Cách mạng giải phóng trẻ em (1): Cuộc đời và những chu kỳ 7 năm

Tôi đã nghe…

  1. Cuộc đời và những chu kỳ bảy năm

Thực tế cuộc đời con người cứ chu kỳ bảy năm một lần, thân thể và tâm trí lại trải qua một cuộc khủng hoảng và được đổi mới hoàn toàn. Nếu bạn sống tới tầm tuổi thọ trung bình là khoảng bảy mươi tuổi, thế thì thân thể lẫn tâm trí bạn sẽ trải qua mười lần chết, hay có thể nói là mười lần đổi mùa. Nếu như một năm có bốn mùa xuân – hạ –  thu – đông là trọn vẹn, thì một đời người trọn vẹn sẽ có bảy mùa hay bảy chu kì, mỗi chu kỳ tương ứng bảy năm.

Chu kỳ 7 năm đầu tiên: Nhận thức mình như là trung tâm của thế giới, một bản ngã tuyệt đối.

Trong bảy năm đầu tiên, đứa trẻ coi nó là trung tâm của thế giới: toàn thể gia đình xoay quanh nó; bất kì cái gì nó cần sẽ có người hoàn thành ngay lập tức. Nó sống như một vị vua, một vị vua thực thụ đầy quyền lực vì bố mẹ và tất cả mọi người trong gia đình dường như chỉ tồn tại vì nó. Đứa trẻ trong bảy năm đầu là một bản ngã tuyệt đối. Nó lấy bản thân mình làm trung tâm và tự cảm thấy đầy đủ.

Chu kỳ 7 năm thứ hai: Đồng dục

Sau bảy năm của chu kỳ đầu tiên sẽ có một sự đột phá xảy ra. Đứa trẻ không còn lấy mình làm trung tâm nữa. Nó trở nên “lệch tâm” theo đúng nghĩa đen, nghĩa là “đi ra ngoài trung tâm”. Nó bắt đầu hướng tới người khác, người khác trở nên quan trọng hơn. Bây giờ nó không còn chỉ quan tâm tới bản thân mình nữa nhưng bắt đầu chuyển sự chú ý quan tâm tới người khác, một thế giới lớn hơn. Nó bước vào một cuộc truy tìm để biết “người khác” này là ai, thế giới mới này là gì. Cuộc phiêu lưu bắt đầu.

Sau bảy năm đứa trẻ trở thành người hay hỏi. Nó hỏi về mọi thứ. Nó trở thành một người hoài nghi. Nó hỏi cả triệu câu hỏi. Nó làm cho bố mẹ phát chán với những câu hỏi ấy. Dần dà họ sẽ xem những câu hỏi của nó như mối phiền toái khi nó quan tâm và hỏi về mọi thứ mà họ lại chẳng có câu trả lời nào thoả đáng cả. Tại sao cây lại xanh? Tại sao Thượng đế đã tạo ra thế giới? Tại sao người này lại nói như vậy, người kia lại làm như vậy? Tại sao, tại sao…

Nó bắt đầu trở nên ngày càng triết lí hơn. Nó truy tìm, hoài nghi. Nó khăng khăng muốn đi sâu vào mọi thứ. Nó giết con bướm hay phá tan đồ chơi chỉ để xem bên trong có gì. Không chỉ quan tâm tới các sự vật hiện tượng, nó còn trở nên quan tâm tới người khác nhưng người khác ở đây vẫn còn cùng giới. Nó không quan tâm tới người khác giới. Nếu một đứa con trai quan tâm tới một đứa con gái, nó sẽ nghĩ họ là chị em. Con gái không quan tâm tới con trai. Chúng thậm chí bắt đầu giữ khoảng cách với nhau, không thích ở gần nhau, chúng thoải mái khi ở bên cạnh những đứa trẻ khác có cùng giới tính với mình. Đó là lý do tại sao bất kì tình bạn cùng giới nào xảy ra trong giai đoạn từ bảy đến mười bốn tuổi đều là những tình bạn sâu sắc nhất. Sau này trong các giai đoạn khác của cuộc, một tình bạn như vậy sẽ khó bao giờ xảy ra lần nữa.

Giai đoạn thứ hai này các nhà phân tâm học và tâm lí học sẽ nói là sự đồng dục.

Chu kỳ 7 năm thứ ba: Dị dục

Sau tuổi mười bốn, cánh cửa thứ ba mở ra. Con trai không còn quan tâm tới con trai, con gái không còn quan tâm tới con gái nữa. Chúng vẫn thân thiện, nhưng không còn quan tâm nhau nhiều.

Nếu mọi việc diễn ra bình thường và không có gì trục trặc về tâm sinh lý thế thì sau tuổi mười bốn, con trai sẽ quan tâm tới con gái nhiều hơn và ngược lại. Sự đồng dục nay đã chín muồi và chuyển sang dị dục. Bọn trẻ bắt đầu thực sự để ý tới những người bạn khác giới. Bây giờ một thế giới mới được mở ra.
Tuổi mười bốn là tuổi cách mạng lớn lao. Tuổi dậy thì khiến người ta bắt đầu có những suy nghĩ dưới dạng tính dục, chuyện tình cảm khác giới. Con gái trở nên e ấp thuỳ mị hơn trong khi con trai bắt đầu xổ lồng tán tỉnh. Thơ ca nảy sinh, sự lãng mạn xuất hiện. Bọn trẻ bắt đầu đi vào trong thế giới tự nhiên.

Chu kỳ 7 năm thứ tư: Tham vọng tiến vào thế giới bãi chợ.

Đến tuổi hai mươi mốt – nếu mọi việc diễn ra bình thường và đứa trẻ không bị xã hội bó buộc phải làm điều gì đó trái tự nhiên – nó sẽ bắt đầu quan tâm tới hoài bão, tham vọng thành công nhiều hơn là quan tâm về tình yêu. Tham vọng trở thành vấn đề nổi bật trong tâm trí. Nó bắt đầu nuôi dưỡng ham muốn được thành công, giàu có và quyền lực. Nó khát khao tìm ra cách thức để thành công và thành công giờ đây trở thành toàn bộ mối quan tâm của nó.
Bây giờ nó không chỉ đi vào thế giới tự nhiên, nó đang đi vào thế giới của con người – thế giới bãi chợ. Bây giờ toàn thể sự chú ý của nó đều hướng tới cái chợ nơi tiền bạc, quyền lực, danh tiếng, thành công mới là quan trọng nhất. Nó trở thành một phần của bãi chợ. Cuộc đời nó như một hành trình phiêu lưu kiếm tìm kho báu và vẫn còn đầy mơ mộng chiến thắng.

Chu kỳ 7 năm thứ năm: Tạm dừng phiêu lưu

Nếu mọi việc diễn ra đúng theo trình tự tự nhiên tuyệt đối không gặp bất cứ cản trở gì. Điều này cần được nhấn mạnh vì thực tế các chu kỳ chẳng bao giờ được phép diễn ra đúng tự nhiên cả. Nếu các chu kỳ được sống đúng thì đến tuổi hai mươi tám người ta sẽ không còn cố gắng tìm kiếm và yêu thích cuộc sống phiêu lưu nữa. Giai đoạn từ tuổi hai mươi mốt tới hai mươi tám, người ta đã sống trong phiêu lưu đủ rồi. Đến tuổi hai mươi tám, người ta trở nên tỉnh táo hơn về thế giới. Người ta nhận ra rằng việc hoàn thành tất cả các ham muốn và tham vọng là không thể. Người ta trở nên quan tâm đến sự an toàn và tiện nghi. Người ta trở nên ít phiêu lưu và ít tham vọng hơn. Người ta bắt đầu trở nên trầm lắng hơn. Tuổi hai mươi tám người ta không còn quá nhiệt thành trong việc chống lại lề thói của truyền thống và xã hội. Ngay cả dân hippy, những nhà cách mạng cũng bắt đầu lắng đọng. Họ quan tâm tìm kiếm cuộc sống tiện nghi êm đềm với số dư ngân hàng nho nhỏ. Niềm thôi thúc chinh phục thế giới, chiến thắng các cuộc tranh đua, tham vọng thành công tột bực không còn quá mạnh mẽ. Họ muốn có một ngôi nhà nhỏ, ấm cúng và an toàn để sống. Họ tìm đến công ty bảo hiểm, bắt đầu chú ý tới việc lập gia đình, ổn định cuộc sống. Bây giờ ngay cả kẻ lêu lổng nhất cũng không còn ham thích lêu lổng nữa. Anh ta bắt đầu ổn định và trở nên một phần của văn minh, của định chế, của xã hội. Từ văn minh – civilization – bắt nguồn từ từ ‘civis’ có nghĩa là ‘thường dân’. Bây giờ anh ta biết mình chẳng có gì đặc biệt, mình chỉ là một thường dân và bắt đầu quen với ý tưởng này. Bây giờ không còn muốn du hành nữa, anh ta muốn dừng lại, nghỉ ngơi.

Chu kỳ 7 năm thứ sáu: Kẻ chống lại thay đổi.

Đến tuổi ba mươi lăm, năng lượng sống của con người đạt tới điểm đỉnh của nó. Vòng tròn cuộc sống đã hoàn thành được một nửa và năng lượng bắt đầu suy giảm. Bây giờ người ta không chỉ quan tâm tới an toàn và tiện nghi. Người ta không chỉ không muốn làm cách mạng mà còn trở thành người phản cách mạng. Bây giờ người ta không chỉ không muốn thay đổi mà còn có xu hướng chống lại mọi sự thay đổi. Người ta ghét những kẻ bất quy tắc, kẻ lêu lổng, kẻ lang thang, kẻ phá rối. Người ta muốn giữ nguyên hiện trạng vì sợ rằng sự thay đổi có thể làm đảo lộn cuộc sống của họ. Bây giờ họ nhìn những kẻ nổi loạn như họ ngày xưa giống như những người nông nổi, thiếu suy nghĩ. Bây giờ họ không chỉ là một phần của định chế, họ bảo vệ nó.

Đến tuổi ba mươi lăm, người ta phải trở thành một phần của thế giới qui ước. Người ta bắt đầu tin vào tín ngưỡng trong quá khứ, tin vào Vedas, Kinh Koran, Kinh Thánh. Người ta dứt khoát chống lại sự thay đổi, bởi vì thay đổi nghĩa là cuộc sống riêng của họ sẽ bị quấy rối. Bây giờ họ có nhiều thứ để mất. Bây giờ người ta không thể ủng hộ cách mạng được, họ muốn được bảo vệ. Người ta thiên về luật pháp, toà án và chính phủ. Người ta ủng hộ chính phủ, qui tắc, điều luật, kỉ luật.

Điều này là tự nhiên. Nếu mọi việc vẫn diễn ra đúng thì con người tới lúc nào đó tự dưng sẽ không còn muốn ở tình trạng nổi loạn mãi. Nó chỉ là một giai đoạn, đi qua thì tốt nhưng mắc kẹt lại thì không tốt.

Nếu một người đồng dục trong giai đoạn giữa bảy và mười bốn tuổi thì tốt, nhưng nếu người đó vẫn còn đồng dục trong cả đời thì có nghĩa người đó đã không trưởng thành, người đó không trở thành người lớn. Phải có tiếp xúc với người khác giới vì đó là một phần của cuộc sống. Người khác giới phải trở nên quan trọng bởi vì chỉ như thế thì bạn mới có khả năng cảm nhận được sự hài hoà của các yếu tố đối lập và xung đột, giống như trạng thái khổ và trạng thái cực lạc. Đó là huấn luyện, một sự huấn luyện cần thiết.

Chu kỳ 7 năm thứ bảy: Nỗi ám ảnh về cái chết

Đến tuổi bốn mươi hai, mọi bệnh tật về thể chất và tinh thần bộc phát, vì bây giờ năng lượng cuộc sống đang suy giảm và hướng tới cái chết. Như lúc bắt đầu được sinh ra năng lượng đã đi lên và người ta đã trở nên ngày một sống động, mạnh mẽ hơn thì bây giờ chính điều đối lập lại xảy ra, người ta trở nên ngày một yếu hơn. Những thói quen cũ vẫn còn đó không tương thích với một pha mới của cuộc sống dễ khiến sự đi sai thêm trầm trọng. Một người đã ăn nhiều cho tới tuổi ba mươi lăm, bây giờ nếu cứ tiếp tục thói quen ăn như cũ thì cơ thể người đó sẽ bắt đầu tích trữ mỡ. Lượng thức ăn nhiều như vậy là không cần thiết nữa vì cuộc sống đang đi xuống dốc hướng về phía cái chết. Cái chết không cần nhiều thức ăn như vậy. Nhưng vì thói quen cũ người ta cứ nhét đầy bụng mình như đã làm trước đây và đó là nguyên do cho đủ mọi loại bệnh tật xuất hiện: cao huyết áp, đau tim, mất ngủ, ung nhọt, dạ dày, tiêu hoá, bài tiết, hô hấp, tuần hoàn máu – tất cả bệnh tật sẽ xảy ra rất dễ dàng trong giai đoạn từ bốn mươi hai tuổi trở đi. Bốn mươi hai tuổi là một trong những cột mốc nguy hiểm nhất. Cuộc sống tiến vào trong cái chết một cách nhanh đến nỗi người ta có thể cảm nhận được năng lượng sống đang thuyên giảm mỗi ngày và đó gây ra sợ hãi lớn lao.

Gần đến tuổi bốn mươi hai, cùng với nỗi sợ chết mà lần đầu tiên, tôn giáo bắt đầu trở nên thực sự quan trọng. Có thể trước đây người ta đã từng quan tâm một chút về tôn giáo nhưng nó chưa bao giờ là vấn đề sống còn. Nhưng giờ đây, khi người ta biết cái chết đang tới thế thì các nghi thức và niềm tin tôn giáo chưa bao giờ trở nên quan trọng đến thế vì nó có liên quan sâu sắc với cái chết. Nó là cánh cửa duy nhất mà người ta có thể nghĩ ra để trốn tránh cái chết, để làm cho cái chết bớt đáng sợ.

Vào pha này của cuộc sống, người ta thấy cần tôn giáo hơn bất cứ tình bạn, tình yêu, tham vọng nào. Dường như mọi thứ đều trở thành yếu, chỉ tôn giáo trở thành nhu cầu lớn. Nếu người ta sống trong một xã hội thế tục và chẳng hề được dạy gì về cái chết hay về tôn giáo, thế thì khó khăn lớn nhất sẽ tới – khủng hoảng tinh thần sẽ tới vào khoảng độ tuổi bốn mươi hai.

Xã hội đã không cho người ta bất kì một con đường, một cánh cửa, một chiều hướng nào để người ta hiểu về cái chết.

Xã hội tốt khi người ta mười bốn tuổi đến ba lăm bởi vì xã hội cho bạn đủ tính dục và tham vọng. Toàn thể xã hội đều mang tính dục và tham vọng. Tính dục và lòng tham dường như tiềm ẩn trong mọi món hàng.

Ví dụ, nếu bạn muốn bán một chiếc xe tải mười tấn, bạn phải dùng hình ảnh của một phụ nữ khêu gợi. Bán một tuýp kem đánh răng – cũng thế. Việc bán xe tải hay bán kem đánh răng chẳng khác gì nhau, đều phải sử dụng hình ảnh một phụ nữ khêu gợi mỉm cười ở đâu đó phía sau. Thực sự là hình ảnh phụ nữ khêu gợi được bán chứ không phải xe tải hay kem đánh răng. Tuýp kem đánh răng xuất hiện trước mắt bạn cùng với hình ảnh nụ cười của một cô gái đẹp. Chúng xuất hiện cùng nhau, bạn mua nụ cười của cô gái nên bạn phải mua luôn tuýp kem đánh răng. Tính dục được bán khắp nơi, trên mọi sản phẩm trong khi lòng tham muốn là động lực phía sau mọi hành động.

Cho nên xã hội này, xã hội thế tục này tốt cho người trẻ. Nhưng không ai trẻ mãi được. Khi người ta tới tuổi bốn mươi hai họ bỗng nhiên nhận ra xã hội quên lãng, phớt lờ họ hoàn toàn. Người ta không biết phải làm gì bây giờ. Người ta trở nên căng thẳng lo âu bởi vì nhận ra sự trống rỗng và vô tích sự của cả đời họ. Cái chết đang đến và họ chẳng được chuẩn bị một chút nào, chẳng biết làm sao để đối diện với nó. Xã hội giúp người ta sẵn sàng cho cuộc sống nhưng không dạy chút gì về việc chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết. Con người cần được giáo dục về cái chết cũng như họ cần được giáo dục về cuộc sống.

Trong một thế giới sâu sắc hơn, giáo dục nên được chia thành thành hai phần: một phần cho người trẻ, phần kia cho người già. Người trẻ tới trường để học về nghệ thuật của cuộc sống: cách nhận diện dục vọng, tham vọng, cách thức tranh đấu. Rồi khi họ trở nên lớn tuổi hơn và đạt tới cột mốc tuổi bốn mươi hai, họ sẽ quay lại trường để học về cái chết, về tôn giáo, tâm linh, về buông bỏ, về Thiền – nghệ thuật đối diện cái chết.

Ở phương Tây, tôn giáo không còn là một phần của cuộc sống. Đến khoảng độ tuổi bốn mươi hai, người phương Tây đều trải qua các vấn đề về tâm lý. Hàng ngàn kiểu rối loạn thần kinh xảy ra và đủ loại ung nhọt xuất hiện. Ung nhọt là dấu hiệu của tham vọng. Tham vọng cắn xé người ta từ bên trong và bên ngoài, người ta không có chỗ nào để bám víu.

Phương Đông vẫn còn có một vài vết tích cũ của tôn giáo cho người ta bám víu. Dù cho chúng là giả, là dỏm nhưng nó vẫn ở đó, vẫn tồn tại. Những vết tích tôn giáo cũ này không nằm trong bãi chợ hay trong bề dày của cuộc sống nhưng nó chỉ là vài thứ trên bề mặt, nó là những đền chùa ngay bên cạnh người ta như những cửa hàng tiện lợi. Người ta chỉ cần bước vài bước là có thể đi tới đó và thế thì người ta cảm thấy yên tâm, được an ủi.

Tại tuổi bốn mươi hai, một đột phá mới lại tới trong cuộc sống. Người ta bắt đầu nghĩ về tôn giáo, về thế giới khác. Cuộc sống có quá nhiều thứ và thời gian còn lại thì quá ít ỏi, làm sao đủ thời gian? Vậy nên do đó mới có thuyết đầu thai để người ta không quá sợ hãi, để người ta đỡ lo lắng và tin rằng họ còn thời gian, không ở kiếp này mà những kiếp sau. Rằng họ sẽ còn nhiều kiếp sống nữa để đạt được điều họ chưa thể đạt được ở kiếp này.

Đó là lí do tại sao ở Ấn Độ, ba tôn giáo nền tảng: Jaina giáo, Phật giáo và Hindu giáo và họ không đồng ý về bất kì điểm nào ngoại trừ thuyết đầu thai. Các giáo lý của các tôn giáo này rất bất đồng, thậm chí bất đồng trên nền tảng cơ sở về Thượng đế, về bản chất của sự tồn tại… nhưng tất cả bọn họ đều đồng ý về thuyết đầu thai vì nhìn một cách trực tiếp thì một kiếp này là không đủ để người ta đạt tới đâu cả. Tất cả đều cần thời gian, bởi vì để đạt tới Brahman – người Hindu gọi nó là Brahman – phải cần nhiều thời gian. Để đạt tới Moksha – theo cách người Jaina gọi nó – Moksha là trạng thái tự do tuyệt đối khỏi tất cả “nghiệp” trong quá khứ. Nhưng với hàng nghìn, hàng triệu kiếp đã có trong quá khứ, thì trong vòng hai mươi tám năm còn lại, làm sao bạn bao quát được? Làm sao bạn có thể hoàn tác được toàn bộ quá khứ? Quá khứ mênh mông với đủ mọi loại nghiệp xấu và nghiệp tốt – làm sao bạn lau sạch được các tội lỗi của mình trong vòng hai mươi tám năm? Điều này có vẻ không đúng. Và với các Phật tử, họ gọi nó là Niết bàn – sự trống rỗng tuyệt đối, cái không tuyệt đối. Phật tử dù không tin vào Thượng đế, không tin cả vào linh hồn – họ cũng tin vào đầu thai vì đầu thai cho người ta thời gian để đến Niết Bàn. Nhưng khi kiếp này bạn vẫn còn đang bị nhồi nhét với biết bao rác rưởi qua biết bao kiếp sống, làm sao bạn có thể làm sạch được bản thân mình trong vòng hai mươi tám năm? Có vẻ là không thể được: cần thời gian.

Cho nên tất cả các tôn giáo nền tảng ở Ấn Độ tuy bất đồng nhưng đều đồng ý về một việc, là cần nhiều tương lai hơn, cần nhiều thời gian hơn cho con người. Để ý đi, bất kỳ khi nào người ta có tham vọng, người ta đều cần thời gian.

Vào độ tuổi bốn mươi hai, niềm thôi thúc đầu tiên nảy sinh một cách mơ hồ, không rõ ràng và lẫn lộn. Người ta thậm chí không nhận biết về thứ đang xảy ra, nhưng họ bắt đầu nhìn vào đền chùa với sự quan tâm thiết tha. Đôi khi nhân tiện như một khách thăm vô tình, người ta sẽ tới nhà thờ hay chùa chiền. Đôi khi những lúc có thời gian và chẳng phải làm gì, người ta bắt đầu nhìn vào cuốn Kinh Thánh đang bị phủ đầy bụi trên bàn hay chú ý tới những bức tượng tôn giáo ở các nơi trong cuộc sống – thứ mà họ thường bỏ qua khi còn trẻ. Một cách mơ hồ người độ tuổi bốn hai mơ về tôn giáo hệt như đứa trẻ mười bốn mơ hồ về tính dục. Đứa trẻ chạm vào bộ phận sinh dục của nó và thấy tốt, chẳng biết mình đang làm gì. Người ở chu kỳ này đôi khi ngồi một mình im lặng và bỗng nhiên cảm thấy bình yên, chẳng biết mình đang làm gì. Đôi khi người ta bắt đầu lẩm nhẩm câu mật chú đã được nghe từ hồi nhỏ, hoặc một câu kinh. Người già hay lẩm nhẩm đọc nó. Khi cảm thấy căng thẳng, người ta bắt đầu lẩm nhẩm đọc nó. Người ta bắt đầu tìm kiếm: tìm một người thầy, một nhóm người cùng mối quan tâm hay một ai đó hướng dẫn cho mình. Người ta nhận điểm đạo, bắt đầu học mật chú, kinh sách và lặp lại nó, rồi quên mất trong vài ngày, rồi lặp lại… Việc tìm kiếm trở nên mơ hồ, dò dẫm.

Chu kỳ 7 năm thứ tám: Quay lưng khỏi bãi chợ

Đến tuổi bốn mươi chín, việc tìm kiếm trở nên rõ ràng. Phải mất bảy năm để làm cho việc tìm kiếm trở nên rõ ràng hơn. Bây giờ một vấn đề nảy sinh. Người ta không còn quan tâm tới người khác phái nữa, đặc biệt nếu mọi thứ đã diễn ra đúng như nó cần xảy ra – điều này cứ phải được nhắc đi nhắc lại bởi vì để làm cho rõ ràng rằng trên thực tế mọi thứ chẳng bao giờ diễn ra đúng cả. Vào độ tuổi bốn mươi chín, đàn bà mãn kinh, đàn ông trở nên không còn quan tâm tới đàn bà hay tính dục nữa. Thậm chí họ còn xem dục như một thứ của tuổi trẻ, một trò vui của tuổi thiếu niên, một thứ dành cho người chưa trưởng thành.

Ngày nay mọi chu kỳ đều lệch vì xã hội đã dùng nhiều cách để thay đổi những quy trình của tự nhiên. Xã hội ép buộc nó, thay đổi nó. Ví dụ ở phương Đông, người ta đã chống lại tính dục và kìm nén tính dục. Khi bọn trẻ mười bốn tuổi, chúng quan tâm đến tính dục nhưng chúng cảm thấy rất mặc cảm, thấy tội lỗi và vì vậy mà chúng kìm nén tính dục. Sự kìm nén này gây ra nhiều rối loạn về sinh lý lẫn tâm lý. Khi trẻ mười bốn tuổi chúng sẽ bắt đầu bận tâm về tính dục – điều này là bình thường, là tự nhiên – nhưng mặc cảm tội lỗi khiến chúng phải che dấu điều đó. Ở phương Đông, đứa trẻ mười bốn tuổi trở nên mặc cảm và đây là thời điểm xảy ra những cuộc nổi loạn, những “khủng hoảng tuổi dậy thì” bởi vì bản thân nó nhận ra những thay đổi, những khác biệt trong tâm sinh lý, nó đã trở thành một người khác nhưng xung quanh nó, cha mẹ, thầy cô, gia đình cứ mong muốn nó như cũ. Họ muốn nó cứ mãi ngây thơ như thiên thần, tránh xa người khác giới, không được phép xem và nói về những vấn đề tính dục. Đứa trẻ tuổi mười bốn gặp khủng hoảng vì xã hội kìm nén chu kỳ phát triển tự nhiên của nó.

Trong khi đó ở phương Tây thì ngược lại, việc kìm nén này đã biến mất nhưng cái kìm nén khác lại tới. Xã hội không bao giờ có thể không mang tính kìm nén được. Nếu vứt bỏ kìm nén này, lập tức bắt đầu xuất hiện cái kìm nén khác. Bây giờ cái kìm nén lại xuất hiện vào khoảng tuổi bốn mươi chín. Mọi người bị buộc vẫn phải còn trong tính dục và tính dục được xem như một năng lực tồn tại. Nó khiến cho những người không còn quan tâm tới tính dục cảm thấy mặc cảm – hệt như đứa trẻ mười bốn ở phương Đông mặc cảm khi quan tâm tính dục. Vào độ tuổi bốn mươi chín, nếu người ta không muốn hay không thể làm tình, người ta sẽ bắt đầu cảm thấy rất mặc cảm, tự ti. Xã hội lại dùng tính dục để kìm nén người ta, để giữ người ta trong dục và tạo ra những rối loạn tâm sinh lý.
Ở phương Đông, chúng ta đã làm một điều ngu xuẩn và ở phương Tây cũng vậy.

Nếu tại độ tuổi mười bốn, tính dục tự nhiên phát sinh, thì tại độ tuổi bốn mươi chín, tính dục tự nhiên giảm đi. Điều đó phải như vậy, bởi vì mọi vòng tròn đều cần phải được hoàn chỉnh.

Đó là lí do tại sao ở Ấn Độ, người ta đã quyết định rằng vào tuổi năm mươi, đàn ông nên bắt đầu trở thành một Vanprasth, một cư sĩ tại gia với đôi mắt nên nhìn hướng về phía rừng, quay lưng về phía bãi chợ. Vanprasth là một từ hay, có nghĩa là người bắt đầu nhìn lên núi, nhìn vào rừng. Bây giờ người đó quay lưng lại với thế giới của đua tranh và tham vọng. Mọi ham muốn dường như đều dừng lại, biến mất, bốc hơi. Người đó bắt đầu hướng tới trạng thái một mình, hướng tới bản thân mình.

Trước độ tuổi này, cuộc sống đã có quá nhiều thứ để quan tâm và người đó không thể sống một mình được. Có những trách nhiệm cần phải được hoàn thành: con cái cần được nâng đỡ, trách nhiệm trong công việc, trong xã hội. Bây giờ bọn trẻ đã lớn khôn, đã xây dựng gia đình, công việc đã ổn, trách nhiệm xã hội cũng đã chu toàn phần nào. Vào lúc người ta tới tuổi bốn mươi chín thì con cái họ đã lập gia đình, ổn định cuộc sống. Chúng không còn là những kẻ hippies nổi loạn nữa. Chúng đã đạt tới trạng thái tự nhiên của độ tuổi hai mươi tám. Chúng sẽ trầm lắng lại và không còn là mối lo. Thế thì lúc này người ta – những người đã là cha mẹ có thể bắt đầu sống vì bản thân mình một cách mạnh dạn hơn nữa. Vào độ tuổi thứ bốn mươi chín, người ta nên bắt đầu nhìn về phía rừng rậm, đi sâu vào nội tâm, mang tính thiền và tính cầu nguyện nhiều hơn.

Chu kỳ 7 năm thứ chín: Bước ra khỏi thế giới bãi chợ

Vào độ tuổi năm mươi sáu, lại xuất hiện một thay đổi, lại một cuộc cách mạng. Bây giờ quay lưng với bãi chợ và nhìn vào rừng là không đủ. Bây giờ người ta phải thực sự du hành, người ta phải đi, phải rời khỏi nơi người ta luôn ở. Cuộc sống đang sắp hết, cái chết đang tới gần hơn. Ở độ tuổi bốn mươi chín, người ta chỉ không quan tâm tới tính dục khác giới. Còn ở độ tuổi năm mươi sáu, người ta thậm chí không quan tâm tới người khác, tới xã hội, tới các nghi lễ, tới các câu lạc bộ.

Ở độ tuổi năm mươi sáu, người ta nên trưởng thành để thoát ra ngoài mọi vướng víu xã hội. Kết thúc rồi! Người ta đã sống đủ, đã học đủ. Bây giờ người ta nên cám ơn mọi người và bước ra khỏi nó.

Tuổi năm mươi sáu là thời điểm người ta nên tự nhiên trở thành một Sannyasin – người được điểm đạo vào hành trình truy tìm chân lý. Người ta nên nhận tính chất Sannyas, người ta nên từ bỏ và điều đó là tự nhiên. Khi bạn có khả năng đi sâu vào bên trong, bạn tự nhiên muốn từ bỏ những thứ bên ngoài.

Thời điểm này người ta cật lực truy tìm một lối thoát, lối thoát tâm linh. Cuộc sống đã từng cho một lối vào, giờ nó cần cho một lối ra bằng không người ta sẽ ngạt thở, bế tắc, thất vọng.

Tôn giáo là lối ra duy nhất.

Chu kỳ 7 năm thứ mười: Lại trở thành đứa trẻ, đi sâu vào nội tâm.

Đến độ tuổi sáu mươi ba, người ta lại trở nên giống đứa trẻ, chỉ quan tâm tới bản thân mình. Mọi thứ khác dường như đã biến đâu mất và chỉ mỗi bạn tồn tại. Một lần nữa, người ta lại trở thành một đứa trẻ – tất nhiên đứa trẻ này đã có rất nhiều vốn sống. Đứa trẻ này rất trưởng thành, hiểu biết và sâu sắc. Bây giờ người ta lại trở thành hồn nhiên. Họ bắt đầu đi vào nội tâm một cách sốt sắng. Chỉ còn lại vài năm nữa thôi và người ta phải chuẩn bị cho cái chết. Người ta phải sẵn sàng chết.

Vậy sẵn sàng chết là gì? Là mở tiệc chào đón cái chết; là người ta phải có một tâm trạng mãn nguyện, vui sướng, sẵn sàng dành cho cái chết.

Thượng đế đã cho mọi người một cơ hội để học tập và hiện hữu, và bạn đã tiếp nhận điều đó. Bây giờ bạn muốn nghỉ ngơi. Bây giờ bạn muốn đi về căn nhà tối thượng. Đó đã từng là nơi tạm trú. Bạn đã lang thang ở miền đất lạ, bạn đã sống với những người lạ, bạn đã yêu những người lạ và bạn đã học hỏi được nhiều. Bây giờ đã tới thời điểm vị vua phải trở về vương quốc riêng của mình.

Tuổi sáu mươi ba là thời điểm người ta trở nên hoàn toàn khép kín. Toàn thể năng lượng đi vào, đi vào và đi vào sâu bên trong. Người ta lại trở thành vòng tròn năng lượng, tự bản thân người ta là đầy đủ, không cần đọc, không cần nói nhiều hay làm bất cứ gì. Người ta trở nên ngày một im lặng hơn, ngày một tập trung vào bản thân mình hơn, hoàn toàn độc lập với mọi thứ xung quanh. Năng lượng sống bên ngoài ngày càng sụt giảm dần.

Kết thúc mười chu kỳ: Nhận thức cái chết, đi vào bụng mẹ một lần nữa

Đến độ tuổi bảy mươi, nếu sống đúng thì người ta đã sẵn sàng cho cái chết. Và nếu mọi người tuân theo quy trình tự nhiên này, thì ngay trước cái chết – chín tháng trước khi chết – người ta sẽ nhận biết được. Giống như đứa trẻ phải trải qua chín tháng trong bụng mẹ, chu kì này được lặp lại hoàn toàn, đầy đủ, trọn vẹn. Khoảng chín tháng trước khi cái chết tới, người ta có thể nhận biết về nó.

Bây giờ người ta đang đi vào bụng mẹ một lần nữa. Bụng mẹ này không ở trong người mẹ, bụng mẹ này ở bên trong mỗi người. Người Ấn Độ gọi cái gian thờ phía sâu bên trong nhất của ngôi đền là garbha, nghĩa là bụng mẹ. Khi bạn đi tới một ngôi đền thì phần sâu bên trong nhất của ngôi đền này được gọi là bụng mẹ. Nó được gọi một cách rất biểu tượng như vậy là có chủ ý – đó là bụng mẹ nơi người ta phải đi vào. Trong giai đoạn cuối cùng – chín tháng – người ta đi vào chính bản thân mình. Thân thể riêng của người ta trở thành bụng mẹ mới. Trong bụng mẹ mới này nguồn năng lượng là bất diệt, giống như khi người ta đi vào điện thờ, nơi sâu bên trong nhất là nơi ngọn lửa bao giờ cũng cháy, nơi ánh sáng bao giờ cũng có -nơi Thượng đế bao giờ cũng sống. Đây là một quá trình tự nhiên.

 

2. Khi các chu kỳ được sống đúng: mà sự thật đáng buồn là chẳng mấy khi nó được sống đúng cả!

Với quá trình tự nhiên này, sẽ không tương lai nào được cần tới cả. Khi người ta đã sống một cách trọn vẹn trong khoảnh khắc này thế thì khoảnh khắc tiếp sẽ bắt nguồn theo cách riêng của nó. Cũng hệt như đứa trẻ lớn lên và trở thành thanh niên mà không cần ai lập kế hoạch cho điều đó. Người ta đơn giản trở thành, đơn giản bước qua một pha mới – điều đó là tự nhiên. Giống như cách một dòng sông cứ tự nhiên tuôn chảy và một ngày bỗng tới đại dương. Theo cùng cách này bạn tuôn chảy và bạn đi tới chỗ kết thúc – tới đại dương của sự tồn tại. Nhưng điều kiện là người ta phải vẫn còn tự nhiên, trôi nổi và được bắt rễ trong khoảnh khắc này. Một khi bạn bắt đầu nghĩ về quá khứ hay tương lai, một khi bạn chìm trong những nuối tiếc, tham vọng, ham muốn, tưởng tượng – thế thì bạn bỏ lỡ khoảnh khắc này.

Khoảnh khắc hiện tại bị bỏ lỡ sẽ tạo ra những sai lạc trong đời sống khiến cho quá trình tự nhiên bị đi lệch hướng. Như dòng sông nếu bị chặn bởi quá nhiều con đập, bị chuyển hướng dòng chảy, bị cản trở bởi những công trình nhân tạo thế thì không chỉ dòng sông bị biến chất mà nó còn gây tổn hại rất nhiều đến những quá trình phát triển tự nhiên của các loài động thực vật hai bên bờ và trong chính dòng sông ấy.

Nếu đứa trẻ mà không sống thời thơ ấu của mình cho đủ, thời thơ ấu chưa được sống đủ đó sẽ đi vào trong thời thanh niên, bởi vì nó sẽ đi đâu được? Nó phải được sống qua chứ. Khi đứa trẻ lên bốn chạy nhảy múa hát, đuổi bắt bướm khắp nơi – điều đó là bình thường, là đẹp. Nhưng khi một thanh niên hai mươi tuổi đuổi bắt bướm thì anh ta dở hơi rồi, có gì đó sai lạc rồi. Thế thì bạn phải gởi anh ta vào bệnh viện tâm thần. Chẳng có gì sai với điều đó ở độ tuổi lên bốn, nó là tự nhiên, là việc cần làm. Nó thật sự là việc đúng cần làm, vì nếu đứa trẻ ở tuổi lên bốn không chạy nhảy, không múa hát, không đuổi theo bướm mà chỉ ngồi im một chỗ ủ rũ thì cái gì đó đã lại bị đi sai. Thế nữa nó cũng cần phải được đưa tới nhà phân tâm hoặc đi trị liệu tâm lý. Nó có thể mắc chứng tự kỷ.

Thanh niên hai mươi mà thơ thẩn đuổi bướm hái hoa, chạy nhảy tung tăng như đứa trẻ thế thì anh ta vẫn còn chưa trưởng thành. Thân thể đã trưởng thành nhưng tâm trí thì chưa, tâm trí đang bị tụt lại phía sau, chậm phát triển hay thậm chí là không phát triển. Anh ta hẳn đang sống ở đâu đó trong thời thơ ấu của mình. Có thể anh ta đã không được phép sống thời thơ ấu một cách trọn vẹn hoặc biến cố nào đó đã làm hại tiến trình phát triển tự nhiên. Nếu anh ta sống thời thơ ấu một cách trọn vẹn thì anh ta sẽ trở thành thanh niên đúng nghĩa: đẹp đẽ, tươi tắn, tràn đầy năng lượng nhưng là kiểu năng lượng hoạt động của người đang trưởng thành chứ không phải kiểu năng lượng của tuổi thơ còn sót lại. Anh ta sẽ lột bỏ tuổi thơ như con rắn lột bộ da cũ của nó. Anh ta sẽ đi ra từ đó tươi tắn. Anh ta sẽ có thông minh của thanh niên và tất nhiên anh ta sẽ không đuổi bướm nữa. Anh ta sẽ đuổi theo thứ khác như là thành tích, ngoại hình, thành công hay những cô gái – điều đó là tự nhiên.

Sống tuổi thanh niên một cách trọn vẹn đi. Đừng nghe lời những người già chỉ vì họ có quyền lực hơn bạn. Vứt những lời độc hại của họ ra khỏi tâm trí bạn. Đừng nghe họ. Bởi vì những người già quanh bạn họ vốn không có tuổi thanh niên, họ đã giết chết tuổi thanh niên của họ. Họ đã sống và kìm nén tuổi thanh niên của họ nên bây giờ họ muốn bạn làm cùng điều đó. Họ đã chống lại dục và dục cứ lan toả khắp cuộc sống, ý tưởng chống dục sẽ trở thành chất độc trong cuộc sống. Đừng nghe lời người khác về việc sống thế nào, nhưng hãy tự mình sống nó, tận hưởng nó đi.

Giữa mười bốn và hai mươi mốt tuổi con trai đạt đỉnh dục cao nhất. Thực tế gần độ tuổi mười bẩy hay mười tám nó đạt tới đỉnh dục. Nó sẽ chẳng bao giờ có năng lực như vậy nữa. Nếu những khoảnh khắc này bị bỏ lỡ nó sẽ chẳng bao giờ đạt tới cực thích đẹp đẽ mà nó có thể đã đạt được gần độ tuổi mười bẩy hay mười tám.

Xã hội này trưng dục ra khắp mọi nơi trong mọi phim ảnh, trò chơi nhưng mặt khác nó lại buộc bạn phải còn vô dục ít nhất cho tới hai mươi mốt tuổi. Điều đó nghĩa là khả năng lớn nhất cho việc học về dục, đạt tới dục sẽ bị bỏ lỡ. Vào lúc bạn đạt tới hai mươi mốt, hai mươi hai, bạn đã bị lỡ mất tiềm năng đỉnh cao của mình rồi, bạn đã “già” rồi khi xét trong mối tương quan tới dục. Gần độ tuổi mười bẩy bạn còn ở đỉnh mạnh mẽ, nhiều năng lực tới mức cực thích dục dễ dàng lan toả khắp các tế bào của bạn. Toàn thể thân thể bạn có thể được tắm trong phúc lạc một cách dễ dàng.

Cuốn sách “Từ dục tới siêu tâm thức” gây rất nhiều tranh cãi khi nó nói về việc chuyển hoá năng lượng dục thành samadhi, thành siêu thức, thành phúc lạc vĩnh hằng. Nó gây tranh cãi vì mọi người – những người già – không hiểu rằng quá trình chuyển hoá này không dành cho họ – người bẩy mươi tuổi. Nó dành cho những người ở độ tuổi mười bẩy – độ tuổi chín muồi năng lượng dục. Nó dành cho thanh niên, không phải cho những người già cả.

Những người già sẽ không thấy cuốn sách này là hữu dụng bởi vì nó không dành cho họ. Họ đã bỏ lỡ thời gian, bỏ lỡ thời điểm chín muồi và thời điểm là thứ không thể được thay thế hay hồi quy. Xã hội nên chịu trách nhiệm cho sự bỏ lỡ những cao trào cuộc sống của con người, vì xã hội đã không để cho người ta được chín muồi đúng thời điểm. Xã hội cứ liên tục tạo ra những mặc cảm và kìm nén khiến cho những quá trình tự nhiên bị đi sai một cách trầm trọng và đáng tiếc.

Nếu giữa độ tuổi mười bốn và hai mươi mốt mà đứa trẻ được phép có dục tự do, dục tuyệt đối tự do, nó sẽ nhanh chóng cảm thấy đầy đủ và chẳng bao giờ còn phải bận tâm về dục nữa. Nó sẽ hoàn toàn tự do và trưởng thành vượt lên dục. Dục sẽ không còn là nỗi ám ảnh mà tự rơi rụng đi như một đứa trẻ lớn lên sẽ tự động rơi rụng ham muốn uống sữa từ bầu vú mẹ vậy.

Một người không được sống tự nhiên sẽ kìm nén. Bất cứ thứ gì bị kìm nén sẽ tìm mọi cách để bộc lộ ra vào một ngày nào đó khi nó có cơ hội. Người trẻ khi kìm nén dục thì năng lượng dục sẽ tích luỹ và ám ảnh người đó từ bên trong. Người đó sẽ tìm mọi cơ hội để bộc lộ dục của mình, ví như khi một người đàn ông tìm ra cơ hội để đụng chạm và xoa bóp thân thể đàn bà lạ nào đó, anh ta sẽ chẳng bao giờ bỏ lỡ nó. Điều đó thật là xấu làm sao! Một người mà luôn ham thích việc đụng chạm và xoa bóp thân thể người khác thì chứng tỏ cái gì đó đã đi sai, cái gì đó vẫn còn chưa được hoàn thành trong người đó. Và khi một lão già với con mắt thèm khát thân thể người khác thì đó là điều xấu nhất thế gian, không gì có thể thể so sánh được. Một người già mà còn thèm muốn, bất kể thèm muốn điều gì: thành công hay tính dục, đó là một người đã sống cuộc sống rất sai lệch. Ở tuổi già người ta đáng phải kết thúc mọi thèm khát rồi.

Một người được phép sống đúng thì khi già, tâm trí người đó trở nên rất hồn nhiên, khuôn mặt người đó trở nên thanh thản, bình an, phúc hậu. Người ta gọi vẻ đẹp ấy là đẹp lão: một người già đẹp từ bên trong toát ra bên ngoài. Người có phúc đơn giản là người đã hết mọi ham muốn.

Nhưng nhớ lấy: Dục không hề xấu. Nó là thứ đẹp đẽ nhưng chỉ đẹp vào thời và mùa vụ của nó. Nếu không đúng mùa vụ, không đúng thời, thế thì nó trở nên xấu. Dục là đẹp và tự nhiên khi nó ở trong mùa thanh xuân mười chín nhưng nó là bệnh hoạn khi nó trong ông già chín mươi.

Tính dục đẹp khi nó ở trong tuổi thanh niên. Nó làm cho tuổi thanh niên thêm đẹp vì nó khiến người ta biểu lộ một loại sức sống, biểu lộ một loại đặc tính cụ thể của sự sống – sự sinh sôi của mùa xuân. Lão già dâm dê là sự biểu lộ cho một cuộc sống chưa được sống, một cuộc sống bị bỏ lỡ, không trưởng thành.

Giữa mười bốn và hai mươi mốt tuổi, một xã hội đúng trong quá khứ những người thổ dân hoặc trong tương lai nào đó, sẽ cho phép tự do tuyệt đối về dục – tất nhiên với các biện pháp phòng tránh an toàn. Thế thì xã hội đó sẽ tự nhiên trở nên ít tính dục hơn. Nó sẽ xem dục chỉ như một chức năng của cuộc sống chứ không được gán ghép cho quá nhiều ý nghĩa một cách ám ảnh như xã hội ngày nay. Những tội ác về dục sẽ không thể tồn tại trong các xã hội như thế.

Người ta nên tận hưởng nó trong khoảng thời gian chín muồi và người ta cũng nên quên nó đi khi khoảnh khắc mùa vụ của nó đã trôi qua. Nhưng người ta chỉ làm được điều đó nếu người ta đã sống, bằng không thì người ta sẽ không thể quên được và cũng không thể tha thứ được. Họ sẽ níu bám, sẽ bị ám ảnh và dục sẽ trở thành một vết thương lòng khó chữa.

Ở phương Đông bạn đừng nghe những người có quyền lực trong các chùa chiền đền đài nói về dục, nhưng thay vào đó hãy lắng nghe tự nhiên. Khi tự nhiên nói đấy là lúc yêu, thì yêu. Khi tự nhiên nói đấy là lúc từ bỏ, thì từ bỏ. Và cũng đừng nghe các nhà phân tâm hay các nhà tâm lí huyênh hoang ở phương Tây. Dù họ có các dụng cụ tinh xảo đến đâu hay đã tiến hành bao nhiêu thí nghiệm cầu kì đến mức nào, kể cả khi họ đã làm nghiên cứu trên hàng ngàn âm đạo hay dương vật chăng nữa thì cũng đừng nghe họ. Họ nghiên cứu không có nghĩa họ biết cuộc sống là gì và thay vì nghe họ, thay vì nghe những bản nghiên cứu khoa học, hãy biết cách lắng nghe cơ thể, lắng nghe tự nhiên.

Những người được xem như chuyên gia về nghiên cứu dục ở phương Tây là những người có vấn đề nào đó về tâm lý. Bằng không ai bận tâm quan sát cả ngàn âm đạo bằng đủ loại máy móc dụng cụ? Ai bận tâm chuyện cái gì xảy ra bên trong cơ thể đàn bà khi người đó làm tình? Vô nghĩa làm sao.

Nhưng khi mọi sự trở nên suy đồi, những kiểu việc như thế này vẫn xảy ra và mọi người bắt đầu xem những chuyên gia này như người luôn đúng. Không phải nhà tư vấn tâm lý nào cũng là người có tâm lý hoàn toàn khoẻ mạnh. Không phải cứ là bác sĩ thì không có vấn đề về sức khoẻ.

Khi một thứ rơi vào tầm với của khoa học, người ta có thể làm bất cứ cái gì, kể cả những thứ rất không tự nhiên như một dương vật gỉa chạy bằng điện hay âm đạo giả. Người ta ra sức kìm nén tự nhiên và mặt khác ra sức phát triển những thứ không tự nhiên.

Một thứ là tự nhiên khi nó tự nhiên tới và rồi cũng tự nhiên rời đi. Tự sinh và tự diệt. Mọi thứ đã tới đều sẽ có lúc phải ra đi. Mọi thứ nảy ra đều sẽ tới lúc phải rụng xuống. Mọi con sóng nảy sinh đều phải biến mất, phải có thời điểm nó ra đi.

Vào mười bốn tuổi nó tới, vào bốn mươi chín tuổi hay quãng thế nó ra đi. Khi một thiếu niên mười bốn tuổi không cảm thấy dục gì, một thanh niên mười tám tuổi mà không có chút ham muốn nào cả, thế thì điều gì đó sai rồi. Ngược lại, nếu ở độ tuổi ấy chúng muốn làm tình năm lần một ngày thì điều đó cũng là tự nhiên, nhưng nếu một người đàn ông sáu mươi tuổi muốn làm tình năm lần một ngày thì hẳn cái gì đó cũng sai luôn. Cái gì đó trong thân thể người đó không hoạt động đúng. Người trẻ không hề muốn dục và người già quá ham mê dục, cả hai đều cần phải được chữa trị. Nhưng ở phương Tây, người đàn ông sáu mươi ham mê dục thay vì được xem như bất ổn và cần được chữa lành thì giờ đây chuyện ngược lại lại đang xảy ra: Phương Tây biến nó thành một biểu tượng đúng mới của xã hội. Phương Tây xem dục như một sự mạnh khoẻ bất kể ở độ tuổi nào, mùa vụ nào.

Nếu bạn có thể sống trong khoảnh khắc này một cách toàn bộ, bạn sẽ không có nhu cầu lo lắng gì về tương lai. Tuổi thơ được sống đúng đắn sẽ đem bạn tới tuổi thanh niên tuôn chảy đẹp đẽ, sống động. Bạn sẽ như đại dương năng lượng hoang dã đầy sức sống.

Tuổi thanh niên được sống đúng sẽ đem bạn tới cuộc sống yên tĩnh và bình thản, rất lắng đọng và chín muồi của tuổi trung niên.

Cuộc sống yên tĩnh và bình thản của tuổi trung niên sẽ đem bạn tới cuộc truy tìm tôn giáo. Bạn sẽ muốn biết ý nghĩa cuộc sống là gì? Cách nào để thoát ra khỏi những bộn bề vụn vặt của cuộc sống? Bạn sẽ nhận thấy việc sống trên bề mặt không thôi là không đủ mà người ta phải thấm vào điều bí ẩn bên trong và cả bên ngoài cuộc sống.

Thế rồi cuộc sống yên tĩnh và bình thản này sẽ đem bạn tới những khoảnh khắc thiền. Thiền đem bạn tới việc từ bỏ mọi cái bây giờ vô dụng, từ bỏ những thứ chỉ là đồ đồng nát.

Sau tuổi trung niên, toàn thể cuộc sống vật chất dường như trở thành rác rưởi, vô dụng. Chỉ mỗi một điều bao giờ cũng còn lại và có giá trị vĩnh hằng, đó là nhận thức của bạn, tâm thức của bạn, sự phát triển tâm linh của bạn.

Nếu bạn sống mọi giai đoạn một cách đúng đắn thì vào lúc bẩy mươi tuổi, bạn sẵn sàng chết. Vào khoảnh khắc đó bạn chẳng thèm trì hoãn hay bận tâm về tương lai, không còn mơ mộng gì về tương lai nữa. Bạn không bận tâm tương lai vì bạn đã sống hiện tại một cách toàn bộ trong khoảnh khắc. Nhận thức của bạn về cuộc sống đạt tới đỉnh điểm đến mức chín tháng trước cái chết của mình bạn sẽ trở nên nhận biết. Bạn đã đạt tới nhiều nhận biết thế, bạn có thể thấy rằng bây giờ cái chết đang tới.

Nhiều thánh nhân đã tuyên bố cái chết của họ trước thời điểm họ chết, nhưng chưa ai có khả năng công bố trước đúng chín tháng. Đích xác chín tháng trước đó, con người của nhận biết, ngươi mà đã thông tỏ với quá khứ sẽ nhận biết được cả tương lai. Chúng là cùng nhau. Quá khứ và tương lai là cùng nhau, gắn liền với nhau. Người không nghĩ về quá khứ sẽ không nghĩ về tương lai và ngược lại.

Khi bạn nghĩ về tương lai thì đó chẳng là gì ngoài phóng chiếu của quá khứ. Khi bạn nghĩ về quá khứ đấy chẳng là gì ngoài việc bạn đang cố gắng lập kế hoạch tưởng tượng cho tương lai. Chúng là cùng nhau. Hiện tại ở ngoài cả hai thứ này. Người sống trong khoảnh khắc này bây giờ thì không bị cản trở bởi quá khứ lẫn tương lai. Người đó nhẹ bẫng, thanh thản, không bị nặng gánh. Người đó bước đi như thể vô trọng lượng. Lực trọng trường dường như không tác động vào người đó. Thực tế, người đó không bước, người đó bay. Trước khi chết, đích xác chín tháng, người đó sẽ trở nên nhận biết rằng cái chết đang tới.

Và người đó sẽ tận hưởng, sẽ mở hội và sẽ nói với mọi người, “Con tàu của tôi đang tới. Tôi chỉ còn lại chút thời gian trên bờ này, chẳng mấy chốc tôi sẽ ra đi, đi về nhà mình. Cuộc sống này đã là một kinh nghiệm tuyệt vời. Tôi đã yêu, đã học, đã sống nhiều. Tôi đã được làm cho giầu có. Tôi đã tới đây chẳng có gì và tôi sẽ ra đi với rất nhiều kinh nghiệm, nhiều trưởng thành”.

Người đó sẽ cám ơn tất cả những gì đã xảy ra, cả cái tốt lẫn cái xấu, cả đúng lẫn sai. Bởi vì người đó đã học không chỉ từ cái đúng, mà cả từ cái sai nữa. Người đó có thể đã gặp và học từ các hiền nhân nhưng người đó cũng học rất nhiều từ cả các tội nhân nữa. Tất cả họ đều đã giúp đỡ, tất cả họ đều có giá trị như nhau. Những điều người đó đã cho hay đã nhận thì đều có ích cả.  Những người là bạn hay những người là thù đều có cùng một giá trị về sự giúp đỡ cho hành trình trưởng thành của người đó. Mọi thứ đều giúp đỡ. Mùa hè và mùa đông, no say và đói khát, đêm và ngày, ấm và lạnh… mọi thứ đều giúp đỡ. Người ta có thể cám ơn tất cả.

Khi người ta cám ơn tất cả và sẵn sàng chết. Khi người ta mở hội cho cơ hội này mà người ta được trao cho, thì cái chết trở thành đẹp. Thế thì cái chết không phải là kẻ thù, nó là người bạn lớn nhất bởi vì nó là cao trào của cuộc sống. Nó là đỉnh cao nhất mà cuộc sống đạt tới. Cái chết không phải là kết thúc của cuộc sống, nó là cực đỉnh.

Cái chết từng trông giống như chỗ kết thúc bởi vì bạn chưa bao giờ biết tới cuộc sống. Bạn chưa bao giờ sống. Với những người đã biết cuộc sống thì cái chết chính là cao trào, là đỉnh điểm cao nhất, là thứ đáng mong đợi nhất.

Cái chết là cực điểm, là sự hoàn thành. Cuộc sống không kết thúc trong cái chết. Thực tế cuộc sống nở hoa trong cái chết. Cái chết mang theo tất cả những hạt mầm của cuộc sống. Nó như đoá hoa hướng dương với đầy ắp những hạt mầm. Nhưng để biết cái đẹp của cái chết người ta phải sẵn sàng cho nó, người ta phải học nghệ thuật chết. Để học nghệ thuật chết, người ta phải học được nghệ thuật sống. Không có cách khác.

Osho

Phi Tuyết sưu tầm, dịch, biên tập và phóng tác cho cuốn “Cách mạng giải phóng trẻ em” (chưa xuất bản)

Nghệ thuật tự thay đổi bản thân dành cho các bậc cha mẹ,

để họ có đủ thẩm quyền nuôi dạy con cái một cách đúng đắn trong kỷ nguyên tâm linh này!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *