Hãy trở lại một chút với ông anh hai của tôi.
Dù cho những kỉ niệm tôi nhớ về ông anh hai của mình toàn là nước mắt vì bị ăn đòn và những trò đùa quái gở của ổng. Nhưng tôi phải thừa nhận, anh ấy từng là một đứa con rất ngoan, rất đáng tự hào đối với ba mẹ. Nhà tôi chỉ có một mình ổng là con trai, sau ổng tới bốn chị em gái nên tất nhiên ổng được “ưu ái” khá nhiều. Do tính ham chơi không chịu học hành nên ổng đòi ba mẹ cho nghỉ học từ rất sớm, trước khi hoàn thành cấp ba. Tôi còn nhớ những lần ba đánh đòn, bắt ổng quỳ giữa nhà vì tội nghỉ học. Cũng có một khoảng thời gian ba chở ổng tới tận lớp, tận trường rồi mới về. Ấy thế mà đợi ba đi khỏi, ổng lại trốn học nữa. Riết thấy ép uổng vô ích, ba mẹ cho ổng nghỉ học để đi học nghề. Tôi chưa từng thấy ai học nhiều nghề như anh hai mình: sửa xe máy, học sửa đồ điện gia dụng, có lần ba mẹ còn cho ổng về tới quê ngoại ngoài bắc để học sửa thiết bị máy móc nông nghiệp hàng tháng trời. Sau cùng ổng đi học lái xe tải. Hồi ấy phải đi xuống tận đâu dưới Đồng Nai vào trong trường nội trú mới học lái xe tải được chứ không phải học lái ở mọi nơi như bây giờ. Ôi thôi ổng đi học đủ thứ cả nhưng chưa bao giờ kiếm ra bất cứ đồng nào từ những gì ổng được học.
Nói chuyện tại sao ổng lại có thể là niềm tự hào của ba mẹ tôi? Đơn giản bởi vì suốt bao năm tháng ở nhà, ổng không bao giờ chửi tục một câu nào, cũng như luôn tỏ thái độ thù ghét thuốc lá, rượu bia ra mặt. Vâng, thanh niên mà như vậy thì cũng khá lắm, bất kể thời nào. Lý do ổng ghét thuốc lá và rượu bia có lẽ là vì chứng kiến những lần ba tôi uống rượu say và “quậy” cả nhà. Ổng thường nói với tôi, cả đời này ổng sẽ không bao giờ uống rượu.
Vậy mà, chuyện xảy ra từ khi ổng được gửi xuống Biên Hòa, Đồng Nai để học lái xe tải. Tại đó, ổng ở trọ trong một khu nhà nội trú cùng với những thanh niên khác – đa phần là dân miền Tây. Kể từ đó về sau, ông anh hai tai quái nhưng hiền lành của tôi biến mất, thay vào đó là một gã bợm rượu hệt như những người bạn của ổng. Tôi nhớ có lần mấy anh chàng miền Tây đó lên nhà tôi thăm lại anh hai và cả nhà. Họ ở lại nhà chơi đôi ngày, mang theo cả bao trái cây các loại làm quà. Ai cũng vui vẻ, thân thiện, dạ thưa… cho đến khi vào tiệc nhậu. Tàn tiệc thì mỗi người mỗi góc nôn mửa bò trườn, mê sảng các kiểu. Vâng, họ say xỉn vì ăn mừng gặp mặt. Gặp mặt bao nhiêu ngày say xỉn bấy nhiêu ngày.
Cho tới tận bây giờ, mấy chục năm sau rồi, anh hai tôi vẫn là một tay bợm rượu, thậm chí còn “dữ thần” hơn cả ba tôi ngày ấy – người mà ổng hứa sẽ không bao giờ như thế. Thậm chí anh hai tôi còn “tệ” hơn ba rất nhiều. Ba tôi vốn là một người chịu khó, thương gia đình, chỉ thỉnh thoảng say xỉn mới quậy một chút thôi. Còn anh hai tôi, ổng “quậy” vợ con thậm chí cả lúc ổng không say nữa. Ba tôi không bao giờ chửi tục nhưng anh hai tôi thì gần như không câu nào không có từ chửi tục trong đó. Ba tôi không bao giờ đánh con cái (ít nhất tôi chưa bao giờ bị đánh) nhưng anh hai tôi thì đánh con cái suốt ngày. Đứa nào cũng sợ ba còn hơn sợ cọp. Một điều họ tương đối giống nhau, ba tôi không giỏi sửa các đồ dùng trong nhà, nhất là đồ điện. Điều này cũng dễ hiểu vì ông có được học đâu, cũng không phải người khéo tay. Nhưng anh hai tôi – người được học các thể loại về điện đóm, đồ gia dụng, xe cộ – cũng không bao giờ tự động tay sửa chữa bất cứ cái gì trong nhà. Nhất nhất mọi chuyện đều rơi vào tay bà chị dâu tội nghiệp. Có lẽ duy nhất một chuyện mà ông ấy đam mê hơn cả đó là bẫy chim, bẫy thú rừng và câu cá. Vâng, ông anh hai tư tưởng thợ săn trong tâm hồn nông dân của tôi.
Ồ, tất nhiên ổng có nhiều tính tốt lắm đấy ạ Như là rất yêu thương vợ con, rất vui tính, hòa thuận, hòa đồng, hào phóng, hào sảng, chăm chỉ, cương trực, thật thà, thành thật. Nhưng tôi viết cái này không phải để ca tụng về anh hai nên xin mạn phép bỏ qua các khía cạnh ấy.
Điều quan trọng tôi muốn bạn suy ngẫm thông qua câu chuyện về anh hai tôi, đó là tác động của môi trường sống lên một cá nhân con người. Nói một cách đơn giản, là tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của môi trường sống xung quanh chúng ta.
Anh hai tôi không rượu bia thuốc lá suốt một khoảng thời gian rất dài, nhưng chỉ sau một vài tháng ở cùng những người bạn bợm rượu, ông ấy đã trở thành một tay bợm rượu thứ thiệt.
Mặt khác, ông ấy ghét ba tôi rượu chè và bạo lực bao nhiêu thì ngày nay, ông ấy lại trở thành một bản sao của ba, tiếc thay, bản sao của những đức tính xấu nhất.
Osho từng viết rằng “Mọi đứa con đều sẽ trở thành bản sao của cha mẹ chúng, ít hay nhiều, ý thức hay vô thức.” Tôi hoàn toàn đồng ý. Không chỉ anh hai trở thành bản sao của ba mà tôi và các chị gái đều phần nào trở thành bản sao của mẹ: nóng nảy, tinh thần lãnh đạo cao, nhưng cũng rất cương trực, thẳng tính, tiết kiệm, tính toán giỏi, thành thật. Tất nhiên chúng tôi cũng ảnh hưởng những tính khác của ba như mềm mỏng, nhạy cảm, sâu sắc, hào phóng, xuề xòa nữa. Nhưng đa phần những đức tính của các chị em tôi nói chung, và của tôi nói riêng, đều là những đức tính được tôi tự mình rèn giũa thông qua quá trình dài sống tự lập một mình. Những đức tính tốt như là ngăn nắp, sạch sẽ, tổ chức cuộc sống tốt, tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo, hài hước… đều là do môi trường sống đã khiến tôi tự hình thành nên chứ không di truyền hay bị ảnh hưởng từ ai cả.
Gia đình là một môi trường sống cực kì quan trọng trong việc hình thành tính cách và nhân cách cho một con người. Bất kể gia đình ấy ở nông thôn hay thành thị, đông hay tây, nam hay bắc, Châu Á hay Châu Âu. Điều này tôi tin ai cũng đồng ý.
Và theo tôi, nếu như bạn không đủ tự tin bản thân mình có thể tạo ra một gia đình của tình yêu thương, tôn trọng, trách nhiệm, chia sẻ, thành thật, công bằng… để làm gương cho con cái bạn. Tốt hơn cả là bạn không nên lập gia đình. Đó cũng là lý do tôi không muốn lập gia đình, hoặc nếu có, sẽ không có con một cách vội vã.
Nếu những đứa trẻ sinh ra được sinh ra trong một gia đình của tình yêu thương, sự cảm thông, tôn trọng, sự tĩnh lặng sâu sắc và thấu hiểu. Đứa trẻ ấy sẽ có cơ hội lớn để trưởng thành thật sự, nghĩa là trưởng thành về mặt xã hội lẫn mặt tâm linh – tinh thần.
Gia đình là mảnh đất ươm mầm cho những tâm hồn trẻ thơ, thế hệ tương lai của cả nhân loại. Nó cần được xây dựng trên sự nhận biết và tỉnh thức nhiều hơn nữa từ những người đang nhận mình là cha mẹ và sắp nhận vào mình trách nhiệm làm cha mẹ. Đó không phải công việc dễ dàng như bạn vẫn tưởng. Bạn tưởng nó dễ, chỉ vì bạn không đủ trách nhiệm và nhận thức mà thôi.
Tôi thích câu chuyện về anh chàng Forrest Gump. Tôi coi bộ phim ấy nhiều hơn 3 lần. Anh chàng tàn tật Forrest sẽ khó đạt được bất cứ thành tựu nào, nếu không có người mẹ vĩ đại làm chỗ dựa, nguồn động viên tinh thần và sức bật cho anh ấy. Phật Thích Ca cũng vậy. Nếu như Phật có những người cha mẹ độc đoán như ngày nay thì hẳn Phật phải yên vị sống trong cung làm một hoàng tử ngoan ngoãn đợi kế thừa ngôi vua. Đâu dễ dàng mà rời xa cung điện đi lang thang học đạo? Đức mẹ Maria và thánh Giuse của chúa Jesus cũng là những người như thế. Họ là những “người được chọn”, không phải bởi chúa Cha mà chính bởi linh hồn của chúa Jesus, để đầu thai làm người. Bằng tình yêu bao la, sự tin tưởng, thấu hiểu và cậy trông sâu sắc mà mẹ Maria chấp nhận mọi hành động của con trai mình. Kể cả hành động chịu treo mình trên thập giá. Nếu là một người mẹ ngày nay, biết con mình sắp chịu nạn, hẳn đã nhốt Jesus vào trong phòng kín, khóa trái cửa lại để bảo vệ rồi. Albert Einstein cũng thế. Chính nhờ người mẹ sắt đá nhưng đầy ắp yêu thương, kiên trì, nhẫn nại mà thế giới mới có được những nhân tài như ông. Những cha mẹ ấy, những gia đình ấy, họ chính là đất lành ươm mầm những con người kiệt xuất cho nhân loại.
Thế giới ngày nay không có nhiều những vị Phật, những thiên tài, những đấng Cứu thế cũng vì lý do đó. Vì không có đủ “đất lành” cho những hạt mầm ấy đậu lại và nở hoa.
Bạn có bao giờ ngạc nhiên hay thắc mắc tại sao mọi đứa trẻ đều không thích ăn thịt ngay lúc ban đầu? Tại sao chúng luôn đu đưa nhún nhảy khi có âm nhạc cất lên? Tại sao chúng luôn muốn gần gũi thiên nhiên, yêu thương mọi loài động vật, nhạy cảm trước cảm xúc của người lớn? Bởi vì chúng là những hạt mầm. Tuy vừa mới đến mảnh đất gia đình bạn nhưng bên trong hạt mầm ấy, một linh hồn đã được ước định từ rất lâu rồi. Chúng là những hạt mầm của Phật, của Thượng đế, của Thiên tài mà nếu gặp được đúng vùng đất lành, đất tốt là những cha mẹ hiểu biết và sâu sắc, chúng sẽ có thể nở hoa.
Thay vì vậy, đa phần các gia đình, các bậc cha mẹ lại quá hời hợt để có thể thấu hiểu và chăm sóc những hạt mầm ấy. Họ bắt bọn trẻ phải ăn thịt cho đủ cân nặng, đủ chất. Họ hành hạ động vật trước mặt bọn trẻ. Họ mở những thứ âm nhạc độc hại đầy hận thù, nổi loạn thay vì âm nhạc của bình an, trầm lắng. Họ dạy bọn trẻ phải cạnh tranh, phải trở nên tính toán, keo kiệt, giữ của, phải phán xét, phải dối trá… Rất nhiều điều xấu trẻ con học tập là từ cha mẹ họ. Tất nhiên cha mẹ không chủ động dạy con cái mình những điều như vậy nhưng chúng học một cách thụ động ngày qua ngày, qua từng lời nói cử chỉ việc làm của người lớn. Làm sao một đứa trẻ có thể giữ lời, khi mà cha mẹ nó không bao giờ giữ lời? Làm sao những đứa trẻ có thể tôn trọng người khác khi cha mẹ nó chẳng tôn trọng lẫn nhau? Làm sao những đứa trẻ học được tính thành thật, tiết kiệm, khiêm tốn khi cha mẹ nó lại hành động một cách dối trá, phung phí, tự cao tự đại?
Đổ đồ ăn thừa, nói dối vô hại một cách thường xuyên, hứa hẹn những điều không quan trọng… tất cả những thứ này cha mẹ nghĩ vô hại nhưng thực tế rất có hại mà họ không hề hay biết đó thôi.
Anh hai và chúng tôi sống trong một gia đình tương đối êm đềm. Ba tôi chỉ thỉnh thoảng quậy phá khi say rượu nên anh hai tôi đủ mạnh để không bị gia đình làm cho hư hại. Nhưng anh ấy lại bị hư hại khi chơi cùng nhóm bạn “xấu” và học những đức tính xấu từ họ. Cũng là do gia đình đã không là mảnh đất đủ lành cho anh ấy ngay từ ban đầu. Chúng tôi, những cô con gái thì tự lập xa gia đình từ sớm, xã hội đã trở thành mảnh đất lành cho chúng tôi tự ươm mầm cây và phát triển theo hướng riêng của mình. Những hạt mầm đủ mạnh sẽ không chịu ảnh hưởng quá nhiều của môi trường mà mặt khác còn tác động để thay đổi cải tạo môi trường ấy. Giờ đây, tôi mong rằng các cháu tôi sẽ đủ mạnh để thoát khỏi tấm gương xấu của ba nó. Hi vọng cháu tôi sẽ không gia trưởng, bạo lực và bợm rượu như anh hai tôi.
Cùng hi vọng ấy, tôi mong rằng những đứa trẻ, những người con trong các gia đình hiện nay đủ may mắn để được sinh ra trong một vùng đất đủ lành. Hoặc nếu không, hãy đủ mạnh để thoát khỏi và cải tạo mảnh đất ấy. Vì gia đình nên là vườn ươm, là bệ phóng cho ước mơ của con cái, chứ không nên là cái còng chân giam hãm, áp đặt. Bao nhiêu người con hiện nay đang phải sống một cuộc đời “thay thế” vì ba mẹ, vì gia đình? Bao nhiêu người phải kết hôn theo ý ba mẹ, học ngành học, làm công việc theo ý ba mẹ? Tôi tin là rất nhiều. Một hạt mầm khi bị hư đi là một điều lãng phí rất lớn.
Thế giới này có thể trở nên xinh đẹp hơn, đa dạng hơn, nhiều niềm vui và ý nghĩa hơn nếu như mọi gia đình đều có thể trở thành một “vùng đất lành” cho con cái của mình được tự do ươm nên những mầm tốt đẹp. Sẽ nhiều nhà thơ, nhiều họa sĩ, nhiều vũ công hơn thay vì chỉ toàn bác sĩ, kĩ sư, y tá, giáo viên. Đời sẽ “nghệ thuật” và “sung túc” hơn rất nhiều. Địa đàng sẽ lại trở về mặt đất, nếu như mỗi người có thể nở hoa sinh trái theo đúng những gì trái tim họ mách bảo.
Mỗi lần viết về gia đình, tôi lại nhớ tới Osho. Lần này tôi nhớ về câu chuyện học trèo cây của ông ấy. Osho còn bé rất thích trèo cây, cha cậu ấy không muốn vì sợ cậu bị té gãy xương rất nguy hiểm nên cấm cậu leo trèo. Cậu nói với cha:
– Cha làm cha kiểu gì vậy? Nhiệm vụ của một người cha không phải là cấm đoán, nhưng là dạy bảo và hỗ trợ con làm điều con muốn thì mới phải. Cha đừng cấm con trèo cây vì cấm đoán đối với con là vô ích. Con rất thích trèo và sẽ trèo. Nên thay vì cấm đoán, cha nên dạy cho con cây nào nên trèo và cây nào không nên trèo, như thế tốt hơn.
Người cha suy nghĩ rồi nói:
– Làm cha thật là khó. Nhất là làm cha của một đứa trẻ cứng đầu như con. Nếu biết trước, nhất định ta sẽ không làm cha đâu. Nhưng con nói đúng. Ta sẽ dạy cho con cây nào nên trèo, cây nào không nên trèo. Bởi vì ta biết cấm đoán với con là vô ích và ta không muốn con trèo nên những cây giòn mà bị té gãy xương.
Thế rồi ông ấy đã phải dành nguyên một ngày để đi theo cậu con trai, giải thích với cậu bé cây nào nên trèo, cây nào không. Osho nói:
– Những cây cha nói không nên trèo là những cây con thích nhất. Vì chúng là những cây ăn quả thơm ngon. Con sẽ bị cám dỗ. Cha hãy dạy cho con cách trèo lên những cây ấy sao cho an toàn đi.
– Con thật quá đáng. Ban đầu con chỉ muốn biết cây nào an toàn, bây giờ con lại muốn biết ta dạy con cách nào để trèo lên những cây nguy hiểm một cách an toàn sao?
– Nhưng đó là trách nhiệm của cha mà. Là giữ an toàn cho con, là hỗ trợ con làm điều con muốn. Đây là điều con muốn. Nếu cha không dạy, con sẽ bị té gãy tay chân.
– Thôi được rồi. Ta không biết trèo cây nhưng ta sẽ tìm cho con một người giỏi về trèo cây và người ấy sẽ dạy cho con làm cách nào để trèo cây mà luôn an toàn. Con thật là một đứa trẻ đòi hỏi và cứng đầu.
– Con không biết. Con chỉ muốn làm những điều trái tim mình mách bảo. Cha là cha của con, cha phải dạy cho con những điều con muốn biết. Hoặc nếu cha không biết, cha có thể tìm ai đó. Nhưng cha không thể từ chối việc dạy con được. Đó là trách nhiệm của cha mà.
Đấy là câu chuyện về cậu bé Osho, tức là chuyện diễn ra ở tận Ấn Độ rất nhiều năm về trước. Còn ngày nay thật tiện, cây không còn nhiều cho lũ trẻ trèo leo nữa. Hoặc giả có đứa trẻ nào đòi hỏi như trên, hẳn nó sẽ bị cho một bạt tai. Osho là một đứa trẻ lý sự và thông minh, đôi phần tinh quái. Gia đình và trường học là vườn ươm để cậu trở thành một trong những “tay lý luận” đáng sợ nhất lúc ấy. Mà sau này cậu trở thành một trong những nhân vật ở thế kỉ 20 có sức ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có tôi. Tất nhiên gia đình là môi trường quan trọng nhưng bản thân Osho là một hạt mầm đặc biệt, một linh hồn đặc biệt ngay từ ban đầu. Ông không chỉ thay đổi cả gia đình ông, những người xung quanh ông mà còn thay đổi toàn bộ thế giới của những người hiểu ông nữa.
Đó cũng là lý do nhân loại không có nhiều những vị Phật, những thiên tài. Bởi vì đất không đủ lành, chim không đậu, hạt mầm không thể nở hoa.
Gia đình là một trong những “mảnh đất” ươm mầm những vị Phật cho nhân loại. Gia đình nên là nơi tạo ra những môi trường sống tốt nhất cho những đứa trẻ: môi trường của yêu thương, quan tâm, chia sẻ, trách nhiệm, từ bi và tôn trọng…