Bạn là thuyền không rỗng
Bạn đã tới tôi, điều đó là nguy hiểm vì bạn sẽ chẳng thu được gì từ tôi đâu, nhưng bạn có khả năng sẽ mất tất cả. Tôi sẽ làm cho bạn mất tất cả, bởi vì chừng nào bạn còn chưa mất đi, điều thiêng liêng không thể nào đi vào bạn được, nó không thể xảy ra, bạn chính là rào chắn.
Bạn đầy ắp, nhiều ơi nhiều, bướng bỉnh, bạn rót đầy bản thân mình tới mức chẳng cái gì có thể thấm vào bạn được nữa. Cánh cửa của bạn đang đóng lại, Thượng đế có muốn cũng không thể đi vào. Chỉ khi bạn biến mất, khi bạn không hiện hữu thế thì cửa mới mở ra. Thế thì bạn trở thành giống như bầu trời bao la, vô tận.
Và đấy là bản tính của bạn, đấy là đạo.
Bạn đã tới tôi như một người nào đó, nếu bạn cho phép tôi, nếu bạn cho tôi cơ hội, tôi sẽ làm cho bạn mất đi mọi ý tưởng và gánh nặng mà bạn đang mang theo, để trở thành không ai cả, nhẹ gánh, thanh thản. Nhưng tại sao bạn phải thành không ai cả? Vì chừng nào bạn chưa thành không ai cả thì bạn không thể phúc lạc được, thế thì bạn bỏ lỡ cả cuộc đời.
Thực sự bạn đâu có sống, bạn đơn thuần kéo lê, bạn đơn thuần mang bản thân mình như gánh nặng. Rất nhiều khổ đã xảy ra, nhiều thất vọng, nhiều buồn đau nhưng chẳng có tia phúc lạc nào cả. Khi bạn là ai đó, bạn như tảng đá rắc chắc, chẳng gì có thể thấm vào bạn. Khi là không ai cả, bạn bắt đầu mềm ra, xốp ra, như bọt biển, thiêng liêng bắt đầu thấm vào bạn. Khi bạn thực sự không là ai cả, chỉ là cái trống rỗng, cái trong suốt, thế thì mọi thứ có thẻ xuyên qua bạn không cản trở nào, không kháng cự hay rào chắn nào, thế thì bạn thành lối chuyển, cánh cửa, con đường.
Bất cứ khi nào bạn là ai đó, bạn điên khùng. Chỉ khi không là ai cả, thế thì lần đầu tiên bạn biết lành mạnh là gì.
Bạn có thể thấy cái điên khùng trong cuộc sống của bạn và trong chính bản thân bạn. Dầu bạn có thể xem mình như người điên nhưng bạn mới chỉ là tay điên học việc thôi, tôi là tay điên lọc lõi và vì thế tôi mới có thể giúp bạn. Chẳng chuyên gia nào giúp được cho cái điên của bạn, bạn đã gõ không biết bao nhiêu cửa rồi, bạn đã tìm kiếm trong không biết bao nhiêu kiếp sống rồi, vậy mà chẳng có gì giúp được bạn.
Tôi có thể giúp không phải bởi tôi là chuyên gia, nhưng vì tôi là người trong cuộc, tôi đã từng du hành trên con đường của bạn, tôi đã trải qua cùng những điên khùng ấy, điên rồ ấy, cùng cái đau và những cơn ác mộng ấy. Tôi đã trải qua, vì vậy tôi có thể cho bạn lời khuyên để bạn cũng thoát ra khỏi điên khùng của bạn, để lại lành mạnh.
Lành mạnh là đi tới chỗ tự nhiên, là đi tới điểm tối thượng trong bạn. Và cần rất nhiều nỗ lực bởi vì việc cắt bỏ hình dạng, xoá bỏ hình dạng cũ là rất khó khăn. Bạn đã quá gắn bó, quá đồng nhất với nó rồi. Nỗ lực của tôi là giết chết bạn, phá huỷ bạn, giết mọi ý tưởng mà bạn đang mang theo về bản thân mình. Một khi bạn đã bị phá huỷ, cái không thể huỷ diệt được sẽ trỗi dậy, nó vẫn đang còn đó nhưng bị che kín. Một khi tất cả những cái không phải là bản chất đã được bỏ đi, thế thì điều tinh tuý sẽ giống như ngọn lửa – sống động, vinh quang hoàn toàn.
Người như Trang Tử và Lão Tử, hay tôi, con thuyền có đấy, nhưng nó là trống rỗng, không có ai bên trong nó cả. Nếu bạn chỉ nhìn trên bề mặt, thế thì ai đó có đấy, bởi vì thuyền có đấy. Nhưng nếu bạn thấm vào sâu hơn, nếu bạn thực sự thân thiết với tôi, nếu bạn quên đi thân thể, quên cái thuyền, thế thì bạn sẽ đi tới gặp chỉ cái không.
Trang Tử là việc nở hoa hiếm hoi, bởi vì trở thành không ai cả là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều phi thường nhất trên thế giới này. Hãy thiền về lời của ông ấy.
“Người hoàn hảo, thuyền của người đó trống rỗng.
Những người đang cai trị người khác, toàn là người đang sống trong lẫn lộn
Người bị người khác cai trị, thì sống trong buồn khổ.”
Ham muốn cai trị bắt nguồn từ bản ngã, ham muốn sở hữu, ham muốn mạnh mẽ, ham muốn chi phối cũng đế từ bản ngã. Càng nhiều cai trị, bản ngã càng to, con thuyền đầy ắp.
Chỉ những người đang còn lẫn lộn, đang trong hỗn độn thì mới đi ham muốn cai trị, lãnh đạo người khác.
Khi bạn bắt đầu lãnh đạo người khác, bạn quên mất cái lẫn lộn của mình, đây chỉ là một kiểu đào thoát, trốn chạy. Bạn đang ốm, nhưng nếu ai đó ốm và bạn chỉ bận tâm việc chữa cho người đó, bạn quên mất bệnh tật của mình.
Khi bạn trở nên quá quan tâm đến bệnh của ai đó khác, bạn quên mất bệnh của mình, do đó mới có biết bao nhiêu nhà lãnh đạo, biết bao nhiêu guru, biết bao nhiêu thầy. Việc ấy đem lại cho bạn mối bận tâm. Nếu bạn quan tâm đến người khác, nếu bạn phục vụ và giúp đỡ người khác, bạn sẽ quên mất cái lẫn lộn của riêng mình, quên mất cái rối loạn bên trong của mình, vì bạn đã quá bận bịu rồi.
Bạn không chỉ sống trong lẫn lộn đâu, bạn còn lan toả cái lẫn lộn ấy cho người khác nữa. Từ lẫn lộn, chỉ lẫn lộn được sinh ra thôi.
Cho nên nếu bạn lẫn lộn, xin nhớ, chớ giúp thêm ai nữa, bởi vì giúp đỡ của bạn sẽ thành việc đầu độc. Nếu bạn lẫn lộn, đừng bận tâm đến người khác nữa, bởi vì bạn đơn thuần chỉ tạo thêm rắc rối, bệnh của bạn sẽ trở thành truyền nhiễm. Đừng đưa lời khuyên cho bất kì ai, và nếu bạn còn có chút suy nghĩ sáng tỏ, đừng nhận lời khuyên từ người đang lẫn lộn. Tỉnh táo đi, vì người lẫn lộn bao giờ cũng thích cho lời khuyên. Và họ cho ra lời khuyên miễn phí, họ ban phát lời khuyên rất hào phóng.
Tỉnh táo đi. Từ lẫn lộn, chỉ lẫn lộn được sinh ra thôi.
Đừng là người chi phối và cũng đừng là người bị chi phối, thế thì bạn là ai? Bỗng dưng bạn biến mất vì bạn chẳng còn ý nghĩa gì với ai, không ai phụ thuộc vào bạn, bạn không được cần tới.
Có một nhu cầu lớn để được cần tới, nhớ lấy, bạn cảm thấy thoải mái bất kì khi nào bạn được cần tới. Đôi khi, thậm chí nếu điều ấy đem đến khổ cho bạn, đem đến tình trạng nô lệ, thế nữa bạn vẫn cứ thích được cần tới.
Nếu không ai cần đến bạn, bạn là ai?
Nếu bạn có thể ở trên mảnh đất của hư không, mảnh đất mà dường như bạn không có đó, dường như chẳng ai cần đến bạn và bạn cũng chẳng cần bất kì ai. Bạn tồn tại cứ như bạn không hiện hữu, như bạn không có ý nghĩa gì, thế thì bản ngã không thể tồn tại mãi được. Đó là lý do bạn cứ cố gắng để trở thành có ý nghĩa theo cách này hay cách khác. Bất kì khi nào bạn cảm thấy rằng bạn được cần tới, bạn cảm thấy thoải mái. Nhưng đây là lý do cho mọi khổ của bạn, đây là nền tảng cơ sở cho địa ngục của bạn.
Do đó, đạo nhân là người ở chính giữa, điểm giữa, mảnh đất hư không: không bị chi phối và cũng không làm việc chi phối. Khi bạn không có đó, toàn bộ thế giới biến mất. Khi thế giới biến mất, sự tồn tại xuất hiện. Ngôi nhà vẫn có đó nhưng không phải là của bạn. Hoa vẫn có đó nhưng nó sẽ là vô danh, không tên gọi, không đẹp cũng không xấu. Mọi thứ có đó nhưng không khái niệm nào nảy sinh trong đầu bạn. Mọi khái niệm, mọi khuôn khổ và giới hạn đều biến mất.
Sự tồn tại, trần trụi, hồn nhiên còn lại đó trong cái thuần khiết của nó, sự tồn tại tựa tấm gương. Và tất cả những khái niệm, tất cả tưởng tượng, tất cả ước mơ đều biến mất trong mảnh đất của cái hư không này.
“Nếu một người đi thuyền qua sông và chiếc thuyền rỗng vô tình trôi đụng phải
Dù người có hẹp lòng đến đâu cũng không giận dữ bao giờ
Nhưng nếu thấy người trên thuyền đó, chủ thuyền này nhất định giận giữ
La lối một lần không ai nghe thì la lối ba lần, rồi buông lời chửi mắng
Trước không giận sao nay lại giận? Vì trước không có người nay lại có người.
Nếu như thuyền đó trống rỗng, người đó ắt chẳng la lối cũng chẳng giận dữ.”
Nếu người ta đụng vào bạn và nếu người ta giận dữ với bạn, nhớ lấy, họ không có lỗi đâu. Con thuyền của bạn không trống rỗng. Họ giận dữ bởi vì bạn có đấy, thuyền bạn đầy ắp. Nếu con thuyền của bạn là rỗng không, vô ngã, thì việc giận dữ của họ trông sẽ rất ngu xuẩn.
Khi con thuyền là rỗng bạn thậm chí có thể tận hưởng giận dữ của người khác. Cho nên nhớ lấy, nếu người ta cứ đụng vào bạn, bạn nữa cũng quá cứng, như bức tường. Là cánh cửa đi, trở thành trống rỗng đi, để cho họ đi qua.
Biểu tượng này về chiếc thuyền trống rỗng thực sự là biểu tượng đẹp đẽ. Mọi người giận dữ quá nhiều với bạn bởi vì bạn quá nhiều ở đó, bởi vì bạn quá nặng ở đó – quá cứng rắn đến mức họ không thể đi qua được. Và cuộc sống thì bao giờ cũng xoắn xuýt với mọi người. Nếu bạn quá nhiều, quá đầy, thế thì ở mọi nơi sẽ đều có đụng độ, giận dữ, mọi nơi sẽ có chán nản, hùng hổ, bạo hành – xung đột không dứt.
Bất kì khi nào bạn cảm thấy ai đó đang giận dữ hoặc người nào đó va chạm vào bạn, bạn bao giờ cũng nghĩ rằng người đó chịu trách nhiệm. Đây chính là cách người ngu kết luận, diễn giải. Người dốt nát bao giờ cũng nói, “người khác chịu trách nhiệm.” Người trí huệ bao giờ cũng nói, “Nếu như có người phải chịu trách nhiệm, thì người đó là tôi.”
Khi nói “tôi là người chịu trách nhiệm” không có nghĩa “tôi đã làm điều gì đó khiến họ giận”, không nhất thiết, đó không phải vấn đề. Bạn có thể chẳng làm bất cứ điều gì nhưng chỉ bởi sự hiện hữu của bạn cũng đủ cho người khác trở nên giận dữ. Vấn đề không phải liệu bạn đã làm điều gì tốt hay xấu, vấn đề là ở chỗ bạn đang có đấy.
Đây là khác biệt của Đạo và các tôn giáo khác. Các tôn giáo nói, “Làm điều tốt đi, hành xử theo cách không ai có thể giận bạn.” Đạo nói, “Đừng hiện hữu.”
Các tôn giáo khác khuyên người ta làm việc tốt, trở thành các thánh nhân, nhưng vấn đề là các thánh nhân và người tốt đôi khi mang bản ngã còn lớn hơn cả người xấu, thuyền của họ còn đầy hơn vì họ là người tốt. Người khác có thể cảm thấy mặc cảm khi ở cùng họ, cảm thấy thật nặng nề. Không dễ để sống cùng những người tốt và các thánh nhân, rất khó. Họ dường như nhìn mọi thứ bằng đôi mắt kết án. Việc ở cùng người đó, cảm nhận sự hiện hữu của người đó đôi khi cũng đủ khiến bạn cảm thấy giận dữ.
Đạo có phẩm chất khác hẳn, nó là tôn giáo sâu sắc nhất đã từng tồn tại trên trái đất này, không gì so sánh được với nó. Đã từng có những thoáng nhìn trong lời của Phật, của Krishna và Jesus nhưng chỉ là thoáng nhìn thôi, thông điệp của Lão Tử hay Trang Tử là thuần khiết nhất, tuyệt đối thuần khiết, không có gì làm bẩn được nó. Và đây chính là thông điệp lần này: mọi xung đột tồn tại là do bạn còn đó, do có ai đó trong thuyền. Địa ngục cuộc sống của bạn xảy ra chỉ bởi vì còn người trong thuyền, không chỉ một mà cả một đám đông đang chen chúc trong thuyền của bạn.
Đạo thậm chí còn đi xa hơn, nó nói, nếu như bạn có vầng hào quang của tính thánh thiện quanh mình, điều đó chỉ ra rằng bạn vẫn còn đang hiện hữu đấy. Lão Tử và Trang Tử chưa bao giờ được vẽ trong bức tranh nào với hào quang xung quanh. Không như Jesus, Zarathustra, Krishna, Phật, Mahavira, họ chưa bao giờ được vẽ với hào quang quanh đầu vì họ nói, ngay cả cái đầu cũng biến mất rồi, không hiện hữu, thế thì lấy đâu ra hào quang?
Mọi hào quang đều có liên hệ với bản ngã. Không phải tự Krishna hay Jesus hay Phật đã tự hoạ bức tranh của họ, đó đều do các đệ tử vẽ ra. Đệ tử không thể nghĩ được về thầy của mình mà không có hào quang, không phi thường. Nhưng Trang Tử lại nói, “Là bình thường chính là hiền nhân. Không ai nhận ra bạn, không ai cảm thấy bạn là người phi thường. Cứ là bình thường thôi và đi vào đám đông. Là bình thường là đức hạnh, đức hạnh không phải việc mài giũa cá tính hay thông qua hành động. Đức hạnh là việc là bình thường.”
Với Trang Tử, mọi cá tính đều là cái ngã, kể cả đức hạnh. Chỉ một cá tính đáng nói tới, đó là vô ngã. Tôn giáo nói bạn hãy phấn đấu để đạt tới trạng thái bằng lòng với bản thân mình, nhưng bản thân bạn vẫn còn đó để bằng lòng. Trang Tử nói: đừng có đấy, đừng hiện hữu thế thì không có vấn đề chuyện bằng lòng hay không.
Thuyền rỗng là người không còn bản ngã. Người đó chẳng có gì để mất cả, như những khất sĩ dưới thời Phật, họ lang thang, vô gia cư, chẳng có gì để bảo vệ hay gìn giữ. Họ có thể đi bất cứ đâu, cũng hệt như mây trên trời, vô gia cư, không gốc rễ ở đâu cả, trôi nổi, không mục tiêu, không mục đích, vô định, không bản ngã.
Nếu như tôi đang trao cho bạn cái gì, thì đó là chìa khoá để không thành công, để thất bại và không lo nghĩ, để làm sao đi vào cái vô danh, vô gia cư, không mục tiêu, chỉ như người ăn xin, không sở hữu bất cứ gì, hoàn toàn trống rỗng – để là thuyền rỗng.
Người trí huệ, hiền nhân là con thuyền rỗng
Người thực sự trí huệ là người ngây thơ, bạn không thể tiên đoán về ông ấy, bạn không thể đi theo ông ấy, ông ấy hoàn toàn phi logic, không nhất quán, như người điên. Ông ấy khiến bạn nhận ra, không sớm thì muộn, rằng bạn phải là chính bạn, bạn không thể bắt chước được.
Một điều sẽ rất khó cho mọi người hiểu, đó là hiền nhân là người không có quyền năng gì cả, không phải kiểu như chạm vào mắt người mù và mắt mở ra hay chạm vào người chết thì người chết sống lại. Với đa phần nhân loại, họ thường xem hiền nhân như người làm ra phép màu.
Quyền năng của hiền nhân là sự trống rỗng, vô hình của người đó. Người đó là năng lượng tuôn chảy, không hướng đến đâu, không cập bến nào. Bạn có thể được chữa lành trong sự hiện diện của người đó, mắt của bạn có thể mở ra nhưng người đó không chạm vào mắt bạn, người đó mở đôi mắt linh hồn bạn, cho bạn thấy những điều bạn chưa bao giờ thấy trước đây.
Người đó không có quyền năng, người đó chẳng đạt tới gì, người đó không có kính trọng và người đó cũng chẳng bao giờ phán xét ai cho nên không ai phán xét người đó, người như thế là hoàn hảo, con thuyền của người đó hoàn toàn trống rỗng. Và điều này đang trở thành con đường của bạn nữa. Làm rỗng con thuyền của mình đi, ném đi mọi thứ trong thuyền cho đến khi chẳng còn lại gì, thậm chí bản thân bạn cũng phải bị vứt đi, bản thể bạn phải được làm trống rỗng toàn bộ.
Một khi bạn trống rỗng, bạn sẽ được tràn đầy. Mọi ân sủng sẽ đổ tràn vào bạn khi bạn trống rỗng. Chỉ cái trống rỗng toàn bộ mới có thể đón nhận tất cả. Tâm trí bạn nhỏ bé thế mà lại đầy tràn thế, nó không thể đón nhận được điều thiêng liêng. Căn phòng của bạn nhỏ bé thế, bạn không thể mời được điều thiêng liêng vào. Phá huỷ toàn bộ ngôi nhà này đi, trống rỗng như bầu trời để cho mọi không gian đều đầy tràn điều thiêng liêng, Thượng đế.
Cái trống rỗng đang trở thành con đường, thành mục đích, thành mọi thứ. Hãy làm trống bản thân bạn khỏi mọi rác rưởi đi, mọi khổ, giận, mọi ghen, mọi đau lẫn vui của bạn – bất kì cái gì bạn nhận thấy, vứt chúng đi, đừng chọn lựa hay phân biệt, vứt tất cả, cả bản thân mình đi. Và khoảnh khắc bạn đã trống rỗng toàn bộ, bỗng nhiên bạn sẽ thấy rằng bạn là cái toàn thể, là tất cả. Qua hư không mà cái toàn thể được đạt tới.
Thiền không là gì khác hơn ngoài việc làm trống rỗng bản thân bạn tới tận cùng, làm bạn trở thành không ai cả.
Trong thiền, bạn di chuyển như không ai cả. Và nếu bạn tạo ra giận dữ trong ai đó, hay nếu bạn bị đụng chạm, nhớ lấy, bạn hẳn còn đó trong chiếc thuyền, đó là lý do.
Chẳng mấy chốc khi thuyền của bạn trống rỗng, bạn sẽ không còn đụng chạm nữa, sẽ không còn xung đột, không có giận dữ, không bạo hành – không gì cả.
Vì cái không này mà bạn đã đi tìm và kiếm mãi qua muôn vàn kiếp sống. Cái không này chính là phúc lành, cái không này là ân huệ. Đừng tìm kiếm nữa, là thuyền rỗng đi!
Đủ cho hôm nay!
Phi Tuyết
Namaste!