Gia đình là một trong những “mảnh đất” ươm mầm những vị Phật cho nhân loại. Gia đình nên là nơi tạo ra những môi trường sống tốt nhất cho những đứa trẻ: môi trường của yêu thương, quan tâm, chia sẻ, trách nhiệm, từ bi và tôn trọng…
Thế nhưng ngay từ lúc đầu, về sự hình thành của gia đình, của hôn nhân lại không vì mục đích “tạo môi trường sống tốt đẹp” cho con cái chút nào. Nó đơn giản là cách những người đàn ông nghĩ ra để đảm bảo rằng tài sản mình dành dụm cả đời sẽ được truyền lại “đúng” cho người con của mình, tức con ruột. Gia đình ra đời để giúp cho việc giữ gìn tài sản của những người đàn ông được đảm bảo, bao gồm cả đảm bảo về tài sản lẫn những con người trong gia đình ấy: vợ và những đứa con – không thuộc về người khác.
Chính vì tin vào điều ấy nên Chủ nghĩa Cộng sản mới muốn phá hủy mô hình gia đình, bởi vì nó muốn phá hủy quyền sở hữu tài sản cũng như khả năng tích cóp tài sản của những người giàu có. Cộng sản muốn mọi người đều góp tài sản vào quỹ chung, cùng nhau sử dụng. Nó muốn giải tán mô hình gia đình, vì mặt tiêu cực của mô hình này đến xã hội vật chất, nhưng mặt khác điều đó lại đụng chạm đến mặt tích cực về tinh thần của mô hình gia đình – là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách con người. Cho nên chủ nghĩa Cộng sản đã bị thất bại và bị lên án nặng nề. Ai cũng muốn bảo vệ gia đình của mình, kể cả những người cộng sản. Ai cũng cần có gia đình, kể cả những người tin yêu cộng sản.
Lý thuyết của Karl Marx và Engels đã bị chính những người trong chủ nghĩa cộng sản phản bội, vì không ai muốn giải tán gia đình theo lời hai ông ấy. Đặc biệt, thế giới tư bản là những nước giàu có, lại càng căm ghét và sợ hãi ý tưởng ấy hơn.
Nghĩ mà coi, khi bạn nghèo, có thể bạn thích ý tưởng cộng tài sản mọi người lại chia đều. Nhưng khi bạn giàu và ai cũng nghèo, bạn sẽ chẳng thích ý tưởng ấy chút nào. Đó chính là nguyên do thổi bùng cuộc chiến giữa tư bản và cộng sản. Cuộc chiến chưa bao giờ dứt giữa đất nước của những người giàu, muốn bảo vệ tài sản của mình và những kẻ nghèo, lười lao động nhưng lại muốn ăn ké chia ké tài sản của người khác. Tất nhiên ai cũng có cái lý riêng của mình và thời gian sẽ chứng minh bên nào giàu hơn thì bên đó thắng.
Chủ nghĩa cộng sản thất bại, tồn tại ngoi ngóp trong những quốc gia nghèo đói nhất bởi vì một điều đơn giản: cộng sản nghĩa là cộng tài sản lại rồi mới chia. Muốn cộng thì bạn phải có tài sản trước đã. Khổ nỗi cộng sản lại toàn nước lười lao động, phản đối công thương nghiệp, phản đối sáng tạo, phản đối làm giàu, phản đối tích lũy tài sản, thích làm ít hưởng nhiều, thích bao cấp…. Thì lấy đâu ra tài sản mà chia? Nghèo vẫn cứ mãi nghèo.
Ngược lại, tư bản dù trên danh nghĩa bảo vệ sự tiến bộ của loài người, đấu tranh với chủ nghĩa cộng sản, thật ra chỉ là đang đấu tranh để bảo vệ đống của cải của chính mình mà thôi. Một bên quyết chết để tiêu diệt những kẻ giàu, để lấy tài sản của họ; một bên quyết chết để bảo vệ tài sản của mình. Tư bản không thắng vì nó không quét sạch được chủ nghĩa cộng sản ra khỏi bề mặt địa cầu, nhưng ít nhất họ cũng thắng để chủ nghĩa cộng sản không tồn tại trên đất nước của họ. Nhờ vậy mà ai cũng có quyền làm giàu và tất nhiên, khi người dân giàu thì đất nước cũng sẽ giàu, giàu rồi thì chi tiền cho quân sự, cho vũ khí, cho công nghệ. Cái giàu mang lại cái mạnh. Ngày nay, các nước cộng sản phải chạy theo đuôi tư bản dài dài vì con đường sai lầm của mình.
Thật ra ý tưởng cộng sản không hề sai hay xấu như mọi người vẫn nghĩ. Nó chỉ là chưa chín muồi và chưa thích hợp mà thôi. Giống như một đứa trẻ cần thai nghén đủ 9 tháng 10 ngày mới được sinh ra, có thể sớm muộn một vài ngày, thậm chí một tuần. Nhưng nếu người ta cố rút ngắn thời gian, cố “đi tắt đón đầu” mà bắt nó ra đời khi chỉ mới trong bụng mẹ vài tháng, thì nhất định đứa bé đó sẽ mang một hình hài của quái thai, do chưa được nuôi dưỡng và ấp ủ đúng quy luật của tự nhiên. Cộng sản cũng vậy. Nó là một đứa trẻ của tương lai nhưng đã bị ép ra đời quá sớm khi chưa đủ chín muồi, đó là lý do nó bị gọi là một chủ nghĩa quái thai dị hợm. Nếu đứa trẻ cộng sản ấy được ấp ủ đủ thời gian, nó sẽ trở thành tương lai của nhân loại. Đó là điều đang xảy ra ngay lúc này tại các nước tư bản.
Khi một đất nước quá giàu, dân đóng thuế quá nhiều, chính quyền cũng trở nên giàu có. Họ có điều kiện để chăm lo cho người dân tốt hơn, kể cả những người nghèo nhất. Đó chính là bước đi đúng đắn mà chủ nghĩa cộng sản đáng lẽ phải đi. Phải làm sao cho người dân giàu có trước, giàu tới mức họ không bận tâm tích lũy tài sản nữa mà đem ra chia cho mọi người dùng chung. Hẳn bạn cũng nghe câu chuyện về các vị tỷ phú Âu Mỹ, sau khi chết, họ làm di chúc cống hiến tất cả tài sản cho những quỹ từ thiện, họ xây dựng trường học, bệnh viện và mở ra những trung tâm nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, công nghệ với mong muốn giúp đỡ nhiều người hơn một cách vô vị lợi. Đó chính là cộng sản, là đem tài sản của mình ra cho mọi người dùng chung. Không phải chia cho mỗi người một ít nhưng là tạo ra tiến bộ để phục vụ toàn nhân loại. Nền kinh tế chia sẻ cũng là một biểu lộ khác của cộng sản. Khi mọi người dư thừa tài nguyên: xe cộ, nhà cửa, đồ dùng thì họ nghĩ ra cách để vừa chia nó cho người cần, vừa có thêm thu nhập. Bạn đang đi Uber, Grab, bạn ở AirB&B, bạn nghe về mô hình Kizbutts ở Israel, đó chính là những ý tưởng của nền kinh tế chia sẻ. Góp tài sản riêng thành tài sản chung cho tất cả mọi người cùng được lợi. Đó không phải cộng sản, thì là gì?
Nói cách khác, quy trình đúng phải thông qua tư bản, làm cho mọi người cùng giàu có, thì sau đó người ta mới tiến tới cộng sản được. Phải có tài sản đã thì mới cộng hay chia được chứ. Anh nghèo rớt mùng tơi, ai muốn cộng với anh?
Thế giới đang bước dần vào kỉ nguyên Bảo bình, kỉ nguyên của những tiến bộ vượt bậc về mọi mặt của đời sống nhân loại, cũng là kỉ nguyên của sự chia sẻ, thấu cảm và yêu thương. Bảo bình được tượng trưng bởi một người đem nước trong bình của mình, rót ra cho toàn nhân loại. Nước này tượng trưng cho sự sống, cho tình yêu, cho ý tưởng.
Các bạn tôi, đừng phê phán cộng sản một cách mù quáng, và cũng đừng tôn thờ tư bản một cách mù quáng. Vì chúng chỉ là những nấc thang trên cùng một cầu thang, đưa nhân loại và con người tới đỉnh cao của tiến hóa. Thay vì đấu tranh chống lại cộng sản, một hành động tương đối vô vọng, hãy dành thời gian để học theo những điều tốt đẹp của tư bản ngay tại đây, ngay lúc này là việc đáng làm hơn.
Giờ trở lại chuyện đất lành chim đậu. Không chỉ chim chóc đang dần rời xa Việt Nam, mà cả con người nữa. Người ta đang lũ lượt kéo nhau đi khỏi đất nước này, bạn có biết không? Đi đâu? Đi đến những đất nước Tư bản chứ đâu. Những người thuộc các nước cộng sản là những người muốn đi nhiều nhất. Người thì đi theo dạng xuất khẩu lao động, người thì du học, người thì kết hôn, người thì gia đình bảo lãnh, một vài người khác đi theo dạng tị nạn hoặc bất hợp pháp khác. Mọi vùng miền, người ta đang làm mọi cách để đi và kéo nhau đi. Kể cả khi người ta biết rằng đi đến vùng đất khác sẽ rất gian khổ, rất khó khăn và tủi nhục, người ta vẫn rồng rắn kéo nhau đi.
Đọc những bài viết, tâm sự của những người đi định cư nước ngoài, ai cũng phải thừa nhận một điều rằng ở bên đó có nhiều cái “sướng” như về cuộc sống vật chất, cơ sở hạ tầng, văn minh văn hóa, an sinh xã hội và đặc biệt là tương lai tươi sáng cho thế hệ con cái. Cái khổ là phải làm việc rất vất vả, không còn những món ăn quen thuộc khi có thì chê, xa rồi mới nhớ như chai mắm, chai tương, quả cà quả khế; khổ hơn nữa là việc thiếu tình thân gia đình, cộng đồng như khi còn ở Việt Nam. Dù cái khổ liệt kê dài dằng dặc nhưng kì lạ ở chỗ, khổ mấy thì khổ, một khi đã đi, không ai muốn quay về.
Người trẻ không muốn về là điều dễ hiểu, vì rõ ràng cuộc sống ở những nước văn minh rất tự do và sung túc, họ thích ứng rất nhanh. Nhưng những người già, người lớn tuổi, họ chấp nhận ở lại chỉ một phần nhỏ là do thích ứng, do yêu thích. Phần lớn họ ở lại vì con cái của họ, vì thế hệ tương lai. Họ muốn con cái họ có cơ hội và một tương lai ở nơi vùng đất ấy, thay vì quê nhà với đủ loại bất cập khó khăn.
Như vậy, đất nào lành chim đậu, đất nào giàu có văn minh thì con người sẽ tự động tìm đến. Cùng lý do ấy, nhân tài của thế giới hoặc của đất nước mình cứ ngày một đi không trở lại qua những con đường học tập, học bổng, nghiên cứu sinh… tại các nước giàu. Nước giàu họ giàu vì họ rất khôn. Họ không chỉ biến đất nước họ thành vùng đất lành cho người dân của họ, cho chim xứ họ, mà còn biến nó thành vùng đất lành cho những con chim quý phương xa bay về nữa. Đất lành lại càng giàu hơn. Giàu hơn thì lại thu hút tiền bạc và nhân tài hơn nữa. Đất nghèo vừa nghèo cây cối chim muông mà cũng nghèo cả dinh dưỡng thì làm sao mong cây cối đâm chồi nảy lộc, làm sao mong chim muông đến làm tổ? Đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Nhưng cái nghèo về vật chất không thể so sánh với cái nghèo của tinh thần được. Chính cái nghèo về tinh thần mới là thứ quyết định tất cả.
Nhìn vào Israel bạn sẽ thấy, đất nước họ hầu như chỉ toàn là sa mạc khô cằn. Vậy mà từ sa mạc ấy người ta đã biến nó thành thành phố, thành những ốc đảo, những rừng cây, những khu vườn rực rỡ sắc màu hoa cỏ và lương thực. Họ còn nuôi cả cá trong sa mạc nữa chứ. Trong khi Việt Nam, sông ngòi kênh rạch, biển cả rừng cây bạt ngàn bao la làm vậy mà ngày càng cạn dần đi, biến mất dần đi do những phương pháp quản lý tài nguyên sai lầm. Rừng xanh thành rừng trọc, đất đai khô cằn sa mạc hóa đến nỗi nhiều khu vực Tây Nam bộ, người dân không thể trồng được hoa màu nữa, phải bỏ xứ mà đi nơi khác kiếm sống. Chúng ta vốn có đất lành, nhưng vì con người không lành, cũng không “khôn” nên chúng ta đã lãng phí và phá hủy miếng cơm manh áo của chính mình, của con cái mình. Đây là một sự thật cần được nhìn nhận để thay đổi, chứ không phải lúc để trách móc giận hờn hay làm lơ. Chính quyền có thể giao đất miễn phí cho những doanh nghiệp, câu lạc bộ hoặc người dân địa phương, song song hỗ trợ những biện pháp hiện đại về khoa học công nghệ và cả tài chính để người dân cả nước cùng nhau bắt tay làm cho đất đai hồi sinh lại. Hoặc đơn giả như làm một cuộc tái sinh cho những cánh rừng khô những quả đồi trọc hiện nay cũng là những việc mà tôi, một kẻ chẳng biết gì nhiều về vận hành một đất nước, cũng tin rằng đó là điều nên làm.
Đất đai hồi sinh, con người hồi sinh, đất nước cũng hồi sinh. Nhưng để hồi sinh đất nước, chúng ta phải hồi sinh con người trước nhất, tức là phải hồi sinh lại cho mọi người về mặt tinh thần, tâm trí. Văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thể thao, tôn giáo… mọi thứ đều phải đóng góp cho công cuộc này. Ví dụ như:
Văn hóa phải thay đổi những nếp tư duy cũ kĩ lạc hậu, thay bằng những giá trị sống mới, trách nhiệm hơn, tân tiến hơn, văn minh hơn, tự do hơn. Không thể nào duy trì nếp suy nghĩ của thời đại phong kiến cho thời đại ngày nay được nữa.
Giáo dục phải đề cao những ý tưởng, tinh thần học hỏi, không ngại sai, không sợ sai. Giáo dục phải chuyên sâu và mang tính ứng dụng vào thực tế, tập trung vào phát huy năng lực của mỗi cá nhân chứ không cào bằng, không chạy đua thành tích, danh hiệu.
Nghệ thuật phải được chú trọng nhiều hơn và thực chất hơn trong từng bộ môn. Dùng nghệ thuật để chuyển tải văn hóa, giáo dục chứ không chỉ để giải trí kiếm tiền. Nghệ sĩ phải là những người truyền đạt cả cảm hứng và thông điệp sống chứ không chỉ là những trò câu like rẻ tiền. Tôn trọng mọi bộ môn nghệ thuật như nhau, cả các môn truyền thống: múa rối nước, kịch sân khấu, tuồng chèo cải lương… làm đa dạng các sắc màu văn hóa cho đất nước.
Thể thao cũng giống như nghệ thuật, là một phần của cuộc sống. Không đặt niềm tự hào dân tộc vào một vài môn thể thao, vài chục cầu thủ vì như thế là không đủ. Thể thao nên được đại chúng hóa nhằm thúc đẩy tinh thần thể dục thể thao thực sự cho thế hệ trẻ. Mỗi thôn xóm làng xã nên có những sân banh sân bóng cho tuổi trẻ vui chơi lành mạnh. Biến cả đất nước thành một sân vận động thể thao khổng lồ cho người dân thì vui biết mấy. Như cách các nước khác họ biến mọi nơi thành sân bóng rổ ấy. Chỉ một cái rổ gắn vào cây cột điện cũng xong. Rất tiện lợi. Việt Nam chỉ chú trọng nhất bóng đá nên các môn thể thao khác thường bị làm lơ, ấy là thiệt thòi cho chính người dân VN nữa.
Về tôn giáo, đây là điều trọng tâm. Tôi không muốn nói về tôn giáo như các bạn thường hay nghĩ. Tôi có một tôn giáo riêng, tạm gọi là Tâm Linh, mà chính nhờ tinh thần của nó, tôi đã biến cuộc đời của mình thành một “vùng đất lành”, một nơi bình an, xinh đẹp và đáng sống hơn bất cứ đâu.
Bạn còn nhớ, tôi nói rằng “dù cho có điều kiện đi nước khác định cư sinh sống, tôi cũng không thèm?” Vâng, tôi thật sự có ý như vậy đấy.
Tôi cũng từng có ý muốn ra nước ngoài sống. Nhất là khoảng thời gian hẹn hò với anh chàng #King và anh ấy lại đang học ở Mỹ, muốn sống ở Mỹ. Tôi muốn qua đó vì anh ấy. Chúng tôi lên một kế hoạch cùng nhau để định cư bên ấy. May mắn làm sao, tôi xin visa đi Mỹ và bị từ chối, chuyện cách đây mấy năm rồi. Sau đó tôi vẫn nung nấu ý định đi Mỹ vì nghĩ sau này mình sẽ có con, mình muốn con mình được sống ở một nơi tốt hơn. Đó là suy nghĩ của tôi trước đây.
Khi mới bước vào thế giới Tâm Linh, tôi không muốn kết hôn, không muốn có con cái, cái ý định đi Mỹ nguôi đi một nửa. Càng đi sâu hơn vào tâm linh, cuộc sống của tôi ngày càng trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi sống bình yên trong một thị trấn nhỏ, có công việc mang thu nhập, có gia đình, có cuộc sống lành mạnh yên vui và ý nghĩa. Dần dà tôi không còn có ý định đi bất cứ nơi nào khác để sinh sống. Kể cả là Mỹ hay Úc hay bất cứ đâu. Kể cả khi tôi hoàn toàn có thể thực hiện ý định ấy.
Chuyện là sau khi chia tay King một thời gian, tôi hẹn hò một người khác, cũng sống ở Mỹ, anh ấy vốn là độc giả của tôi. Chúng tôi biết nhau khá lâu nhưng không thường nói chuyện. Sau đó dần dần nói chuyện nhiều hơn. Tôi tâm sự với anh ấy rất nhiều về mọi thứ trong cuộc sống, cả về anh chàng King nữa. Có thể nói, anh ấy đã luôn ở bên tôi một cách thầm lặng và kiên nhẫn. Anh ấy sống ở Mỹ từ nhỏ nên chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội gặp nhau ngoài đời. Mỗi ngày anh ấy đều nhắn tin hoặc gọi điện, facetime với tôi. Thỉnh thoảng anh ấy lại mua quà gửi về cho tôi, cho cả Babie – chú chó của tôi nữa. Anh ấy mua cho tôi rất nhiều socola, những món đồ thể thao và quần áo nữa, dù tôi không hề đòi hỏi cũng như luôn miệng nói anh ấy đừng mua, những thứ ấy tôi không cần đến chút nào. Cho tới giờ cả mớ đồ thể thao xịn của anh ấy gửi tôi vẫn không xài tới vì bản thân không thấy hợp. Lần nọ, khi biết tôi bị trộm ghé thăm lấy mất cái máy tính yêu dấu, anh ấy đã mua cho tôi cái máy tính mà tôi đang xài đây. Tôi yêu quý và biết ơn anh ấy rất nhiều, về mọi thứ mà anh ấy đã mua hay đã làm, dù cho chúng tôi vẫn chưa từng gặp nhau. Anh ấy đã rất nghiêm túc chuyện hẹn hò với tôi cho tới khi tôi chủ động ngừng mọi liên lạc với ảnh. Nhưng bạn biết đấy, trọng tâm của câu chuyện này không phải là chuyện hẹn hò của tôi. Nhưng chỉ muốn cho bạn biết rằng, tôi đã có những cơ hội để kết hôn và định cư ở Mỹ, nhưng tôi từ chối. Bởi vì tôi yêu cuộc sống hiện tại của mình rất nhiều. Tôi đã biến nó thành một thiên đường thu nhỏ cho chính mình. Nó tốt đẹp đến nỗi tôi không cần đi bất cứ nơi nào để có cuộc sống xinh đẹp hơn.
Nói cách khác, tôi đã tìm ra VÙNG ĐẤT LÀNH cho chính mình. Bạn tin được không? Vùng đất ấy nằm trong chính tâm trí và tâm hồn bạn. Khi sở hữu được mảnh đất ấy rồi, tìm cách đến được vùng đất ấy rồi, bạn sẽ không bận tâm chuyện đất lành nào bên ngoài nữa. Bạn sẽ biến vùng đất quanh mình thành đất lành, không chỉ cho bạn, mà còn cho người khác nữa.
Ví dụ nhé, hàng tuần hàng tháng hay vào những dịp nhất định, bạn đến nhà thờ hoặc chùa để tìm kiếm cảm giác bình an. Khi bạn đi theo tôn giáo Tâm Linh mà tôi nói ở trên, bạn sẽ tự biến chính mình thành một đền thờ, đền chùa như thế. Bạn sẽ luôn cảm thấy bình yên, hạnh phúc bất kể bạn đang ở đâu. Thế thì ai còn bận tâm đi đến nhà thờ chùa chiền nữa? Bạn đi đến quán ăn, đi vào bếp khi bạn đói. Nếu như bạn không đói, bạn đến những nơi ấy để làm gì? Nó là không cần thiết. Tôi cũng vậy. Việc định cư ở những đất nước khác đối với tôi giờ đây là một việc không cần thiết nữa. Tôi không bận tâm tương lai của con cái vì tôi không định có con. Hoặc giả như tôi có con, tôi sẽ cho nó một nền tảng giáo dục tốt nhất, sau đó đi đâu, sống ở đâu sẽ là quyền và trách nhiệm của nó để định đoạt và cố gắng. Không phải của tôi. Tôi không bận tâm chuyện sống ở đất nước nào khác bởi vì dù cho sống ở đâu thì con người cũng đều có chung một mục tiêu đó là cuộc sống thoải mái, tự do, hạnh phúc và ý nghĩa. Tôi đang có những thứ đó ngay ở đây, ngay lúc này, thì tại sao tôi còn phải đi đâu?
Bạn sẽ không tin, không sao cả. Từ nhỏ tôi thường hay tự đặt câu hỏi cho chính mình. Tại sao tôi lại được sinh ra trong gia đình này, trong cái làng ngập hoa café này, trong cái tỉnh cao nguyên này và nhất là trong đất nước này? Tôi đã tự hỏi không biết bao nhiêu lần và giờ đây, tôi đã tự có câu trả lời cho chính mình. Rằng chính nơi này là vùng đất lành mang lại cho tôi cuộc sống mà linh hồn tôi mong muốn. Một cơ hội để linh hồn thực hiện ý định của nó. Nói theo tôn giáo thì là ý định của Thượng đế, kế hoạch của Thượng đế dành cho tôi. Tôi tin vào điều đó.
Kinh thánh nói rằng Thượng đế có một miền đất hứa dành cho những người tin và đi theo Ngài. Đất lành mà tôi đang hướng tới, chính là miền đất hứa ấy.
Xin đừng hiểu lầm, tôi chưa “đạt” tới nó đâu, nhưng ít nhất tôi có một thoáng nhìn về nó và biết con đường để đi đến đó. Tôi đang trong hành trình của mình và mỗi bước chân trên hành trình ấy, tôi hứa sẽ luôn chia sẻ với bạn, nếu bạn vẫn còn muốn theo dõi trang blog này. *Sống đơn giản* là một bước trên hành trình ấy, *làm cách nào để đạt ước mơ*… mỗi bài viết, mỗi thông điệp cuộc sống mà tôi chiêm nghiệm ra và chia sẻ ở đây, là mỗi bước đi của tôi trên hành trình tới miền đất hứa này. Không biết kiếp này tôi có kịp tới nơi không hay phải mất nhiều kiếp nữa. Tôi không sợ bởi vì hành trình này thú vị trên từng bước đi. Cái đích chỉ như một món quà mà thôi. Đôi khi tôi sẽ bước lạc, không sao cả, cứ nghe theo lương tâm và trái tim của mình, tôi sẽ lại tìm ra con đường đúng ngay thôi.
Ồ, có thể bạn cho rằng tôi đang mê sảng. Vậy thì trở lại chuyện đất lành vậy. Tôi làm mọi cách biến cuộc sống của mình thành một cuộc sống “lành” nhất có thể, đáng sống nhất có thể. Tôi làm mọi cách để cho cuộc sống của mình ngập tràn hoa cỏ, âm nhạc, niềm vui, sự lạc quan và niềm tin yêu, trân trọng cuộc sống. Không có nghĩa nó sẽ không có những lúc buồn đau, chán nản, thất vọng. Nhưng tôi trân trọng tất cả.
Hiện nay, cuộc sống của tôi là sáng sáng ngủ dậy đi tập yoga giữ gìn sức khỏe, rồi đi ra shop, vừa trông shop vừa nhâm nhi café, viết lách, dịch sách, xem phim học tiếng Anh, khách dô thì bán hàng, khách không dô tôi cũng không thấy buồn chút nào, một việc kinh doanh êm đềm không áp lực và rất tự do. Khi đói thì tôi nấu ăn những món mình thích. Gặp gỡ những người bạn nước ngoài để giữ lửa tiếng Anh, nghĩ thêm nhiều cơ hội trải nghiệm mới, viết thêm sách. Chiều chiều lại đi học yoga, tối về đọc sách, nghe nhạc mantra, ngồi thiền và ngủ. Trải nghiệm kinh doanh những cái mới song song tiết kiệm tiền để đi du lịch nhiều hơn. Thỉnh thoảng về nấu ăn cùng gia đình. Tất nhiên không thể thiếu những cuộc hẹn hò với *ai đó* khi có cơ hội, để cảm nhận những cảm xúc ngọt ngào của tình yêu. Một cuộc sống tuyệt vời đúng không. Rất tự do, không áp lực, không căng thẳng, đúng ý nguyện, rất an bình và ý nghĩa. Ý nghĩa nằm trong những hoạt động hàng ngày do tôi tự mình cảm nhận, không cần nó phải ý nghĩa với ai. Nhưng tất nhiên tôi cũng không làm gì gây tổn hại gì tới ai cả.
Một cuộc sống tuyệt vời như vậy tôi có thể kiếm được ở đâu?
Tôi còn phải đi đâu để mong tìm cuộc sống tốt đẹp hơn nữa?
Đời tôi là một mảnh đất lành như thế. Tôi ước gì bạn cũng tìm cách để biến cuộc đời của bạn trở thành một mảnh đất lành, ngay tại đây, ngay lúc này. Để bạn không còn cần đi đâu tìm kiếm một tương lai khác, một cơ hội khác, một cuộc đời khác.
King, anh bạn trai cũ của tôi, một người cực kì sùng đạo (Công giáo) đã nói với tôi những lời này mà tôi vừa đồng ý, vừa không bao giờ quên. “Anh thích câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Jesus về một ông chủ trước khi đi xa, trao cho 3 đầy tớ mỗi người một túi bạc và dặn họ có thể làm mọi thứ mình muốn với những túi bạc ấy. Người thứ nhất lấy tiêu xài hết. Người thứ hai cất kĩ số bạc đi. Người thứ ba mang nó đi mua bán, kinh doanh sinh lời và khi ông chủ về, anh trao cho ông chủ không chỉ túi bạc ban đầu mà còn rất nhiều túi bạc khác là lợi nhuận sinh ra từ túi ban đầu ấy. Chúa đã ban cho chúng ta một túi bạc, là cuộc sống này, trách nhiệm của chúng ta là phải làm cho túi bạc ấy sinh ra thật nhiều hoa lợi. Vậy mới xứng đáng là con cái Chúa.” Tôi đồng ý với King lắm, nhưng muốn bổ sung thêm điều mà tôi chưa từng nói với anh ấy. “Đúng vậy. Hãy làm cho cuộc sống của mình sinh lợi. Nhưng không chỉ là những lợi ích về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần và tâm hồn nữa. Làm cho cuộc sống của mình giàu có hơn về niềm vui, nụ cười, lòng từ bi bác ái, sự chia sẻ quan tâm và đặc biệt, giàu về tình yêu nữa.”
Túi bạc mà ông chủ trao cho 3 người đầy tớ, chính là túi “đất lành” mà Thượng đế ban cho mỗi người chúng ta. Nó luôn ở bên trong, chờ chúng ta khám phá, mang ra sử dụng và làm giàu cho cuộc sống của mình. Nếu mỗi người trong chúng ta, thay vì lãng phí những gì mình đang có, thay vì chôn giấu và lãng quên những món quà của cuộc sống, thay vì cứ trông chờ vào một vùng đất hứa ở nơi xa, hãy cùng mang món quà là túi “đất lành” ấy ra sử dụng. Thế thì mọi nơi đều đáng sống cả.
Đất lành là nơi ươm hạt mầm Tâm Linh bên trong bạn. Từ hạt mầm ấy, cuộc đời bạn nở hoa. Rực rỡ sắc màu, làm đẹp cho đời, tỏa hương thơm và dâng lên Thượng đế như lời cảm tạ chân thành.
Tôi không chắc bạn đọc tới đây và cũng không chắc bạn hiểu những gì tôi nói, nhưng tôi thật tâm chúc bạn cũng tạo ra được một vùng đất lành cho chính mình. Ngay tại nơi mà bạn đang ở.
HEAVEN IS NOWHERE or HEAVEN IS NOW-HERE because NOWHERE = NOW + HERE