Một chủ nhật thuộc tháng bảy, tôi đi nhà thờ, vị linh mục giảng những câu mà tôi không chấp nhận được, ông nói “Chúng ta là những người công giáo, chúng ta hơn người các tôn giáo khác ở chỗ chúng ta có Chúa, chúng ta có tình yêu, vậy nên chúng ta phải cảm thấy hãnh diện, tự hào bởi vì mình có đức tin ấy mà người khác không có” – Tôi ráng nghe hết bài giảng ấy để xem có gì khác hơn không, mà không có nên tôi đi về sớm. Chả nhẽ người không theo Công giáo là không có đức tin, không có tình yêu à? Cái sự phân biệt mình với ta, người này với người khác này, tôi không muốn tham gia. Tôi mệt!
Hôm qua tôi bắt một chuyến xe của Goviet, chú tài xế thấy tôi ở ngay khu vực rất nhiều chùa nên đã hỏi chuyện khá nhiều. Khi biết tôi không rành Phật giáo, chú ta đã biến ngay thành một người truyền đạo, chú ấy nói “Chú hiểu biết và thong suốt tất cả mọi điều về Phật giáo, cái gì không biết, cứ hỏi chú. Không có nhiều người biết và hiểu về Phật giáo thật sự như chú đâu. Mà nói thật với con, chỉ có Phật giáo là số một, là đúng đắn nhất, là chân lý, mấy tôn giáo khác là vớ vẩn hết. Tại vì Phật có thật, ổng là người từng sống mà.”
Tôi nói “Ủa Jesus cũng có thật mà chú” Ông chú lập tức đổi giọng ngay “Thật gì mà thật. Mấy ông đó là giả hết, chuyện bịa hết. làm gì có ai trên đời chết rồi mà sống lại. Ngoài Phật ra, không có ai là thật cả.”
Tôi mệt. Tôi lại thấy mệt, tại sao cứ nhắc đến tôn giáo là lại mệt mỏi như vậy nhĩ? Bởi vì mọi người dùng tôn giáo để hơn thua nhau, để cạnh tranh nhau, chứ dường như không mấy ai dùng tôn giáo để tìm đến với chân lý cả. Tôi mệt nhưng cố nói “Mọi tôn giáo đều chung chân lý, chẳng qua thời đại khác nhau, văn hóa khác nhau, ngôn từ khác nhau nên cách diễn dịch của các tôn giáo là khác nhau thôi. Chú thấy mỗi cái hay của mình mà không thấy cái hay của người khác, như vậy có phải là chú quá cố chấp không?” Chú
ấy không vừa đâu nhé, chú nói “Con như vậy là không có chánh kiến, người có chánh kiến như chú không bao giờ tin chuyện nhảm nhí”
“Vậy sự khác biệt của chánh kiến và cố chấp là gì? Người khăng khăng tin mình đúng, chẳng phải là cố chấp sao?”
“Chú không thèm nói chuyện với con nữa.”
Tôi thầm cảm ơn trong lòng nhiều lắm vì chú ấy nói vậy. Nói thật, tôi mệt tranh luận quá rồi. Tranh luận không dẫn tới đâu cả ngoài sự tức giận, bực bội mà thôi. Tôi mệt luôn cả những người mệnh danh là sùng đạo – bất cứ đạọ nào. Sự sùng tín không dẫn ai tới hạnh phúc bao giờ cả. Không một ai khiêm tốn, từ bi, bác ái, yêu thương như những gì tôn giáo của họ dạy cả.
Dự án tôi đang làm có liên quan đến vấn đề tôn giáo nên tôi thường hay tìm hiểu nhiều điều về các tôn giáo. Càng tìm hiểu càngthấy mọi tôn giáo đều có cái hay, cái thú vị đáng học hỏi, lẫn những cái râu ria rườm rà đáng bỏ đi, đáng diệt trừ. Link này dành cho những ai muốn tìm hiểu về cuộc đời của Phật theo cách thật dễ thương (hình ảnh đẹp như truyện tranh)
http://butsen.net/thu-vien-anh/cuoc-doi-duc-phat-thich-ca
Tôi ráng tìm một link như vầy về cuộc đời Đức Jesus nhưng không thấy, thật tiếc. Đạo Công giáo làm mọi thứ phức tạp lên, họ không thích làm cho cuộc đời Jesus thành thứ đơn giản mọi người đều có thể thấy và hiểu hay sao? Chả trách người tôn giáo khác chẳng biết gì về Jesus, như ông chú tài xế bên trên còn không biết là Jesus có thật cơ đấy!
Trong lúc tìm link, tôi tìm thấy một dự án của nữ họa sĩ người Nhật Hikaru Nakamura được chuyển thể thành phim hoạt hình, bộ phim nói về việc Chúa Jesus và Phật Thích Ca cùng nhau đi nghỉ ngơi tại một thành phố ở Nhật thời hiện đại để vi hành, sau hàng thế kỉ mai danh ẩn tích. Họ chia sẻ một căn hộ chung, Chúa Jesus và Đức Phật có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người phàm trần: hàng ngày đi shopping, viết blog về các loạt phim truyền hình mà họ yêu thích, vất vả tìm cách qua mặt bà chủ nhà khó tính và hay săm soi… Hàng loạt tình huống hài hước từ đó nảy sinh, nhất là khi hai nhân vật vẫn giữ nguyên bộ dạng như trong truyền thuyết, khiến người dân Nhật Bản luôn nghĩ rằng họ là hai kẻ sùng đạo. Nhưng chính những tình huống rất “người” khiến Chúa Jesus và Đức Phật hiểu hơn về cuộc sống và con người phàm trần thời hiện đại.
(Thật thú vị, tôi muốn coi phim này, ai có link thì share ở comment cho mọi người cùng xem nhé)
Một chi tiết khác thật hay, bộ phim được chiếu ở Nhật nhưng lại không được chiếu ở thị trường Bắc Mỹ vì bên bản quyền lo sợ tác phẩm bị đánh giá “nhạy cảm” ở nơi đó. Mỹ – đất nước của tự do ngôn luận và tự do tư tưởng, không hoàn toàn tự do như bạn nghĩ đâu, Hoặc tự do nhưng sẽ phải đánh đổi bằng cái chết gây ra bởi những kẻ tự do khác. Tôi chợt nhớ đến câu nói của Osho “Mỹ là đất nước đạo đức giả” không phải là không có nguyên do.