“Con là con ta yêu dấu. Ta hài lòng về con mọi đàng”
Sự tồn tại hay Hiện hữu có thể chia thành ba lớp. Lớp ngoài cùng là lớp thô nhất, hiển lộ rõ ràng nhất, nó tồn tại một cách khách quan mà bạn có thể dễ dàng dùng giác quan của mình để cảm nhận: cây cối, đá gỗ, nước, đất… mọi thứ. Đây là lớp vật chất. Lớp mà khoa học nghiên cứu và tập trung. Nếu như bạn mắc kẹt cuộc sống của mình ở lớp này, tức là quy cuộc sống của bạn về chỉ mỗi vật chất – bạn đang chỉ sống ở lớp ngoài cùng của sự tồn tại. Thế thì bất kể vật chất có nhiều bao nhiêu về số lượng, đời bạn vẫn cứ là một sự vô nghĩa.
Thế rồi có lớp thứ hai, tinh tế hơn, gần như vô hình. Người ta có thể cảm thấy nó, mường tượng nó nhưng chẳng thể dùng giác quan để mà đụng chạm hay sờ mó nó. Lớp thứ hai này là tinh thần, bao gồm cả tâm trí và tâm hồn. Gồm suy nghĩ, suy tư, ý tưởng, mơ mộng, cảm xúc, yêu thương, đam mê, hờn giận… nói chung là mọi thể loại cảm xúc mang tính chủ quan. Lớp hiện hữu này là đối tượng nghiên cứu của phân tâm học.
Triết học nhảy lòng vòng suy luận về mối liên quan của hai lớp này. Cái nào trước cái nào sau, cái nào quy định cái nào, cái nào dẫn tới cái nào… Khoa học đã đi tới điểm khám phá về bí mật của năng lượng: cả hai lớp này đều cấu thành từ năng lượng, chỉ khác nhau về cách thức biểu hiện.
Thế rồi vượt lên trên cả hai lớp hiện hữu này là một lớp nữa, hay cũng có thể coi như cái lõi – trung tâm của hiện hữu – là một thứ năng lượng tinh tuyền – cái nguồn. Đây là nơi vượt ra khỏi ranh giới vật chất lẫn tinh thần, là nơi thời gian lẫn không gian đều không tồn tại, là nơi không chủ quan mà cũng chẳng khách quan. Nó tồn tại khách quan ở đó nhưng chỉ những người đã đạt tới mới có thể biết nó được, mà biết một cách rất chủ quan, không thể trao truyền, không thể diễn đạt. Một vị Phật, một người nhận biết, một Christ – họ đã đạt tới lớp hiện hữu tinh tuyền ấy và họ có thể mô tả một chút cho bạn, nhưng họ tuyệt đối không thể trao nó cho bạn như thể trao một thứ đồ thừa kế. Họ chỉ có thể cho bạn bản đồ và bạn – chính bạn phải khám phá ra nó một cách chủ quan, không ai khác có thể làm nó thay cho bạn.
Lớp thứ ba hay lớp lõi này của hiện hữu, là nguồn, là Thượng đế. Nó không ở quá xa đâu. Rất thường xuyên chúng ta cảm thấy nó, những khoảnh khắc thoáng qua mà ta thấy mình chẳng ở trong thời gian hay không gian, hoàn toàn quên mất mình, hoàn toàn không suy nghĩ, chỉ thảnh thơi, bình yên, phúc lạc. Những khoảnh khắc này cứ tới rồi đi, chỉ người tỉnh táo mới nhận ra nó. Mỗi khoảnh khắc mà bạn có thể “tới’ nguồn và trở lại, bạn thấy khoan khoái đầy sinh lực, yên bình và đầy biết ơn – kể cả khi bạn đang trong những giai đoạn khó khăn trong đời hay tình huống ngặt nghèo chăng nữa. Chỉ cần một khoảnh khắc bạn được kết nối với “nguồn” này, bạn thấy tràn đầy sinh lực, an vui và… trống rỗng. Nhưng cái trống rỗng này là tốt, nó không tiêu cực cũng chẳng tích cực, nó đơn giản trỗng rỗng và rất im lặng.
Bạn bè hay hỏi thăm tôi ra sao, tôi thường đáp rằng mình ổn, không vui không buồn, không có gì để phàn nàn mà cũng chẳng có gì để mở tiệc liên hoan… Trạng thái cân bằng này nếu bạn nhìn theo con mắt của đời sống vật chất lẫn tinh thần, bạn sẽ thấy nó là nhàm chán, đơn điệu, vô nghĩa. Nhưng nếu nhìn nó theo con mắt thứ ba – con mắt của đời sống tâm linh – nó là bình an, là phúc lạc.
Cơ-đốc giáo hay còn gọi Ki-tô giáo đã “hình tượng hoá” ba lớp hiện hữu này thành hình tượng vô cùng kinh điển: Cha – Con – Thánh Thần.
Thượng đế – Con: là năng lượng tinh thuần (Cha) mặc khải làm người, lấy hình dạng của vật chất, biểu lộ mình dưới dạng vật chất, để mang theo ân sủng từ Cha, từ nguồn đến cho nhân loại. Chúa Con là hình tượng biểu trưng cho lớp hiện hữu Vật Chất. Một “thứ” mà nhân loại có thể thấy, sờ, nghe và chạm – nếu họ thật sự có mắt và có tai…
Thượng đế – Thánh Thần: được sinh ra như tình yêu của Cha và Con, là sự kết nối và mối liên hệ không thể tách rời giữa Cái Toàn Thể và Cái Bộ Phận, Cái Tổng và Cái Nhỏ, là cầu nối giữa thế giới Vật Chất với thế giới Tâm Linh – đó là thế giới Tinh Thần: lớp thứ hai của hiện hữu: nơi tình yêu, cảm xúc, suy tư… ngự trị. Tinh thần chỉ là cầu nối, là phương tiện để biểu đạt cái Thiêng Liêng. Đó là lý do chúng ta nói rằng Nghệ thuật là những nỗ lực để diễn đạt cái không thể diễn đạt, Thánh Thần là Tình Yêu và Tình Yêu là chất kết nối đưa người ta từ thế giới vật chất tới với thế giới tâm linh vĩnh hằng.
Và thế rồi có Thượng đế – Cha: cái nguồn, nơi sinh ra mọi sự, nơi đã tạo ra cả vật chất lẫn tinh thần, cảm xúc, tình yêu… Cha là cái nguồn của mọi sự. Đừng nhìn chữ Cha và Con như thế người bố và người con. Không, đây chỉ là hình tượng. Cha và Con ở đây hãy hiểu như một tập hợp: Tập hợp Cha và Tập hợp Con. Con là một phần của Cha, Con chính là Cha. Theo cách hiểu này, Thượng đế không phải chỉ có một con trai duy nhất, Ngài đâu “bất lực” thế. Nhưng mọi sự trên đời, mọi người, mọi thứ hiện hữu từ vật chất đến tinh thần, đều là con, là phần tử của Ngài và khoảnh khắc một phần tử con nhận ra nó là từ Cha, nó là một phần của Thượng đế, của Vũ trụ – nó sẽ nghe thấy có tiếng từ trời: “Con là con ta yêu dấu, ta hài lòng về con mọi đàng.”
“Hài lòng mọi đàng” là một từ đắt giá – Hài lòng là hài lòng, không khen chẳng chê, không kì vọng chẳng thất vọng, không tiêu cực chẳng tích cực, đơn giản hài lòng, đơn giản chấp nhận. – Mọi đàng là bất kể bạn như thế nào, Cha luôn yêu Con, Cái Toàn thể luôn luôn yêu mến cái Bộ phận, vì làm sao mà nó không yêu được. Làm sao bạn có thể quyết định bạn yêu tay hơn chân, phổi hơn gan? Bạn yêu tất cả như nhau chứ.
“Con là con ta yêu dấu, ta hài lòng về con mọi đàng”. Đừng tưởng đây là câu Thượng đế chỉ nói với Jesus, không phải đâu. Thượng đế nói câu này với tất cả mọi sự, mọi người, trong mọi khoảnh khắc. Bạn chỉ cần đủ tĩnh lặng để có thể nghe. Để tĩnh lặng đủ để nghe tiếng Ngài, tiếng của Cha tức là đủ tĩnh lặng để tiếp cận “nguồn”. Bạn sẽ cần phải tĩnh lặng trên hai “lớp vỏ” trước: lớp vật chất và lớp tinh thần.
Ngay bây giờ, lớp vật chất của bạn còn đang rối loạn, đầy tham đầy sợ. Lớp thứ hai cũng không khác gì, thậm chí còn hỗn loạn hơn vì cái gì tinh tế thì cũng hỗn loạn theo cách tinh tế, bạn có thể giả vờ với người ngoài nhưng không thể giả vờ với chính bạn. Bạn có thể nói “tôi ổn”. “Tôi đang hạnh phúc”. “Rất là hân hạnh và vui khi được gặp anh.” vân vân mây mây Nhưng bên trong bạn biết đó là nói dối. Bên trong bạn là cơn bão của những cảm xúc khác. Rất hỗn loạn. Cực kì hỗn loạn. Bạn không thể giả vờ đâu.
Làm tĩnh lặng hai lớp hiện hữu này đi, thông qua thiền, tỉnh thức, nhận biết, quan sát… bạn sẽ chạm tới cái lõi của hiện hữu: cái nguồn. Bạn sẽ nghe thấy tiếng từ trời “Con là con ta yêu dấu. Ta hài lòng về con” và hoa từ trời mưa xuống, chim chóc đến đậu trên vai bạn, trên tay bạn nước cũng hoá thành rượu để thiên hạ mở tiệc ăn mừng…
Khoảnh khắc bạn có thể chấp nhận và hài lòng về chính mình – cả vũ trụ hài lòng về bạn.
Phi Tuyết, triết gia trong bộ đồ ngủ,
vào một chiều âm u tuyệt đẹp!
Namaste
21/09/2020