Tâm linh học 1: bình cũ tràn rượu mới

Thế giới có sáu tôn giáo lớn, có thể chia chúng thành hai loại: một loại gồm đạo Do Thái, Công giáo và đạo Hồi. Họ có chung niềm tin rằng bạn chỉ có một đời sống duy nhất, không có luân hồi. Họ cũng tin rằng Thượng đế giống như một người cha, phụ trách công việc tạo dựng, điều hành và thưởng phạt công và tội của con người. Loại thứ hai gồm đạo Hindu, đạo Jaina và đạo Phật. Họ tin vào luân hồi, rằng bạn có vô vàn kiếp sống và sẽ được tái sinh mãi cho tới khi bạn giác ngộ thì vòng quay luân hồi mới dừng lại. Họ không tin vào Thượng đế.

Thực ra, nếu nhìn vào các tôn giáo bằng con mắt phân chia, so sánh bạn sẽ thấy chúng hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập. Nhưng nếu bạn có thể nhìn nhận theo một cách khác, cách của sự hoà hợp, thấu hiểu và đồng cảm, bạn sẽ thấy các tôn giáo không khác nhau về bản chất, nhưng chỉ khác nhau về cách diễn đạt.

Khi Phật nói “Không có Thượng đế” ông ấy không hàm ý rằng không có gì là Thượng đế, nhưng hàm ý rằng không có một Thượng đế mà mọi người đang hiểu lầm và gán ghép như một con người đầy nổi giận, đầy phán xét, thích thưởng-phạt. Thượng đế không phải như những gì người ta đã nghĩ. Thượng đế trong mắt Phật, ấy là những luật của vũ trụ, thứ giữ cho vũ trụ vận hành êm mượt, trôi chảy và đồng bộ. Phật định nghĩa Thượng đế bằng “Pháp” Dhamma: Luật vĩnh hằng. Đây là một cách gọi cực kỳ khoa học và đúng đắn, bạn không thể phủ nhận hay hiểu sai được.

Cách tiếp cận của Phật là rất lý trí, rất toán học, ông ấy chia con đường thành các bước cụ thể, những con số cụ thể: bát chánh đạo, tứ diệu đế, trung đạo… Phật là con người rất rõ ràng như thế, ông ấy không thích gây hiểu lầm, tâm trí của Ấn Độ vốn dĩ đầy những mê muội, mê tín, mù mờ, nó cần một cách tiếp cận mới khoa học hơn. Với những gì có thể gây hiểu lầm, Phật im lặng không nói, từ Thượng đế cho tới linh hồn, cuộc sống phía sau cái chết… Ông ấy không nói ra vì biết với tâm trí thích phỏng đoán của Ấn Độ, nhất định nó sẽ bị hiểu lầm. Vì ông ấy không nói, nhiều người cho rằng ông ấy phủ định.

Khi Christ nói “Không có kiếp sống khác” ông ấy không ngụ ý rằng không có luân hồi, nhưng điều ông ấy ngụ ý rằng trong hàng ngàn vạn kiếp của luân hồi, chỉ một kiếp sống duy nhất là đáng được tính tới, đáng giá để tôn vinh. Chính là kiếp sống sau cùng trước khi bạn tỉnh thức hoàn toàn. Tất cả những kiếp sống trước đây mà bạn đã trải qua, chỉ là cơn mê ngủ, là giấc mộng vô nghĩa, chúng không cần không đáng được tính đến một chút nào. Christ liên tục nhắc về sự tái sinh, chính là nghĩa của bước vào kiếp sống sau cùng, kiếp sống giúp bạn đạt tới thế giới của vĩnh hằng, thế giới của Thượng đế.

Jesus có cách tiếp cận rất thơ văn, rất mơ mộng, ông ấy nói về một thế giới khác của giàu có, phúc lạc, nơi mọi người được chào đón để dự bữa tiệc vĩnh hằng. Jesus không dùng cách tiếp cận của số học, khoa học vì tâm trí Do Thái đã sẵn những tính toán rồi. Cách của ông ấy là mềm mại, lãng mạn và ông ấy dùng rất nhiều ngụ ngôn. Để hiểu lời Jesus, bạn phải hiểu nó là những ngụ ngôn cần được giải nghĩa bởi những người có thể hiểu, đừng phân tích nó như những bài toán số học hoặc theo nghĩa đen của lời nói. Việc giải mã những chuyện ngụ ngôn theo cách toán học đã khiến lời của Jesus bị hiểu rất xa. Ông ấy cũng bị hiểu lầm nhiều như Phật, đó là lý do Jesus cứ phải nhắc đi nhắc lại “Ai có tai thì nghe”, ngay cả tai này cũng không phải là tai mà bạn đang nghĩ tới.

Cả hai cách tiếp cận này bổ sung cho nhau và phù hợp với những thời đại khác nhau, văn hoá khác nhau, nền tảng tâm linh khác nhau. Con người của thế kỉ này, của kỉ nguyên tâm linh này có trách nhiệm phải tổng hợp tất cả mà không phân loại, không phân chia. Đấy chính là ý nghĩa của một Nhân Loại Mới: nhân loại của khoa học lẫn nghệ thuật, số học lẫn thơ văn, tổng hoà mọi khía cạnh của cuộc sống, chấp nhận những lý thuyết khác nhau nhưng không phán xét và phân biệt. Tâm trí không phân biệt ấy sẽ cho bạn một cái nhìn rất khác về thế giới, thế giới bên trong lẫn bên ngoài. Con người của Nhân Loại Mới phải tổng hoà tất cả, phải là cầu nối cho Đông và Tây, phải trở nên giàu có và phong phú về mọi mặt, cả trong lẫn ngoài. Chúng ta không thể phân chia chân lý cũng như không thể phân chia sự sống, không gian hay thời gian. Tất cả chỉ là một. Một chân lý, một Thượng đế, một Pháp. Thuyết Nhất Nguyên ấy chính là luật của vĩnh hằng.

Khoảnh khắc một đứa trẻ sinh ra, bạn nghĩ đó là điểm nó bắt đầu cuộc sống này. Khoảnh khắc một người già chết đi, bạn cũng nghĩ đó là điểm kết thúc cuộc sống của người đó. Cả hai điều này đều không đúng. Sự tồn tại bao la hơn rất nhiều so với sự sinh hoặc sự tử. Sinh và tử không phải hai đầu mút của sự tồn tại nhưng chỉ là một bước chuyển tiếp. Sự tồn tại chứa đựng rất nhiều lần sinh và nhiều lần tử bên trong, giống như một cuốn sách có vô hạn các chương. Bản thân sự tồn tại không có khởi đầu cũng không có kết thúc, nó chính là Pháp, là thứ “đã có trước vô cùng và tồn tại đời đời chẳng cùng”, tức luật vĩnh hằng.

Một cuộc đời có thể được tính tại thời điểm bắt đầu là cái chết của kiếp trước. Khi bạn chết, chỉ một chương kết thúc trong cuốn sách vô hạn các chương. Sở dĩ cuộc đời này phải được tính từ cái chết của kiếp trước là bởi vì những gì bạn đã tích cóp, thu thập từ kiếp trước sẽ đi theo bạn như những hạt mầm vào trong kiếp sống mới này. Phật gọi nó là Tanha, là tất cả những gì bạn đã thu thập, đã có trong các kiếp trước và mang vào kiếp này, khó để dịch từ này nhưng có thể tạm gọi là “ước vọng”. Nếu một người chết đi trong tỉnh thức và nhìn ra mọi ước vọng của mình, thấy được sự vô lý, vô nghĩa của tất cả những tham lam, ước muốn, tham vọng, ngu ngốc… thế thì người ấy có cơ hội được tái sinh trong một nhận thức cao hơn, một trí thông minh sắc bén hơn, sâu sắc và can đảm nữa. Và chỉ kiếp sống này mới đáng giá vì nó có khả năng trở thành kiếp sống cuối cùng của người đó. Là điều mà Christ nói rằng “chỉ có một kiếp sống đáng được kể tới”.

Toàn bộ các tôn giáo đều là sự kêu gọi bạn hãy sống trong tỉnh thức, nhận biết. Chúng đều chuẩn bị cho bạn một cái chết của tỉnh thức. Chỉ khi sống trong nhận biết bạn mới có cơ hội để chết trong nhận biết. Và ngược lại, chỉ khi chết đi trong tỉnh thức bạn mới có cơ hội tái sinh trong kiếp sống cuối cùng của nhận biết, giác ngộ.

Toàn bộ các tôn giáo không gì khác hơn ngoài nỗ lực giúp bạn nhận thức hơn trong từng hành động của mình ngay lúc này, ngay khi bạn đang sống. Nó là sự chuẩn bị cho một cái chết tỉnh thức. Cái chết sẽ giúp bạn tái sinh vào kiếp sống mới mang tính vĩnh hằng – vương quốc của Thượng đế. Nếu chỉ cần ghi nhớ một điều duy nhất về mọi tôn giáo, hãy nhớ thông điệp này: Sống trong nhận thức.

Không thể chia chẻ sự nhận thức nhưng đạo Jaina có một cách hiểu khá khoa học khi nhìn nhận về vấn đề này. Họ chia quá trình nhận thức thành 14 bước, 13 bước được cho là thuộc thế giới này và bước thứ 14 thì không. Sau một giai đoạn nhất định của sự phát triển nhận thức, sau 12 bước đầu tiên thì hai bước cuối có thể bị kéo ra rất dài trong một hai kiếp sống hoặc lâu hơn nữa. Sau khi đạt tới bước 14 thì bạn không thể tái sinh thêm một kiếp nào nữa, nhưng nếu bạn có thể dừng lại ở bước 12, 13 thì bạn có thể quyết định khoan bước tiếp bước cuối cùng để dành nhiều thời gian quay trở lại và giúp đỡ những người khác. Những người đã đi trên con đường đạo tới những bước cuối cùng nhưng quyết định đặt nó qua một bên để quay trở lại giúp những người khác, họ được gọi là những vị Bồ Tát. Những người chỉ quan tâm duy nhất việc đạt đạo của mình mà không bận tâm giúp người khác, họ được gọi là những A-La-Hán, không có gì sai đối với họ cả, chỉ là sự chọn lựa khác nhau dựa trên mối quan tâm khác nhau cũng như những khả năng khác nhau.

Tại bước thứ 12, hành trình gần như đã tới hồi kết. Nó được ví như một người đứng trong căn phòng nơi mọi bức tường đã sụp đổ, chỉ còn một tấm rèm mỏng trong suốt ngăn cản giữa người đó và cái đích cuối cùng. Họ chọn không bước qua tấm rèm và nhờ đó mà quay trở lại thêm nhiều kiếp sống nữa, một khi đã bước qua tấm rèm, không có khả năng để quay trở lại.

Phật là những người đã ở bên kia tấm rèm. Cần một trái tim lớn để một người có thể đứng bên này rèm, kìm chế khao khát được bước qua phía bên kia của sự tồn tại, nhưng nhiều người vẫn chọn làm điều đó, họ đáng được biết ơn vì nếu không có họ chỉ đường, hành trình của bạn sẽ rất khó khăn và có thể là rất dài.

Có những cách để rút ngắn hành trình của sự tỉnh thức nhưng rất hiếm người có đủ can đảm để làm điều đó. Ví dụ, nếu bạn có can đảm để nhìn lại những kiếp sống trong quá khứ và nhìn thấy toàn bộ những điều vô nghĩa bạn đã làm, sẽ có một cơ hội lớn để bạn trở nên tỉnh thức và sống khác đi trong kiếp này. Vì làm sao bạn có thể tiếp tục hành xử một cách tham lam, hung hăng, ngu xuẩn nếu như bạn thấy mình đã hành xử như thế trong bao nhiêu kiếp sống rồi? Bạn phải khác đi chứ. Có những đường dẫn kết nối giữa những kiếp trước của bạn và kiếp này. Cơ chế tự nhiên khiến bạn quên đi toàn bộ các kiếp sống trước vì nếu bạn cứ nhớ những gì đã xảy ra, bạn sẽ bị phát điên. Để bảo vệ bạn khỏi phát điên, thông tin về những kiếp trước đã được giấu rất kĩ, chỉ những người có đủ dũng khí mới dám tìm lại quá khứ để mà vượt lên trên nó.

Cánh cửa mở ra những tiền kiếp vẫn đang ở đó chờ bạn, nhưng bạn chỉ nên mở nó ra khi bạn đã được chuẩn bị sẵn sàng. Khi mà bạn đã sống trong nhận thức, tỉnh táo; khi mà bạn có khả năng tách rời bản thân khỏi mọi phiền muộn, đau khổ của kiếp này. Nếu như không một kí ức nào của kiếp này có thể lay động bạn, thế thì những kí ức của kiếp trước mới nên được mở ra, bằng không bạn sẽ bị chấn động nghiêm trọng. Vậy nên kí ức về các kiếp sống trước nên được đóng kín để bảo vệ bạn khỏi chấn thương, vì bạn quá yếu đuối và không đủ khả năng để đối mặt với chúng.

Khoảnh khắc bạn biết về những kiếp trước, sẽ có một cuộc cách mạng và một bước phát triển lớn trong tâm thức khiến bạn sống khác đi, hành động khác đi, bằng không bạn sẽ chỉ lặp lại những hành động vô thức mà bạn đã làm trong hàng triệu kiếp sống, và thế thì bạn sẽ bị lạc trong vòng quay vô tận của cuộc sống mà chẳng đi được tới đâu cả. Một sự lặp lại tới vô cùng của những điều vô nghĩa.

“Nếu bạn đủ thông minh, bạn có thể học từ bài học của người khác.

Nếu bạn không đủ thông minh, bạn thậm chí chẳng học được gì từ bài học của chính mình.”Osho

Phi Tuyết, ngày 6/9/2019

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *