Trang trại hạnh phúc: Cuộc cách mạng trên cánh đồng cỏ

Câu chuyện về một cuộc cách mạng trên cánh đồng cỏ

Từ nhỏ, William vẫn luôn muốn làm nghề nông, sau khi lái máy bay trong thế chiến hai và lấy tấm bằng đại học kinh tế của trường đại học Indiana, ông mua một trang trại ở vùng cao nguyên Venezuela và bắt đầu việc nuôi gà theo cách riêng của mình, thoát khỏi mọi quy ước lẫn quy định của ngành chăn nuôi trong nước Mỹ. Lộn xộn chính trị xảy ra khiến cả gia đình ông phải rời bỏ quốc gia đó cùng mọi thứ mình gầy dựng được để trở về Mỹ.
Quyết tâm làm lại từ đầu, William Satalin mua một trang trại rộng 550 mẫu Anh toàn đất bồi đã bị xói mòn ở rìa phía tây thung lũng Shenandoah. Cũng hệt như khu đất đồi hoang của Fukuoka, trang trại này của gia đình Satalin là một khu hoang hóa bị nông dân lạm dụng hơn 150 năm cho việc độc canh ngô và các ngũ cốc cho tới khi phần lớn đất đai bị bạc màu hoặc sói mòn. Thậm chí nhiều nơi không còn cả lớp đất mặt mà chỉ trơ toàn đấ granit và đất sét. Gia đình ông đã nỗ lực để khôi phục mảnh đất cùng những quả đồi này.

Khi ấy, nhận thấy trang trại không mang lại đủ thu nhập để trả nợ và nuôi gia đình, William nhận làm thêm việc kế toán trong thị trấn và biến trang trại của mình thành một dự án nghiên cứu. Thế là từ đó ông có thể tự do thử nghiệm những cách làm của mình trên trang trại, quay lưng lại với tư duy nông nghiệp truyền thống.
Mặt khác chính nhờ những khách hàng thuê ông làm công việc kế toán mà William phát hiện ra sự thật đàng sau những trang trại chăn nuôi trồng trọt theo kiểu thông thường – tức kiểu độc canh một loại cây, cơ giới hóa bằng máy móc và dùng nhiều phân bón hóa học lẫn thuốc trừ sâu, cỏ – thật ra chỉ là một mớ hỗn độn. Phần lớn người nông dân đang phải vật lộn với trang trại của họ để trả nợ và nuôi sống gia đình. Ông tin rằng những lời khuyên đến từ các chuyên gia tư vấn nông nghiệp chỉ làm người nông dân thêm lâm vào tình trạng khó khăn nợ nần. Thế nên thay vì đi theo con đường ấy, ông đã dấn thân vào một con đường khác. Bắt đầu từ khi đọc chuyên luận của Andre Voisin về cỏ, ông bắt đầu thực hành việc trồng cỏ và chăn thả luân phiên song song với cải tạo những quả đồi để trồng rừng. Và “trang trại của những con vật hạnh phúc” của gia đình nhà Satalin đi lên từ đó. Hiện nay người quản lý trang trại là Joel Satalin– con trai của William và Polyface dần trở thành một trong những trang trại nổi tiếng trên toàn đất Mỹ.

Nếu như lão nông Fukuoka nhìn thấy sức mạnh từ bên trong cọng rơm nhỏ bé thì gia đình nhà Satalin lại nhìn thấy “phép thuật giả kim” kì diệu từ những cây cỏ nhỏ bé hoang dại. Những lá cỏ như là những tấm pin quang điện rẻ và hiệu quả nhất trong việc thu giữ năng lượng mặt trời. Con người vì không có dạ cỏ để tiêu hóa và chuyển hóa thứ năng lượng có sẵn trong cây cỏ nên đã phải đi đường vòng dùng các loài gia cầm gia súc giúp chúng ta chuyển năng lượng ấy vào nguồn thực phẩm khác đa dạng và ngon lành hơn: trứng, sữa, thịt, bao gồm cả thịt bò, gà, heo và thỏ…

Công việc khó khăn nhất và quan trọng nhất trong trang trại này là việc quan sát, theo dõi, lập biểu đồ đánh giá cho các bãi cỏ xem khi nào là thời điểm thích hợp nhất để thả đàn gia súc và khi nào thì bãi cỏ cần thời gian để phục hồi. Joel, chủ trang trại, tự nhận mình là một người trồng cỏ hay người trông coi “quầy xa lát” khổng lồ cho đàn gia súc của mình. Ông cũng tự nhận mình chỉ là người quản lý còn mọi công việc quan trọng của trang trại như làm ra sữa, trứng, thịt, làm vệ sinh, ủ phân trộn… đều do đàn gia súc của ông cáng đáng. Thật lạ lùng đúng không?
Hệt như bất cứ ai làm công việc chăn thả gia súc trên toàn thế giới dù là cậu bé chăn trâu ở một làng quê Việt Nam hay một gia đình du mục vùng Tây Tạng, họ sẽ dẫn đàn gia súc của họ đi từ nơi này sang nơi khác chứ không chỉ ở mãi duy nhất một nơi và họ thường biết chính xác khi nào thì nên đến nơi nào sẽ có cỏ tốt cho chúng. Bởi vì việc chăn thả gia súc thường xuyên sẽ làm cho bãi cỏ suy kiệt và chỉ còn trơ lại cây bụi; ngược lại việc chăn thả quá ít cũng gây ra tổn hại khi cỏ bị già và hóa gỗ dẫn đến giảm chất lượng cỏ. Nhưng nếu chúng ta có thể làm một cách đúng đắn đó là chăn thả số lượng gia súc tối ưu vào thời điểm tối ưu để tận dụng những lá cỏ đang ở đỉnh sinh trưởng thì không chỉ tốt cho đàn gia súc mà còn giúp đồng cỏ tái tạo một khối lượng cỏ mới đồng thời lại cải thiện được chất lượng đất đai hiệu quả. Đó chính là công việc quan trọng nhất của nhà Satalin – quan sát và sắp xếp thời gian để chăn thả các đàn gia súc khác nhau đúng thời điểm sao cho đảm bảo được lợi ích tối đa cho cả cỏ và các loài ăn cỏ.

Việc trồng cỏ này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào kho kiến thức mang tính địa phương của những người nông dân. Không giống những kiến thức chăn nuôi kiểu công nghiệp có thể áp dụng cho tất cả mọi trang trại như là cho bò ăn gì, thêm chất gì, số lượng bao nhiêu mỗi ngày… Chính vì từ chối những kiến thức chăn nuôi của thời công nghiệp hiện đại nên câu hỏi đặt ra là: liệu hoạt động nông nghiệp không nặng về kỹ thuật này có phải là bước thụt lùi của nền nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng hay không? Vị chủ nhân của trang trại Polyface tất nhiên không đồng ý chút nào với nhận định ấy. Và nếu như bạn biết chi tiết về cách làm của ông, bạn cũng sẽ đồng tình.
Đàn bò tại trang trại Polyface được chăn thả không chỉ đúng thời điểm mà còn đúng vị trí trong đồng cỏ theo kế hoạch nữa. Nắm được đặc điểm trong tự nhiên rằng vào các ngày nắng nóng đàn bò thường tập trung dưới các bóng cây để hóng mát và những loài thú săn mồi giúp cho đàn bò sống thành từng bầy để bảo vệ nhau cũng như “chăm chỉ” dịch chuyển hơn. Nhà Satalin đã phát minh ra những thứ công cụ cực kì đơn giản nhưng hiệu quả như “bóng cây di động” là một cái khung sắt gắn mái che bằng bạt có thể dễ dàng dịch chuyển và một cái hàng rào điện nhẹ có tác dụng hệt như bầy thú săn mồi trong tự nhiên mà nhờ có hai thứ ấy, đàn bò rất ngoan ngoãn và chăm chỉ dịch chuyển đến các khu vực khác nhau đúng theo kế hoạch của vị chủ quầy xa-lát. Quầy xa-lát hay bữa tiệc cỏ là cách Joel âu yếm gọi đồng cỏ của mình. Bầy gia súc thường chỉ được ở trên mỗi bãi cỏ một thời gian nhất định trước khi bị cái hàng rào điện lùa chúng đi chỗ khác. Thời gian ở lại vừa tích cực vừa ngắn ngủi của chúng trên bãi cỏ có tác động rất lớn trong sự tương tác của loài vật với cỏ và đất đai. Gia súc không chỉ ăn cỏ mà còn giúp cỏ phát tán và thụ phấn cho hạt thông qua phân của chúng. Vết móng của gia súc tạo ra những hố nước nhỏ khắp bãi cỏ giúp cho cỏ nảy mầm và tất nhiên chất thải của chúng là nguồn chất hữu cơ nuôi dưỡng bãi cỏ tốt nhất. Sau khi bị đàn bò tấn công, cỏ sẽ tập trung năng lượng để tái tạo lại lớp lá mới. Tổng năng lượng chúng sinh ra trong giai đoạn phục hồi này lớn hơn tổng năng lượng chúng sinh ra trong cả cuộc đời nếu không gặp một sự tấn công nào cả. Nên việc “bị” đàn bò tiêu diệt, bằng cách nào đó lại khiến cho cây cỏ mọc khỏe và mạnh hơn bao giờ. Trong lúc nhiều lớp lá mới được mọc thêm thì nhiều búi rễ của cây cỏ phải bị chết đi và điều này có tác dụng cực kì lớn trong việc làm cho đất đai trở nên màu mỡ hơn, tơi xốp và đầy chất mùn dinh dưỡng.

Nếu bạn quan sát trong tự nhiên bạn sẽ thấy các đàn gia súc luôn di chuyển đến những bãi cỏ mới vừa để đợi cỏ mọc trở lại vừa để bảo đảm rằng chúng sẽ không bị lây nhiễm bệnh tật từ các kí sinh trùng sống trong chính phân của chúng. Cũng trong tự nhiên các loài chim luôn đi theo các loài ăn cỏ không chỉ giúp ăn bớt các loài côn trùng vo ve làm phiền bầy ăn cỏ, mà chúng còn giúp nhặt các ấu trùng của động vật kí sinh trong những đống phân khổng lồ giúp phá vỡ nhiều chu kì dịch bệnh. Tự nhiên vốn không hề có khái niệm về chất thải vì chất thải của sinh vật này luôn trở thành thức ăn của một sinh vật khác, không có bất cứ gì bị bỏ phí trong tự nhiên cả.

Áp dụng chính xác mô hình ấy vào trang trại của mình, nhà Satalin dùng đàn gà như đội công nhân vệ sinh chăm chỉ và hiệu quả nhất. Đàn gà tại trang trại Polyface được thiết kế ở trong một ngôi nhà di động có thể dịch chuyển đi khắp nơi và nhờ đó đàn gà cũng được thả đều khắp đồng cỏ vài ngày sau đàn bò. Cụ thể là đàn gà sẽ được thả ra đồng cỏ chỉ 3 ngày sau đàn bò, vừa chuẩn thời gian cho những con ấu trùng đang sống trong phân bò đủ mập mạp và béo ngậy. Kết quả là đàn gà có một lượng thức ăn giàu protein khổng lồ đến từ phân bò cũng như những côn trùng sống trong bãi cỏ và tất nhiên chúng cũng ăn những lá cỏ ngon lành nữa. Tất cả những thứ ấy giúp cho thịt và trứng của loài gà này đặc biệt giàu dinh dưỡng và rất ngon. Giờ thì bạn đã hiểu tại sao có thể nói trang trại này đang thực hiện những thuật giả kim mà khoa học dù rất tiến bộ cũng không thể nào làm được: biến côn trùng và cỏ thành thịt gà hay biến ấu trùng trong phân bò thành trứng gà mà chẳng cần máy móc hay công nghệ gì ghê gớm, tất cả những gì chúng ta cần là một con gà!

Trong quá trình kiếm ăn trên bãi cỏ, đàn gà vô tình giúp cỏ rất nhiều bằng cách rải đều khắp nơi không chỉ phân của chúng mà còn phân của đàn bò trước đó. Mọi bên cùng có lợi.

Hệt như những gì xảy ra tại trang trại vô canh, mối quan hệ của tất cả mọi thực động vật nơi này là một mối quan hệ hợp tác tương hỗ hai bên cùng thắng. Ấy cũng chính là sự kì diệu của tạo hóa mà nếu chúng ta biết cách vận dụng thì chẳng cần đến khoa học nào giúp sức nữa cả. Tại nơi này, cỏ nuôi gà và bò, bò nuôi gà và cỏ để rồi gà cũng giúp nuôi cỏ và nuôi bò nữa. Thật là một mối quan hệ tay ba, tay năm vô cùng phức tạp và thú vị. Chúng không chỉ mô phỏng chính xác những gì đang thực sự xảy ra trong tự nhiên mà còn mang đến cho các loài vật những “quyền” mà loài ấy cần và mong muốn. Một chuyện rất nhỏ nhưng bài học thì không hề nhỏ: Bò vốn được quyền ăn cỏ cũng như gà được quyền ăn tạp. Ai cũng biết điều đó trừ nền công nghiệp thực phẩm. Bằng khoa học và nghiên cứu, con người đã say xưa lấy đi quyền tự nhiên của các loài và thay vào đó những lợi ích kinh doanh mà tại đó vì ngô quá nhiều và quá rẻ nên gà, lợn, bò… bất kể loài nào với đặc tính tự nhiên gì cũng chỉ được ăn duy nhất một món ngô, trộn với các loại thuốc men, kháng sinh, hóa chất. Và chúng ta vẫn còn mặt mũi gọi đó là tiến bộ sao?

Tuy trang trại Polyface được xây dựng nhờ vào việc bắt chước những mối quan hệ của các loài trong tự nhiên nhưng họ không hề bắt chước tự nhiên một cách mù quáng. Họ mô phỏng tự nhiên sao cho tất cả các loài tham gia mô hình ấy đều được thể hiện đầy đủ nhất những đặc điểm riêng về sinh lý của chúng để không chỉ làm lợi cho chúng mà còn lợi cho các loài khác nữa.

Không chỉ dừng lại ở gà và bò, trang trại Polyface còn những loài khác nữa và tất cả chúng cũng đều được đặt trong mối quan hệ tương hỗ phức tạp với tất cả các bên.

Đối với bầy thỏ, khi chúng xong việc với đồng cỏ thì sẽ được chuyển vào sống trong các lồng treo phía trên một lớp vỏ bào dày. Bên dưới cái lồng ấy, lũ gà rất thích thú khi được đào bới lớp bào đầy nước tiểu của thỏ để tìm giun đất. Chính nhờ việc đào bới của đàn gà trong lớp bào cưa mà thứ nước tiểu đầy nito vô cùng nặng mùi của bầy thỏ sẽ được hô biến thành một lớp phân trộn giàu các bon và dinh dưỡng – nơi sinh sống của giun đất – thức ăn ưa thích nhất của lũ gà.

Gà tây thì được chăn thả trong vườn nho để chúng không chỉ gặm cỏ mà còn ăn sâu bọ và bón phân cho những gốc nho nữa. Mối quan hệ tương hỗ này cho hiệu quả về tổng sản lượng cao hơn cả khi nuôi trồng hai thứ riêng biệt với chi phí cực thấp vì nhờ lũ gà mà vườn nho không cần phân bón, làm cỏ hay phun thuốc trừ sâu chút nào.

Chuồng bò tại trang trại Polyface cũng được cải tiến để sao cho phân của chúng thải ra sẽ nằm ở dưới nền đất thấp trong khi đàn bò thì được an toàn cao trên bên nhờ những tấm nâng di động. Phân bò thay vì được đưa ra khỏi chuồng thì cứ nằm nguyên trên nền và được phủ thêm những lớp rơm hoặc bào cưa. Khi chiếc bánh nhiều tầng gồm phân bò, vỏ bào, rơm cao dần lên thì Joel bỏ thêm vào đó một chút bí mật: vài giỏ đầy ngô sẽ được rắc đều lên đó. Trong mùa đông dài lớp nền nhiều tầng phân hủy tạo thành phân trộn song song tạo ra nhiệt giúp sưởi ấm đàn bò, giúp giảm nhu cầu thức ăn của chúng cùng lúc làm cho các hạt ngô bên trong lên men.

Đầu mùa xuân khi đàn bò được trở lại với bãi cỏ, vài chục chú lợn sẽ được đưa vào chuồng bò thực hiện việc đảo và cung cấp không khí cho lớp phân trộn trong đó. Đàn lợn sung sướng làm công việc ấy bởi vì phần thưởng hấp dẫn là món ngô lên men chúng vô cùng khoái khẩu. Đàn lợn dùng cái mõm mạnh mẽ và khả năng đánh hơi tuyệt vời của chúng để dũi tung cả đám phân bò rơm rạ. Kết quả là sau vài tuần làm việc, chúng giúp tạo ra một hỗn hợp phân trộn giàu dinh dưỡng và sẵn sàng để được rải lên đồng cỏ. Tại đó phân trộn làm thức ăn cho cỏ, cỏ làm thức ăn cho bò, bò cung cấp thức ăn cho gà và cứ như thế mãi. Một phương trình tuyệt vời.

Sự khác biệt của trang trại hạnh phúc này với các trang trại khác là tại đây, người nông dân dùng chính kiến thức, trí tuệ của mình để làm việc trong khi tại các trang trại chăn nuôi số lượng lớn thì kiến thức được đem tới như một dạng thông tin ăn liền được đưa ra bởi các phòng nghiên cứu ở cách xa đó hàng ngàn dặm.
“Chính công nghiệp hóa đã làm cho các vùng nông thôn của Mỹ bị chảy máu chất xám trầm trọng. Công nghệ hóa luôn cố gắng bòn rút vốn trí tuệ và vốn tiền từ khu vực nông thôn. Trước tiên nó lấy đi những bộ óc sáng giá nhất khỏi các trang trại rồi đưa họ tới làm việc ở các văn phòng, sau đó tìm cách moi tiền của những người kém thông minh hơn bằng cách bán cho họ cả mớ giải pháp gây sửng sốt để giải quyết những vấn đề của họ. Đây không chỉ là vấn đề của người nông dân, mà của toàn nhân loại: Chỉ có một nền văn hóa ngu ngốc mới giao phó việc cung cấp lương thực cho những kẻ ngốc mà thôi” – Joel cho biết.

Trang trại Polyface đạt năng suất về hiệu quả lớn lao, trong một mùa nó có thể cung cấp 30 ngàn tá trứng, 10 ngàn con gà giò, 800 con gà hầm, 50 con bò thịt, 250 con lợn, 1000 con gà tây và 500 con thỏ. Đó là một khối lượng thực phẩm khổng lồ đáng kinh ngạc người ta có thể sản xuất ra dựa vào 100 mẫu cỏ. Nhưng không chỉ 100 mẫu cỏ mang lại tất cả những điều ấy mà còn cả sự hỗ trợ và cộng sinh từ 450 mẫu rừng bên cạnh đó cũng tham gia vào quá trình chăn nuôi này. Cánh rừng mà gia đình Satalin cải tạo mang lại gỗ cho xưởng cưa gia đình giúp dựng các loại chuồng trại và nhà kho. Nó còn giúp giữ nước cung cấp cho trang trại và ngăn cản sói mòn. Nhiều dòng suối và ao hồ trong trang trại sẽ khô hạn nếu không có cánh rừng che chắn. Cây rừng rụng lá có tác dụng như một cái điều hòa tự nhiên giúp các loài động vật giảm căng thẳng trong những ngày nắng nóng mùa hè. Cánh rừng cũng được dùng để trồng cỏ cho đàn lợn và nhờ đàn lợn dũi lớp đất cứng mà các loại cỏ mọc lên dễ dàng hơn. Rừng mà đặc biệt là vùng bìa rừng là môi trường sống ưa thích của nhiều loài động vật, chim chóc ở trong rừng giúp ăn bớt côn trùng gây hại, các loài ăn thịt có nhiều sóc chuột và chuột đồng để làm thức ăn sẽ bớt nhòm ngó đàn gia cầm bên trong trang trại hơn. Rừng cũng mang lại đống vỏ bào giúp ủ làm phân trộn làm thức ăn cho cỏ. Đó quả thật là một mối quan hệ tương hỗ khổng lồ vô cùng phức tạp nhưng cũng thật thú vị làm sao.

Tâm trí khoa học cứ chia cắt mọi thứ ra và giải quyết từng vấn đề nhỏ nhưng trong tự nhiên thì mọi thứ đều phụ thuộc lẫn nhau, kể cả những loài đối kháng cũng vậy. Tất cả các loài động thực vật trong tự nhiên đều chia sẻ nhau một nguồn sống khổng lồ mà trang trại này là hình mẫu lý tưởng nhất.

Nhưng tại sao một hình mẫu lý tưởng như vậy lại cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ từ những người cầm quyền để cho mô hình ấy được nhân lên rộng rãi hơn? Câu trả lời không khó để nhận ra. Vì cũng hệt như lý do của lão nông Nhật Bản, mô hình trang trại của nhà Satalin chỉ sử dụng nhiều trí tuệ của người nông dân chứ không sử dụng bất cứ thứ gì mà nền công nghiệp thực phẩm đang dày công quảng cáo: thức ăn chăn nuôi công nghiệp, hóa chất, phụ chất, thuốc men kháng sinh, phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc chuyên dụng… Vâng, họ không mua sắm gì cả. Đó chính là lý do họ không được các thể chế ủng hộ.
Khi người chăn nuôi gia súc sẵn sàng thực hành sự phức tạp – tổ chức mối quan hệ cộng sinh của vài loài động vật khác nhau, mỗi loài được phép hành xử và ăn uống phù hợp với tiến hóa của chúng – người đó sẽ thấy rằng mình hầu như chẳng cần dùng tới máy móc, phân bón và nhất là hóa chất. Người nông dân ấy chẳng phải lo lắng về vấn đề vệ sinh hay bất kì loại bệnh tật nào phát sinh do nuôi chỉ một loài vật theo hình thức độc canh số lượng lớn và cho nó ăn những thứ không phù hợp với nhu cầu tự nhiên của chúng. Có lẽ hiệu quả lớn lao nhất của một trang trại được đối xử như một hệ thống sinh học là sức khỏe.

Nền công nghiệp thực phẩm, hay nền kinh tế hàng hóa nói chung không quan tâm việc lũ gà, heo, bò có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hay không. Họ cũng không quan tâm sức khỏe của người tiêu dùng có được đảm bảo khi ăn thực phẩm được nuôi trồng bởi hóa chất hay không. Tất cả những gì họ quan tâm là việc làm ấy có mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế hàng hóa hay không. Và khi câu trả lời là “không” họ sẽ không ủng hộ. Lúc ấy, chúng ta biết có gì đó đã đi sai rồi.

Trích sách Tại sao chúng ta không hạnh phúc?
Phi Tuyết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *