Nghĩ thấy từ xưa đến nay dường như con người luôn bị/luôn cần được hù dọa theo cách nào đó để nghe lời hơn:
– Con nít luôn bị người lớn dùng ma xó, ông kẹ hù cho sợ để không làm cái này cái kia, để bắt phải nghe lời.
– Lớn lên thì bị cả xã hội dùng những mỹ từ đẹp hơn, thực tế hơn: nghĩa vụ, trách nhiệm, truyền thống, dư luận… cũng chỉ là những công cụ được dùng để hù người ta, bắt người ta phải nghe lời, phải làm cái này cái kia hoặc không được làm cái này cái nọ.
– Ngày xưa xừa khi nhân trí thấp thì người ta dùng thần linh để hù dọa nhân loại, bị tai ương gì cũng là do thần linh phạt, đạt được cái gì cũng là do thần linh ban thưởng… Chung quy tất cả đều phải sợ hãi và phục tùng thần linh nếu muốn sống yên ổn.
– Ngày nay dân trí cao hơn nhưng tình hình cũng chả khả quan là mấy. Người ta cũng phải dùng đến Thiên đàng, địa ngục nhưng chi tiết hơn là bảy tầng địa ngục với các thể loại hình phạt khủng khiếp để hù người, để bắt người ta phải sống theo tiêu chuẩn thế này thế nọ mà một nhóm người đề ra, không chỉ vì lợi ích chung của nhân loại, nhưng sâu xa cũng là vì lợi ích của nhóm người mà thôi.
Con người tưởng mình mạnh mẽ, khôn ngoan nhưng nhìn đi nhìn lại cũng không tìm được ai mà không sợ hãi điều gì, không bị kiểm soát bởi những thứ xã hội quy ước.
Bạn không nhận ra chúng là một sao?
Ông kẹ, ma xó = dư luận, truyền thống
Thần linh = Thiên đàng, địa ngục
Dù có trốn trong lớp vỏ bọc nào thì chúng cũng chỉ là một vì cùng mang một mục đích duy nhất: một người đang muốn kiểm soát, sai khiến, điều khiển người khác (một nhóm người muốn điều khiển đám đông)
Người ta ai cũng muốn làm chủ cuộc đời mình, nhưng mỗi cái việc làm chủ quyết định của mình còn không làm được thì làm chủ cuộc đời bằng cách nào?
– làm sao làm chủ cuộc đời khi còn nhỏ thì phải nghe lời cha mẹ, lớn thì phải nghe lời vợ/chồng, già phải phụ thuộc, nghe lời con cái và cả đời là tín đồ cho các tu sĩ, chính khách, xu hướng xã hội?
– làm chủ cuộc đời bằng cách nào khi tự bản thân mình không đứng nổi trên chính đôi chân mình?
– làm chủ cuộc đời bằng cách nào khi luôn chạy theo số đông và làm mọi điều chỉ theo ý số đông?
Chạy theo đám đông khiến bạn an toàn cũng như là một đứa trẻ luôn nghe lời thì sẽ làm vui lòng người khác, nhưng đó tuyệt đối không phải cách để chúng ta trưởng thành.
Trưởng thành là gì nếu như không phải là tự mình quyết định mọi thứ liên quan tới đời mình và tất nhiên cả tự chịu trách nhiệm về những quyết định đó nữa.
Và chưa bao giờ “vâng lời” = “trưởng thành” cả.
Bạn tự hào vì mình là người biết vâng lời: nghe lời cha mẹ, nghe lời tu sĩ, nghe lời xã hội… cũng tốt thôi. Bạn tự hào mình luôn làm vui lòng người khác. Nhưng nếu một người quan trọng nhất là chính bạn không vui thì mọi việc bạn làm có ích gì?
Bạn phải lựa chọn thôi: bạn sinh ra trên đời là để vâng lời hay để trưởng thành?
Những người trưởng thành vẫn có thể là người vâng lời (đôi lúc) nhưng người luôn vâng lời thì không thể là người trưởng thành được.
#PT17102016