Sống thanh thản giữa cuộc đời bão tố

Thanh thản là gì?  Làm sao tuổi trẻ có thể thanh thản được khi mà xã hội ngoài kia quá vội vàng và lôi cuốn ta vội vàng theo?
Đây là hai trong số những câu hỏi tôi nhận được trong một sự kiện talkshow diễn ra tại toà nhà Bitexco vài năm về trước. 
Thanh thản là gì? Là khả năng sống trong vô tư, không lo âu, không vướng bận.
Hãy hình dung, bạn đang trên đường về nhà, trời đang có bão và nhà bạn còn xa, hẳn bạn sẽ cảm thấy rất lạnh, rất sợ và lo lắng nữa. Nhưng một khi bạn đã về tới nhà, bước vào trong căn nhà vững chãi và ấm áp, nơi mà bạn biết cơn bão kia không thể chạm tới bạn được, thế thì ai còn bận tâm gì về cơn bão ngoài kia?
Xã hội đầy rẫy những cơn bão và bạn vẫn đang lang thang ngoài đường, bạn đang run rẩy oằn mình trong cơn bão đó. Bạn quên mất mình có nhà, bạn quên mất bạn có một nơi để cư ngụ cực kì ấm áp và an toàn.
Bạn cũng không hẳn là quên nhưng căn nhà đó bạn không thuộc về bạn nữa, bạn không thể ở trong đó nữa rồi. Nó chật quá. Bạn đã bỏ cả đời tích cóp để chất những thứ đồ đạc vô dụng vào trong căn nhà của bạn đến nỗi nó chật ních, đến nỗi không còn một chỗ trống nào cho chính bạn ở được nữa. Và bạn nhường chỗ, bạn bước ra bên ngoài căn nhà và sống luôn ở đó.
Bạn sống ở đó lâu đến nỗi bạn quên luôn căn nhà đó là của bạn, bạn quên luôn việc bạn quan trọng hơn những thứ bạn đã tích cóp được đó. Giờ thì tài sản làm chủ căn nhà của bạn và bạn là một kẻ ăn xin vất vưởng. Cơn bão tới bạn chỉ có thể lo sợ và khóc lóc thôi, không còn chỗ nào trú cả, căn nhà đã chật quá rồi!
 
Nếu như bạn có một chút can đảm, một chút tỉnh táo, bạn sẽ chiếm lại căn nhà của bạn, bạn sẽ quăng hết ra đường những thứ đang choán hết chỗ trong căn nhà và lại biến nó thành một nơi ấm áp, an toàn, một nơi bất khả xâm phạm mà không cơn bão nào có thể chạm tới bạn được nữa.
Có một căn nhà như thế bên ngoài vật chất, đó là căn nhà tâm trí của bạn. Nó đang bị chất đầy bởi những tham vọng vật chất, danh vọng, quyền lực, bởi những suy nghĩ, lo lắng, bận tâm, phán xét về quá khứ và tương lai… Bạn không nhận ra đó toàn những thứ không có thật, chúng sẽ tan biến ngay nếu bạn ném chúng vào cơn bão, chúng chẳng có giá trị gì khi bạn lìa đời. Thế nhưng bạn yêu quý chúng đến nỗi bạn chất chúng vào nhà còn bạn thì ra ngoài ở.
Và rồi bạn lại run rẩy kêu khóc khi cơn bão tới
mà bão thì luôn luôn tới…
Những cơn bão 
Ngay lúc này có hai cơn bão đang xảy ra, một cơn nhỏ mang tầm mức Việt Nam và một cơn lớn hơn mang tầm mức quốc tế. Cơn quốc tế đang là chủ đề của mọi cuộc bàn tán hiện nay: cơn bão Corona, thật lạ khi nó trùng tên một loại bia nổi tiếng: Bia Corona. Cả vi khuẩn và bia đều có những khả năng khá giống nhau đó là huỷ hoại sức khoẻ, cơ thể vật lý và khả năng khác khủng khiếp hơn là tác động rất mạnh đến sức khoẻ tinh thần, tâm trí của con người.
Điểm khác nhau quan trọng nhất của hai cơn bão đó là một cơn tốt và một cơn xấu, xấu tệ.
Cơn bão cồn
Từ khi luật cấm rượu bia khi tham gia giao thông ra đời, quán nhậu ế đi thấy rõ, cái này chúng ta dễ thấy trên mạng xã hội thôi chứ ngoài đời tôi ít đi ngang quán nhậu nên cũng không thể kiểm chứng. Thứ duy nhất tôi kiểm chứng được là tác dụng của luật này đối với những người xung quanh mà tôi biết. Cơn bão “thổi nồng độ cồn” này bị các quý ông ghét bao nhiêu thì phụ nữ lại thích chí bấy nhiêu. Họ vui sướng khi có thêm một lý do vừa hợp tình, hợp lý, hợp cả túi tiền để khuyên các ông chồng của mình “đừng uống” hoặc “uống ít thôi” vì “coi chừng bị thổi đấy”. Mà công nhận nó có tác dụng thật. Tất nhiên ở đây không bàn tới việc luật này có chặt chẽ hay không, có bị lạm dụng hay không, cũng xin không bàn tới vấn đề vệ sinh hay vấn đề tranh cãi qua lại giữa các bên, chỉ một điều dễ quan sát nhất đó là các quý ông chưa bao giờ “sợ hãi” và “xa lánh” rượu bia một cách nhiệt tâm đến thế. Thật đáng mừng.
Rượu bia làm cho người ta mất khả năng điều khiển cơ thể, cảm xúc lẫn tâm trí. Nói chung là mất kiểm soát hoàn toàn. Nếu như các ông uống rượu bia xong mà xỉn nằm ngủ ngay thì có lẽ các bà cũng không ghét bỏ rượu bia đến thế, đàng này số người đi ngủ sau khi say có lẽ chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay, may lắm thì thêm ngón chân. Số còn lại thì mang nguyên cái thân thể dặt dẹo cùng cái tâm trí quay cuồng ấy đi vào “ăn vạ” cuộc sống. Say xỉn dễ tự ái sinh ra gây sự, đánh lộn, không chỉ đánh người ngoài mà đánh cả người nhà. Rồi thì gây tai nạn không chỉ cho mình mà còn cho người khác. Rồi không kiểm soát được hành vi, vung tay qúa trán gây thiệt hại bao nhiêu về vật chất lẫn tinh thần, chưa kể sức khoẻ gỉam sút với bao nhiêu căn bệnh ủ lại trong người. Rượu bia ngoại trừ một chút cảm giác phấn khích nhất thời khiến người ta quên đi thực tại thì dường như toàn thấy hại, chẳng lợi gì. Vậy mà mọi người vẫn uống, uống vì thói quen, vì nể mặt nhau, vì thể diện, vì vui, vì buồn hoặc vì đời sao nhàn nhạt chả có gì vui mà cũng chả có gì buồn, thế thì lại phải uống cho quên cái nhàn nhạt ấy của đời… Cả đời tôi chứng kiến nhiều những kẻ say xỉn bét nhè, đối với tôi mà nói, những khoảnh khắc ấy họ đều không còn là con người chút nào. Vì để là con người thì người ta phải ít nhất biết mình đang làm gì chứ, phải có chút tỉnh táo, phải biết kiểm soát mình chứ.
Thật hay khi luật về nồng độ cồn ra đời chỉ trước tết chẳng bao lâu thế là tôi được chứng kiến bao nhiêu sự thay đổi mà cả đời tôi chưa bao giờ dám tin đó là sự thật. Một cảm giác khoan khoái trong lòng mỗi khi nghe người trong nhà hoặc những vị khách bảo nhau “thôi đừng uống” hoặc “uống một chút xíu thôi nhé”… Dù cho người ta uống ít đi chẳng phải vì sức khoẻ của mình mà vì sợ bị phạt tiền, ấy cũng là điều tốt. Tiền quả thật là công cụ hữu hiệu vô cùng để đánh vào nhận thức của mọi người. Nếu như tiền làm cho người ta tỉnh táo ra, tiền là tốt. Nếu như tiền làm cho người ta u mê đi, nó là không tốt, hệt như rượu bia vậy.
Tôi có quy tắc cực kì đơn giản để bản thân phân định cái gì là tốt hay xấu: nếu một thứ khiến bạn hành động trách nhiệm hơn, tỉnh táo hơn, ý thức hơn, nó là tốt. Và ngược lại, nếu một thứ khiến bạn hành động vô trách nhiệm, thiếu tỉnh táo, thiếu ý thức đi, thế thì nó là xấu. Tốt xấu trong mắt tôi không liên quan gì đến đạo đức của xã hội, nó tất cả chỉ liên quan đến khả năng nhận thức của mỗi người.
Cơn bão nồng độ cồn là một cơn bão tốt, nó khiến mọi người tỉnh táo hơn, ý thức hơn và hành động có trách nhiệm hơn. Vậy thì trở lại với câu hỏi đầu tiên của bài viết: Thanh thản là gì, làm sao để sống thanh thản giữa dòng đời phức tạp? Bạn có thấy câu trả lời ngay đây không? Ví dụ trong cơn bão nồng độ cồn này, nếu như bạn không uống rượu bia, nếu như bạn biết luật và không phạm luật, thì có lý gì để bạn sợ “bị bắt” không? (Tất nhiên ở đây xin trừ hao vài trường hợp đặc biệt, cái gì đặc biệt thì mong bạn tự hình dung lấy) Khi bạn biết luật và tuân thủ luật thế thì bạn sẽ rất thanh thản. Và nếu như mọi người trong xã hội đều tuân thủ luật, thế thì bạn lại càng thanh thản hơn nữa, sống vô tư hơn nữa vì sẽ không còn “Chí Phèo” nào có thể tới gây vạ cho bạn.
Ba tầng luật
Cuộc sống có luật của cuộc sống, nó như một toà thá ba tầng, tầng thấp nhất là luật sinh tồn – luật tự nhiên, không tuân theo nó bạn sẽ chết. Tầng giữa là luật của xã hội hay còn gọi là luật thiên về tâm trí, nó do con người đặt ra, nếu không tuân theo thì bạn chưa chết ngay đâu, nhưng bạn sẽ gặp rất nhiều rắc rối trong cuộc sống, và rồi cao lên nữa, trên chóp nhọn của toà tháp bạn sẽ gặp luật của linh hồn, hay còn gọi là luật vũ trụ, đạo trời, luật vĩnh hằng, luật Thượng đế – tên nào cũng được cả. Những vị Phật, những bậc giác ngộ là những người cố chỉ cho nhân loại về các luật này. Chỉ khi biết nó, hoàn thành nó thì đời bạn mới mãn nguyện, mới có phúc lạc vĩnh hằng.
Biết cả ba luật này, thi hành tốt cả ba luật này thì cuộc đời một người sẽ rất thanh thản, rất dễ sống, rất vô tư và người đó coi như đã “về tới nhà”. Người đó sẽ không bao giờ còn lo sợ bất cứ cơn bão nào trong cuộc sống, kể cả cơn bão cuối cùng mang tên “cái chết”.
Mọi người đều sợ chết, trừ những người đã hiểu ra luật và thi hành luật. Người ấy biết “chết” là một quy luật thường hằng của cuộc sống, thế thì người đó sẽ không sợ chết nhưng mặt khác cũng sẽ không để cho cái chết tìm đến mình một cách dễ dàng, vô trách nhiệm. Người đó không sợ chết, không có nghĩa người đó sẽ lao mình vào trong cơn bão để tìm cái chết. Người đó không sợ chết nhưng không có nghĩa người đó sẽ đi du lịch một chuyến tới Vũ Hán để thử thách thần chết.
Cơn bão Corona
Cơn bão Corona hay Virus Vũ Hán chính là cơn bão lớn quấy đảo sự chú ý của quốc tế những ngày qua. Đặc biệt hơn nữa khi chúng ta là “người anh em tốt, người hàng xóm hữu tình” của Tung Tung đại ca thì lại càng có lắm điều để nói.
Ngày tết ai cũng chúc nhau an bình yên vui nhưng ngay sau câu chúc cửa miệng ấy là hàng tấn những lời đồn, thông tin thật gỉa lẫn lộn, những lời khuyên bảo, đánh giá, lo toan về trận dịch này. Con virus ấy tuy mới khiến vài trăm người chết nhưng chắc chắn đã có khả năng biến hàng triệu người thành phóng viên, thông tin viên, chuyên gia y tế viên hết thảy.
Tôi thức dậy mỗi ngày trong tiếng chim rộn ràng và làn không khí trong lành của vùng phố núi, đáng lẽ mọi ngày đều thế nhưng vì mấy hôm nay là tết, mà tết thì người ta tìm đến nhau để trò chuyện, thăm hỏi, chúc mừng cho nên thay vì tiếng chim, tôi chỉ còn toàn nghe về cái con virut chết dẫm ấy.
Từ sáng sớm, tiếng nói vang vang của đại gia đình nhà hàng xóm đã không ngừng phát ra những bản tin thời sự nóng hổi nhất về con virut ấy. Tôi “bị” nghe mấy ngày thì chán quá nên tìm cách trốn đi, tôi trốn ra quán cafe mang theo cuốn sách mong tìm một nơi không có con virut ấy thì hỡi ôi lại lạc vào một ổ virut khác. Khắp quán cafe, từ nhóm khách ngồi ngoài hiên cho tới nhóm khách cạnh toilet, ai ai cũng chỉ bàn về mỗi con virut ấy cứ như thể nếu không nói về nó thì người ta… lăn đùng ra chết không bằng. Tôi nghe về nó một cách bị động như thế nhiều quá thì cảm thấy như mình đã bị nhiễm mẹ nó một ít virut luôn rồi.
Làm sao người ta có thể mong cho thứ gì biến đi khi mà người ta luôn và luôn và luôn nói về nó?
Chính việc nhân rộng những lời đồn như thế này vô hình chung tạo ra một cơn bão của lo lắng, bất an, sợ hãi bao trùm khắp xã hội và có thể bạn không tin, bạn đang gián tiếp nhân giống con virut này đấy. Bằng việc lan truyền những điều tiêu cực vô căn cứ, bạn đang làm cho cả xã hội lên cơn sốt, cả xã hội quay cuồng và sức đề kháng của xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ví dụ khi cả xã hội dừng uống bia rượu, chúng ta sẽ có một xã hội tỉnh táo, sức khoẻ, tinh thần của xã hội cũng vươn lên. Nhưng khi cả xã hội cùng lo sợ, bất an, hoảng loạn thế thì chúng ta sẽ có một xã hội rất yếu, yếu cả về sức khoẻ vật lý lẫn tinh thần. Tôi gọi điều này là sức đề kháng của xã hội. Nó giống hệt sức đề kháng của một con người. Khi cơ thể một người khoẻ mạnh, tinh thần cũng khoẻ mạnh thế thì người ấy có sức đề kháng tốt và sức đề kháng này như một tấm màn năng lượng vô hình bảo vệ người ấy trước nhiều khả năng nhiễm bệnh. Ngược lại khi một người đau yếu cả thể chất lẫn tinh thần, virut vi khuẩn rất dễ xâm nhập và gây ra đủ thứ bệnh tật.
Nếu như chúng ta sống trong một xã hội nơi đâu đâu cũng hoảng loạn, lo lắng, bất an thế thì chúng ta cũng không tránh khỏi bị lây nhiễm những lo lắng bất an này. Càng lo lắng bất an bao nhiêu bạn lại càng làm mồi ngon cho mầm bệnh bấy nhiêu. Cho nên, để bảo vệ nhau và cũng là để bảo vệ chính mình, đừng làm loạn lên nữa nhưng hãy hành xử một cách trách nhiệm và thông minh. Tất nhiên không có nghĩa là bạn thờ ơ, điều này cũng dở. Một người thông minh sẽ không bao giờ thờ ơ với sức khoẻ của mình, kể cả khi người đó đang khoẻ mạnh.
Đọc các tin tức, càng nhiều càng tốt, đừng chỉ đọc những gì người ta chia sẻ nếu bạn thật sự muốn hiểu thật sâu về nó. Đọc và chắt lọc những thông tin cần thiết để đem vào ứng dụng, bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh. Thấy cái gì hay, cần thiết, bổ ích và hữu dụng cho mọi người thì chia sẻ ra, ví dụ như những bài thuốc, thực phẩm tự nhiên làm tăng sức đề kháng cho cơ thể, những bài tập thể dục, những nghiên cứu hay bất cứ gì bạn thấy là hữu ích để làm cho mọi người bớt lo lắng sợ hãi, bớt tiêu cực hoảng loạn. Bớt tụ lại những nơi quá đông đúc như lễ hội đền chùa, tự chủ trong việc chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay khô nếu công việc cần di chuyển đến những nơi có thể khiến bạn lo lắng.
Và nhất, bớt đọc tin tức lại, sức đề kháng của tâm trí bạn sẽ khoẻ hơn nhiều lắm.
Kẻ ngu không biết sợ?
Lý do tôi không sợ gì con Vũ Hán này vì một là tôi tự tin sức đề kháng của mình tốt, tôi ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao đều đặn. Quan trọng hơn, tôi chẳng cần phải đi đâu ra khỏi nhà, càng không muốn tới bất cứ nơi nào đông đúc. Và quan trọng nhất có lẽ vì tôi không đọc nhiều tin tức về con virut này cho nên tâm trí tôi khá ổn định.
Giả như trường hợp xấu nhất tôi không bảo vệ được bản thân mình mà bị nhiễm và lại còn yếu/xui tới mức bị con virrut này hạ gục, chết ngay trên giường chăng nữa, tôi cũng không sợ, bởi vì tôi đã sống quá đủ đầy, quá trọn vẹn, quá mãn nguyện với cuộc sống này đến nỗi nếu con Corona này có lấy mạng tôi, tôi vẫn cảm thấy hài lòng và biết ơn cuộc đời, biết ơn Thượng đế vô cùng.
Khi người ta chấp nhận quy luật của cuộc sống thì người ta cũng không còn sợ chết. Khi người ta không sợ chết bỗng dưng người ta trở nên mạnh hơn bao giờ, cái mạnh này giống như một cái dù vô hình bảo vệ người ta khỏi rất nhiều cơn bão trong cuộc đời, khiến người ta chẳng còn sợ hãi, bất an. Sức mạnh này chính là sức đề kháng tâm linh giúp cho người ta sống thanh thản, yên vui, vô lo vô nghĩ ngay cả khi người ta còn trẻ và dòng đời thì đầy bão tố vần vũ khắp xung quanh.
Ba tầng đề kháng
Có ba loại đề kháng, một là đề kháng cho cơ thể vật lý, làm mạnh nó bằng thực phẩm, bài tập thể dục, lối sống lành mạnh, thuận tự nhiên. Hai là đề kháng cho tinh thần, làm mạnh nó bằng cách đọc sách nhiều hơn, đọc tin tức ít đi; lắng nghe bản thân nhiều hơn, nghe người khác ít đi; làm giàu vật chất ít lại nhưng làm giàu về tinh thần nhiều lên. (Hãy xem hai bộ phim bất hủ này về chủ đề nỗi sợ và virut: V- chiến binh tự do (chính quyền đã dùng nỗi sợ hãi để điều khiển đám đông và thâu tóm quyền lực như thế nào, trong phim cũng có nhắc về một con virut gây bệnh được thả ra và phim thứ hai là Hoả ngục (tiểu thuyết Dan Brown hình như chuyển thể thành phim rồi thì phải: nói về cách người ta tạo ra virut sinh học mang mầm bệnh với sứ mệnh tẩy bớt con người khỏi địa cầu vì con người chính là loài virut độc hại nhất hehe mình thích ý này. Hai phim này hay lắm, không coi thật phí đời ấy ạ)
Đề kháng thứ ba mà tôi tạm gọi là sức đề kháng tâm linh, có nó thì bạn chẳng còn phải lo gì về hai cái trên nữa, nó đủ sức bảo vệ bạn khỏi bất cứ căn bệnh nào, bất cứ nỗi sợ nào, bất cứ cơn bão nào. Cách để làm mạnh sức đề kháng tâm linh này là: Im lặng – Quan sát – Ý thức hay có thể tóm lại chỉ một từ thôi: Thiền định.
Thiền – Meditation, medicine là thuốc cho cơ thể, thiền – Meditation là thuốc cho tâm trí lẫn linh hồn. Phương thuốc của Thượng đế chữa lành mọi thương tổn, mọi căn bệnh, mọi nỗi đau. Tôi nói điều này với tư cách một thiền nhân – một người sống trong thiền chứ không phải chỉ một con vẹt, nhưng dầu vậy bạn không cần và cũng không nên tin tôi. Thay vào đó, hãy tự mình thiền định và kiểm chứng. Không ai “khoẻ” thay cho ai được trên đời, không ai thiền thay cho ai được. Đó là sự phiền toái tuyệt diệu của thiền mà tôi nhận thấy.
Lời cuối cùng:
Hãy ý thức trong việc tự tạo ra sức đề kháng cho bản thân mình.
Hãy làm cho sức đề kháng ấy trở nên ngày một vững chãi hơn và mạnh mẽ hơn. Thế thì bệnh tật vật lý hay tâm lý sẽ không thể chạm vào bạn giống như những hạt mưa lạnh chẳng thể chạm tới người đang cầm một cây dù, cơn bão kia chẳng thể chạm tới người đang ở trong căn nhà ấm áp vững vàng của người ấy.
Ngoài trời bão cứ vần vũ, bên trong ngôi nhà của mình, người ấy pha một tách cà phê, ngồi trên ghế bành êm ái bên cạnh lò sưởi, nghe một bản nhạc dịu dàng và nhắm mắt thưởng thức khoảnh khắc bình an…
Phi Tuyết, 31/01/2020

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *