Osho và Mahatma Gandhi: Ông ấy chỉ là một tay nhà buôn

Gặp gỡ Gandhi.

Gandhi được mệnh danh là người cha già của Ấn Độ, ông ấy đã đặt nền tảng cho một hình thức đấu tranh mới : đấu tranh bất bạo động, ông ấy góp phẩn thúc đẩy giúp Ấn Độ giành được độc lập và gần như tất cả mọi người đều tôn kính ông ấy như một vĩ nhân. Nhưng đối với tôi, thì không, sau những lớp vỏ bọc – tôi biết ông ấy chỉ là một tay nhà buôn. Và tôi phản đối mọi thứ triết lý của những tay nhà buôn.

Hàng trăm lần chúng ta đã thảo luận về Mahatma Gandhi cùng thứ triết học của ông ấy. Và tôi thì luôn chống lại cả hai. Mọi người thường hay bối rối không hiểu tại sao tôi cứ khăng khăng chống lại một người đàn ông mà tôi mới chỉ gặp hai lần, khi còn là một đứa trẻ.

Tôi có thể lại nhìn thấy ngay đoàn tàu đó. Gandhi lúc đó đang đi du hành và tất nhiên ông ấy ngồi ở toa hạng ba. Nhưng cái “toa hạng ba” của ông ta thì tốt hơn bất cứ toa hạng nhất nào có thể có. Trên một con tàu với sáu mươi toa mà chỉ có ông ấy, người thư ký và vợ của ông. Tôi còn nghĩ ba người này giống như chỉ là một người và tất cả các toa khác đều đã được làm trống bằng cách đặt chỗ trước. Toa của ông ấy thậm chí còn không phải một toa hạng nhất bình thường, bởi tôi chưa bao giờ nhìn thấy lại một toa tàu nào giống như thế – nó không chỉ là toa hạng nhất bình thường mà đúng hơn là toa hạng nhất đặc biệt. Chỉ có cái bảng tên đã được thay đổi và đề là “toa hạng ba” cho phù hợp với thứ triết học của ông ta.

Lúc đó tôi lên mười. Mẹ tôi – nhắc lại cho bạn nhớ, tức là bà ngoại của tôi, người mà tôi yêu quý như mẹ mình – đã đưa cho tôi ba rupees. Bà nói: “Nhà ga thì quá xa, con có thể không trở về được vào bữa tối và không ai có thể tin tưởng những chuyến tàu này được: nó có thể đến trễ mười hay mười hai tiếng đồng hồ. Vậy nên con hãy giữ những đồng rupees này.”
Tại Ấn Độ những ngày đó, ba rupees thì đáng giá cả gia tài. Một người có thể sống thoải mái trong ba tháng chỉ với ba đồng rupees đó.

Bà cũng làm cho tôi một bộ y phục rất đẹp. Bà biết tôi không thích những cái quần dài, đa phần thời gian tôi chỉ mặc một cái quần pajama và một cái kurta. Kurta là bộ trang phục truyền thống rất dài mà tôi ưa thích, dần dần thì chiếc quần pajama bên trong cũng biến mất, chỉ cái áo dài bên ngoài còn lại. Chỉ cần thế là đủ cho tôi.

Khi đó là mùa hè và mùa hè ở Ấn Độ thì thật khủng khiếp. Khí nóng mùa hè khiến cho mũi bạn cảm giác như đang phải hít thở trong lửa vậy. Chỉ những khoảnh khắc vào lúc nửa đêm thì mũi bạn mới cảm thấy được nghỉ ngơi một chút. Trời nóng đến nỗi bạn sẽ phải thường xuyên xin những ly nước mát và nếu như có một chút đá lạnh thì bạn sẽ cảm thấy như đang ở thiên đàng. Đá lạnh là một thứ rất đáng giá lúc ấy vì các nhà máy thường ở rất xa, khoảng đường nhiều dặm vận chuyển khiến cho chúng gần như tan biến mất hết vì vậy chúng trở nên thật quý giá.

Nani (bà ngoại) nói rằng tôi nên đi gặp Mahatma Gandhi nếu tôi muốn và bà chuẩn bị cho tôi một bộ kurta làm từ thứ vải rất mỏng và rất xưa. Bà tìm được thứ vải mỏng tốt nhất, nó mỏng tới mức gần như trong suốt. Thời điểm đó những đồng rupees vàng đã không còn xuất hiện mà người ta đã chuyển qua dùng những đồng rupees bằng bạc để thay thế. Những đồng rupees này quá nặng đối với cái túi nhỏ tội nghiệp trên bộ trang phục rất mỏng của tôi. Tại sao tôi phải nói những điều này? Bởi vì bạn cần phải biết về nó mới có thể hiểu được câu chuyện diễn ra sau đó.

Đoàn tàu đến, trễ chừng mười ba tiếng – như thường lệ. Hầu hết mọi người đến để gặp Gandhi đều đã ra về, ngoại trừ tôi. Bạn biết tôi – một kẻ bướng bỉnh bậc nhất. Đến nỗi người quản lý nhà ga đã đến và nói “Cậu bé, cậu là thứ gì đó thật lạ. Mọi người đều rời đi nhưng dường như cậu lại sẵn sàng ở lại đây cả đêm. Dù cho không có một tín hiệu nào rằng đoàn tàu sắp đến và cậu thì cũng đã đợi từ sáng sớm rồi.”
Để đến được nhà ga lúc bốn giờ sáng tôi đã phải thức dậy từ nửa đêm, và phải đợi cho đến đêm nhưng tôi vẫn chưa phải xài ba đồng rupees của mình, bởi vì mọi người mang cho tôi rất nhiều thứ mà họ mang theo, mọi người đều tỏ ra hào phóng với một cậu bé đến từ nơi xa xôi như thế. Họ cho tôi trái cây, kẹo, bánh và cả những thứ khác thế nên tôi chẳng bị đói một chút nào.

Cuối cùng đoàn tàu cũng tới và tôi là người duy nhất còn đó. Chỉ một người thôi – một cậu bé mười tuổi, đứng bên cạnh người quản lý nhà ga. Ông ấy giới thiệu tôi với Mahatma Gandhi và nói “Đừng nghĩ cậu ấy chỉ như một đứa trẻ. Cả ngày nay tôi đã quan sát và thảo luận về rất nhiều chuyện với cậu ấy, bởi vì chẳng còn gì khác để làm cả. Cậu ấy cũng là người duy nhất còn ở lại đây trong khi rất nhiều người đã đến cũng đều đã rời đi. Tôi trân trọng cậu ấy vì tôi biết cậu ấy là kiểu người có thể ở đây cho tới ngày cuối cùng của cuộc đời. Cậu ấy sẽ không rời đi cho tới khi đoàn tàu tới. Cậu ấy dường như có thể sống luôn ở đây chỉ để chờ đợi.”

Mahatma Gandhi là một ông già, ông ấy gọi tôi lại gần và nhìn tôi. Nhưng thay vì nhìn tôi, ông ấy lại nhìn vào cái túi của tôi – cái túi mỏng trong suốt với những đồng rupees nặng trĩu – và giây phút đó ông ấy đã đẩy tôi ra xa mãi mãi.
Ông ấy nói “Cái gì đây?”
Tôi trả lời “Ba rupees”
Ông ấy tiếp “Hãy quyên góp chúng”
Ông ấy thường giữ bên người một cái hộp có đục một lỗ bên trên. Khi bạn quyên góp nghĩa là bạn sẽ đặt những đồng rupees vào lỗ và chúng sẽ biến mất. Tất nhiên ông ấy có chìa khóa và khiến những đồng rupees xuất hiện lại lần nữa nhưng đối với bạn thì những đồng rupees đơn giản là biến mất mãi mãi.

Tôi nói “Nếu ông có can đảm ông có thể lấy chúng, túi đây, tiền đây nhưng tôi có thể hỏi ông một câu là mục đích ông quyên góp những đồng tiền này để làm gì không?”
Ông ấy trả lời “Cho những người nghèo”.
Tôi nói “Thế thì rất tốt, tuyệt đối tốt” và tôi đã thả những đồng rupees vào cái hộp của ông ấy.
Và rồi cũng chính ông ấy là người đã vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy tôi rời đi – mang theo cái hộp của ổng cùng đi với tôi.

Ông ta nói “Vì Chúa, cậu đang làm gì vậy? Nó là để dành cho những người nghèo”.
Tôi nói “Tôi đã nghe ông nói rồi, ông không cần phải mất công nhắc lại nó lần nữa. Tôi đang đưa cái hộp này đến với những người nghèo. Có rất nhiều người nghèo trong làng của tôi. Hãy đưa cho tôi chìa khóa. Nếu không tôi sẽ phải tìm một tên trộm để mở cái hộp này.”
Ông ta nói “Điều này thật kì lạ…” Ông ấy liền nhìn tay thư kí nhưng tay thư kí là một kẻ đần độn – như mọi tay thư kí khác – tôi vẫn luôn không hiểu tại sao người ta lại chọn trở thành một tay thư kí. Thế rồi ông ta quay sang nhìn Kasturba, vợ ổng, bà ấy nói “Ông đã gặp đúng đối thủ rồi. Ông có được chúng nhờ việc lừa dối mọi người và giờ thì cậu ấy sẽ lấy cái hộp đi. Tốt, rất là tốt. Bởi vì tôi phát mệt với việc nhìn cái hộp luôn luôn ở đó, bên cạnh ông – như một bà vợ.”

Tôi cảm thấy tội nghiệp cho người đàn ông đó vì vậy tôi bỏ chiếc hộp lại và nói “Dường như chính ông là người nghèo khổ nhất. Thư kí của ông thì không có chút thông minh nào và vợ ông dường như cũng không có chút tình yêu nào dành cho ông cả. Tôi không thể mang cái hộp này đi – ông hãy giữ lấy. Nhưng nhớ, tôi đến để gặp một Mahatma (Vĩ nhân) nhưng tất cả những gì tôi tìm thấy chỉ là một tay nhà buôn.”

Đó chính là “đẳng cấp” của ông ta. Ở Ấn Độ khi nhắc tới một nhà buôn người ta sẽ hiểu ngay có nghĩa là đang nhắc tới một người theo đạo Do Thái. Ấn Độ có nhiều người theo đạo Do Thái nhưng không có nghĩa họ là người Do Thái mà chỉ có nghĩa họ là những nhà buôn.
Đối với tôi, Mahatma Gandhi cũng chỉ là một kẻ nhà buôn.

Và từ đó, trong mọi bài nói chuyện của mình tôi cứ chống lại ông ta cả hết lần này đến lần khác, bởi lẽ tôi không thể nào đồng tình được với thứ triết học của một tay nhà buôn không hơn không kém.

Và chuyện gì với lần tiếp xúc đầu tiên của chúng tôi? Đó là một cuộc gặp gỡ gián tiếp.
Khi ấy có một trận động đất xảy ra ở Bihar, Ấn Độ và Mahatma Gandhi đã nói rằng động đất xảy ra là vì Thượng đế muốn trừng phạt những kẻ tội lỗi. Tôi còn rất trẻ lúc đó, nhưng tôi đã viết cho ông ấy một bức thư nói rằng “Điều này thật lạ lùng, tại sao Chúa lại chỉ trừng phạt những kẻ tội lỗi ở Bahir? Thế còn những kẻ tội lỗi ở tất cả những nơi khác trên thế giới thì sao? Hay nếu ông cho rằng chỉ Bihar mới có những kẻ tội lỗi vậy thì chẳng lẽ tất cả mọi người khác trên đời đều là những vị thánh sao?”

Ông ấy đã không có cách hành xử đúng của một quý ông. Ông ấy đã không bao giờ trả lời câu hỏi của tôi. Thế nên tôi đã viết một bức thư cho Ramdas – con trai ổng, cũng là bạn của tôi để hỏi rằng cha cậu ấy có nhận được thư của tôi hay không. Cậu ấy trả lời rằng ông ấy đã nhận được nó “nhưng vì không có câu trả lời nên ông ấy sẽ im lặng”.

Lại một chuyện với những bức thư khác tôi gửi cho Mahatma Ganhi:

Người ta thường nói “thậm chí một chiếc là rời khỏi cành cây cũng là do Chúa muốn như vậy”, thế nên khi một tên sát nhân không muốn chịu trách nhiệm, hắn chỉ đơn giản nói rằng Chúa muốn hắn làm việc đó. Đó là tất cả những gì được dạy trong kinh Gita của đạo Krishna, và Gita thì được tôn thờ không chỉ bởi người Hindus mà cả những người không phải Hindus nữa. Người ta sẽ không thể tin được, thậm chí một người như Mahatma Gandhi – người đã luôn nói về đấu tranh bất bạo động, cũng gọi Gita là kinh mẹ chung của họ. Gandhi đã thường nói rằng người Hindu và người Hồi Giáo là một.

Tôi không quá mười bảy tuổi khi tôi viết cho ông ta một bức thư để hỏi “Nếu người Hindu và người Hồi giáo là một, nếu kinh Gita là kinh mẹ chung của họ, thế kinh Koran thì sao? Kinh Koran có phải là kinh cha chung của họ không?” Khỏi nói ông ấy đã rất tức giận – con trai ông ấy là bạn tôi và cậu ấy đã nói với tôi rằng ông ấy đơn giản ném bức thư ra ngoài cửa sổ. Ramdas, con trai ông ấy, cũng nói với ông “Những gì cậu ấy hỏi đều hợp lý. Nếu cha có thể gọi kinh Gita là mẹ… Nếu cha không thể gọi kinh Koran là cha thì cha cũng có thể gọi nó là dượng, chú hay bất cứ kiểu mối quan hệ nào có thể có, nếu không thì làm sao Hindu và Hồi giáo lại có thể là một được?” Tôi không bao giờ nhận được bất cứ lá thư trả lời nào đúng như Ramdas đã thông báo với tôi “Cậu sẽ không bao giờ nhận được câu trả lời đâu.”

Rồi tôi lại viết cho Gandhi một bức thư khác nữa
“Một mặt ông nói ông là người bất bạo động nhưng mặt khác ông lại tôn sùng kinh Gita – một thứ kinh chỉ dạy về bạo động chứ không gì khác”. Tất cả mọi kinh sách đều nói về bạo động. Krishna đã cố thuyết phục Arjuna – môn sinh của ông ấy rằng “Ngươi phải đi vào cuộc chiến, phải chiến đấu bởi vì đó là ý Chúa, bởi nếu không phải ý của Người thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nó không thể xảy ra nếu nó không phải là ý Chúa.” Krishna đã dùng mọi cách để thuyết phục Arjuna và Arjuna đã cố gắng lập luận nhưng ông ấy không phải là một nhà logic gì cho lắm, nếu không thì mọi chuyện đã quá đơn giản.

Nếu tôi ở vào vị thế của Arjuna, tôi sẽ chỉ đơn giản là bước ra khỏi xe ngựa để quay trở lại khu rừng, và nói với Krishna “Đây chính là điều Chúa muốn. Tôi có thể làm gì đây? Tôi chỉ đơn thuần làm theo ý Ngài. Không ai có thể làm gì chống lại ý muốn của Ngài, vậy nên tôi sẽ quay trở về khu rừng để tiếp tục thiền định mà không tranh đấu gì cả. Đây là ý Chúa và Chúa có trách nhiệm với việc này.” Tuyệt đối không cần phải tranh luận một chút nào cả. Và toàn bộ kinh Gita dường như cũng chỉ là một cuộc tranh luận. Arjuna thì cố bất bạo động còn Krishna thì cố thuyết phục ông ta trở nên bạo động vì cho rằng Chúa muốn như vậy. Lập luận duy nhất của ông ấy là “Ngươi phải đầu hàng trước ý muốn của Chúa và làm bất cứ điều gì Chúa yêu cầu”. Arjuna hẳn là một kẻ đần nếu không ông ta đã nói “Tôi đã chấp nhận ngay từ chỗ đầu tiên – không có gì phải cần đến kinh Gita làm gì cả – Thầy nói đúng, tôi đầu hàng và giờ tôi sẽ chỉ làm điều Chúa yêu cầu” nói rồi thì Arjuma là tôi lúc ấy sẽ thong thả đi bộ trở lại khu rừng.”

Cái chết của Gandhi

“Bằng việc ám sát Gandhi, Ấn Độ đã tự tay giết chết tính từ bi hàng ngàn năm tuổi của nó. Tôi khóc thương cho Ấn Độ vì lý do này.”
Tháng 1 năm 1948, Mahatma Gandhi bị ám sát. Lúc ấy tôi mười bảy tuổi – cha tôi phát hiện ra tôi khóc.
Ông nói: “Con sao, đang khóc cho Mahatma Gandhi sao? Nhưng con đã luôn tranh luận những điều chống lại ổng”. Vâng cả gia đình tôi đều theo Gandhi, họ thậm chí còn phải vào tù vì theo định hướng chính trị của ông ấy. Tôi là con cừu đen duy nhất trong nhà không theo đàn cừu trắng ngây thơ ấy nên tất nhiên cha tôi đã rất ngạc nhiên: “Con đang khóc đấy sao?”
Tôi nói: “Con không chỉ khóc, con còn muốn tham gia lễ hỏa táng. Con phải đi bắt tàu lửa ngay bây giờ, cha đừng làm lãng phí thời gian của con nữa. Chỉ còn một chuyến tàu thôi và con phải đi ngay bây giờ”
Cha tôi bị kinh ngạc, ông nói: “Ta không thể tin được. Con bị điên rồi đúng không?”
Tôi nói: “Chúng ta sẽ nói về chuyện này sau. Giờ thì con phải đi. Đừng lo lắng. Con sẽ trở về.”
Có rất nhiều thứ về Mahatma Gandhi mà tôi thích và yêu quý, nhưng toàn bộ triết lý của ông ấy thì tôi vẫn giữ nguyên sự không đồng tình. Tôi trân trọng nhiều thứ nơi ông ấy.
Tôi yêu tính trung thực của ông ấy. Ông ấy không bao giờ nói dối. Mặc dù sống ngập trong cả đống điều dối trá nhưng ông vẫn được bắt rễ sâu vào sự thật của ổng. Tôi có thể không đồng ý với sự thật của ổng nhưng tôi không có thể nói rằng ông ấy không chân thực. Bất kể sự thật của ổng là gì, ổng thật sự tin vào nó. Mặc dù tôi không nghĩ rằng những sự thật của ổng thì có giá trị gì nhưng đó là vấn đề của tôi, không phải của ông ấy. Ông ấy không bao giờ nói dối. Tôi tôn trọng tính trung thực ấy, dù cho ổng không biết chút gì về sự thật – thứ sự thật mà tôi luôn có thuyết phục bạn, ép bạn phải lấy một cú nhảy vào trong nó…
Nhưng có những thứ về ông ấy mà tôi tôn trọng và yêu quý – như là tính sạch sẽ của ổng chẳng hạn. Bạn có thể sẽ nghĩ “Tôn trọng những điều nhỏ bé như vậy sao?” Không, chúng không hề nhỏ, đặc biệt là ở Ấn Độ, nơi mà các sư, những người được gọi là thánh, được mong đợi phải sống trong rác rưởi bẩn thỉu. Gandhi đã cố gắng để sống sạch sẽ. Ông ấy là người vô học sạch sẽ nhất trên thế giới. Tôi yêu tính sạch sẽ của ông ấy.
Tôi cũng yêu tính tôn trọng ổng dành cho tôn giáo. Tất nhiên, lý do của tôi và ổng thì khác nhau nhưng ít nhất ổng có sự tôn trọng cho mọi tôn giáo – tất nhiên vì những lý do sai lầm, bởi vì ông ấy đã không biết sự thật là gì cho nên ổng không bao giờ có thể đánh giá được tôn giáo nào là đúng, liệu có tôn giáo nào đúng không, liệu tất cả chúng đều đúng hay không cái nào đúng cả? Không có cách nào cho ổng nhận ra được vì dẫu sao ổng cũng chỉ là một tay nhà buôn, vậy nên tại sao phải kích động mọi người? không cần làm phiền ai cả, thôi thì cứ tôn trọng tất cả. Tôi không đồng ý với ông ấy điểm này nhưng tôi biết ông ấy ông ấy có một ít những phẩm chất giá trị.
Ông ấy là người đơn giản. Không ai có thể viết những thứ đơn giản và cố gắng để viết những thứ hết sức đơn giản như ông ấy đã làm. Ông ấy đã phải cố gắng trong nhiều giờ để làm cho câu nói trở nên đơn giản, đơn giản hơn nữa, chỉ ngắn đủ như bức điện tín. Bất cứ điều gì mà ông ấy tin là đúng, ông ấy sống trong nó hoàn toàn. Việc những gì ổng tin có thật sự là đúng hay không lại là chuyện khác. Làm gì được đây? Ổng nghĩ nó là đúng cơ mà. Tôi tôn trọng ổng vì sự chân thành và ổng đã sống trong sự chân thành với hậu quả của nó. Ông ấy đã mất cuộc sống cũng chỉ bởi sự chân thành của mình.
Với Mahatma Gandhi, Ấn Độ mất đi toàn bộ lịch sử của nó, bởi vì trước đó không có một ai từng bị bắn chết hay đóng đinh. Đó vốn dĩ không phải là cách của đất nước này. Đất nước này rất khoan dung nhưng chỉ quá cuồng vị, họ không nghĩ bất cứ ai lại đáng giá để mà đóng đinh. Họ đã đi xa hơn thế nữa.
Với Mahatma Gandhi, Ấn Độ đã tự mình kết thúc một chương và mở ra một chương mới. Tôi khóc, không phải bởi vì Gandhi bị ám sát chết – ai mà không chết cơ chứ, chưa kể chết theo cách của ông ấy còn tốt hơn, tốt hơn là chết bệnh trong một cái giường bệnh viện – đặc biệt là ở Ấn Độ. Chết theo cách của ông ấy thì sạch và tốt. Tôi cũng không phải đang bảo vệ kẻ sát nhân, Nathuram Godse, hắn ta biết chính xác những gì hắn làm, một cách chủ ý. Hắn không thể được tha thứ. Tôi cũng không phải đang khó khăn với hắn ta. Nó chỉ là một sự thật hiển nhiên như thế. Hắn ta cần bị trừng trị thích đáng.
Tôi đã phải giải thích tất cả những điều này cho cha tôi khi trở về lại nhà. Nó lấy mất của tôi khá nhiều thời gian bởi vì đó thật sự là một mối quan hệ phức tạp giữa tôi và Mahatma Gandhi. Bình thường thì người ta tôn trọng một người hoặc không, thế thôi, nhưng không phải với tôi và cũng không phải chỉ cho mỗi Mahatma Gandhi.
Tôi thật sự là một người lạ kì. Tôi cảm thấy điều đó mọi khoảnh khắc. Tôi có thể thích điều gì đó ở một người nhưng cùng lúc đó có nhiều thứ khác về người ấy mà tôi rất ghét, tôi ghét phải quyết định bởi vì không thể cắt người ta ra làm hai.
Tôi quyết định chống lại Mahatma Gandhi, không phải bởi vì không có gì thuộc về ổng mà tôi yêu quý – rất nhiều là khác. Nhưng tôi đã quyết định chống lại ông ấy – thật ra tôi có thể đã yêu quý ổng hoàn toàn, nếu như ổng không chống lại khoa học, không chống lại công nghệ, không chống lại sự giàu có, trù phú và sung túc. Trên thực tế, ông chống lại tất cả những gì mà tôi ủng hộ: nhiều công nghệ hơn, nhiều khoa học hơn, nhiều giàu có hơn, nhiều sung túc hơn.
Tôi chống lại nghèo đói, lạc hậu trong khi Gandhi thì ủng hộ. Tôi chống lại thói tự hành hạ, sự bạo hành trong khi ông ấy là kẻ tự hành hạ vĩ đại nhất. Nhưng dù sao, chỉ cần nhìn thấy một ít những điều tốt đẹp, tôi vẫn trân trọng nó.
Osho
Trích sách: Đứa trẻ nổi loạn (thời thơ ấu của Osho)
Phi Tuyết dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *