Laughs and Tears are both needed the same.
“Sống trên đời có hai thứ tôi mong bạn đừng bao giờ bỏ lỡ, một là những tiếng cười, hai là những giọt nước mắt. Cả hai thứ làm cho bạn đầy đủ và giàu có. Không có nước mắt, nụ cười rất nông cạn. Không có nụ cười, nước mắt quá đau thương.
Có thể cười cũng có thể khóc, có thể tận hưởng niềm vui và cả nỗi buồn và trân trọng cả hai. Ấy mới là cuộc sống.
Bất cứ ai không bao giờ khóc sẽ không bao giờ biết được nước mắt có sức mạnh như thế nào. Nó tẩy người ta khỏi rất nhiều đớn đau sầu muộn và cũng có thể làm dịu cả những khoảnh khắc thăng hoa.
Ai chỉ biết tới những giọt nước mắt đau đớn mà chưa từng được khóc những giọt nước mắt hạnh phúc thì cũng bất hạnh luôn.
Tôi đã từng khóc nhiều vì buồn đau và cả vì hạnh phúc, chúng thật tuyệt, nhưng giờ đây nước mắt của tôi không còn là đau buồn hay hạnh phúc nữa, nó đã vượt lên cả hai.
Bất cứ khi nào cảm xúc đầy tràn mà không biết làm sao cho vơi bớt, nước mắt lại tuôn ra. Chỉ ngồi im ngắm mặt trời lặn rực rỡ quá, nước mắt tôi trào ra. Ngắm hoa hồng bung nở, nước mắt bỗng đầm đìa. Ánh trăng đêm sáng đẹp quá cũng đủ làm dâng tràn nước mắt. Tôi khóc mà thậm chí không biết mình khóc. Tôi có thể quan sát mình khóc cứ như thể ai đó khóc chứ không phải mình.
Tôi vẫn là tôi nhưng chẳng là tôi nữa.
Cảm giác này, cảm giác linh thiêng này, làm sao nói ra?
Tất cả bắt đầu từ buổi sáng định mệnh ấy, khi tôi đứng trên đỉnh đồi dưới mặt trời ấm áp, gió lùa trong rặng cây, mây bay lững thững và những rạng cỏ may uốn mình nghiêng theo gió như thể phụ hoạ cùng tiếng chim từ xa vọng lại.
Cái giây phút đó khi nhận ra mình chỉ là một áng mây lang thang, một nhành cỏ may vô danh trên đỉnh núi, tôi chẳng phải hoa hồng hoa lan hoa ly hay gì hết, chỉ một nhánh cỏ thôi. Ôi cái khoảnh khắc mê ly ấy nước mắt của phúc lạc cứ trào ra không dứt…
Từ buổi sáng phúc lành ấy, mắt tôi chưa bao giờ thực sự khô và tôi yêu nó vô cùng!
Bên dưới là khi viết tới những dòng buồn này nước mắt tự dưng cứ trào ra. Tôi khóc đấy nhưng cùng lúc lại thấy mình không khóc, mình đang rất tỉnh táo, rất nhận biết, mình chỉ là người đang quan sát mình khóc. Thật kì lạ!
Tôi có cả đống video quay cảnh nước mắt của chính mình như thế này trong điện thoại, chẳng có ý khoe khoang gì, chỉ đang tập tành miêu tả lại thứ gần như không-thể-miêu-tả được mà thôi.
Bạn có hiểu không?
Trở thành người quan sát, quan sát mọi vui buồn trong đời và cảm xúc trong tim mình. Trở thành trống rỗng để Thượng đế giáng xuống bạn. Đôi khi Thượng đế giáng xuống với hình hài con người, đôi khi hình hài chim bồ câu và đôi khi hình hài những giọt nước mắt.
Bất cứ khi nào nước mắt tôi tuôn xối xả mà bản thân không thấy buồn cũng chẳng thấy vui, chỉ phúc lạc, an yên… Tôi biết đó là Thượng đế!” – Phi Academy 28/12/2020
Sài Gòn, thứ bảy, 11/01/2020
Ăn xong hãy khóc
Cuối cùng thì nhiệm vụ ở Sài Gòn của tôi cũng hoàn thành. Sau khi trao những cái ôm nồng ấm, đợi cho những vị khách bước lên xe bus và rời đi, tôi mới nghĩ xem giờ mình nên làm gì.
À, tôi muốn khóc. Vậy thì đi đâu để khóc cho ngon lành đẹp đẽ? Tôi quyết định chọn một quán cafe kiêm nhà hàng rất đẹp trên phố Hàn Thuyên, ngay cạnh công viên lớn với những cây xanh già hàng trăm tuổi để… khóc.
May mắn chọn được chiếc bàn rất đẹp bên ô cửa kiếng lớn, tôi quyết định đợi gọi món, ăn xong, uống xong, khi tất cả mọi sự tươm tất thì sẽ khóc.
Tôi gọi một phần ức gà nướng Trung Đông với sốt vỏ chanh, ăn kèm một loại ngũ cốc rất lạ, nhìn thì như hạt đậu xanh nhưng trong như gạo và vị thì gần giống như ngô, quả thật rất lạ. Người ta hấp loại ngũ cốc này cùng với bí ngô nghiền, hạt hướng dương và cả nho khô nữa. Tất cả trộn đều trong một lớp sốt mỏng màu nâu đỏ. Đồ ăn thì ngon nhưng tôi thì vẫn vậy, vẫn chẳng cảm nhận được sự ngon lành của chúng.
Tôi ăn những miếng ức gà nướng sốt vỏ chanh tuy rất thơm mà thấy như mình đang nhai… bã mía vậy. Tôi ăn cơm ngũ cốc mà tưởng như mình đang nhai hạt mốp chứ chẳng khác gì. Đồ ăn mấy trăm ngàn một dĩa tí teo mà không cảm nhận được hương vị một cách trọn vẹn, thế có chán tôi không?
Tôi muốn gọi một ly cocktail nhưng tiếc thay happy hour kéo dài từ năm giờ chiều chứ không phải 12 giờ trưa, thế có chán đời thêm một chút nữa không?
Ăn uống xong, bàn cũng dọn xong sạch sẽ, tôi xỉa răng chu đáo và cảm thấy mắt đã bắt đầu ươn ướt…
“Một năm đủ cho một đời”
Sáng nay tôi cũng khóc, khi cả nhóm ngồi trong tiệm Lamenda xinh đẹp để uống cafe và ăn sáng, khi tiếng nhạc bài “perfect” và bài “angel” cất lên, tôi nhớ anh ấy khủng khiếp. Tôi lặng yên nghe tiếng nhạc, Z thấy tôi buồn thì biết có chuyện gì đấy, nó nắm tay tôi, bảo: “Mày lại buồn rồi đúng không? Tao không thích thấy mày buồn. Tao muốn thấy mày đi gặp gỡ mọi người và sống thật vui vẻ. Tao chỉ muốn thấy mày hạnh phúc thôi.”
Tôi nhìn vào đôi mắt hạt dẻ to tròn của nó, nói một điều mà chính tôi cũng không tin mình lại nói ra: “Tao không muốn hạnh phúc nữa.”
“Cái gì?” Z hốt hoảng.
“Tao không muốn hạnh phúc nữa. Vì hạnh phúc sẽ luôn đi kèm với bất hạnh. Tao không muốn cả hai. Tao muốn thứ gì đó vượt lên trên cả hai cảm giác đó.”
“Mày không thể nào vì đau một lần mà không yêu nữa chứ. Đó là điều tuyệt vời nhất khi người ta có thể yêu và cũng có thể đau, thế rồi đứng lên và lại tiếp tục yêu nữa.”
“Tao không muốn yêu nữa. Tao mệt mỏi rồi.”
“Đấy chỉ là mối tình một năm, rồi thời gian sẽ chữa lành tất cả.”
“Nó là một năm, nhưng đối với tao, tao thấy đủ cho cả đời rồi.”
Z biết không nói lại được tôi nên đành im lặng. Nó kéo tôi gục vào vai nó để tôi khóc cho thoả thích trong khi Anne và Jay thì ngồi ở ghế đối diện có lẽ đang hoang mang không biết chuyện gì xảy ra. Cái tánh tôi hơi kì, khi tôi khóc, tôi chẳng bao giờ bận tâm ai đang ở xung quanh.
Có hai thứ không bao giờ tôi kìm nén trong đời mình, một là những nụ cười và hai là những giọt nước mắt. Đôi khi tôi khóc và cười thoải mái quá khiến người khác cảm thấy có phần… khó chịu. Tôi mặc kệ luôn cả họ.
Tại sao người ta lại khó chịu khi thấy người khác thể hiện cảm xúc chứ? Bởi vì chúng ta sợ bị phán xét nên cũng ta cũng dần kìm nén cảm xúc của chính mình. Mọi người không còn cười lớn, không còn khóc lớn vì điều đó phản lại hình tượng mà họ xây dựng chăng? Một thế giới toàn những người quá nghiêm chỉnh, nghiêm túc, nghiêm trọng hoá… là một thế giới chán òm. Tôi không muốn sống trong thế giới ấy. Tôi muốn sống trong một thế giới đầy ắp tiếng cười và đầy ắp cả những giọt nước mắt nữa.
Nước mắt bản thân nó có nhiều loại, nước mắt buồn, nước mắt đau nhưng cũng có nước mắt vui, nước mắt hạnh phúc. Sau cùng còn một loại nước mắt khác nữa, à hai loại chứ, mém quên loại nước mắt cá sấu, tức nước mắt giả vờ, hai là nước mắt thật, nước mắt tới từ nguồn nào đấy của vũ trụ, tôi gọi nó là nước mắt của phúc lạc, bình an.
Ngoại trừ nước mắt cá sấu, tôi đã trải qua tất cả những loại nước mắt kia rồi. Tôi thích loại hạnh phúc và loại phúc lạc nhưng giờ đây tôi chỉ còn thèm loại phúc lạc mà thôi. Ấy là khi tự dưng bạn bật khóc, khóc ngon lành, khóc nức nở vì một lý do đặc biệt nào đấy mà bạn chẳng biết là lý do gì, cũng chẳng bận tâm tìm hiểu lý do là gì luôn.
Tôi hay khóc hay cười và điều ấy làm phiền lòng nhiều người lắm. Cũng may tôi có cái biệt tài là thường không quan tâm lắm chuyện người khác nghĩ gì, chỉ cần họ đừng để tôi biết. Nhưng người ta thì đâu có quan tâm tôi muốn gì, họ cứ để ý và soi xét tôi kĩ lắm.
Đó là hồi tôi còn làm việc trong dự án phim, văn phòng công ty đặt trong một khu co-working xinh đẹp nơi rất nhiều người xa lạ cùng chia sẻ nhau một không gian văn phòng được thiết kế vô cùng hiện đại, thân thiện và ấm cúng. Tôi hay đi vòng quanh nói chuyện và chọc cười mọi người. Một chị đẹp chủ công ty du lịch mỗi lần thấy tôi đều bảo “Chị rất thích giọng cười vang của em. Nó giòn giã và đầy năng lượng.” Tôi tin chị ấy lắm vì tôi cũng suy nghĩ tương tự. Ấy vậy mà có người chẳng đồng tình với chị em tôi chút nào, ấy là bạn trợ lý công ty tôi. Bạn ấy gọi tôi riêng ra và bảo: “Bạn cười be bé thôi. Đây là không gian chung. Tiếng cười của bạn làm ồn và làm phiền người khác.” Tôi nghe tới đây thì hết hồn lắm, chưa từng ai nói với tôi điều này cả nhưng cậu trợ lý nhìn rất nghiêm túc nên tôi cũng nghiêm túc, tôi bảo cậu: “Chẳng có gì sai với tiếng cười cả. Đây là không gian làm việc chung nên chính vì thế nó mới cần có một chút tiếng cười để làm mọi người thoải mái hơn, thư giãn hơn chút thay vì ai cũng cau có, nhăn nhó như những con khỉ già. Tôi không nghĩ tôi cười là sai, nhưng tôi cho rằng người nào nghĩ cười là sai, ấy mới là người có vấn đề.”
“Nhiều người phàn nàn giọng cười của cậu lắm đấy.”
“Thật không? Vậy mà tôi lại toàn nghe khen cơ đấy.”
“Người ta khen ngụ ý đấy, khen giả vờ đấy.”
Đến lúc này thì tôi không chịu nổi nữa. Người ta có thể trừ lương tôi, đuổi việc tôi, nói xấu sau lưng tôi, tôi chấp hết nhưng tôi sẽ không bao giờ cho phép ai kiểm soát tiếng cười của mình, thế nên tôi tiếp tục: “Tôi tôn trọng ý kiến của cậu. Cho nên cậu cho tôi biết tên những người mà nói rằng giọng cười của tôi là điều phiền toái, tôi sẽ đi xác nhận và xin lỗi từng người bọn họ.”
Cậu ấy đáp: “Thôi không phải làm vậy.”
“Tôi phải làm, đây là tự do của tôi. Bất cứ ai có vấn đề với tiếng cười của người khác, ấy mới là người có vấn đề. Tôi có phải đứa cười 24/7 đâu? Tôi có phải người cười một mình hay cười qua điện thoại đâu? Tôi chọc những người xung quanh cười cơ mà? Cậu phải cho tôi tên những người ấy để tôi đi xin lỗi, bằng không, tức là cậu nói dối. Tức là chỉ mình cậu bực bội thôi và cậu đi đổ lỗi cho những người khác. Nếu cậu không cho tôi được cái tên nào để tôi đi xin lỗi, thế thì tôi nghĩ rằng cậu sẽ phải xin lỗi tôi.”
Thế là cậu ấy xin lỗi tôi thật.
Tôi buồn lắm. Tôi buồn cách mọi người không hài lòng khi thấy người khác cười. Tiếng cười đã bị lên án quá nhiều và quá lâu rồi. Người ta chẳng chấp nhận tiếng cười trong đền chùa nhà thờ, người ta không chấp nhận tiếng cười trong lớp học, hội nghị, các nghi thức lễ lạc. Chính vì thế mà thế giới mới buồn thảm nghèo nàn như vậy. Đáng lẽ nụ cười nên là một trong những tiêu chuẩn nòng cốt nhất của cuộc sống mới phải.
Tôi muốn sống trong một thế giới mà các linh mục hài hước, sư thầy hài hước, giáo viên hài hước, doanh nhân hài hước, chính trị gia hài hước… Nơi mà chồng làm vợ cười, vợ làm chồng cười, nhận viên, sếp và đồng nghiệp cùng nhau cười thật nhiều, khách hàng lẫn người bán hàng cùng cười… Một thế giới như vậy chẳng phải rất thú vị sao?
Vậy mà người ta không chỉ không cười, người ta còn muốn bịt miệng những người đang cười nữa.
Tôi có một khao khát là viết ra một cuốn sách tiểu thuyết khiến mọi người cùng khóc, cùng cười, cười thật nhiều, cười đến rơi nước mắt.
Nếu như bạn có thể nhìn ra tính tâm linh của những nụ cười, tôi tin chắc bạn sẽ tôn trọng nụ cười, quý trọng nụ cười hơn rất nhiều đấy.
Nhưng như đã nói, một cuộc đời chỉ có cười mà không có nước mắt thì cũng không được xem như hoàn thành, không được xem là mỹ mãn. Một người điên cũng có thể cười 24/7 nhưng nụ cười của anh ta chẳng đáng giá bao nhiêu cả, nó không có chiều sâu. Một nụ cười sẽ trở nên đáng giá, trở nên có chiều sâu khi nó được song hành và hỗ trợ bởi những giọt nước mắt. Nước mắt không phải thứ đáng sợ đâu, nó cũng đáng yêu và đáng quý hệt như nụ cười vậy đó.
Trở lại với khả năng khóc của tôi. Cũng trong giai đoạn làm việc trong hãng phim tôi đã khóc rất nhiều, bởi vì cả công ty toàn nam mà mình tôi là nữ. Tất cả họ có góc nhìn giống nhau và họ ở cùng phe trong khi một mình tôi ở phe đối lập. Những cuộc tranh luận xảy ra liên miên mà tôi, tất nhiên, khi nào cũng thua. Tôi không giỏi cãi thì chớ lại còn phải cãi với một đống nam nhân, làm sao đấu lại? Mà khi không đấu lại nhưng ấm ức quá thì làm gì? Khóc thôi chứ gì.
Tôi khóc nhiều lắm, gần như khóc mỗi ngày. Các anh đồng nghiệp thấy tôi khóc thì khoái chí chọc cho tôi khóc thêm, riêng anh Sếp là rất tâm lý, thường an ủi tôi. Có điều cách anh ấy an ủi còn làm tôi muốn khóc nhiều hơn nữa. Là một đạo diễn nổi tiếng, anh ấy nói:
“Em biết không, trong một bộ phim điện ảnh, nước mắt là thứ rất quý. Người ta gom hết cảm xúc lại cô đọng nó thành một hai giọt nước mắt và phải đảm bảo làm sao những giọt nước mắt ấy chỉ chảy ra ở những thời khắc quan trọng thôi. Thế thì nước mắt mới có ý nghĩa, chứ một bộ phim mà nhân vật chính khóc nhiều quá sẽ chán lắm. Đừng lãng phí nước mắt của em.”
Lời khuyên của anh sao mà chí phải, rất có lý nhưng không hề thuyết phục được tôi bởi vì lý do cực đơn giản: đó là lý thuyết trong phim điện ảnh và tôi thì đang không đóng phim. Tôi không khóc để tranh thủ sự thương hại hay thấu hiểu, tôi không khóc cho đẹp hay cho vui. Tôi khóc khi cảm xúc đầy qúa không biết làm sao để trút ra, thế thì tự dưng nước mắt chảy thế thôi. Nước mắt ấy chính là cảm xúc được cô đọng lại, đôi khi là sự tức giận, đôi khi là sự ấm ức, có lúc là nỗi buồn, khi lại là niềm vui. Tôi lại là người nhạy cảm nữa chứ đâm ra cảm xúc lúc nào cũng dâng tràn đầy ắp trong tim, chỉ chờ một cơ hội để được trào bớt ra bên ngoài.
Nếu như đời tôi là bộ phim có lẽ thật sự chẳng ai bận tâm đến nước mắt của tôi chút nào vì nó nhiều quá, làm loãng phim. May quá đời tôi không phải bộ phim điện ảnh. Xét mặt nào đó nó đúng như một bộ phim vì tôi sống cuộc đời khá đẹp và thú vị nhưng mặt khác nó không phải phim vì tôi sống không để cho ai xem cả ngoại trừ chính mình. Mà khi bản thân bạn vừa là đạo diễn, diễn viên lẫn khán giả cho bộ phim cuộc đời bạn thế thì bạn sẽ không quá hà khắc với kịch bản đâu.
Tôi cũng thế thôi, tôi trân quý từng nụ cười cũng như từng giọt nước mắt của mình. Người khác nếu không tôn trọng nước mắt của tôi thì ấy là việc của họ chứ, đâu phải việc của tôi? Tôi trân trọng giọt nước mắt đau khổ ngang bằng giọt nước mắt hạnh phúc. Tôi yêu quý nụ cười vui ngang bằng những nụ cười buồn. Buồn mà vẫn cười được thì thật là hay. Buồn mà vẫn cười thì nên gọi là gì? Nhất định không phải là “buồn cười” rồi, có lẽ là “cười buồn”. Ngôn ngữ thật là hay. Tôi là ngươi viết nên càng cảm nhận được nhiều hơn cái hay tuyệt vời của ngôn từ.
Cũng hồi làm trong công ty phim điện ảnh đó tôi có dự định viết một cuốn sách, chủ đề đại loại “100 cuộc hẹn hò”. Tôi dự định sẽ gặp gỡ 100 người bạn nước ngoài và viết về những cuộc gặp đó để cho các cô gái đang tò mò việc hẹn hò người nước ngoài biết một cuộc hẹn thường xảy ra như nào, nhưng rốt cuộc dự án bị bỏ dỡ vì chỉ sau tầm chục cuộc hẹn tôi đã thấy… ngán quá. Ngán thật sự. Gặp người chán thì đã ngán rồi, đôi khi gặp người thú vị cũng khiến bạn ngán luôn. Thật đấy! Giống như là ăn một món dở đã đủ chán rồi, một món ngon nào đấy mà bạn phải ăn đi ăn lại thì có còn thấy ngon như ban đầu?
Tôi không nhớ nổi 1/3 số cuộc gặp mặt mà tôi đã thực hiện nhưng có một cuộc gặp kia tôi rất nhớ, nó là với một anh chàng da đen. Lần đầu tiên tôi có cuộc hẹn với một người da đen và nhà hàng mà chúng tôi chọn cũng chính là nhà hàng này: Au Parc, đường Hàn Thuyên, khá gần công ty tôi.
Đó là một buổi hẹn hò đáng nhớ vì tôi thấy mình… tệ quá. Đầu tiên là đến trễ, vì trời tự dưng đổ mưa và tôi không thể nào bắt được chiếc taxi hay grab nào cả vì ỷ y đang ở gần, thế là tôi phải chạy bộ tới dưới cơn mưa tầm tã, tới nơi ướt nhèm nhẹp cả ra và trễ tầm gần một tiếng. Má ơi, chưa bao giờ trễ hẹn một cách đáng xấu hổ như thế.
Điều xấu hổ thứ hai là trước khi đến, vì biết bị trễ nên tôi nhờ anh bạn order đồ ăn sẵn cho mình, tôi chọn món beefsteak mà không hề biết rằng món ấy ở đây đắt khiếp, khoảng 500k cho một phần bò nướng huhu, tôi nào có hay biết đâu cơ chứ, xưa giờ trong mọi bữa ăn chung được mời, tôi chưa bao giờ gọi món nào đắt đỏ cả, như một cách tôn trọng người ta. Thế là khi tôi đến đồ ăn đã nguội hết cả. Tôi xin lỗi anh bạn rối rít. Thật may anh ấy là người dễ chịu nên vẫn tươi cười vồn vã và hôm ấy chúng tôi đã nói chuyện thật vui. Anh chàng da nâu nhưng rất đẹp trai, đang là giảng viên đại học dạy ngành văn thơ. Hèn gì chúng tôi nói chuyện sách vở, văn thơ, lịch sử hạp nhau quá trời. Bữa hẹn hò thành công tốt đẹp và sau đó vài ngày khi muốn nhắn tin nói chuyện trở lại thì ôi thôi, tôi không nhớ nổi tên anh chàng mà mình đã lưu trong điện thoại là gì để mà nhắn tin nữa. Thật là tệ hại cái trí nhớ này. Hôm ấy, lần hiếm hoi trong đời, tôi thấy bực bực ghét ghét bản thân mình cả ra. May mà tính tôi không bao giờ ghét ai lâu, kể cả chính mình. Điều ấy hoá ra là một phúc lành.
Tôi không thể ghét ai lâu và cũng thường không nhớ mong ai quá lâu cả, đáng lẽ ra phải là như thế. Vậy mà lần này, cái con người khốn kiếp, anh đã làm gì tôi thế này? Anh đã làm gì để tôi ra nông nỗi này? Để mỗi khi nhớ về anh, dù cho là sáng bình minh hay chiều hoàng hôn, dù ở vùng núi hay vùng biển, dù ngày hay đêm, dù đang ở nhà một mình hay trong nhà hàng đông người qua lại, chỉ cần nghĩ về anh, tự dưng nước mắt lại trào ra từ hai khoé mắt.
Đời tôi đã làm cho nhiều người đàn ông khổ, giờ tôi gặp quả báo rồi nhé, tôi đã gặp đúng đối thủ rồi, người khiến tôi đau khổ quá chừng mà lại còn hạnh phúc vì cái đau khổ của mình nữa mới chết tôi chứ. Nếu như một người đau khổ đau khổ, thế thì dễ để mà buông bỏ. Đàng này tôi bị chênh vênh giữa hai thái cực vừa đau khổ nhưng cũng vừa hạnh phúc khi nghĩ về anh, nghĩ về những gì chúng ta từng có.
Hạnh phúc nào cũng gắn kèm với đau khổ, có phải vậy không?
Nếu vậy thì tôi chấp nhận không bao giờ hạnh phúc nữa, tôi muốn vượt lên trên nó. Tôi muốn thoát ra khỏi nó. Tôi cần phúc lạc bình an, thứ mà anh đã từng mang lại và cũng đã lấy đi khỏi tôi mất rồi.
Anh đi rồi, sao không đi luôn đi, sao còn cứ ở trong tim tôi mãi thế?
Nước mắt kêu gọi thêm nước mắt trong khi kí ức cũng liên tục triệu hồi thêm kí ức.
Tôi ngập ngụa trong đống kỉ niệm vừa hạnh phúc vừa đau khổ của chính mình.
Tự dưng tôi thèm nghe bài Memories của Maroon quá đỗi. Thèm nghe bài này thì tất nhiên phải thèm cả một ly cocktail thật thơm ngon.
Tôi muốn gọi một ly cocktail nhưng cậu bồi cho biết happy hour kéo dài từ năm giờ chiều chứ không phải 12 giờ trưa, thế có chán đời thêm một chút nữa không? Tôi quyết định không gọi cocktail vì sợ một ly ban đầu sẽ nhanh chóng triệu hồi thêm các ly khác không bao giờ chấm dứt.
Bạn phục vụ đến mang dĩa đồ ăn thừa đi, lau bàn sạch sẽ. Tôi cũng đã xỉa răng xong đâu đấy, nhấp một ngụm trà đăng đắng nơi đầu môi, mọi sự thật hoàn hảo và chu đáo.
Thế rồi tôi thấy mình bắt đầu… khóc.