Học bảng chữ cái để viết kịch bản cuộc đời
“Không phải ai cũng có thể trở thành người viết giỏi, nhưng người viết giỏi có thể là bất cứ ai”
À nếu bạn thấy câu này quen quen thì bật mí luôn tôi đã ‘xào’ lại nó từ câu nói trong bộ phim hoạt hình ‘Chuột đầu bếp’: “Không phải ai cũng có thể trở thành một đầu bếp giỏi, nhưng một đầu bếp giỏi có thể là bất cứ ai”.
Bạn không thấy việc viết lách thật thần kì sao? Chỉ với vài chục mẫu kí tự be bé xinh xinh vô tri vô giác mà người ta đều có thể chuyển tải, trao đổi và lưu giữ lượng thông tin kiến thức khổng lồ cho nhân loại từ đời này sang đời khác. Không chỉ những kiến thức khô khan mà còn chuyển tải được cả những tình cảm và ẩn ý vào đó nữa chứ. Thật tuyệt vời!
Tôi nghĩ người viết lách giống như những Nhà Giả Kim vậy. Họ có khả năng biến những con chữ bình thường thành một thứ chứa đựng sức mạnh và ý nghĩa lớn lao. Họ thổi hồn vào trong chữ viết để biến từ ngữ thành những câu thần chú. Như giáo sư Dumbledore từng bật mí cho Harry Potter rằng “Thứ bùa phép quyền năng nhất chính là lời nói. Nó tuy vô hình nhưng lại có thể gây ra những vết thương đau đớn vô cùng, và cũng chính nó lại còn mang cả khả năng chữa lành những vết thương nữa”.
Mong muốn của tôi là trở thành một Nhà Giả Kim như vậy. Trở thành một người có thể sử dụng từ ngữ như một thứ phép thuật không chỉ mang thông tin mà còn mang thật nhiều cảm xúc và năng lượng tích cực đến cho người đọc. Để rồi qua đó cũng “Giả Kim” chính cuộc đời mình. Một công mấy việc thật thú vị vô cùng.
Mà khoan, tôi chưa phải Nhà Giả Kim đâu nhé, mới chỉ là Phù Thủy thôi!”
Đây là những dòng tôi viết để giới thiệu bản thân trong một buổi trò chuyện chia sẻ về chuyện viết lách và cũng là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn về sự thần kì của việc viết lách mà có thể bạn chưa biết hoặc chưa bao giờ bận tâm.
Tôi biết bạn không để ý, các bài viết trong cuốn sách này (Nghĩ khác để sống khác) được sắp xếp theo trình tự của bảng chữ cái Alphabe: với A trong An bình, B trong Biến cố, C trong Công bằng, D trong Dễ Dàng, Đ trong Đơn giản, E trong English, Ê trong Ế, P trong xử Phạt, Phán xét, Phản bội, Q trong món Quà, Quá khứ, … cứ thế cho tới bây giờ là V trong Viết lách và rồi chữ cái quan trọng nhất sẽ được nói đến sau cùng là Y trong Yêu thương bản thân và Ý nghĩa cuộc đời.
Ý đồ của tôi là thông qua cuốn sách này chúng ta sẽ cùng nhau học lại bảng chữ cái, nhưng không phải bảng chữ cái phát âm mà là bảng chữ cái của cuộc đời. Mỗi kí tự đều chứa trong nó những ý nghĩa và bài học về cuộc sống. Sau 30 ngày bạn sẽ học xong bảng chữ cái ấy và bước quan trọng tiếp theo là hành trình sử dụng các chữ cái ấy vào thực hành trong đời sống. Giống như việc đem các mẫu tự rời rạc sắp xếp thành câu chữ, thành thơ văn thì giờ đây bạn đem bảng chữ cái này để áp dụng vào cuộc sống của mình, kiến tạo cuộc đời mình thành một tác phẩm văn chương hay nhất, sâu sắc nhất.
Có câu nói rằng “khi viết kịch bản cuộc đời mình, đừng để ai cầm bút” nhưng bạn có biết để có thể viết kịch bản cuộc đời thì việc quan trọng trước tiên là bạn phải biết viết đã đúng không.
Tôi đã và đang luôn viết kịch bản cho cuộc đời mình như vậy đấy. Một kịch bản mà tôi mong muốn và ao ước thực hiện chứ không phải vì nghe lời ai hay tuân lệnh ai.
Tôi cũng tin rằng không phải ai cũng có thể trở thành nhà văn hoặc nhà biên kịch cho một tác phẩm văn chương hay kịch bản phim truyện. Nhưng việc trở thành biên kịch cho chính cuộc đời mình thì ai cũng có thể. Không chỉ có thể mà còn là nhiệm vụ phải làm.
Khắp mọi nơi người ta cứ liên tục nói tới chuyện đi tìm bản thân, đi tìm ý nghĩa cuộc đời nhưng hôm nay tôi cho bạn một hướng đi, một con đường hoàn toàn mới đó là hãy tự tạo ra ý nghĩa cho cuộc đời mình, tự kiến tạo bản thân mình theo hướng mình muốn. Điều này vốn đã được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần xuyên suốt cuốn sách một cách cố tình. Vì tâm trí con người dễ quên nên với những điều quan trọng chúng ta cần nhắc đi nhắc lại một chút để tạo thói quen thay đổi cho tâm trí trước. Tâm trí thay đổi rồi thì hành động cũng sẽ được thay đổi theo một cách dễ dàng.
“Muốn cái gì thì hãy tự đi mà giành lấy nó”. Ai cũng biết câu này nhưng lại chẳng mấy ai thực sự quan tâm chân lý trong đó cả.
Bạn không thể ngồi chờ sung rụng nếu chẳng chịu trồng một cây sung. Bạn cũng không thể ôm cây đợi thỏ nếu không trồng cây và nuôi thỏ. Hay ít nhất là phải nhấc mông ra khỏi giường để mà đến nơi có cây sung và có thỏ chứ.
Ai cũng muốn ăn thì phải có người nấu.
Ai cũng muốn đọc thì phải có người viết.
Ai cũng muốn nói thì phải có người nghe.
Chúng ta đã sống kiểu đó trong bao nhiêu thế kỉ rồi? Cái kiểu sống luôn phải trông chờ vào người khác luôn phải đợi thứ gì đó bên ngoài mang đến cho mình.
Giờ tôi chỉ bạn cách đơn giản hơn để sống. Đừng trông đợi vào ai nữa hết cả nhưng hãy bắt đầu đặt trách nhiệm hết vào bản thân mình. Bạn không phải là nạn nhân của cuộc đời nữa, bạn là nguyên nhân và là Đấng Sáng Tạo của chính cuộc đời mình. Hãy làm quen với khái niệm đó vì đó là một khái niệm cực kì đáng giá.
Tại sao phải đợi người khác tặng cho bạn một bó hoa trong khi bạn có thể tự trồng một bụi hồng cho riêng mình?
Tại sao phải đợi người khác mời bạn một bữa ăn trong khi bạn có thể tự nấu cho mình một bữa ăn ngon và có thể mời bạn bè đến tham dự nữa?
Tại sao phải đặt cuộc đời mình vào tay ai trong khi bạn có mọi điều kiện để tự làm chủ cuộc sống của mình?
Hãy tự đặt những câu hỏi như thế và tìm ra câu trả lời.
Bạn muốn có một thân hình đẹp ư? Một sức khỏe tốt? Hãy tập luyện, hãy thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh, từ bỏ dần những thói quen độc hại đi. Hãy sống có trách nhiệm với bản thân mình và xem cơ thể như là tài sản quan trọng nhất của bạn và dành cho nó những điều tốt đẹp nhất. Đừng xem nó như đống rác để thoải mái trút vào đó những thứ tiêu cực và độc hại vì sau cùng chính bạn phải sống cả đời với cơ thể mình chứ không ai khác cả. Đừng đánh đổi những đau đớn bệnh tật thể xác để lấy một vài lời khen về tửu lượng hay sự chịu chơi. Thế thật ngu ngốc lắm.
Bạn muốn là người hiểu biết ư? Hãy trau dồi cho mình một lượng kiến thức vừa đủ về những chủ đề bạn quan tâm. Hãy đọc sách, hãy trò chuyện với người hiểu biết, hãy tra cứu thông tin. Đừng đọc tất cả những gì bạn thấy trên các trang tin tức bởi vì chúng không khác gì hơn là một đống rác bầy hầy làm chật cứng đầu óc bạn. Hãy cho trí óc thực phẩm như bạn nuôi cơ thể vậy. Hãy cho nó đồ ăn – những đồ ăn chất lượng thay vì nhồi tất cả những gì xung quanh cuộc sống: chuyện người nổi tiếng, chuyện bà hàng xóm, chuyện mụ đồng nghiệp hay lão sếp ám khói…
Bạn muốn được mọi người yêu mến ư? Hãy yêu mến mọi người trước và nên nhớ muốn yêu mến mọi người thì việc đầu tiên cần làm là phải yêu mến và tôn trọng bản thân. Biến bản thân thành cái nguồn phát đi yêu thương chứ không phải một thứ chỉ biết nhận và nhận. Bạn nghĩ mình đang rất yêu thương bản thân sao? Vậy lần cuối cùng bạn thấy mình rất vui vẻ hạnh phúc là khi nào? Lần sau cùng bạn cảm thấy hài lòng toại nguyện về cuộc sống là khi nào? Tôi chưa từng thấy ai ghét bản thân mình lại có thể yêu thương người khác, nếu có thì thứ tình yêu đó cũng chỉ là giả tạo. Thật đấy!
Bạn muốn có một cuộc sống tự do ư? Thế thì trước tiên hãy tập sống độc lập và tránh xa mọi sự lệ thuộc càng sớm càng tốt. Dù cho đó là những sự lệ thuộc cả xã hội đang chạy theo: sự lệ thuộc vào gia đình, bạn bè, công việc, người yêu hay cả vật chất nữa… Độc lập trước đã rồi bạn sẽ thấy tự do.
Tất nhiên, những việc này chẳng dễ dàng như việc trở bàn tay. Không, nó không hề dễ dàng nên mới ít người trên đời có thể sống vui vẻ hạnh phúc như thế. Nhưng nó không dễ không có nghĩa là nó quá khó. Hãy nghĩ về việc ăn ớt, người không thể ăn cay thấy ăn cay thật là khó, nhưng người thích ăn cay thì thấy việc đó thật vô cùng dễ dàng. Hạnh phúc cũng vậy, thay đổi góc nhìn một chút thôi thì tất cả từ khó khăn bỗng chốc sẽ trở nên dễ dàng.
Mất một công việc, bị người yêu thương phớt lờ hay bất kì một biến cố nào đó trong cuộc sống thay vì chỉ nhìn thấy tiêu cực hãy tập trung vào mặt tích cực. Hãy xem như đóng lại một cánh cửa vì cánh cửa đó không dẫn tới đâu cả và hãy tìm kiếm những cánh cửa khác. Luôn luôn có những cánh cửa khác, tôi có thể không chắc chắn về mọi thứ nhưng tôi lại rất chắc chắn về điều này. Đó là luôn có những cánh cửa khác dành cho bạn bất kể bạn là ai.
Trích cuốn “Nghĩ khác để sống khác”
Tự mình viết kịch bản cuộc đời mình, là bước đầu tiên trong hành trình “Sống khác” này. Bạn đã sẵn sàng?