Mục tiêu và kế hoạch, hai món bảo bối giúp chúng ta làm chủ số phận của mình

Đây là phần tiếp theo của bài viết “Hãy tóm cho mình một mục tiêu và cuộc đời ta sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều“.

Đừng dùng lý do “số phận” để ngụy biện nữa

Số phận là thứ chúng ta thường dùng để ám chỉ những thứ không thể thay đổi trong cuộc đời mỗi con người. Công bằng mà nói, chúng ta mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của số phận mà chẳng nhìn thấy nó, chẳng biết nó tròn méo thế nào. Số phận gần như trở thành một thứ để chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh của mình và đánh giá cuộc sống của những người xung quanh. Tôi thì tin con người luôn làm chủ số phận của mình. Chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ nó, chỉ là chưa nhận ra hoặc cố tình không thừa nhận, mục đích là ngụy biện cho sự lười biếng cố gắng của mình.

Và bước đầu tiên để mỗi người chúng ta làm chủ được số phận, đó là hãy biết ước mơ. Nếu bạn có ước mơ rồi, rất tốt. Nếu bạn chưa, hãy dừng lại, nhắm mắt và sắm cho mình một mơ ước thật to thật đẹp thật hoành tráng vào, may mắn làm sao, điều này vô cùng dễ dàng và hoàn toàn miễn phí. Hãy làm ngay.

Nếu như bạn có một ước mơ rồi, hãy biến ước mơ đó thành mục tiêu cụ thể

Bạn biết đấy, ngay cái ngôn từ đã tạo cho ta một cảm giác khá rõ ràng về khả năng hoàn thành và đạt được điều ta muốn. Ước mơ thì nghe hơi xa vời và hơi khó tưởng tượng. Nhưng mục tiêu nghe lại gần và dễ dàng hơn rất nhiều. Dù về bản chất chúng không khác nhau bao nhiêu. Chẳng có nhiều người dám tuyên bố rằng: “Tôi đã đạt được ước mơ của mình.” Nhưng hẳn sẽ rất nhiều người có thể tự tin tuyên bố: “Tôi đã đặt được mục tiêu của mình.” Đó chính là điểm khác biệt. Mục tiêu chính là ước mơ của bạn, nhưng đã được thực tế hóa với một khung thời gian nhất định. Để ước mơ trở thành mục tiêu thì bạn phải làm cho ước mơ đó trở nên dễ hiểu và rõ ràng, đủ để có thể viết ra trên giấy, bằng ngôn từ của bạn.

Nếu như ước mơ là thứ mơ hồ, thì mục tiêu là những thứ có thể nhìn thấy được và chạm vào được. Bạn không thể chạm vào trí óc của mình, bạn không thể chạm vào những hình ảnh bạn tưởng tượng và suy nghĩ trong đầu. Nhưng bạn hoàn toàn có thể thấy và chạm vào một thứ có thật và hữu hình, như những dòng chữ trên một trang giấy. Bạn cũng biết, tiếp nhận thông tin thì dễ dàng, đơn giản hơn nhiều so với tạo ra thông tin. Đó cũng chính là cách não bộ vận hành.

Nếu chỉ ước mơ, tức là chỉ suy nghĩ và tưởng tượng. Não bộ phải hoạt động đểtạo ra những hình ảnh bạn mong muốn. Vì não rất bận, nên nó sẽ dễ dàng quên. Nhưng nếu bạn có thể viết những gì mình muốn ra giấy, và đọc nó. Lúc này lại là chuyện khác, não bộ sẽ trong trạng thái tiếp nhận thông tin mà bạn đọc, sẽ dễ dàng cho não hơn rất nhiều cho việc xử lý thông tin đó và thực hiện nó. Giống như việc bạn nói với ai đó rằng: Tối nay ăn gì? Sẽ rất khó cho họ trả lời, nhưng nếu bạn hỏi họ tối nay ăn cơm gà hay lẩu thái đây? Thì việc lựa chọn và hành động lại trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Bạn có thể từng ước mơ một ngày mình sẽ cứu thế giới, bạn tưởng tượng mình như một ngài siêu nhân với áo choàng và quần sịp đỏ, bay đi khắp nơi cứu người gặp nạn. Đó chính là ước mơ. Hãy biến ước mơ thành mục tiêu cụ thể, hãy viết ra những việc bạn có thể làm để biến ước mơ thành hiện thực. Để cứu thế giới hay thực tế hơn là để giúp đỡ mọi người, bạn có thể trở thành một bác sĩ, một người bảo vệ rừng, một nhà kinh doanh hay một nhà nghiên cứu về môi trường vân vân. Một khi bạn xác định được việc bạn muốn làm, người bạn muốn trở thành và nơi bạn sẽ đứng một ngày nào đó trong tương lai. Đó chính là lúc ước mơ đã trở thành mục tiêu rồi đó. Bạn có thể ước mơ tương lai mình sống trong một tòa lâu đài tuyệt đẹp với một cô vợ xinh như cô Tấm, ngày ngày chỉ quanh quẩn tắm nắng ngắm trăng. Ồ đó cũng là một dạng của ước mơ. Hãy biến nó thành mục tiêu cụ thể.

Rằng 10 năm nữa, bạn sẽ tự xây cất một căn nhà tuyệt đẹp với toàn nội thất hoàng gia, cưới một cô vợ xinh xắn có mái tóc đen dài thật giỏi nấu ăn và xác định nghề nghiệp có thể là nhà thiên văn học, bạn sẽ được ngắm trăng sao cả ngày. Ồ, tất nhiên đó chỉ là một ví dụ mà thôi. Tôi chỉ muốn cho bạn thấy rằng những điều ta mơ ước, dù cho nghe có điên khùng cách mấy, đều có thể trở thành hiện thực. Thậm chí, nếu bạn ước mơ mình trở thành vua một ngày nào đó, điều đó cũng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Nếu bạn có thể tiên phong hay đứng đầu một lĩnh vực nào đó, như là thực phẩm nhân tạo chẳng hạn. Người ta sẽ phong cho bạn là vua, như vua xe hơi, vua dầu mỏ hay vua công nghệ vậy.

Nhân tiện nhắc tới vua chúa mới nhớ, có một cô bé luôn ước mơ được làm công chúa. Cha cô đã biến giấc mơ đó thành hiện thực, bằng cách mua một vùng sa mạc vô chủ, đặt cho nó một tên quốc gia riêng, gọi là Nam Sudan, đặt may cờ cho vùng đất đó. Ông xin phép và tự phong mình là vua của mảnh đất để con gái ông, nghiễm nhiên trở thành một công chúa thật sự. Trong bữa tiệc mừng ông còn khéo léo nhắc nhở khách khứa hãy xưng hô với cô bé là “Thưa, công chúa.” Thật là một người cha ngọt ngào. Dù cho mảnh đất sa mạc ông mua không được thừa nhận là một quốc gia, tôi tin cô bé con gái ông, trong một giây phút nào đó. Đã thực sự tin rằng mình là một công chúa.

Đừng bao giờ cười cợt một ước mơ

Dù cho nó điên khùng hay lãng xẹt, như ước mơ hiện tại của tôi. Dạo này tôi hay mơ, nhất là từ khi xem các bộ phim Âu Mỹ, tôi như bị choáng ngợp trước một cuộc sống hiện đại và mới mẻ vô cùng. Tôi thích cách người Âu Mỹ cư xử với nhau, tôi yêu những hành động ngọt ngào của các chàng trai đó với bạn gái của họ. Tôi mê đắm vẻ đẹp của những khu phố tít bên trời Tây. Và thế là tôi mơ, tôi mơ một ngày mình sẽ đi du lịch qua những góc phố đó, đứng dưới những mái hiên đầy hoa hoặc thả bộ bên những hồ nước đầy thiên nga bơi lội. Tôi mơ mình gặp một chàng trai thật ngọt ngào và lịch thiệp. Tôi tưởng tượng mình sống trong một căn nhà kiểu Mỹ với nội thất đẹp xinh, những vườn hoa rực rỡ và khu bếp tuyệt vời.

Tôi mơ đến những việc kinh doanh tôi sẽ làm với những công ty bên đó. Tôi mơ mình sẽ là người đi đầu hợp tác xuất khẩu hết nông sản Việt Nam qua những nước Âu Mỹ thay cho tên hàng xóm khổng lồ đáng ghét. Thậm chí tôi còn mơ mình có những đứa con lai xinh xắn đáng yêu. Ồ, tất nhiên con trai Việt vẫn rất tuyệt vời. Tôi biết chứ, nhưng tôi vẫn cứ mơ. Và bạn biết tôi chuyển nó thành mục tiêu bằng cách nào không?

Trước hết, tôi tìm một chương trình học Tiếng Anh mà tôi yêu thích, sau đó đặt mục tiêu sau 2 năm phải sử dụng ngôn ngữ này thành thạo. Đó là bước đầu tiên để đạt được tất cả những điều trên đúng không? Song song đó tôi quyết định phải nghiên cứu kỹ hơn về ngành nông nghiệp và luôn nghĩ tới việc mở một khách sạn nhỏ chào đón các bạn tây ba lô du lịch dạng home-stay để hiểu hơn về họ và mở rộng các mối quan hệ của mình…

Bạn thấy đó, tôi nghĩ ra rất nhiều việc để làm trong quá trình đạt được ước mơ. và đó cũng chính là cách tôi biến ước mơ thành mục tiêu. Tất nhiên, tôi ghi hết những việc mình sẽ làm ra giấy, mọi thứ tự nhiên đi vào trình tự và trở nên rõ ràng sắc nét, cứ như thể viết kịch bản cho một bộ phim của chính mình vậy.

Nếu như bạn kể cho ai đó nghe ước mơ của mình và bất chợt họ cười phá lên cho rằng ước mơ của bạn là không tưởng. Đừng vội cáu bẳn hay tức giận, hãy điềm đạm hỏi vậy ước mơ của họ là gì? Nếu họ có một ước mơ, hãy hỏi kế hoạch của họ là gì? Nếu nó hay ho và đáng giá, hãy xin họ lời khuyên cho kế hoạch của bạn. Còn nếu họ không có một kế hoạch nào, hay thậm chí không có nổi một ước mơ, một mục tiêu phấn đấu. Hãy mỉm cười, ném cho họ một cái nhìn tội nghiệp, và phủi đít bước đi. Họ không có quyền, không được phép cười nhạo ước mơ của bạn. Thậm chí tôi nghĩ rằng, không một ai có quyền được cười hay nhạo báng ước mơ của người khác. Nhất là một kẻ không có nổi một ước mơ.

Khi có mục tiêu rồi, hãy xây dựng một bản kế hoạch

Xây một kế hoạch cho mục tiêu của bạn, cũng giống như việc bạn lên kế hoạch để xây ngôi nhà mơ ước của chính mình. Để xây ngôi nhà đó, bạn bắt buộc phải có một bản vẽ thiết kế, bản vẽ sẽ mô tả chi tiết nơi nào là phòng ngủ, nơi nào là phòng khách, nhà bếp ở đâu, cầu thang như thế nào. Để các thợ xây dựa vào bản vẽ đó mà làm móng và đắp từng viên gạch hoàn thành ngôi nhà cho bạn. Giả sử mỗi viên gạch đắp lên chính là một ngày trôi qua trong cuộc đời để bạn đạt được mục tiêu. Ngôi nhà của bạn sẽ ra sao nếu như không có bản thiết kế nào, không có một nhà kỹ sư nào chỉ dẫn những người thợ. Họ sẽ không thể hoàn thành ngôi nhà được, hoặc nếu có thì cũng sẽ rất mất thời gian và không đạt được yêu cầu thẩm mỹ.

Cuộc đời bạn cũng vậy, không có bản vẽ định hướng và mô tả mục tiêu thì bạn sẽ mất bao nhiêu thời gian và công sức để đạt được điều bạn muốn? Nó có như ý bạn không hay sẽ lệch hẳn đi mà chính bạn cũng không biết, vì có gì để so sánh đâu mà biết có như ý mình hay không. Thế nên, đừng xem thường sự quan trọng của một bản vẽ nhỏ bé, đừng xem thường sức mạnh của bản kế hoạch giúp bạn đạt mục tiêu.

Tôi được làm quen với cụm từ “chiến lược cuộc đời” khi tham gia một khóa học kỹ năng mềm cực kỳ thú vị. Ở đó chúng tôi được hướng dẫn đặt mục tiêu mình mong muốn và lên kế hoạch để đạt được điều đó. Chắc chắn tôi phải cảm ơn buổi học này rất nhiều, vì nó giúp cuộc đời tôi trở nên ngay ngắn, rõ ràng và dễ dàng hơn rất nhiều. Bản thân cụm từ “chiến lược cuộc đời” nghe mới hay ho làm sao. Nghe thật là oách, thật là chuyên nghiệp và cũng vô cùng trách nhiệm nữa. Tôi rất thích cụm từ này. Chiến lược là một hệ thống gồm các chiến thuật và mưu kế để bạn đạt mục tiêu, đôi khi là thắng một cuộc chiến, đôi khi là ngăn ngừa một hiểm họa, và trong trường hợp này là giúp bạn đạt được mục tiêu và ước muốn của mình.

Còn nhớ chiến lược cuộc đời của tôi những năm tháng tuổi 20 đó là xây dựng thành công một chuỗi các shop thời trang và lập thành công ty thời trang. Rằng phải đi du lịch thật nhiều nơi trong nước và đi cả nước ngoài. Tôi không nhớ chi tiết nhưng đại loại thế. Và bạn biết không, hiện tại tôi đã đạt được phần lớn những gì mình đề ra khi đó. Cũng có nhiều thứ tôi không đạt được đúng như bản thiết kế, đó là tôi chưa thành lập được công ty, chưa mua được xe hơi hay bất động sản nào cả, chưa nói được Anh Văn thành thạo và chưa tìm được một tình yêu ngàn năm… Không sao, nhìn lại thì tôi cũng đạt được kha khá thứ, nhiêu đó thôi cũng tốt lắm rồi. Và tôi đồ rằng mình sẽ không đạt được những thứ ở hiện tại nếu như ngày đó tôi không đề ra những mục tiêu và lập kế hoạch để đạt những mục tiêu đó.

Dù tôi khuyên bạn hãy lập kế hoạch cho những mục tiêu bạn mong muốn, nhưng tôi cũng xin nói với bạn một sự thật khá phũ phàng rằng, không phải khi nào kế hoạch cũng theo ý bạn đâu. Nhiều biến cố xảy ra và kế hoạch của bạn có thể thay đổi liên xoành xoạch. Đừng lo lắng, đừng gò ép bản thân mình phải tuân thủ tuyệt đối theo một bản kế hoạch nào cả. Kế hoạch chỉ là thứ hướng dẫn bạn khỏi lạc lối trên con đường bạn đã chọn. Còn nếu bạn phát hiện ra một con đường khác thích hợp hơn, triển vọng hơn. Đừng e ngại.

Hãy lập kế hoạch cho cuộc đời của bạn, tôi không hứa mọi thứ sẽ theo đúng kế hoạch 100%, nhưng tôi hứa bạn sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu cuối cùng hơn nhiều người, rất nhiều lần.

Một điều tối quan trọng:

“Mục tiêu mà không được viết ra giấy và không được nhìn thấy mỗi ngày, đó không phải là mục tiêu, đó chỉ là ước muốn.” – Antoine de Saint-Exupéry

Đây là một câu nói tôi vô cùng yêu thích và luôn làm theo trong mọi việc, xin chia sẻ với bạn.

Khi bạn có mục tiêu, khi bạn có kế hoạch, đừng bao giờ chỉ giữ nó trong đầu, hãy viết nó ra. Hãy tuyệt đối nhớ điều này, hãy viết nó ra giấy, ra file, ra đâu cũng được, nhưng hãy viết ra, vì nó là bước đầu tiên khiến trí óc bạn tin rằng bạn hoàn toàn có thể chạm vào ước mơ của mình.

Mục tiêu mà không viết ra được thì có thể coi như đó không phải là mục tiêu. Mà chỉ là một điều ước, hay một dạng ảo tưởng mà thôi. Khi bạn viết ra, hẳn là bạn đã cụ thể hóa mục tiêu thành thứ hữu hình, có thể nhìn thấy, chạm vào, áp nó vào tim và thì thầm với nó. Và để cho mục tiêu luôn thôi thúc bạn thực hiện thì bạn phải nhìn thấy nó mỗi ngày. Trí óc chúng ta rất nhanh quên. Muốn nhớ thì chỉ có cách phải thường xuyên nhắc nhở. Đó là một cách cực kỳ hữu hiệu đối với tất cả mọi người. Lý do quan trọng nhất để viết chúng ra, ngoài lý do cụ thể hoá chúng trong đầu óc, là hành động này tăng sự khát khao và khắc sâu niềm tin rằng nó có thể đạt được.

Hãy viết chúng ra, một cách rõ ràng, sống động và cụ thể. Càng cụ thể thì não bộ càng dễ hình dung và ghi nhớ. Đừng vội lo về quá trình hay kế hoạch, chỉ cần bạn chăm chút hết thảy tinh thần và niềm khát khao vào mục tiêu của mình. Nên nhớ là mục tiêu những mục tiêu phải thiết thực, không thể theo kiểu 5 năm tới tôi sẽ bay lên sao hỏa, 10 năm nữa tôi phải bắt tay với người ngoài hành tinh… Khi mục tiêu rõ ràng, kế hoạch và quá trình sẽ tự động xuất hiện, theo cách này hay cách khác, đừng lo lắng. Cũng như khi tôi viết mục tiêu về kinh doanh thời trang, lúc này tôi chả biết làm thế nào để mở một shop thời trang cả. Thế mà tôi cứ viết thôi, rồi thì mọi thứ đều đâu vào đó như trò chơi lego vậy.

“Bạn chắc hẳn không nghĩ tới việc khởi hành một chuyến đi dài ngày bằng ô tô nếu không biết trước mình sẽ đi đâu và không có bản đồ chỉ dẫn. Nhưng thực tế là chỉ có khoảng hai trong số một trăm người biết được chính xác họ mong muốn đạt được điều gì trong cuộc sống và vạch ra những kế hoạch khả thi để đạt được mục tiêu của mình. Đó là những người đi đầu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống – những con người thành đạt xứng đáng nhận được những phần thưởng của cuộc sống.

Điều kỳ lạ nhất về những người thành đạt này là họ cũng chẳng có nhiều cơ hội hơn những người chưa bao giờ đạt được thành công.
Nếu bạn biết chính xác bạn muốn gì và có niềm tin tuyệt đối vào khả năng đạt được mục tiêu của mình thì bạn có thể thành công. Còn nếu bạn không chắc là mình muốn gì trong cuộc sống, thì ngay từ bây giờ, ngay từ giờ phút này, hãy bắt đầu nghĩ và xác định xem chính xác bạn muốn gì, tới mức nào và khi nào sẽ đạt được điều đó.” – Napoleon Hill

Sự kỳ diệu của “mục tiêu”

Các lý thuyết và thực tế đều cho thấy, khi bạn đặt ra bất kỳ một mục tiêu nào đó, bạn sẽ có quyết tâm cao hơn và sử dụng trí tuệ nhiều hơn bình thường với mong muốn thực hiện chúng. Phải chăng đấy chỉ là một trường hợp cá biệt ngẫu nhiên? Câu trả lời là không. Nó thật sự đúng với đa phần trường hợp.

Mục tiêu và kế hoạch giúp bạn tập trung cao độ và duy trì tâm thế củamột người không hề nề hà khó khăn, không hề sợ hãi trước những thử thách. Đó chính là tiền đề giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Não bộ khi biết được điều bạn mong muốn, sẽ tìm mọi cách, dùng mọi trực giác và với mọi phương pháp để bạn tập trung tối đa vào điều đó. Với tổng thể sức mạnh của trí óc và trái tim, bạn sẽ không còn bị phân tâm bởi những thứ vụn vặt ngoài cuộc sống. Nói ra thì dài, chung quy là mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn tập trung. Khi tập trung được rồi thì bạn sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu đó.

“Tập trung là bí mật vĩnh cửu của mọi thành công trong cuộc sống.” – Stefan Wzeig

Dường như ngày càng có nhiều người e ngại trước sự thay đổi và hoang mangvề tương lai hơn so với bất kỳ thời đại nào trong lịch sử. Và một trong những lợi ích to lớn nhất khi thiết lập mục tiêu chính là bạn có thể kiểm soát được hướng thay đổi trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn tự quyết định và định hướng phần lớn những thay đổi của đời mình. Đó chính là ngọn hải đăng dẫn đường bạn trong đêm tối, đưa bạn từ mặt biển mênh mông về với đất liền. Chính là thứ ánh sáng làm lóe lên hy vọng, để cho dù đang đói lả và kiệt sức, bạn vẫn cố gắng bơi về phía sáng ánh đèn.

Một lợi ích cực kỳ quan trọng nữa của mục tiêu và bản kế hoạch, đó là nó giúp bạn tiết kiệm thời gian một cách cực kỳ hữu ích trong hành trình đưa bạn tới thành công. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những việc mình có thể làm được trong một khoảng thời gian nhất định. Điều mà phần lớn những người bình thường khác không thể cảm nhận được. Đó là giá trị của thời gian.

Có một câu nói của ai đó đại loại rằng: “Chỉ cần bạn có mục tiêu và lòng khát khao mãnh liệt để đạt điều đó. cả vũ trụ này sẽ đồng tâm giúp bạn.” Tôi hoàn toàn tin tưởng câu nói này.

Chủ đề này quá rộng, quá dài, không hiểu sao càng viết lại càng nảy sinh nhiều ý. Trong khuôn khổ bài viết này dù rất muốn tôi vẫn không thể nói sâu hơn về những bản kế hoạch, về việc áp dụng cách lập kế hoạch cho mọi việc trong đời sống. Về việc cả vũ trụ này giúp bạn như thế nào, bạn sẽ cảm nhận rõ nét giá trị của thời gian ra sao. Nhưng thôi, xin tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại bạn trong chủ đề kế tiếp mà tôi tạmgọi là “sức mạnh của những bản kế hoạch”. Cám ơn bạn vì đã đọc bài viết dài dằng dặc này.

 

Phi Tuyết

 

 

“Cám ơn bạn với bài viết này. Không biết bạn có phải là một độc giả của Napolen Hill không. Và mình cũng rất hay đọc sách của ông ấy. Mình có một thắc mắc muốn hỏi. Trong khi thiết lập mục tiêu thì làm sao để định tính được mục tiêu của mình có tính khả thi hay không ( theo nguyên tắc đặt mục tiêu SMART) và lấy điều gì làm căn cứ rằng mục tiêu của mình có thể thực hiện được và không phải là một mục tiêu quá hoang đường?” – Tuân Đào

“Trước tiên, mục tiêu là thứ mà bạn mong muốn sẽ đạt được
bạn k thể đặt mục tiêu kiểu ngay ngày mai thu nhập phải tăng gấp 5 lần hay trong năm sau phải đi du lịch hết thế giới… đc đúng k
cứ đặt mục tiêu là điều mà bạn mong muốn, nghe xa vời cũng đc
rồi trí óc sẽ tự tìm con đường
đừng đặt giới hạn khi đặt ước mơ hay mục tiêu
ví dụ bạn đang có lương tháng 5tr, bạn có thể đăt muc tiêu 5 năm sau thu nhập 1 tháng là 300tr và h bạn sẽ rất mơ hồ k biết phải làm sao hay cách nào, nghe nó thật xa vời
đừng quan tâm
cứ đặt ra đi, rồi nghiêm túc nghĩ về nó mỗi ngày
có thể sau 5 năm bạn k đạt đc mức 300tr, nhưng lại đạt được mức 100, 200tr thì sao
k nhất thiết đạt được i chóc mục tiêu mới là thành công, chỉ cần ra cảm thấy mình đạt được phần lớn mục tiêu, là thành công r
Như mình trc đây đặt mục tiêu là 5 shop và 1 công ty thời trang
chả biết làm cách nào để đạt đc điều đó
nhưng hiện tại mình chỉ có 2 shop thôi, và 2 cái khác mở cho người thân làm, mình cũng có thể tự nhận là đạt đc phần lớn mục tiêu r
đây là điều hoàn toàn khó xảy ra nếu ngày đó mình k đặt mục tiêu gì cả mà chỉ đi làm nv bt
bạn hiểu ý mình chứ?” – Phi Tuyết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *