đã từng giả tạo đóng kịch như thế; bạn đã từng đau khổ như thế; bạn đã từng ảo tưởng sức mạnh như thế; bạn đã từng khăng khăng mình đúng như thế; bạn đã từng bạo lực ngôn từ như thế; bạn đã từng thiếu từ bi, thiếu lắng nghe, thiếu tôn trọng, thiếu yêu thương như thế…
Việc nhận ra này rất là quan trọng. Bằng việc nhận ra cái ngu của mình trong hành động của mọi người khắp xung quanh mà bạn có sức mạnh để dừng nó lại. Thấy ra cái ngu của mình là bước đầu tiên của việc hết ngu. Thấy ra cách hành xử ngu ngốc và vô nghĩa của mình là bước đầu tiên để thay đổi nó.
Cho nên, thiền sẽ làm bạn “ngu đi” đấy. Ngu đi theo nghĩa bạn nhận ra mình đã ngu như thế nào, đã lãng phí năng lượng và thời gian như thế nào, đã thiếu nhận biết như thế nào. Khi bạn nhận ra cái ngu, cái ngu tự nó rời đi.
Đây là nghĩa của từ “ngu đi” trong câu ‘Thiền làm cho bạn ngu đi’.
Và khi ngu đi rồi thì bạn chỉ còn là bạn, không còn ngu nữa.
Khi bạn không ngu, tức là không bị định kiến lẫn suy nghĩ đè nặng tâm trí, thế thì sự sáng suốt mới bắt đầu lộ diện. Thông minh là sáng suốt. Sáng suốt tới khi bạn loại bỏ được những tảng đá định kiến trong đầu che mất đi ánh sáng. Thiền là quá trình tạo ra ánh sáng bên trong. Nó dỡ bỏ những ý tưởng, định kiến, kiến thức, nó dỡ bỏ mọi thứ đang làm bạn khốn khổ.
Nó giống như việc ta dễ dàng thấy cái ngu của người khác, thấy lý do tại sao người khác khổ, nhưng ta lại ít khi thấy cái ngu của mình. Thiền tách bản thân bạn làm hai người, một người hành xử rất ngu và người kia thì quan sát thấy cái ngu ấy. Trong thiền bạn tự tách mình làm hai và khi tách làm hai sẽ rất dễ thấy mình “đa nhân cách”, tức là khi thì ngu khốn ngu khổ, khi thì thông minh lạ kì.
Vâng, thiền sẽ làm cho bạn thông minh nhưng thông minh theo cách kì lạ chứ không theo nghĩa thông thường. Trí thông minh toán học có thể bị cùn đi, nhưng những trí thông minh khác sẽ được dịp phô bày, như là trí thông minh cảm xúc, trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh sáng tạo…
Khả năng tính toán của bạn có thể giảm, nhưng năng lực trực giác lại tăng, và trực giác này thì vô cùng quan trọng lẫn thú vị. Bạn trở thành người nhạy bén, tinh tế và có khả năng đọc vị người khác dễ dàng.
Thiền là việc bạn ngồi im quan sát và “đọc” suy nghĩ của chính mình. Khi thiền sâu hơn, dần dà bạn có khả năng đọc suy nghĩ của người khác nữa, bởi vì chúng ta đều có những định kiến lẫn lối tư duy không khác nhau quá nhiều. Điều bạn từng muốn mọi người đều đang muốn, điều bạn sợ mọi người cũng sợ. Ai cũng muốn tiền quyền danh, ai cũng muốn được chú ý, ai cũng muốn được yêu thương. Ai cũng sợ sự cô độc, sợ cảm giác không an toàn, sợ bị đánh giá xấu… Những nét chung này là của mọi tâm trí rất dễ đọc, một khi bạn đọc được tâm trí mình, bạn sẽ có khả năng đọc tâm trí người khác nữa.
Thiền là việc đọc tâm trí này. Đọc chỉ để đọc, để không làm gì hoặc để giúp đỡ, không phải để lợi dụng. Đi sâu vào thiền, bạn chẳng muốn lợi dụng ai. Nếu muốn hợp tác với ai làm điều gì thì lại là chuyện khác, bạn sẽ nói rõ với người đó ngay từ đầu về những gì bạn muốn ở người kia và ngược lại. Thế thì nó không phải việc lợi dụng.
Cái hay là càng đi sâu vào thiền, bạn không lợi dụng ai nhưng lại có xu hướng “để mặc” cho người khác lợi dụng bạn. Không phải vì bạn không biết, nhưng vì bạn chấp nhận thế. Bạn thậm chí còn biết ơn vì mình hữu dụng cho ai đó nữa. Tất nhiên người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ là bạn ngu đấy. Đôi khi chính bạn cũng thấy mình ngu nhưng bạn vui lòng lắm.
Nói tóm lại, là thiền có thể làm cho bạn ngu nhưng đừng sợ, cái ngu này là phúc lành vô đối ấy.
Nhưng nhìn mà xem: bạn đã suy nghĩ, đã dùng tâm trí cả đời rồi. Nó có cho bạn cuộc sống như ý không? Nó có nghe lời bạn và hỗ trợ ý định lẫn mục tiêu của bạn không? Nó có khiến bạn đang sống một cuộc sống thông minh, mãn nguyện không?
Nếu câu trả lời là có, thì có lẽ bạn không cần đến thiền làm gì cả. Cứ tiếp tục sống và dùng tâm trí để suy nghĩ – như cách bạn luôn sống.
Nhưng nếu câu trả lời là không, nếu như bạn đang sống cuộc đời chẳng mãn nguyện hạnh phúc chút nào, nếu như bạn nhận ra tâm trí không phải người bạn tốt hay người hầu tốt như bạn mong muốn. Nếu như bạn nhận ra bạn đang sống một cuộc sống rất tâm trí nhưng lại rất kém thông minh và không hiệu quả. Thế thì đã đến lúc để thiền rồi. Hãy cho thiền một cơ hội để khiến đời bạn khác đi – nếu bạn muốn nó khác đi.
Mình từng viết bài “Thiền là khoảng trống giữa các nốt nhạc. Nó biến đời bạn từ một tiếng hét hoá thành bài ca.” Tới giờ mình vẫn thích định nghĩa này. Thiền đơn giản là những khoảng trống, nhưng là khoảng trống vô gía mà nếu không có nó sẽ không có bản nhạc nào tồn tại, không bài thơ nào, thay vào đó sẽ là mộtcâuvăndínhlíumệtmỏibựcbộivônghĩanhưthếnày.
Bạn đã dùng não cả đời rồi, nó mệt mỏi và lỗi thời rồi, hãy thiền và để cho nó nghỉ ngơi đi, để làm mới nó, bảo hành nó, tân trang nó. Nó sẽ đền đáp bạn xứng đáng.
- Việc cần làm để bắt đầu thiền: đừng nghe ai nói thiền là gì là gì nữa, thực hành đi. Có nhiều cách dễ dàng cho người mới bắt đầu.
Mỗi ngày trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, ngồi thẳng lưng ngay ngắn trên giường, nhắm nhẹ mắt, thư giãn và nhận biết.
Nhận biết âm thanh xung quanh trong tiếng mưa tiếng gió hay tiếng chim hót, nhận biết mình đang nghĩ gì, đang lo lắng việc gì, nhận biết cơ mặt mình có đang nhăn không, cơ thể mình có chỗ nào không ổn không, nhận biết mình đang thở bụng hay thở ngực? Nếu là ngực thì tập hít thở sâu xuống bụng và quan sát bụng phập phồng…
Nhận biết cái gì cũng được, chỉ cần nhận biết.
Và cũng không cần lâu quá, một phút mỗi lần thôi cũng tốt rồi.
Một phút buổi sáng, một phút buổi tối, một phút bất cứ khi nào bạn đột nhiên nghĩ tới thiền.
Một phút thôi mỗi lần. Nhiều lần mỗi ngày.
Ban đầu hai lần, rồi năm lần, rồi mười lần, rồi ba mươi lần một phút… Không cần nhiều.
Mỗi lần một phút thôi là đủ rồi.
Một phút thôi, ngồi im không làm gì, đông qua xuân tới cỏ tự nó mọc lên!
Hãy bắt đầu một phút đầu tiên ngay lúc này…
Namaste!