Có Tuyết ở núi Xanh

Sương mong manh, sương phủ mờ ngọn núi

Người thinh lặng, người thấu tỏ thế gian

 

Sáng nay ngắm nhìn ngọn núi Đại Bình bị sương mờ che phủ hoàn toàn, tôi như mê đi vì cảm giác thích thú xen lẫn trầm mặc!

 

Thật kì lạ!

 

Những trải nghiệm thinh lặng đầu tiên của cuộc đời tôi cũng là với một ngọn núi – núi Xanh – thật khó mà kiếm quả núi nào có cái tên mộc mạc, đơn giản hơn được nữa.

 

Nhà chúng tôi nằm ngay ngã ba đường trong một thung lũng rất đẹp, nơi có một dòng suối xanh uốn mình len qua những quả đồi cũng xanh màu cây cối: trà và cà phê là những loại cây được trồng phổ biến ở vùng đất này.

 

Phía xa xa sau những quả đồi trùng điệp lác đác những mái nhà, ấy là ngọn núi Xanh im lặng mà sừng sững. Từ cửa hàng tạp hoá của mẹ, tôi có thể phóng tầm mắt nhìn thẳng ra ngọn núi yên bình ấy, và sự thật là tôi đã dành nhiều giờ trong thời thơ ấu mình chỉ để lặng yên ngắm nhìn sự tĩnh lặng của quả núi, cũng như những thay đổi người ta làm với nó. Quả núi ấy không chỉ là quả núi, nó là nguồn nuôi dưỡng sự tĩnh lặng của tôi, nó là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn tôi, dù cho khi ấy tôi còn rất nhỏ.

 

Không nhiều đứa trẻ có quyền hay khả năng ngồi lặng im một mình hàng giờ. Nếu được chọn có lẽ tôi cũng không ngồi lặng im như thế mà sẽ chạy đi chơi cùng chúng bạn, nhưng trẻ con vùng nông thôn, đứa trẻ nào cũng phải phụ giúp gia đình làm gì đó. Bạn bè của tôi, đứa thì giúp trông lửa nấu cơm, cắt rau đun cám heo, đứa khác phải rửa chén lau nhà, tôi là đứa duy nhất không phải làm bất cứ công việc nào trong số đó cả, thật là một phước lành! Tôi cũng không bị bắt ép phải trông cửa hàng cho mẹ, nhưng tôi chọn làm thế vì tôi là đứa trẻ nhạy cảm từ nhỏ. Tôi muốn mình có thể giúp gì đó như là trông quán vào buổi trưa khi quán ít khách, để mẹ có thể có một giấc ngủ trưa sau cả buổi sáng vô cùng bận rộn.

 

Tôi có nhiều anh chị nhưng họ đi học ngoài phố từ sớm, em gái tôi còn nhỏ, bà nội lo việc nấu ăn dọn dẹp trong nhà, mẹ bán tạp hoá và ba tôi thì đi làm vườn, ai có việc của người đó. Tôi thường thích giúp mẹ trông quán hơn là giúp bà nấu cơm nhặt rau. Tôi thích hướng ngoại, thích giao tiếp, tính toán, làm công việc bán hàng.

 

Việc trông cửa hàng một mình trong im lặng, chờ đợi người mua tới trong khi thảnh thơi ngắm nhìn ngọn núi cũng đang rất im lặng – giống như phần bổ trợ âm-dương khiến cuộc đời tôi luôn ở trong trạng thái cân bằng từ bé.

 

Tôi thích giao tiếp, bán hàng, trò chuyện nhiều người và tôi cũng cực kì thích những khoảnh khắc khi tôi và ngọn núi giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của thinh lặng. Sự thinh lặng của ngọn núi là thứ ai nhìn vào cũng thấy ngay được từ khoảng cách xa, nhưng cái động, cái hồn của nó thì nếu người ta muốn thấy, người ta phải rất mang tính quan sát và nhận biết.

 

Tôi đã quan sát ngọn núi trong những buổi sáng đầy sương mờ bao phủ. Tôi cũng quan sát nó trong những buổi trưa đầy nắng hay những buổi chiều mưa giăng kín trời. Mắt tôi – bằng cách nào đó luôn dành cho quả núi một sự ưu ái đặc biệt, vì thế mà tôi thấy rất nhiều điều có lẽ chẳng đứa trẻ con nào chú ý. Tôi đã thấy những đàn chim bay về ngọn núi. Tôi đã thấy cách những khu rừng xanh cứ bị bào mòn dần đi từ chân núi lên đỉnh núi khi người ta đi khai hoang phá rừng lấy đất trồng cà phê. Tôi ghét cây cà phê từ khi tôi còn rất nhỏ vì lý do rõ ràng nhất là nó đã giết chết những khu rừng trên ngọn núi của tôi. Rồi tôi cũng thấy những tảng đá to như căn nhà dần biến mất khỏi quả núi khi người ta phá chúng ra để làm gì chẳng rõ.

 

Việc quan sát quả núi từ xa không làm tôi thoả mãn. Một sự kiện xảy ra, người ta đi khai hoang và phát hiện ra một bức tượng Đức Mẹ rất cổ, rất cũ ai đó đặt trên đỉnh núi đã từ rất lâu.

 

Như một phép màu, tin tức đồn đi khắp nơi và quả núi trở thành nơi hành hương cho những tín đồ Công giáo từ khắp nơi đổ tới. Mỗi ngày hàng trăm lượt xe đi qua và dừng lại nhà tôi để hỏi thăm đường đi vào núi. Đó thật là một thời điểm kì lạ khi tôi được chứng kiến một cơ may đổi đời cho cả ngôi làng lẫn mọi người dân làng – nếu như những người lãnh đạo thời ấy thức thời hơn một chút, bớt kiêu căng lộng quyền và ta đây hơn một chút – thế thì quả núi đã có thể trở thành một nơi linh thiêng, thế thì nó đã có cơ may được cứu khi người ta nhận thấy có thể kiếm thu nhập từ du lịch, thế thì biết đâu mọi chuyện đã khác…

 

Một lần duy nhất, anh hai cho tôi đi theo lên núi để thăm Đức Mẹ. Ảnh là người trẻ, ảnh có nhiều nhiệt huyết và tò mò nên khi bạn bè muốn đến thăm quả núi, anh ấy đã trở thành hướng dẫn viên và đã cho tôi đi theo. Thật là một phúc lành!

 

Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi được bước chân trên quả núi đó, quả núi mà tôi đã dành bao nhiêu năm tháng chỉ để ngắm nhìn từ xa.

 

Tôi đã đến đó và tôi đã thấy, những cây rừng cao to xanh rì tán lá, dây leo bám vào thân cây nở hoa rực rỡ. Tôi đã thấy những chú khỉ đu mình trên cây và cả bẻ chuối rừng ăn chẳng ngại ngần du khách. Tôi đã được trèo lên những tảng đá to như cả căn nhà, nằm xuống trên tảng đá và ngắm nhìn ngôi làng từ trên ngọn núi. Tôi cũng đã được anh hai cho ăn những quả mọc dại trong rừng vô cùng ngon lành và thơm hơn mọi quả tôi từng được ăn trong đời. Rồi tôi cũng thấy cách nước suối rừng chảy ra từ khe đá, luồn qua những bãi cát nhỏ chẳng biết tới từ đâu, nước trong lành và lạnh như thể nước chảy ra từ băng đá vậy. Róc rách, róc rách! Tôi cũng được nghe và thấy đủ loại chim rừng hót vang khắp cả không gian. Hồi ấy nghe nói ngọn núi còn có cả hươu nai hay hoẵng hay con gì đó mà người dân bẫy được và chào bán cho các khách hành hương. Thật là thú vị!

 

Ngày tôi được bước chân trên ngọn núi ấy, là một ngày tuyệt vời, một trong số những ngày thiên đường nhất trong suốt cả thời thơ ấu thiên đường của tôi. Diễm phúc làm sao!

 

Thế rồi vì quá nhiều người đến hành hương, chính quyền và các nhà lãnh đạo tôn giáo bắt đầu hợp bàn và chẳng hiểu sao lại rút ra một chính sách mà bản thân tôi khi ấy lẫn bây giờ đều cho là ngu xuẩn: họ dời bức tượng Đức Mẹ ấy về ngôi nhà thờ trong thôn. Không còn ai hành hương nữa, chẳng ai bận tâm đến nhà thờ để cầu nguyện trước bức tượng Đức Mẹ nay đã được tô vẽ sơn thiếp lại thật mới mẻ nhưng cũng thật vô hồn.

 

Quả núi đã có thể trở thành địa điểm hành hương du lịch nổi tiếng như khu hành hương Đức Mẹ La Vang hay Đức Mẹ Bà Sa vậy, thậm chí còn đẹp hơn, tuyệt vời hơn vì nó là cả một quả núi, người ta sẽ phải bỏ nhiều công sức để đến được với Mẹ chứ không chỉ vài trăm bậc thang được làm sẵn sàng chỉ trên một quả đồi nhỏ.

 

Có một sức hút nhất định ở những nơi hành hương khó khăn. Thực tế, điểm hành hương càng khó, nó càng mang nhiều tính tâm linh và nhiều “ơn phước” theo cách nghĩ của những tín đồ.

 

Lý do cho điều này là gì? Đó là khi một việc dễ dàng, người ta sẽ không cần bỏ quá nhiều công sức, người ta không cần quá nhiều quyết tâm, người ta không cần quá nhiều “tấm lòng”. Chính cái “tấm lòng” này là thứ tạo nên sự linh thiêng cho một địa điểm hay một bức tượng.

 

Khi tín đồ mang theo tấm lòng càng lớn: tình yêu thương, sự tin cậy, phó thác, sự khiêm cung, sự chân thành càng lớn thì chính năng lượng tôn sùng thuần tuý này sẽ được nhân lên và lan rộng, ảnh hưởng và thấm đẫm không gian đó từ trong tảng đá tới nguồn nước, cành cây hay cọng cỏ.

 

Sự chân thành của tín đồ là nguyên liệu duy nhất tạo nên sự linh thiêng cho một điểm hành hương. Đó là lý do tại sao sau khi hành hương bên ngoài đủ nhiều, một người có đủ sự chân thành để đi vào chuyến hành hương bên trong thì sự chân thành của họ biến chính bản thân, bản thể họ thành linh thiêng, thành một đền thờ, thành một điểm hành hương quan trọng đến nỗi không đền chùa bên ngoài nào còn tạo ra khác biệt gì nữa.

 

Đây cũng là ý nghĩa của câu nói “Tôn thờ tại tâm”. Người thực sự thờ phượng tại tâm biết rằng sự chân thành nằm ở trong tim mình, con đường hành hương của mình là ở bên trong, người đó không còn màng đến các đền thờ bên ngoài nữa.

 

Những người không hiểu điều này sẽ thấy đây chỉ là một lý do biện minh cho sự lười biếng đi đền chùa, nhà thờ. Đây là hai kiểu sùng kính khác nhau. Chỉ người đã từng ở trong cả hai loại sùng kính, loại hành hương bên trong và loại hành hương bên ngoài, thì mới biết mình đang ở đâu, đang làm gì, đang cần gì. Đa phần những người thường xuyên đi đền đài nhà thờ là những người mới chỉ hành hương bên ngoài, chưa đi vào bên trong cho nên họ không thể hiểu tại sao lại có người cứ dùng lý do “tôn thờ tại tâm” để bao biện cho sự lười biếng. Họ đơn giản là không hiểu.

 

Nên nhớ, mọi đánh giá và ý kiến của bạn, chúng chỉ có giá trị khi bạn đã trải nghiệm cả hai tình huống và rút ra kết luận của riêng mình. Còn nếu bạn chỉ trải qua một tình huống duy nhất, chưa trải qua cái còn lại và đã vội vàng kết luận thì kết luận của bạn gần như chẳng có gía trị gì.

 

Phải người đã yêu, đã đau khổ vì yêu và đã hạnh phúc vì yêu thì mới biết tình yêu là gì. Người chưa bao giờ yêu sẽ không biết. Hoặc người chỉ biết mỗi hạnh phúc trong yêu hay chỉ biết mỗi đau khổ trong yêu, đều không có đủ dữ kiện để nói về tình yêu. Nếu người đó nói, kết luận của người đó chỉ đúng với duy nhất cá nhân người đó, không với người khác.

 

Và cũng hệt như vậy, người đã hạnh phúc, đã đau khổ, đã nếm hương vị của yêu – cả thế nữa thì tuyên bố của người này về tình yêu cũng chỉ có duy nhất giá trị đối với người đó, không với người khác.

 

Đó là lý do dần dà người càng hiểu sâu về cuộc sống lại càng ít có ý kiến về bất cứ gì. Vì người đó biết ý kiến của mình chẳng có giá trị và ý nghĩa gì cả. Đôi khi nó có nghĩa với mình cũng không có nghĩa nó giá trị với người khác. Thành ra tại sao lại phải làm ồn ào nhặng xị lên trong việc kết luận điều này điều nọ, nhất là càng không bao giờ có chuyện khăng khăng bắt người khác phải nghe theo mình.

 

Người càng nhiều tính khăng khăng trong kết luận, trong thuyết phục, trong tranh cãi tranh luận, càng chứng tỏ người đó hãy chưa đi vào chiều sâu của cuộc sống, của bản thể mình. Điều đó chỉ chứng tỏ cho tới giờ, việc hành hương của người đó chỉ đơn thuần là bên ngoài mà thôi. Chẳng ai đã từng đi sâu vào bên trong mà lại còn mang tính khăng khăng về điều gì nữa cả.

 

Càng đi sâu vào bên trong người ta càng khám phá ra một sự tĩnh lặng, một sự thinh lặng đẹp tuyệt vời đang ở bên trong chính mình. Nó như một kho báu vô giá mà càng đào sâu lại càng giá trị, càng đậm đà và càng bao la. Đi vào bên trong đủ sâu, người ta sẽ tìm ra kho báu đó và rồi mang theo kho báu đó ra bên ngoài, mang sự tĩnh lặng bình an và phúc lạc mà người ta tìm thấy bên trong chính mình, mang nó ra bên ngoài đời sống và phân tán nó, chia sẻ nó. Đó là ý nghĩa của toàn bộ cuộc hành hương bên trong, của thiền, của cốt lõi mọi tôn giáo.

 

Cung đường hành hương ấy có hai hành trình: một là khi người ta đi vào bên trong, tìm kiếm kho báu và sự tĩnh lặng bên trong. Hai là khi tìm được nó, người ta cần phải mang được kho báu bên trong đó ra bên ngoài cuộc sống thực và chia sẻ nó, sống nó trong từng khoảnh khắc cuộc đời.

 

Hành trình đầu tiên là khó khăn nhưng thực sự thì không khó khăn đến thế. Độ khó của nó hệt như việc giữ im lặng, im lặng là việc dễ dàng ai cũng có khả năng làm đó chứ, nhưng chẳng phải ai cũng có thể làm và chọn làm. Im lặng là việc dễ nhất nhưng đồng thời cũng là việc khó khăn nhất. Đây là ví dụ dễ hiểu cho thuyết nhất nguyên, khi người ta đi vào thiền: nhị nguyên đúng sai biến mất, chỉ nhất nguyên còn lại. Một việc vừa là dễ nhất cũng vừa là khó nhất. Một việc cần nhiều năng lượng để có thể làm nhưng đồng thời cũng chẳng phải là làm gì cả.

 

Hành trình đầu tiên này ban đầu có vẻ khó khăn, nhưng khi bạn đã đạt đến nó, đã tìm thấy nó bên trong, thế thì bạn mới nhận ra nó là dễ dàng, việc khó thực không phải là tìm ra kho báu, mà là mang kho báu ra bên ngoài và chia sẻ nó, phân phát nó. Đó mới là điều khó thực.

 

Giống như việc bạn và người bạn lang thang trong sa mạc, bạn đi lạc và tìm ra một dòng suối trong mát ngọt lành, giờ làm sao mang được nước về cho người bạn kia cũng đang khô héo vì khát nước – khi mà trong tay bạn chẳng có vò đựng nước hay bất cứ gì? Bạn sẽ thấy buồn. Bạn vui vì mình tìm được suối nguồn sự sống nhưng buồn vì việc mang nó đi và chia sẻ nó sao mà khó khăn đến vậy.

 

Chỉ người đã tìm đến được kho báu bên trong này, suối nguồn bên trong này mới thấy rằng việc mang nó đi vào đời sống và chia sẻ nó mới là công việc khó khăn gấp ngàn lần so với việc tìm ra nó. Còn những ai vẫn đang khó khăn trong việc tìm kho báu ấy, tất nhiên khó khăn của người đó mang tính chất khác.

 

Có những mối nối trong cuộc sống, những chỉ dẫn và những gợi ý cho bạn về kho báu bên trong như câu nói, “Khi học trò sẵn sàng, vị thầy là những bài học và dấu hiệu ở khắp mọi nơi.” Cuộc đời cho bạn vô vàn gợi ý về kho báu bên trong mà nếu bạn không có đủ thông minh, không đủ nhạy cảm thì bạn sẽ chẳng bao giờ thấy chúng.

 

Những nỗi đau đớn trong đời khi đến từ sự vỡ mộng, từ sự kì vọng, thất vọng đều là những dấu chỉ cho bạn nhận ra sự vô thường của cuộc đời, nhận ra bản chất vỡ mộng của cuộc đời, để từ đó bạn sớm thôi mộng mị. Nhưng bạn đâu có thích bài học đó, bạn thích có nhiều mộng hơn, bạn muốn xây nhiều mộng hơn để đảm bảo rằng nếu như một mộng này thất bại, ít nhất mộng khác sẽ thành công. Bạn đưa mình vào nhiều mộng hơn và xem những ai gọi bạn ra khỏi giấc mộng như là những kẻ thù.

 

Đó là một khó khăn khác của những ai đã tìm được kho báu bên trong và muốn chia sẻ. Vấn đề là những gì người đó tìm thấy và biết là kho báu: sự tĩnh lặng, an yên, sự bình an và phúc lạc – trong mắt người khác: những người đang đầy năng lượng chinh phục cuộc sống – lại chẳng có gía trị gì. Sự bình an đối với họ như sỏi đá nếu đặt cạnh những thứ mà họ yêu quý như thành công, danh vọng, vật chất. Sự im lặng đối với họ cũng vô nghĩa và vô dụng nếu như so sánh với sức mạnh của ngôn từ chinh phục lòng người…

 

Nhiều người tìm thấy kho báu bên trong, cố gắng chia sẻ nhưng khi nhận ra chẳng ai thèm nhận những của báu này, họ đành chấp nhận thực tại và không cố gắng nữa. Điều đó cũng tốt, chẳng ảnh hưởng gì đến họ. Ai rồi cũng có hành trình riêng, cuộc hành hương với những khó khăn và thử thách riêng. Việc không can thiệp vào cuộc đời của ai cũng là một lối sống thiền, một lối sống của hiền nhân – những người này họ chọn cách không can thiệp vào cuộc đời hay thế giới theo bất kì cách nào, nhưng nếu ai đến với họ và xin lời khuyên hay sự chỉ dẫn, thế thì họ rất sẵn lòng chia sẻ và giúp đỡ.

 

Sự im lặng là giá trị đối với những ai đã quá mỏi mệt với lời.

Bình an là giá trị đối với những ai đã quá mỏi mệt với những đắng cay trong cuộc sống.

Phúc lạc là giá trị đối với những ai đã quá đủ với vòng lặp bất tận của đau khổ và hạnh phúc, vui và buồn. Người đó muốn vượt lên trên tất cả, vượt trên thế giới nhị nguyên, vượt trên kể cả thứ mọi người cho là mục đích tối hậu như niềm hạnh phúc.

 

Những ai bỏ công bỏ sức đi tìm lời khuyên từ các hiền nhân – những người sống ẩn sâu trong những quả núi – vẫn là những người hành hương bên ngoài. Truy tìm bất cứ cái gì bên ngoài bạn, đều là cuộc hành hương ngoại vi. Chúng có thể thú vị và nhiều hấp dẫn nhưng sau rốt, chúng chẳng đưa bạn tới đâu cả.

 

Hiền nhân và nhà huyền môn là những người mà bằng cách nào đó, câu trả lời của họ luôn chỉ có một mục đích, là ném bạn về lại bản thân mình, là chỉ cho bạn nơi mà bạn đã đi sai và hướng bạn về con đường đúng của cuộc hành hương quan trọng nhất, ấy là quay ngược lại, đi sâu vào bản thân mình.

 

Có lý do nào đó cho hình ảnh ẩn dụ rằng mọi hiền nhân và nhà huyền môn thường sống ở nơi vùng núi. Họ không mấy khi được nhắc đến như là sống ở vùng biển hay thậm chí hoang đảo, dù hoang đảo cũng khó khăn mới tiếp cận được. Nhưng biển sao? Tất nhiên vùng biển cũng có nhiều người uyên bác và sâu sắc, nhiều hiền nhân và huyền môn như mọi vùng đất khác. Nhưng nếu bạn có đọc những câu chuyện thiền được truyền đạt lại từ hàng ngàn năm hay trăm năm nay, chẳng một ai được nhắc tới như là người sống ở vùng biển, tất cả đều ở vùng núi, thậm chí những nơi núi non xa xôi và hoang dã nhất.

 

Núi có liên quan gì đến các hiền nhân?

 

Núi có sự tĩnh lặng, núi có sự linh thiêng, núi có cây, có muông thú, có nước, có thảo mộc hoa cỏ. Núi có quả cây, có những hang hốc trú ẩn, núi có thác có suối, có củi để suổi ấm, đun nấu và một lần nữa, núi có sự tĩnh lặng thiêng liêng mà biển và đồi, thung lũng và dòng sông không có.

 

Một hiền nhân khi bắt đầu cuộc sống thinh lặng thường lui vào núi non vì nơi đó có mọi thứ hỗ trợ cho cuộc sống của họ, và đặc biệt là cho sự tĩnh lặng của họ. Cuộc sống nơi núi non là cuộc sống gần gũi với tự nhiên nhất, người ta có thể sống bằng rau quả, làm bạn với chim thú. Người ta có thể tiết kiệm nhiều năng lượng trong làm việc để đi sâu hơn vào cuộc hành trình bên trong.

 

Thế rồi những ai muốn tìm tới với họ, những ai muốn học hỏi điều gì đó từ các hiền nhân này sẽ phải du hành từ xa xôi tới, người đó sẽ phải làm một hành trình. Hành trình này sẽ chứng tỏ sự chân thành của người ta và từ sự chân thành đó mà người hiền nhân, nhà huyền môn sẽ biết người kia là ai và đang ở đâu trong cuộc hành trình tầm đạo. Việc sống ở nơi núi non có những lợi ích nhất định đối với những người tu tập lẫn các hiền nhân trên mọi phương diện.

 

Ở đó người ta phát triển các giác quan của họ dễ dàng hơn, thanh lọc cơ thể cũng dễ dàng hơn. Trong môi trường trong lành, tiếng chim và tiếng nước chảy róc rách làm sạch tai người ta; màu lá xanh, màu trời xanh, từ màu đen đậm đà của đêm tối cho đến màu hoa màu cỏ, những sắc màu của tự nhiên này làm trong sạch mắt người ta. Mùi hoa cỏ, mùi đất ẩm, mùi hương rừng làm sạch mũi người ta. Và đặc biệt, sự tĩnh lặng của núi của rừng có khả năng làm sạch tâm trí người ta khỏi mọi ồn ào bụi bặm của cuộc đời theo cách rất thân thiện, rất dịu dàng.

 

Tôi yêu núi, yêu hơn mọi biển, mọi sông và đồng bằng. Từ khi còn rất nhỏ tôi đã thường xuyên tự hỏi bản thân mình, tại sao tôi lại được sinh ra ở vùng đất ấy, nơi chẳng có sông chẳng có biển, chỉ có những quả đồi nhỏ, một quả núi to và dòng suối hiền hoà uốn lượn quanh làng là nơi tôi và các bạn thường hay chơi đùa, tắm suối và tận hưởng những ngày thơ ấu thiên đường.

 

Mọi người thường có một khao khát sâu thẳm được trở lại thời thơ ấu để lại được ở trong cảm giác thiên đường một lần nữa. Tôi không hề có ý định ấy một chút nào. Tôi có một thời thơ ấu trọn vẹn, và giờ đây tôi đang có một hiện tại trọn vẹn và xinh đẹp không khác gì thời thơ ấu, chẳng có nhu cầu quay trở lại bất cứ gì.

 

Bây giờ, cuộc sống của tôi nhìn theo cách nào cũng là thiên đường. Thiên đường là nơi bạn không phải lo nghĩ, cuộc sống chăm lo cho mọi nhu cầu của bạn, bạn chỉ việc thảnh thơi và tận hưởng. Cuộc sống của tôi đích xác như thế và lý do quan trọng nhất khiến tôi có cuộc sống như vậy, là vì tôi đã hành hương vào lãnh địa bên trong của chính mình. Tôi đã tìm ra kho báu và kho báu đó lấp đầy cuộc đời tôi, kho báu đó chăm lo cuộc sống của tôi, kho báu đó làm giàu tôi với tự do và bình an mà không một vật chất hay một người nào có thể mang lại.

 

Tôi đã tìm ra kho báu bên trong chính mình, chưa phải kho báu sâu nhất đâu, dầu vậy mà đã đủ khiến tôi tự do và phúc lạc như này, nếu đào sâu hơn, tôi e sợ mình sẽ nổ tung ra vì quá nhiều ân sủng mà tôi không thể nào chứa được.

 

Kho báu bên trong mà tôi đã tìm ra, là sự tĩnh lặng, sự im lặng và thinh lặng của tôi nhưng bằng cách nào đó cũng là của cuộc sống và của vũ trụ này. Nó hệt như việc bạn là chiếc điện thoại vô tri, chẳng mấy giá trị ngoài việc nghe và nhận cuộc gọi, nhưng rồi bằng cách nào đó bạn được kết nối với sóng wifi vũ trụ. Từ sóng wifi vũ trụ đó, chiếc điện thoại vô tri là bạn có thể kết nối và trở thành cả một vũ trụ.

 

Nói cách khác, khi bạn được kết nối, cả vũ trụ và cuộc sống bắt đầu vận hành thông qua bạn, bạn chỉ là công cụ, là lối chuyển, bạn chẳng là gì mà dù vậy, bạn lại là tất cả.

 

Kho báu ấy, sóng wifi vũ trụ ấy, nói theo cách dễ hiểu, là sự tĩnh lặng bên trong mà tôi đã tìm thấy. Nó cũng chính là sự tĩnh lặng của vũ trụ này, của cuộc sống này. Sự ồn ào thì có nhiều dạng, sự im lặng giả dối cũng có nhiều dạng. Nhiều người có thể ngồi im lặng không nói gì nhưng trong đầu người đó là cả một vũ trụ đang vận hành mỏi mệt. Tôi không nói về sự im lặng đó dù cho nó cũng khá quan trọng và cần thiết. Nó là bước chuyển.

 

Nhưng có một thứ tĩnh lặng khác, nơi không có suy nghĩ, không có người nghĩ, sự tĩnh lặng “thật sự” đó chỉ có một dạng, không có nhiều. Khi bạn có nó, bạn nhận ra mọi người khác cũng có nó sâu tít bên trong. Khi bạn có nó, bạn nhận ra mọi đá sỏi, cây cối, chim thú, mọi vì sao và đại dương kia cũng có nó. Nó là cái gì đó cốt lõi ẩn tàng trong mọi hình dạng sống, bao phủ khắp cả vũ trụ này. Bạn là một phần của nó. Bạn là nó!

 

Điều đáng buồn là chẳng ngôn từ nào diễn tả được sự tĩnh lặng bao la và sâu sắc này. Người ta càng cố nói, càng thấy nó đi sai và đi xa khỏi sự thật về nó. Làm sao để nói về sự tĩnh lặng đây? Vì mọi lời đều là sự ồn ào, đều mang người ta đi xa khỏi sự tĩnh lặng thực sự. Nhưng chúng ta lại đang sống trong thế giới của lời, nơi mà phải dùng lời để truyền đạt bất cứ gì, kể cả truyền đạt thông điệp về sự im lặng. Thật kì lạ và cũng thật thú vị làm sao!

 

Cuộc sống này, khi mắt bạn có khả năng nhìn đủ sâu, bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống cung cấp cho bạn muôn ngàn vị thầy – những vị thầy tốt nhất – để dạy bạn về sự im lặng – kho báu vô giá của cuộc sống, hơn cả vàng và kim cương.

 

Cây cối lớn lên trong im lặng, đôi khi nó ca bài ca khi gió lùa vào tán lá. Lá rơi trong im lặng, gió tạo ra âm thanh xào xạc khi lá khô xô vào nhau trên đất, nhưng phải rất tĩnh lặng mới có thể nghe được âm thanh đó. Động vật khi không bị kích động cũng rất yên lặng, hiền hoà. Cỏ mọc lên trong im lặng, hoa nở trong im lặng, hương thơm của nó toả đi trong im lặng. Hòn sỏi im lặng, cây leo im lặng, ánh trăng toả sáng trong im lặng, những vì sao im lặng, mặt trời cũng im lặng. Vậy mà trong im lặng đó, vạn sự sống nảy nở sinh sôi đẹp đẽ và giàu có vô cùng.

 

Núi cũng im lặng. Dầu cho trong núi có thác có suối róc rách, có chim kêu gió thổi, có vượn hú gọi bầy, có quả rơi rụng lộp bộp, có tiếng mưa chạm vào tán lá, có tiếng lửa cháy tí tách buổi đêm, có côn trùng rỉ rả, đôi khi cả tiếng sấm đùng đoàng… vậy mà ngọn núi với tất cả những âm thanh sống động ấy, vẫn luôn giữ mình thinh lặng.

 

Ngọn núi là biểu tượng của thinh lặng, là vị thầy dạy về sự tĩnh tại im lặng tuyệt vời nhất trong mắt tôi và diễm phúc làm sao, tôi có một vị thầy Xanh của riêng mình từ những ngày thơ bé.

 

Trẻ con mà được thiền và biết tới thiền từ sớm, cuộc đời nó sẽ thay đổi theo hướng rất rất khác. Và thiền đối với con trẻ không phải là việc bị bắt phải ngồi im lặng nhắm mắt, đó chỉ đơn giản là những khoảnh khắc khi đứa trẻ tự tìm tới với im lặng, buông rơi bản thân vào một không gian nơi chỉ có mình nó, không ai khác chạm tới hay quấy rầy, chỉ một sự trống rỗng man mác và cảm giác rất lặng, rất yên.

 

Osho kể rằng thời thơ ấu của ông ấy, những dòng sông là vị thầy dậy ông ấy về thiền, về sự im lặng. Osho của thời thơ ấu thường trốn ra sông từ sáng sớm tới tối mịt, bơi trong dòng nước hoặc nằm lặng yên bên dòng sông hàng giờ đồng hồ, chỉ nằm đó nghe tiếng chim, tiếng nước chảy, nằm đó ngắm mặt trời lên rồi lại ngắm mặt trời lặn, khi nóng thì nhảy xuống hoà mình vào dòng nước, tắm đã đời thì lại trải người trên bãi cát để hong khô, đói thì đi quanh hái những quả xoài chín đầy xung quanh sông, khát thì uống nước ngay trong dòng sông đó.

 

Người lớn sẽ khó mà hiểu có gì ở dòng sông dòng suối khiến trẻ con mê mệt đến vậy. Người lớn không hiểu vì người lớn đã quên mất cách sống ở thiên đường, cách tận hưởng mọi thứ xung quanh mà không có sự tính toán hơn thua và liên tục tranh đấu của tâm trí.

 

Điều ngớ ngẩn là: người lớn vốn dĩ cũng chưa bao giờ ra khỏi thiên đường, thiên đường vẫn ở đó, núi và sông vẫn ở đó, mặt trời mặt trăng, chim và quả cây vẫn ở đó, chỉ là người lớn quá bận với những dự định ước ao và vì thế mà người lớn quên mất cách để thấy thiên đường và sống trong nó lần nữa.

 

Làm người lớn giống như một lời nguyền: họ ngày càng đánh mất bình an bên trong, chẳng còn chút nào của sự mãn nguyện và biết ơn bên trong nữa. Họ cũng hoàn toàn mất khả năng kết nối với sự im lặng bên trong, mất khả năng phó thác và tin cậy cuộc sống từ bên trong. Làm người lớn dường như chỉ đơn giản là việc hướng ra bên ngoài, nhưng càng hướng ra ngoài lại càng lạc lối. Người lớn tự đưa mình vào thế khó khăn đó và rồi rất hung hăng khi ép những đứa trẻ nhỏ cũng phải đi theo con đường như vậy, theo một cách sống như vậy.

 

Chẳng mấy người lớn tôn trọng quyền riêng tư và không gian im lặng của con trẻ. Họ không chỉ không tạo điều kiện để đứa trẻ có chút không gian tĩnh lặng riêng của mình, họ còn làm phiền chúng theo đủ mọi cách, ngày và đêm. Khi đứa trẻ ngủ, họ thức nó dậy vì đến giờ ăn hoặc sợ tối không ngủ được hoặc đến giờ đến lớp. Khi đứa trẻ đang chơi, họ bắt chúng ngồi vào bàn học. Khi nó ăn, họ cho nó một bài giảng đạo đức. Khi nó ngồi im lặng, họ sẽ hỏi nó một ngàn câu hỏi để chắc chắn là nó… ổn. Trẻ con không ổn một chút nào khi mà toàn bộ không gian riêng tư và sự tĩnh lặng của nó bị cha mẹ làm phiền đến như thế.

 

Ai cũng cần chút không gian riêng, trẻ con còn cần không gian riêng nhiều hơn cả người lớn, vì chúng còn nhỏ, chúng đang lớn. Như hạt mầm cần nhiều không gian để trưởng thành và lớn thành cây, một cây đã lớn thì xong rồi nhưng hạt mầm sẽ cần nhiều thời gian thinh lặng. Hoặc như bào thai trong bụng người mẹ cũng cần rất nhiều riêng tư và yên lặng. Nếu người ta cứ thức nó và làm đủ thứ với nó từ bên ngoài bụng mẹ, thế thì nó sẽ không thể phát triển bình thường được. Mọi sự trưởng thành trong cuộc đời này, trên thế giới này, đều cần không gian riêng và sự tĩnh lặng.

 

Trẻ con ngày nay không có nhiều quyền và cơ hội để có được điều ấy. Chúng có thể có phòng riêng nhưng với chiếc điện thoại trên tay thì chẳng sự tĩnh lặng riêng tư nào có thể thấm vào chúng được. Trẻ con ngày xưa đặc biệt trẻ con vùng đồng quê có nhiều cây để vui chơi, nhiều sông suối, nhiều đồi và núi, bãi cỏ hoặc bãi đất trống để nuôi dưỡng sự tĩnh lặng riêng tư. Trẻ con ngày nay có phòng riêng nhưng mọi kết nối với thiên nhiên dường như đang dần biến mất. Nếu nhà chúng giàu và có cây, có vườn, thế thì với những món đồ công nghệ, sự kết nối cũng chẳng mạnh mẽ là bao. Làm gì có mấy đứa trẻ chịu buông điện thoại xuống để ra ngoài vườn ngồi thinh lặng?

 

Tệ hơn nữa, đôi khi đứa trẻ muốn được ra ngoài và kết nối thiên nhiên nhưng lại chính cha mẹ lại là người ngăn cản chúng: không tắm mưa, không tắm nắng, không chạy nhảy ngoài trời, không được nghịch bùn nghịch đất, không này và không nọ. Đáng buồn thay!

 

Đó là lý do thế giới vật chất càng phát triển, tâm trí con người càng phức tạp thì sự tĩnh lặng lại càng trở nên hiếm hoi khó kiếm. Tĩnh lặng bên ngoài đã khó vậy, tĩnh lặng bên trong làm sao mà tìm?

 

Và không có tĩnh lặng bên trong này, bất cứ ai mà không có sự kết nối với cõi tĩnh lặng thiêng liêng bên trong này, đều sẽ mất cân bằng trong cuộc sống. Người đó sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng thoả nguyện, người đó sẽ không bao giờ cảm thấy bình an và yên ổn, đừng nói gì tới cảm giác biết ơn và phúc lạc.

 

Đó cũng là lý do, có phúc lành trong mọi hoàn cảnh sống. Cuộc sống của người nghèo thua người giàu về phương diện vật chất nhưng họ lại có nhiều khả năng và cơ hội để làm những thứ mà người giàu chưa chắc có được.

 

Nói đơn giản như cảm giác đói và tận hưởng đồ ăn trong cơn đói. Nhà giàu mấy khi biết đói và vì vậy mà chẳng mấy khi biết được hương vị của một ổ bánh mì đặc ruột không nhân nóng giòn trên tay một người công nhân mồ hôi nhễ nhại vừa mới tan tầm. Hương vị đó, hương vị của đồ ăn được ăn trong cơn đói nó không chỉ là đồ ăn, nó mang theo hương vị của sự biết ơn, của sự cảm tạ và rất nhiều hương vị của nhận biết.

 

Cho nên đừng bao giờ xem thường cuộc sống của người khác, kể cả những người nghèo hơn bạn. Họ có thể nghèo một chút về vật chất nhưng họ giàu có theo cách bạn không bao giờ có thể hình dung.

 

Niềm vui của một đứa trẻ nông thôn được nuôi cả bầy chó con và đi chơi cùng chúng mỗi ngày quanh các cánh đồng, đi chơi ngoài suối, tắm bùn tắm mưa mỗi ngày, bao nhiêu đứa trẻ nhà giàu có được ân huệ đó?

 

Niềm vui của một người vợ nghèo được chồng mình đi làm đồng về mang theo một túi ốc mới bắt, một nải chuối xanh và cả một bó hoa sen chớm nở ngoài đồng được cắt gói cẩn thận mang về cắm vào chiếc bình gốm sứt mẻ. Hay niềm vui của một người chồng khi kiếm đủ tiền mua cho đứa con mình một chiếc xe đạp cũ và dạy nó đạp những vòng đầu tiên trên con đường làng đậm hương lúa chín… Hình dung mà xem, liệu có đáng buồn, đáng thương hại vì họ nghèo?

 

Cuộc sống luôn đầy ắp những hoàn cảnh ngập tràn ân sủng và yêu thương như thế, và chúng được chia đều cho khắp mọi người, mọi hoàn cảnh sống. Cho nên đừng bao giờ phí công thương tiếc cho cuộc đời một ai cả. Thay vào đó hãy thương tiếc cho cuộc đời của chính bản thân mình, xem coi mình đã bỏ lỡ những món quà nào, những khoảnh khắc ngập tràn ân sủng nào mà mình đã vô tình bỏ qua, đã gạt ra khỏi cuộc sống hết lần này đến lần khác vì những mục tiêu ảo mộng?

 

Cuộc sống này vận hành một cách đẹp đẽ, nó tuyệt đối công bằng. Nếu bạn chỉ nhìn theo hướng vật chất thì bạn sẽ thấy nó không có vẻ công bằng mấy đâu, nhưng đừng nhìn cuộc sống chỉ bằng con mắt nông của bạn. Nhìn sâu hơn đi, bạn sẽ thấy quy luật của sự công bằng đẹp đẽ thế nào. Mọi người đều có cơ hội hệt như nhau để trải nghiệm chiều sâu cuộc sống, trải nghiệm cảm giác bình an vui vẻ, trải nghiệm cảm giác yêu thương, sẻ chia và đặc biệt là trải nghiệm vẻ đẹp và chiều sâu của sự thinh lặng.

 

Cuộc sống cho tất cả mọi người quyền giữ yên lặng và nếu ai giữ được mình yên lặng, tĩnh lặng trước mọi biến cố cuộc đời, người đó sẽ tìm thấy kho báu của cuộc sống được ẩn giấu trong chính sự im lặng đó. Nhưng bạn không thích chọn im lặng, bạn thích ồn ào.

Nếu bạn thích ồn ào, cuộc sống sẽ cho bạn mọi cơ hội để trải nghiệm ồn ào. Cuộc sống không hề keo kiệt với bạn. Cuộc sống cho bạn mọi thứ bạn muốn cho bản thân mình, nếu bạn thực sự biết điều mình muốn và kiên định với nó.

 

Vấn đề là bạn không thực sự biết mình muốn gì, khi bạn biết bạn muốn gì, bạn lại không kiên định với điều bạn muốn. Hôm nay bạn muốn sự chú ý, bạn muốn sự ồn ào và khi được ở trong quá nhiều chú ý và ồn ào, bạn thấy phiền, bạn lại ước ao yên lặng. Khi cuộc sống cho bạn yên lặng, bạn lại thấy chán và lại muốn được trở lại sự ồn ào. Bạn đổi ý liên tục, đó là lý do cuộc đời bạn cứ quay mòng mòng như một con diều đứt dây, một quả lắc vĩnh cửu qua bên này rồi chạy qua bên nọ, không bao giờ yên, không bao giờ tĩnh.

 

Cho nên: biết mình muốn gì, kiên định với điều mình muốn, làm mọi thứ trong khả năng để làm điều mình muốn, đó là bí mật của tất cả những người thành công trong đời bất kể lĩnh vực nào.

 

Chúng ta không thành công vì chúng ta không biết điều mình muốn, không kiên định và cũng không muốn đụng tay làm bất cứ gì để có thứ mình muốn cả. Thiếu ánh sáng của sự nhận biết chỉ đường dẫn lối, mọi điều ta làm rốt cục chỉ là tốn thời gian, vô nghĩa và quay mòng mòng chẳng dẫn tới đâu cả.

 

Khi một tình huống xảy ra lặp đi lặp lại, quay mòng mòng không điểm dừng, như bánh xe quay, chúng ta thống nhất gọi nó theo ngôn từ của văn hoá niềm tin Ấn Độ là vòng quay Samsara, bánh xe luân hồi. Luân hồi một cuộc đời là việc sống một cuộc đời lặp đi lặp lại mãi, không lối thoát.

 

Bối cảnh sống trong các cuộc đời có thể khác nhau, gia đình khác nhau nhưng tất cả điều đó đều không quan trọng. Thứ quan trọng là sự nhận biết. Khi một người có nhận biết thì chẳng bao giờ một tình huống xảy ra hai lần. Còn khi một người không có nhận biết thì chẳng bao giờ một tình huống chỉ xảy ra một lần. Nó sẽ xảy ra lặp đi lặp lại mãi. Đau khổ lặp đi lặp lại. Thù ghét lặp đi lặp lại. Sợ hãi và tham lam lặp đi lặp lại. Vỡ mộng lặp đi lặp lại. Hối tiếc lặp đi lặp lại.

 

Tất cả những thứ này lặp đi lặp lại trong một đời thành cuộc sống hiện tại của chúng ta. Và khi nó lặp đi lặp lại với chúng ta qua nhiều đời nhiều kiếp sống, thế thì đó là luân hồi bất tận.

 

Luân hồi còn đó khi người ta còn chưa thắp ánh sáng nhận thức bên trong mình. Luân hồi dừng lại khi người ta bắt đầu có nhận thức và ý thức với mọi điều và mọi sự xảy ra xung quanh mình.

 

Để nhận biết về sự việc đang xảy ra xung quanh, trước tiên người ta phải nhận biết về cách mọi sự đang xảy ra lặp đi lặp lại bên trong chính mình.

 

Để lắng nghe và quan sát cách mọi việc xảy ra lặp đi lặp lại bên trong mình, trong đời mình. Người ta phải im lặng, nhất thiết phải im lặng thì mới có thể thấy được. Càng im lặng sâu, thấy càng nhiều. Càng im lặng sâu, biết càng nhiều. Càng biết nhiều và biết sâu, người ta lại càng im lặng. Đây có lẽ là vòng luân hồi đẹp nhất trong sự tồn tại. Khi người ta biết càng nhiều thì lại càng im lặng và càng im lặng lại càng biết được nhiều.

 

Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã là một đứa trẻ khá im lặng, dù cho tôi thích bán hàng và phải nói chuyện giao tiếp với khách hàng. Ngoại trừ những lúc đó tôi thường chìm sâu vào im lặng của mình, không phải chỉ khi ngắm nhìn quả núi mà cả những khi tôi chơi một mình, mày mò sáng tạo đồ thủ công hay đọc sách một mình.

 

Tôi thích cảm giác như mình không tồn tại chút nào cả. Tôi thích trốn ra bên hông nhà, dưới bóng những cây trà cổ thụ và chơi đồ chơi. Tôi cũng thích trốn lên gác xép mái nhà, trùm kín chăn rồi bật đèn pin đọc truyện không cho ai biết tôi ở đó. Tôi thích lủi đi mỗi khi nhà có khách để chẳng ai hỏi thăm tôi hay sai bảo tôi chuyện gì. Tôi thích luẩn quẩn quanh bếp trước mỗi buổi tiệc, ăn vụng mỗi thứ một chút rồi biến lẹ đi trước khi vào bữa tiệc chính thức với biết bao nhiêu người ăn uống trò chuyện.

 

Cuộc sống đã ưu ái tôi quá nhiều, cho tôi muôn vàn cơ hội để đi sâu vào sự im lặng, đi sâu vào cuộc hành hương cô độc bên trong chính mình.

 

Khi ở cùng cha mẹ, họ không làm phiền tôi chút nào mỗi khi tôi im lặng. Họ không bao giờ sai bảo hay nhờ vả tôi điều gì, cũng không quấy rầy mỗi khi tôi tập trung làm việc sáng tạo của mình. Người duy nhất làm phiền sự một mình, người duy nhất quấy nhiễu sự riêng tư của tôi là anh hai tôi. Tôi không bao giờ được yên thân khi có anh hai tôi ở nhà.

 

Đó là một trong số các lý do khi tôi lên mười, tôi kiên quyết xin ra ở riêng cho bằng được. Mười tuổi đầu và tôi ý thức về sự riêng tư của mình đến nỗi tôi thà ở một mình tự làm mọi thứ mà được tự do, còn hơn ở cùng cha mẹ được lo cho mọi thứ nhưng lại mất quyền tự do và sự riêng tư của mình.

 

Nếu như có một loại ý thức nào đó khởi sinh trong tôi từ những ngày thơ bé, thì đó không chỉ là ý thức về bình an của im lặng, mà còn là ý thức về sự độc lập và tự do. Tôi đã làm mọi thứ có thể trong khả năng của mình, từ những ngày đó, chỉ để theo đuổi một mục tiêu duy nhất mà khi ấy tôi cũng chẳng biết nó là gì. Giờ thì tôi biết. Đó là sự tự do của tôi. Nó gần như là mục đích tối hậu trong cuộc sống mà tôi theo đuổi từ khi nhỏ xíu mà thậm chí có khi còn chẳng biết “tự do” là gì.

 

Với tôi, tự do bắt nguồn từ nhu cầu về sự riêng tư, không gian riêng tư.

Và không gian riêng tư, bằng cách nào đó lại khởi nguồn từ sức hút đẹp đẽ và bao la của sự im lặng.

 

Ngọn núi Xanh ngày ấy là vị thầy, là minh chứng, là guru đầu tiên của cuộc đời tôi về vẻ đẹp và chiều sâu của sự tĩnh lặng.

 

Chúng ta có thể không bao giờ ngờ được ý nghĩa và giá trị của những thứ rất nhỏ bé và đơn giản trong cuộc sống  lại ảnh hưởng đến cuộc đời ta nhiều như thế nào.

 

Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ về việc ngọn núi Xanh im lặng tĩnh tại trước nhà lại ảnh hưởng tới cuộc đời tôi theo cách sâu đến như thế. Tôi có lẽ sẽ không tin nếu bất cứ ai xuất hiện và nói với tôi rằng, “Chính ngọn núi đó đã – một cách thụ động – để lại ấn tượng cho tôi và định hướng đi cho cuộc đời tôi để tôi là tôi của hôm nay.” Vâng, tôi sẽ cười lớn vào người đó và nói rằng điều anh ta nói là vớ vẩn.

 

Nhưng tôi đã thiền và tôi đã thấy…

 

Khi thiền, khi tâm trí bị gạt đi, khi mọi tri thức kiến thức biến mất và bạn bị bỏ lại với một cái nhìn tinh khiết vào mọi sự đã xảy ra, bạn sẽ có khả năng thấy những thứ không ai nhìn thấy. Bạn sẽ có khả năng thấy được những liên kết, những mối nối và lý do cho mọi sự đã từng xảy ra, đang xảy ra hay kể cả những thứ sẽ xảy ra sau này trong cuộc đời bạn nữa.

 

Bạn đơn giản biết nó là thế, chẳng có gì để chứng minh hay thanh minh giải thích, bạn đơn giản biết. Cái biết của bạn là của bạn, không ai khác sẽ biết cùng cái biết của bạn. Giống như sự nhận biết là của mỗi người, ai dùng nhận biết của mình thì dùng, ai không dùng thì thôi, không ai có thể nhận biết thay cho ai được, cũng như không ai có thể ăn giúp ai, ngủ giúp ai hay yêu giúp ai được cả.

 

Tất cả chúng ta đều đơn độc tận hưởng và đơn độc chịu trách nhiệm cho hành trình của mình. Người khác có thể đi cùng một hai bước nhưng không ai có thể đi thay cho bất cứ ai cả. Đó là lời nguyền nhưng đồng thời cũng là ân sủng và sự công bằng của cuộc sống này. Tuyệt vời làm sao!

 

Có nhiều đường lên núi, ai lên tới đỉnh sẽ nhận ra con đường là khác nhau với những khó khăn trở ngại và vẻ đẹp khác nhau, nhưng nếu người ta cứ đi và đi mãi theo hướng đi lên, thế thì sẽ tới ngày người ta lên tới đỉnh. Con đường thì nhiều nhưng đỉnh chỉ có một. Người thông thái là người không bận tâm về quá nhiều con đường nơi chân núi của những người khác, cũng không mất công chỉ trích ai hay dạy bảo ai. Người đó chỉ tập trung năng lượng để leo lên núi bằng đôi chân mình trên cung đường mình đã chọn.

 

Sở dĩ không nhiều người lên tới đỉnh núi của sự nhận biết này vì một lý do đơn giản: họ quá bận rộn tranh cãi nơi chân núi về con đường của ai thì đúng hơn, con đường nào đẹp hơn, dễ đi hơn, con đường nào có nhiều lý lẽ đúng hơn, con đường nào giá trị hơn. Việc tranh cãi này lấy nhiều năng lượng đến nỗi người ta mệt nhoài, chẳng còn hơi sức đâu mà leo núi nữa.

 

Một lý do khác cho việc không nhiều người leo được lên đỉnh núi, ấy là vì người ta mang theo quá nhiều hành lý. Hành lý cồng kềnh với đủ mọi loại tài sản, tham vọng, ước mơ, mộng tưởng. Hành lý nặng trĩu những kiến thức sách vở, những dự đoán, những mối quan hệ, những mối lo và nỗi sợ. Những hành lý này thật sự cản trở bước chân người ta, ai mà leo núi nổi với hàng tấn trọng lượng của trách nhiệm, nghĩa vụ đè nặng vai mình?

 

Thêm một lý do khiến người ta dù ít hành lý, dù đã có con đường nhưng cũng vẫn khó mà lên núi, đó là vì người ta quá yếu. Cuộc sống thường nhật lao động vui chơi vắt kiệt năng lượng của người ta theo đủ mọi cách. Người ta phung phí năng lượng của mình với mỗi trạm dừng bên đường. Mỗi một giác quan trên cơ thể là một trạm dừng, người ta có thể trút hết năng lượng mình ra ở trạm, hoặc nạp thêm năng lượng mới cho cuộc hành trình. Đa phần mọi người dùng giác quan chỉ để làm tổn hao năng lượng và sinh khí chứ không dùng chúng để nạp thêm bao nhiêu cả.

 

Ví dụ đơn giản như chuyện ăn uống, người ăn uống thông minh sẽ dùng đồ ăn như một cách để tăng năng lượng cho thể sinh lực bên trong, chỉ ăn vừa đủ, ăn thức ăn đơn giản và càng ăn càng khoẻ. Còn cách ăn của đa phần chúng ta là chỉ dùng vị giác như một cách hưởng thụ, đánh lừa cơ thể, ép cơ thể ăn đủ thể loại đồ ăn, ăn nhiều hơn mức nó cần, ăn dư ra và ăn những thứ rất độc, rất khó tiêu hoá. Năng lượng cơ thể dùng để tiêu hoá đồ ăn còn tốn kém hơn cả năng lượng mà đồ ăn mang lại, một màn “đầu tư” hoàn toàn thất bại. Ăn uống sai khiến người ta mỏi mệt nhiều hơn, cơ thể nặng nề, trì độn. Bởi vì khi bao tử đầy đồ ăn thì toàn bộ năng lượng sẽ phải tập trung vào bao tử, còn đâu năng lượng cho cơ bắp vận động dẻo dai, còn đâu năng lượng cho tâm trí suy nghĩ, còn đâu năng lượng cho các giác quan khác phát triển?

 

Cho nên thiền, việc ngồi im nhắm mắt nơi thanh tịnh thực ra là việc đóng lại các giác quan để tích trữ sinh lực. Ngoài việc tiêu hoá đồ ăn thì việc suy nghĩ là thứ tốn nhiều năng lượng thứ hai của cơ thể. Vì tiêu hoá chỉ mất một số tiếng một ngày nhưng suy nghĩ thì chúng ta suy nghĩ gần như 24/7 mỗi ngày, kể cả khi ta ngủ.

 

Việc dừng suy nghĩ của thiền hỗ trợ cho việc tích trữ năng lượng của cơ thể mức tối đa.

 

Và khi cơ thể đầy ắp năng lượng, thế thì năng lượng này như một mũi khoan đi sâu vào trong bản thể của ta, đào tới mạch giếng ngầm sâu thẳm, nơi mà kho báu tĩnh lặng vô giá đang chờ để được tuôn trào tưới mát đời ta bằng phúc lành và ân sủng.

 

Cho nên có nhiều lý do khiến khách lữ hành leo núi thì nhiều nhưng chẳng mấy người đi được tới đâu. Ý thức được điều này, vứt bỏ bớt các gánh nặng hành lý, vứt bỏ các ảo tưởng, tham vọng và ham muốn; từ bỏ những cuộc tranh luận cãi vã bằng lời, tập trung tối đa vào con đường của bản thân, dùng sự im lặng như chiếc thuyền đưa ta đến vùng đất nơi chưa từng ai đặt chân đến. Đó là thiên đường, là cõi linh thiêng mà ta đã cố tìm trong muôn vạn kiếp.

 

Nếu kiếp này ta vẫn không chịu bước đi, thì còn đợi đến kiếp nào?

 

Nếu chỉ cần ý thức giữ cho bản thân mình chìm ngập trong im lặng vài phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày mà ta cũng không làm được, thì là do ta, hay do bất cứ ai? Liệu ta có thể đổ lỗi cho ai khi bản thân mình không thể nào im lặng trong vài giây phút?

 

Chúng ta đã đổ lỗi nhiều kiếp rồi, thử một lần không đổ lỗi và nhận tất cả trách nhiệm về bản thân mình xem liệu tình thế có khác được chút nào không?

 

Có nhiều cách để tạo ra bầu không khí im lặng quanh ta, hãy sáng tạo nên và làm cho những khoảnh khắc đó thật linh thiêng và linh động. Đừng chỉ khư khư cho rằng thiền, im lặng là phải ngồi hoa sen – lưng thẳng – tay thụ ấn… Không, thiền không cứng nhắc như vậy. Sẽ tới lúc bạn tới điểm đó. Điểm mà phải ngồi hoa sen, phải nhắm mắt, thẳng sống lưng, tay thụ ấn… thì bạn mới thấy… đã, mới thấy đủ.

 

Còn bây giờ, khi vẫn còn mới, khi vẫn còn non, hãy sáng tạo nhiều khoảnh khắc thiêng liêng trong ngày của riêng mình. Ví dụ tìm một bản nhạc thiền mà bạn yêu thích, cam kết mỗi khi bản nhạc cất lên bạn sẽ chỉ im lặng, ít nhất trong khoảng thời gian bản nhạc ấy. Có thể chọn nhạc thiền, mantra hoặc thậm chí những bản nhạc cổ điển như giao hưởng, nhạc không lời… đều rất được.

 

Thế rồi mỗi sáng trước khi ngủ dậy, dành ra năm phút nằm lặng yên trên giường nghe bản nhạc ấy. Hoặc khi đi cà phê buổi sáng có thể đeo tai nghe và lặng yên nghe bản nhạc ấy khi nhắm mắt để cảm nhận,  hoặc mở mắt để quan sát sự ồn ào chộn rộn của cuộc sống xung quanh cũng rất tốt. Khi đi xe trên đường cũng có thể mở bản nhạc ấy, khi tắm hay vào buổi tối trước khi đi ngủ lại lặng yên nghe bản nhạc ấy và cam kết giữ yên lặng trong thời gian này.

 

Ban đầu chỉ cần im lặng về lời nói, bạn sẽ thấy đầu óc vẫn đầy suy nghĩ miên man, không sao cả. Hành trình nào cũng bắt đầu từ những bước chân nhỏ. Sẽ tới lúc bạn nhận ra mình đang tĩnh lặng mà không suy nghĩ bất cứ gì, một sự tĩnh lặng trống rỗng đầy nhận biết. Đó chính là “đỉnh núi”, bạn đang có thoáng nhìn của việc đứng trên đỉnh núi. Hãy góp nhặt nhiều hơn những thoáng nhìn đó, những khoảnh khắc đó. Dần dà như việc thu nhặt kim cương, chẳng mấy chốc mà bị sẽ đầy và bạn sẽ nhận ra mình giàu có đến thế nào.

 

Cuộc sống này rất phóng khoáng và giàu có. Cuộc sống cung cấp cho chúng ta muôn vàn cơ hội để làm giàu cho cuộc đời mình. Nhiều người chọn cách làm giàu vật chất, một số ít chọn cách làm giàu cho thể tinh thần, cho tình cảm, một số ít hơn nữa chọn cách làm giàu tâm linh, là làm giàu sự im lặng, làm giàu sự nhận biết, làm giàu sự thoả nguyện, biết ơn, bình an và phúc lạc.

 

Đến cuối cùng, chỉ duy nhất cái giàu tâm linh là còn ở lại với chúng ta, những thứ khác đều dần dà tan biến cả.

 

“Tài sản tâm linh” này: sự bình an, nhận biết và im lặng này là thứ duy nhất sẽ giúp chúng ta mua được tự do, tự do tối hậu ra khỏi mọi luân và hồi, sinh và tử. Đừng lãng phí cơ hội làm giàu tuyệt diệu này thêm nữa. Bất kể bạn là ai, đang có gì, đang ở điểm xuất phát nào, bạn cũng đều có cơ hội như nhau để “làm giàu” trong cõi tâm linh này.

 

Tất nhiên tham lam là không tốt, xem việc tu tập và cuộc hành hương bên trong này như một cuộc làm giàu cũng chẳng phải ý hay, bởi vì sao có thể gọi là giàu khi mà cái gìau lại là sự trống rỗng? Giàu sự trống rỗng nghĩa là gì chứ? Ấy vậy mà lại có một loại giàu có như vậy. Một cái giàu vượt lên trên mọi cái giàu. Một cái giàu vô hạn và vô giá mà không một ai từng có nó lại bị mất hay muốn đánh đổi nó cho bất cứ gì.

 

Đừng lãng phí cuộc đời này thêm nữa, đừng lãng phí cơ hội này thêm nữa!

 

Đừng phí hoài cơ hội như ngọn núi Xanh của tôi khi xưa, khi còn lũ lượt từng đoàn người đến hành hương từ những nơi xa xôi nhất. Nếu như mà những người lãnh đạo chính quyền lẫn lãnh đạo tôn giáo có một tiếng nói chung tốt cho người dân, cho xã hội, nếu như họ có một tầm nhìn và một nhãn quan tốt hơn, thế thì họ đã có thể giúp nâng kinh tế và đời sống cho cả vùng đất này.

 

Họ đã có thể biến một vùng nông thôn nghèo thành điểm du lịch hành hương đáng giá. Có thể khi nhiều người đến hành hương hơn và với lượng tiền cúng dường lớn, thì người ta có thể đã dùng để tái tạo rừng, trồng thêm cây rừng lẫn cây ăn trái, chim thú sẽ kéo về, suối vẫn cứ róc rách và những tảng đá to như căn nhà sẽ trở thành nơi nghỉ chân cho khách hành hương…

 

Vùng đất ấy đã hoàn toàn có khả năng phát triển thành địa danh du lịch hành hương đáng giá. Vậy mà rốt cục chẳng điều gì xảy ra cả. Bởi vì sau rốt người ta chọn cách dời bức tượng Đức Mẹ về trong khuôn viên nhà thờ ở thôn. Ai mà đến nhà thờ để viếng một bức tượng nay đã được sơn phết lại mới toanh đẹp đẽ?

 

Bức tượng bị lãng quên, ngọn núi Xanh cũng bị lãng quên. Rừng cây bị đốn hạ, đá tảng bị xẻ ra, suối bị chia dòng, cát bị đào bới để xây nhà, chim và thú dần dà chẳng còn chỗ dung thân, khói lửa khai hoang cứ bốc cao nghi ngút mỗi ngày, cây cà phê tràn dần tràn dần lên tới tận đỉnh núi.

 

Núi chẳng còn rừng, chẳng còn cây, chẳng còn chim thú và suối róc rách, núi có còn là núi nữa không?

 

Tôi không còn muốn ngồi trong cửa hàng của mẹ để nhìn về ngọn núi ấy nữa. Điều đó quá buồn và đau, kể cả với một đứa trẻ. Tôi đã từng chứng kiến rừng phủ tới nửa quả núi, và rừng biến mất dần. Tôi đã từng được trèo lên tảng đá to như toà nhà, ăn quả rừng, lội trong dòng nước suối mát rượi và ngắm nhìn chú khỉ lần đầu tiên trong đời, không phải qua màn ảnh. Vậy mà tất cả dần biến mất. Chỉ ngồi trong cửa hàng tạp hoá của mẹ và nhìn về quả núi, tôi chứng kiến cái hồn của núi dần bay đi. Nghĩ về điều đó đủ sâu có thể khiến tôi bật khóc ngay lúc này, tôi chọn dừng suy nghĩ!

 

Khi núi không còn hồn, tôi cũng không còn kết nối với vùng đất ấy bao nhiêu nữa, tôi cũng muốn ra đi.

 

Năm ấy tôi mười tuổi và tôi quyết phải rời khỏi ngôi làng.

 

Núi Xanh vẫn ở đó, vẫn vô tư, thinh lặng và trầm mặc.

 

Tôi rời đi, đi cùng với hồn của núi,

nhưng bằng cách huyền nhiệm nào đó,

sự trầm mặc và thinh lặng của quả núi ấy đã thấm vào hồn tôi,

rồi ở đó mãi mãi.

 

Tôi là con gái của núi non!

Và tôi tự hào về điều đó.

 

Tuyết tan từ núi

Thành suối đổ về sông

Từ sông đổ ra biển

Từ biển hoá thành mây

Mây lại bay về núi

Mây mưa…

Luân luân hồi hồi bất tận

Dừng lại thôi!

 

Phi Tuyết, 26/4/2022

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *