Bài toán về việc đánh đổi một sự sống tươi xanh lấy hai cái chết.
Tại sao lúc chết phải cần đến quan tài?
Để được khiêng đi cho dễ hay để tạo cảm giác được bao bọc trong bình yên?
Người chết không cần quan tài.
Người sống càng không cần quan tài.
Chỉ một mồi lửa.
Tất cả xong.
Bụi về với bụi.
Linh khí về với trời.
Tại sao tất cả sự tồn tại này lại cần đến một cái thùng gỗ kín nặng nề gớm ghiếc như vậy?
Tôi không thể hiểu được.
Không ai cần một cái thùng gỗ bảo vệ mình khi mình đã chết cả.
Nhưng tất cả sự tồn tại này cần những cái cây.
Những cái cây xinh đẹp, mát mẻ và trầm lặng.
Cần hạ bao nhiêu cây để làm đủ quan tài cho con người?
Liệu mọi người có hài lòng không nếu ai cũng có một cái để sẵn trong nhà dành khi chết đi?
Nếu không còn cây, con người sẽ sống ra sao?
Liệu có sống được?
Nếu không có quan tài, con người có sống được không?
Tại sao không?
Khi ai đó chết đi mọi người nên chôn họ dưới những gốc cây.
Ít nhất cái chết của họ còn có một lợi ích cho sự sống, sự tồn tại này.
Hoặc khi người thân muốn viếng thăm,
Thay vì khóc trước bia đá chết chóc thì có thể ngồi dưới tán cây xanh rì rào và trò chuyện với nó, cảm nhận sự chở che của nó
Cái cây thay vì được chặt làm quan tài sẽ được lớn lên nhờ chính thân xác của ai đó bên dưới nó.
Lúc này sự chết đã lại hóa thành sự sống
Bạn không thích viếng thăm sự sống hơn sự chết sao?
Tại sao phải cứ chặt cây xuống rồi cố nhét cái thân thể lạnh lẽo vào đó?
Bạn nghĩ thân thể sẽ ấm lên khi được bao bởi xác một cái cây?
Tại sao phải tạo nhiều rắc rối thế?
Giết chết một sự sống chỉ để bảo vệ một sự chết ư?
Sao lại có bài toán ngớ ngẩn đến vậy trên trái đất này?
Nhân loại cần cây.
Nhân loại không cần quan tài.
Nhân loại nên tán dương sự sống.
Nhân loại không nên sợ hãi cái chết!
Cái chết là điều tất yếu duy nhất trên trái đất này.
Sao lại lo về cái điều tất yếu như vậy?
Cũng nhiều điều tất yếu khác:
Bạn có bao giờ lo mũi mình không biết cách hít oxi vào phổi hay không?
Lo về những điều tất yếu để làm gì?
Hãy lo những điều ít tất yếu hơn, mong manh hơn. gần mũi hơn nữa:
Như là “Mình có đang hạnh phúc không?
Mình phải làm gì để được hạnh phúc đây?”
…
PT01/12/2016