Thay đổi nền giáo dục tương lai từ việc thay đổi nhận thức và hiểu biết của chính mình

Ngày tựu trường vừa trôi qua, một năm học nữa lại đến. Phần lớn chúng ta thích ngày tựu trường, vì hôm đó đông vui, vì ta có thể ngắm nhìn những gương mặt cả thân quen lẫn mới mẻ sau những tháng hè, vì muốn xem trường mới lớp mới có ai xinh xắn không… Chúng ta không thích những gì thật sự có trong ngày tựu trường, những bài đọc bài phát biểu lê thê chán ngắt và buồn tẻ. Người nói chẳng quan tâm có ai nghe hay không, người nghe chẳng quan tâm ai đang phát biểu cái gì. Tất cả chỉ là hình thức để bắt đầu cho một hoạt động mang tính truyền thống, chẳng có ý nghĩa gì lắm. Ngày tựu trường đối với một năm học, cũng như việc đi học đối với thành công của một con người sau này, chẳng mấy ăn nhập với nhau, chẳng nói lên được điều gì cả.

Càng ngày chúng ta càng tỏ thái độ chán nản đối với chương trình giáo dục hiện hành, chúng ta mong chờ điều gì đó thay đổi, những thay đổi cốt yếu và hiệu quả chứ không phải thay đổi kiểu bắt học sinh mua máy tính bảng, thay đổi đồng phục màu này màu kia, hạ học phí đổi giờ học… Không, cái chúng ta cần, là chất lượng giáo dục, trường học phải là nơi lan truyền kiến thức lẫn sự hiểu biết, trau dồi nền móng tính cách con người và nhất phải là nơi khơi gợi sự tò mò, học hỏi và sáng tạo nơi học sinh. Đó mới là cái chúng ta thực sự cần.

Nhưng phải chấp nhận thực tế rằng chúng ta khó lòng có thể thay đổi được nền giáo dục đó, nó quá nặng nề, quá truyền thống, quá hình thức để bất cứ cá nhân nào có thể tạo được biến chuyển. Tôi đã mơ về việc định hướng giáo dục cho mỗi học sinh, để họ biết mình nên học gì, cần trau dồi gì hơn là chỉ ngồi yên để trường học nhồi kiến thức. Rồi tôi lại mơ về việc định hướng các bậc phụ huynh hiện tại, những cha mẹ của chúng ta, họ nên và cần phải biết chúng ta cần gì, để giúp chúng ta tự tin đi trên con đường chính mình lựa chọn, những lựa chọn đôi khi sai lầm nhưng ngập tràn hạnh phúc. Nhưng thật khó khăn làm sao, phụ huynh họ bận rộn lắm, họ không có thời gian để tìm hiểu con mình thật sự muốn gì và chắc chắn là chẳng bậc phụ huynh nào muốn nghe những lý thuyết của một đứa con gái hai-mươi-tư tuổi vớ vẩn như tôi cả.

Nên sau cùng, tôi đành nghĩ ra một cách khác, một con đường khác, có thể hiệu quả hơn, dễ dàng hơn. Chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi nền móng của nền giáo dục này, chính chúng ta chứ không ai cả. Tôi đang nói về bạn, chính bạn sẽ là phụ huynh một ngày nào đó, là những bậc cha mẹ chịu trách nhiệm định hướng giáo dục cho con cái của mình. Nếu như chính bạn có thể thay đổi cách suy nghĩ, thì thế hệ tương lai, con cháu của chúng ta sẽ có phúc hơn rất nhiều. Chúng sẽ được sống trong một nền giáo dục tự do và tươi mới, do chính chúng ta đặt nền tảng từ hôm nay. Vậy nên gửi tới những ai hiện đang làm phụ huynh hay sẽ làm phụ huynh trong tương lai, mà muốn điều tốt nhất cho con cái của mình, mong muốn làm điều đúng đắn cho sự phát triển của con nói riêng và tốt cho cả xã hội này nói chung thì có vài điều bạn cần-nên và phải biết:

Học giỏi là thông minh?

Đây là một trong những sai lầm đầu tiên về nhận thức của các bậc phụ huynh nói riêng và cả xã hội nói chung khi đánh giá một con người. Chính vì nhận thức sai lầm này bao thế hệ tuổi trẻ chúng ta đã phải cày ngày cày đêm cực khổ trong mớ kiến thức rời rạc, khô khan và chán nản. Không phải vì tương lai, không phải vì yêu thích, không phải vì sự hiểu biết, mà chỉ vì sự ganh đua và đòi hỏi của các bậc phụ huynh. Những người quan tâm ta nhất thế giới nhưng thật ra lại chả quan tâm ta tí nào. Hay ít nhất là quan tâm ta không đúng cách tí nào.

Trong một xã hội trọng gia đình, trọng chữ hiếu như Việt Nam ta, con cái luôn phải nghe lời cha mẹ, chịu sự áp đặt của cha mẹ dù cho trong lòng không hề tâm phục, một xã hội cứ mãi như thế thì ắt hẳn không thể phát triển rực rỡ được. Vì một xã hội có phát triển hay không là nhờ vào những ý tưởng và hành động thực tế của những lớp người trẻ trung, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi. Chứ không phải nhờ vào một lớp người đã già cỗi đầy những kiến thức lỗi thời không còn phù hợp với thực tế nhưng lại khăng khăng là mình đúng và bắt mọi người phải nghe theo. Những người lớn tất nhiên có giá trị và kinh nghiệm của họ, đó là những thứ đáng giá và cần trân trọng, nhưng không phải trong mọi trường hợp và nhất là không nên áp dụng nó một cách máy móc cho các thế hệ tiếp theo.

Chúng ta cứ mặc định rằng một đứa trẻ thông minh là một đứa trẻ học giỏi trên lớp, được thầy cô khen ngợi và mang giấy khen về nhà. Cha mẹ nào cũng muốn con mình thông minh và sẽ vô cùng tức giận, xấu hổ hay buồn phiền nếu như con mình thua kém con người ta về học lực. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc cha mẹ bắt con cái học điên cuồng, học từ ngày sang đêm, học từ đông sang hè, học từ mẫu giáo tới đại học, học không ngừng nghỉ. Đó thật là hành động vô cùng lãng phí: tiền bạc của cha mẹ, công sức và thời gian của con cái, thậm chí là lãng phí cả trí thông minh vốn có của con.

Có một học thuyết, một nghiên cứu rất hay ho về các loại trí thông minh của con người mà chắc hẳn nhiều người đã biết. Đây là một học thuyết mang tính cách mạng và ngày càng thu hút được sự quan tâm cũng như thừa nhận của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học và cả công chúng. Đó là học thuyết về nhiều loại thông minh khác nhau, được nhà tâm lý học Howard Gardner xây dựng và phát triển từ 15 năm qua, học thuyết đã thách thức các định kiến cũ về việc như thế nào là sự khôn khéo, thông minh ở con người, và nhất là ở trẻ nhỏ.

Gardner tin tưởng rằng nền văn hoá của chúng ta đã quá tập trung chú trọng vào chỉ một trong các loại hình thông minh ở trẻ – trí thông minh học vấn (trí thông minh theo tư duy lô-gic và lời nói) mà bỏ qua những dạng khác của trí tuệ và sự hiểu biết của con người. Ông đưa ra ý kiến là có ít nhất 7 loại trí thông minh khác nhau, đều xứng đáng được coi như những cách thức quan trọng của suy nghĩ và tư duy. Xác định được trí thông minh của con cái và giúp chúng rèn luyện cũng như phát triển tài năng thiên bẩm, chính là trách nhiệm cao cả của mỗi bậc cha mẹ.

1. Những loại hình trí thông minh căn bản

Ngôn ngữ học: là khả năng suy nghĩ bằng từ ngữ và sử dụng ngôn ngữ để diễn tả những khái niệm phức tạp. Nó là kiểu thông minh có ở nhiều người nhất, và thể hiện rõ ràng ở các nhà văn, nhà thơ, phóng viên, biên tập viên hay các diễn giả.

Logic: là khả năng tính toán, xác định số lượng, cân nhắc các giả thiết và thực hiện những hoạt động toán học hoàn hảo. Nó thể hiện rõ ở các nhà toán học, khoa học và thám tử.

Không gian: là khả năng nghĩ “ba chiều”, bao gồm trí tưởng tượng, vận dụng hình ảnh, các kỹ năng đồ họa và nghệ thuật. Trẻ có thể trở thành nghệ sỹ, nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, nhà điêu khắc, kiến trúc sư…

Thể lực: là khả năng vận động và dùng rất nhiều kỹ năng đa dạng của cơ thể, điều khiển hoàn hảo những cử động của mình. Trẻ sẽ thành công khi trở thành các vận động viên thể thao, vũ công, diễn viên hay thậm chí là bác sĩ chuyên về phẫu thuật hoặc các ngành nghề cần sự thủ công khéo léo.

Giao tế: là khả năng hiểu và tương tác hiệu quả với người khác. Nó bao gồm việc giao tiếp hiệu quả, khả năng nhận biết sự độc đáo của mỗi người, nhạy cảm với tâm trạng của người khác… Trẻ có trí thông minh này hợp với làm chính khách, giáo viên, nhà trị liệu, nhân viên kinh doanh, diễn viên, nhà xã hội học, nghệ sĩ…

Nội tâm: là khả năng hiểu được bản thân một cách sâu sắc, cũng như những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, và sử dụng những hiểu biết đó trong việc lập kế hoạch và định hướng cuộc sống. Nếu trí thông minh nội tâm của bạn hoạt động mạnh, trẻ phù hợp làm nhà tâm lý học, triết gia hoặc nhà văn…

Môi trường: là dạng tài năng giúp gắn kết con người với mọi thứ xung quanh họ. Dạng này thường có ở những nhà nông lớn, người nghiên cứu môi trường và động thực vật học.

“Người nào học không giỏi ở trường, ngay cả khi họ rất chăm chỉ, thì thường không có tài về đọc hiểu ngôn ngữ. Những người này không thể học bằng cách ngồi ì một chỗ, nghe giảng hoặc đọc sách. Họ chắc chắn là có năng khiếu trong lĩnh vực khác.

Người bị té ngã mà biết đứng lên được gọi là người vững vàng, ngoan cường hay quả quyết. Người dám làm những việc mà người khác kinh hãi được gọi là người có khí phách hay dũng cảm. Một người phạm sai lầm, nhưng dám nhận sai lầm đó và biết xin lỗi, sửa lỗi được gọi là khiêm tốn… Đó cũng là những dạng tài năng, tài năng nội tâm và chế ngự cảm xúc.

Vào cuối thập niên 1930, một nghiên cứu trên những người thành đạt của viện Carnegie cho thấy, trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm dưới 15% trong thành công của một người. Nói cách khác, một tiến sĩ thành công hơn những người khác không nhất thiết vì trường họ học hay vì bản thân họ thông minh hơn ai. Tất cả chúng ta đều biết, có những người học rất giỏi ở trường và được đánh giá là thông minh nhưng chưa chắc đã thành công trong cuộc sống. Khi bạn nhìn vào 7 dạng tài năng khác nhau, bạn có thể thấy có nhiều lý do khác nhau để một người thành công. Nói cách khác, bạn có thể phân biệt rõ được nền tảng của sự thông minh.

Nghiên cứu đó cũng cho thấy 85% thành công trong đời của một người là do “kỹ năng quản lý con người”. Điều đó cho thấy khả năng giao tiếp và làm việc với người khác quan trọng hơn trình độ chuyên môn kỹ thuật rất nhiều.

Một nghiên cứu khác được tiến hành trên 3000 ông chủ qua phỏng vấn trả lời câu hỏi: “Hai kỹ năng hàng đầu mà bạn tìm kiếm khi tuyển nhân viên là gì?” Sáu kỹ năng được đề cập nhiều nhất là: Thái độ tốt, kỹ năng giao tiếp tốt, kinh nghiệm làm việc, những ý kiến của cơ quan cũ, những kỹ năng mềm và tới học vấn. Một lần nữa, thái độ và kỹ năng giao tiếp lại được xếp cao hơn năng lực về chuyên môn trong việc xác định một nhân viên cần có.”

—Robert Kiyosaki, Dạy con làm giàu

Thế nên, các phụ huynh, làm ơn đừng buồn sầu khi con mình không học giỏi trên trường, không giỏi về các môn toán học, khoa học, ngoại ngữ mà lại yêu thích việc vẽ vời, sáng tác văn thơ hay suốt ngày ôm trái bóng tròn chơi miệt mài. Hãy tin rằng đứa trẻ nào cũng có những tố chất và tài năng thiên bẩm, cần thời gian để bộc lộ. Khi bộc lộ rồi thì cần được rèn luyện và phát huy. Chứ không thể áp chung tất cả những đứa trẻ vào cùng một khuôn thông minh logic được.

Khi yêu cầu con cái học giỏi là ta đang yêu cầu con cái phải hội tụ đủ các loại thông minh trên, tức là phải vừa giỏi toán lý hóa, vừa thông thạo ngoại ngữ lại phải làm văn thật là hay, bên cạnh đó còn phải hòa đồng giao tiếp với mọi người, giỏi cả các môn nghệ thuật nhạc họa và thể dục nữa. Mà thật ra cho dù đứa trẻ có giỏi nhạc họa thể thao thì các phụ huynh cũng chẳng quan tâm đâu. Họ chỉ cần con cái mình điểm số toán-lý-hóa-anh-văn thật là cao thôi là đủ rồi. Ai mà quan tâm những môn phụ kia chứ. Ôi chao, mới nghĩ lại thôi đã thấy mệt mỏi quá chừng. Chúng là con người chứ có phải con thú bông đâu mà người lớn lại nhồi kiến thức vào chúng như nhồi thú nhồi bông vậy?

Các bậc phụ huynh cần biết rằng, không phải chỉ có loại hình thông minh logic – học vấn mới cần thiết cho cuộc sống và phải chú tâm. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại, một người đầy ắp kiến thức sách vở thật ra chẳng có tác dụng gì trong cuộc sống so với những người khác. Hay như ai đó đã nói “kiến thức chuyên môn là thứ rẻ nhất bạn có thể mua được”. Mặt khác, ta rất ít gặp những người nổi tiếng hay giàu có nhờ học giỏi, học cao, kiểu như giáo sư toán học Ngô Bảo Châu. Mà những người nổi tiếng thế giới và những người rất thành công trong cuộc sống gần như đều xuất thân từ các loại hình thông minh còn lại: một ca sĩ, diễn viên, MC truyền hình, họa sĩ, nhạc công… (điều này có lẽ chưa phổ biến lắm tại Việt Nam nhưng không có nghĩa là không có, hãy lướt sơ trang tin tức và tìm hiểu xem những người đang được ca tụng là thành công, họ xuất thân từ đâu và họ giỏi về lĩnh vực gì)

Xã hội Việt Nam và các bậc phụ huynh quá chú trọng đến trí thông minh học vấn, đó chính là sai lầm. Mỗi một đứa trẻ khác nhau đều có những tố chất khác nhau và hoàn cảnh sống, quan niệm khác nhau. Tại sao không để cho chúng phát triển theo cách tự nhiên nhất để làm cho thế giới này trở nên đa dạng từ những khác biệt.

2. Trẻ thơ – những thiên tài biến mất

Bạn có biết, mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang trong mình những tố chất của một thiên tài. Chúng có óc tưởng tượng tuyệt vời, chúng học hỏi mọi thứ một cách tự nhiên, say mê và hứng khởi. Chúng xoay vần sự việc và luôn muốn tìm tòi mọi thứ để hiểu ngọn nguồn. Chúng tò mò mọi thứ trên đời mà chẳng ngại ngùng hay sợ hãi. Chúng liên kết sự việc với nhau và thường có những ý tưởng điên rồ nhất để giải quyết vấn đề. Tất cả những trẻ em đều có thể trở thành thiên tài. Cho tới một ngày, chúng được đưa đến trường. Nơi mà tất cả những gì giáo viên làm, là bắt chúng phải ngồi im, khóa miệng lại không được nói khi chưa được phép, khóa tay chân lại không được cử động khi chưa tới giờ chơi. Và cứ thế, cái khuôn khổ cứng nhắc ấy đã làm mất dần sự hứng thú học hỏi, khả năng tìm tòi và trí tò mò cũng như óc tưởng tượng của bọn trẻ.

Khi xem một trận đấu bóng hay một vở kịch dở tệ, ta đứng lên đi về. Khi xem một kênh truyền hình nhàm chán, ta dễ dàng bật chuyển kênh nào đó thú vị hơn. Thật đáng tiếc. Khi là học sinh ta hoàn toàn không có cái quyền này ở trường học.

Một trong những sai lầm kinh điển của mọi phụ huynh, đó là đùn đẩy trách nhiệm giáo dục con cái cho trường học, thầy cô và nghĩ đó là tất cả những gì cần làm. Không, bạn sai rồi, nếu như mục đích tối thượng của trường học là lan truyền sự hiểu biết và niềm khao khát học hỏi, sáng tạo. Thì nhiệm vụ cao cả của mỗi phụ huynh, chính là phải định hướng những điều tốt đẹp cho con cái, và đặc biệt, là giúp chúng tìm ra chính bản thân mình, tìm ra ý nghĩa sự tồn tại của chúng trên đời. Hay nói cách khác, trách nhiệm của phụ huynh, là phải giúp bọn trẻ nhận ra, phát triển và trau dồi những điểm mạnh và tài năng của chúng. Đó mới chính là nhiệm vụ tối thượng của tất cả các phụ huynh trên đời. Chừng nào ta còn chưa nhận ra điều này, thì chừng đó ta sẽ còn bắt ép con cái phải làm thế này thế nọ, và tất nhiên, chừng đó con cái chúng ta sẽ không thể nào hạnh phúc.

3. Thời học sinh – ký ức ngọt ngào hay nỗi ám ảnh dai dẳng?

Chúng ta thường hay dễ dàng bắt gặp những điều ước đại loại: thời học sinh trong sáng và đẹp nhất, ước gì được quay lại thời đó, ước gì được quay lại với đám bạn thời trung học quậy tưng… Hãy thôi ước lại, và giờ trả lời một cách nghiêm túc đi. Nếu cho bạn quay lại thời học sinh đó sống và không được phép trở lại hiện tại nữa. Tất nhiên với điều kiện mất trí nhớ hoàn toàn, bạn có đồng ý không?

Bạn thật sự muốn quay trở lại những buổi học lo sốt vó vì chưa học bài, chưa làm bài tập? Bạn thật sự muốn quay trở lại những buổi học lê thê nhàm chán, những tập vở chép từ kinh khủng, những bài kiếm tra bất chợt? Bạn thật sự muốn quay lại những buổi đêm thức trắng để cố nhồi ít chữ vào đầu vì ngày mai tới ngày thi? Bạn thật sự muốn quay lại thời đó chứ? Bạn còn nhớ những ngày tháng ôn thi đại học, bạn đã bao lần nhắc nhở bản thân rằng chỉ cố hết tháng này, hết tuần này thôi, rồi thì mọi thứ sẽ qua, rồi thì sẽ không bao giờ quay lại thời học sinh chết tiệt này nữa… Bạn có từng ước như thế không? Vậy mà giờ bạn vẫn muốn quay lại thời đó à? Thật chứ?

Giờ nghĩ lại, tôi mới cảm thấy ngạc nhiên và thậm chí là bức xúc. Suốt 6 năm trung học, hình như không một thầy cô nào từng giới thiệu cho chúng tôi bất cứ một cuốn sách nào, và cũng chẳng một ai nói với chúng tôi về lợi ích của việc đọc sách hay gieo cho chúng tôi tinh thần thích đọc sách cả. Thế nên việc phần lớn học sinh Việt Nam chẳng hề đọc một cuốn sách nào (không kể truyện tranh) là một điều rất bình thường? Tại sao lại thế? Sao giáo viên họ không nhắc nhở chúng tôi những việc bổ ích cho cuộc sống? Tại sao các giáo viên không giúp chúng tôi định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Tại sao các giáo viên không chỉ cho chúng tôi những cách thức đối mặt với khó khăn thử thách trong cuộc sống? Tại sao họ chẳng dạy gì cần thiết cả mà chỉ dạy những thứ lý thuyết khô khan mà học sinh thì cố học mà chẳng hiểu gì, phụ huynh cố tạo điều kiện cho con học mà cũng chả biết gì, giáo viên thì nhồi lý thuyết vào đầu học sinh trong khi họ cũng chẳng biết để làm gì cả.

À không, không hẳn là không biết gì, mà sự thật là mọi người đều làm thế, đều cố gắng nhồi nhét kiến thức chỉ vì một lý do duy nhất mà thôi “điểm số”. Có thể nói, việc đánh giá, phân loại và xếp hạng học sinh bằng điểm số chính là một sai lầm lớn của nền giáo dục. Không thể chỉ dùng một thang các con số cứng nhắc để đánh giá tài năng, công sức và trí thông minh của tất cả mọi người được. Điều đó là không công bằng, với học sinh và với các loại hình trí thông minh khác. Điều đó gây nên một sự lệch lạc về tầm quan trọng của việc học. Chúng ta đi học không phải vì yêu thích, mà vì điểm. Chúng ta đi học không phải vì kiến thức, mà vì điểm. Chúng ta không đi học cho chính bản thân mình, mà đi học vì thể diện của cha mẹ, vì những lo lắng của họ cho tương lai của ta. Việc học vì thế trở nên vô nghĩa và phản tác dụng hoàn toàn.

Các cha mẹ nên biết, một học sinh giỏi cấp 1, cấp 2 và cả cấp 3 đi chăng nữa hoàn toàn không liên quan gì đến tương lai của người đó cả. Thế nên hy vọng các bậc phụ huynh hiện tại và tương lai, tuyệt đối đừng đè áp lực điểm số lên con em mình. Tôi còn nhớ hồi cấp 1, cô bạn tôi là người đứng đầu bảng xếp hạng vào trường cấp 2 với số điểm cao chót vót. Từ đó tôi không học cùng cô ấy nữa, nhưng hiện giờ, cô ấy đang làm nhân viên bán hàng trong một siêu thị. Lên cấp 2, chính xác là năm học lớp 8, tôi là học sinh giỏi nhất khối, lúc đó tôi khá là tự hào luôn. Ấy vậy mà tôi học đại học lại làng nhàng và giờ đang kinh doanh tự do. Chẳng nghề nghiệp gì cao siêu như bố mẹ kỳ vọng cả.

Còn cô bạn học giỏi nhất hồi cấp 3 tâm sự giờ đây cũng đang làm vài công việc văn phòng vớ vẩn, muốn thoát ra mà không biết làm cách nào. Chị hai tôi hồi học sinh luôn là một người dẫn đầu trong lớp, là niềm tự hào của các giáo viên bộ môn vì chị giỏi đều các môn, từ toán sinh hóa cho đến văn sử địa. Chị thường được đi thi học sinh giỏi môn Sinh và Sử. Năm thi đầu tiên, chị thi vào trường y, vì thiếu nửa điểm nên chị bị rớt, phải nói bố mẹ tôi đã buồn thế nào. Mang theo nỗi mặc cảm và thất vọng, chị quyết năm sau thi lại vào chuyên ngành du lịch vì văn và sử của chị cũng khá ổn. Tất nhiên lần này chị đậu, nhưng sau một thời gian học hành không hứng thú, chị về nhà lấy chồng và giờ chỉ ở nhà làm công việc nội trợ. Thật là một sự phí phạm những năm tháng khổ ái. Nên thành thực mà nói, những năm tháng tiểu học và trung học thật sự chẳng mảy may liên quan gì tới tương lai con cái chúng ta cả. Đừng tạo gánh nặng cho mình rồi áp lên vai lũ trẻ nữa các phụ huynh à.

À còn điều này, bạn biết đấy, thế giới này vận hành, phát triển nhờ vào những ý tưởng và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người. Hay có thể nói, ý tưởng và sáng tạo là một trong những nhân tố cần thiết và quan trọng hàng đầu cho sự thành công của một người hay thậm chí cả loài người đúng không? Ấy vậy mà, hãy chỉ cho tôi, suốt 6 năm trung học, chúng ta được dạy những gì về việc sáng tạo những ý tưởng nào? Chúng ta được dạy môn học nào để phát triển khả năng sáng tạo nào? Toán lý hóa ư, không. Văn sử địa ư, không. Ngoại ngữ, không luôn… Chẳng gì cả. Không có bất cứ một môn học nào dạy chúng ta cách tư duy và sáng tạo cả. Chỉ có những môn học cố nhồi vào đầu ta những công thức khô khan, những định lý nhập nhằng và những bài thơ sáo rỗng, vô nghĩa với thực tại.

4. Sinh viên – bao năm qua rồi học gì và được gì?

Cái gì là cần nhất trong thời sinh viên? Phải chăng là kiến thức chuyên ngành? Kỹ năng sống, kỹ năng mềm hay những trải nghiệm cuộc sống thực tế?

Giả sử kiến thức chuyên ngành là quan trọng nhất. Ok. Bạn học được bao nhiêu kiến thức chuyên ngành ở giảng đường? Bạn có thể mang bao nhiêu để vận dụng vào công việc sau khi ra trường? Hỏi 100 người thì hẳn 90 người trả lời bạn là không gì cả. Chẳng áo dụng được gì cho công việc từ những kiến thức ta được học ở trường. Ơ thế thì trường dạy cái gì? Kỹ năng mềm à? Hãy thử kể tôi nghe một vài kỹ năng mềm trường học dạy bạn đi. Kỹ năng giải quyết vấn đề? Quản lý thời gian? Lập kế hoạch? Thuyết trình trước đám đông? Đối mặt với nỗi sợ hãi? Đàm phán thương thảo?…

Không, lại hình như giảng đường chẳng dạy gì cho chúng ta cả. Không một kỹ năng mềm nào được dạy trên trường. Những giảng viên đại học thường là những người có học vấn cao siêu, thạc sĩ này nọ. Họ có giới thiệu cho bạn cuốn sách nào hay ho ngoài một vài cuốn giáo trình liên quan hay sách mà chính họ viết không? Họ có thực sự quan tâm đến sự hiện diện của bạn trong lớp học hay điểm số của bạn? Không, nếu như thời học sinh giáo viên còn quan tâm đến điểm số của bạn thì khi là sinh viên, chả ai quan tâm gì tới bạn cả. Họ thậm chí còn không biết sự tồn tại của bạn nữa cơ. Đừng ngạc nhiên về điều này nhé.

Sau cùng, nếu bạn nghĩ rằng giảng đường sẽ dạy cho bạn những trải nghiệm cuộc sống, thì bạn hoàn toàn sai rồi. Sai trầm trọng. Sai khủng khiếp luôn ấy. Chẳng có trải nghiệm nào được dạy trên giảng đường cả. Thế sau cùng, giảng đường dạy gì cho bạn? Họ chỉ nói với bạn rằng, bạn đã lớn và phải tự lập, tự giác thôi. Đúng rồi, giảng đường chỉ dạy bạn về sự tự giác mà thôi. Tự học, tự tìm hiểu, tự làm tiểu luận, tự sống sao thì sống chấm hết. Và theo tôi được biết, chúng ta thường học môn tự giác này rất tệ. Tự giác làm gì khi chả yêu thích, chả hứng thú, chả quan tâm. Tự giác làm gì khi thích ngủ thì ngủ thích chơi thì chơi thích làm gì thì làm… Đấy là tâm lý nói chung của đa phần các sinh viên. Một sự lãng phí khủng khiếp cả thời gian, tiền bạc và công sức.

Chủ đề này có thể khiến rất nhiều người phản đối. Tôi đồng tình với các bạn, trường học vốn dạy chúng ta rất rất rất nhiều điều, rất nhiều kiến thức. Chỉ có điều, phần lớn những kiến thức này không ăn nhập lắm với cuộc sống thực, với những gì chúng ta cần trải qua và đối mặt mỗi ngày. Trường đại học hẳn nhiên không vô dụng như thế, rất nhiều người sau khi học xong ra trường đã thành công rực rỡ và cũng rất nhiều thứ hay ho bạn có thể học được ở chốn giảng đường. Giảng đường là bước đệm cho bạn làm quen với cuộc sống thực, là nơi cung cấp cho bạn những kiến thức nền tảng.

Tất nhiên bạn hoàn toàn có thể thu nạp học hỏi được rất rất nhiều kiến thức hay ho bổ ích từ trường học, nhưng với một điều kiện, bạn phải thật chú tâm, chăm chỉ và chịu khó học hỏi. Kể cả khi người khác không yêu cầu, kể cả học những thứ không nằm trong chương trình học. Nhưng thực tế là, phần lớn chúng ta, những con người lười biếng và ỷ lại, chúng ta không hứng thú đến việc học nhiều như thế, chúng ta không giỏi trong việc tự giác học nếu không bị nhắc nhỏ hay thúc ép, thế nên đối với chúng ta, giảng đường không phải là không dạy gì, mà là tự chúng ta không chịu học nên không học được gì từ nó cả.

Nếu ta là phụ huynh và ta biết điều này, thì liệu ta có còn cương quyết và nhất định bắt con em mình phải đậu đại học, phải học đại học, phải có tấm bằng đại học? Tôi nghi ngờ điều đó.

Để cải thiện những năm tháng sinh viên, biến chúng thành một thời gian vui vẻ, hữu ích và rực rỡ, xin vui lòng đọc lại bài “có một thế giới rất tuyệt ở trường đại học, khi là sinh viên, đừng bỏ lỡ nó”. Ở đó, tôi đã hướng dẫn bạn biến thời sinh viên trở nên vô cùng ý nghĩa và cực kỳ thú vị. Ở đó không có giảng viên, không có tiểu luận, không có những tiến sĩ gây tê gây mê gì cả. Chỉ có những hoạt động trải nghiệm và học hỏi thực sự mà thôi. Hãy trải nghiệm nó.

Bảng điểm chẳng nói lên điều gì về một con người, đừng quá chú trọng đến nó mà bỏ quên những thứ khác tuyệt vời hơn

Thật buồn khi nhà trường đánh giá một con người bằng điểm số, buồn hơn nữa là chính cha mẹ cũng đánh giá con cái mình qua bảng điểm đó. Con học giỏi cha mẹ tự hào, cho rằng con thật ngoan và hiếu thảo. Một sự buồn tệ hại hơn là xã hội và cuộc sống này lại không đánh giá con người như nhà trường và cha mẹ chúng ta. Điều đó dẫn đến những mâu thuẫn và thất vọng về lâu dài. Khi đi ra ngoài xã hội, họ chẳng cần chúng ta phải có bảng điểm đẹp hay học giỏi. Họ cần chúng ta làm tốt công việc của mình và có sức sáng tạo.

Thật ra xã hội Việt Nam vẫn rất trọng bằng cấp, một tấm bằng đẹp khiến cho ta dễ xin việc hơn. Nhưng bằng đẹp mà vào làm không được việc gì thì cũng vứt, không đúng sao? Chẳng có một công ty nào dám tuyên bố rằng nếu bạn có một bảng điểm đẹp, họ sẽ đảm bảo tương lai cho bạn. Không, tuyệt đối không có công ty nào dám làm thế cả. Mới đây, tôi đọc được một bài báo nói đại ý rằng, trong tình hình nền kinh tế hiện nay, tấm bằng Harvard cũng sẽ không cứu nổi bạn. Một tấm bằng giá trị nhất thế giới như thế còn không cứu nổi người ta khỏi bị thất nghiệp, bị tống ra khỏi công ty, thì tấm bằng của chúng ta, liệu còn nghĩa lý gì?

Chúng ta không thể hay rất khó để thay đổi tâm thức của cha mẹ mình. Nhưng một việc chúng ta hoàn toàn có thể, đó là thay đổi tâm thức và suy nghĩ của chính mình – những bậc phụ huynh trong tương lai. Rồi từ đó ta thay đổi cách đối xử và cách kỳ vọng đối với con cái của mình. Hãy cho chúng một tuổi thơ đúng nghĩa và những điều kiện tốt nhất để phát triển những tố chất của mình. Để mỗi đứa trẻ đều có thể bộc lộ những khả năng thiên bẩm, khả năng sáng tạo và luôn đam mê học hỏi những điều mới lạ. Đừng áp chúng vào bất cứ cái khuôn nào cả, dù vuông hay tròn, đó thật sự mới là cách giáo dục nhân văn.

Những phụ huynh tương lai, hãy thức tỉnh chính bản thân mình, về điều bạn muốn, thật sự muốn dành cho con cái. Bạn muốn chúng thông minh, sáng tạo hay điểm số cao? Bạn muốn chúng thực sự yêu thích và không ngừng học hỏi, trải nghiệm hay bạn cần nơi chúng một tấm bằng? Bạn muốn chúng được hạnh phúc với những gì chúng yêu thích hay bạn muốn hãnh diện với thiên hạ nhiều hơn khi gò được một đứa con như bạn mong muốn? Hãy lựa chọn cho mình một nền tảng giáo dục đúng đắn mà bạn mong muốn, và rồi đặt nó lên chính con em mình. Để cuộc đời chúng không phải trách than và tiếc nuối nhiều như chúng ta nữa.

 

Phi Tuyết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *