Con đường viết lách của tôi: từ cô sinh viên quê mùa đến Triết Gia Đường Phố và mong muốn trở thành Nhà Giả Kim Cuộc Sống

Từ Triết Gia Đường Phố đến Nhà Giả Kim
Bài chia sẻ viết cho trang Triết Học Tuổi Trẻ sau khi đoạt giải nhất cuộc thi viết tháng 2/2018 với bài “Sống đơn giản cho đời bình an”

Bảy năm trước khi còn là sinh viên của trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, tôi tham gia một cuộc thi nhỏ và đã giành được một suất học kĩ năng mềm trong ba tháng có tên “Định vị thương hiệu sinh viên” củatrung tâm Pioneer Việt Nam. Cho tới giờ, đó là khóa học kĩ năng mềm chất lượng nhất tôi từng biết.Trong khóa học ấy có một buổi phân loại tính cách và tôi lúc ấy đã cảm thấy ngại ngùng, thậm chí “tủi thân” khi được xếp riêng một mình một nhóm “không đụng hàng” bất kì ai. Sau này hiểu ra thì mới biết đó quả thật là một may mắn. Tại sao tôi phải giống ai chứ? Nhiều người hướng nội, nhiều người hướng ngoại. Là một Song Tử tôi có khả năng hướng về cả hai phía: hướng ra ngoài để trải nghiệm học hỏi, rồi lại hướng vào trong để suy ngẫm rút bài học cho riêng mình. Điều đó quả thật rất ý nghĩa đối với cuộc đời tôi sau này.

Một buổi học tuyệt vời khác mà tôi còn nhớ khá rõ là buổi học “thiết kế chiến lược cuộc đời”. Còn nhớ tôi đã đặt mục tiêu cho mình sau năm năm là sở hữu năm shop thời trang và tiến tới thành lập một công ty thời trang của riêng mình. Đời quả thật không như mơ. Tính tới nay, sau bảy năm, tôi đã có đúng năm shop thời trang nhưng vấn đề là bốn trong số đó cũng đã bịđóng cửa. Hiện tạitôi chỉ còn giữ duy nhất một. Nhưng bù lại, lượng kiến thức và kinh nghiệm sau những thất bại ấy lại vừađủ để tôi tự tin thành lập một công ty thời trang như mình dự tính. Tiếc là ngay lúc này, chiến lược cuộc đời của tôi đã thay đổi. Tôi không hào hứng lắm với chuyện kinh doanh nữa. Dầu vậy có thể nói khóa học kĩ năng năm nào chính là cánh cửa đầu tiên để tôi có cuộc sống và công việc như hiện tại. Một cuộc sống đẹp hơn cả những gì tôi từng mơ.

Bốn năm trước, trong cơn ngẫu hứng, tôi đặt bút viết bài chia sẻ chuyện đời đầu tiên có tên “Tuổi 24, quen với những chê cười” và gửi lên trang Triết Học Đường Phố. Không ngờ bài viết đầu tay lại nhận được nhiều yêu mến và quan tâm đến vậy. Tôi bắt đầu viết một cách say mê và chăm chỉ. Trong sáu tháng, thật may mắn, tôi liên tục là một trong những tác giả được yêu thích nhất của cộng đồngvới những bài viết đạt cả ngàn share. Bài nổi tiếng nhất là “Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu” vừa được khen nhiều mà bị “chửi” cũng rất nhiều. Vốn không phải một người giỏi triết lý, vậy mà chỉ bằng việc chia sẻ cảm xúc, kiến thức, trải nghiệm của mình, tôi đã trở thành một cây viết và bắt đầu hành trình viết lách của mình từ ấy.

Chữ “Triết học” như vận vào tôi thật tình cờ mà cũng thật dễ thương.

Hai năm trước Triết Học Đường Phố ngưng hoạt động vì một số lý do. Tôi đã lập ra Triết Học Tâm Hồn (phituyet.com) với mong muốn tạo ra chiếc cầu nối giữa triết học với tâm hồn. Một cầu nối giữa cái đầu với trái tim. Vâng, tôi biết đó là một ý tưởng kì cục, thậm chí hơi điên rồ nữa. Mục tiêu của trang bên cạnh việclưu trữ những bài viết cũ thì tất nhiên là để tiếp tục chia sẻ những suy nghĩ mới của tôi về cuộc sống nữa. Tôi cứ viết đều đều như vậy mà chẳng bao giờ quan tâm chuyện bài viết có ai đọc không, được bao nhiêu like, có ai tương tác hay không… Tôi viết chỉ vì tôi muốn viết, muốn chia sẻ, không hề nghĩ sẽ thu được gì từ nó. Bởi vì tôi vẫn còn việc kinh doanh thời trang “chống lưng” chuyện cơm áo gạo tiền mà. Việc viết lách cứ được duy trì một cách trong sáng thuần khiết mà không chút áp lực nào cả. Giống như một loại trái cây chín tự nhiên trên cành không cần bất cứ loại thuốc kích chín nào và cũng không bị thơm ngon kiểu “biến đổi gen” vậy. (Có lẽ) Vì thế những bài viết của tôi mang một “hương vị” riêng của sự phóng khoáng, bất cần nhưng cũng đầy năng lượng.

Trái chín cây sẽ có người tới tìm hái, tôi tin điều này vừa là nhân quả vừa là số mệnh của mình. Một năm trước, anh chàng có nickname “Bát Nhã” của Alpha books tìm đến và đề nghị tôi ra sách, là những bài viết cũ đăng trên Triết Học Đường Phố năm nào. Nghe cũng hay hay, tôi nhận lời. Nhưng sau đó tôi từ chối, vì lý do những chia sẻ của tôi ngày ấy và bây giờ có một khoảng cách lớn do tôi đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua. Bát Nhã là một người bạn tuyệt vời, cậu ấy đã thuyết phục tôi rất nhiều với sự chân thành và thấu hiểu nữa. Tôi nhận lời khuyên và tiếp tục. Cuốn sách ‘Sống như ngày mai sẽ chết’ ra đời từ đó, được tái bản trước cả khi ra mắt vàhiện làmột cuốn bestseller,chỉ sau 6-7 tháng ra mắt. Đó là một vinh dự và cũng là một bước ngoặt lớn lao mà tôi cảm thấy biết ơn cuộc đời rất nhiều.

Cho đến lúc này, dù chưa công khai, nhưng những cuốn sách tiếp theo của tôi đang trong giai đoạn biên tập để được xuất bản. Một vài cuốn được tạm đặt tên như là “Tại sao chúng ta không hạnh phúc?”; “30 ngày sống khác”; “Tuổi trẻ bị đánh cắp”, “Triết học cho Tâm hồn”… Có thể nói, đời tôi chưa bao giờ thú vị và ý nghĩa đến như vậy.

Chữ “triết học” vẫn cứ vận vào tôi theo cách nào đó thật khó lý giải. Từ Triết Học Đường Phố cho tới Triết Học Tâm Hồn. Có lẽ kiếp trước tôi có “mối tình” hay “mối thù” nào đó với môn Triết chăng?

Một tháng trước khi phát hiện ra trang Triết Học Tuổi Trẻcủa Ybox với mô hình gần giống với Triết Học Đường Phố ngày xưa, tôi đã rất vui. Một điểm khác nhỏ xíu là cuộc thi viết mỗi tháng của THTTcó thêm những giải thưởng thú vị nữa. Trong những ngày cận tết kinh doanh bận rộn, tôi đãhào hứng viết một mạch bài “Sống đơn giản cho đời bình an” để tham gia cuộc thi ấy.

Ba ngày trước, tôi nhận được thông báo mình đọat giải nhất cuộc thi tháng hai của trang và phần thưởng quan trọng nhất tôi có được là một khóa học IELTS miễn phí. “Không còn gì có thể tuyệt hơn được nữa. Không thời điểm nào thích hợp hơn được nữa. Đó hẳn là ý trời” – tôi thầm nghĩ trong lòng.

Qua tuần tôi sẽ chuyển xuống Sài Gòn để theo khóa học ấy và tin rằng đó chính là một cánh cửa tuyệt vời để mở cuộc đời tôi tới tương lai thậm chí còn tốt đẹp hơn cả hiện tại này.

Tôi có một hiện tại tốt đẹp bởi vì tôi đã đọc nhiều, không ngừng trải nghiệm thật nhiều và rồi viết thật nhiều để chia sẻ tất cả những gì mình biết. Tôi hiện tại cũng có thể giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài nhưng chỉ là tiếng Anh tự học, không chuyên nghiệp. Giờ thì cánh cửa Anh ngữ chuyên nghiệp đã mở ra. Tôi hoàn toàn có thể mơ về một ngày đi du lịch vòng quanh thế giới một cách tự tin, làm nhiều công việc thú vị cần bằng cấp Anh ngữ, viết bài bằng tiếng Anh cho những người bạn nước ngoài có thể đọc, hoặc thậm chí nghĩ đến chuyện xin học bổng du học nữa (ngoại trừ chuyện tôi không thích đi học cho lắm).Tôi không biết mình có thể làm gì sau khóa học này và liệu mình sẽ đi đến đâu. Nhưng tôi tin chắc cơ hội này sẽ một lần nữa, khiến đời tôi trở nên thật đẹp và ý nghĩa.

Từ khi trở thành một người viết sách, tôi gặp nhiều bạn trẻ (cả online lẫn offline) hỏi về con đường trở thành người viết. Hôm nay tôi rất vui mừng được chia sẻ với bạn con đường ấy và mong nó sẽ hữu ích cho bạn. Mọi hành trình đều bắt đầu từ một bước chân. Bước chân đầu tiên của tôi là 7 năm trước tham gia cuộc thi viết để giành một khóa học kĩ năng định hình cuộc sống của mình. Bước thứ hai là 4 năm trước khi viết bài đầu tiên cho Triết Học Đường Phố. Tôi tin rằng nếu bạn cũng muốn trở thành một người viết, hoặc đơn giản là một người không muốn uổng phí tuổi trẻ của mình. Hãy tận dụng tham gia mọi cuộc thi mà bạn có thể, để giành lấy những trải nghiệm quý giá và những cơ hội tuyệt vời cho cuộc sống của bạn. Như tôi đã làm.

Triết Học Tuổi Trẻ là một nơi tuyệt vời để bạn bắt đầu. Hãy đọc nhiều hơn để biết nhiều hơn, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, để hiểu cuộc sống nhiều hơn. Rồi bắt đầu chia sẻ những gì bạn biết đến cho mọi người. Viết là một cách rất tuyệt để làm điều đó.

Nếu may mắn, nếu đủ duyên, bạn không chỉ trở thành một người viết mà còn nhận được cả những phần thưởng quý giá từ trang nữa. Không phần thưởng nào tuyệt hơn sự đồng cảm và yêu mến của những bạn đọc khắp nơi. Nhưng nếu vừa được yêu quý vừa được phần thưởng nữa thì… Ôi chà, tôi biết cảm giác ấy. Nếu bạn muốn biết cảm giác ấy, bạn phải thử thôi.

Bạn không thể biết bạn có thể làm được những gì, nếu như bạn không chịu làm gì cả.

Đừng tưởng phải học chuyên Triết hay là Triết gia thì mới có thể bàn về những vấn đề Triết học. Triết học thật ra là những vấn đề rất giản dị, rất mộc mạc xảy ra mỗi ngày xung quanh cuộc sống của chúng ta đấy thôi. Nó đơn giản mà cũng phức tạp như hơi thở vậy. Ai cũng có thể thở, nhưng không phải ai cũng biết cách thở cho đúng để mạnh khỏe, để trường thọ, để giác ngộ. Mặc dầu vậy, ai cũng có thể bắt đầu học cách thở đúng ngay bây giờ, bất kể họ đang ở đâu, ở điểm xuất phát nào trong đời.

Chuyện viết lách cũng hệt như vậy.

Xin thay lời kết bằng một đoạn “tự giới thiệu” mà tôi từng viết cho một sự kiện tôi tham gia:

“Bạn không thấy việc viết lách thật thần kì sao? Chỉ với vài chục mẫu kí tự be bé xinh xinh vô tri vô giác mà người ta đều có thể chuyển tải, trao đổi và lưu giữ lượng thông tin kiến thức khổng lồ cho nhân loại từ đời này sang đời khác. Không chỉ những kiến thức khô khan mà còn chuyển tải được cả những tình cảm và ẩn ý vào đó nữa chứ. Thật tuyệt vời!

Tôi nghĩ người viết lách giống như những Nhà Giả Kim vậy. Họ có khả năng biến những con chữ bình thường thành một thứ chứa đựng sức mạnh và ý nghĩa lớn lao. Họ thổi hồn vào trong chữ viết để biến từ ngữ thành những câu thần chú. Như giáo sư Dumbledore từng bật mí cho Harry Potter rằng “Thứ bùa phép quyền năng nhất chính là lời nói. Nó tuy vô hình nhưng lại có thể gây ra những vết thương đau đớn vô cùng, và cũng chính nó lại còn mang cả khả năng chữa lành những vết thương nữa”.

Mong muốn của tôi là trở thành một Nhà Giả Kim như vậy. Người có thể sử dụng từ ngữ như một thứ phép thuật không chỉ mang thông tin mà còn mang thật nhiều cảm xúc và năng lượng tích cực đến cho người đọc. Để rồi qua đó cũng “Giả Kim” chính cuộc đời mình luôn. Một công mấy việc thật thú vị vô cùng.”

“Đọc” là một phép giả kim quan trọng từng biến đổi cuộc đời tôi.

“Viết” lại là một phép giả kim tuyệt vời khác giúp đời tôi biến đổi nhiều hơn nữa.

Tôi từng được bạn đọc yêu mến đặt biệt danh khá kêu là “Triết gia đường phố”, nay tôi muốn tự tiến thêm một bậc nữa để trở thành một “Cô nàng giả kim” – người phát hiện ra thuật giả kim cho chính cuộc đời mình, và giúp cho những người khác “Giả kim” cuộc đời của họ.

Cảm ơn Triết Học Đường Phố đã là mảnh đất màu mỡ cho hạt giống trong tôi nảy mầm và nở hoa.

Cảm ơn Triết Học Tuổi Trẻ đã và đang trở thành một mảnh đất màu mỡ khác để tôi, bạn, tất cả chúng ta ươm mầm hạt giống của chính mình.

Tôi mong chờ ngày hạt giống trong bạn cũng nảy mầm nở hoa khiến đời bạn thêm xinh đẹp rực rỡ.

Cuộc đời dài bao lâu mà cứ đợi chờ?

Đợi chờ chẳng hạnh phúc đâu nếu như bạn chẳng có gì để đợi. Thay vì đợi, sao không bắt đầu làm một cái gì đó ngay bây giờ?

Xin chào thân ái và cảm ơn bạn vì đã đọc bài viết này!

Phi Tuyết

Quán Quân Cuộc Thi Triết Học Tuổi Trẻ Tháng 2/2018

Link blog Triết Học Tuổi Trẻ: Ybox.vn

One thought on “Con đường viết lách của tôi: từ cô sinh viên quê mùa đến Triết Gia Đường Phố và mong muốn trở thành Nhà Giả Kim Cuộc Sống

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *