Nghệ thuật sống một cuộc đời không kế hoạch…
Sài Gòn, ngày năm tháng một, 2020
- Nhà hàng L’uisine
Eli hẹn gặp tôi ăn trưa tại nhà hàng L’usine trên đường Lê Thánh Tôn. Tôi đã từng tới đây một lần từ hai năm trước, khi chi nhánh này mới mở, cùng với Danny và thú thật tôi không khoái nơi này lắm (vì đồ ăn Tây hổng hạp khẩu vị) nhưng bởi vì lỡ nói “Mày chọn nhà hàng đi, tao ăn cái gì cũng được” cho nên không có mặt mũi nào mà bảo nó chọn nhà hàng khác, thôi thì cứ đến L’usine vậy.
Tôi tới trước, chọn một chỗ ngồi đẹp bên ô cửa kiếng lớn nhìn ra góc phố xinh đẹp xanh rì khá đông người qua lại. Tôi rất thích ngắm nhìn người ta đi qua đi lại như vậy trong khi mình thì ngồi lặng im quan sát, chẳng mục đích gì, chẳng để làm gì, chỉ đơn giản thực tập là một người quan sát, tận hưởng cảm giác của một người “ở trong thế giới nhưng chẳng thuộc về thế giới”, đại loại vậy.
E. tới, hơi mập mạp, chẳng có gì ấn tượng từ ngoại hình tới phong cách, thành thực là như vậy nhưng nó có cái duyên gì đấy khá khó tả, nhìn nó là tôi lại cứ nghĩ ngay đến diễn viên nam chính trong bộ phim De Javu, cũng nước da hơi ngăm, gương mặt thậm chí có chút cau có trường kì nhưng toát lên một sự điềm đạm, duyên duyên.
Bữa trưa của chúng tôi gôm hai món do E. chọn, một món Tây và một món Hàn. Món Tây là một dĩa với hai miếng bánh mì bơ-gơ nhỏ nướng giòn làm đế, bên trên phủ kín các loại “topping” gồm rau gì đó trông như cúc tần, một lớp cá hồi hun khói ngay bên dưới một trái trứng trần rất khéo với lòng đỏ giấu mình nằm im ngoan ngoãn trong lớp lòng trắng mỏng mịn như một tấm chăn bông, và cuối cùng là lớp phô mai vàng đượm nóng chảy phủ đều trên bề mặt cả chiếc bánh. Tôi thích thú ngắm nhìn dĩa đồ ăn đẹp mắt và cảm thấy… no no trước cả khi thưởng thức chúng. Món thứ hai là cơm trộn Hàn Quốc với kim chi, lá rong biển và một tảng thịt bò chín vừa tới trông rất bắt mắt.
Tôi nhìn những món ăn với vẻ hài lòng dù vẫn chẳng buồn đụng đũa chút nào. Tôi thổ lộ cho E một bí mật rằng tôi đã bị mất vị giác từ vài tháng nay cho nên tôi chỉ ăn một chút thôi còn lại nó có thể ăn tất. E nghe vậy thì thoáng mặt tiếc nuối cho tôi, tôi bảo nó không có gì tiếc nuối cả, tôi bị mất vị giác nhưng cảm thấy rất tuyệt vời, rất tự do. Nó lắc đầu như chẳng hiểu nổi tôi đang nói gì xong nó cầm miếng bánh lên, cắn một miếng, lớp lòng đỏ trứng đang ngủ ngon bị đánh thức liền tràn ra nhỏ xuống cả dĩa. Với vẻ mặt hài lòng mãn nguyện, nó cố miêu tả cho tôi hương vị của miếng bánh, tôi cũng cầm lên một miếng, cố gắng thưởng thức nhiều nhất có thể bằng cách nhắm mắt lại với hi vọng đóng thị giác giúp vị giác hoạt động tốt hơn. Tôi phải rất tập trung để có thể cảm nhận hương vị đồ ăn trên đầu lưỡi, này là bánh mì, này là trứng, đây là vị lòng trắng, đây là vị lòng đỏ, đây là phô mai béo ngậy, chà chà, cũng ngon đấy chứ – tôi tự nhủ. “Sao tao không thấy cá hồi nhĩ?”
“Mày phải cắn to vào, vào giữa miếng bánh ấy, mới thấy cá hồi ở chính giữa và rồi cảm nhận sự hoà quyện của trứng, phô mai và cá hồi, ôi tuyệt lắm, cắn miếng nữa đi. Tao thích nhất cái cảm giác ba thứ ấy quyện vào nhau. Thật tuyệt vời.”
Tôi làm thêm miếng nữa, lớp lòng đỏ tràn ra phần thì rơi xuống dĩa, phần thì lem nhem ra khắp môi. E. trông thấy vậy thì bật cười, đưa cho tôi miếng khăn giấy, tôi bảo “Mày đừng phí giấy, đợi tao ăn xong đã.” Nó khoái lắm, kêu “Mày cứ để vậy cũng được, tao không phiền đâu, nhìn ‘cute’ lắm.” Tôi muốn nói “Xời ơi, tao mà, làm gì chả cute, chả làm gì còn cute nữa là…” nhưng mà miệng đầy những cá hồi, cúc tần và phô mai nên tôi chẳng nói gì cả.
Tôi chỉ cắn ba miếng rồi đưa cho E. xử nốt phần còn lại. Đồ ăn tây dù ngon tới đâu cũng chưa bao giờ khiến tôi mãn nguyện. Nhưng tôi hứng thú với món cơm trộn nhiều hơn bởi vì mấy hôm nay rảnh quá hay coi các video của bộ ba: Deahan, Minguk, Manse, nhìn bộ ba “chú ỉn” này ăn uống các món Hàn Quốc sao mà ngon lành quá khiến tôi cũng thấy ngon lành theo và có thể vì đó một chút vị giác quay trở lại.
Cậu bé phục vụ lại gần rót nước rồi nháy mắt với tôi “Chị ăn món cơm trộn ấy, ngon lắm. Khách tới đây gọi món này rất nhiều luôn.” Càng làm tôi thêm phần hứng thú với tô cơm thịt bò ngon lành ấy. Xúc một miếng, lại xúc thêm một miếng, này là cơm với nước sốt cay cay đỏ đỏ đặc trưng của món cơm trộn, này là kim chi, này là rong biển, này là thịt bò. Ô, thịt bò sao ngon thế, miếng thịt trông khá dày mà sao lại có thể mềm thế, mềm sụt, mềm còn hơn cả cá hồi. Thông thường cá hồi là thứ dễ khiến bạn cảm nhận sự “tan trên đầu lưỡi” vậy mà lần này không thể tin được chính miếng thịt bò lại mới là thứ có thể tan ra trên đầu lưỡi của mình. Tôi thích thú món cơm trộn này hơn món kia, E. thì thích cả hai, tất nhiên rồi.
E. là một chàng trai có dòng máu lai Mỹ và Mexico, anh chàng sống cả chục năm ở Hàn Quốc trước khi chuyển đến Việt Nam và sống ở Sài Gòn đã hai năm nay. Eli hỏi tôi: “Tao biết mày ít thích gặp người khác, rất khó để gặp mày, vậy lý do gì để mày quyết định gặp một ai đó?” Tôi trả lời: “Có hai lý do. Một là những lời hứa, người ta thường nói ‘khi nào gặp nhau nhé’ như một câu nói suông, khi tao nói ra câu đó, đối với tao nó là một lời hứa, tao đã nói câu đó với ai thì nhất định sẽ tìm cách hoàn thành lời hứa đó. Hai là sự ấn tượng, tao có thể nói chuyện với nhiều người nhưng chỉ thích gặp những người làm tao ấn tượng.”
“Thế mày có ấn tượng gì với tao mà lại đồng ý gặp tao?”
“Tao ấn tượng ở mày sự điềm tĩnh và kiên trì?”
“Tao kiên trì sao?”
“Đúng vậy. Tao từ chối gặp mày bao nhiêu lần mà mày vẫn cứ muốn gặp tao. Vẫn cứ kiên trì hỏi tao đang ở đâu, khi nào có thể gặp… Tao trân trọng điều đó.”
Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện khá nhiều dù bây giờ chả còn nhớ là chuyện gì, đại loại tôi giải thích tình trạng của mình lúc này: một “nữ hoàng lang thang” có cuộc sống đủ đầy, mãn nguyện, giờ đang bị chán mọi thứ: chán ăn, chán uống, chán thể thao, chán làm việc, chán gặp gỡ mọi người, chán kiếm tiền, chán viết lách, chán cả du lịch…
Eli cố thuyết phục tôi rất nhiều rằng tôi đang có một cuộc sống tuyệt vời như thế nào, tôi có thể vừa du lịch khắp nơi vừa làm việc như thế nào vân vân mây mây (đó là cuộc sống nó mơ ước). Tôi nghe và trân trọng những lời khuyên ấy nhưng mà cũng chỉ trân trọng vậy thôi. Tôi chán nghe cả lời khuyên nữa. Dầu vậy nghe nó hăng say nói chuyện công việc với niềm đam mê hớn hở, tự dưng tôi cũng được truyền cho một chút năng lượng ấy, tôi bảo: “Mày đang cho tao năng lượng và động lực để làm việc trở lại đấy. Cảm ơn mày.”
Chúng tôi nói chuyện hăng say quá đến nỗi khi tôi bảo Eli rằng tôi không có kế hoạch gì cho buổi chiều nên nếu nó bận, nó có thể đi bất cứ lúc nào. Eli bảo rằng nó có mấy việc muốn làm nhưng không cần thiết lắm, nó thích trò chuyện với tôi hơn, đàng nào thì cũng trễ giờ nó đi nhà thờ rồi.
Ồ, lần đầu tiên tôi gặp một người nước ngoài muốn đi nhà thờ vào một chiều chủ nhật đẹp trời, thế là chúng tôi bắt đầu nói chuyện về nhà thờ, về tôn giáo. Tôi kể cho Eli chuyện ba mẹ tôi rất không vui vì tôi không đi nhà thờ nữa và tất nhiên cũng tiện giải thích luôn lý do tôi không đi nhà thờ, thế rồi một ý tưởng loé lên, tôi bảo “Mày tìm nhà thờ khác có lễ chiều nay đi, tao đi nhà thờ với mày.”
Ôi trời ơi tôi vừa nói gì thế này? Tôi đi nhà thờ sao? Tôi chẳng nhớ lần cuối tôi đi nhà thờ là khi nào nữa cơ. Tại sao tôi lại muốn đi nhà thờ nhĩ? Có lẽ vì tình yêu của E. đối với nhà thờ đã cho tôi cảm hứng, hoặc cũng có thể vì tôi muốn làm cái gì đó khiến mẹ tôi vui, chẳng là vài ngày trước mẹ đã gửi cho tôi một tin nhắn tự động qua zalo, một tin nhắn ngọt ngào cảm động mà tôi không thể tin mẹ tôi lại có thể “ngọt ngào” như thế. Tin nhắn ấy nói rằng: “Con yêu. Chúc con luôn vững vàng, đường công danh thênh thang. Thất bại hay vinh quanh, gia đình luôn bên cạnh. Bố mẹ yêu con!”
Chỉ là tin nhắn được tạo tự động thôi mà cũng đủ khiến tôi hết hồn và cảm động phết, vì tôi hiểu tính mẹ tôi, mẹ có thể làm mọi thứ, trừ việc ngọt ngào.
Thế nên tự dưng hôm nay tôi lại muốn đi nhà thờ như một hành động ngọt ngào đáp trả, chắc chắn bố mẹ tôi sẽ vui phát điên.
Từ L’uisine, chúng tôi đi bộ tới khu ẩm thực đường phố Ben Thanh Streetfood, uống mỗi đứa một chai bia, E. uống chai thứ hai một mình trong lúc ngồi đợi tôi về khách sạn lấy chiếc áo khoác vì nếu tôi đến nhà thờ với bộ dạng áo hai dây hở bụng, quần sooc trên gối có lẽ cả nhà thờ sẽ “thiêu” tôi ra tro bằng ánh mắt rực lửa của họ.
Tôi trở lại với ái vest trắng, chân váy đen và cặp mắt kiếng đen viền trắng, rất… gì và này nọ. E. thốt lên: “Trông mày tuyệt quá, rất… chuyên nghiệp. Mắt kiếng còn khớp màu với quần áo nữa. Tuyệt vời.” Tôi nháy mắt, cười: “Tao mà!”
2. Nhà thờ Vĩnh Hội
Chúng tôi bắt taxi đến nhà thờ Vĩnh Hội nằm ven một nhánh sông quận bốn. Nhà thờ này thật lạ với thiết kế những lớp mái ngói chồng lên nhau như kiểu kiến trúc của những ngôi chùa, nhà thờ cũng có hình chữ nhật nhưng là chữ nhật ngang chứ không chữ nhật dọc như các nhà thờ khác, ngay gian thánh đường là một chiếc chuông to đùng, tôi và E. thảo luận rất nhiều về cách người ta thiết kế ngôi nhà thờ này thú vị làm sao.
Đặc biệt nhất, thứ gây ấn tượng với tôi nhất là hoạt cảnh Chúa Jesus trên gian chính thánh đường đang mỉm cười, nét mặt hạnh phúc, giang tay bay lên trời trong sự hân hoan chào mừng của những thiên thần xung quanh, những đám mây trắng phủ quanh thật đẹp đẽ. Tôi vui khủng khiếp khi nhận ra điều ấy bởi vì mọi nhà thờ tôi tới trước đây, người ta luôn đặt trên cung thánh một cây thập giá thật to cùng thân xác đầy những vết thương đang rỉ máu của Jesus cùng nét mặt đau thương sầu muộn của Ngài khi bị treo mình lên đó. Thật tuyệt khi được nhìn thấy Đức Jesus hạnh phúc. Tôi và E. cả ngày nay đã thảo luận rất nhiều về chủ đề ấy, về việc đặt Jesus vào bối cảnh lịch sử xã hội thì toàn bộ câu chuyện sẽ trở nên thế nào, tính cách của Jesus rất vui vẻ, thích tiệc tùng hội họp, thích “ăn nhậu” ra sao, tại sao toàn bộ câu chuyện về cuộc đời Ngài lại được miêu tả trong kinh thánh theo cách bi quan thảm bại như thế, ai là người đứng sau tất cả, với mục đích gì… Vâng, quả thật là vui khi gặp đúng người như E. để mà bàn về một chủ đề như vậy. Chúng tôi cùng loại tin yêu vào tình yêu của Chúa (Thượng đế) và tôn vinh ngài theo những cách riêng mà chúng tôi muốn, chứ không chỉ ngoan ngoãn như một nô lệ mù quáng ai nói gì nghe nấy, ai bảo tin gì thì tin nấy.
Đi nhà thờ thật vui, tôi thích cách nhà thờ thay đổi những nghi thức cho nhẹ nhàng hơn, ít rườm rà hơn, ít nhất là so với những nhà thờ trước đây mà tôi biết. Đến cả nhóm các em giúp lễ cũng là một nhóm bốn cô bé thay vì luôn là các cậu bé như tôi thấy trước đây. Nhà thờ này có ca đoàn hát rất hay, cách họ chọn bài hát cũng hay, tôi thích cảm giác khi tất cả mọi người cùng cất vang tiếng hát, những bài hát về tình yêu, cuộc sống và nhất là những bài hát của mùa Giáng sinh đầy vui tươi rạo rực.
Thi thoảng một vài tiếng chim cất lên đâu đó khiến tôi như lặng người đi, chăm chú lắng nghe. Tôi thích nghe tiếng chim hơn tiếng đọc kinh và tất nhiên hơn cả tiếng giảng của cha xứ.
Cha sứ (hay cha xứ tôi chả biết nữa), thỉnh thoảng nói những câu rất hay, hay đến nỗi chạm tới cả lòng tôi và làm cồn lên sự yêu mến cảm phục. Giả như ông ấy chỉ dừng lại ở những câu thông điệp như vậy thì tốt, đàng này bao nhiêu cảm phục tan biến cả đi khi ông ấy giải nghĩa những thông điệp ấy. Buồn thế cơ chứ.
Ví dụ, tôi ngạc nhiên khi nghe ông ấy nói: “Hôm nay là lễ hiển linh, là ngày Chúa hiển lộ chính ngài dưới hình dạng một ngôi sao băng, dẫn đường ba vua tới thờ lạy chúa hài đồng…. CHÚNG TA HÃY CŨNG LÀ ÁNH SÁNG NHƯ THẾ…” Trời ơi, ngay chỗ này thông điệp mới tuyệt làm sao: đừng chỉ đi theo ánh sáng, nhưng hãy trở thành ánh sáng, đừng chỉ đi tìm Thượng đế hiển linh, nhưng hãy là bằng chứng cho sự hiển linh của Thượng đế thông qua chính cuộc đời mình, hành động của mình. Một thông điệp tuyệt vời, chùng với thông điệp cuối cùng mà Phật để lại cho nhân loại “Hãy là ánh sáng lên bản thân ngươi.” Ấy vậy mà vị linh mục có giảng như thế đâu, chẳng có một câu nào trong bài giảng nói về thông điệp “hãy là ánh sáng” cả, trong khi nó đáng ra phải là thông điệp lớn nhất, chính nhất cần được nói đến. Tôi buồn miên man trong lòng, háo hức nghe từng câu giảng mà càng háo hức bao nhiêu, càng thất vọng bấy nhiêu.
Thế rồi vị linh mục nhắc những thông điệp tuyệt vời khác. Ông ấy nói: “Tại sao ba vua lại đi đường khác khi quay về, mà không đi đường cũ?” – “Bởi vì sau khi đã gặp được Thượng đế (Chúa) thì không một ai có thể quay trở lại con đường cũ được nữa” – trời ơi tôi yêu cái thông điệp này, vì tôi đã sống nó và tôi tuyệt đối đồng ý. Một khi bạn đã được nếm trải hương vị tâm linh trong cuộc sống, cuộc sống của bạn không bao giờ còn như cũ nữa. Một khi đã “nếm trải hương vị của Thượng đế” bạn sẽ không bao giờ còn đói khát, điều đó là thật. Một khi đã tìm ra con đường tới nước trời, bạn sẽ không bao giờ còn muốn rẽ sang con đường khác, sẽ không bao giờ còn trở lại con đường cũ mà bạn đã đi, cách thức cũ mà bạn đã sống. Tôi vui sướng đồng tình và chờ đợi vị linh mục giải nghĩa, nhưng rồi tôi ước ông ấy đừng nói thêm gì nữa thì tốt hơn vì những gì ông nói lại phá vỡ tất cả những điều tuyệt vời của thông điệp: “Sau khi gặp Chúa thì không thể đi đường cũ nữa, vì nếu đi lại đường cũ sẽ bị vua Herode giết chết thì sao. Rất nguy hiểm!”
Trời ơi, tôi muốn hét váng lên cả nhà thờ nhưng may mắn sao kềm lòng mình lại được.
E. không hiểu tiếng Việt cho nên nó mang theo một cuốn sách lễ nhỏ bằng lòng bàn tay, mỗi khi cha giảng hay mọi người đọc kinh nó lại mở sách ấy ra đọc. Tôi có liếc sơ thì thấy nó chính xác là những gì mọi người đọc, chỉ khác ngôn ngữ. Hoá ra từng câu kinh được cất lên trong nhà thờ đều mang nghĩa đích xác như nhau. Xét về tính đồng bộ này thì không ai qua được Hội Thánh Công Giáo. Tôi nghe Lờ Đờ – một người học chuyên ngành Thần học trong một dòng tu bảo vậy, rằng các linh mục đọc, giảng, nói đích xác những gì họ được học, được bảo phải giảng. Trời ơi thế thì khác gì những người giáo viên trong hệ thống giáo dục chủ nghĩa xã hội hay không?
Tôi ngồi trong nhà thờ cho tới tận hết lễ, lắng nghe chăm chú từng lời giảng, từng câu kinh, cố gắng nhặt nhạnh những thông điệp hay, những lời kinh có ý nghĩa. Tôi vẫn luôn cảm thấy rằng mình dường như là người duy nhất trong buổi lễ có thể tập trung nghe từng lời kinh và tìm nghĩa một cách chăm chú đến vậy. Mọi người khác họ đọc ro ro nhưng bao nhiêu người cố gắng tìm nghĩa trong các lời kinh họ đọc? Bao nhiêu người đi nhà thờ vì thật tâm yêu mến Chúa? Bao nhiêu người đi vì thói quen, vì sợ bị trừng phạt, vì sợ bị ném xuống địa ngục? Trong tình yêu thật sự, người ta không sợ. Trong sợ hãi, không có tình yêu. Tôi đầy ắp tình yêu, tình yêu cuộc sống, yêu Thượng đế, đầy ắp sự tin tưởng vào một Thượng đế tốt lành, chỉ yêu thương, không trừng phạt, vậy nên tôi không sợ hãi. Vì không sợ hãi nên tôi không đi nhà thờ. Nhưng bố mẹ tôi thì sợ lắm, sợ bị xuống địa ngục vì con gái của họ không sợ hãi. Thật là một mớ lòng bong. Nếu bạn đọc những dòng này, nếu bạn là một người Công giáo có lẽ bạn sẽ tức giận với tôi lắm, thậm chí thù ghét nữa. Nhưng bạn ơi, Jesus chỉ có một thông điệp lớn nhất thôi: hãy yêu thương, hãy là tình yêu, không chỉ yêu bạn bè mà yêu cả kẻ thù nữa, không chỉ yêu người yêu mình mà yêu cả người ghét mình… Cho nên nếu không thể yêu tôi cũng không sao, nhưng đừng ghét. Không phải vì tôi sợ bị ghét nhưng vì khi bạn ghét, người bạn đầy ắp năng lượng tiêu cực, năng lượng xấu, năng lượng độc hại. Năng lượng này không tác động tới tôi, nhưng chắc chắn có tác động tới bạn. Giận dữ, thù hằn, sợ hãi, tham lam, phán xét… tất cả những thứ này tạo ra năng lượng rất xấu cho người mang chúng. Đừng đầu độc bản thân bạn bằng những năng lượng này, bạn nhé!
Thay vào đó, hãy yêu thương. Và nếu được, hãy thử thực hành ngay luôn nào, hãy yêu thương không chỉ những người đồng ý với bạn, mà hãy thử yêu thương cả những người trái ý với bạn nữa. Không chỉ yêu thương người bạn thích mà yêu thương cả người bạn ghét nữa. Nếu như bạn có thể làm điều đó thế thì bạn đã trở thành một cái nguồn phát ra tình yêu thương và nó là chất lành nuôi dưỡng, nó là “nước từ trời” đó. Nó cũng chính là bạn đang biến mình từ một người đi theo ánh sao trở thành một ánh sao, trở thành ánh sáng: ánh sáng của tình yêu thương, từ bi, ánh sáng thể hiện Thượng đế đang hiển lộ trong đời sống này.
Vâng, hãy trở thành ánh sáng đi, đừng chỉ đi tìm ánh sáng.
Hãy trở thành tình yêu đi, thay vì chỉ đi kiếm tìm tình yêu.
Hãy trở thành chứng nhân cho tình yêu của Thượng đế đi, thay vì chỉ nói về tình yêu của Thượng đế.
Đây là thách thức của tôi cho bạn đấy.
Nếu làm được, bạn sẽ thấy: lễ hiển linh là vô nghĩa. Bởi vì Thượng đế không chỉ hiển lộ mỗi một lần dưới dạng ánh sao băng đâu, Ngài hiển lộ chính mình ở khắp mọi nơi, trong từng hành động, từng khoảnh khắc. Ngài hiển lộ tình yêu của mình trong tiếng chim, trong bầu không khí, trong tiếng lá reo, trong mùi hương trầm, trong đồ ăn, đồ uống và trong từng ánh mắt, nụ cười, lời nói của mọi người bạn gặp mỗi ngày nữa. Tất cả những gì bạn cần làm, là mở đôi mắt của mình ra, mở trái tim của mình ra, mở rộng lòng mình, vòng tay mình, tâm trí mình. Bạn càng mở rộng chính mình bao nhiêu thì sẽ càng có cơ hội để đón nhận Thượng đế và tình yêu thương của Ngài nhiều bấy nhiêu.
Tôi đã mở rộng chính mình, mở rộng bản thể mình tới mức tôi bị tan biến cả đi, tới mức tôi thấy mình chẳng còn tồn tại chút nào. Ngạc nhiên làm sao trong sự tan biến – trống rỗng – vô tồn tại ấy, tôi bỗng thấy mình là tất cả. Thật khó để mà diễn tả cảm giác này. Thật ra chẳng có cách nào để diễn tả được, nó giống như việc làm sao bạn có thể diễn tả sự im lặng, làm sao để diễn tả một khoảng trống? Để hiểu sự im lặng, người ta cần phải im lặng. Để hiểu được khoảng trống, người ta cần là khoảng trống. Để hiểu tình yêu, người ta phải tự mình yêu. Thế thì, để biết ánh sáng là gì, hãy trở thành ánh sáng!
3. Nhà hàng Tipsy thì phải
Để ăn mừng sự kiện tôi đi nhà thờ, sau buổi lễ, E. dẫn tôi tới một nhà hàng món Mexico gần đó và bởi vì vẫn còn trong happy hour, chúng tôi gọi tới 4 ly margarita. Thật không thể tin được chỗ này làm ly magarita to như ly trà đá ấy, to thật sự, tôi chưa bao giờ thấy ly margarita nào to như thế, vậy mà tôi vẫn “quất” hết hai “ca” margarita một cách ngon lành. E. gọi một phần đồ ăn gì đó khá đặc trưng mà tôi chả nhớ tên, đại loại là một lớp bánh bằng bột mỏng được nướng lên rồi cuộn lại với nhân bên trong bao gồm khoai tây ghiền, thịt ba chỉ xông khói băm nhỏ, hành tây, một loại đậu gì đấy, khá nhiều phô mai và hình như cả cà ri nữa. Cái cuộn đồ ăn này khá giống nem cuốn bên mình có điều nó to gấp mười, to hơn bàn tay của tôi, nhỏ hơn bàn chân một chút. Chà chà hình như không ổn lắm khi so sánh đồ ăn với bàn chân. Một cuộn bánh như thế được nhà hàng cắt ra làm hai, E. một nửa, tôi một nửa nhưng chỉ cắn hai miếng nhỏ là tôi ngán, lại “nhường” phần còn lại cho anh chàng.
Nhà hàng hay gọi là quán ăn cũng nhỏ thôi và đa phần chỉ toàn khách nước ngoài, cả hai tiếng ở đây tôi là người Việt Nam duy nhất nếu không tính những bạn đầu bếp hay phục vụ. Trên tường của nhà hàng là bức tranh lớn vẽ hình nhân vật nổi tiếng trong bộ phim hoạt hình cũng nổi tiếng Coco – một trong những bộ phim mà tôi thích nhất vì thông điệp hay, câu chuyện nay, cách diễn đạt hay, nói chung mọi thứ đều hay. Tôi coi phim này không dưới năm lần mà vẫn muốn xem lại.
E. nói nó cũng muốn xem lại bộ phim này.
“Ê hay là qua nhà tao, tối nay chúng mình cùng xem lại bộ phim này.”
Tôi cũng khá thích ý tưởng ấy nên tất nhiên là tôi… từ chối. Hơi nguy hiểm để mà xem phim cùng nhau sau khi mỗi đứa đã “nốc” tới hai “ca” margarita.
Nghe tôi từ chối, E. lộ vẻ tiếc nuối. Tất nhiên rồi, không trách nó được.
Chúng tôi book hai chiếc grab, tôi về quận 1, E. về quận 7. Chúng tôi trao nhau một cái ôm tạm biệt lâu hơn bình thường, E. bảo “Sao ôm mày trong tay tao cảm giác tuyệt thế nhờ?” Tôi bảo: “Vì tao nhỏ bé đáng yêu quá mà.”
Chúng tôi cười và chào tạm biệt và chia tay.
4. Giường
Tối ấy E. nhắn cho tôi những tin như thế này:
“Tao về tới nhà rồi. Cảm ơn mày rất nhiều vì một ngày tuyệt vời. Lâu lắm rồi tao không gặp được ai thú vị và tuyệt vời như mày. Ở bên mày cảm giác thật tự nhiên và dễ chịu.
Nếu mày không để ý, thì tao nhắc cho mày biết điều này, là tao nghĩ mày rất thu hút và tao thích mày hơi bị nhiều. Hi vọng sẽ sớm gặp lại.”
Tôi thấy “biến hơi căng” nên bảo: “Mày có thích tao đủ nhiều để chỉ làm bạn không?”
Nó đáp: “Có thể, nhưng thành thật mà nói, tao thật sự muốn biết về mày nhiều hơn và tao muốn “date” mày nữa (hẹn hò nghiêm túc).”
“Ồ, cảm ơn nhé, nhưng mà hãy mạnh mẽ lên nào, đừng để 2 ca margarita và những chai bia hôm nay lừa đảo cảm xúc của mày nha. Nhớ điều này nữa, tao là Lucifee nha.”
“Ô thôi nào, làm ơn đi. Tao biết tao muốn gì mà. Mày đã “bắt được” tao từ lúc ăn trưa rồi.”
“Là sao?”
“Ý tao là mấy chai bia với cocktail ấy chả ảnh hưởng gì tới cảm xúc của tao cả. Tao thích mày từ tận bữa trưa cơ. Ánh lửa trong mắt mày. Nụ cười xinh đẹp của mày. Những cái hột gạo đáng yêu trên má mày khi mày cười. Cách mày làm tao cười thật nhiều. Sự thông minh của mày… Tất cả những điều này đã “bắt hồn” tao từ bữa trưa trước khi tụi mình đi uống cơ.”
“Kiểu như những cái hột gạo của tao đáng yêu quá đến nỗi khiến mày muốn làm cho tao cười mãi mãi để thấy chúng mãi mãi hả?” Tôi chọc.
“Nếu được vậy sẽ khiến tao rất hạnh phúc.”
Tôi không dám nói gì nhiều hơn, sợ gieo hi vọng, sợ tạo ra kì vọng không mong muốn nên lảng lảng đổ lỗi cho hai ly margarita rằng chúng làm tôi hơi buồn ngủ để nói chúc ngủ ngon.
Quả thực là như vậy.
Tôi không chỉ ngán ăn, ngán làm, tôi ngán cả yêu đương thề hẹn. Tôi đã quá “no say” rồi.
Làm sao để nói cho ai đó biết rằng khi tôi gặp họ, tôi 100% thưởng thức khoảng thời gian ở cùng họ, tôi sẽ không để cho quá khứ hay tương lai nào chen vào khoảng thời gian ấy. Nhưng khi cuộc gặp qua đi, tôi chẳng có nhu cầu gặp lại ai cả. Bất kể người đó là người tôi không thích hhay người tôi thích thì cũng vậy.
Mỗi người trên đời, gặp một lần là đủ.
E. biết rõ điều này. Tôi nói cho nó biết từ hồi bữa trưa. Tôi chẳng giấu ai cái gì cả. Lúc ấy nó bảo tôi tệ, vì kiểu như đi gieo thương nhớ xong rồi cứ thế quay lưng đi. Nhưng tối nay, sau khi đã dành cả buổi chiều trò chuyện và ăn uống đi nhà thờ các thứ cùng nhau thì nó hiểu. Nó biết tôi là người chỉ sống trong khoảnh khắc hiện tại. Tôi không chỉ không bận tâm nhiều về quá khứ mà thậm chí còn chả muốn nói bất cứ gì về tương lai.
Tôi đang cố hoàn thành mọi lời hứa của mình trước đây còn chưa xong, chẳng dại gì lại tạo ra thêm những lời hứa khác, dẫu cho chỉ hứa cho người khác vui, kiểu “Ồ tất nhiên là chúng ta sẽ gặp lại nhau chứ…”
Tôi bây giờ, chẳng muốn “gặp lại” một ai.
Càng không muốn “lặp lại” bất cứ hành động vô thức nào trong cuộc sống này.
Kể cả hành động lên kế hoạch cho cuộc sống.
Cả đời tôi đã từng lên kế hoạch và thấy cuộc đời theo kế hoạch sao mà chán òm. Kể cả khi kế hoạch được hoàn thành hay không, đều chán. Bất cứ cái gì làm tôi chán, tôi không muốn lặp lại. Thế nên bây giờ, ngay lúc này, tôi đang được sống một cách khác, một cách mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới: một cách sống không mục tiêu, một cuộc sống không kế hoạch, không đích đến. Mới đầu cũng có chút lo lắng bất an nhưng khi bạn đã học được cách tin cậy vào cuộc sống, tin vào Thượng đế, tin vào “luật” và “pháp” và nhất là tin vào bản thân, thế thì nó là một cuộc sống tuyệt vời… khủng khiếp, tuyệt tới mức không thể tin được cũng không thể diễn tả được.
Tôi không dám khuyến khích bạn sống như thế vì cái gì cũng cần có quá trình, sâu bướm phải làm kén, làm sâu trước khi hoá thân thành bướm. Bạn cần trải qua một cuộc đời được lên kế hoạch hoàn hảo, thưởng thức cái hay lẫn cái dở của nó một cách tường tận, sau đó buông bỏ “ham muốn” sống cuộc đời như một kịch bản được làm sẵn, chuẩn bị bản thân mình từ vật chất đến tâm trí và linh hồn, thế thì lúc này bạn sẽ sẵn sàng để sống một cuộc sống không kế hoạch, không mục tiêu mà tôi vừa nói tới.
Hoặc là, cách dễ hơn, hãy “đi theo” ánh sáng này của tôi, đọc những điều tôi chia sẻ về một cuộc sống không kế hoạch, không mục tiêu này mỗi ngày (bắt đầu từ hôm nay). Hi vọng nó sẽ cho bạn một thóang nhìn, một chút chỉ dẫn, một ví dụ, một “tia sáng” le lói về một thế giới khác – một thế giới trong thế giới này mà chẳng thuộc thế giới này – để rồi một ngày nào đó bạn nhận ra: bạn cũng có thể trở thành ánh sáng, bạn chính là ánh sáng.