Câu chuyện những góc nhìn
– Mỗi người trên đời tự khi sinh ra đã được đặt vào những vị trí khác nhau, vị trí này bao gồm các điều kiện xung quanh như gia đình, dân tộc, quốc gia, văn hóa, truyền thống, địa vị… Chính những vị trí này đã sinh ra những góc nhìn khác nhau cho mỗi người.
– Những góc nhìn khác nhau mang đến sự đa dạng cho thế giới bao nhiêu, thì cũng chính nó mang lại nhiều bất an và đau khổ bấy nhiêu cho chúng ta.
– Chúng ta không thể hiểu được những gì người khác đang làm, ta bực bội, ta thất vọng, ta phát điên lên… tất cả mọi cảm xúc đều xảy đến đều chỉ vì một nguyên nhân, chúng ta không hiểu. Không hiểu tại sao nó lại xảy ra, không hiểu người khác suy nghĩ gì, không hiểu ta đã làm gì sai, không hiểu tại sao mọi thứ cứ không như ta mong muốn.
– Và tôi cho rằng, căn nguyên cái sự không hiểu này, suy cho cùng, cũng chỉ vì chúng ta quá chủ quan và trung thành với những gì chúng ta thấy, những góc nhìn của chúng ta.
Thế giới thì bao la, ta thì nhỏ bé, tầm nhìn vài trăm mét trong mưa – một góc nhìn bé nhỏ như thế, làm sao có thể mong nhìn thấu được thế giới, nhìn thấu được những người khác, nếu ta không chịu đổi góc nhìn.
– Vâng, đó là một cách rất đơn giản để ta làm cho cuộc đời mình thêm nhẹ nhàng và hợp lý. Đó là hãy thay đổi góc nhìn, hãy nhìn theo những hướng khác, bằng những con mắt khác, trong những vị trí khác.
– Nếu đang là một nhân viên chăm chỉ, bực tức vì sếp không tăng lương cho mình, hãy thử một lần nhìn lại mình qua góc nhìn của ông chủ. Bạn làm tốt công việc mình được giao, đó là lý do bạn được thuê vào làm và được trả lương vì điều đó. Bạn không hề làm tăng giá trị cho công ty, thế thì tại sao ông chủ lại phải tăng lương cho bạn? và ngược lại.
– Nếu đang là một người cha bực tức cậu con trai không nghe lời mình. Hãy nhìn lại cuộc đời dưới góc nhìn của nó. Bạn có cho nó được quyền lớn lên không? quyền làm người lớn là quyền được làm những việc theo mong muốn và ý thích, đôi khi đơn giản như là việc theo đuổi đam mê. Bạn ngăn cản con mình lớn lên, bạn không muốn chúng tự lập, bạn không muốn chúng tách khỏi mình, điều này có đi ngược lại điều bạn mong muốn không? bạn có thật mong chúng trưởng thành?
– Nếu bạn là một ông chồng đang không hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ với cô vợ mà bạn cho là đã thay đổi rồi. Hãy nhìn lại đi, một góc nhìn khác, trong mắt người vợ, bạn có đang thay đổi không? bạn có còn như lúc ban đầu yêu nhau? bạn có giữ được những lời hứa bạn thề thốt khi kết hôn?
– vân vân
– Việc đặt mình vào vị trí của người khác cũng tức là việc đổi góc nhìn của mình theo góc nhìn của người đó, là việc cần làm và nên làm. Nhìn được toàn bộ bức tranh, ta mới thấy được ý nghĩa của nó, mới biết cách để sửa chữa và hồi sinh chúng – hồi sinh những mối quan hệ, hồi sinh những cảm xúc tốt đẹp trong tâm hồn, hồi sinh niềm tin và hi vọng vào cuộc sống. Hồi sinh cuộc sống tự do vì tự do là đích đến sau cùng của con người.
(bình thường thì bài viết có thể chỉ tới đây thôi, nhưng sau khi được tiếp nhận một chân lý khác thì lại sinh ra thêm đoạn sau này…)
– Đỉnh cao của tự do là sự thấu hiểu, không phải thấu hiểu người khác, nhưng là thấu hiểu bản thân. Nhưng để hiểu được bản thân mình, ngoài việc tự nhìn vào bên trong, bạn nhất định còn phải đặt con mắt mình vào con mắt của người khác để nhìn lại mình. Nhìn bản thân từ những hệ quy chiếu khác nhau, bạn sẽ nhận ra mình là ai, trong con mắt phụ huynh, bạn là người thế nào, trong con mắt bạn bè, trong con mắt đồng nghiệp, trong con mắt của người bạn yêu… bạn là người như thế nào?
– vậy nên, việc đặt mình vào vị trí người khác là việc rất quan trọng, nó không chỉ giúp làm mềm các mối quan hệ thông qua việc thấu hiểu lẫn nhau, mà hơn hết, nó còn giúp bạn nhận ra và thấu hiểu chính bản thân mình.
Ngắn gọn thôi, hãy ghi nhớ câu này trước mọi phán xét, mọi hành động, mọi việc làm: Đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy nếu chúng ta đều biết đặt mình vào vị trí của nhau.
-Phi Tuyết 13/3/2015