Sự ngưỡng mộ

tháng 1/2021
– Chị Phi Tuyết ơi, em ngưỡng mộ chị lắm, em mong một ngày được gặp chị.
– Ối, chị cảm ơn em nhưng mà đừng tham nha, em được chọn một thôi, muốn tiếp tục ngưỡng mộ thì đừng gặp, vì một khi gặp rồi là hết ngưỡng mộ đấy.
Mình đã may mắn nhận được lời thổ lộ từ khá nhiều người lạ (theo nghĩa chưa gặp nhau trực tiếp) rằng họ ngưỡng mộ mình. Và chuyện thường xảy ra là sau khi gặp mình xong rồi thì họ… hết ngưỡng mộ.
Không đùa đâu!
Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết điều này. Thật ra ngay cả những người đã gặp mình và đã thôi ngưỡng mộ mình cũng sẽ ngạc nhiên khi nghe mình nói điều này. Bởi vì bản thân họ đôi khi cũng không đọc vị được cảm xúc của chính họ. Để đọc được cảm xúc của người khác bạn phải rèn khả năng quan sát của bạn theo chiều sâu và điều này cần thời gian. Đọc cảm xúc bên ngoài là một chuyện nhưng cảm xúc của bên trong bản thể còn khó hơn nữa.
Vậy tại sao mọi người lại hết ngưỡng mộ mình sau khi gặp? Bởi vì điều đó là tự nhiên, là điều tất yếu sẽ phải xảy ra sau mọi cuộc gặp. Hệt như câu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở” vậy đó.
Nếu như bạn vẫn còn ngưỡng mộ mình sau khi gặp, nghĩa là cuộc gặp gỡ của chúng ta đã thất bại rồi, nghĩa là chúng ta đã chưa thực sự ở cùng nhau và chưa biết về nhau đủ để cảm thấy không còn khoảng cách.
Vâng, không như bạn nghĩ về sự ngưỡng mộ, rằng khi bạn gặp ai đó mà bạn yêu quý và người đó đúng đích xác những gì bạn yêu hoặc thậm chí hơn, thì bạn sẽ vẫn cứ ngưỡng mộ người đó. Sự thật không như vậy. Khi bạn ngưỡng mộ ai đó và bạn có điều kiện tiếp xúc người đó gần thật gần, bỗng dưng sự ngưỡng mộ sẽ biến mất. Tại sao?
Điều thứ nhất cần làm rõ, hâm mộ là thứ cảm giác của bên ngoài – layer bên ngoài. Khi sự hâm mộ này đi sâu hơn vào layer bên trong thì nó trở thành ngưỡng mộ. Chúng ta không nhắc tới việc hâm mộ vì những thứ bên ngoài thật ra cũng không có gì nhiều để mà nói. Nhưng về ngưỡng mộ thì chúng ta sẽ có vài điều muốn làm rõ hơn. Bởi vì khi ta làm rõ được cái bên trong thì những cái bên ngoài tự nhiên cũng trở nên rõ ràng mà chả cần cố gắng bóc tách gì cả.
Hiểu và biết thế giới bên trong tự dưng bạn sẽ hiểu và biết thế giới bên ngoài là vì vậy.
Mình đã quan sát về sự ngưỡng mộ từ cả bên trong và bên ngoài, từ cả hai phía: phía ngưỡng mộ và phía được ngưỡng mộ thành ra mình có vài điều để nói về nó. Những điều này mang tính chủ quan cá nhân, bạn không cần đồng ý. Nhưng nếu bạn đồng ý, thế thì nó là của bạn. Giờ hãy cùng nhau đi sâu vào quan sát sự ngưỡng mộ dưới đôi mắt của Phi Tuyết nhé.
Bản thân mình khi nhìn lại cuộc đời thì nhận ra hình như mình chả ngưỡng mộ một ai. Thích thì có, phục cũng có, nể có, sợ có, yêu có ghét có nhưng ngưỡng mộ – chưa bao giờ. Ngay cả với người mình yêu thích nhất nhất quả đất và muốn đạt được những gì người ấy đã đạt tới – là Osho, nhưng tình cảm đó vẫn không phải sự ngưỡng mộ chút nào.
Điều thứ hai, bạn chỉ có thể ngưỡng mộ thứ đang ở xa xa với bạn. Ngưỡng mộ là kiểu cảm giác của bên dưới nhìn lên. Người kém hơn nhìn người tốt hơn và cảm thấy ngưỡng mộ người tốt hơn đó. Nói tóm lại, ngưỡng mộ chỉ có thể sinh ra khi có khoảng cách. Giống như sự quan sát, bạn chỉ có thể quan sát cái gì đó hay ai đó khi bạn còn khoảng cách với thứ đó. Không có khoảng cách làm sao quan sát?
Bạn có thể ngưỡng mộ bầu trời, ngưỡng mộ mặt trời, ngưỡng mộ mặt trăng nhưng bạn sẽ không dùng từ ngưỡng mộ khi bạn chiêm ngắm một cọng cỏ, một hòn đá hay một chú chim bay qua trước mặt.
Bạn sẽ thấy ngưỡng mộ trái đất khi bạn là phi hành gia bay trong không gian vũ trụ và nhìn trái đất từ khoảng cách xa. Bạn không ngưỡng mộ trái đất khi bạn đang đứng trên mặt đất.
Bạn có thể thấy ngưỡng mộ người ngoài, người xa lạ dễ hơn rất nhiều so với người thân trong nhà, kể cả khi hai người này làm điều tương tự nhau.
Sự hâm mộ, ngưỡng mộ chỉ xảy ra khi người ngưỡng mộ và thứ được ngưỡng mộ còn trong một khoảng cách nhất định về địa lý hoặc tâm lý. Khoảng cách này tách rời hai chủ thể. Bạn không thể nào ngưỡng mộ thứ quá gần gũi với bạn và càng không thể ngưỡng mộ thứ không tách rời với bạn.
Bạn có ngưỡng mộ đôi mắt của bạn không nếu biết về sự thần kì của nó, khả năng phân màu và phản chiếu ánh sáng của nó? Khi bạn có mắt và bạn là mắt, bạn chẳng mảy may bận tâm về ngưỡng mộ. Nhưng bạn sẽ ngưỡng mộ đôi mắt của bạn ngay nếu như bạn là chuyên gia quan sát và nghiên cứu về những năng lực của mắt.
Rồi tương tự, bạn có ngưỡng mộ tâm trí của bạn không? Cách trí não hoạt động và cách nó điều khiển cuộc đời bạn? Bạn sẽ không đâu, nhưng nếu bạn là một thiền nhân và quan sát tâm trí mình lẫn cách nó hoạt động, bạn sẽ ngưỡng mộ nó đấy. Thật ra viết tới đây mình mới sực nhớ, thứ duy nhất mình ngưỡng mộ có lẽ chính là nó – tâm trí. Mình nể phục sự tinh vi trong cách nó hoạt động, từ cách nó điều khiển người ta cho tới cả cách nó lừa người rằng người ta đang điều khiển nó. Thật sự thâm sâu, uyển chuyển và nghệ thuật vô cùng luôn.
Rồi tương tự, bạn có ngưỡng mộ hơi thở của mình không? Tất nhiên là không. Ai lại đi ngưỡng mộ hơi thở, khùng sao? Hơi thở là một phần của bạn và nó quá gần gũi với bạn nên bạn chẳng thể nào nghĩ đến chuyện ngưỡng mộ nó. Mọi thứ khác cũng như vậy. Thứ quá gần gũi sẽ không thể sinh ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ chỉ có thể nảy sinh khi hai thứ, hai vật thể ở xa nhau.
Trở lại với việc tại sao nhiều bạn hâm/ngưỡng mộ mình. Vì các bạn ở xa mình và chỉ thấy mình qua màn ảnh, qua những gì mình viết, qua các video hay nếu có gặp trực tiếp thì khoảng cách vẫn đo được qua bục sân khấu. Nói chung là bạn và mình luôn có khoảng cách. Từ khoảng cách này bạn thấy mình hay hay, năng lượng tốt, viết tốt, sống tốt, sống đẹp, sống tự do và đủ đầy, thế là bạn sinh ra ngưỡng mộ vì bạn chưa có được những thứ đó.
Nói nhanh cho nó vuông, là bạn chỉ ngưỡng mộ mình khi bạn còn đặt bản thân ở tâm thế người bên dưới nhìn lên bên trên. Bên trên này đừng hiểu theo nghĩa bàn thờ, nhưng bên trên này nghĩa đơn giản là người kia có cái gì đó hơn mình, có cái gì đó mình chưa có và muốn có, muốn đạt được. Thế thì sinh ra sự ngưỡng mộ.
Tất nhiên những gì bạn thấy qua màn hình này là đúng, mình quả thật là sống rất đẹp, thanh thản, độc lập, có chút nhận thức, cuộc sống xem bộ có ý nghĩa, nhiều trải nghiệm, đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần và đặc biệt là rất tự do. Trong đó thì tự do là thứ “đồ xa xỉ” nhất mà tất cả mọi người đều mong ước và thèm muốn. Cho nên một cách tự nhiên bạn sinh lòng ngưỡng mộ mình hay ngưỡng mộ bất cứ ai có những thứ mà ban muốn có. Nhớ nhé, điều này là tự nhiên không có gì sai trái cả. Lại mở ngoặc xin phép nhắc lại điều mình cứ hay nhắc đi nhắc lại rằng trên đời không có đúng sai gì cả. Hoặc mọi thứ đều đúng cả.
Thế rồi tại sao gặp mình xong bạn lại hết ngưỡng mộ? Vì nó cũng là tự nhiên. Khi khoảng cách sinh ra sự ngưỡng mộ thì hết khoảng cách sẽ hết ngưỡng mộ là lẽ đương nhiên. Hệt như việc các cặp đôi đang yêu và cặp đôi đã kết hôn vậy đó. Kết hôn rồi thì sống cùng, sống cùng thì hết khoảng cách và mọi “mặt thật” lộ ra khiến người ta vỡ mộng về nhau, “sáng mắt” về nhau, thôi yêu nhau nồng thắm kiểu mộng mơ lãng tử và nhường chỗ cho “cơm áo gạo tiền”. Nhưng thành thật mà nói thì “cơm áo gạo tiền” chỉ là cái tên đẹp của sự tránh né nhau. Tránh né những cảm xúc mà hai người có về nhau và tránh né luôn cảm xúc thật mà mỗi người có về chính mình.
Khi hai người yêu nhau thì đời màu hồng, khi cưới nhau về hồng chuyển sang đen. Không phải hôn nhân biến hồng thành đen đâu, mà là lần đầu tiên bạn gỡ đôi mắt kiếng yêu ra, gỡ khoảng cách ra để tiến về nhau sát đến độ hiểu về nhau rõ tới mức chán kinh lên được. Sự thất vọng của mọi người trong hôn nhân là sự thất vọng về bản thân người ta. Thất vọng vì mình đã không tỉnh táo thấy những điều này trước đây, thất vọng vì mình đã vội vã, thất vọng vì mình đã không tìm hiểu kĩ hơn, thất vọng vì đã không lắng nghe cảm giác thực của mình. Sự thất vọng về bản thân thường xuyên được chuyển hướng thành sự thất vọng về người kia, để bản thân mình cảm thấy dễ chịu và không phải chịu trách nhiệm. Chúng ta quen đổ lỗi vì lý do đơn giản, nó khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn.
Ngưỡng mộ cũng vậy. Chúng ta quen ngưỡng mộ những người có thứ mà ta không có vì lý do đơn giản, nó cho ta cảm giác dễ chịu và chấp nhận rằng họ hơn mình, mình không cần cố gắng làm gì cả. Ngưỡng mộ sự giàu có thì dễ hơn là tự mình đi làm giàu nhưng vẫn cho ta cảm giác mình trong cuộc. Khen người có thân hình đẹp và ngưỡng mộ thì dễ hơn tự mình đi tập để có thân hình đẹp. Ngưỡng mộ ai đó giỏi giang thì dễ và nhanh hơn việc tự tìm điểm giỏi của mình để phát huy. Chúng ta luôn vô thức hướng theo cái dễ vì chúng ta sẽ không cần phải cố gắng chút nào.
Có những sự ngưỡng mộ nó cho người ta động lực để cố gắng nhưng thường thì khoảnh khắc người ta đạt được thành quả từ động lực đó rồi thì tự động sự ngưỡng mộ trước đó cũng tiêu tan. Nó biến thành sự quý mến, sự tôn trọng, sự kính trọng nhưng sẽ không phải là sự ngưỡng mộ nữa.
Ví dụ tôi ngưỡng mộ những cô nàng tập tạ có vòng eo 60, vòng mông 90 vì tôi không có những điều đó. Khoảnh khắc tôi tập luyện và có số đo đó rồi thì mắc mớ gì ngưỡng mộ nữa? Hay ví dụ các bạn nam ngưỡng mộ người thành đạt có nhà biệt thự xe sang, khoảnh khắc bạn nam có những thứ đó rồi thì mắc mớ gì ngưỡng mộ những người giống mình nữa?
Người ta không ngưỡng mộ những thứ người ta có. Người ta không ngưỡng mộ những thứ người ta thấy rõ rằng mình cũng có khả năng có.
Bạn có nhìn ra không? Bạn ngưỡng mộ các ca sĩ, doanh nhân, diễn viên, nghệ sĩ… vì bạn biết bạn khó hoặc không thể được như họ. Nhưng bạn có ngưỡng mộ Phật không? Bạn có ngưỡng mộ Jesus, Lão Tử, Osho? Chẳng ai nói “Tôi ngưỡng mộ Phật” hay “Tôi ngưỡng mộ Jesus” cả. Tại sao? Tại vì bản thể bên trong của bạn biết, vô thức của bạn biết rằng bạn cũng là một vị Phật, bạn cũng là con của Thượng đế. Bản thể bên trong hay linh hồn của bạn biết rằng một ngày nào đó bạn cũng sẽ đạt tới điểm nhận thức của họ, có thể không kiếp này mà một vạn kiếp sau nhưng nhất định sẽ đến ngày ấy vì đây là luật bất biến và khách quan áp dụng lên mọi sự mọi sinh linh từ cọng cỏ, muôn thú đến con người. Luật rằng mọi sự sinh ra từ cái không và sẽ trở về cái không. Đơn giản vậy thôi.
Thế thì lại trở lại, tại sao khi gặp mình xong bạn sẽ mất sự ngưỡng mộ? Vì mình biết mình sẽ làm bạn vỡ mộng. Nhưng không phải kiểu vỡ mộng rằng “hoá ra cô ấy chẳng như mình nghĩ” mà là vỡ mộng kiểu “Ồ hoá ra trước giờ mình chưa bao giờ nghĩ như vậy”. Lời có thể giống nhau nhưng nghĩa khác nhau hoàn toàn.
Nếu bạn “đóng khung” Phi Tuyết là cô gái tiểu thư hay người rất chỉn chu, người quy củ, người khó tính, người dễ tính… bất kể cái khung của bạn là gì, khi gặp mình bạn sẽ nhận ra mình không theo một cái khung nào cả, cả tốt hay xấu, thế thì khung vỡ ra và bạn vỡ mộng. Đây là trách nhiệm của bạn ngay từ đầu, vì bạn đã “đóng khung” mình đấy chứ. Nhiều người nghĩ mình tiểu thư văn vẻ này nọ, đến rồi mới thấy hoá ra mình đúng như vậy thật nhưng còn kèm theo đủ thể loại cà chớn, cà khịa, cà kê, khi thì nhí nhố nhõng nhẽo như đứa trẻ, lúc thì già còn hơn bà nội. Nói chung là mình rất bình thường, rất vớ vẩn thôi chứ chẳng có gì đặc biệt cả.
Đa phần mọi người vỡ mộng cái mộng đầu tiên là nhận ra bản thân Phi Tuyết không có gì đặc biệt hay khác thường hết. Cũng đói thì ăn, mệt thì ngủ, vui thì nói, giận thì im, hơi lười lười, ngày thay 3 bộ quần áo, thích đùa giỡn, thích chọc cười, thích đọc sách và nói chung là thích đủ thứ, rất rất bình thường.
Cái vỡ mộng thứ hai của mọi người là thuộc về cá nhân mọi người, không liên quan Phi Tuyết. Kiểu như bạn nhận ra rằng “Ô, hoá ra sống thiền đơn giản thế, thú vị thế, thế mà trước giờ mình cứ tưởng nó khó khăn khô khan. Thiền như Phi Tuyết mình cũng làm được và mình nhất định sẽ làm.” Khoảng cách biến mất, bạn thôi ngưỡng mộ (tâm thế quan sát) mà chuyển qua tâm-thế-trở-thành (tâm thế hành động) để đạt được thứ mà bạn vẫn luôn chỉ quan sát từ xa.
Mọi người khi gặp mình đều ngạc nhiên về chung một điểm: Phi Tuyết thân thiện dễ gần quá. Đúng là như thế. Kiểu như khi bạn sống thiền tới một điểm không phân biệt ta-người, tâm trí bạn không còn nhiều xét đoán và tính toán thì thân thiện cũng là điều tự nhiên như hơi thở. Bạn không cần cố gắng tỏ ra thân thiện, bạn không cần giả vờ, bạn không cần làm bất cứ gì, bạn chỉ đơn giản thân thiện với tất cả mọi người và không chỉ người, bạn thân thiện cả với sông hồ cây cối, gió mây, hoa cỏ, muôn thú, đá sỏi ven suối hay bụi đất trên đường bạn cũng thân thiện luôn.
Khi một người giao tiếp với người khác mà không mang tâm thế kì vọng, không xét đoán, không thao túng, không truyền đạt gì thì tự dưng việc giao tiếp trở nên rất trong, rất tinh khiết và dễ dàng. Khi sự giao tiếp là dễ dàng và tinh khiết thì nó là sự thân thiện. Không phải kiểu thân thiện bán hàng hay đắc nhân tâm nhưng là sự thân thiện của tâm linh.
Thân thiện bình thường là bạn xem người kia như bạn bè, như người nhà, người thân, người yêu. Thân thiện tâm linh là khi bạn xem người kia như chính bản thân mình. Thế thì không có khoảng cách, không tâm trí, thế thì không có sự ngưỡng mộ.
Chẳng ai lại đi ngưỡng mộ bản thân mình bao giờ, nếu có thì trừ khi người đó là thiền nhân và quan sát bản thân như một đối thể. Mỗi khi mình thiền-gương mình hay làm điều này, mình quan sát cơ thể cứ như thể đang nhìn vào một người xa lạ nhưng người xa lạ này có cái gì đó đẹp đẹp hay hay khiến mình thích thú và ngưỡng mộ. Mình rất hay tự nhủ khi soi gương kiểu, “Không thể tin được đây là thân thể của mình sao? Thật sự không thể tin được. Amazing-good-job Phi Phi” (haha)
Cho nên khi một người không còn sự điều khiển của tâm trí xét đoán nhị nguyên thì người đó tự dưng trở nên rất thân thiện, bạn hẳn thấy nhiều thiền nhân thân thiện đến mức chim bướm và muông thú cứ bay lại gần như thể người đó chỉ là cái cây hay tảng đá. Kinh sách nói rằng khi Phật thiền thì chim đến làm tổ luôn trong tóc ngài, và Kinh thánh cũng thường xuyên nhắc việc chim bồ câu rất thích sà tới với Jesus dù cho nơi đền thờ hay ngoài dòng sông hoang vắng. Thiền nhân là rất thân thiện, không phải vì người đó không làm gì, mà vì người đó không nghĩ gì.
Suy nghĩ tạo ra khoảng cách, vô suy nghĩ xoá mọi khoảng cách. Hệt như ngôn từ tạo ra khoảng cách và khiến người ta xa nhau nhưng sự im lặng mới là thứ giúp nối liền mọi khoảng cách và đưa người ta về lại gần nhau (cái này là thế giới tâm linh, chứ thế giới bình thường của tâm trí thì thường ngược lại, lời nói đưa người ta đến gần nhau và sự im lặng đưa người ta xa nhau.)
Thân thiện là khả năng dùng lời bên ngoài để giao tiếp nhưng tâm trí bên trong thì trống rỗng mọi phân biệt, phán xét, tham vọng, mưu toan và khiến đối phương cảm thấy tự nhiên như đang ở một mình.
Bản thân mình chưa đạt trạng thái nhận thức hoàn chỉnh nhưng có thể nói là cũng có chút nhận thức, dù phong độ có hơi trồi sụt nhưng vẫn là có chút nhận thức. Sự nhận thức có tính lây lan và nó lây lan tốt nhất, sâu nhất trong sự im lặng tỉnh táo. Cho nên khi bạn gặp mình, nếu môi trường gặp là hoàn hảo thì bạn sẽ mau chóng lây được một chút cái nhận thức này, và nhận thức này sẽ nhanh chóng xoá mọi sự ngưỡng mộ mà bạn đang mang bên trong mình.
Ban đầu sự nhận biết này sẽ chỉ là những khoảnh khắc mà thôi và bạn cần mạnh dạn để biến khoảnh khắc ngắn ngủi ấy thành cái gì đó lâu bền hơn. Nhận thức này mà theo bạn lâu bền thì bạn sẽ không còn ngưỡng mộ bất cứ ai nữa hết. Thật sự! Và đó là cảm giác tuyệt vời.
Nó tuyệt vời bởi vì giờ thì bạn biết, bạn biết rằng bạn cũng có thể, bạn có thể đạt điều người kia có, rằng những gì bạn từng ngưỡng mộ hoá ra không xa xôi gì, không khó khăn gì cả. Hoá ra trước giờ là bạn lầm tưởng mà thôi vì khoảng cách xa quá người ta dễ bị nhìn nhầm là tất nhiên. Một người lạc trong sa mạc dễ hình dung nhìn thấy nước ở khắp mọi nơi. Một người đang chìm trong làn nước rồi thì làm sao mà còn lầm tưởng gì về nước nữa? Thực tại luôn đủ mạnh để đập vỡ mọi tưởng tượng với điều kiện bạn phải ở trong thực tại cơ. Và mọi sự ngưỡng mộ đều là tưởng tượng. Bạn tưởng tượng cảnh bạn có những thứ người kia có. Khi bạn biết bạn đang có những thứ người kia có, hoặc có thể có những thứ người kia có thì còn mắc mớ gì mà phải tưởng tượng hay ngưỡng mộ?
Thành ra khi các bạn gặp mình và “chìm” trong sự thân thiện của mình (sự thân thiện vô điều kiện và không chứa bất cứ hàm ý nào) thì bỗng dưng bạn cũng trở nên thân thiện. Bạn cảm thấy thoải mái, thảnh thơi, thư giãn. Bạn cảm thấy như được “bứng” khỏi những tưởng tượng, khỏi những ham muốn tham vọng, khỏi những ý muốn ý đồ, khỏi những lo toan thường ngày và cũng chỉ hiện diện trong khoảnh khắc thực tại đầy ma lực ấy. Và khi bạn ở trong hiện tại tức không mơ về quá khứ hay tương lai, khi bạn ở trong thực tại tức không tưởng tượng, mơ hay phóng chiếu thì đột nhiên bạn thấy tự do. Bạn nếm mùi tự do thực sự và nhận ra bản thân bạn chính là tự do.
Thế thì sự ngưỡng mộ tự do nơi người khác bên trong bạn cũng đột nhiên biến mất. Khoảnh khắc sự ngưỡng mộ này biến mất, nó tràn ngập thân thương, yêu mến và giao cảm. Nó khiến bạn cảm thấy người kia như người thân hoặc như bản thân mình. Không còn là người xa lạ, không còn khoảng cách.
Cho nên khi mình nói “Thôi đừng gặp chứ hông là hổng còn ngưỡng mộ nữa đâu” thì câu này có hai nghĩa, một nghĩa mì-ăn-liền là chọc cười còn nghĩa kia thì đàng sau nụ cười mang tính thực tế.
Nó giống như bạn ngưỡng mộ người hạnh phúc cho tới khi bạn cũng hạnh phúc. Bạn ngưỡng mộ người quyền lực cho tới khi bạn có quyền lực vân vân mây mây bao bao la la.
Nếu như bạn quan sát bản thân và nhận ra mình đang ngưỡng mộ ai đó rất nhiều, thì cẩn thận: bạn chưa bao giờ ở với người đó đủ gần cả và người đó đôi khi có thể dùng sự ngưỡng mộ của bạn để thao túng bạn, để người đó luôn được bạn ngưỡng mộ và luôn ở trên cơ bạn. Người đó sẽ không muốn bạn bằng người đó đâu và người đó sẽ luôn duy trì khoảng cách đủ xa để bạn chẳng bao giờ nghĩ bạn có thể bằng người đó. Đây là chính trị và kinh doanh thuần tuý – chẳng có chút gì tâm linh cả. Hệt như cách tôn giáo ngày nay hoạt động cũng là kinh doanh và chính trị là chủ yếu, chứ cốt lõi tinh tuý về tâm linh giải thoát chẳng xi nhê gì.
Người thân thiện thật sự, là người khiến bạn cảm thấy không khoảng cách, và khi không khoảng cách thế thì không có chỗ cho sự ngưỡng mộ chút xíu nào.
Cho nên kết luận là, mặc dù Phi Tuyết thân thiện thật, nhưng không all-the-time với tất cả đâu nha. Vì mình giỏi đọc năng lượng, ai năng lượng thấy hổng hạp là mình né liền ngay cho khoẻ, cố đấm ăn xôi làm chi khi mình hổng thích ăn xôi, nhờ.
Mặc dù vậy nói qua cũng phải nói lại, Phi Tuyết tuy độc lập – tự do – hạnh phúc thật nhưng cũng vẫn còn sân si lắm nha, ai đẹp trai ít mình thân thiện ít, ai đẹp trai nhiều thì sẽ bị mình thân thiện nhiều hơn tí hê hê hê. Ai đẹp trai quá đáng thì bị mình dê xồm tới tấp luôn ấy, cho nên trai đẹp nên né né mình ra có lại bị xàm xỡ thì mình không chịu trách nhiệm đâu nha hê hê cái namas-tê!
Bổ sung 6/6/2021
Mình có một anh bạn rất thú vị, thi thoảng mình đăng gì mà ảnh đồng tình hoặc thích thú, ảnh sẽ share bài nhưng trong bài share dường như ảnh luôn viết thêm rằng ‘tui thích cô này nhưng không có nghĩa tui đồng tình mọi thứ cổ nói, tui quý cổ nhưng tui không cuồng cổ, đừng ai cuồng ai vì sẽ đánh mất bản thân mình…” (ít nhất 3 lần ảnh share bài mình đều thấy ảnh viết cái này). Lần đầu mình thấy kì lạ, khó hiểu, lần hai mình thấy có chút bực mình và lần ba thì mình thấy buồn cười, thấy ngộ ngĩnh.
Lần kì lạ là mình nghĩ ‘ủa, làm gì có ai cuồng tui đâu mà phải dặn dò kĩ vậy trời? Lo bò trắng răng thế.”
Xong sau đấy mình lại nhận được tin nhắn của bạn đọc nói là ngưỡng mộ mình, để cho chắc ăn, mình hỏi, ‘thế bạn ngưỡng mộ mình vì điều gì?’ bạn ấy nói, ‘Vì sự tự do tự tại trong cuộc sống của chị là điều em luôn ao ước và không thấy nhiều người có’, thế là tự dưng mình lại thấy hợp lý. Mình nghĩ, ừ nhờ, nếu ai ngưỡng mộ mình vì đẹp hay vì giỏi thì còn vô lý chứ nếu họ ngưỡng mộ tinh thần sống tự do và nhờ sự ngưỡng mộ đó mà họ quyết tâm theo đuổi tự do, đặt tự do làm mục đích sống, thì nó tốt mà, có hại gì đâu? Thế thì mình rất vinh dự khi được bạn ‘ngưỡng mộ’ dù bản thân mình vẫn không thấy những gì mình đang có là thành tựu gì ghê gớm đáng để mà ngưỡng mộ cả.
Mình vẫn không biết sự khác biệt giữa ngưỡng mộ và cuồng mộ là gì. Có lẽ là khi người ta ngưỡng mộ thì người ta vẫn còn lý trí để suy xét và chọn lựa, còn khi người ta cuồng mộ thì không còn lý trí hay nhận thức để suy xét nữa, người ta trở nên mù quáng, tin mọi điều người kia nói và làm mọi điều người kia muốn như thể bị thôi miên, điều khiển.
Nếu cách hiểu của mình đúng thì mình tin rằng chẳng có ai ở đây cuồng mộ mình hết. Mình chả phải thánh nhân tiên nữ gì để mà có thể sai khiến người khác làm theo ý mình. Tuyệt đối không. Vì mình đề cao tự do và nhận thức mà, làm sao có thể làm bất cứ gì ảnh hưởng tới tự do và nhận thức dù cho là tự do nhận thức của bản thân hay của người khác?
Mình biết bản thân không có ‘fan cuồng’ nào cả, cùng lắm chỉ là những người yêu quý mình thôi, và nếu mình nói điều gì hợp lý thì người ta tin, người ta nghe theo, vậy thôi chứ chẳng ai điên khùng tới mức thích Phi Tuyết đến nỗi làm mất bản đi thân mình cả.
Sau giai đoạn này mình thấy nỗi lo của anh ấy là buồn cười, là ngộ ngĩnh vì nó quả thực là lo bò trắng răng và bao đồng quá. Ai thích ai thì kệ người ta đi, có ảnh hưởng gì ảnh đâu mà ảnh phải lo quá, lo đến mức ám ảnh lần share nào cũng dặn dò đừng ai cuồng Phi Tuyết, mình đọc mà còn thấy mệt mỏi ghê! (Mệt nhất là sự bao đồng đi lo cho cái lo của ảnh)
Xong mỗi khi mình bất đồng với ai mình thường hay đi sâu vào sự bất đồng đó để tìm ra nguyên nhân, tìm ra căn nguyên điểm bất đồng. Mình thiền về một câu mà anh ấy nói, câu mà mình đọc (ban đầu) thấy hợp lý, thấy đồng tình nhất, đó là câu “Đừng cuồng ai vì khi cuồng ai đó bạn sẽ đánh mất bản thân mình.”
Người mà đang trong trạng thái cuồng rồi, là mất hết nhận thức và lý trí rồi, thì hơi đâu rảnh đâu mà nghe bất cứ ai khuyên bảo, dù lời khuyên hợp lý thế nào.
Thiền sâu hơn vào nó thì mình thấy câu này là không đúng. Nó chỉ hợp lý mặt tâm trí một cách rất hời hợt thôi. Cùng phân tích sâu nhé. Những phân tích này là quan sát của bản thân mình trong thực tế cuộc sống, từ những gì mình đã trải qua và đúc kết rồi nghiệm lại. Tuy nó không phải sự suy diễn suông nhưng cũng không có nghĩa đúng với tất cả mọi người, bạn đọc để tham khảo thôi và nếu thấy hợp lý thì chấp nhận, không thì thôi không sao cả.
Một: người mà đã trong trạng thái cuồng sẽ không có tâm trí mà suy xét hay nghe lời khuyên nào hết, mọi lời khuyên với người cuồng đều vô nghĩa và còn làm người đó phản đối mạnh hơn.
Hai: Có thật là khi cuồng ai thì bạn sẽ đánh mất bản thân mình? Không.
Vì sự thật là khi bạn còn cuồng mộ ai đó (cuồng theo nghĩa tin và nghe theo họ răm rắp với toàn bộ tâm trí một cách khăng khăng và thậm chí có phần hung hăng) – nếu như bạn còn cuồng ai đó thì rõ ràng bạn là người hoàn toàn chưa biết
bản thân mình chút nào cả, thì lo gì việc mất bản thân mình?
Chỉ người chưa biết bản thân mình là gì, chưa hề có cái gọi là “bản thân mình” thì mới đi cuồng người khác như thế, thế thì bạn đâu có “bản thân mình” đâu để mà mất, thế thì mất cái gì? Chẳng có gì để mất cả nên đừng có lo.
Ba là mặt tốt của việc cuồng/ngưỡng mộ ai đó: Khi bạn chưa biết mình là ai, bạn sẽ đi tìm bản thân mình. Cuồng và ngưỡng mộ ai đó là cách đi tìm giá trị bản thân mình – thông qua người khác. Nó không sai, nó chỉ mất thời gian thôi.
Khi bạn cuồng ai, bạn đồng hoá bản thân mình với người đó, bạn lấy giá trị và quan điểm sống của người đó làm của mình, bạn lấy góc nhìn và tư duy của người đó làm của mình. Chừng nào bạn còn cuồng thì quá trình đồng hoá còn diễn ra, khi bạn hết cuồng thì quá trình hoàn tất.
Có người mất một năm để hết cuồng một thần tượng, để xác định được gía trị sống và nhân sinh quan của riêng mình không cần thông qua ai. Nhưng cũng có người mất cả đời vẫn chưa hết cuồng, chưa tìm ra được giá trị sống của bản thân, thế thì hẹn bạn hoàn tất bài học này ở… kiếp sau vậy. Bạn sẽ sống vô lượng kiếp để học những bài học cần thiết, hoặc nhớ ra điều cần nhớ cho nên cứ từ từ thoải mái mà cuồng.
Việc chọn ai để cuồng nó phụ thuộc vào trí thông minh của bạn, người thông minh cuồng theo cách thông minh, biến cuồng thành ngưỡng mộ, biến ngưỡng mộ thành mục tiêu, biến mục tiêu thành kế hoạch, biến kế hoạch thành hành động cụ thể để đạt được điều mình mơ ước (là trở nên giống người mình hâm mộ).
Còn nếu bạn không đủ thông minh mà chỉ cuồng để cuồng, để “ăn hôi” cảm giác của người kia (như những con ma đói tranh nhau hít hà hương vị đồ cúng), thế thì hẹn bạn một kiếp khác thông minh hơn vậy. Ai cũng có hành trình của riêng mình, không ai giúp được cho người không muốn tự giúp mình.
Cho nên theo một cách hiểu nào đó thì việc cuồng là cần thiết cho những người chưa biết mình là ai, nó giúp bạn tạo ra những lớp vỏ bọc mặt nạ nhân cách, giúp xây dựng cá tính riêng của bạn. Sẽ tới một điểm bạn mệt mỏi với mọi lớp mặt nạ này dù cho chúng đẹp đẽ đến đâu hay hữu dụng đến đâu, chúng sẽ khiến bạn mệt mỏi. Khoảnh khắc này sẽ đến và bạn sẽ vứt bỏ mọi lớp mặt nạ để khám phá ra gương mặt thật của mình, khám phá ra chân tướng bản thể của mình – trống rỗng, vô diện. Thế thì mặt nạ chẳng còn ích gì hoặc mặt khác chúng lại trở nên cực kì hữu dụng, bạn có quyền chọn đeo bất cứ mặt nạ nào từ nay trở đi để đóng tròn vai vở kịch cuộc đời. Bạn có quyền chọn lựa – điều này rất quan trọng.
Một khi bạn biết mình là ai, rằng mình là vô diện, trống rỗng – thế thì bạn sẽ không còn ngưỡng mộ hay cuồng mộ một ai nữa hết. Ngày này sẽ đến nhưng nó không đến cái rụp đâu, nó sẽ qua quá trình (đối với mình):
Con đường Đời: xây dựng cá tính và bản ngã của chính mình thông qua mọi công cụ, bằng mọi cách thức (qua việc nhận thức được mình thích làm gì, ghét làm gì, thích ai, cuồng ai, ghê tởm điều gì, ngưỡng mộ đức tính nào, đặt ra mục tiêu gì, đặt câu hỏi gì, chọn lối sống, phong cách sống nào, có mục đích sống ra sao…) Tất cả những điều này chỉ nhằm chuẩn bị cho một ngày bạn bước vào quá trình hai:
Con đường Đạo – vứt bỏ mọi cá tính, thành tích, câu hỏi, vứt bỏ luôn bản ngã và thậm chí mục đích sống của mình.
Người đã vứt bỏ được cá tính, nhân cách và bản ngã sẽ không bao giờ còn ngưỡng mộ cuồng mộ ai cả. Đừng lo cho họ.
Còn người mà chưa vứt bỏ được những điều này thì còn đang trong giai đoạn một, trong con đường xây dựng chúng. Thế thì họ sẽ còn ngưỡng mộ người khác, yêu thích thậm chí cuồng mộ người khác. Chúc lành cho họ đủ tỉnh táo và may mắn để không dành quá nhiều thời gian trong việc học bài học này đi, thế là đủ rồi.
Người cuồng mộ là người chưa trưởng thành và để trưởng thành người ta cần trải qua những lúc rất ‘chưa-trưởng-thành’ như thế. Chẳng có đúng sai gì ở đây cả, chỉ là những bài học.
Tuy mình không yêu thích những người còn đang quá cuồng mê ai đó – dù cho cuồng nghệ sĩ, giáo sĩ hay cuồng tiền bạc, danh vọng… nhưng mình cũng không ghét hay xem thường họ chút nào. Họ là điều họ là, họ là cần thiết và phù hơp với thế giới này, cuộc sống này ở thời điểm này. Quan sát họ bạn sẽ nhận ra được bản chất của con người, của cuộc sống, của đời. Từ sự quan sát này bạn sẽ học được nhiều thứ mà ứng dụng cho sự trưởng thành tâm linh của bản thân bạn.
Một dấu hiệu của người trưởng thành là họ không bao giờ đánh giá thấp người khác cả, kể cả khi người kia đang rất thiếu nhi, rất không-trưởng-thành.
Namaste!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *