Mình viết cho ai và viết để làm gì?
Bản thân mình hay viết để chia sẻ điều mình biết và điều mình tin tưởng. Mình viết ra không phải để chỉ bảo ai, chẳng có đối tượng “bạn” cụ thể. Mình viết ra để làm nhẹ gánh bản thân mình. Nói cách khác, mình viết để bộc lộ bản thân. Cho nên điều mình viết không có ý nghĩa phải khớp với niềm tin của bạn, nhận thức hay sự biết của bạn. Và mình cũng không có trách nhiệm phải viết điều ăn khớp với niềm tin của bạn. Vì mình viết có phải cho bạn đâu, có phải để hướng đạo hay chỉ bảo bạn đâu cơ chứ?
Mình viết để làm rõ bản thân mình.
Mình viết, bạn đọc, mình cảm ơn. Bạn không đọc, không hề hấn gì cả. Bản thân việc viết đã giúp mình nhìn ra nhiều điều về bản thân và đó là phần thưởng rồi. Việc có ai đó đồng ý với điều mình biết chỉ cho mình cảm giác rằng: Tuyệt quá, mình không cô đơn.
Nếu bạn đọc những gì mình viết và bằng cách nào đó soi thấy bản thân bạn trong đó. Nếu bạn đọc và thấy hợp lý, thấy như được “cởi tấm lòng”, thấy có thêm chút ánh sáng trong hành trình mò mẫm của bạn, thấy có những thoáng nhìn về điều gì nên làm. Nếu bạn đọc và đồng ý với mình, có nghĩa chúng ta đang trên cùng hành trình và cùng đứng ở một điểm nào đó, cùng nhìn về một hướng. Điều này thật vui vì không dễ dàng để bước đi trên con đường cô đơn này mãi. Cảm giác có bạn đồng hành thật là vui. Nhưng dù thế, chẳng ai đồng hành với ai mãi mãi vì hành trình của chúng ta là hành trình đơn độc. Nó nhất định phải là đơn độc. Đó là bản tính của nó. Việc thắp đèn là của mỗi người mà không ai làm thay được. Như Phật nói “hãy là ánh sáng lên bản thân ngươi” chứ không nói “đến mà lấy ánh sáng từ ta đây”. Và Jesus nói “hãy tự vác thập giác của mình mà theo ta” chứ không nói “đưa thập giá của ngươi đây ta vác cho”. Hành trình tâm linh là hành trình đơn độc.
Trong suốt hành trình này chúng ta có thể nói ra điều mình thấy để chia sẻ với người khác, khuyến khích người khác, cổ vũ người khác và an ủi người khác. Chúng ta không nói ra để bảo ai đó đi theo mình. Đây là việc của các tu sĩ, sa môn, của hệ thống tôn giáo vị chính trị => những người muốn hướng đạo người khác, kiểm soát người khác, thể hiện quyền lực lên người khác.
Chân lý là thứ vừa mang tính phổ quát lẫn mang tính cá nhân, nó khớp với tất cả mọi người theo hàng tỉ cách và đó là điều tuyệt vời của nó. Hương vị của chân lý luôn là hương vị của giải thoát, của bình an, chúc lành, yêu thương, nhận biết… Bất cứ gì bạn đọc và bất cứ ai bạn tiếp xúc mà khơi lên cho bạn những tính chất này, đó là chân lý của bạn. Đừng áp nó lên người khác và cũng đừng lo lắng khi nó thay đổi. Hôm nay châ lý của bạn là tiền, ngày mai nó là thiền => đều rất tốt. Cái gì cũng có quá trình và nguyên do.
Bạn phải bước qua bậc thấp thì mới tiến lên bậc cao được. Ai cũng thế!
Nếu bạn đọc những gì mình viết và bằng cách nào đó thấy không hợp lý, không vui, không hài lòng, không bị thuyết phục, ấy thì cũng tuyệt đối tốt thôi. Mình đâu có viết về bạn. Mình đâu có biết bạn đã trải qua gì và đang tìm kiếm điều gì. Nếu bạn không đồng ý với mình thì chỉ có thể là một trong hai nguyên do: bạn đang ở trên cao hơn mình, hoặc ngược lại. Có thể bạn đã thấy nhiều hơn những gì mình thấy, thấy toàn cảnh hơn, hoặc ngược lại. Thế thì có gì để mà tranh luận? Một người chỉ thấy được những gì trong tầm mắt của người đó và tại vị trí của người đó mà thôi.
Mình viết với tâm thế là làm nhẹ gánh bản thân, tự nhìn lại những gì mình biết và hệ thống nó lại để lỡ may ai đó cũng đang loay hoay tìm kiếm những điều mình đã kiếm và đã trải qua. Mình không viết để cố bắt ép ai phải thấy điều mình thấy. Bạn không thấy thì đó là việc của bạn. Mình đâu có trách nhiệm giải trình hay giải thích điều mình thấy cho bạn. Mình đâu phải giáo viên của bạn hay người hướng dẫn của bạn?
Đôi khi bạn không đồng ý điều mình viết vì nó không khớp với niềm tin của bạn, tự dưng bạn lao vào như thể mình có lỗi với bạn, có trách nhiệm giải trình với bạn, trách nhiệm phải im miệng vì không nói cái điều mà bạn biết… ô hay!
Xin lỗi bạn chứ mình chả có lỗi gì với bạn hết ớ. Mình chả có trách nhiệm gì với bạn hay quyền lợi gì từ bạn hết ớ. Mình viết để bộc lộ bản thân mình cơ mà. Mình có viết để bộc lộ bản thân bạn đâu nhờ? Mình đâu phải kí giả riêng của bạn?
Nếu bạn biết gì đó, tin vào điều gì đó mà thấy là nó có ích cho nhận thức của nhân loại nói chung hay có ích cho ai đó nói riêng, thì tự bạn về tường nhà bạn mà viết mà chia sẻ ạ. Sao lại bắt mình phải chứng minh điều bạn không đồng ý?
Điều mình đã làm, đã biết thì mình không có nhu cầu chứng minh còn điều mình chỉ đang tin, chưa thật sự biết thì lại càng không có gì để mà chứng minh cả.
Niềm tin là nỗ lực của chúng ta tự ám thị mình tin vào điều mình chưa biết. Và vì chưa biết nên chẳng có gì chắc chắn cả. Bạn bắt mình phải chứng minh niềm tin của mình thì là bạn vớ vẩn rồi. Mọi nỗ lực để chứng minh niềm tin đều là vớ vẩn. Nó là việc cố chứng minh điều mà ta không biết.
Còn một khi mình đã “biết” thì mình không cần niềm tin và cũng không còn cần phải nói về niềm tin. Mình biết sáng mai mặt trời lại mọc thì hà cớ gì phải nói “tôi có niềm tin ngày mai mặt trời lại mọc”? Mình biết ai rồi cũng chết thì cần gì phải nói “tôi có niềm tin ai rồi cũng chết”. Thay vào đó ta đơn thuần nói “ai rồi cũng chết”.
Nhưng cẩn thận, vì ngay cả khi bạn nói điều có vẻ rất chân lý như “ai rồi cũng chết” sẽ vẫn có người phản đối bạn vì họ có niềm tin khác và cách nhìn khác: Jesus không chết, linh hồn không chết, Thượng đế không chết…
Chúng ta ở những điểm khác nhau trong hành trình truy tìm chân lý, chúng ta thấy điều khác nhau và chúng ta không cần phải thấy giống nhau. Điều đó là tự nhiên, là sự thú vị của cuộc sống.
Khi bạn đọc cái gì đó mà bạn không đồng ý. Tự hỏi bản thân mình hai câu:
1. Tôi không đồng ý vì điều này tôi đã từng trải qua rồi, tôi đã từng nghĩ như vậy nhưng nay tôi không còn nghĩ vậy nữa. => bạn biết mình đang tiến bộ.
2. Tôi không đồng ý vì điều này không khớp với những gì tôi biết. Nó mới so với tôi, tôi chưa trải qua nó, tôi không hiểu hết nên tôi không chấp nhận. => bạn đang tự cản trở việc tiến bộ của mình.
Trong mọi lời người khác nói ra hay viết ra, việc của bạn không phải là phán xét tranh cãi đúng sai cho nó – TRỪ KHI NGƯỜI ĐÓ CHỈ RÕ TÊN BẠN LÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA BÀI VIẾT – nhưng là ngẫm nghĩ và xem thử những lời đó có khơi gợi cho bạn bất cứ cảm xúc hay cảm hứng bên trong nào không. Nó có cho bạn năng lượng nào mới không.
– Nếu không, thường là bạn đang ở bên dưới hoặc quá xa bên trên điều bạn vừa đọc, vừa nghe.
– Nếu điều bạn đọc gợi trong bạn một nguồn năng lượng và bạn biết là năng lượng tốt, thì tốt. Hãy tận dụng nó như cái la bàn, như tấm bản đồ hoặc như một bức thư tình nuôi dưỡng nhận thức của bạn, ánh sáng của bạn.
-Nếu điều bạn đọc có gợi năng lượng và là năng lượng xấu (ghen tị, tham muốn, thù hằn, phán xét, tức giận, sợ hãi, bạo lực, hoang mang…), thì cũng tốt luôn. Việc chuyển hoá năng lượng xấu ấy thành năng lượng tốt, xây dựng hay phá huỷ, đi lên hay đi xuống, mở ra hay thu vào – đó hoàn toàn là trách nhiệm của bạn, không phải của người viết.
Cho nên đừng soi lời của mình như một nhà phê bình hay như một quan toà, cũng đừng đòi hỏi mình phải giải trình hay tranh luận gì cả. Mình biết ơn lắm.
Đọc lời nhưng đừng bao giờ bám vào lời. Bản thân mình viết ra lời nhưng cũng không muốn bám vào lời. Mình viết nhiều thật đó nhưng mình cũng dám thừa nhận luôn mọi lời của mình đều là bullshit, là cứt trâu hết. Chả nghĩa lý gì. Ủa giờ mới phát hiện BULLSHIT đúng nghĩa đen là CỨT TRÂU luôn kìa.
Sao người ta lại dùng là Bull-shit mà không dùng Dog-shit, Cow-shit hay Chicken-shit vậy nhờ?
Đấy, lại vớ vẩn rồi :))
Zậy nha!

À, chưa viết ra những lời này thì có đôi chút ấm ức. Viết ra rồi thì hết ấm ức mà cũng thấy mình đanh đá hung hăng quá
Xin lỗi những bạn mà từng thấy khó chịu vì lời của mình. Lời xin lỗi này là chân thành và đích danh ạ! 


14/11/2020