Mặc cảm tội lỗi biến bạn thành nô lệ: Be free and happy by ignore the guilty feelings

Hãy ngưng mặc cảm bằng sự nhận biết!

Tại quán cafe, chuyện xảy ra ở bàn bên cạnh, một cô nói với bạn: “Em cứ tưởng em là người đến trễ nhưng ai ngờ em đến sớm nhất, vui ghê.”

Chúng ta đều thế. Khi biết mình có lỗi – ta cảm thấy tệ. Khi biết mình không có lỗi nữa – ta bỗng thấy nhẹ nhõm. Nhưng quan trọng nhất là cái khoảnh khắc khi biết những người khác có lỗi với mình thì ta bỗng nhiên cảm thấy vui sướng vô cùng. Như một nô lệ bỗng chốc vươn mình làm chủ.
Cần chút tinh tế để hiểu điều này.

Cùng một thủ thuật như vậy mà chúng ta đang bị nô lệ hoá. Xã hội khiến ta cảm thấy có lỗi trong mọi hoàn cảnh. Đi học không giỏi không chăm là có lỗi với cha mẹ, không nghe lời không chịu đựng là có lỗi với thầy cô, không kết hôn là có lỗi với gia đình, không thành công là có lỗi với xã hội, ăn thịt chó là có lỗi với nền văn minh, không mua sắm hưởng thụ là có lỗi với bản thân, không đi nhà thờ đền chùa là có lỗi với các đấng tối cao nào đó… Nói tóm lại, toàn bộ cuộc sống của chúng ta bị bó hẹp lại thông qua những chữ “không” vì cảm giác tội lỗi mà chúng ta phải chịu đựng mỗi ngày.

Ra ngoài đường, thấy một cô gái đẹp mà nhìn theo chăm chú là coi như có lỗi với vợ, lỡ không còn cái màng trinh khi cưới là có lỗi với chồng, con cái hiếm muộn một chút là có lỗi với gia tiên, trách nhiệm với bản thân, sống tự lập không lệ thuộc gia đình thì sẽ bị coi là có lỗi với truyền thống hiếu nghĩa, phản ánh một xã hội xấu xí thì sẽ bị coi là phản động có lỗi với quốc gia, lên án cái chưa tốt của truyền thống/tôn giáo thì sẽ bị coi là tự cao tự đại ngông cuồng, ma quỷ cám dỗ…

Toàn bộ cuộc sống của chúng ta đang xoay quanh mạng lưới của những mặc cảm tội lỗi như vậy đấy và chúng ta như những con chim tội nghiệp không thể thoát ra, lấy gì tung cánh.

Cho nên, nghệ thuật sống không mặc cảm, không cảm thấy có lỗi cần một chút lòng can đảm và rất nhiều sự nhận biết. Biết mình có lỗi rồi thay đổi và rũ mình vươn lên khỏi tội lỗi ấy thì tốt hơn nhiều so với việc lúc nào cũng thấy có lỗi mà không hiểu lỗi gì và làm sao để thoát ra. Ý nghĩa hình ảnh “cứu thế” của Jesus chính là như vậy. Ông ấy đã gánh tội lỗi cho ta rồi nên đừng mặc cảm nữa, đừng sợ hãi và khóc lóc than van nữa, thay vì vậy hãy hồi sinh là một con người mới: trong sạch, can đảm, tạ ơn và đừng phạm tội nữa.

Trên đời này, không có tội nào lớn hơn tội phản bội bản thân mình, cho phép người khác biến mình thành nô lệ. Nói cách khác, không tội nào lớn hơn tội vô minh, vô nhận biết bởi vì từ vô minh, ngu si mới sinh ra mọi tội lỗi, mọi đau khổ trên đời. Sống đau khổ nên được xem là tội lỗi lớn nhất đối với Đấng Tạo Hoá. Tìm cách để vượt qua đau khổ mà vươn lên hạnh phúc – ấy là phúc lành lớn nhất.

Phật nói “vì vô minh nên mới khổ” vậy nên cách để hết khổ là hãy hết vô minh. Cách để hết vô minh là hãy nhận biết. Cách để nhận biết là sống chậm lại, nhìn sâu hơn, nghĩ lâu hơn, không phán xét ai ngoài chính mình – nhưng phán xét không phải để cảm thấy mặc cảm tội lỗi nhưng là để thay đổi và vươn lên, sống khác đi.

Một ví dụ nhỏ xíu về nhận biết như là: nhận biết rằng mình cũng là con Thiên Chúa, mình cũng là một vị Phật và nhiệm vụ của chúng ta là phải thức dậy vị phật ấy, chất thiên tử ấy bên trong mình – chứ không phải là chỉ thờ lạy tôn thờ các đấng Phật mà thôi. Rồi nhận biết cái gì là quan trọng thì làm, cái gì không quan trọng thì thôi. Không chỉ nhận biết để mình không có lỗi với ai mà còn phải nhận biết để đừng cho rằng ai có lỗi với mình… nhiều điều nhỏ nhỏ như vậy thôi nhưng có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn đấy không đùa đâu. Những điều nhỏ bé ấy có thể phá tan xiềng xích để biến bạn từ nô lệ thành một người tự do đấy và khi đã tự do, không ai có thể biến bạn thành nô lệ nữa.

Thoát khỏi kiếp nô lệ là nhiệm vui của chúng ta trên đời. Ôi tôi đang nói cái gì thế này!!! Uống cafe tiếp đây, nguội cả rồi, có lỗi quá với ly cafe quá huhu
P/s: cảm ơn bạn vì đã đọc, và share!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *