Cuộc đời và những chu kì 7 năm

Thực tế cuộc đời con người chúng ta không nên bị phân thành các giai đoạn: thơ ấu, phát triển và lão hóa. Cứ chu kỳ bảy năm một lần, thân thể và tâm trí chúng ta lại trải qua một cuộc khủng hoảng và được đổi mới hoàn toàn. Thực tế nếu bạn sống tới bảy mươi tuổi, một tuổi thọ trung bình, thân thể bạn sẽ chết đi mười lần. Cứ mỗi chu kỳ bảy năm, mọi sự lại thay đổi – điều đó cũng giống như việc đổi mùa. Trong vòng bảy mươi năm, vòng tròn này sẽ được hoàn chỉnh. Một vòng tròn hoàn chỉnh từ khi chúng ta được sinh ra tới khi chết đi được hình thành trong bảy mươi năm.

Chu kỳ 7 năm đầu tiên – Ta là trung tâm của thế giới, một bản ngã tuyệt đối.

Trong 7 năm đầu tiên, đứa trẻ coi nó là trung tâm của thế giới. Toàn thể gia đình xoay quanh nó. Bất kì cái gì nó cần, họ đều hoàn thành ngay lập tức, bằng không nó sẽ nổi cơn tam bành, giận dữ. Nó sống như một ông Vua, một ông Vua thực thụ – Bố mẹ và tất cả mọi người trong gia đình chỉ tồn tại vì nó. Và tất nhiên nó nghĩ, điều đó cũng đúng cho thế giới rộng hơn ngoài kia. Mặt trăng xuất hiện vì nó; Mặt trời xuất hiện vì nó; mùa vụ thay đổi cũng vì nó. Đứa trẻ trong bảy năm đầu vẫn còn là một bản ngã tuyệt đối, lấy bản thân mình làm trung tâm. Nếu bạn hỏi các nhà tâm lí, họ sẽ nói đứa trẻ trong bảy năm đầu vẫn còn tự thoả mãn, thoả mãn cho chính mình. Nó không cần cái gì khác, không cần ai khác. Nó cảm thấy đầy đủ.

Chu kỳ 7 năm thứ hai – Sự đồng dục

Sau bảy năm, chu kỳ đầu tiên – một sự đột phá xảy ra. Đứa trẻ không còn lấy mình làm trung tâm nữa. Nó đã trở nên “lệch tâm”, theo đúng nghĩa. Có nghĩa là “đi ra ngoài trung tâm”. Nó hướng tới người khác. Người khác trở nên quan trọng đối với nó. Bây giờ nó không còn quan tâm nhiều tới bản thân mình nữa. Nó quan tâm tới người khác, một thế giới lớn hơn. Nó bước vào một cuộc truy tìm để biết “người khác” này là ai. Cuộc phiêu lưu bắt đầu.
Sau bảy năm đứa trẻ trở thành người hay hỏi. Nó hỏi về mọi thứ. Nó trở thành một người hoài nghi. Nó hỏi cả triệu câu hỏi. Nó làm cho bố mẹ phát chán với nó. Nó trở thành một mối phiền toái. Nó quan tâm tới mọi thứ trên thế giới. Tại sao cây lại xanh? Tại sao Thượng đế đã tạo ra thế giới? Tại sao điều này là như vậy? Tại sao, tại sao… Nó bắt đầu trở nên ngày càng triết lí hơn
Nó truy tìm, hoài nghi. Nó cứ khăng khăng muốn đi sâu vào mọi thứ. Nó giết con bướm để xem cái gì ở bên trong. Nó phá tan đồ chơi chỉ để xem cấu tạo thế nào. Nó tháo tung cái đồng hồ chỉ để nhìn vào bên trong, để biết sao mà đồng hồ cứ tích tắc và rung chuông – cái gì đang diễn ra bên trong? Nó trở nên quan tâm tới người khác – nhưng người khác ở đây vẫn còn cùng giới. Nó không quan tâm tới người khác giới. Nếu một đứa con trai quan tâm tới một con gái, nó sẽ nghĩ bọn họ là chị em. Con gái không quan tâm tới con trai. Nếu một đứa con gái nào đó quan tâm tới con trai và chơi với chúng thì đây là con gái kiểu con trai, không bình thường, có cái gì đó không đúng. Giai đoạn thứ hai này các nhà phân tâm học và tâm lí học sẽ nói là sự đồng dục.

Chu kỳ 7 năm thứ ba – Sự dị dục

Sau tuổi mười bốn, cánh cửa thứ ba mở ra. Con trai không còn quan tâm tới con trai, con gái không còn quan tâm tới con gái nữa. Chúng vẫn thân thiện, nhưng không còn quan tâm nhau. Đó là lý do tại sao bất kì tình bạn nào xảy ra trong giai đoạn từ bảy đến mười bốn tuổi đều sâu sắc nhất, bởi sự đồng dục trong tâm trí. Những người bạn đó trở thành bạn vĩnh viễn với một mối liên hệ sâu sắc.Và trong cuộc sống sau giai đoạn này, một tình bạn như vậy sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa. Chúng có thể kết thân với người khác nhưng chỉ là sự quen biết chứ không còn là hiện tượng bạn bè sâu sắc đã xảy ra trong giai đoạn giữa bảy và mười bốn tuổi.

Sau tuổi mười bốn, con trai sẽ không còn quan tâm tới con trai. Nếu mọi việc diễn ra bình thường – nó không bị mắc kẹt ở đâu đó – thì nó sẽ quan tâm tới con gái. Sự đồng dục đã trở thành dị dục. Nó không chỉ quan tâm mà còn là thực sự để ý tới một “người khác”. Khi con trai quan tâm tới con trai thì “người khác” ở đây vẫn là con trai như bản thân nó, không đích xác là “người khác”. Khi con trai trở nên quan tâm tới con gái và khi con gái trở nên quan tâm tới con trai, bây giờ một thế giới mới được bắt đầu. Bây giờ nó quan tâm tới cái đối lập, một cái “người khác’” thực sự .
Tuổi mười bốn là tuổi cách mạng lớn lao. Tính dục trở nên chín muồi, người ta bắt đầu suy nghĩ dưới dạng tính dục, những phóng túng tính dục trở nên nổi bật trong giấc mơ.
Con trai bắt đầu trở thành Don Juan, bắt đầu tán tỉnh. Thơ ca nảy sinh, sự lãng mạn xuất hiện.
Nó bắt đầu đi vào trong thế giới tự nhiên.

Chu kỳ 7 năm thứ tư – Cánh cửa tham vọng, thế giới con người – Cái chợ

Đến tuổi hai mươi mốt – nếu mọi việc diễn ra bình thường – nếu đứa trẻ không bị xã hội bó buộc phải làm điều gì đó trái tự nhiên – nó sẽ quan tâm tới tham vọng, hoài bão nhiều hơn là quan tâm về tình yêu. Nó ham muốn những chiếc xe Rolls Royce, biệt thự lớn. Nó ham muốn trở thành người thành công, một Rockefeller mới chẳng hạn, một Thủ tướng chằng hạn. Tham vọng trở nên nổi bật trong tâm trí nó. Ham muốn được thành công trong tương lai, tìm ra cách thức thành công, tìm ra cách bắt đầu và kết thúc cuộc tranh đấu cho tham vọng giờ đây là toàn bộ mối quan tâm của nó.
Bây giờ nó không chỉ đi vào thế giới tự nhiên, nó đang đi vào thế giới của con người – Cái chợ. Bây giờ nó đi vào thế giới của sự điên khùng. Bây giờ cái chợ trở thành điều nổi bật nhất. Toàn thể bản thể của nó đều hướng tới cái chợ – tiền bạc, quyền lực, danh tiếng, thành công. Nó trở thành một phần của cái chợ rồi.

Chu kỳ 7 năm thứ năm – Tạm dừng phiêu lưu

Nếu mọi việc diễn ra đúng – tôi đang nói về hiện tượng tự nhiên tuyệt đối vì thực tế chẳng bao giờ đúng cả – thì đến tuổi hai mươi tám chúng ta sẽ không còn cố gắng đi vào trong cuộc sống phiêu lưu theo bất kì cách nào nữa. Giai đoạn từ tuổi hai mươi mốt tới hai mươi tám, người ta đã sống trong phiêu lưu. Đến tuổi hai mươi tám, chúng ta trở nên tỉnh táo hơn, cho rằng việc hoàn thành tất cả các ham muốn là không thể. Chúng ta trở nên quan tâm đến sự an toàn và tiện nghi. Chúng ta trở nên ít phiêu lưu và tham vọng hơn. Chúng ta bắt đầu trở nên trầm lắng hơn. Tuổi hai mươi tám không còn chỗ cho sự lập dị chống lại xã hội.

Đến tuổi hai mươi tám, các người lập dị (hippies) trở nên hòa đồng, các nhà cách mạng không còn muốn làm cuộc cách mạng nữa. Họ bắt đầu lắng đọng, họ tìm kiếm cuộc sống tiện nghi, số dư ngân hàng nho nhỏ. Họ không muốn là Rockefellers – chuyện đó kết thúc rồi, niềm thôi thúc đó không còn nữa. Họ muốn có một ngôi nhà nhỏ, nhưng ấm cúng và an toàn để sống. Họ muốn một số dư ngân hàng nho nhỏ. Họ cũng liên hệ với các công ty bảo hiểm. Bây giờ kẻ lêu lổng không còn lêu lổng nữa. Anh ta mua nhà và bắt đầu sống trong đó, anh ta trở nên văn minh. Từ văn minh – civilization – bắt nguồn từ từ civis có nghĩa là thường dân. Bây giờ anh ta trở thành một phần của thị trấn, của thành phố, của định chế. Anh ta không còn là kẻ lêu lổng, lang thang nữa. Bây giờ anh ta không muốn đi đâu cả, mọi sự đã kết thúc, đã du hành đủ rồi, đã biết đủ rồi. Bây giờ anh ta muốn dừng chân và nghỉ ngơi một chút.

Chu kỳ 7 năm thứ sáu – Chống lại mọi sự thay đổi.

Đến tuổi ba mươi lăm, năng lượng sống đạt tới điểm đỉnh của nó. Vòng tròn đã hoàn thành được một nửa và năng lượng bắt đầu suy giảm. Bây giờ người ta không chỉ quan tâm tới an toàn và tiện nghi. Người ta không chỉ không muốn làm cách mạng mà còn trở thành người phản cách mạng. Bây giờ người ta chống lại mọi sự thay đổi, người ta trở nên tuân thủ theo các điều luật tôn giáo. Họ chống lại mọi cuộc cách mạng. Họ muốn giữ nguyên hiện trạng và cho rằng nếu bất kì cái gì thay đổi thì mọi sự sẽ bị đảo lộn. Bây giờ họ chống lại những kẻ hippies, chống lại những kẻ nổi loạn. Bây giờ họ đã thực sự trở thành một phần của định chế.

Điều này là tự nhiên – chừng nào mọi việc vẫn diễn ra đúng thì con người sẽ không còn ở tình trạng hippie mãi mãi. Đó là một giai đoạn, đi qua thì tốt nhưng mắc kẹt lại thì không tốt. Điều đó nghĩa là bạn vẫn còn bị mắc kẹt ở giai đoạn nào đó. Nếu một người đồng dục trong giai đoạn giữa bảy và mười bốn tuổi thì tốt, nhưng nếu người đó vẫn còn đồng dục trong cả đời thì có nghĩa người đó đã không trưởng thành, người đó không trở thành người lớn. Phải có tiếp xúc với người khác giới vì đó là một phần của cuộc sống. Người khác giới phải trở nên quan trọng bởi vì chỉ như thế thì bạn mới có khả năng cảm nhận được sự hài hoà của các yếu tố đối lập và xung đột, giống như trạng thái khổ và trạng thái cực lạc. Đó là huấn luyện, một sự huấn luyện cần thiết.

Đến tuổi ba mươi lăm, chúng ta phải trở thành một phần của thế giới qui ước. Chúng ta bắt đầu tin vào tín ngưỡng trong quá khứ, tin vào Vedas, Kinh Koran, Kinh Thánh. Chúng ta dứt khoát chống lại sự thay đổi, bởi vì thay đổi nghĩa là cuộc sống riêng của bạn sẽ bị quấy rối. Bây giờ bạn có nhiều thứ bị mất. Bạn không thể ủng hộ cách mạng được – bạn muốn được bảo vệ. Chúng ta thiên về luật pháp, toà án và chính phủ. Chúng ta không còn là kẻ vô chính phủ nữa. Tất cả chúng ta đều ủng hộ cho chính phủ, qui tắc, điều luật, kỉ luật.

Chu kỳ 7 năm thứ bảy – Nỗi ám ảnh về cái chết

Đến tuổi bốn mươi hai, mọi bệnh tật về thể chất và tinh thần bột phát, vì bây giờ cuộc sống đang suy giảm. Năng lượng đang hướng tới cái chết. Như lúc bắt đầu – năng lượng của bạn đã đi lên và bạn đã trở nên ngày một sống động, mạnh mẽ hơn – bây giờ chính điều đối lập lại xảy ra, bạn trở nên ngày một yếu hơn. Nhưng thói quen của bạn vẫn còn đó. Bạn đã ăn đủ cho tới tuổi ba mươi lăm. Bây giờ nếu bạn tiếp tục thói quen ăn của mình, bạn sẽ bắt đầu tích trữ mỡ. Lượng thức ăn đó không cần thiết. Nó cần thiết trước đây, nhưng bây giờ nó không còn cần thiết nữa ,bởi vì cuộc sống đang đi tới cái chết, cuộc sống không cần nhiều thức ăn như vậy. Nếu bạn cứ nhét đầy bụng mình như bạn đã làm trước đây, thế thì đủ mọi loại bệnh tật sẽ xuất hiện: cao huyết áp, đau tim, mất ngủ, ung nhọt – tất cả chúng sẽ xảy ra trong giai đoạn từ bốn mươi hai tuổi trở đi. Bốn mươi hai tuổi là một trong những cột mốc nguy hiểm nhất. Tóc bắt đầu rụng, bạc dần. Cuộc sống tiến vào trong cái chết.

Gần đến tuổi bốn mươi hai, lần đầu tiên, tôn giáo bắt đầu trở nên quan trọng. Có thể trước đây bạn đã từng dính dáng đâu đó vào tôn giáo, nhưng giờ đây, tôn giáo lần đầu tiên bắt đầu trở nên quan trọng, bởi vì tôn giáo có liên quan sâu sắc với cái chết. Bây giờ cái chết đang tiến lại gần và ham muốn đầu tiên về tôn giáo được nảy sinh.

Carl Gustav Jung đã viết rằng, trong cả đời mình, ông ấy đã từng quan sát những người tìm tới ông ấy, những người trong độ tuổi bốn mươi bao giờ cũng có nhu cầu về tôn giáo. Nếu họ phát điên, có vấn đề về thần kinh, tâm thần, họ không thể nào được giúp đỡ nếu họ không dính dáng sâu sắc vào tôn giáo. Họ cần tôn giáo. Tôn giáo là nhu cầu cơ bản đối với họ. Nếu trong một xã hội thế tục và bạn chưa hề được dạy về tôn giáo, thì khó khăn lớn nhất sẽ tới vào khoảng độ tuổi bốn mươi hai. Bởi vì xã hội không cho bạn bất kì một con đường, một cánh cửa, một chiều hướng nào.

Xã hội tốt khi bạn mười bốn tuổi, bởi vì xã hội cho bạn đủ tính dục – toàn thể xã hội đều mang tính dục. Tính dục dường như tiềm ẩn trong mọi món hàng. Nếu bạn muốn bán một chiếc xe tải mười tấn, bạn phải dùng hình ảnh của một phụ nữ khêu gợi. Bán một tuýp kem đánh răng – cũng thế. Việc bán xe tải hay bán kem đánh răng chẳng khác gì nhau, đều phải sử dụng hình ảnh một phụ nữ khêu gợi mỉm cười ở đâu đó phía sau. Thực sự là hình ảnh phụ nữ khêu gợi được bán chứ không phải xe tải hay kem đánh răng. Tuýp kem đánh răng xuất hiện trước mắt bạn cùng với hình ảnh nụ cười của một cô gái đẹp. Chúng xuất hiện cùng nhau, bạn mua nụ cười của cô gái nên bạn phải mua luôn tuýp kem đánh răng. Tính dục được bán khắp nơi, trên mọi sản phẩm.

Cho nên xã hội này, một xã hội thế tục, tốt cho người trẻ. Nhưng họ sẽ không trẻ mãi được. Khi họ tới tuổi bốn mươi hai, bỗng nhiên xã hội quên lãng họ. Họ không biết phải làm gì bây giờ. Họ trở nên căng thẳng, lo âu bởi vì họ không biết, họ chưa bao giờ được huấn luyện, họ không được trao một quy luật nào để đối diện với cái chết. Xã hội làm họ sẵn sàng cho cuộc sống, nhưng không dạy họ sẵn sàng cho cái chết. Họ cần được giáo dục về cái chết cũng như họ cần được giáo dục về cuộc sống.

Nếu được cho phép, tôi sẽ chia đại học thành hai phần: một phần cho người trẻ, phần kia cho người già. Người trẻ tới để học về nghệ thuật của cuộc sống – dục vọng, tham vọng, tranh đấu. Rồi khi họ trở nên lớn tuổi hơn và họ đạt tới cột mốc tuổi bốn mươi hai, họ sẽ quay lại đại học để học về cái chết – Thượng đế, Thiền – vì bây giờ các đại học kiểu cũ sẽ không còn giúp ích gì cho họ. Họ cần được huấn luyện theo kiểu mới, quy luật mới, để cho họ có thể bước vào một giai đoạn mới đang xảy ra với họ.

Xã hội này đã quên lãng họ. Đó là lý do tại sao ở phương Tây có nhiều bệnh về tinh thần. Phương Đông không nhiều như vậy. Vì phương Đông vẫn còn có chút huấn luyện trong tôn giáo. Điều đó chưa biến mất hoàn toàn, dù là giả, dù là dỏm nhưng nó vẫn ở đó, nó tồn tại ngay góc kia thôi. Không ở trong cái chợ, không ở trong bề dày của cuộc sống, chỉ ở ngay bên cạnh – những đền, chùa. Dù nằm ngoài guồng quay vận hành của cuộc sống, nhưng nó vẫn ở đó. Nó vẫn tồn tại, bạn cần phải bước ra vài bước và bạn có thể đi tới đó.

Ở phương Tây, tôn giáo không còn là một phần của cuộc sống. Đến khoảng độ tuổi bốn mươi hai, người phương Tây đều trải qua các vấn đề về tâm lý. Hàng ngàn kiểu rối loạn thần kinh xảy ra và ung nhọt xuất hiện. Ung nhọt là dấu hiệu của tham vọng. Người tham vọng nhất định bị ung nhọt trong dạ dày. Tham vọng cắn xé bạn, nó gặm nhắm bạn. Ung nhọt không gì khác hơn việc ăn chính bản thân bạn. Bạn căng thẳng tới mức bạn bắt đầu ăn thành dạ dày của mình. Bạn căng thẳng, dạ dày của bạn căng thẳng, nó chưa bao giờ được thảnh thơi. Bất kì khi nào tâm trí căng thẳng thì dạ dày căng thẳng.

Ung nhọt là dấu hiệu của tham vọng. Nếu bạn có ung nhọt, điều đó chỉ ra bạn là người rất thành công. Nếu bạn không có ung nhọt, bạn là người nghèo, cuộc sống của bạn đã thất bại, bạn đã thất bại hoàn toàn. Nếu bạn bị cơn đau tim lần đầu tiên vào khoảng bốn mươi hai tuổi, bạn là người thành công. Ít nhất bạn cũng là Bộ trưởng trong nội các chính phủ, là một doanh nhân giàu có, một nghệ sĩ nổi tiếng. Nếu không, làm sao bạn giải thích được cho cơn đau tim? Đau tim là định nghĩa của thành công. Mọi người thành công đều sẽ bị đau tim, họ phải bị vậy. Toàn bộ tâm trí của họ đều bị nặng trĩu bởi các yếu tố độc hại: tham vọng, ham muốn, tương lai, ngày mai, cái không bao giờ có. Bạn đã sống cuộc sống trong mơ, và bây giờ hệ thống của bạn không thể dung thứ được điều đó thêm nữa. Bạn sẽ còn căng thẳng với tương lai tới mức sự căng thẳng này trở thành phong cách sống của bạn. Bây giờ nó trở thói quen ăn sâu vào bạn.

Tại tuổi bốn mươi hai, một đột phá mới lại tới. Người ta bắt đầu nghĩ về tôn giáo, về thế giới khác. Cuộc sống có quá nhiều thứ và thời gian thì còn lại ít ỏi – làm sao để có thể đạt tới Thượng đế, niết bàn, chứng ngộ? Do đó mới có thuyết đầu thai: “Đừng sợ, bạn sẽ được sinh ra lần nữa mà, cứ sinh đi sinh lại, và bánh xe cuộc sống sẽ cứ chuyển động mãi. Đừng sợ, sẽ có đủ thời gian, có đủ vĩnh hằng còn lại – bạn sẽ có thể đạt tới được.”
Đó là lí do tại sao ở Ấn Độ, ba tôn giáo lớn đã phát sinh – Jaina giáo, Phật giáo và Hindu giáo – và họ không đồng ý về bất kì điểm nào ngoại trừ việc hóa thân (đầu thai). Các giáo lý tôn giáo có thể bất đồng, thậm chí bất đồng trên nền tảng cơ sở về Thượng đế, về bản chất của cái ta… nhưng tất cả đều đồng ý về thuyết đầu thai – phải có cái gì đó cho nó. Tất cả đều cần thời gian, bởi vì để đạt tới Brahman – người Hindu gọi nó là Brahman – phải cần nhiều thời gian. Đó là một tham vọng lớn, nhưng chỉ khi vào tuổi bốn mươi hai bạn mới quan tâm. Chỉ còn lại hai mươi tám năm nữa thôi.

Và đây mới chỉ là bắt đầu của mối quan tâm. Thực tế vào độ tuổi bốn mươi hai, bạn trở lại là đứa trẻ trong thế giới của tôn giáo và chỉ còn lại hai mươi tám năm nữa thôi. Thời gian dường như quá ngắn, không đủ để đạt tới những đỉnh cao như vậy – Brahman, người Hindu gọi nó là vậy. Người Jaina gọi nó là Moksha, tự do tuyệt đối khỏi tất cả “nghiệp” trong quá khứ. Nhưng với hàng nghìn, hàng triệu kiếp đã có trong quá khứ, thì trong vòng hai mươi tám năm còn lại, làm sao bạn bao quát được? Làm sao bạn có thể hoàn tác được toàn bộ quá khứ? Quá khứ mênh mông hiện có, nghiệp xấu và nghiệp tốt – làm sao bạn lau sạch được các tội lỗi của mình trong vòng hai mươi tám năm? Điều này có vẻ không đúng!
Thượng đế đòi hỏi quá nhiều, điều đó là không thể được. Bạn sẽ cảm thấy thất vọng nếu bạn chỉ được cho hai mươi tám năm. Với các Phật tử, những người không tin vào Thượng đế, không tin cả vào linh hồn – họ cũng tin vào đầu thai. Niết bàn, sự trống rỗng cuối cùng, trống rỗng tuyệt đối. Khi bạn vẫn còn bị nhồi nhét với biết bao rác rưởi qua biết bao kiếp sống, làm sao bạn có thể làm sạch được bản thân mình trong vòng hai mươi tám năm? Có vẻ là không thể được. Cho nên tất cả đều đồng ý về một việc, là cần nhiều tương lai hơn, cần nhiều thời gian hơn.
Bất kỳ khi nào bạn có tham vọng, bạn đều cần thời gian. Với tôi, người tôn giáo là người không cần thời gian. Người đó được giải thoát ở đây và ngay bây giờ. Người đó đạt tới Brahman ở đây và bây giờ, người đó được giải thoát, được chứng ngộ, ở đây và bây giờ. Người tôn giáo không cần thời gian, bởi vì tôn giáo xảy ra trong khoảnh khắc vô thời gian. Nó xảy ra bây giờ, nó bao giờ cũng xảy ra, bằng không thì nó chẳng bao giờ xảy ra cả. Không có cách khác mà nó đã từng xảy ra.

Vào độ tuổi bốn mươi hai, niềm thôi thúc đầu tiên nảy sinh, mơ hồ, không rõ ràng và lẫn lộn. Bạn thậm chí không nhận biết về thứ đang xảy ra, nhưng bạn bắt đầu nhìn vào đền chùa với sự quan tâm thiết tha. Đôi khi nhân tiện, như một khách thăm vô tình, bạn cũng tới nhà thờ. Đôi khi những lúc có thời gian và chẳng phải làm gì, bạn bắt đầu nhìn vào Kinh Thánh, bị phủ đầy bụi trên bàn. Mơ hồ, cũng giống như đứa trẻ nhỏ mơ hồ về tính dục, nó bắt đầu chơi với bộ phận sinh dục của mình nhưng chẳng biết mình đang làm gì. Một thôi thúc mơ hồ.

Đôi khi người ta ngồi một mình im lặng và bỗng nhiên cảm thấy bình yên, chẳng biết mình đang làm gì. Đôi khi người ta bắt đầu lẩm nhẩm câu mật chú đã được nghe từ hồi nhỏ, hoặc một câu kinh. Người già hay lẩm nhẩm đọc nó. Khi cảm thấy căng thẳng, người ta bắt đầu lẩm nhẩm đọc nó. Người ta bắt đầu tìm kiếm, tìm một người thầy, một ai đó hướng dẫn cho mình. Người ta nhận điểm đạo, bắt đầu học mật chú, lặp lại nó, rồi quên mất trong vài ngày, rồi lặp lại… Việc tìm kiếm trở nên mơ hồ, dò dẫm.

Chu kỳ 7 năm thứ tám – Quay lưng nhìn vào rừng

Đến tuổi bốn mươi chín, việc tìm kiếm trở nên rõ ràng. Phải mất bảy năm để làm cho việc tìm kiếm trở nên rõ ràng hơn. Bây giờ một vấn đề nảy sinh. Bạn không còn quan tâm tới người khác phái nữa, đặc biệt nếu mọi thứ đã diễn ra đúng như nó cần xảy ra – tôi phải nhắc đi nhắc lại điều này, bởi vì mọi thứ chẳng bao giờ diễn ra đúng cả. Vào độ tuổi bốn mươi chín, đàn bà mãn kinh. Vào độ tuổi bốn mươi chín, đàn ông trở nên không còn quan tâm tới đàn bà nữa. Đàn ông không còn cảm thấy thích tình dục. Toàn bộ mọi việc có vẻ giống như thời thiếu niên, có vẻ giống như chưa trưởng thành.

Nhưng xã hội có vẻ đã ép buộc nó, thay đổi nó. Ở phương Đông, họ đã chống lại tính dục và họ đã kìm nén tính dục. Khi con trai mười bốn tuổi, nó kìm nén tính dục, nó muốn tin rằng nó vẫn là đứa trẻ và không nghĩ tới con gái. Việc nghĩ tới đứa con trai thì chấp nhận – dễ dàng tìm thấy những đứa con trai sang chơi ở nhà của những đứa bạn con trai hàng xóm. Nó trông rất hồn nhiên, mơ màng nhưng điều đó không đúng. Con gái đã đi vào tâm thức nó, phải đi vào, điều đó rất tự nhiên – nhưng nó phải che dấu điều đó. Nó bắt đầu thủ dâm và nó phải che dấu điều đó. Nó có những “giấc mơ ướt quần” và nó phải che dấu điều đó. Ở phương Đông, đứa con trai mười bốn tuổi trở nên mặc cảm. Bởi vì nó nghĩ rằng, có cái gì đó sai sai đang xảy ra, và xảy ra chỉ với một mình nó. Nó không thể biết được rằng, mọi người ở mọi nơi cũng đều làm điều đó giống nó. Và mọi người đang trông chờ ở nó – rằng nó vẫn phải còn là một thiên thần, đồng trinh, không nghĩ tới con gái, thậm chí không nằm mơ về con gái. Nhưng nó đã quan tâm, và xã hội đang kìm nén nó.

Ở phương Tây, việc kìm nén này đã biến mất nhưng cái kìm nén khác lại tới. Xã hội không bao giờ có thể không mang tính kìm nén được. Nếu vứt bỏ kìm nén này, lập tức bắt đầu xuất hiện cái kìm nén khác. Bây giờ cái kìm nén lại xuất hiện vào khoảng tuổi bốn mươi chín. Mọi người bị buộc vẫn phải còn trong tính dục, bởi vì tất cả đã được dạy rằng “Anh đang làm gì vậy? Khả năng sinh lý của đàn ông kéo dài tới chín mươi tuổi lận mà !”. Những người có thẩm quyền cao đều nói điều đó. Và nếu bạn bất lực, bạn không quan tâm, bạn bắt đầu cảm thấy mặc cảm. Vào độ tuổi bốn mươi chín, con người bắt đầu cảm thấy mặc cảm rằng mình không làm tình được nhiều như mình đáng phải làm.
Và có những thầy giáo cứ thuyết giảng, “Thật vô nghĩa. Bạn có thể làm tình, bạn có thể làm tình mãi tới chín mươi tuổi mà. Cứ làm tình đi”. Và họ nói, nếu bạn không làm tình bạn sẽ bị liệt dương. Nếu bạn tiếp tục làm tình thì cơ thể của bạn vẫn tiếp tục làm việc. Nếu bạn dừng lại thì chúng cũng sẽ dừng lại. Và một khi tính dục bạn không còn thì năng lượng sống của bạn sẽ sụt giảm, bạn sẽ chết sớm. Nếu người chồng không làm tình, người vợ quan tâm chăm sóc: “Anh bị sao vậy?”. Và ngược lại, nếu người vợ dừng lại, người chồng sẽ quan tâm chăm sóc tương tự. Điều này trái ngược với các nhà tâm lí, và điều này có thể tạo ra một sự suy đồi nào đó. Ở phương Đông, chúng ta đã làm một điều ngu xuẩn và ở phương Tây cũng vậy. Vào thời xa xưa, họ đã làm điều ngu xuẩn giống nhau này. Điều đó chống lại tôn giáo, vì đứa trẻ mười bốn tuổi bắt đầu trở nên có tính dục – một cách tự nhiên. Đứa trẻ chẳng thể làm được gì khác, điều đó là ngoài tầm kiểm soát của nó. Nó có thể làm được gì đây? Bằng cách nào? Mọi giáo huấn về độc thân vào độ tuổi mười bốn đều ngu xuẩn, bạn đang kìm nén con người này. Nhưng những nhà cầm quyền, các tín ngưỡng, các Guru già nua, các nhà tâm lý lớn tuổi và những người tôn giáo – tất cả họ đều chống lại tính dục, tất cả giới cầm quyền đều chống lại tính dục. Đứa trẻ bị kìm nén, bị làm cho mặc cảm. Họ không cho phép mọi thứ diễn ra theo tự nhiên đáng ra là như vậy.

Bây giờ chính điều đối lập đang xảy ra tại đầu kia. Vào độ tuổi bốn mươi chín, các nhà tâm lí đang buộc mọi người tiếp tục làm tình, nếu không bạn sẽ mất đi cuộc sống. Nếu tại độ tuổi mười bốn, tính dục tự nhiên phát sinh, thì tại độ tuổi bốn mươi chín, tính dục tự nhiên giảm đi. Điều đó phải như vậy, bởi vì mọi vòng tròn đều cần phải được hoàn chỉnh.

Đó là lí do tại sao ở Ấn Độ, chúng ta đã quyết định rằng, vào tuổi năm mươi, đàn ông nên bắt đầu trở thành một Vanprasth – mắt nên hướng vào rừng, quay lưng vào bãi chợ. Vanprasth là một từ hay, có nghĩa là người bắt đầu nhìn lên Himalaya, nhìn vào rừng. Bây giờ người đó quay lưng lại vào cuộc sống và tham vọng. Ham muốn và mọi thứ đều dừng lại. Người đó bắt đầu hướng tới trạng thái một mình, hướng tới bản thân mình. Trước đó, cuộc sống đã có quá nhiều thứ để quan tâm và người đó không thể sống một mình được. Có những trách nhiệm cần phải được hoàn thành, con cái cần được nâng đỡ. Bây giờ bọn trẻ đã lớn khôn. Chúng xây dựng gia đình. Vào lúc bạn bốn mươi chín tuổi thì con bạn lập gia đình, có chỗ ở ổn định. Chúng không còn là những kẻ hippies nổi loạn nữa, một trạng thái mà chúng phải đạt tới khi ở độ tuổi hai mươi tám. Chúng sẽ trầm lắng lại. Và bây giờ bạn có thể sẽ làm ngược lại. Bây giờ bạn có thể đi ra khỏi nhà, bạn có thể trở thành kẻ vô gia cư. Vào độ tuổi thứ bốn mươi chín, người ta nên bắt đầu nhìn về rừng rậm, đi sâu vào nội tâm, càng ngày mang tính thiền và tính cầu nguyện nhiều hơn.

Chu kỳ 7 năm thứ chín – Bước ra khỏi thế giới

Vào độ tuổi năm mươi sáu, lại xuất hiện một thay đổi, một cuộc cách mạng. Bây giờ nhìn lên Himalaya cũng chưa đủ. Người ta phải thực sự du hành, người ta phải đi. Cuộc sống đang sắp hết, cái chết đang tới gần hơn. Ở độ tuổi bốn mươi chín, người ta chỉ không quan tâm tới tính dục khác giới. Còn ở độ tuổi năm mươi sáu, người ta thậm chí không quan tâm tới người khác, tới xã hội, tới các nghi lễ, tới các câu lạc bộ. Vào độ tuổi năm mươi sáu, người ta nên rút lui khỏi các câu lạc bộ Rotaries, Lions. Giờ đây, điều đó trông có vẻ lố bịch và trẻ con. Cứ tới câu lạc bộ Rotary hay Lions nào đó mà xem thử, mọi người ăn mặc chỉnh tề với cà vạt cùng tất cả mọi thứ khác – trông có vẻ thiếu niên, ngây thơ làm sao. Họ đang làm gì vậy? Lions – có nghĩa là sư tử – chính cái tên này nghe có vẻ ngớ ngẩn. Có câu lạc bộ “Mãnh thú” cho tuổi trẻ, và câu lạc bộ “Sư tử cái” dành cho phụ nữ. Với “Mãnh thú”, điều đó là hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng với “Sư tử” và “Sư tử cái” thì…? Điều đó chỉ ra một tâm trí tầm thường . Ở độ tuổi năm mươi sáu, người ta nên trưởng thành để thoát ra ngoài mọi vướng víu xã hội. Kết thúc rồi! Người ta đã sống đủ, đã học đủ. Bây giờ người ta nên cám ơn mọi người và bước ra khỏi nó. Tuổi năm mươi sáu là thời điểm người ta nên tự nhiên trở thành một Sannyasin. Người ta nên nhận tính chất Sannyas, người ta nên từ bỏ, điều đó là tự nhiên – khi bạn đi vào, bạn nên từ bỏ. Cuộc sống nên có một lối vào và nên có một lối ra, bằng không sẽ ngạt thở. Bạn đi vào và bạn chẳng bao giờ bước ra, và rồi bạn nói bạn ngạt thở, trong đau buồn. Có lối ra đấy, và đó là tính chất Sannyas – bạn bước ra khỏi xã hội. Bạn thậm chí không quan tâm tới người khác vào độ tuổi năm mươi sáu.

Chu kỳ 7 năm thứ mười – Trở thành đứa trẻ, đi sâu vào nội tâm.

Đến độ tuổi sáu mươi ba, bạn lại trở nên giống đứa trẻ, chỉ quan tâm tới bản thân mình. Mọi thứ khác dường như đã biến đâu mất và chỉ mỗi bạn tồn tại. Một lần nữa, bạn lại trở thành một đứa trẻ – tất nhiên đứa trẻ này đã có rất nhiều vốn sống. Đứa trẻ này rất trưởng thành, hiểu biết và thông minh hơn nhiều. Bây giờ bạn lại trở thành hồn nhiên. Bạn bắt đầu đi vào nội tâm. Chỉ còn lại vài năm nữa thôi, và bạn phải chuẩn bị cho cái chết. Bạn phải sẵn sàng chết. Vậy sẵn sàng chết là gì? Là mở tiệc chào đón cái chết. Một tâm trạng mãn nguyện, vui sướng, sẵn sàng dành cho cái chết. Thượng đế đã cho bạn một cơ hội để học tập và hiện hữu, và bạn đã tiếp nhận điều đó. Bây giờ bạn muốn nghỉ ngơi. Bây giờ bạn muốn đi về căn nhà tối thượng. Đó đã từng là nơi tạm trú. Bạn đã lang thang ở miền đất lạ, bạn đã sống với những người lạ, bạn đã yêu những người lạ và bạn đã học hỏi được nhiều. Bây giờ đã tới thời điểm vị hoàng tử phải trở về vương quốc riêng của mình.

Tuổi sáu mươi ba là thời điểm người ta trở nên hoàn toàn khép kín. Toàn thể năng lượng đi vào, đi vào và đi vào trong. Bạn trở thành vòng tròn năng lượng, không đi đâu cả. Không đọc, không nói nhiều. Ngày một im lặng hơn, ngày một tập trung vào bản thân mình hơn, hoàn toàn độc lập với mọi thứ xung quanh bạn. Năng lượng ngày càng sụt giảm dần.

Kết thúc mười chu kỳ – Nhận thức cái chết, đi vào bụng mẹ một lần nữa

Đến độ tuổi bảy mươi, bạn đã sẵn sàng cho cái chết. Và nếu bạn tuân theo quy trình tự nhiên này, thì ngay trước cái chết của bạn – chín tháng trước khi chết – bạn sẽ nhận biết được. Giống như đứa trẻ phải trải qua chín tháng trong bụng mẹ, chu kì này được lặp lại hoàn toàn, đầy đủ, trọn vẹn. Trước lúc cái chết tới, chín tháng trước đó, bạn sẽ nhận biết được. Bây giờ bạn đang đi vào bụng mẹ một lần nữa. Bụng mẹ này không ở trong người mẹ, bụng mẹ này ở bên trong bạn. Người Ấn Độ gọi cái gian thờ phía sâu bên trong nhất của ngôi đền là garbha, nghĩa là bụng mẹ. Khi bạn đi tới ngôi đền, thì phần sâu bên trong nhất của ngôi đền này được gọi là bụng mẹ. Nó được gọi một cách rất biểu tượng như vậy, rất có chủ ý – đó là bụng mẹ nơi người ta phải đi vào. Trong giai đoạn cuối cùng – chín tháng – người ta đi vào chính bản thân mình. Thân thể riêng của mình trở thành bụng mẹ. Người ta đi vào điện thờ, nơi sâu bên trong nhất là nơi ngọn lửa bao giờ cũng cháy, nơi ánh sáng bao giờ cũng có, nơi ngôi đền hiện hữu, nơi Thượng đế bao giờ cũng sống. Đây là một quá trình tự nhiên.

Trích sách Cách mạng giải phóng trẻ em – Osho, Phi Tuyết dịch
Để mua bộ sách, vui lòng liên hệ fanpage: Cuộc đời Osho: https://www.facebook.com/cuocdoiosho/
Hoặc hotline 0933494926

Hình ảnh bộ sách Thời thơ ấu của Osho gồm: Cách mạng giải phóng trẻ em, Đứa trẻ nổi loạn (500k) và combo sách Sống khác đi, đừng để đời phung phí của tác giả Phi Tuyết (Sweet Philosopher) – 500k

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *