ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN: Osho và chuyện đi học

Trường học hay nhà tù ?

– Nếu em cư xử đúng, em có thể trở thành thiên tài.
– Quỉ tha ma bắt thiên tài của các thầy đi, em đơn giản muốn là bản thân mình thôi. Ai cần là thiên tài chứ?

*

Tôi ở cùng gia đình thêm vài năm sau đó rất tự do, cho đến khi phải đi học. Và tôi đã gần như bị ép buộc một cách đầy bạo lực để đi học. Điều tệ nhất của việc đi học là nó không giống như một cái hội chợ vui vẻ chỉ diễn ra vài ngày, nó là một việc bạn phải làm mỗi ngày, trong nhiều năm. Thật khủng khiếp.

Tôi đã cố chống đối điều đó ngay từ ngày đầu tiên bị ép đến trường. Khoảnh khắc mà tôi nhìn thấy cánh cổng của trường học.

Tôi nói với cha tôi “Không” – đó là từ đầu tiên của tôi khi được đưa tới trước cổng trường tiểu học.

Tôi nói với cha tôi: “Không. Không và không. Con không muốn bước vào cái cổng này. Đây không phải là một trường học, nó là một nhà tù.” Chính cái cổng, và màu của tòa nhà… Thật kỳ lạ, một trò đùa – đặc biệt tại Ấn Độ, những nhà tù và trường học được sơn cùng một màu, và chúng đều được xây bằng gạch đỏ. Thật khó mà biết một tòa nhà là một nhà tù hay trường học. Có lẽ xưa kia một kẻ thích đùa đã thành công trong việc làm một cú chơi khăm, nhưng người đó đã chơi khăm một cách hoàn hảo.

Tôi nói: “Hãy nhìn cái gọi là ngôi trường này. Cha gọi nó là một ngôi trường ư? Hãy nhìn chiếc cổng này! Thế mà cha lại ở đây để bắt con bước vào đó trong ít nhất bốn năm ư?”

Cha tôi nói: “Ta luôn e rằng…”  – lúc đó  chúng tôi đang đứng ở cổng,  dĩ nhiên ở phía bên ngoài, bởi vì tôi đã không cho phép ông dẫn tôi vào. Ông nói tiếp, “Ta luôn e rằng, ông của con, và nhất là bà của con, đã làm hỏng con.”

Tôi nói: “Nỗi lo của cha là đúng, nhưng công việc đó họ cũng đã làm xong rồi, và bây giờ không ai có thể hủy bỏ nó được nữa, nên chúng ta hãy đi về nhà thôi.”

Ông nói: “Cái gì? Không. Con phải được giáo dục.”

Tôi nói: “Đây là loại khởi đầu gì vậy? Con thậm chí không được tự do để nói đồng ý hay không. Cha gọi nó là sự giáo dục sao?

“Nhưng, nếu cha thật sự muốn điều đó. Nếu đó là điều cha nhất định phải làm với con, thì làm ơn đừng yêu cầu con, hãy cho con một ân huệ: Đây là bàn tay con, hãy lôi con vào. Ít ra con sẽ có sự an ủi rằng con đã không bao giờ tự mình bước vào cái “tổ chức” xấu xa này. Làm ơn, ít nhất hãy cho con ân huệ này.”

Dĩ nhiên, cha tôi đang rất bực mình nên ông lôi xệch tôi vào. Mặc dù ông là một người rất chất phác, ông lập tức hiểu rằng: điều này là không đúng. Ông nói với tôi: “Mặc dù ta là cha của con, nhưng phải lôi con vào, ta cảm thấy không đúng.”

Tôi nói: “Xin đừng cảm thấy tội lỗi chút nào cả. Điều mà cha đã làm là hoàn toàn đúng bởi vì trừ khi một ai đó lôi con vào, con sẽ không tự ý quyết định đi vào. Quyết định của con là ‘không’. Cha có thể áp đặt quyết định của mình lên con, bởi vì con phải lệ thuộc cha về quần áo, nơi ở, và mọi sự nên lúc này, hãy coi như cha ở trong vị thế của người có đặc quyền để làm điều đó.”

Việc đi vào trường là khởi đầu của một cuộc sống mới. Trong nhiều năm, tôi đã sống y hệt một con thú hoang dã. Vâng, tôi không thể nói là một con người hoang dã, bởi vì không có con người nào là hoang dã. Chỉ thỉnh thoảng một người trở thành một con người hoang dã. Bây giờ tôi là con người hoang dã; Phật đã từng là con người hoang dã, Zarathustra, Jesus họ đã từng là những con người hoang dã – nhưng vào lúc đó thì hoàn toàn đúng khi nói rằng, trong nhiều năm tôi đã sống như một con thú hoang dã, không luật lệ.

Tôi không bao giờ đi học một cách tự ý. Và tôi hạnh phúc rằng tôi đã bị lôi vào trường, rằng tôi không bao giờ vào một cách tự ý. Trường học thực sự là xấu xa – mọi trường học đều xấu xa. Thực ra, tạo ra một tình huống nơi mà bọn trẻ có thể học tập là tốt, nhưng giáo dục chúng là không tốt. Sự giáo dục tất yếu là thứ rất xấu.

Mỗi sáng tôi đều bị ép phải đến trường. Một trong những người chú của tôi, hoặc ai đó sẽ nhận trách nhiệm đưa tôi đến cổng trường và đứng đợi cùng tôi cho tới khi một người giáo viên nào đó trong trường xuất hiện để nhận và đón tôi vào – họ làm mọi cách để đảm  bảo tôi không thể trốn được – cứ như thể tôi là một thứ tài sản để truyền từ tay người này sang người khác; hoặc là  một tù nhân.

Nhưng đó là cách mà thứ gọi là giáo dục hiện tại vẫn cứ tiếp tục: một sự cưỡng chế, một hành động mang tính bạo lực khi ép người khác phải làm một việc gì bất kể người đó có muốn hay không.

Mỗi thế hệ lại cứ luôn cố gắng làm hỏng những thế hệ mới. Và giáo dục hoàn toàn là một hình thức của cưỡng ép – cưỡng ép về tinh thần – khi mà những người cha người mẹ lớn hơn, mạnh hơn có thể ép buộc những đứa con nhỏ của họ.

 

Buổi học đầu tiên

 

Và tôi đã gặp chuyện gì khi lần đầu tiên đến học tại trường? Thứ đầu tiên, là cuộc “đụng độ” với ông thầy lớp một của tôi. Tôi đã thấy những người đẹp và những người xấu, nhưng tôi chưa bao giờ thấy một ai xấu như ổng! Ổng là thầy, và ổng sắp dạy tôi. Tôi không thể thậm chí nhìn vào người đàn ông đó. Thượng đế chắc hẳn đã sáng tạo ra khuôn mặt ông ấy trong một tình thế rất “vội vàng”. Có lẽ cái bàng quang của Ngài đang đầy ắp, và chỉ để hoàn tất công việc cho nhanh mà Ngài tạo ra người đàn ông này, để còn lao vội vào toilet.  Ngài đã sáng tạo ra một con người quái dị làm sao! Ông ta chỉ có một mắt, và một cái mũi khoẵm.  Một con mắt đó là đủ, nhưng cái mũi khoẵm đã thực sự làm tăng thêm vẻ xấu xí cho khuôn mặt ông. Và ông ta rất to con, như người khổng lồ! Chắc hẳn ông phải nặng tới 400 pound, không kém. Ông là người “thầy” đầu tiên của tôi – tôi muốn nói là “giáo viên”, bởi vì tại Ấn, những giáo viên được gọi là “thầy”. Ngay cả bây giờ, nếu tôi thấy người đàn ông đó, chắc chắn tôi bắt đầu run rẩy. Ông không phải là một con người chút nào; ông giống như một lão phù thủy già.

Người giáo viên đầu tiên đó – tôi không biết tên thực của ông, và không ai trong trường biết, nhất là lũ trẻ; chúng chỉ đơn giản gọi ông là Thầy Kantar. Kantar có nghĩa là ‘một mắt’; chừng đó là đủ cho lũ trẻ, và nó cũng là một sự kết án đối với ông ta. Trong tiếng Hindi, kantar không chỉ có nghĩa là ‘một mắt’, nó còn được dùng như là một lời nguyền rủa. Nó không thể được dịch trong cách đó, bởi vì một vài sắc thái tinh tế bị mất trong khi dịch. Cho nên, tất cả chúng tôi gọi ông là Thầy Chột, trước sự hiện diện của ông, và khi ông không có mặt ở đó, chúng tôi chỉ đơn thuần gọi ông là Kantar – cái gã Chột.

Ông không chỉ xấu xí, mọi cái mà ông làm đều xấu xa và tôi thì ghét những thứ xấu xa cho nên dĩ nhiên, vào chính ngày học đầu tiên của tôi, một cái gì đó bắt buộc phải xảy ra. Ông thường phạt lũ trẻ một cách tàn nhẫn. Tôi chưa bao giờ thấy hoặc nghe về ai khác đã làm những điều như thế với trẻ con.

Lúc ấy ông đang dạy số học. Tôi đã biết một ít bởi vì ông ngoại đã từng lén dạy tôi một chút ít khi còn sống. Do vậy, khi ông ấy đang nói, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ: những cây pipal đẹp đang lấp lánh trong ánh nắng. Không có cây nào khác chiếu sáng quá đẹp như thế dưới mặt trời, bởi vì mỗi cái lá nhảy múa một cách riêng rẽ, và toàn bộ cái cây trở nên gần như một dàn đồng ca: hằng nghìn vũ công và ca nhân chói sáng cùng nhau; nhưng đồng thời cũng độc lập nhau. Tôi nhìn cái cây với những chiếc lá của nó đang nhảy múa trong gió nhẹ, mặt trời đang chiếu sáng trên mỗi ngọn lá, hằng trăm con vẹt đang nhảy từ cành nọ sang cành kia, hân hoan thích thú, không vì lý do nào cả. Hay có lẽ chúng đang nhảy múa vui sướng bởi vì hạnh phúc thay, chúng không phải đi học!

Khi tôi đang nhìn ra ngoài cửa sổ thì thầy Chột lần tới và nhảy bổ lên tôi.

Ông cất cao giọng: “Tốt hơn hết là ta nên chỉnh đốn mọi sự ngay từ lúc ban đầu.”

Tôi nói: “Em hoàn toàn đồng ý. Em cũng muốn chỉnh đốn mọi thứ, ngay từ ban đầu.”

Ông nói: “Tại sao mày nhìn ra cửa sổ khi tao đang giảng số học?”

Tôi nói: “Số học phải được nghe, chứ không phải để thấy. Em không cần phải thấy bộ mặt xinh đẹp của thầy. Em đang phải nhìn ra cửa sổ, để tránh điều đó. Chừng nào có liên quan đến số học, thầy có thể hỏi em; em nghe nó, và em biết nó.”

Ông ta hỏi tôi vài câu về những gì ông đã giảng và đó là khởi đầu của một rắc rối rất lâu dài – không phải cho tôi, mà là cho ông. Cái rắc rối, là tôi trả lời đúng. Ông không thể tin điều đó, và nói: “Dù mày đúng hay sai, tao sẽ vẫn phạt mày, bởi vì  nhìn ra cửa sổ khi thầy đang giảng bài, là sai trái.”

Tôi được gọi ra đằng trước mặt ông. Từ bàn giáo viên, ông lấy ra một hộp bút chì. Tôi đã nghe nói về những cây bút chì nổi tiếng này. Ông thường đặt một trong những cây bút chì này giữa mỗi trong số những ngón tay của bạn, rồi xiết chặt hai bàn tay bạn, và hỏi: “Có muốn thêm một chút nữa không? Có cần thêm không?” – với những đứa trẻ bé nhỏ!

Tôi nhìn những cây bút chì và nói: “Em đã nghe nói về những cây bút chì này, nhưng trước khi thầy đặt chúng giữa những ngón tay em, hãy nhớ rằng nó sẽ bắt thầy trả một giá rất đắt, thậm chí có khi là chỗ làm của thầy.”

Ông cười lớn. Tôi có thể nói với bạn rằng, nó giống như một con quái vật trong một cơn ác mộng đang cười vào bạn. Ông nói: “Ai có thể ngăn cản tao?”

Tôi nói: “Đó không phải là điều quan trọng.  Em muốn hỏi: nhìn ra ngoài cửa sổ có phạm nội qui không khi số học đang được giảng? Và nếu em có thể trả lời những câu hỏi về những gì đang được dạy, và em sẵn sàng lặp lại từng từ một, thì nhìn ra cửa sổ là có gì sai? Và nếu không được nhìn thì tại sao người ta lại tạo ra cửa sổ trong phòng học? Vì mục đích gì? Bởi vì suốt ngày luôn có một ai đó đang dạy một cái gì đó nghĩa là không ai được nhìn ra và cửa sổ thì không cần đến vào ban đêm, khi mà không có ai nhìn ra khỏi nó. Vậy cửa sổ được tạo ra để làm gì? Thầy hãy trả lời em.”

Ông ta nói: “Mày là một đứa gây rối.”

Tôi nói: “Đúng, chính xác như thế  và em sắp đi gặp thầy hiệu trưởng để xem, liệu việc thầy làm có hợp lý không. Việc thầy phạt em khi em trả lời những câu hỏi của thầy một cách chính xác thì có hợp lý không?”

Ông ta trở nên “xuống nước” một chút. Tôi ngạc nhiên, bởi vì tôi đã nghe nói rằng, ông không phải là người mà có thể chịu khuất phục theo bất cứ cách nào.

Rồi tôi nói: “Và rồi em sẽ đi gặp ông chủ tịch hội đồng thành phố, là người điều hành ngôi trường này. Ngày mai, em sẽ đến với một cảnh sát trưởng, để cho ông ta có thể thấy tận mắt cái kiểu tra tấn của thầy đang diễn ra ở đây.”

Ông rùng mình. Những người khác không thấy được, nhưng tôi có thể thấy những điều như thế, những điều mà những người khác có thể bỏ sót. Tôi có thể không thấy những bức tường nhưng tôi không thể bỏ sót những cái bé nhỏ, gần như cực vi.

Tôi bảo ông: “Thầy đang run rẩy, mặc dù thầy sẽ không dám thừa nhận điều đó. Nhưng để rồi xem. Trước hết, hãy để cho em đi gặp thầy hiệu trưởng.”

Tôi đến văn phòng của thầy hiệu trưởng để trình bày và ông ấy nói: “Ta biết người đàn ông này tra tấn học sinh. Điều đó là trái pháp luật, nhưng ta không thể nói gì được, bởi vì ông ta là giáo viên già nhất trong thị trấn, và cha, ông của hầu hết mọi người đều đã một lần là học trò của ông ấy. Do vậy, không ai dám nhấc một ngón tay lên chống lại ông cả.”

Tôi nói: “Em không quan tâm. Cha em đã từng là học trò của ổng, ông của em cũng vậy. Em không quan tâm hoặc về cha em, hoặc về ông em; thật ra, em không thực sự thuộc về gia đình đó. Em sống xa cách họ từ lâu. Em là một người lạ mặt ở đây.”

Ông hiệu trưởng nói: “Ta có thể thấy ngay rằng trò hẳn là một người lạ ở đây, nhưng cậu trai ạ, đừng nên dây vào sự rắc rối không cần thiết. Ông ta sẽ tra tấn trò.”

Tôi nói: “Điều đó không dễ đâu. Hãy để cho việc này là khởi đầu của cuộc đấu tranh của em chống lại mọi sự tra tấn. Em sẽ chiến đấu.”

Và, với nắm tay – dĩ nhiên, chỉ là nấm đấm của một đứa trẻ nhỏ – tôi đấm lên bàn và tôi nói với ông thầy hiệu trưởng: “Em không quan tâm về giáo dục hay bất cứ cái gì, nhưng em phải quan tâm về sự tự do của em. Không ai có thể sách nhiễu em một cách không cần thiết. Thầy phải cho em xem bộ luật giáo dục. Em không biết đọc nên thầy sẽ phải đọc và chỉ cho em xem là nhìn ra cửa sổ có trái luật không, trong khi em có thể trả lời đúng mọi câu hỏi?”

Ông nói: “Nếu trò trả lời đúng những câu hỏi, thì việc nhìn ra chỗ nào cũng không thành vấn đề.”

Tôi nói: “Thầy hãy đi với em.”

Ông hiệu trưởng đi cùng tôi đến lớp với bộ luật giáo dục, một cuốn sách cổ xưa mà ông luôn mang theo. Tôi không nghĩ rằng có ai đã từng đọc nó.

Ông hiệu trưởng nói với Thầy Chột: “Tốt hơn là đừng sách nhiễu cậu bé này, bởi vì có vẻ như nó có thể dội ngược lại ông. Cậu ta sẽ không bỏ cuộc dễ dàng.”

Nhưng Thầy Chột không phải là kiểu người dễ phục thiện. Khi sợ hãi – ông ta thậm chí trở nên càng gây hấn và bạo động hơn.

Ông nói: “Tôi sẽ cho thằng bé này sáng mắt ra… Thầy không cần lo lắng. Và ai quan tâm về cái bộ luật đó? Tôi đã là một giáo viên ở đây suốt đời tôi và phải chăng thằng bé này muốn dạy tôi về bộ luật giáo dục?”

Tôi nói: “Ngày mai, hoặc là em sẽ ở trong tòa nhà này hoặc là thầy, nhưng cả hai chúng ta không thể cùng nhau tồn tại ở đây. Hãy chỉ đơn giản đợi tới ngày mai.”

Nói rồi tôi lao vội về nhà kể lại sự việc với cha tôi. Ông nói: “Ta đang lo lắng, liệu ta có đưa con vào trường chỉ để con mang rắc rối đến không chỉ cho người khác, cho chính con, mà thậm chí chính ta cũng  sẽ bị lôi kéo vào những rắc rối đó?”

Tôi nói: “Không, con chỉ đơn giản tường thuật sự việc,  để sau này cha sẽ không nói rằng cha không hề hay biết.”

Tôi đi gặp ông cảnh sát trưởng, ông là một người đáng yêu; tôi đã không mong đợi rằng một cảnh sát lại có thể dễ mến như vậy. Ông nói: “Bác đã nghe nói về người đàn ông này. Thật ra, chính con trai bác cũng đã bị ông ta tra tấn. Nhưng không ai phàn nàn. Tra tấn là trái phép, nhưng nếu không có người khiếu nại thì sẽ không làm được gì cả, và chính bác cũng không dám khiếu nại bởi vì biết chắc rằng ông ta sẽ đánh trượt con bác. Do vậy, tốt hơn là cứ để cho ông ta tiếp tục tra tấn. Chỉ vài tháng nữa thôi, rồi cháu có thể chuyển sang một lớp khác.”

Tôi nói: “Cháu ở đây là để khiếu nại, và cháu không quan tâm đến việc chuyển sang lớp khác chút nào. Cháu sẵn sàng lưu lại trong lớp này suốt đời mình.”

Ông nhìn tôi, vỗ nhẹ lên lưng tôi và nói: “Bác đánh giá cao cái mà cháu  đang làm. Ngày mai bác sẽ đến.”

Rồi tôi lao đi gặp ông chủ tịch hội đồng thành phố, ông ta tự chứng tỏ mình chỉ là một đống phân bò. Ông nói với tôi: “Ta biết nhưng không thể làm gì được về chuyện đó. Cháu sẽ phải sống với nó, hoặc là phải học cách chịu đựng nó.”

Tôi nói với ông, và tôi nhớ những lời của tôi một cách chính xác: “Cháu sẽ không tha thứ cho bất cứ cái gì mà lương tâm cháu thấy là sai trái.”

Ông nói: “Nếu sự việc đúng như thế, thì ta không thể đảm trách việc này. Hãy đi gặp ông phó chủ tịch, có lẽ ông ta sẽ trợ giúp hiệu quả hơn.”

Và tôi phải cám ơn cái đống phân này về điều đó, bởi vì ông phó chủ tịch của làng đó: Shambhu Dube – tỏ ra là người duy nhất có bản lãnh trong toàn làng, trong kinh nghiệm của tôi. Khi tôi gõ cửa  – tôi chỉ mới tám, chín tuổi, và ông là phó chủ tịch – ông nói to: “Vâng, mời vào.” Ông đang chờ đợi gặp một quý ông nào đó, và ngay khi thấy tôi, ông có vẻ hơi bối rối.

Tôi nói: “Cháu tiếc rằng cháu không lớn tuổi hơn một chút – xin thứ lỗi cho cháu. Vả lại cháu không được học hành chút nào, nhưng cháu phải khiếu nại về người này: Thầy Chột.”

Ngay khi ông nghe câu chuyện của tôi, rằng người đàn ông này tra tấn trẻ nhỏ lớp một bằng cách đặt những cây bút chì giữa những ngón tay rồi kẹp chặt lại và rằng ông ta có những cái ghim mà ông ta kẹp vào dưới những móng tay của lũ học trò – ông không thể tin được.

Ông nói: “Ta đã nghe những lời đồn đại, nhưng tại sao không có ai khiếu nại?”

Tôi nói: “Người ta sợ rằng con cái họ sẽ bị tra tấn thêm nữa.”

Ông nói: “Cháu  không sợ sao?

Tôi nói: “Không, bởi vì cháu sẵn sàng bị đánh trượt. Đó là tất cả những gì mà ông ta có thể làm.” Tôi nói rằng, tôi sẵn sàng chấp nhận bị trượt, và tôi không tha thiết sự thành công, nhưng tôi sẽ chiến đấu cho đến tận cùng: “Hoặc là người đàn ông này hoặc là cháu, cả hai không thể ở đó trong cùng một ngôi trường.”

Shambhu gọi tôi đến sát bên ông và nắm lấy tay tôi rồi ông nói: “Ta luôn luôn yêu mến những con người nổi loạn, nhưng ta không bao giờ nghĩ rằng một đứa trẻ ở tuổi cháu lại có thể là một kẻ nổi loạn. Ta chúc mừng cháu.”

Vị chủ tịch thành phố ấy nói với một đứa trẻ là tôi với đầy sự tôn trọng: “Đừng lo lắng, cái gã đó sẽ bị trừng phạt. Thật ra, thời gian làm việc của ông ta đã hết. Ông ta đã làm đơn xin gia hạn, nhưng chúng ta sẽ không duyệt cho ông ta nữa. Từ ngày mai, cháu sẽ không còn thấy ông ta trong cái trường đó nữa.”

Tôi nói: “Đây có phải là một lời hứa không?”

Chúng tôi nhìn vào mắt nhau. Ông cười thành tiếng và nói: “Ừ, đây là một lời hứa.”

Ngày kế đó, Thầy Chột biến đi. Sau đó, ông ta không dám nhìn mặt tôi.  Tôi cố liên hệ với ông, gõ cửa nhà ông nhiều lần, chỉ để nói lời tạm biệt, nhưng mà ông ta thực sự là một kẻ hèn nhát, một con cừu dưới lốt hổ.

Và ngày đầu tiên đó tại trường hóa ra là khởi đầu của nhiều, nhiều chuyện khác.

Thầy Chột bị cho nghỉ dạy, chuyện này tạo ra một lễ hội lớn trong ngôi làng. Ông ấy từng là “kẻ đáng sợ nhất” vậy mà giờ đây tôi đã đá ổng ra khỏi trường chỉ trong một ngày duy nhất. Người ta bắt đầu chú ý đến tôi. Tôi nói: “Chuyện vô lý gì đây? Tôi không làm gì cả, tôi chỉ đơn giản mang thầy ấy và hành động sai ấy ra ánh sáng thôi.”

Ngày tiếp theo tôi đi học – thật ra là ngày đầu tiên tôi “tự giác” đi học – vì thầy Chột đã bị cho nghỉ và tất cả mọi người đều vui sướng thế. Gần như mọi người đều nhảy múa. Tôi không thể tin được vào cảnh ấy, nhưng họ bảo tôi: “Bạn không biết Thầy Chột là nỗi sợ lớn đến thế nào cho mọi người sao. Nếu ông ấy chết, tôi thậm chí phát kẹo cho cả làng và đốt nến ăn mừng khắp nhà nữa. Và cậu như đã giải phóng tất cả chúng tôi khỏi nỗi sợ ấy.”

Tôi bắt đầu nhận thức được – lần đầu tiên – rằng sự tranh đấu của tôi có ích, tôi cảm thấy rằng dường như mình làm đã làm điều gì đó rất là hay cho mọi người. Nhưng cảm giác đó chỉ thoáng qua, tôi biết họ nhảy múa không phải cho tôi, nhưng cho chính họ vì đã được giải phóng. Ngày trước đó tất cả đều lo sợ, không một ai thậm chí nói “Xin chào” khi tôi quay trở lại lớp nhưng giờ thì mọi người còn ra tới tận cổng để đón tôi. Tôi gần như trở thành người hùng của họ trong ngày thứ hai đi học. Nhưng tôi phải bảo họ: “Xin hãy giải tán. Nếu các  bạn muốn ăn mừng, hãy đến trước nhà thầy Chột mà ăn mừng. Hãy nhảy múa trước cửa nhà ông ấy. Hoặc đến chỗ ngài Shambhu Babu, người đã làm nên toàn bộ chuyện này. Tôi không là ai cả. Tôi đã không chống lại thầy ấy vì những chuyện này nhưng vì nhiều nguyên nhân khác. Xin hãy quên toàn bộ chuyện này đi.”

Nhưng chuyện ấy chẳng bao giờ được quên trong toàn bộ lịch sử ngôi trường. Tôi đã không được xem như mọi đứa trẻ khác. Tất nhiên, tôi không quan tâm về ngôi trường chút nào. 90% thời gian tôi không có mặt trong lớp học. Tôi chỉ xuất hiện trong lớp vài lần vì những lý do riêng nhưng không phải để học.

Kể từ ấy tôi và Shambhu Badu trở thành “bạn” của nhau, và tình bạn này kéo dài cho đến khi ông mất. Ngôi làng đó có dân số hai mươi ngàn người, nhưng tại Ấn, nó vẫn là một làng. Tại Ấn, trừ khi một thị trấn có một trăm ngàn người, nó không được xem là một thị trấn. Khi có trên một triệu rưỡi người, thì nó là một thành phố. Trong suốt đời tôi, tôi không bao giờ gặp được một ai khác trong làng đó có cùng tầm cỡ, phẩm chất, hay tài năng như Shambhu Dube. Nếu bạn hỏi tôi, thì tôi sẽ nói rằng, trong toàn bộ Ấn Độ, tôi chưa bao giờ tìm thấy một Shambhu Dube thứ hai, thoạt nghe thì có vẻ như là một sự phóng đại, nhưng thật đúng như vậy. Thật hiếm có một người như ông ấy.

Nhiều năm sau đó khi tôi đang du hành khắp Ấn Độ, ông thường đợi hằng tháng để chờ tôi đến thăm ngôi làng đó chỉ trong một ngày. Ông là người duy nhất mà đã từng đến chỉ để nhìn tôi khi xe lửa tôi chạy ngang qua làng. Dĩ nhiên không bao gồm cha mẹ tôi, họ có bổn phận đến; nhưng Shambhu Dube không phải là bà con thân thích của tôi; ông chỉ đơn giản yêu mến tôi. Và tình yêu này khởi đầu ở buổi tao ngộ đó, vào ngày đó, khi tôi đến để phản đối Thầy Chột.

 

Thưởng hay phạt, chỉ là góc nhìn

Những năm sau tôi chăm hơn nhưng khi đi học tôi luôn luôn đến lớp trễ bởi vì tôi quá hứng thú với những thứ xảy ra trên đường. Tôi luôn khởi hành rất sớm để có thể đi từ nhà đến trường hoàn toàn đúng giờ, nhưng tôi không bao giờ tới được trường đúng giờ bởi vì quá nhiều thứ hay ho dọc đường đi – như là một vài nhà ảo thuật đang làm vài trò khăm của họ và điều đó thì thật quá cám dỗ. Nghĩ về việc rời bỏ những màn ảo thuật tuyệt vời để đi đến lớp, nơi mà người giáo viên ngu ngốc đang nói về địa lý. Thật là kinh khủng khi phải nghĩ về chuyện đó, tôi đơn giản quên toàn bộ ý tưởng về trường học khi có cái gì đó khác xảy ra trên đường đến trường.

Vậy nên một cách tự nhiên, tôi cứ thường bị phạt, nhưng cũng sớm thôi các giáo viên nhận ra rằng thật là vô ích để mà phạt tôi. Bởi vì tôi gần như năn nỉ xin “được” bị phạt nhiều hơn nữa.

Hình phạt đầu tiên họ dành cho tôi là đi bộ xung quanh ngôi trường bảy lần. Tôi đề nghị: “Nếu em đi mười một vòng luôn thì sao? Điều đó có được phép không?”

Họ nói: “Em điên à? Đây là một hình phạt.”

Tôi nói: “Em biết đây là một hình phạt, nhưng đàng nào sáng nay em cũng bỏ lỡ bài tập thể dục buổi sáng rồi. Vậy nên nếu em có thể xem hình phạt đó như một bài tập thể dục buổi sáng thì thầy cũng không mất mát gì. Hình phạt của thầy được thi hành và bài tập thể dục của em cũng được hoàn thành. Không ai mất gì cả, cả hai chúng ta cùng đạt được mục tiêu.”

Vậy nên họ dừng hình phạt đó lại, bởi vì nó không được tiến hành theo cách họ muốn chút nào. Sau đó họ phạt tôi đứng bên ngoài lớp học. Tôi nói: “Thật là tốt. Trên thực tế, dù cho có ngồi bên trong thì em cũng luôn nhìn ra bên ngoài. Ai thèm quan tâm thầy đang dạy cái gì chứ? Những con chim thì đang hót, những cái cây thì đang lấp lánh… bên ngoài thì đẹp tuyệt vời như vậy.”

Vị hiệu trưởng thường hay đi xung quanh trường và một ngày khi thấy tôi đứng bên ngoài lớp học và ông ấy hỏi: “Có chuyện gì thế này?”

Tôi nói: “Không có chuyện gì cả. Em thích đứng bên ngoài. Ngoài này khiến em thấy khỏe khoắn hơn, không khí trong lành hơn. Và thầy có thấy cảnh vật này xinh đẹp không?”

Nhưng ông ấy nói: “Tôi sẽ gặp giáo viên của em để hỏi tại sao anh ta lại cho phép em ở ngoài như vậy?”

Và ông ấy đến gặp thầy giáo của tôi. Vị thầy giáo nói: “Tôi phạt em ấy từ vài ngày trước tội không chú ý bài học. Tôi đã nghĩ nó như một hình phạt nhưng lạ là em ấy lại tận hưởng cái hình phạt đó quá chừng. Mà chưa dừng lại ở đó, em ấy còn đi tạo ra những tin đồn đến những học sinh khác rằng đứng bên ngoài thì khỏe mạnh hơn, trong lành hơn. Và thế rồi tất cả chúng đều hỏi tôi ‘Thưa thầy, chúng em có thể ra ngoài đứng không?’ Và nếu vậy, nếu tôi cho phép chúng thì tôi sẽ làm gì ở đây? Chắc là tôi cũng sẽ bước ra ngoài đó mà đứng luôn cùng chúng nó.”

Nó không phải là câu hỏi về việc mọi thứ xảy đến thế nào.

Nó hoàn toàn là một câu hỏi về cách thức bạn đón nhận mọi thứ xảy đến trong đời bạn.

 

Cửa sổ

Đây là cách mọi thứ bắt đầu.

Tôi vẫn cứ ngồi trong lớp nhưng bên cạnh cửa sổ và nhìn ra bên ngoài, nhìn vào lũ chim và những cái cây. Người giáo viên này hẳn đã học được gì đó từ người trước. Ông ấy nói “Em phải nhìn lên bảng chứ.”

Tôi nói: “Đây là cuộc đời của em và em có toàn quyền của mình để nhìn mọi chỗ em muốn. Bên ngoài thì quá đẹp, lũ chim đang hót, hoa đang nở, cây đang reo vui và mặt trời thì lấp ló sau tán lá, em không nghĩ cái bảng đen của thầy có thể so sánh được.”

Vị ấy rất tức giận nên nói: “Vậy thì em có thể ra ngoài đứng ngoài cửa sổ mà nhìn, cho tới khi em sẵn sàng để quay trở lại và nhìn lên tấm bảng. Bởi vì tôi đang dạy toán mà em lại muốn nhìn cây và chim.”

Tôi nói: “Đây thật là một phần thưởng tuyệt vời mà thầy trao cho em, nó không phải một hình phạt chút nào cả.” Và rồi tôi nói “Tạm biệt thầy”

Ông ấy nói: “Em có ý gì?”

Tôi nói: “Em sẽ không trở lại đâu. Từ giờ trở đi ngày nào em cũng sẽ ngồi bên ngoài cửa sổ.”

Ông ấy nói: “Em điên rồi sao? Tôi sẽ đi nói với cha mẹ em, cả gia đình em rằng họ đang lãng phí tiền bạc vì em chỉ thích ở bên ngoài phòng học.”

Tôi nói: “Thầy cứ đi mà làm những gì thầy muốn. Em biết cách để ứng xử với gia đình em cho nên đừng lo. Cha em thậm chí còn biết rõ ràng hơn thầy rằng khi em muốn làm gì, em sẽ làm nó, kể cả ngồi ngoài cửa sổ lớp học chăng nữa. Không ai có thể thay đổi gì được cả đâu.”

Thầy hiệu trưởng thường thấy tôi đứng ngoài cửa sổ mỗi ngày nên một lần ông ấy tới. Ông ấy rất bối rối và hỏi tôi đang làm gì bên ngoài vậy? Tại sao cứ đứng mãi ở đó?”

Tôi nói: “Em đang được thưởng”

Ông ấy nói: “Thưởng ư, cho cái gì chứ?”

Tôi nói: “Thầy hãy đứng cạnh em và lắng nghe những con chim kia và ngắm nhìn những cái cây này, thầy sẽ hiểu. Thầy có nghĩ rằng nhìn vào bảng đen với những vị giáo viên ngu xuẩn của thầy là tốt hơn? Họ chắc chắn là những người ngu bởi vì chỉ những người ngu thì mới trở thành giáo viên, họ không thể tìm được công việc nào khác cả. Hầu hết họ chỉ có tấm bằng hạng xoàng. Vậy nên em không muốn nhìn họ lẫn bảng đen của họ. Em không bận tâm về toán học cho lắm nhưng em biết mình sẽ xoay xở được, thầy đừng lo. Nhưng em không thể bỏ lỡ những thứ xinh đẹp như thế này.”

Ông thầy hiệu trưởng đứng đó bên cạnh tôi và nói: “Đúng là đẹp thật. Ta đã là hiệu trưởng trong 20  năm ở trường này vậy mà ta chưa bao giờ đến đây. Ta đồng ý với em rằng đây quả đúng là phần thưởng thật. Em không cần bận tâm chuyện toán học, ta là giáo sư toán, em có thể đến nhà của ta để học thêm và ta sẽ dạy em mọi thứ, hãy cứ tiếp tục đứng đây.”

Vậy nên tôi thậm chí còn có một giáo viên tốt hơn – hiệu trưởng của cả ngôi trường – một nhà toán học. Giáo viên toán của tôi tỏ ra thật bối rối. Ông ấy nghĩ tôi sẽ chán việc đứng ngoài sau vài ngày thôi nhưng cả tháng trôi qua và tôi vẫn cứ ở đó không quay vào lớp học. Không chịu nổi nữa, ổng đi ra chỗ tôi và nói: “Ta xin lỗi, ta cảm thấy rất tệ khi đứng bên trong và thấy em bị phạt ngoài này như vậy. Thật ra em cũng không làm gì hại cả. Em có thể ngồi trong lớp và nhìn bất cứ chỗ nào em muốn.”

Tôi nói: “Giờ đã quá trễ rồi thầy ạ”

Ông ấy nói: “Em có ý gì?”

Tôi nói: “Ý em là, em rất thích việc đứng ngoài này. Ngồi trong lớp nhìn ra ngoài cửa sổ khiến cho tầm nhìn bị giới hạn, em không thể tận hưởng chúng nhiều như ngoài này nên em sẽ không vào đâu, thậm chí ai thèm bận tâm cơ chứ vì thầy hiệu trưởng đang dạy thêm toán cho em rồi, mỗi tối em đều tới nhà ông ấy.”

Ông nói: “Sao cơ?”

Tôi nói: “Vâng, bởi vì thầy ấy đồng ý với em rằng đây là một phần thưởng chứ không phải hình phạt.”

Ông ấy ngay lập tức chạy đến chỗ thầy hiệu trưởng và bảo: “Điều này không tốt chút nào. Tôi đang phạt em ấy mà thầy lại đi khuyến khích em ấy thêm sao?”

Thầy hiệu trưởng nói: “Quên chuyện thưởng phạt hay khuyến khích đi, thầy thỉnh thoảng nên ra ngoài và đứng bên ngoài đó. Ngay lúc này tôi cũng không đợi được nữa. Bình thường tôi đi dạo quanh trường như một thói quen và giờ thì tôi không thể đợi để đi cho đúng giờ, tôi thích việc đó và không đợi được. Việc đầu tiên tôi muốn làm khi đến trường là đi dạo một vòng và đến đứng cạnh em ấy để ngắm mấy cái cây. Lần đầu tiên trong đời tôi nhận thấy có những thứ còn đẹp hơn cả toán học: tiếng chim hót, hoa nở, cây xanh rì, mặt trời mọc lặn xuyên qua lớp lá, gió thổi rì rào như những bài hát qua đám lá cây. Quả thật anh cũng nên ra đó đứng một lúc để thấy.”

Ông ấy quay trở lại với điệu bộ vô cùng tội nghiệp và nói: “Hiệu trưởng bảo ta rằng đúng là như em nói, ta có thể làm gì đây? Liệu ta có nên bảo cả lớp ra ngoài đứng không?”

Tôi nói: “Điều đó thật tuyệt. Chúng ta có thể ngồi bên dưới những cái cây này và thầy có thể dạy toán cho mọi người. Nhưng em sẽ không vào lớp đâu, thậm chí kể cả khi thầy đánh rớt em chăng nữa, mà thầy cũng chẳng làm được điều đó đâu vì giờ em đã giỏi toán hơn tất cả các bạn trong lớp rồi. Em đang có một giáo viên tốt hơn thầy nhiều, thầy chỉ là giáo viên hạng ba trong khi thầy ấy là giáo viên hạng nhất với cả huy chương về toán học.”

Thế rồi một vài ngày sau đó ông ấy đã nghĩ về điều đó và một buổi sáng khi tôi đến đó thì thấy tất cả mọi người trong lớp học đang ngồi dưới những gốc cây để học toán.

Tôi nói: “Trái tim thầy vẫn đang sống. Thật may khi toán học chưa giết chết nó.”

 

Cái bàn

Là chính mình đi, dù nó là bất kì cái gì. Vấn đề là ở chỗ trước đây chưa bao giờ có ai bảo bạn là chính bản thân mình. Mọi người đều chõ mũi vào, nói rằng bạn phải theo cách này, bạn phải theo cách nọ – ngay cả trong những việc thông thường.

Tôi hay ngồi kê chân lên bàn và mọi thầy giáo đều bị xúc phạm. Họ nói: “Đây là loại cư xử gì thế này?”
Tôi nói: “Bàn chẳng nói gì với em cả. Đây là chuyện giữa em và cái bàn, vậy sao thầy lại phải trông cáu thế, khó chịu thế? Em có cho chân mình lên đầu thầy đâu! Thầy nên thư giãn cũng như em đang thư giãn. Thư giãn thì tốt hơn là cau có một cách không cần thiết như vậy. Và thậm chí, thầy nên khuyến khích mọi học sinh ngồi theo cách này mới phải. Bởi vì khi ngồi như thế này em cảm thấy có khả năng hiểu tốt hơn những điều vô nghĩa mà thầy đang dạy.”

Chim cu cu

Ngay bên cạnh phòng là chiếc cửa sổ đẹp, và bên ngoài là cây cối và chim chóc và chim cu cu. Phần lớn thời gian tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và những người thầy giáo sẽ tới và nói: “Dù sao thì em cũng đã chịu tới trường.”
Tôi nói: “Bởi vì trong nhà em không có cửa sổ giống thế này. Cửa sổ này trên cao, nó mở ra toàn thể bầu trời. Quanh nhà em cũng không có nhiều cây, nhiều chim cu cu như thế. Ngôi nhà ở trong thành phố, bị bao quanh bởi những ngôi nhà khác, chen chúc đến mức chim cũng không tới đó, chim cu cu không cảm thấy người sống trong cái thành phố chen chúc ấy xứng đáng có được ân huệ nghe giọng hót của chúng. Cho nên em phải tới đây. Ngôi trường này xấu xí nhưng cây cối xung quanh nó thì thật đẹp nên tất nhiên, em sẽ tới.
“Thầy quên chuyện em tới đây để nghe thầy đi! Em trả tiền học phí, thầy đơn giản là người phục vụ và thầy nên nhớ điều đó. Nếu em trượt em sẽ không tới phàn nàn với thầy đâu; nếu em trượt em sẽ không cảm thấy buồn. Nhưng nếu trong cả năm em phải giả vờ nghe thầy, trong khi em nghe con chim cu cu bên ngoài, điều đó sẽ là sự bắt đầu của cuộc sống đạo đức giả. Và em không muốn là kẻ đạo đức giả.”
Về mọi vấn đề các thầy, các giáo sư đều muốn bạn làm điều đó theo cách nào đó.

 

Môn địa lý

Tôi vẫn luôn nói một cách nhất quán với những thầy giáo của tôi: “Làm ơn nhớ một điều: em không cần sự khôn ngoan của các thầy. Xin cứ đơn thuần dạy môn học của các thầy.”

Một lần tôi đã nói với giáo viên môn địa lý: “Thầy là giáo viên địa lý, thế mà Thầy lại đang cố dạy em về đạo đức à? Đâu là mối liên hệ giữa đạo đức và địa lý?”

Tôi nhớ người đàn ông đáng thương là giáo viên địa lý của tôi. Ông bị rắc rối bởi vì tôi đã lấy một cái gì đó từ cái túi của một học sinh ngồi cạnh tôi. Tôi đã lấy tiền của cậu ta, và ông thầy hỏi “Ai đã lấy?”

Và tôi trả lời: “Em”

Và ông bảo tôi: “Tại sao em lại lấy tiền của bạn? Đừng làm thế.”

Tôi nói: “Đó không phải là việc của Thầy. Thầy là giáo viên địa lý và chuyện lấy tiền này lại là một vấn đề đạo đức. Nếu Thầy muốn, em sẵn sàng đi tới phòng hiệu trưởng, thầy hãy cùng đi với em. Không có chỗ nào trong chương trình địa lý của thầy nói về đạo đức cả. Em đã đọc cả cuốn sách và không có chỗ nào nói rằng bạn không thể lấy tiền của một ai đó khác. Và tiền bạc chỉ là tiền bạc; bất cứ ai có nó, nó là của người ấy. Ngay lúc này nó là của em. Cậu ta cần phải cảnh giác hơn. Nếu Thầy muốn cho lời khuyên, thì hãy cho cậu ta.

Trước hết, có cần phải đem quá nhiều tiền tới giờ học địa lý không? Không có gì để mua ở trong lớp cả; sẽ không có chuyện mua sắm ở đây. Tại sao bạn ấy đem tiền đến đây? Rồi, nếu đã đem theo tiền, thì bạn ấy nên cảnh giác. Đó không phải là lỗi của em, mà là lỗi của bạn ấy và em chỉ đơn giản tận dụng thời cơ, đó là quyền của em. Tận dụng tình huống là quyền của mọi người.”

Tôi còn nhớ người đàn ông đáng thương này. Ông luôn gặp khó khăn, và chính xác là luôn gặp khó khăn với tôi. Ông thường gặp tôi bên ngoài lớp và nói: “Trò có thể làm bất cứ cái gì mà trò muốn, chỉ đừng mang quá nhiều triết lý vào trong môn địa lý khốn khổ của tôi. Và tôi không biết gì về triết lý cả. Tôi chỉ biết về địa lý mà thôi. Và trò thì luôn xoay hướng các câu hỏi, đến mức mà thậm chí trong đêm tôi vẫn mãi suy nghĩ: không biết nó thuộc về địa lý, tôn giáo, hay triết học?”

Ngay trước trường tôi có hai cây kadamba đẹp. Cây kadamba có hoa rất thơm, và tôi thường ngồi trên cây đó bất cứ khi nào tôi có thể trốn thoát khỏi những giờ học. Đó là nơi tốt nhất, bởi vì những giáo viên thường đi qua bên dưới: ông hiệu trưởng cũng thường đi qua, và không ai nghĩ rằng tôi có thể đang nấp trong cây. Những cây này rất to. Nhưng bất cứ khi nào ông thầy địa lý này đi qua, tôi không thể cưỡng lại việc ném ít nhất một hai hòn đá vào đầu ông ta. Và ông nhìn lên và nói: “Trò đang làm gì ở đó?”

Tôi nói: “Đây không phải là giờ địa lý. Thầy đừng quấy rầy việc thiền định của em.”

Và ông ta nói: “Còn hai hòn đá rơi trên đầu ta thì sao?”

Tôi nói: “Đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Em đã ném những hòn đá; thật kỳ lạ, làm sao mà thầy lại xuất hiện chính xác vào lúc đó. Bây giờ, em đang tự hỏi về điều đó. Chắc Thầy cũng đang tự hỏi về điều đó, làm sao mà nó xảy ra một cách chính xác như vậy.”

Ông thường đến mách với cha tôi: “Sự việc đang đi quá xa.” Ông là một người hói đầu; và trong tiếng Hindi, người hói đầu gọi là munde. Tên ông ta là Chotelal, nhưng ông được biết đến như là Chotelal Munde. Chotelal thì hiếm khi được dùng, chỉ Munde là đủ, bởi vì ông là người duy nhất hói đầu hoàn toàn.

Tôi hay đến đứng ngay trước cửa nhà ông, gõ cửa và đợi vợ ông hay một ai đó ra mở cửa và họ thường nói: “Tại sao trò cứ tra tấn ông ta? Trò tra tấn ông tại trường, trò tra tấn ông tại chợ, trò tra tấn ông trên sông khi ông đi tắm và giờ lại muốn tra tấn ông ta ở nhà nữa sao?”

Một hôm vợ ông mở cửa và nói: “Trò có chịu ngừng tra tấn ông Hói hay không?” Lúc ấy, ông ta ở đó, đằng sau bà!

Ông túm lấy vợ và nói: “Bà cũng gọi tôi là Hói! Thằng bé này đã loan truyền khắp thành phố cái ý tưởng rằng tên tôi là Chotelal Hói, và bây giờ, chính vợ tôi cũng bị cậu ta cải đạo. Tôi có thể tha thứ mọi người khác, nhưng chính vợ tôi, ngay trong nhà tôi…”

Và không chỉ với ông, tôi thường nhấn mạnh với mọi giáo viên khác của tôi rằng: “Xin vui lòng làm tốt trách nhiệm ở môn của thầy và đừng cho em bất cứ lời khuyên nào mà không thuộc về môn học của thầy, để cho em có thể thám hiểm đời em trong cách của riêng em. Vâng, em sẽ phạm nhiều sai lầm, nhiều khuyết điểm. Em sẵn sàng phạm lỗi lầm, bởi vì đó là cách duy nhất để học hỏi.

Tôi thực sự không tham gia nhiều lắm những buổi học chính thức trên trường, bởi vì dòng sông thì quá hấp dẫn đến mức gần như là một cám dỗ mà tôi không thể cưỡng lại được. Vậy nên thường thì tôi sẽ ra sông chơi, thay vì ngồi trong lớp, tất nhiên không chỉ một mình mà với một vài bạn học khác nữa. Có một khu rừng ngay bên cạnh dòng sông và đó mới là nơi địa lý thực sự cần được khám phá – ai mà đi bận tâm đến tấm bản đồ bẩn thỉu mà họ có ở trường cơ chứ? Tôi chẳng cần biết chút gì về việc Constantinople nằm ở đâu, tại sao tôi cần biết chứ? Thay vì học mấy thứ vớ vẩn đấy tôi thích khám phá mọi thứ ngay xung quanh theo cách riêng của mình; khu rừng, dòng sông – có quá nhiều thứ để mà học, để mà làm với chúng trong khi bạn có thể làm gì với tấm bản đồ bẩn thỉu trong trường?

 

Đội mũ

Ở trường người ta bắt buộc học sinh phải đội mũ, còn tôi thì lúc nào cũng đi học mà không đội mũ. Lập tức thầy tôi gọi tôi lại và nói: “Trò có ý thức được việc đội mũ là bắt buộc hay không?”.

Tôi đáp: “Một vật như cái mũ thì không thể nào là một việc bắt buộc được. Làm sao mà bắt buộc được chuyện đội mũ hay không đội mũ chứ? Cái đầu mới là bắt buộc chứ không phải cái mũ. Mà em đi học với cái đầu của em, chẳng lẽ thầy chỉ đến trường với cái mũ?”

Ông ấy nói: “Trò thật là loại học trò lạ lùng. Trong nội quy nhà trường, người ta viết là nếu không đội mũ thì học sinh không được vào trường”.

Tôi nói: “Thế thì đã đến lúc người ta sửa bản nội quy đó rồi thầy ạ. Nó do con người chứ có phải Thượng Đế viết ra đâu; mà đã là con người thì không thể tránh khỏi sai lầm”.

Thầy tôi không tin nổi. Ông nói: “Trò bị làm sao vậy? Tại sao trò lại không thể đội mũ được cơ chứ?”.

Tôi đáp: “Vấn đề không phải là cái mũ; em muốn biết tại sao nó lại là bắt buộc, em muốn biết lý do và kết quả của việc ấy. Nếu thầy không giải thích được thì thầy cứ đưa em đến gặp thầy hiệu trưởng và chúng ta sẽ bàn về chuyện này”.

Và thế là ông thầy đưa tôi lên phòng hiệu trưởng.

Tại Ấn Độ người Bengalis là dân tộc thông minh nhất – họ không đội mũ. Và người Punjabis là dân tộc kém thông minh nhất và họ đội khăn xếp. Thế là tôi nói với thầy hiệu trưởng rằng: “Thầy hãy nhìn xem – người Bengalis không đội mũ mà vẫn là dân tộc thông minh nhất nước ta, và người Punjabis đội khăn xếp quấn rất chặt, và họ là dân tộc kém thông minh nhất. Rõ ràng là cái mũ có liên quan đến trí thông minh, và em không dại gì mạo hiểm”.

Thầy hiệu trưởng lắng nghe tôi, rồi ông nói: “Trò này thật cứng đầu, nhưng trò ấy có lý. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này, mà điều đó đúng đấy chứ. Chúng ta có thể bỏ quy định đội mũ đi. Ai muốn đội thì cứ đội; ai không thích đội thì không cần đội, vì nó chẳng dính dáng gì đến việc dạy và học cả”.

Ông thầy giáo không thể tin nổi. Trên đường về lớp ông hỏi tôi: “Trò nói gì với thầy hiệu trưởng vậy?”.

Tôi đáp: “Có gì đâu, em chỉ đơn giản là giải thích tình huống. Em không chống đối, em sẵn sàng đội mũ. Nếu thầy nghĩ nó giúp tăng trí khôn, vậy thì tại sao chỉ đội cái mũ? Em có thể đội hai, ba cái, cái này chồng lên cái khác, nếu nó làm cho mình thông minh hơn! Em không chống đối, chỉ là em muốn thầy chứng minh điều đó thôi”.

Ông thầy bảo tôi rằng – và tôi vẫn nhớ từng lời ông ấy nói: “Trò sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời. Trò sẽ chẳng hợp với ở đâu cả”.

Tôi nói: “Được vậy thì tốt quá, em không muốn làm một tên ngốc và sống được ở khắp nơi. Tốt hơn là trở thành một kẻ ‘không thích hợp’ nhưng thông minh. Và em phải đến trường để học khôn, để em có thể trở thành một kẻ có trí khôn! Xin thầy đừng cố biến em từ một cá nhân thành một thứ đại trà cho ăn khớp với xã hội này”.

Thế là hôm sau ở trường tôi học sinh không còn phải đội mũ nữa; chỉ có ông thầy đó là vẫn đội. Bước vào cổng trường, vì đã có quy định mới là học sinh không bắt buộc phải đội mũ, tất cả các giáo viên khác, kể cả thầy hiệu trưởng, đều đến trường mà không đội mũ. Trông ông ấy thật ngố. Tôi nói với ông: “Vẫn còn thời gian đó thầy. Thầy cất mũ đi”. Và ông ấy làm theo.

Ông ấy nói: “Em nói đúng. Nếu mọi người không ai đội mũ… tôi chỉ đơn giản làm theo quy định thôi”.

Tôi nói: “Chúng ta chính là người viết ra quy định. Chúng ta có thể thay đổi nó mà không khó khăn gì. Tại sao ta lại không thể nói chuyện một cách thông minh được?”

 

Bí mật là không sợ hãi

Những bạn học của tôi rất bối rối vì tôi quấy rầy những giáo viên quá nhiều, tôi quấy rầy cả hiệu trưởng nữa và họ vẫn không thể làm gì để chống lại tôi cả. Họ thường làm gì đó sai và đó là lúc tôi chộp lấy họ, ném họ vào rắc rối. Các bạn tôi bắt đầu hỏi: “Bí mật của bạn là gì?”

Tôi nói: “Không có bí mật gì cả. Bạn phải nhận thức rất rõ ràng rằng bạn đúng và bạn có những lý do để hỗ trợ cho điều đó. Sau đó thì bất cứ ai chống lại bạn, dù cho là giáo viên hay hiệu trưởng, sẽ thấy.”

Một trong những giáo viên của tôi lao đến văn phòng hiệu trưởng với sự tức giận cực kì và muốn phạt tôi 10 rupees vì cho rằng tôi vô lễ. Tôi đi ngay sau ông ấy và trong khi ông ấy đang viết vào cuốn sổ ghi hình phạt thì tôi đứng ngay bên cạnh. Ổng phạt tôi vì thái độ không tốt của tôi. Khi ổng vừa ghi xong và quay đi thì tôi, cũng dùng chính cây bút ấy, viết vào chính cuốn sổ ấy rằng tôi cũng phạt ông thầy này 20 rupees vì thái độ không tốt của ổng.

Ông nói: “Em đang làm gì thế? Đây là sổ ghi chép dành cho giáo viên phạt tiền học sinh mà.”

Tôi hỏi: “Đâu, điều đó viết ở đâu? Trong cuốn sổ này không hề ghi là nó chỉ dành riêng cho giáo viên phạt học sinh. Em nghĩ cuốn sổ này có ý nghĩa là để phạt tất cả mọi người khi có thái độ không tốt. Nếu thầy biết chỗ nào trong cuốn sổ này ghi rằng chỉ dành riêng cho giáo viên phạt học sinh, chỉ cho em biết, em cũng muốn thấy.”

Trong lúc ấy thì thầy hiệu trưởng bước vào. Ông ấy nói: “Chuyện gì đây?”

Thầy giáo nói:“Em ấy đang làm hỏng cuốn sổ phạt. Em ấy đòi phạt tôi 20 rupees cho thái độ không tốt.”

Hiệu trưởng nói: “Điều này không đúng”

Tôi nói: “Chỗ nào trong sổ này nói rằng không học sinh nào được phép phạt giáo viên, thậm chí là khi giáo viên có thái độ không tốt?”

Hiệu trưởng nói: “Đây là một câu hỏi khó. Chúng ta không có bất cứ giấy tờ nào ghi chép điều đó cả, đó chỉ là một quy ước rằng giáo viên là người ra hình phạt”

Tôi nói: “Nó cần phải được thay đổi. Hình phạt là điều rất tốt nhưng nó không nên chỉ một phía như thế. Em có thể trả 10 rupees tiền phạt nhưng chỉ khi thầy ấy cũng bị phạt 20 rupees.”

Và bởi vì hiệu trưởng không thể yêu cầu ông thầy trả tiền cho nên ông ấy cũng không thể yêu cầu tôi trả 10 rupees, và hình phạt vẫn còn đó. Một vài năm sau tôi thăm lại ngôi trường và thầy hiệu trưởng vẫn giữ nó, thầy ấy chỉ lại cho tôi rằng: “Hình phạt ấy vẫn còn đây.”

Tôi nói: “Hãy cứ để nó ở đó cho mọi học sinh khác được biết”

Vấn đề là bạn phải tìm ra cách. Bạn phải đặt câu hỏi rằng làm sao để sử dụng lòng can đảm của bạn, trí thông minh của bạn và cả sự mạo hiểm nữa. Có gì nguy hiểm chứ? Người ta có thể làm hại bạn bằng cách nào? Cùng lắm họ có thể cho tôi rớt bộ môn của họ nhưng điều đấy thậm chí còn đáng sợ hơn vì tôi sẽ ở đó thêm một năm nữa và họ thì không khoái điểu đó chút nào. Họ muốn tôi biến đi càng nhanh càng tốt và tôi nắm được điểm yếu đó của họ. Cho nên thật là thuận tiện và tốt làm sao khi tôi không sợ họ chút nào. Giáo viên chỉ có mỗi một quyền lực là đánh rớt học sinh thôi – đấy là điều duy nhất họ có thể làm mà tôi thì không sợ, cho nên họ sợ.

Tôi nói rất rõ với các giáo viên: “Các thầy có thể đánh rớt em, không sao cả. Em có thể học lại vài ba năm, cũng không sao cả. Toàn thể cuộc đời này thật vô dụng, bằng cách nào đó thì em cũng sẽ qua đời thôi. So với việc qua đời thì việc qua lớp này hay không, đối với em chẳng quan trọng gì. Em có thể sống cả đời ở trường này cũng được nhưng em sẽ làm cho cuộc đời của các thầy như địa ngục bởi vì một khi em không còn sợ chuyện bị đánh rớt thế thì em có thể làm bất cứ chuyện gì.”

Vậy nên những giáo viên ghét tôi dần dà luôn cho tôi những điểm tốt hơn cả những gì tôi cần, chỉ để tôi chuyển qua lớp khác và không làm phiền họ nữa.

 

Bài quốc ca

Tôi không nghĩ mình khác biệt. Tôi cũng giống như những đứa trẻ khác thôi với những tinh nghịch, ngây thơ, cứng đầu, ham vui. Nhưng chỉ một khác biệt nhỏ xíu là tôi không cho phép thời thơ ấu của mình bị nhiễm độc bởi bất cứ ai cả. Và những gì mà bạn nghĩ là tinh nghịch đó, tôi không bao giờ nghĩ về nó theo cách ấy. Thậm chí ngay cả ngày hôm nay tôi cũng không cho rằng bất cứ gì tôi đã làm chỉ đơn thuần là tinh nghịch, tôi luôn có lý do của riêng tôi và đó đều là những lý do rất hợp lý.

Lần đầu tiên tôi bước vào ngôi trường trung học, ở đó họ thường tổ chức có một buổi cầu nguyện vào đầu mỗi ngày, kiểu như buổi chào cờ. Mọi người sẽ hát một bài hát và đó là bài hát rất nổi tiếng của Mirza Iqbal, một trong những nhà thơ Ấn ngữ nổi tiếng nhất thời ông ấy. Lâu như khi ngôn ngữ được dùng tới, bài hát như một mảnh ghép nghệ thuật đẹp đẽ vĩ đại, nhưng cái triết lý đàng sau nó thì thật là xấu xí. Bài hát nói “Đất nước của chúng ta, dân tộc của chúng ta, là tốt đẹp nhất trong mọi dân tộc. Đất nước của chúng ta là một khu vườn xinh đẹp và chúng ta là những chú chim họa mi trong khu vườn đó…” Và đó là cách bài hát cứ tiếp tục kéo dài mãi.

Tôi nói với thầy hiệu trưởng, người đang đứng trước 2000 học sinh và 50 giáo viên rằng: “Em sẽ không tham gia vào buổi cầu nguyện này, bởi vì đối với em nó hoàn toàn là rác rưởi. Mọi đất nước đều nghĩ về chính nó theo cùng cách như vậy và mọi đất nước đều có bản ngã ở trong đó.

Thầy hãy hỏi người Trung Quốc hay người Nhật, thầy có thể hỏi người Đức hay người Anh, thầy có thể hỏi bất cứ ai và tất cả họ chỉ đều nghĩ cùng một điều như thế. Nên những gì Iqbal đã viết ra chỉ đơn giản toàn rác rưởi giống như cái nền tảng triết học mà nó nói đến. Và em chống lại mọi khái niệm về “quốc gia”. Thế giới này nên là một thôi. Em cũng không thể nào nói rằng đất nước của chúng ta là tốt đẹp nhất trong mọi đất nước được, dù chỉ là lời hát.

Và em thậm chí còn không nhìn thấy được lý do của việc hát bài này. Nó không chỉ về việc em chống lại chủ nghĩa quốc gia, bài hát này còn không đúng sự thật nữa, bởi vì chúng ta đang có gì? – nghèo nàn, đói kém, chế độ nô lệ, bệnh tật, môi trường ngày càng ô nhiễm và những vấn đề tồi tệ khác nữa đang không ngừng gia tăng. Thế mà mọi người lại gọi là ‘khu vườn xinh đẹp của chúng ta’ và chúng ta là ‘những chú chim họa mi’ trong đó! Em không thấy dù chỉ một con chim họa mi nào ở bất cứ đâu cả! Chỉ là 50 giáo viên đang ở đây, liệu có ai dám giơ tay lên và nói ‘Tôi là môt con chim họa mi’? Thế thì hãy để cho người đó hát, và tất cả chúng ta sẽ cùng xem! Ở đây cũng có 2000 học sinh, liệu có bất cứ ai có thể nói điều đó không? Rồi hãy nhìn những học sinh tội nghiệp này!”

Họ thường đến từ những ngôi làng ở rất xa, đi hàng dặm mỗi ngày, trong bán kính ít nhất 20 dặm xung quanh thành phố, bởi vì không còn trường trung học nào khác ngoại trừ trường này cả. Tôi nói tiếp:

“Hãy nhìn những học sinh tội nghiệp này. Họ đi bộ, họ đến đây với cảm giác hoàn toàn mệt mỏi, họ cũng rất đói nữa. Và em đã thấy những gì họ mang theo: chỉ có bánh mì khô, thậm chí không có bơ nữa, và một ít muối. Đó là tất cả những gì họ mang theo và phải ăn mỗi ngày.
Đây là cây của mọi người sao, đây là khu vườn của mọi người sao? Nên xin hãy xác nhận rằng điều đó không đúng. Em không quan tâm liệu Iqbal có là nhà thơ đã đạt giải Nobel văn chương hay không. Em không quan tâm chút nào. Điều đó không làm cho em cảm thấy bài hát này đúng đắn hơn; trong mọi cách nhìn chăng nữa em chỉ thấy nó hoàn toàn là một lời nói dối. ”

Ông thầy hiệu trưởng đã cảm thấy rất sốc và khó chịu đến nỗi ông ấy không thể nói một lời, dù là những lời phẫn nộ; Mặt ông đỏ gay và run lên vì tức giận, ông ấy đi về văn phòng của ổng và mang ra một cái thước – cái thước này rất nổi tiếng – nhưng ông ta hiếm khi dùng nó. Ông bảo tôi đặt cả hai tay trước ông ấy và nói: “Đây là câu trả lời của ta, và hãy nhớ nó.”
Tôi nói: “Đây là tay của em. Thầy có thể đánh vào tay của em hay cả người em luôn nếu thầy muốn, nhưng trước khi thầy bắt đầu, nhớ rằng bắt đầu từ nơi này, em sẽ đi thẳng đến đồn cảnh sát, bởi vì đánh đòn học sinh là một điều luật cấm. Cả thầy và cây thước của thầy sẽ phải đứng phía sau tòa.”

Điều đó là bất hợp pháp nếu đánh bất cứ học sinh nào, nhưng không ai quan tâm cả. Cho đến nay, ở Ấn Độ, học sinh vẫn đang bị đánh. Và cái luật mà nói học sinh không được bị tổn hại về thể chất vẫn còn tồn tại trong ít nhất 50 năm. Nên tôi nói: “Thầy hãy quyết định đi, đây là tay em, đây là thước của thầy; thầy đang ở đây nữa. Và nhớ, đang có 2000 học sinh ở đây làm nhân chứng, 50 giáo viên cũng là những nhân chứng cho việc nay, và thầy cũng sẽ để lại dấu tích trên tay em nữa. Hãy đánh đi! Nếu thầy có bất cứ chút can đảm nào, đánh em đi.”

Tôi có thể nhớ, thậm chí ngay cả hôm nay rằng ông ấy đã đứng yên đó cứ như một bức tượng. Cái thước rơi khỏi tay ông. Ông ấy chỉ quay người và đi trở lại vào văn phòng. Tôi nói với tất cả các học sinh khác: “Bây giờ các bạn không cần phải lo lắng; chúng ta đã xong chuyện với bài hát này. Nếu họ không tìm ra một vài lý do hợp lý, chúng ta sẽ đơn giản im lặng đứng đó trong mười phút, chỉ cần im lặng.”

Giờ, bạn có gọi điều đó là tinh nghịch không? Nó có thể được gọi là tinh nghịch, và nó là tinh nghịch trong mắt của vị hiệu trưởng. Trong ba năm ông ấy tránh mặt tôi trong mọi việc. Nhưng tôi sẽ không nói nó là trò tinh nghịch mặc dù nó trông giống như vậy. Tôi không nghĩ ra bất cứ một điều gì hỗ trợ cho cái ý tưởng rằng việc đó là một trò nghịch dại cả.

Trong ba năm, trong khi tôi còn trong trường trung học, chúng tôi đã tiếp tục giữ im lặng trong giờ cầu nguyện đó. Mười phút im lặng đó vẫn tiếp tục thay thế cho việc chào cờ hát quốc ca, bởi vì họ không thể tìm ra thứ gì tốt hơn. Bất cứ thứ gì họ mang đến tôi đều có thể tìm ra những điều sai trái trong nó. Và khi không có sự chấp thuận của tôi, tôi sẽ không cho phép nó được hát lên. Vậy nên cuối cùng họ đã quyết định: “Hãy để cho thằng bé này rời khỏi đây, sau đó…” Và rồi cũng tới cái ngày mà tôi rời khỏi đó và đi đến trường đại học.

Tôi cũng đã trở lại vào một vài kì nghỉ và tôi đến đó để nhìn những gì đang diễn ra: những đứa trẻ vẫn phải lặp lại cùng bài hát đó. Tôi đi đến thầy hiệu trưởng và nói: “Em phải đến đây để kiếm tra. Những gì xảy ra dường như không chạm vào tâm trí thầy chút nào cả – thầy vẫn lại cho hát cùng bài hát đó.”

Nhưng ông ấy nói: “Bây giờ làm ơn hãy để cho chúng ta được yên đi. Ta đã sợ rằng cậu sẽ bị ở lại lớp, sau đó cậu sẽ ở lại đây thêm một năm nữa. Ta đã cầu nguyện cho cậu hãy đậu kì thi. Ta đã phải nói mọi giáo viên hãy hỗ trợ cho cậu, để giúp cậu thi đỗ. Dù sao thì cậu cũng không nên bị trượt, nếu không thì cậu sẽ phải ở lại đây thêm một năm… Nhưng giờ, xin hãy để cho chúng tôi được yên.”

Tôi nói: “Em đã trở lại nhiều lần. Em đến để kiếm tra và xem coi liệu thầy có bất cứ chút xíu trí óc nào không, và thầy dường như hoàn toàn không có chút trí thông minh nào cả. Thầy là một thạc sĩ khoa học với rất nhiều những cách tính toán – lại còn là sự mở rộng của bộ môn logic học – nhưng thầy lại không thể hiểu một điều đơn giản như vậy. Em sẽ không trở lại đây nữa bởi vì bây giờ em đã bị giữ lại ở trường đại học. Có quá nhiều vấn đề ở đó, em không thể lo cho ngôi trường của thầy được nữa.”

Trích cuốn Đứa trẻ nổi loạn, Phi Tuyết sưu tầm và dịch, thuộc bộ “Cuộc đời Nổi loạn của Osho”

Mời bạn ghé page Cuộc đời Osho để đặt mua sách (1 triệu/4 cuốn tiếng Việt màu vàng)

Namaste!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. Ngày học cuối

Ba năm dưới trường trung học cũng tới ngày rời đi. Thậm chí đến ông thầy hiệu trưởng cũng lo lắng không biết liệu tôi có đến buổi chụp hình kỉ niệm hay không. Tôi không chỉ đến, tôi đến cùng với một người thợ chụp ảnh.

Thầy hiệu trưởng hỏi: “Nhưng tại sao em lại mang theo người thợ chụp ảnh này tới đây?”

Tôi nói: “Đây là một thợ chụp nghèo trong thị trấn. Thầy cứ luôn luôn gọi một thợ chụp từ một thành phố lớn hơn, điều đó là không cần thiết. Người thợ nghèo này cần thêm việc. Em đã thấy ông ấy bán những cái ô vào mùa mưa và bán kem, soda trong mùa hè. Nhưng bất cứ nơi nào cần thợ chụp ảnh ông ấy đều nhiệt tình tới. Ông ấy chỉ là một người đàn ông nghèo, em muốn thầy thuê ông ấy thành thợ chụp ảnh chính thức cho trường này từ hôm nay. Trường này nên tôn trọng ông ấy.”

Hiệu trưởng nói: “Thôi được rồi vì em đã lỡ mang ông ta tới đây rồi”

Người thợ chụp ảnh đáng thương đã rất sợ hãi bởi vì ông ấy chưa bao giờ được gọi để chụp cái gì cả. Tôi đã phải giải thích cho ông ấy mọi thứ: cách chụp, cách sắp xếp mọi thứ… Ông ấy đã đến trường cùng tôi trong bộ đồ đẹp nhất và các thứ đồ cần thiết khác. Hiệu trưởng đang đứng ở giữa rồi giáo viên và mọi người khác xung quanh. Ông thợ ấy sắp xếp mọi người lại rồi hỏi: “Sẵn sàng chưa?” Thậm chí điều này cũng là tôi dạy ổng.

Ông ấy nói khi tôi gọi ổng đi cùng: “Tôi chưa bao giờ được làm công việc nào đáng giá như thế này, thợ chụp ảnh chính thức cho trường học sao?” Vậy nên khi làm việc ông cố tình la thật lớn: “Sẵn sàng chưa?” và sau đó ổng bấm máy rồi nói: “Cảm ơn” rồi mọi người giải tán. Sau một vài giây ông ấy la lên: “Đợi đã – tôi quên bỏ phim vào rồi” Ông ấy đổ lỗi cho tôi: “Là tại cậu hết, tại sao cậu không chỉ tôi việc phải bỏ phim vào?”

Tôi nói: “Bởi vì cháu tưởng chú là thợ ảnh thì chú phải biết bỏ phim vào chứ, không thì sao chú là thợ ảnh được?” Nhưng không sao.” Rồi tôi bảo mọi người chuẩn bị vào hàng để chụp lại lần nữa. Thầy hiệu trưởng tức giận bởi vì cả thanh tra giáo dục cũng ở đó, người góp quỹ cũng ở đó và nó thật là trò cười khi người thợ la lên rằng ông ấy quên bỏ phim vào.

Hiệu trưởng gọi tôi đến và nói: “Đây là ngày cuối cùng, em đang rời đi, vậy mà em cũng không chịu rời đi nếu như không gây thêm trò nghịch ngợm sao? Ai bảo em gọi người thợ này. Hắn ta là đồ ngu. Đó là lý do chúng ta đã từ chối hắn ta nhiều năm nay, giờ thì em thấy rồi đấy”

Tôi nói: “Nhưng nó là một trò cười vui mà, mọi người đang tập trung ở đây hôm nay sẽ nhớ về ngày này cả đời họ. Thầy nên trả cho ông ấy thêm một ít mới đúng, và nhớ rằng từ bây giờ thầy phải thuê ông ấy mỗi năm đấy.

Ông ấy nói: “Em đang rời khỏi đây hay em tính vẫn ở lại đây vậy? Đây là việc của trường học, chúng ta quyết định sẽ thuê ai”

Tôi nói: “Không phải việc của trường học đâu. Em đã bảo với các lớp khác – những người rất thích em – rằng hãy để ý tới người thợ này xem ông ấy có được gọi tới trường mỗi năm không, nếu như ông ấy không xuất hiện, em sẽ xuất hiện đấy.”

Hiệu trưởng, có lẽ không muốn nhìn thấy tôi thêm lần nào nên nói: “Thôi được rồi, được rồi, ông ấy sẽ là thợ chụp chính thức vậy.”

Tôi nói: “Em muốn thầy viết giấy xác nhận điều đó, bởi vì em không tin tưởng lời thầy chút nào.” Và ông ấy đã phải viết một giấy xác nhận mời người thợ tội nghiệp làm thợ ảnh chính. Tôi đưa nó cho người thợ, ông ấy nói: “Tôi đã rất lo lắng, nhưng cậu đã làm một việc tuyệt vời. Cậu đã biến tôi thành một thợ ảnh chính thức. Tôi có thể khoe tờ giấy này tới mọi bữa tiệc, mọi đám cưới và chứng minh rằng tôi không phải đồ ngu như mọi người vẫn nghĩ. Tôi là thợ chính thức của ngôi trường tốt nhất thị trấn. Nhưng cậu  thấy tôi làm việc thế nào?”

Tôi nói: “Ông đã làm rất tốt”

Ông ấy nói: “Chỉ một lỗi thôi đúng không?”

Tôi nói: “Đó không phải là lỗi, nó là một điều rất thực, nhờ việc ông quên bỏ phim mà tình huống đã trở nên thật vui nhộn và thú vị. Ông là một thiên tài.”

Ông ấy đã trở thành thợ chụp chính thức cho ngôi trường từ ấy. Bất cứ khi nào tôi trở lại thị trấn tôi đều đến hỏi ông để xác nhận lại. Ông ấy nói: “Nhiều hiệu trưởng đã đổi nhưng họ tiếp tục thuê tôi. Cậu nói đúng, nó là món quà lớn khi rắc rối xảy ra ở lần đầu tiên, nó không bao giờ xảy ra nữa. Tôi không bao giờ quên bỏ phim vào máy nữa.”

*

Tôi thường nghĩ, thỉnh thoảng thôi, rằng có lẽ tôi khác biệt với những người khác bởi vì không ai dường như tạo ra nhiều rắc rối như tôi. Nhưng tất cả rắc rối đều đem lại cho tôi những sức mạnh mới và những kinh nghiệm lạ mà người khác- những người giả vờ rằng họ mạnh – không thể đấu lại.

Mọi người, bất kể ai quan tâm tôi, mỗi ngày họ đều lo lắng rằng tôi có thể sẽ làm gì đó và tôi không bao giờ lên kế hoạch cho bất cứ thứ gì. Mọi thứ chỉ đơn giản xảy ra.

Chỉ sự hiện diện của tôi là đủ tạo rắc rối, nhất định sẽ có gì đó xảy ra.

Tôi muốn mọi người cũng sống theo cách đó. Không có sự khác biệt trong tình huống hay con người. Tôi muốn mọi đứa trẻ được sống trong cùng cách đó để chúng có thể nhớ mọi khoảnh khắc đã xảy ra trong đời chúng thật rực rỡ, hoàng kim.

Tôi không nhớ bất cứ gì mà có thể nói là “Không nên xảy ra” hay “không nên xảy ra theo cách đó”. Cách mà mọi thứ xảy ra tôi tận hưởng và yêu thích rất nhiều nhưng mọi người lại luôn lo lắng rồi tôi sẽ phá hỏng tất cả.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *