Cảm ơn là thứ nông cạn và robot hoá, có thể rèn giũa qua thói quen và kỉ luật.
Biết ơn, với từ “biết” là điểm nhấn thể hiện sự tự nhận thức sâu sắc, không ai có thể dạy hay áp đặt lên bạn. Biết ơn là trạng thái của sự nhận biết hoàn toàn mang tính cá nhân, trạng thái của ý thức.
Sự cảm ơn cần ngôn từ để diễn tả và ngôn từ có thể diễn tả nhưng sự biết ơn thì người ta thường thể hiện trong im lặng vì ngôn từ không thể diễn tả được.
Có hai level của trạng thái biết ơn mà bằng việc quan sát nó, bạn có thể nhận biết bản thân mình đang ở đâu trong hành trình “tiến hoá tâm thức”, tức tỉnh ngộ.
Một là bạn biết ơn khi ai đó làm điều gì đó cho bạn, dù là điều nhỏ nhoi nhất.
Hai là bạn biết ơn khi bạn làm gì cho ai đó và người đó chấp nhận nó. Bạn giúp đỡ ai đó và họ chấp nhận sự giúp đỡ của bạn. Bạn yêu ai đó và họ chấp nhận tình yêu của bạn. Bạn tha thứ cho ai đó và họ chấp nhận sự tha thứ của bạn. Bạn cho ai đó cái gì đó và họ chấp nhận nó – và bạn thấy biết ơn vô cùng.
Tóm lại, level một là bạn biết ơn khi bạn “nhận” còn level hai là bạn biết ơn khi bạn “cho” và ai đó nhận cái cho của bạn.
Khi bạn chạm tới level này của sự tỉnh ngộ (ừ ha, từ này hay, hay hơn và đúng hơn giác ngộ á. Giác ngộ nghe ghê quá, tỉnh ngộ là tỉnh ra ngộ ra – nghe gần gũi hơn á) bạn đột nhiên hiểu sâu sắc câu “khi bạn làm bất cứ gì cho người khác là bạn đang làm cho bản thân mình, chúng ta là một”.
Phương Đông với chiều sâu lịch sử về sự nhận biết nên không quá câu nệ mấy lời cảm ơn.
Phương Tây đã không đi xa đến thế trong lịch sử về nhận biết, phương Tây chỉ có bề dày lịch sử về ngôn từ, triết lý cho nên rất quan trọng cách hành xử mà biểu tượng là lời cảm ơn, xin lỗi, làm ơn. Họ giáo dục và biến lời thành văn hoá một cách hiệu quả.
Khi mình chưa nhìn ra điều này mình đã rất đề cao văn hoá văn minh phương Tây và chê bôi phương Đông rằng phương Đông quá dở, thiếu văn minh, không biết hành xử và giáo dục trong lời cảm ơn xin lỗi như phương Tây. Nhưng khi mình đi sâu hơn vào chiều sâu cuộc sống, khi ngôn từ biến đi, nghi thức biến đi, văn minh giáo dục biến đi, sự nhận thức tăng lên, sự tỉnh ngộ tăng lên, im lặng nhiều hơn thì tự dưng mình lại thấy thấu hiểu và thương phương Đông gì đâu luôn ớ. Thấy chiều sâu của phương Đông sao mà đẹp thế, chẳng cần lời, chẳng cần nghi lễ văn minh gì sất. Rằng là khi bạn làm điều tốt bạn chẳng màng lời cảm ơn. Khi ai đó làm điều tốt cho bạn, bạn thấy biết ơn người đó – nó sâu hơn cảm ơn nhiều. Và khi bạn có lỗi với ai thì tự bạn sẽ ăn năn tỉnh táo để không tái phạm thành ra không cần lời xin lỗi. Và khi ai đó có lỗi với bạn thì bạn thấy là chả vấn đề gì, chẳng một ai cố ý làm người khác buồn cả thành ra không cần xin lỗi.
Nói tóm lại là để hiểu và thẩm thấu được chiều sâu nhận thức của phương Đông thì chúng ta sẽ phải trải qua giai đoạn thẩm thấu văn minh phương Tây. Đích xác kiểu để hiểu giá trị và vẻ đẹp của sự tĩnh lặng thì chúng ta phải hiểu giá trị, vẻ đẹp và cả sự ồn ào vô nghĩa của lời vậy đó.
Quan sát thái độ biết ơn của bản thân đi, bạn sẽ nhận ra nhiều điều lắm.
Bản thân mình luôn tràn ngập biết ơn bất cứ ai đọc những dòng mình viết, những điều mình chia sẻ cho nên khi ai đó cảm ơn mình, mình thấy ngớ ngẩn lắm, kiểu như ‘người này bị sao thế nhờ, mình biết ơn họ gần chết mà họ lại đi cảm ơn mình…’ nói tóm lại một lời là nếu bạn đang đọc mình, mình biết ơn khủng khiếp huhu đa tạ đa tạ
Namaste! 
