Cuộc cách mạng hoa dại: Hạt nảy mầm

1990
Tôi được sinh ra trong một gia đình làm nông truyền thống. Bố mẹ tôi trồng café và có một cửa hàng tạp hóa trong một ngôi làng nhỏ thuộc vùng núi tây nguyên trong lành.
Việc sinh ra vào chòm sao Song Tử có ý nghĩa rất lớn với tôi sau này. Nó cho tôi những cá tính khác biệt, một tinh thần học hỏi lớn lao, một tinh thần khát khao sáng tạo và nhiều ý tưởng mới lạ để làm cho cuộc sống của mình đầy màu sắc thú vị.
Việc đặt cho tôi tên Tuyết cũng có ý nghĩa riêng của nó, tôi là một “dấu sắc nổi loạn” trong một gia đình thuần dấu ngang: Phi – Hoa: Phương – Mai – Mơ – Tuyết – Nhung. Tôi hỏi mẹ “Sao lại đặt con tên này? Nó có ý nghĩa gì không?” Với một phong cách rất “mẹ tôi”, bà trả lời “Chả có nghĩa gì cả, thích thì đặt vậy thôi.”
Vậy đấy, mẹ tôi tên Hoa, các chị em tôi đều là tên của một loài hoa, tên tôi hình như cũng có thể là hoa: Hoa Tuyết – loại hoa gần như chẳng có thực, nhưng vẫn có thực – Bông Tuyết là một thứ hoa đặc biệt, bạn có biết những bông tuyết khi được phóng to lên tới cấp độ tinh thể, người ta phát hiện ra tuyệt đối không có một bông tuyết nào giống hệt một bông tuyết nào cả. Mọi tinh thể bông tuyết đều là duy nhất Tôi thích điều ấy lắm.

Tôi chưa bao giờ thích cái tên của mình cho tới mãi sau này khi bước vào thế giới tâm linh, được nhiều người giải thích cái tên của mình và những ý nghĩa đàng sau nó, tôi trở nên nhận thức hơn về bản thân lẫn “số mệnh” trong cái tên đầy chữ “T” của mình. Nhận thức về cái tên và quyết định tự thay đổi tên gọi của bạn – nếu xảy ra một ngày nào đó – sẽ là ngày bạn được sinh ra một lần nữa trên đời này.

1995
Bố cõng tôi đi lớp mẫu giáo mỗi ngày và cây cỏ trên con đường tắt vắt ngang đồi ấy không một ngày nào không được tưới đẫm… nước mắt của tôi. Vâng, nguyên một năm trời, mỗi buổi sáng, khóc thút thít sau lưng bố là nghi thức thiêng liêng của tôi thể hiện sự bất mãn và cả bất lực trước trái ngang cuộc đời. Cuộc đời đã sinh ra tôi, tại sao còn sinh ra thêm trường mẫu giáo? Tôi ghét việc đi học từ trong vô thức, có lẽ vậy. Tôi ghét căn nhà gỗ nhỏ nhét mấy chục đứa con nít lạ lẫm vừa la hét vừa đánh nhau ầm ĩ, chằng còn yên tĩnh, chẳng còn vườn cây, chẳng còn sân cỏ. Chỉ có cái sàn gỗ lạnh toét và một đám trẻ con rống lên liên hồi “Hai con thằn lằn con đùa nhau cắn nhau đứt đôi” xong lại “Tạm biệt búp bê thân yêu, tạm biệt gấu misa nhé…” Đối với tôi mà nói, ấy là “Tạm biệt tự do thân yêu, tạm biệt đàn chó con mới đẻ ở nhà nhé, tôi phải đi mẫu giáo rồi, quên sao được, cuộc sống tự do thân yêu ơi…”
Tôi còn nhớ như in cảnh một con bé mập mạp với mái tóc gáo dừa cực dày, đỏ hoe đôi mắt vừa hát theo các bạn vừa khóc thút thít nơi góc lớp học, thỉnh thoảng lại “Thưa cô cho cháu đi tè” chỉ để được ra ngoài sân hít chút khí trời, xong lại vào lớp… khóc tiếp. Tôi đi tè nhiều đến nỗi sau đó cô giáo phải phái một đứa trẻ khác đi cùng tôi lỡ tôi có tìm đường bỏ trốn về nhà thì nó sẽ “báo cáo” cho cô. Cái đứa đấy tôi chả nhớ nó là ai chỉ nhớ rằng chúng tôi đã chơi cùng nhau khá vui bên ngoài lớp học trong một thời gian dài.
Mẫu giáo thật là một năm khủng khiếp làm sao.
Vâng tôi ghét đi học như thế đấy, nghĩ lại bỗng thấy thật đáng tự hào, chỉ thương cho bố tôi đến giờ vẫn thường xuyên nhắc lại khoảng thời gian khổ ải mỗi sáng khi cõng cô con gái rượu đi học trong chiếc áo ướt đẫm mồ hôi lẫn nước mắt. Bố có vẻ thương tôi hơn các chị em khác có lẽ cũng vì khoảng thời gian ám ảnh này. Tôi bị mệnh danh là “miệng cá ngão” chỉ vì khóc nhiều quá, khóc cứ như thể đấy là cảm xúc duy nhất mà tôi có thể bộc lộ bất kể vui hay buồn, thích hay giận. Tôi dễ khóc, hay khóc và dần khám phá ra sức mạnh mềm của những giọt nước mắt.

1996-2000
Trường học không còn quá đáng ghét khi tôi luôn là một trong top học sinh giỏi của lớp. Tôi tỏ ra đặc biệt có năng khiếu trong môn tập làm văn, những bài văn của tôi được cô giáo thường xuyên đọc trước lớp. Dù chưa lên tới mười nhưng cách tôi xưng hô trong các bài làm văn luôn là “tôi” thay vì “em” như tất cả các bạn học khác. Khi xưng “tôi” trong các bài văn, tôi cảm giác bài văn ấy là của mình, là mình muốn làm nó chứ không phải một dạng “báo cáo” phải nộp hay một chuyện phải kể cho giáo viên.
Dù học giỏi trên lớp cả văn lẫn toán nhưng khoảng thời gian bên ngoài giờ học mới thật là tuyệt vời. Bố mẹ tôi vừa chăm sóc vườn café lẫn cửa hàng tạp hóa nên họ đủ bận để trao cho tôi quyền tự do sống trọn vẹn tuổi thơ của mình. Vì học giỏi nữa nên tôi gần như chẳng có nghĩa vụ gì trong nhà trừ việc thỉnh thoảng phải trông cửa hàng giúp mẹ mà thôi. Lúc ấy tôi ghét việc trông cửa hàng nhưng sau nhìn lại mới cảm thấy biết ơn nó làm sao.

Thế giới lúc ấy thật đơn giản, lũ trẻ trong làng tụ tập lại chơi đủ mọi trò dân gian lẫn sáng tạo trò chơi mới trong một bầu thiên nhiên vốn còn rất hoang dã và trong lành. Chúng tôi leo lên đồi đào hang làm nhà, lội xuống suối học bơi, đi bắt cá, đi nhặt trứng chim rừng, leo trèo trong những lùm cây to bên bờ suối và thu nhặt hoa quả dại: mùa nào thức ấy khi thì quả trân châu tím lịm vừa chua vừa chát, lúc thì quả mâm xôi rừng ngòn ngọt, khi lại là quả cơm nguội nhàn nhạt nhưng thơm thơm, rồi quả bút chua lè với cái lõi như sợi bông gòn không ăn được và tất nhiên không thể thiếu những màn len lén rủ nhau đi vặt trộm những thức quả ổi, xoài, mận chín rụng đỏ gốc trong vườn nhà một cụ bà dễ mến. Của ăn trộm thật ngon lành làm sao, chỉ những ai từng có cái tuổi thơ tự do như thế mới hiểu được nó đáng quý đến thế nào.

Tôi may mắn hơn tất cả các bạn trong xóm, nhà tôi bán tạp hóa nên trái cây bánh kẹo không thiếu gì đặc biệt đồ dùng học tập, đồ làm thủ công trong cửa hàng mới là thứ mê hoặc tôi hơn hết thảy. Tôi thuộc dạng “con nhà có điều kiện” để sáng tạo hàng đống thứ đồ thủ công vì cửa hàng luôn có đủ các loại giấy màu, kéo, hồ dán, băng keo, giấy bìa cứng, bút chì, bút màu và mọi thứ đồ khác mà một đứa trẻ ham sáng tạo cần tới. Ngoài giờ học trên lớp và giờ đi chơi với tụi bạn, tôi mê say làm những thứ đồ sáng tạo: từ cái áo choàng lông gà cho búp bê tới cả một thành phố lớn bằng giấy bìa cứng. Tôi mê say sáng tạo từ những gì tôi tìm thấy xung quanh mình và thật tự hào khi bố mẹ quá bận rộn để quan tâm tới những trò mà tôi bày ra.

Một điều tuyệt vời khác trong việc trông cửa hàng tạp hóa của bố mẹ mà lúc ấy tôi chẳng nhận ra cho tới mãi sau này khi lớn khôn hơn: cửa hàng tạp hóa dạy tôi những bài học lớn trong cuộc đời. Tôi và các anh chị em trở nên dạn dĩ với mọi người, giỏi tính toán với con số, yêu thích việc kiếm tiền, luôn đặt mình vào tâm thế phục vụ mọi người bất cứ lúc nào, kể cả khi nửa đêm có người gọi cửa muốn mua một lít xăng hay một liều thuốc đau bụng. Nhà chúng tôi chưa từng từ chối một vị khách nào, ngay cả khi chúng tôi buồn ngủ quá chỉ muốn lờ đi tiếng gọi cửa giữa đêm thì bố tôi cũng sẽ thức dậy và hỏi xem họ cần gì. Tôi học được tinh thần phục vụ người khác thông qua sự chăm chỉ, khiêm tốn và lương thiện của bố mẹ tôi. Một năm họ chỉ nghĩ duy nhất ngày mùng một tết còn lại thì mỗi ngày trong năm, đến “giấc ngủ trưa” cũng là một thứ xa xỉ.

Việc bán tạp hóa, đồ ăn khiến chúng tôi thường xuyên phải tiếp xúc với cái cân và tôi ghét nhất việc phải giúp bố mẹ đong đường từ bao lớn sang những túi nilon nhỏ nửa kg, một kg. Từ cái cân này tôi học được sự công bằng chính trực, bố mẹ tôi không bao giờ cân thiếu cho ai dù một gram hàng hóa. Có lần tôi vội đi chơi, cân gói đường thiếu vài gram, bố bắt tôi phải ngồi gỡ dây chun ra và cân lại tất cả. Sau lần đó tôi rất cẩn thận để không bao giờ cân thiếu của ai bất cứ gì, bố cũng bớt tin tưởng tôi hơn, ông thường xuyên cân lại gói đường trước khi giao cho khách. Tôi nhìn bố làm vậy mà lòng thấy xấu hổ lắm thay. Bố cũng thường xuyên bán rẻ hoặc cho những người nghèo trong xóm khi rau khi thịt, bố phải làm lén lén không cho mẹ biết vì sợ mẹ giận. Mẹ tôi là tấm gương điển hình của sự chính trực và ngay thẳng, cái gì ra cái đó, tuyệt đối không lộn xộn, cân hàng chỉ cân đúng chứ không cân thiếu hay dư. Có những lần mẹ bắt tôi lục tung những cuốn sổ nháp đầy mỡ bẩn thỉu để tìm cho ra một ghi chép mua thiếu của ai đó mà mẹ chắc chắn nhưng người ta thì chối biến đi. Tôi học từ mẹ sự ngay thẳng và tuyệt đối không gian dối. Những bài học này, những giá trị này ngấm vào tôi thông qua họ, họ chưa từng mở miệng dạy tôi bất cứ thứ gì nhưng nhìn cách họ sống, cách họ hành xử mà tôi biết mình phải trở thành người như thế nào. Bố tôi tử tế, đầy chia sẻ và yêu thương, giỏi chăm sóc mọi thứ từ cây hoa, cây ăn quả, đàn chó con cho đến những đứa con nữa. Mẹ tôi ngược lại, rất nóng tính và thẳng tính, cương trực và đơn giản, nghĩ gì nói đó không bận tâm phải lấy lòng ai, nhưng sẵn sàng giúp đỡ mọi người theo cách riêng của mẹ, ấy là bán thiếu đồ ăn thức uống cho họ cả năm trời và gần như năm nào cũng có người không trả tiền nợ, mẹ vẫn cười xòa như không. Bố mẹ tôi chỉ là nông dân và tiểu thương buôn bán nhỏ nhưng họ đã dạy cho tôi những bài học về cuộc đời, về giá trị sống, về nhân cách mà tôi luôn mang trong mình cho tới tận bây giờ. Tôi tôn trọng họ vô cùng dẫu cho chúng tôi còn nhiều bất đồng về quan điểm sống.
Một điều tuyệt vời sau cuối về việc trông cửa hàng tạp hóa là nó nhìn thẳng ra quả núi lớn xanh thẫm phía chân trời. Những lúc không có khách, không phải đóng những túi đường đáng ghét cũng không đi “phiêu lưu” với đám bạn, tôi ngồi im lặng ngắm nhìn quả núi ấy. Theo cách nào đó, sự tĩnh lặng và bình an của quả núi cũng ngấm dần vào tôi.

Cuộc đời có những chu kì 7 năm và 2 chu kì 7 năm đầu đời sẽ đặt nền tảng cho tính cách cả đời sau này của một con người, những tính cách nền tảng cơ bản nhất. Không một phương pháp giáo dục nào tốt hơn cho nhân cách một đứa trẻ bằng việc làm gương của cha mẹ. Trẻ em học từ việc quan sát, ghi nhớ và sao chép. Nếu cha mẹ dạy trẻ điều hay nhưng họ hành động trái ngược, đừng hỏi tại sao bọn trẻ lại không nghe lời họ. Ngược lại kể cả khi cha mẹ không có thời gian dạy bất cứ gì cho con cái bằng lời, nhưng thông qua hành động của họ mà đứa trẻ học được những bài học về nhân cách và phẩm giá, thế là đủ.
Tôi may mắn được làm con của bố mẹ tôi, thật sự là như vậy. Dù cho họ chỉ là những nông dân chân chất cần cù nhưng hành động và phẩm giá của họ đã ngấm vào tôi theo cách tự nhiên nhất tựa như nguồn nước ngọt và ánh mặt trời ấm áp nuôi dưỡng những bụi hoa trên mặt đất, kể cả một bụi hoa dại nơi làng quê xa xôi nhất.

2001
Nhà tôi có truyền thống đặc biệt, đến tuổi vào cấp hai các anh chị tôi đều được gửi ra nhà một ông bác ở ngoài phố cách nhà vài chục cây số để học, thay vì trường làng. Tất nhiên tôi cũng sẽ nối gót truyền thống tốt đẹp ấy và tự hào làm sao việc mình sẽ sống một cuộc đời khác lũ trẻ trong làng – một cuộc sống phố thị – điều đó mới thật mới mẻ và cám dỗ làm sao. Thế nên thật dễ để bạn có thể hình dung tôi đã đau buồn, thậm chí khổ tâm như thế nào khi nghe bố gọi lại thông báo “Đã quá trễ rồi con ạ. Người ta nói không nhận hồ sơ nhập học nữa.”
Và tôi đã quyết định phải làm cuộc cách mạng đầu tiên trong đời để đạt điều mình muốn…


(còn tiếp)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *