1. Bức xúc không làm ta vô can
Đây là một cuốn sách hay, nói sâu về bản chất rất nhiều chủ đề bức xúc của cuộc sống, của xã hội, châm biếm một chút về chính trị.
Mấy bạn chưa nhận thức được về các vấn đề xã hội hay muốn nhìn cuộc sống theo góc độ của chuyên gia thì nên đọc. Đây là cuốn khá dễ đọc cho mọi người.
– bi kịch của sự hào nhoáng
– sự khốn cùng của tư duy triệu phú
– tôn thờ sách là mê tín dị đoan
– sự trỗi dậy của tư duy phong kiến và bảo thủ
…
Đối với riêng tui thì cuốn này hay một cách bình thường, bởi vì nó viết đúng – những cái đúng cũ – chưa tạo ra được sự khác biệt về nhận thức hay khát khao thay đổi và cũng không có ý tưởng gì mới lạ.
Thậm chí có một số điều tui cũng chưa đồng ý với tác giả.
Các bạn đọc sách nên như vậy, nên có một quan điểm, nhân sinh quan riêng của mình và sau đó đối chiếu với những gì sách nói. Không nên nghĩ cái gì từ sách ra cũng là thần thánh mà quên đi khả năng lập luận, suy nghĩ, phân tích của chính mình.
Chúng ta đọc sách để học hỏi và hoàn thiện bản thân, mở rộng nhận thức. Chúng ta không đọc sách để lên hình cho đẹp hay để tôn thờ tác giả, kể cả khi tác giả là chuyên gia…
Đánh giá cuốn này 6,5/10
2. Quá trẻ để chết – Hành trình nước Mỹ
Từ sau khi đọc mấy sách kiểu “trả lại nụ hôn” hay “xách balo lên và đi” thì tui không mua không đọc mấy thể loại như này nữa, nhưng lần này có lý do nên mua. Thấy như sau:
Thứ đáng chú ý nhất của câu chuyện là diễn biến tâm lý của chị ĐH trên hành trình vượt qua cú sốc tình cảm và sống một cuộc đời mới. Hết.
Còn lại đa phần là văn miêu tả.
Tui không thích đọc quá nhiều những đoạn văn miêu tả – thứ gặp quá nhiều trong các cuốn sách kiểu này. Tui không quan tâm lắm nắng ở đâu đó là mật ong hay vàng nghệ hay man mác buồn. Tôi chẳng quan tâm mấy cơn mưa đó là rả rích hay ào ạt hay lảng bảng như cánh hoa rơi…. Tôi không thích đọc cả đoạn dài chỉ toàn tả về một toà nhà hay một căn phòng cũ. Đơn giản nếu muốn đọc văn miêu tả thì tôi mua tiểu thuyết xừ cho rồi.
Nhưng đây cũng là một cuốn sách đáng đọc và nên đọc – đọc cuốn này tôi thấy mình như được hoà vào nỗi đau của tác giả, trải qua các cung bậc cảm xúc như chính chị ấy trong hành trình.
Cuốn sách cũng củng cố thêm cho tôi những quan niệm về tình yêu và cuộc sống của chính mình. Chứ cũng chưa có gì đặc biệt khiến tôi thay đổi hay phát triển thêm về nhận thức.
Dù vậy, nó vẫn đáng đọc gấp 1000 lần những ngôn tình loãng toẹt chất đầy các kệ sách trong các nhà sách ngoài kia.
Hành trình của chị ấy thì cũng khá là hay nhưng tôi không thích kiểu du lịch như chị hay Huyền Chip, vì tôi không đủ can đảm và cũng không muốn mạo hiểm bản thân nhiều như họ. Tất nhiên tôi cũng không thích du lịch nghỉ dưỡng hưởng thụ. Thế nên tôi đã tìm ra một hướng đi du lịch khác cho mình – theo cách vẫn nhiều trải nghiệm – nhưng an toàn hơn, thân tình hơn, phù hợp với sở thích và điều kiện của bản thân.
Thế đấy, những cuốn hướng dẫn xách-balo kiểu này bạn có thể đọc, có thể học hỏi nhưng không nhất thiết phải theo cách họ đã làm. Mỗi người có những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau – bạn đọc những cuốn như này để có thêm ý tưởng cho hành trình của mình chứ không nhất thiết phải xem nó như con đường duy nhất hay tốt nhất.
Hãy đọc để tìm con đường của riêng mình. Đồng ý không?
3. Có một cuốn gần đây nhất có thể khiến tôi cảm thấy mình phát triển vì nó thay đổi nhận thức và kiến thức của tôi lẫn cho tôi thêm rất nhiều ý tưởng mới. Một cuốn cực kì nên đọc – nhưng tiếc là không phải ai cũng muốn hay cũng có thể đọc. Vì nó thuộc sách cấm xuất bản ở Việt Nam dù cho là của một tác giả Việt Nam (cũ) nói về chính đất nước Việt Nam với mong muốn VN thay đổi và phát triển.
Mà khi nào người ta không muốn bạn đọc một thứ gì đó?
– khi người ta không muốn bạn biết
– khi người ta không muốn bạn tư duy
– khi người ta sợ
– khi người ta có điều cần giấu diếm….
Sao cũng được, lý do nào cũng được.
Nhưng thứ gì càng hiếm thì mới lại càng quý.
Và hàng quý hiếm vốn thường không dành cho tất cả mọi người.