Con đường tôi – con đường kết hợp Thiên Chúa giáo và Phật giáo

Hôm nay là một ngày tuyệt vời vì sau cùng thì tôi đã hiểu, hiểu về sự-mâu-thuẫn-thống-nhất trong triết lý phương Đông và phương Tây, hiểu về sự-tương-đồng-tương-phản trong lời dạy của hai vị “thủ lĩnh tối cao” của hai tôn giáo: Phật và Thiên Chúa giáo
Và đây là sự hiểu của tôi:
1. Phương Tây khuyến khích con người phát triển bản ngã, hãy trở nên hữu ích đi, hãy trở thành số 1, bạn là trung tâm, bạn có thể làm mọi thứ, bạn là người tuyệt vời nhất trên đời – hãy chứng minh điều đó cho mọi người thấy đi…
Phương Đông ngược lại, phương Đông nói rằng bạn không là gì cả, bạn chẳng là gì ngoài hạt bụi, bạn là 1 phần tử của số đông, bạn không nên chống lại hay cố thoát ra khỏi đám đông vì như vậy là xấu, là ích kỉ, là tham lam. Bạn chẳng có gì đặc biệt, bạn chỉ là một người siêu bình thường, hãy hạnh phúc với điều bình thường…

2. Đức Jesus, ngài ấy đại diện cho văn hoá Phương Tây, Ngài ấy khuyên mọi người hãy tích cóp cho kho báu của mình (dù là đời sau), Ngài dạy người ta hãy cố gắng, hãy phấn đấu để tìm thứ mình muốn: “cứ đi thì sẽ đến, cứ tìm thì sẽ thấy và cứ gõ thì cửa sẽ mở ra”, “người đầy tớ khôn ngoan là người làm cho nén bạc sanh ra nhiều lợi nhuận nhất, hãy là người khôn ngoan. Đừng như người đầy tớ ngu ngốc đem tiêu xài hoặc đem chôn nén bạc để bảo toàn số lượng”.
Ngược lại, Đức Phật đại diện cho văn hoá phương Đông với những lời dạy về buông bỏ, từ bỏ đi, đừng tham lam, đừng tích cóp, đừng cần bất cứ thứ gì trên đời này kể cả tiền bạc, danh vọng… Hãy buông hết đi để có thể đạt tới vô ngã.

3. Ai đúng? Ai sai? Nên nghe theo lời khuyên của ai đây?
Nhưng có điều chúng ta quên: Đức Phật sinh ra không phải là một kẻ ăn xin, ngài ấy là một hoàng tử trong cung vàng điện ngọc. Cs của Ngài ấy không thiếu bất cứ gì nhưng cũng chính trong sự đủ đầy ấy ngài thấy sự vô nghĩa của vật chất danh vọng, chính vì vậy Ngài ấy đã buông bỏ và tìm thấy bình an.
Nếu bạn không đang trong giàu có và danh vọng thì thật khó mà làm theo lời Phật dạy hay đi con đường Phật đi vì làm sao bạn có thể buông những gì bạn không có? Làm sao có thể buông của cải khi trong tay bạn chẳng có gì? Đó chỉ là tự kỉ ám thị, là sự tự thôi miên. Thật ra bạn chẳng có gì để mà buông bỏ cả. Cho nên lời Phật dạy không phải ai cũng có thể làm theo.
Đó cũng là lý do tại sao Đức Jesus không dạy về buông bỏ nhưng lại dạy về tìm kiếm. Ngài ấy sinh ra trong một gia đình thợ mộc nghèo nàn và Ngài giảng dạy cũng cho những kẻ nghèo. Ngài biết vật chất danh vọng là vô nghĩa với Ngài nhưng thật khó để làm cho người ta thấy sự vô nghĩa của nó. Thế nên Ngài dạy mọi người hãy tìm kiếm bản ngã trước đã. Hãy đạt danh vọng, của cải trước đi và dùng nó để đổi lấy của cải nước trời. Cách đổi rất đơn giản – chính là cách của Phật – hãy buông bỏ khi đã đạt được bản ngã.

4. Hai con đường này kết hợp lại mới chính là con đường thích hợp nhất với tất cả chúng ta.
Hãy cứ tìm kiếm của cải vật chất nhiều nhất có thể. Sẽ một ngày bạn nhận ra của cải là vô nghĩa thì tự động bạn sẽ buông bỏ.
Hãy cứ tìm kiếm danh vọng, quyền lực thật cao đi cho tới điểm bạn thấy nó không còn nghĩa lý gì thì tự động bạn sẽ buông.
Và khi buông tất cả rồi bạn sẽ tìm thấy được sự bình an trong tâm hồn như Phật và Jesus đã đạt được.
Đừng nói với kẻ nghèo đói là tiền bạc thì vô nghĩa cũng đừng nói chuyện tích cóp thêm của cải với một vị vua.
Nhưng hãy trở thành một kẻ ăn xin biết tích cóp làm giàu và khi trở thành một người giàu (vị vua) thì hãy bỏ tất cả (chỉ khi nhận ra sự vô nghĩa của những thứ đó)

5. Bản ngã là trái mọc trên cành – còn xanh. Hãy để thời gian cho nó chín và khi chín rồi nó sẽ tự rụng xuống. Đừng hái trái xanh trên cành vì sẽ có thứ bị đau, nhựa và mủ sẽ nhỏ ra và vết thương sẽ có. Nhưng khi trái đủ chín rồi thì nó sẽ tự rụng như lá vàng. Không vết thương không giọt nhựa nào bị lãng phí. Lúc này trái chín sẽ như món quà mang hạt mầm đủ già sẵn sàng sinh sôi.
Cho nên, tôi nói, hãy cứ bản ngã đi. Cứ ham muốn và tìm cách đạt được ham muốn của mình, không có gì là xấu cả nếu ham muốn đó không làm hại hay ảnh hưởng đến ai.
Ham muốn sẽ làm cho bản ngã trở nên chín muồi và trái chín sẽ tự rụng. Chúng ta có thể mất rất nhiều kiếp để bản ngã đạt đủ độ chín và rụng – không sao. Cứ để nó chín đi, đừng cản trở và cũng đừng lên án nó.

6. Phương Tây sau khi tích cóp và theo đuổi bản ngã làm cho nó chín muồi thì rất dễ từ bỏ. Đó là lý do bạn dễ dàng thấy những người giàu có cho – tặng – hiến tất cả của cải hay thậm chí từ bỏ cả danh vọng địa vị chức tước để theo đuổi những thứ mà phương Đông không có và không hiểu: tự do, bình an, chia sẻ…
Ngược lại phương Đông tối ngày nói về từ bỏ nhưng lại chẳng ai từ bỏ được gì. Có chăng sự từ bỏ đó chỉ như một tấm áo mới cho bản ngã vẫn đang sục sôi bên trong.
Đó là lí do phương Đông đạo đức giả đến thế?

7. Tôi đã mất nhiều thời gian để suy nghĩ và kìm hãm bản ngã của mình cũng như phán xét bản ngã của người khác. Giờ mới thấy mình thật kì cục và vô lý làm sao.
Tôi tự cười vào mũi mình nhưng giờ thì đã hiểu. Tôi sẽ sống hết khả năng mà không kìm nén gì nữa cả. Tôi sẽ tích cóp mọi thứ đến khi không mang nổi thì sẽ buông. Bạn có nhớ Songoku khi học cách chạy nhanh đã học bằng cách cột đá vào chân mình? Giống vậy đó, tảng đá ban đầu làm cản bước chân ta nhưng khi đủ thích nghi và đủ khả năng mang theo hòn đá đó ta chỉ cần gỡ nó ra và ta có thể chạy nhanh như gió vậy.
Đấy là con đường tôi chọn. Con đường của Tây và Đông, của cả Chúa lẫn Phật (Tây trc Đông sau nhé)
Các tôn giáo có cùng điểm đến nhưng các hướng đi thì khác nhau. Chúng ta đã tách biệt mọi thứ quá lâu rồi có lẽ giờ đã đến lúc nên hoà hợp-hoà giải tất cả.
Thân ái!

P/s: – Sáng nay cafe Sữa Bailey nóng, nhạc nhẹ, hoa hồng anh nở trước sân và trò chuyện với Osho – xin cảm ơn lão già ấy.
– Mỗi hình sau đều có caption, rảnh đọc cho vui.
– Tôi chịu trách nhiệm với lời tôi nói, tôi không chịu trách nhiệm với điều bạn nghĩ từ lời nói ấy.
– Điều quan trọng nhất cần được nhấn mạnh. Hãy cứ theo đuổi bản ngã (ham muốn) nhưng nhất thiết đừng làm tổn hại hay ảnh hưởng tệ đến cs của bất cứ ai.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *