Về vẻ đẹp và hương vị thuần khiết trong cúng-dường, cung-dưỡng

Phi Tuyết xưa nay vốn ít quan tâm thị phi, dù vẫn lướt facebook và thấy nhiều tin tức thú vị về cuộc sống. Dạo gần đây điều khiến Phi Tuyết chú ý là những sự việc xảy ra xung quanh những vị thầy chùa – thật là thú vị.

Đầu tiên là việc một sư thầy quốc doanh đâm đơn kiện một nhóm tu tại gia về tội phỉ báng xúc phạm danh dự – thật là hay quá. Nhiều người nhìn sự kiện theo hướng dở. Nó rất dở khi vì nó mà có người phải đi tù, nhiều người bị mất tự do và mất khả năng sống cuộc đời họ muốn sống. Nó cũng dở theo hướng mọi người thường kì vọng sư thầy phải thế này phải thế kia, phải diệt được ngã tham sân si, chứ sao lại đầy bản ngã hung hăng như thế. Nhưng nếu bạn nhìn sự việc với đôi mắt cởi mở thì sẽ thấy nó rất hay. Sự kiện này hay theo hướng cho chúng ta thấy “sự thật”: sự thật về những người tu tập, họ cũng vẫn còn bản ngã, còn đầy tham sân si chứ, đâu phải cứ vào chùa là diệt được ngã đâu, nếu không thì mọi sư thầy đều thành Phật hết rồi. Bằng việc nhìn vào sự việc này mà ta biết chấp nhận thực tế để không bị vỡ mộng, không ảo tưởng và rồi hân hoan khi đang được là nhân chứng cho một giai đoạn chuyển tiếp tâm linh vô cùng quan trọng của nhân loại.

Phật giáo nhiều người gọi đó là thời mạt pháp. Mọi người thường nghĩ mạt pháp là xấu, nó không xấu đâu, nó là điều tất yếu phải xảy ra. Khi một vị Phật còn hiện hữu, ông ấy tạo ra xung quanh mình một Phật trường – trường năng lượng thuần khiết của vị Phật. Khi vị Phật còn sống, chỉ năng lượng của ông ấy cũng là chất nuôi dưỡng linh hồn người ta, nuôi dưỡng sự nhận biết của người ta – ông ấy chính là pháp. Việc ở cùng vị Phật trong bầu không khí như vậy gọi là satsang – nó là ân huệ. Nhưng khi vị Phật rời bỏ thân thể, năng lượng của ông ấy chỉ tồn tại ở dạng vi tế nên việc đúc tượng, tụng kinh, thờ lạy, niệm chú, cúng dường… tất cả những việc này đều chỉ là cái vỏ. Những việc này cho người ta cảm giác người ta vẫn ở trong bầu khí hậu của vị Phật nhưng thật ra nó chẳng mấy giá trị bởi vì dần dà những hoạt động này chỉ còn mang tính nghi lễ nghi thức hoặc tệ hơn nữa là mang rất nhiều loại mục đích khác nhau về chính trị, tâm lý nhưng không còn mục đích đơn thuần là nuôi dưỡng sự nhận biết nữa. Cho nên có thể nói, ngay khi khi vị Phật rời khỏi thân thể, thời mạt pháp đã bắt đầu rồi. Nó bắt đầu từ lâu như thế, phải cho nó kết thúc để nhân loại còn bước sang kỉ nguyên mới chứ. Giống như một đoá hoa đã trao hết hương và sắc, phải cho nó tàn chứ. Hoặc một cơ thể đã dùng hết năng lượng vào cuộc sống, phải cho nó nghỉ ngơi về với đất chứ. Cho nên mạt pháp là tốt, nó là điều nhất định phải xảy ra.

Chúng ta đang sống trong giai đoạn “mạt” của thời mạt pháp cho nên chúng ta có cơ hội quan sát rất rất nhiều sự việc xảy ra một cách liên tục. Những sự việc này đơn thuần là kết quả sinh ra từ trường năng lượng hỗn loạn của nhân loại, nếu bạn có đủ tĩnh bên trong để quan sát và chiêm nghiệm, bạn sẽ chỉ thấy biết ơn vô cùng.

Trở lại chuyện sư thầy kiện tụng “sư ông” chỉ vì ông ta gọi mình là “ngu như bò” – thật là hay quá, thú vị quá. Nó cho thấy các sư thầy giờ không còn giả vờ và kìm nén nữa, họ đang bộc lộ bản thân mình ra, họ không sợ hãi và cũng không cố-tỏ-ra-thứ-mà-họ-không-là. Đây là họ, đầy phẫn nộ, đầy tức giận, đầy nhạy cảm, đầy sân si – và điều đó là đẹp bởi vì họ đang sống thực là chính mình. Bất cứ ai hành động như chính bản thân họ, không giấu giếm, không giả vờ thì đều có cái đẹp trong ấy. Vẻ đẹp của cái thực ngon đến nỗi một khi bạn biết cách thưởng thức, bạn chẳng bao giờ muốn thấy những vị sư gỉa vờ đạo mạo, cười ngọt, thảo mai bên ngoài nhưng bên trong thì lửa đốt và chỉ toàn diễn.

Một khi biết thưởng thức cái thật, bạn không còn thích bất cứ việc diễn nào bất kể họ diễn tốt đến đâu. Và thời điểm này, khi những cái thật đang được phơi ra bày ra khắp mọi nơi, hãy bình thản quan sát, đừng vội vàng phán xét hay lên án, cứ thưởng thức đi!!!

Việc thưởng thức sẽ thuần khiết nhất khi bạn không thuộc tôn giáo nào, không bị cảm xúc và định kiến có sẵn chi phối cách nhìn sự việc.

Rồi vụ sư thầy kiện ông già chưa kịp nguội lại tới việc hai sư thầy lớn “online đại chiến” nhau về cách thức nhận cúng dường, ôi sao mà hay quá, hay quá xá.

Một người tổ chức nhận lễ cúng hơi mang tính “xôi thịt” quá và bị lên án. Việc bị xã hội lên án thì sư còn ráng mà chịu đựng vì xã hội là “khách hàng” của các sư, khách hàng phải xuôi phải thương quý thì mới cúng dường nhiều được – tôn giáo bây giờ là việc kinh doanh thì điều này cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên. Nhưng việc bị một “đối thủ cạnh tranh” là một sư khác lên án thì làm sao mà sư chịu nổi, phải phản pháo liền. Mà phản pháo rất êm tai, rất có lý, rất mang tinh thần đạo, “Bạn hãy nhìn lại mình đi trước khi phán xét tôi” – ôi thật là hay quá hay. Sự kiện này hay hơn mọi màn tấu hài của các diễn viên sân khấu, vì nó rất thực, nó rất đời và nó mang đầy năng lượng nuôi dưỡng cho nhận biết của chúng ta. Rất rất nhiều!  Và vì thế mà nó cực kì đáng quý.

Phi Tuyết không muốn đi sâu vào cuộc đôi co của các sư vì cũng chẳng có gì mà nói. Nhưng qua sự kiện này tự nhiên Phi Tuyết có cảm hứng để viết một chút về sự hiểu của bản thân với chủ đề bố thí – cúng dường mà biết đâu bạn cũng muốn xem qua một chút.

Có sự hiểu này về bản chất của việc bố thí – cúng dường, bạn sẽ không còn bị hoang mang khi gặp những sự kiện như này nữa. Thay vào đó, bạn sẽ có ánh sáng nhận biết của riêng mình mà  soi chiếu và nhận định những sự kiện diễn ra xung quanh một cách đúng đắn.

Nhận định đúng đắn là nhận định không mang tính phán xét hay định kiến nhưng là giúp nâng cao nhận biết, tính thiền, tính tĩnh lặng của bạn trong từng khoảnh khắc biến động của cuộc đời.

Việc cúng-dường từ khởi nguyên có ý nghĩa rất đẹp và thuần khiết, nó không phải là cúng dường, nhưng là cung-dưỡng. Hãy nhìn thấy sự khác biệt bao la trong hai từ này.

Cúng dường là việc cho, cũng như bố thí, nhưng với bố thí thì bản ngã còn đó, cái tôi còn đó, nó ngụ ý tôi cho bạn vì tôi dư thừa và bạn thiếu, bạn cần tôi, tôi đang giúp bạn, tôi hơn bạn. Cái tôi tâm linh còn đó khi người ta xem việc cho của mình là bố thí – cho người “thấp” hơn mình. Khi người ta bố thí, người ta mong nhận lại – ít nhất là sự cảm ơn, biết ơn từ người nhận.

Ngược lại, cúng dường cũng là việc cho, nhưng cho người “ở trên” bạn, người đã đạt tới chiều cao nào đó mà bạn còn chưa với tới. Cúng dường về bản chất là cho nhưng cho người đã không còn cần thứ bạn cho nữa, cho nên bạn sẽ không còn cái tôi, không còn bản ngã rằng mình là quan trọng, rằng mình đang làm việc tốt. Bạn cho đi vì biết mình đang có nhiều hơn mình xứng đáng, và bạn biết ơn vì người kia đã nhận món quà này. Bạn cho vì một nghiệp chung nào đó, một mục đích nào đó to lớn hơn cái tôi của bạn. Ví dụ người xưa cúng dường đất đai để Phật và tăng đoàn cư ngụ, để nhiều người có thể tới và nghe Phật, được ở cùng Phật. Việc cúng dường đích thực là việc cúng dường cho Phật – người đạt tới tĩnh lặng và vô ngã mà bạn biết mình chưa tới nhưng muốn tới. Việc cúng dường ngày nay trở thành nghi thức vì Phật không còn nữa, chỉ tượng ảnh của Phật còn đó. Cho nên việc cúng dường ngày nay chỉ còn là cái vỏ bên ngoài – một cái vỏ đẹp, tiện dụng và đầy tính toán từ cả phía cho lẫn phía nhận.

Giờ nói đến việc cung-dưỡng – đây mới là việc cúng dường thuần khiết và đáng nói tới.

Thời xưa khi một người bước vào con đường tu tập thuần thành, họ rất nghiêm túc và kỉ luật, họ “đặt cược” toàn bộ cuộc đời họ vào “ván cờ tu tập” này chứ không “chân trong chân ngoài” như ta thường thấy ngày nay – bãi chợ và chốn tu hành cứ lẫn lộn rối rắm. Khi thôi thúc tu hành trở nên mãnh liệt, người tu không còn màng gì đến những thế thái bên ngoài.

Để làm được việc ấy, để có sự chuyên tâm ấy, người tu hành không thể mỗi ngày lại đi vào bãi chợ làm việc kiếm tiền nuôi bản thân được. Đây là khi việc cúng dường – cung dưỡng đích thực xảy ra. Một vài thí chủ – người nhận biết và trân quý hành trình tu tập của người tu hành – phát tâm nguyện nuôi người tu hành ấy, để người ấy không còn bận tâm chút nào chuyện nhu cầu của cơ thể, thậm chí cả việc đi khất thực xin ăn mỗi ngày. Nói cách khác, người thí chủ đích thực sẽ nhấc khỏi vai người tu hành toàn bộ gánh nặng về “bãi chợ”, để mong hỗ trợ được phần nào con đường tu tập của người ấy sớm đơm hoa kết trái.

Đó là khởi nguyên của việc cung dưỡng, nó thật đẹp và thật thuần khiết. Người cho, cho vì người ấy biết rằng đây là việc duy nhất người ấy có thể làm – để giúp người khác đạt quả trên con đường đạo – loại quả quý giá nhất. Người thí chủ khi làm việc cung dưỡng này rất thành tâm và khiêm tốn. Họ biết rằng người tu hành đang làm một việc mà họ không thể làm, nhưng dầu vậy vẫn mong người ấy thành công. Họ làm vì trái tim yêu mến, không phải vì lợi ích cá nhân sẽ nhận lãnh khi người tu đạt đạo.

Tất nhiên về phía người tu hành, dù ai làm một việc nhỏ cho mình thì người ấy cũng đã biết ơn rồi, huống hồ gì ai đó nuôi mình, hỗ trợ mình trên suốt cả hành trình tầm đạo gian nan, thế thì sự biết ơn là bao la và vô bờ bến. Sự biết ơn này vốn dĩ chính là thứ năng lượng chúng ta gọi là “phúc đức”. Khi người bình thường biết ơn, nó đã đủ đẹp rồi, huống hồ gì khi một vị Phật biết ơn? Thành thử khi người tu hành đạt đạo, lòng biết ơn của người đó đối với người thí chủ nuôi mình lại càng mang nhiều giá trị, không gì đo đạc được. Đối với người đạt đạo thì người thí chủ nuôi cơm mình chính như cha mẹ mình vậy. Người thí chủ nếu “nuôi cơm” một người tu hành đạt tới đạo, tới chân lý thì công đức người đó hệt như cách cha mẹ sinh ra thân thể người tu. Công đức ấy là vô bờ bến.

Cho nên việc cung-dưỡng một người để người ấy chuyên tâm tầm đạo và đạt chân lý là việc làm đẹp, thuần khiết, giá trị và ý nghĩa bao la như thế.

Khi người tu hành đạt được bất cứ quả nào trong hành trình tu tập của mình, người ấy chia sẻ lại với người thí chủ nuôi mình thông qua các bài thuyết giảng. Bằng cách này có hai việc diễn ra: người tu hành trả ơn người nuôi-cơm mình, thông qua việc chia sẻ và nuôi dưỡng nhận biết của người ấy, giúp người ấy cũng đạt những thành quả tâm linh thông qua chia sẻ của mình. Mặt khác, việc cho bài giảng này cũng là cách để người thí chủ biết được rằng người tu hành đang ở đâu trên hành trình tầm đạo. Để làm được điều này thì người thí chủ cũng đã và đang đạt tới một cảnh giới ánh sáng bên trong nhất định rồi. Khi ấy, việc cung-dưỡng giống như việc hỗ trợ nhiều hơn.

Có câu chuyện cổ về một bà già nuôi một sư trong nhiều năm để sư chuyên tâm tu tập. Một ngày bà ấy muốn xem kết quả tu tập của sư nên cố ý thử sư bằng cách gọi một cô gái điếm đến lều của sư vào ban đêm trong trời mưa bão và hỏi xin chút hơi ấm từ ngọn lửa trong lều. Sư đuổi cô gái ra khỏi lều vì cho rằng mình thanh sạch, không thể ở cùng lều với gái điếm. Biết việc này, bà gìa đã đuổi sư ra khỏi đất của mình vì bà thấy rõ sư này đã không đạt tới đâu cả sau nhiều năm ròng tu tập. Nếu sư đạt tới một mức nào đó của nhận biết, sư phải nhiều thông cảm, thấu hiểu và từ bi. Sư sẽ không từ chối giúp đỡ một người chỉ vì người đó làm nghề gái điếm.

Đây là một câu chuyện thật là hay mà chúng ta có thể học biết bao nhiêu điều, rằng đôi khi người nuôi sư lại còn có nhận biết còn cao hơn chính bản thân sư nữa. Và kết quả của việc tu tập của sư sẽ thể hiện không chỉ thông qua lời giảng của sư mà còn qua chính từng hành động của sư mỗi ngày.

Giờ nhìn lại hành động cúng dường ngày nay bạn sẽ thấy ngay những khác biệt:

  1. Người cho – người thí chủ: họ cho đi không chỉ với trái tim thuần thành tinh khiết, sự khiêm cung nhẫn nại, mà còn với sự nhận biết rất lớn về việc họ đang làm. Mong ước lớn nhất của họ – là việc đạt đạo của người tu hành chứ không phải việc họ sẽ được đáp ơn sau đó.
  2. Người nhận – người tu hành: họ nhận việc cung-dưỡng với lòng biết ơn bao la vì người thí chủ đã nhấc khỏi vai họ gánh nặng của việc nuôi cơ thể, để họ có nhiều cơ hội tập trung hơn trên con đường tầm đạo gian nan. Họ không nhận với tâm thế rằng việc cho của người kia là nghĩa vụ. Họ cũng không đặt bản thân mình cao hơn người cho. Họ cũng không hứa hẹn bất cứ gì với người cho cả, không hứa hẹn gì về ân phúc, lợi lộc, việc đáp đền sau này. Họ chia sẻ thành quả đạo của mình với người cho và với bất cứ ai sẵn sàng đón nhận. Họ biết ơn người kia vì đã nhận sự đáp trả của mình.

Khi cả hai bên cho và nhận đều biết ơn người kia vì việc cho và nhận – hai chiều, thế thì việc cho nhận này là việc cúng-dường, cung-dưỡng thuần khiết. Và nó đẹp, nó linh thiêng. Mọi hành động bắt nguồn từ trái tim thuần khiết đều đẹp và linh thiêng. Khi hành động không bắt nguồn từ trái tim mà từ tâm trí tính toán hơn thiệt, mong cầu, đòi hỏi – thế thì nó trở nên không thuần khiết.

Và không thuần khiết là không thuần khiết, khoan nói nó là xấu hay là tệ. Nó chỉ đơn giản không thuần khiết mà thôi. Và khi một người đã và đang biết cách tận hưởng hương vị của sự thuần khiết thì mọi thứ không thuần khiết đều không thể “chạm” tới người đó.

Khi một người là thuần khiết thì những người xung quanh có thuần khiết hay không cũng không còn là vấn đề nữa. Sư có thể nhận cúng dường từ người-không-thuần-khiết, tức người có đầy tính toán mong cầu, vậy mà sư vẫn thuần khiết. Như cách Phật nhận cúng-dường đất đai từ rất nhiều người giàu có để làm thành nơi tu tập cho tăng đoàn.

Và cũng ngược lại, người cho có thể cho với cái tâm thuần khiết bất kể người nhận là sư có nhận với trái tim thuần khiết hay không. Khi một người có thể cho đi thứ người kia đang cần, không mong cầu bất cứ gì đáp lại, không cho rằng mình đang làm việc “tốt”, việc từ thiện, thế thì việc cho một đồng hay một vạn, cho một sư hay cho một người lạ – đều không khác biệt, đều đẹp và đầy ân đức.

Cho nên tính thuần khiết của hành động sẽ quyết định ân đức của hành động ấy, xin hãy ghi nhớ điều này.

Dựa vào đây chúng ta có thể dễ dàng nhận biết về những gì đang xảy ra xung quanh cuộc sống hàng ngày, như việc các ngôi chùa tổ chức lễ lớn để thu cúng dường, việc mọi người dập đầu dập gối, việc các sư liên tục rao giảng rằng cúng-dường cho chùa là công đức lớn nhất, thậm chí nhiều sư còn dẫn việc Phật nhận cúng đường đất đai vàng bạc ngày xưa để dẫn lối và điều khiển tâm trí mọi người.

Nếu các sư thầy nhận cúng dường và dùng chúng vào những việc như mở thêm nhiều không gian tu tập, mở thiền viện – làm mọi việc có thể chỉ để giúp tăng nhận biết của chúng sinh, thế thì quá tốt. Thế thì chẳng có gì để nói.

Nhưng vấn đề là ngày nay (tất nhiên không phải tuyệt đối), việc cúng-dường trở nên không thuần khiết và không-đẹp bởi vì cả người cho và người nhận, cả việc cho lẫn việc nhận đều không còn thuần khiết, đều đầy rẫy những mong cầu, những điều kiện. Người cho cũng tham mà người nhận cũng tham.

Người cho mong được tích ân đức, mong được đáp lại bằng phúc lộc, không cõi này thì ít nhất cũng là phúc lộc ở cõi thiêng nào đó, không kiếp này thì phải được nhận lại ở kiếp sau nào đó. Người nhận thì chỉ muốn nhận nhiều hơn và nhiều hơn nữa, không điểm dừng, nhận và tích trữ làm của riêng, sống đời xa hoa, không có sự trân trọng và mục đích xứng đáng, xem việc nhận của người khác là mình đang làm đức cho họ, đặt bản thân mình lên tít trên cao, thậm chí còn đòi hỏi để được nhận nhiều hơn nữa. Thật là một sự hỗn loạn kì lạ!

Một tưởng tượng vui để thấy sự ngớ ngẩn: Nếu người ta đem quy đổi tất cả tiền cúng dường ra đồ ăn như bánh mì chẳng hạn, và tưởng tượng vào ngày lễ lớn mọi người chỉ đem theo duy nhất bánh mì để cúng dường cho chùa, thế thì chùa ngập trong bánh mì – sư sẽ không vui, làm sao mà vui. Sư đâu chỉ cần bánh mì, sư cần cả chả-chay trong bánh mì, nệm êm để ngồi ăn bánh mì và cả điện thoại đời mới để giải trí trong lúc ăn bánh mì chứ.

Và nếu sư nào đó chân thành nhận bánh mì rồi phân phát cho những người đang đói, rồi thông báo với các thí chủ rằng công đức cúng dường của họ đủ để đổi lấy một ổ bánh mì linh thiêng trong cõi linh thiêng, thế thì đến lượt thí chủ lại không vui. Tui cho một ổ bánh mì nhưng tui phải nhận phúc đức ngang bằng tiệc búp phê chứ!!! Món đầu tư phải sinh lời chứ không thì đầu tư làm gì? Và phúc đức là thứ không cầm nắm trong tay được thì lại càng phải đáp trả nhiều hơn chứ…

Việc cúng-dường ngày nay trở thành việc kinh doanh, việc trao đổi lợi ích thuần tuý, dù cho là kinh doanh phúc-đức, tạm gọi là kinh doanh tâm linh. Và khi nó là kinh doanh, nó chẳng có tí tâm linh nào cả. Tâm linh đích thực là khi người ta mất hết tâm trí đi, chỉ sống với nhận biết và để trái tim lèo hướng mọi hành động. Khi chúng ta để tâm trí ham này muốn nọ điều khiển hành động của chúng ta, thế thì kể cả khi đang ngồi trong chùa, ta vẫn cứ là đang trong “bãi chợ”. Bãi chợ không xấu, bãi chợ cái cái hay, cái vui, cái thú vị và những màu sắc của bãi chợ. Nhưng biến chùa thành chợ thì nó hơi sai tí với ý nghĩa ban đầu của chùa chiền tí thôi. Ngày nay mọi người đều có tâm trí bãi chợ và để cho tâm trí ấy can thiệp vào hành động quá nhiều – nếu không muốn nói là mọi hành động luôn. Lần cuối cùng bạn làm một điều gì đó cho người khác một cách thuần khiết vô điều kiện là bao giờ? Lần cuối ai đó làm gì đó cho bạn mà thuần khiết không mảy may một chút xíu mong cầu nào, là bao giờ?

Tâm trí bãi chợ ngăn cản bạn làm điều vô-điều-kiện, nó ngăn cản bạn biết ơn và mở hội (trạng thái hân hoan). Nó biết mọi thứ ngoại trừ sự thuần khiết của hành động.

Và chỉ cần có thế, bạn chỉ cần nhìn vào duy nhất một thứ thôi, thứ đó là “sự thuần khiết của một hành động” – thế thì bạn có đủ cơ sở để soi vào những gì đang xảy ra trong cuộc sống, để biết nó là tốt hay không tốt theo cách nhìn của bạn, để thấy cái hay cái dở và rút ra bài học từ nó. Nếu thấy bản thân mình đang cho đi một cách không thuần khiết, thà đừng cho. Nếu thấy bản thân mình đang nhận với sự không thuần khiết, thà đừng nhận.

Mọi việc xảy ra xung quanh bạn chỉ là tấm gương không hơn không kém, để bạn soi vào hành động của chính mình. Nếu bạn có ý kiến, có yêu-thích về một hành động nào của ai đó, hãy cẩn thận, soi bản thân mình đi, bạn đang còn chưa thuần khiết. Ai đó làm gì hợp ý bạn và bạn vui, bạn cho rằng đó là người tốt. Ai đó làm gì khác ý bạn và bạn cho đó là sai. Sự phân biệt đúng sai này chính là tâm trí, là bản ngã, là sự vô minh và vô nhận biết.

Sẽ đến một lúc bạn biết đúng và sai, nhưng không trong hành động của người khác mà chỉ trong hành động của chính bạn. Cái gì xảy ra tự nhiên, theo luồng chảy, dễ dàng – thường là đúng. Cái gì khiến bạn đau khổ, chật vật, ngược dòng và khó khăn để làm – thế thì nó chưa đúng. Ngay cả “đúng” và “sai” ở đây cũng là cách dùng không thuần khiết. Vì có những việc bạn thấy đúng ở thời điểm này nhưng lại thấy sai ở thời điểm khác. Có những lúc bạn làm việc thiện và thấy đúng nhưng lại có lúc bạn thấy việc thiện là sai quá sai…

Ví dụ đơn giản nhất như việc phóng sinh chim cá trong ngày lễ. Ban đầu bạn sẽ thấy nó là việc tốt và bạn sẽ muốn nhiều người cùng làm, nhưng nếu bạn nhìn kĩ vào việc đó, nếu bạn nhìn đủ sâu, bạn sẽ thấy nó là việc tai hại. Bạn sẽ nhận ra, nếu như đừng – nếu không một ai phóng sinh bất cứ con vật nào vào ngày lễ. Nếu như điều này được làm thành luật, thế thì chỉ trong hai đến ba năm thôi, sẽ không còn một con chim cá nào bị bắt nhốt vì lý do chờ đến ngày phóng sinh cả. Đôi khi chúng ta chỉ cần để mọi thứ tự nhiên, là đủ tốt rồi. Việc can thiệp vào cuộc sống với ý nghĩ mình đang làm điều tốt đôi khi còn gây hại hơn cả việc không làm gì. Càng nhìn sâu vào trong mọi hành động bạn sẽ càng nhận ra rằng bất hoạt – vô hành động mới là đức hạnh khó nhất, chứ không phải việc cố làm cái này cái nọ.

Hình tượng Phật ngồi dưới gốc cây hoặc trên toà sen là hình tượng đẹp và đáng giá nhất của đạo Phật – ấy là khi một người bất hoạt, chỉ ngồi im và chìm vào thế giới bên trong của mình, không bận rộn làm này làm nọ, kể cả di chuyển một ngón tay hay đi theo một dòng suy nghĩ – thế thì người ấy đạt tới.

Bất hoạt là chìa khoá để đi vào cánh cổng đạo. Để làm quen với bất hoạt và đưa bất hoạt này vào đời sống, khoá lưỡi lại là việc đơn giản nhất. Suy nghĩ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói đi, và rồi đừng nói gì cả, thế thì bạn sẽ không thể nói bất cứ gì sai hay vô nghĩa hay ngu ngốc được. Và khi miệng đóng lại, tai tự dưng mở ra, bạn sẽ nghe được đủ thứ bạn chưa từng nghe, rồi tới mắt sẽ nhìn thấy đủ thứ bạn chưa từng thấy… Và rồi khi tâm trí dừng lại, bạn sẽ đi vào cõi an lạc linh thiêng. Nó có thật, nó không xa xôi như bạn nghĩ! Chỉ là bạn chưa bao giờ muốn tự mình bước chân mình vào con đường tầm đạo ấy, bạn thích cúng-dường của cải này nọ vì nó dễ hơn, đỡ vất vả. Nhưng thế thì cuộc sống của bạn sẽ mãi chẳng bao giờ tới đâu cả. Hãy thử suy nghĩ về việc là người tu hành đi, đừng chỉ là người thí chủ nữa.

Bộ phim Tây Du Kí với hình tượng năm thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh xa xôi vạn dặm và xin cơm chay dọc đường đi là một hình tượng tuyệt vời nói về việc cúng-dường, cung-dưỡng này. Họ xin cơm ăn mỗi ngày, họ không xin tiền để tích trữ. Bởi vì mục đích của họ là hành trình mà họ đang đi. Đường Tăng đại diện cho Phật tính của mỗi người chúng ta – ông ấy luôn biết ơn các gia chủ, kể cả khi được xếp cho chỗ ngủ trong chuồng ngựa hay được ban cho đồ ăn hư thối, ông ấy vẫn khiêm cung thể hiện sự biết ơn đầy thành kính, không giả trân, không giận dỗi. Còn Bát Giới chính là tâm trí “bãi chợ” của chúng ta, Bát Giới sẽ không vui nếu gia chủ có phòng ốc đẹp mà lại để cho mình hay thầy mình ngủ trong chuồng ngựa. Bát Giới sẽ vui ra mặt nếu có đồ ăn ngon, cằn nhằn khi đồ ăn ít quá hay dở quá, và sẵn sàng “rón” một ít từ chén của người khác vì không cầm lòng nổi. Tất nhiên nếu phải so sánh thì Bát Giới bị xem như không tốt – nếu so với Đường Tăng, nhưng không vì thế mà Bát Giới xấu. Cậu ấy thậm chí còn rất đẹp vì sự chân thật, không giả trân của mình, có sao nói vậy, không kìm nén, không giả vờ, chẳng thảo mai – sao mà đáng yêu thế. Và sự khiêm cung kính cẩn của Đường Tăng cũng đẹp vô cùng vì lý do đó: nó thực là con người ông ấy như thế, không giả tạo.

Việc xin ăn dọc đường này của thầy trò Đường Tăng là thuần khiết và đẹp vô cùng, nó khiến cho người xem – đôi khi  hay nhiều khi – cũng muốn được như thế. Cũng muốn được là người gia chủ đem cho thầy trò họ một nữa ăn. Hoặc muốn mình như người tu hành đi tầm đạo và nhận tình cảm của những người lạ ven đường. Ai từng coi Tây Du Kí mà không có những cảm giác ấy? Điều này chứng tỏ việc cho và nhận là gì đó thuộc về bản tính tự nhiên của chúng ta trong cuộc sống, là không thể tránh khỏi.

Chúng ta có thể tránh mình khỏi cho và nhận không thuần khiết, chỉ khi nhận biết của chúng ta đạt đến một cấp độ nào đó. Và từ giờ đến lúc đó, hãy chỉ là một việc nhỏ xíu này thôi: Tự vấn bản thân trong từng hành động cho của mình – mình đang muốn gì từ nó. Và trong mỗi hành động nhận (khi người khác cho), hãy nhìn ra người đó đang muốn gì ở mình?

Nhìn ra những mong muốn từ thô cho đến tinh trong mỗi hành động của mình, nhìn ra sự không thuần khiết trong hành động của bản thân, thế thì bạn đang bước một chân vào con đường tầm đạo rồi đấy. Thế thì ngày bạn làm hành động cho-nhận một cách thuần khiết sẽ không còn xa xôi nữa.

Một khi bạn đã nếm trải hương vị của sự thuần khiết, bạn sẽ không bao giờ còn bận tâm đến những thứ không thuần khiết nữa.

Để kết thúc bài dài ngày hôm nay, Phi Tuyết tặng bạn một câu “thần chú” ngắn nhưng hi vọng nó đủ mạnh để bạn thiền về nó.

Thay vì hỏi, “Liệu trên đời này có bữa ăn nào thực sự miễn phí nào không?”

Hãy hỏi, “Đã bao giờ tôi cho ai đó một bữa ăn thực sự miễn phí chưa?”

Thiền về nó, và làm gì đó với nó đi.

Cảm ơn bạn đã đọc bài dài này trong kiên nhẫn và hân hoan! – 5260 chữ ạ!

namaste

One thought on “Về vẻ đẹp và hương vị thuần khiết trong cúng-dường, cung-dưỡng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *