Nhớ ngày đó – ngày nào quên rồi– cái hồi mà cả khối 12 nhốn nháo loạn xị cả lên để tìm trường đăng ký thi đại học ấy – có một Phi Tuyết hoc lực hơi bị ngon – thuộc TOP lớp chứ chả đùa – chẳng phân vân đặt bút đánh roẹt vào một trường dễ tính tới mức chẳng cần phải thi chỉ xét tuyển cũng đủ đậu. Biết vì sao không? Chỉ vì cái trường trời đánh đó có cái ngành “nghe tên thấy hay hay”. Sau đó thì tiếc ơi là nuối vì khi nhìn thấy số điểm dư vào Đại học Kinh tế lừng danh bao người thèm muốn mà không thể học. Lúc này mới nhìn ra sự bồng bột của mình tôi bỏ trường dân lập với cái ngành có tên hay hay để vào học một trường cao đẳng cũng khá có tiếng, chuyên ngành marketing mà lúc đăng ký cũng chỉ vì tụi bạn kêu “ngành này hợp với mày nè”…
18 tuổi – không biết có ai khác không nhưng ít nhất có một TÔI tự cười vào mặt mình – cười sự bồng bột dễ dãi và vô trách nhiệm với tương lai của chính mình
Ơn trời! Tôi không hối hận khi học ở đây vì nhờ lịch học khá dễ chịu nên tôi có thể làm bao điều thú vị mà cô bạn thân học đại học kinh tế không thể làm – vì lịch học thi của cô ấy thì bù đầu bù cổ. (khoái)
Rồi tôi cũng tốt nghiệp. Trong khi bạn bè rục rịch đi làm hồ sơ xin việc – vui mừng thoát khỏi kiếp sinh viên để nhào vào đời. Tôi cũng hớn hở bước qua một giai đoạn mới, nhưng không đi làm như các bạn, tôi kiên quyết xin ba mẹ cho về quê mở shop thời trang, việc mà người ta vẫn gọi bằng mỹ từ sang chảnh “theo đuổi đam mê”.
Bạn bè nhìn tôi với nửa con mắt – xem thường là chính – rằng tự nhiên học cho đã xong về quê buôn bán. Mà nếu chỉ bạn bè không thì đỡ, đằng này cả ba mẹ tôi cũng phản đối. Ba thì muốn tôi đi làm công việc văn phòng cho nhẹ nhàng, lịch sự. Mẹ thì không muốn cho tôi mượn một số vốn lớn để bắt đầu vì cho rằng tôi chỉ như một đứa trẻ học đòi, ngựa non háu đá… Thế đấy, theo đuổi đam mê vất vả quá. Tôi đã mất cả tháng trời để tìm hiểu, lập kế hoạch và thuyết phục ba mẹ cho mượn vốn – cuối cùng họ cũng chấp nhận – với điều kiện: nếu thua lỗ hết thì sẽ bị trừ ngay vào số tiền hồi môn sau này. Sặc. Chơi luôn.
Thế là tôi bắt đầu.
21 tuổi – Tôi bị ba mẹ thở dài thất vọng
Sau một năm mọi thứ ổn định, tôi hoàn trả lại vốn cho ba mẹ đầy đủ và bắt đầu có một số vốn riêng. Lúc này tiếng nói của tôi bắt đầu có trọng lượng, nhưng ba mẹ vẫn chưa hài lòng. Tôi vẫn được nghe kể những câu chuyện đại loại như: “Con bà A làm cho công ty quảng cáo suốt ngày mang dầu ăn, xà bông, hạt nêm về xài vài tháng không hết, con ông B làm cho công ty kia cuối năm được đi du lịch nước ngoài tận… Trung Quốc, con cô C làm ngân hàng được thưởng này nọ dịp cuối năm… Lần nào vô tình gặp các cô bác hàng xóm tôi cũng được nghe câu: “Giờ cháu làm gì rồi? À vậy à, sao cháu không đi làm? Không xin được việc à? Con cô giờ mới dô công ty này. Con chú giờ đang đi công tác kia…”
Mệt. Tôi chẳng hỏi họ cũng tự trả lời. Ai quan tâm chứ?
Thật là phát điên, người ta tự hào về con họ tôi không quan tâm nhưng cảm giác ba mẹ thất vọng về mình thật tệ, nhất là khi tôi là đứa được kỳ vọng vì những thành tích đẹp đẽ suốt những năm học phổ thông.
Thế là tuổi 22, tôi không bị bạn bè hay ba mẹ chê cười, mà bị những bậc phụ huynh khác xem thường một cách đầy ẩn ý, nhiều khi là ra mặt.
2 năm tiếp theo bắt đầu tuyệt vời hơn, tôi tạo cho mình một cuộc sống hoàn hảo và thường xuyên update điều đó lên facebook, cách nhanh nhất để mọi người biết về thực trạng của bản thân. Vì làm tự do, lại ở một mình, tôi thích ngủ dậy lúc nào thì dậy, thích ăn gì thì đi ăn liền, mỗi sáng cafe thư thả, mỗi tối đi dạo bờ hồ, đi ăn những món ngon, tụ tập bạn bè, cả ngày bận đồ đẹp ngồi chat chít, soi gương, một vài tuần lại về nhà ba mẹ ăn uống với cả gia đình, tặng quà cho ba mẹ, 1 vài tháng lại đi du lịch đâu đó có khi trong khi ngoài nước, rồi mua thứ này sắm thứ kia, mở thêm vài cửa hàng mới cho các chị em trong nhà cùng làm…
Ba mẹ dường như cũng hơi hài lòng và đã chấp nhận việc tôi thất nghiệp như thế đó.
Lúc này, bạn bè tôi bắt đầu bị cuống vào vòng xoáy kinh tế suy thoái, rồi những lời ủ ê, than vãn ngập tràn facebook, không còn thấy vẻ nhiệt huyết với công việc như hồi mới ra trường. Nhiều bạn bắt đầu nghĩ tới việc kinh doanh riêng, dù là về quê mở tiệm hay làm online tay trái, họ tìm đến tôi để hỏi những lời khuyên và kinh nghiệm, dĩ nhiên, tôi rất vui vì điều đó, và với ai tôi cũng sẽ hỗ trợ hết mình, chia sẻ mọi điều tôi biết, vì thật lòng, tôi cũng mong họ thành công. Cũng có khi tôi được khen, được ai đó nói rằng tôi thật giỏi và họ rất nể phục. Ôi, thật là hạnh phúc khi được nghe điều đó, mặc dù công việc của tôi đã gặp nhiều khó khăn lắm đấy, và hiện tại tôi vẫn đang tìm cách xoay xở với khó khăn mỗi ngày. Nhưng tôi không nhận mình tài giỏi, tài giỏi gì khi nhìn ra bên ngoài, mình chỉ là cái đinh gỉ, nhưng tôi có thể nhận mình liều, liều vì khác biệt, vì không bị cuốn theo bất cứ một quy trình nào mà định kiến áp đặt.
Mấy ngày qua bạn bè khoe hình tốt nghiệp liên thông đại học kinh tế, tôi nhìn cũng có chút ghen tỵ, nhưng tấm bằng, đối với một người yêu những việc không theo khuôn khổ như tôi mà nói, gần như không có giá trị gì. Ngoại trừ việc tôi muốn có nó, để lên tiếp thạc sĩ, để có thể đi giảng ở trường nào đó, gõ đầu trẻ, như một đam mê khác giấu kín từ lâu.
Và rồi thì 24 tuổi, tôi gần như có những thứ rất nhiều người khác mong muốn: cuộc sống tự do thoải mái, tự lập với những cửa hàng riêng, và những chuyến du lịch dài ngày.
24 tuổi – tôi đã và biết mình sẽ bị cười nhạo cho thối mũi, nếu mọi người biết ý định của tôi – từ bỏ tất cả những điều tuyệt vời đó, để xuống lại mảnh đất Sài Thành nhộn nhịp, bắt đầu những công việc mới, những dự định mới, kế hoạch mới, to lớn hơn, viễn vông hơn và tất nhiên, thử thách hơn nữa. Hoặc là, cũng từ bỏ tất cả lại đó, tiến ra Hà Nội, làm một công việc thú vị mà tôi mới tìm được, thử thách bản thân ở một môi trường xa lạ.
24 tuổi – tôi lại tự cười bản thân vì bản tính lỳ lợm, ưa thử thách, không biết điểm dừng của mình. Những ai biết ý định sẽ cười vì tôi tham lam và hình như hơi ngu ngốc, ba mẹ tức giận không hiểu tôi đang nghĩ cái quái gì? Đi đi ở ở, đúng là “đồ tuổi ngựa”.
Thế đấy, từ đầu tới cuối, những bước ngoặt cuộc đời của tôi, toàn những việc không được ai ủng hộ, toàn những thứ lạ lùng đi ngược dòng người xung quanh. Nhưng tôi hài lòng, thế giới này được bao nhiêu người hài lòng với cuộc sống của họ? Tôi cảm thấy may mắn hơn những người khác, vì luôn hài lòng với những quyết định có phần lạ lùng của bản thân. Vì, giữa hàng ngàn niềm tin bủa vây xung quanh tôi mỗi khi phải ra quyết định, tôi chọn cách tin vào chính bản thân mình. Và tôi chưa từng phải hối hận. Dù cho có nhiều lúc mỏi mệt muốn buông tay.
Vậy nên các bạn ơi, đừng sợ hãi, đừng tức giận khi bị người khác chê cười. Vì đôi khi họ cười đó, nhưng trong thâm tâm, họ khao khát được dại dột, được xông pha như những người mà họ chê cười. Bởi vì, có gì hiệu quả hơn để che giấu cảm xúc cho bằng một nụ cười?
“Thứ duy nhất khiến cuộc sống này trở nên đáng giá, là vì nó không kéo dài mãi mãi. Chính vì cuộc sống của chúng ta có thể kết thúc bất cứ lúc nào, nên làm ơn, đừng lãng phí thời gian sống cuộc đời của người khác, hãy sống cuộc đời của chính mình, bạn sẽ không hối tiếc…”
Đây hẳn là một câu nói quen thuộc ai cũng biết, nhưng nó chưa bao giờ lỗi thời, đúng không?
Phi Tuyết 16/06/2014