Yoga: môn khoa học của thế giới tâm linh

“Bản thân tôi tập yoga đã vài năm, cũng có bằng giáo viên yoga và thỉnh thoảng cũng đi dạy cho vui nhưng tôi chưa bao giờ dám gọi mình là một yogi vì đơn giản tôi chẳng hiểu lắm yogi là gì, chỉ nghĩ đơn giản Yogi có lẽ là người cống hiến cả đời cho Yoga, ăn Yoga, ngủ Yoga, tập các động tác siêu khó…. Tôi yêu thích Yoga nhưng không theo cách đó, tôi tận hưởng nó thì đúng hơn là tôn sùng, tôi cũng chưa có khả năng tập những động tác khó nữa cơ. Vậy nên chưa bao giờ dám nhận mình là Yogi. 

Tôi yêu thích Yoga vì nhiều lý do, trong đó lý do khổng lồ nhất, ngoài chuyện thể hình-sức khoẻ, yêu mình – yêu người – yêu đời thì công lớn của Yoga là đã biến đổi đời tôi bằng cách cho tôi biết đến thiền, biết thế nào là nghệ thuật quan sát, từ quan sát hơi thở, cơ thể cho tới tâm trí.

Yoga đã mang thiền tới tôi, cũng như mang tôi tới thiền, đó là điều tuyệt vời nhất đã xảy ra trong đời tôi cho đến giờ. Thật sự là như vậy. Nếu chỉ chọn một thứ quan trọng nhất trong đời tôi, có lẽ tôi chọn thiền, nếu được chọn hai thì sẽ là thiền và yêu. Yoga dạy tôi gần như cả hai, cả thiền lẫn yêu. Dù vậy, tôi chưa hiểu nhiều về nó cho tới hôm nay.

Tôi mua bộ sách Yoga: từ khởi đầu đến kết thúc (gồm khá nhiều tập) đã khá lâu, chẳng nhớ đã đọc chưa nhưng bây giờ đọc lại mới thấy thật sự là “thấm”, thấm vô cùng. Đúng là chỉ khi đệ tử sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện. Yoga là thầy tôi cũng như Osho là thầy tôi. Hôm nay nhờ đọc Osho giải nghĩa bài kinh của Patanjali mà tôi biết rằng hoá ra tôi là một Yogi. Lần đầu tiên tôi dám tự tin thừa nhận mình là một Yogi, chỉ sau khi đọc lại cuốn sách này Yoga: alpha – omega tập một, hôm nay.

Tôi là một Yogi vì tôi đã đi tới điểm đó: điểm mà tôi nhận ra đời chỉ là cơn mơ, cơn mơ đẹp nhưng vô nghĩa. Điểm mà tôi nhận ra mình đã thất bại hoàn toàn. Tôi buông xuôi, tôi bỏ cuộc, chẳng còn gì để làm, chẳng có đâu mà đi, chẳng còn chút ham muốn bám víu vào giấc mơ nào nữa hết. Tôi đã rơi xuống đáy cùng tuyệt vọng và rồi khao khát tìm ra một con đường, đó chính là thứ đã biến tôi thành một Yogi. Cái hay là trong đáy cùng tuyệt vọng ấy tôi đã đọc khá nhiều sách: bộ Con đường của Phật 14 cuốn, bộ Kỉ luật của siêu việt 4 cuốn và sau bộ Kỉ luật siêu việt tự dưng hôm nay có một thôi thúc khiến tôi phải đọc bộ Yoga này, kì lạ hơn, cả cuốn sách nói về kỉ luật, kỉ luật của Yoga cũng chính là kỉ luật của siêu việt, chúng là một, là nghệ thuật nhận biết, ý thức. Thế thôi.

Sách quá hay, thay vì chỉ đọc và chỉ biết một mình, tôi quyết định viết lại, chép lại một cách vắn tắt những điều tinh tuý trong sách mà tôi đã đọc và rồi chia sẻ lên đây, để lỡ ai cần!

Namaste!” Phi Tuyết

 

Yoga, từ Alpha tới Omega

Yoga không phải là tôn giáo, nó không thuộc về Hindu giáo hay Hồi giáo… Nó là khoa học thuần khiết hệt như toán học, vật lý hay hoá học. Người Kito giáo khám phá ra vật lý nhưng vật lý vẫn không thuộc về Kito giáo, cũng vậy, ngẫu nhiên mà người Hindu khám phá ra Yoga nhưng Yoga không thuộc về người Hindu, mọi người đều có thể trở thành một yogi, bất kể đó là người Kito giáo, Jaina giáo hay Phật giáo.

Yoga là khoa học thuần khiết, là toán học của bản thể bên trong, nó không liên quan tới các asanas – tư thế. Yoga nghĩa là quay vào bên trong, khi bạn không đi vào tương lai, không vào quá khứ nhưng bạn sẽ chỉ đi vào bên trong bản thể mình. Bản thể bạn chỉ ở đây, bây giờ, nó chẳng dính dáng vì tới quá khứ hay tương lai.

Patanjali là cái tên vĩ đại nhất khi có liên quan tới thế giới của Yoga. Ông ấy là hiếm hoi. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại người này đã mang tôn giáo tới trạng thái của khoa học. Patanjali đã làm cho tôn giáo thành khoa học, thành luật thuần khiết, không cần tới niềm tin nào.

Các tôn giáo thông thường được xây dựng trên hệ thống những niềm tin, các tôn giáo khác nhau thì chỉ khác về niềm tin, nó yêu cầu người ta phải tin mà không cần thực nghiệm. Yoga ngược lại, nó không yêu cầu người ta tin vào cái gì nhưng lại đề nghị người ta “kinh nghiệm” cũng hệt như cách khoa học nói “thực nghiệm”. Cả hai là một, chỉ khác về chiều hướng. Thực nghiệm yêu cầu bạn làm cái gì đó với đối thể bên ngoài. Kinh nghiệm yêu cầu bạn làm cái gì đó lên chính mình, lên bản thể bên trong của mình. Kinh nghiệm chính là thực nghiệm bên trong.

Niềm tin giống như lớp quần áo, bất kể bạn thay đổi bao nhiêu lần quần áo hay mặc bao nhiêu lớp, con người bạn vẫn vậy, không được biến đổi chút nào. Niềm tin là thứ rẻ mạt vì nó không yêu cầu bạn đánh đổi cái gì hay phải làm gì cả, chỉ cần tin. Yoga không phải là niềm tin cũng không yêu cầu tin tưởng, đó là lý do tại sao nó khó khăn, gian nan. Yoga yêu cầu bạn phải kinh nghiệm và chính việc kinh nghiệm này sẽ biến đổi bạn một cách toàn bộ từ sâu bên trong, nó sẽ thay đổi cách bạn sống, tâm trí lẫn tinh thần bạn. Đây là cách tiếp cận của đạo, của chân lý.

Yoga cũng không phải là triết lý, nó không phải thứ để bạn suy tư, chiêm nghiệm hay nghĩ về. Suy nghĩ là việc vô dụng trong yoga. Suy nghĩ là việc của cái đầu và cái đầu thì rất nông cạn. Cái đầu không phải trung tâm và cũng không phải toàn bộ bản thể bạn. Bạn có thể hiện hữu không có đầu nhưng không thể hiện hữu mà không có trái tim. Yoga không liên quan tới cái đầu, nó liên quan tới toàn bộ bản thể bạn.

Những lời kinh của Patanjali là rất đặc biệt, nó là luật của biến đổi, luật của cái chết và sự tái sinh. Patanjali là hiếm hoi, ông ấy là người đã chứng ngộ như Phật, như Krishna, như Christ, Mahavira, Mohammed, Zarathustra nhưng ông ấy vẫn khác và cái khác ấy là thái độ và phương cách tiếp cận của ông ấy rất chặt chẽ, hợp lý, khoa học. Patanjali giống như Einstein trong thế giới chư Phật. Krishna giống như nhà thơ. Mahavira là nhà đạo đức… Đó là lý do tôi nói chưa từng có vị Phật nào tồn tại trên trái đất này theo cách Patanjali tồn tại, tuyệt đối khoa học, toán học, chỉ thực nghiệm, không mơ màng, không chiêu dụ, không thơ ca.

Đọc các bài kinh của mọi vị Phật khác bạn sẽ bắt gặp ít nhiều chất thơ, chất thơ đẹp. Bởi vì cõi tối thượng đẹp đẽ thế, nguy nga thế, phúc lành thế, nó khiến cho chất thơ trở nên tự nhiên như hơi thở, nó khiến người ta muốn nhảy múa, hát ca rộn ràng như những người yêu, những người đã rơi vào tình yêu với toàn thể vũ trụ. Nhưng Patanjali đã cưỡng lại điều đó, một việc vô cùng khó khăn. Ông ấy đã cẩn thận lựa lời sao cho nó không mang chút chất thơ nào nhưng đơn thuần là chất toán học: rõ ràng, mạch lạc, chỉ cái nền tảng nhất.

Lời kinh của ông ấy:

“Bây giờ kỉ luật của Yoga.

Yoga là việc dừng lại của tâm trí.

Rồi nhân chứng được đưa vào trong bản thân nó.

Trong trạng thái khác có đồng nhất

Với những biến thể của tâm trí.”

Bây giờ kỉ luật của yoga…

Chữ “bây giờ là rất quan trọng”. Bây giờ tức là khi bạn đã vỡ mộng, vô vọng, hoàn toàn nhận biết về cái vô tích sự của mọi ham muốn, khi bạn thấy cuộc đời thật vô nghĩa, tuyệt đối thất vọng. Khi bạn không biết phải làm gì vì chẳng có gì để làm, chẳng đâu để mà đi, khi toàn thể hình mẫu cũ của cuộc sống trở thành vô tích sự, nếu như khoảnh khắc này đã tới, thế thì đã đến lúc cho bạn hiểu khoa học của Yoga, kỉ luật của Yoga.

Nếu khoảnh khắc ấy chưa tới thế thì bạn có thể cứ học yoga, cứ tập các tư thế nhưng bạn sẽ không phải một yogi. Yogi là người đã sẵn sàng cho kỉ luật của Yoga và kỉ luật này chỉ dành cho bạn khi bạn đã hoàn toàn chán nản với cuộc đời riêng của mình, khi bạn đã sẵn sàng chết để được tái sinh. Khoảnh khắc khi bạn cảm thấy mọi chiều hướng của cuộc sống trở nên lẫn lộn, mọi con đường bị biến mất, tương lai đen tối khi mọi ham muốn đều trở nên cay đắng. Khoảnh khắc khi mà mơ đã dừng lại, thế thì “bây giờ kỉ luật của Yoga”.

Kỉ luật là việc phải làm, không còn là tò mò, không còn bận tâm triết lý, giờ đây nó là vấn đề của sống và chết. Chỉ khi đó bạn mới sẵn sàng đi vào kỉ luật.

Kỉ luật là một mệnh lệnh được kết tinh bên trong bạn, sâu tới cốt lõi bản thể bạn. Mãi cho tới giờ bạn sống như một sự hỗn độn, một đám đông tồn tại bên trong bạn liên tục làm ồn, tranh đấu. Kỉ luật yoga nghĩa là bây giờ bạn sẽ phải hài hoà, phải trở thành chỉ một. Bạn cần định tâm. Chừng nào bạn còn chưa định tâm, chưa bắt rễ vào trung tâm của mình thì mọi việc bạn làm đều vô dụng, chỉ phí hoài cuộc sống và thời gian. Để đạt được phúc lạc bạn phải trong im lặng tuyệt đối, hài hoà. Phúc lạc không bao giờ nằm nơi đám đông, kể cả đám đông bên ngoài hay bên trong. Việc định tâm này Patanjali gọi là kỉ luật, tức là khả năng học hỏi, năng lực để học hỏi.

Trước khi có năng lực học hỏi, bạn phải có năng lực hiện hữu. Điều này cần được hiểu.

Mọi tư thế Yoga không thực sự liên quan tới thân thể, nhưng là liên quan tới năng lực hiện hữu. Patanjali nói, nếu bạn có thể ngồi im trong vài giờ, không cử động thế thì bạn đang phát triển năng lực hiện hữu. Cứ thử ngồi im và bạn sẽ thấy ai mới là người chủ thực sự, dường như bạn không là người chủ chút nào, dường như cơ thể là chủ riêng của nó, tâm trí cũng là chủ riêng với đủ mọi quyền hành. Rất khó để có thể chỉ ngồi im không làm gì, nhưng nếu bạn được, dần dà bạn sẽ được định tâm. Thân thể càng nghe theo bạn bao nhiêu, bạn càng hiện hữu nhiều bấy nhiêu. Thân thể và tâm trí tuy hai mà một, thân thể là dạng thô của tâm trí và tâm trí là dạng tinh tế của thân thể. Nếu như bạn có thể giữ cho thân thể im lặng trong một lát thế thì tâm trí cũng sẽ im lặng. Chúng song hành cùng nhau và tâm trí thì luôn luôn suy nghĩ, nó luôn tìm cách để buộc cơ thể phải cử động. Làm chủ được cơ thể, bạn sẽ làm chủ cả tâm trí và ngược lại. Khi bạn làm chủ chính bản thể mình, bạn sẽ thấy bản ngã là giả và nhờ đó bạn trở nên khiêm tốn một cách tự nhiên. Thái độ khiêm tốn đó khiến bạn sẵn sàng cúi đầu và khi bạn cúi đầu mình, bạn đã trở thành một đệ tử.

Trở thành đệ tử là một thành tựu lớn và chỉ qua kỉ luật của nhận biết này bạn mới có thể trở thành đệ tử. Đệ tử là rất định tâm, rất trống rỗng, rất khiêm tốn, rất cảm nhận để cho vị thầy – guru mới có thể trút bản thân thầy vào trong bạn. Chỉ trong im lặng mà trao đổi giữa thầy và đệ tử mới là có thể.

Trong yoga thầy là rất quan trọng vì chỉ khi bạn được ở gần một người đã định tâm thì tâm bạn mới có khả năng dễ dàng hơn cho việc định của riêng nó. Đó là nghĩa của “satsang”, khi bạn trống rỗng và cởi mở, sẵn sàng để đón nhận, khi bạn tin cậy và yêu mến thầy, không sợ hãi, không còn lãnh thổ riêng nhưng mất hết các biên giới của bản thân mình, sẵn sàng để tan ra. Đệ tử là người tìm kiếm, đang làm nỗ lực để kết tinh, để cảm nhận bản thể mình, để trở thành người chủ của chính mình.

Toàn thể nỗ lực của Yoga là để làm cho bạn trở thành người chủ của bản thân bạn. Yoga không phải một phương pháp trị liệu. Phương Tây thịnh hành các phương pháp trị liệu tâm lý và nó cho rằng yoga là một phương pháp trị liệu. Điều này không đúng. Trị liệu được dùng cho người ốm, người có vấn đề, người không khoẻ mạnh. Kỉ luật là thứ được cần tới ngay cả khi bạn mạnh khoẻ, thật ra chỉ khi bạn mạnh khoẻ thì kỉ luật mới có thể giúp ích. Kỉ luật không dành cho người bệnh.

Yoga để dành cho người mạnh khoẻ, người nhận ra rằng ngay cả mạnh khoẻ cũng là không đủ, là vô dụng, họ cần thứ gì đó lớn hơn, một dạng sức khoẻ tâm linh và toàn diện, tới gốc rễ của sự tồn tại.

Trị liệu là nỗ lực để đưa người có bệnh trở về bình thường, được điều chỉnh cho hợp với xã hội. Yoga không cố gắng theo bất cứ cách nào để làm bạn được điều chỉnh theo xã hội. Có thể coi nó là một dạng trị liệu nhưng phải là trị liệu linh thiêng, loại trị liệu điều chỉnh bạn cho hợp với bản thân sự tồn tại, điều chỉnh với điều thiêng liêng. Cho nên rất dễ để một yogi sẽ bị xem như “người điên” trong mắt xã hội bởi vì người đó hành động cứ như thể không thuộc vào xã hội này, thế giới này.

Chỉ khi tâm trí bạn đã hoàn toàn bỏ cuộc khỏi những níu bám với thế giới này, không còn ham muốn, tham lam, thế thì con đường của kỉ luật yoga mở ra trước bạn, con đường đó là gì?

“Yoga là việc dừng lại của tâm trí” đây là định nghĩa tốt nhất về yoga, khoa học nhất nữa.

Tâm trí là từ hay, nó bao quát mọi điều: bản ngã, ham muốn của bạn, hi vọng, triết lý của bạn, tôn giáo, kinh sách của bạn. Mọi điều bạn biết, bạn nghĩ đều là tâm trí. Yoga là việc dừng tất cả lại, dừng tất cả những gì bạn từng biết để trở thành không biết, vô trí. Đây là cú nhảy lượng tử thay đổi mọi sự. Yoga chính xác là cú nhảy vào vùng đất của cái không biết, không thể biết.

Khi bạn không có tâm trí, tức là khi tâm trí ngừng hoạt động, bạn ở trong Yoga. Khi tâm trí có đó, đang hoạt động, bạn không trong Yoga. Cho nên việc làm tư thế như thế nào không quan trọng bằng việc tâm trí bạn có đang hoạt động không. Nếu bạn có thể hiện hữu trong trạng thái không có tâm trí, thì kể cả khi bạn không làm bất cứ tư thế nào, bạn đã trở thành nhà Yogi hoàn hảo. Thiền nhân là nhà Yogi hoàn hảo, chỉ ngồi yên không làm gì, tư thế bất động vậy mà tâm trí cũng ngừng hoạt động, người ấy hiện hữu với toàn bộ bản thể của mình.

Cách duy nhất để dừng tâm trí, là quan sát nó nhưng dửng dưng với nó, không phán xét, không chạy theo, không cản trở, chỉ quan sát cách tâm trí hoạt động: ý nghĩ tới và đi như dòng chảy. Bạn là nhân chứng ngồi trên bờ quan sát dòng chảy ấy, không bị đồng nhất. Dòng chảy là rất mạnh bởi vì trong nhiều nhiều kiếp, có thể là hàng triệu kiếp bạn đã hợp tác với nó, giúp nó, đồng nhất với nó. Hãy chỉ là người quan sát trên bờ, thế thì bạn là nhân chứng, thế thì bạn ở trong kỉ luật của Yoga.

 

“Thế thì nhân chứng được đưa vào trong bản thân nó.”

Nhân chứng tức là khi bạn có thể đơn gỉan chỉ nhìn mà không bị đồng nhất với dòng chảy của tâm trí, không phán xét, không ca ngợi lẫn kết án, không chọn lựa, chỉ đơn giản nhìn nó cứ chảy đi, chảy mãi tới một điểm khi mà dòng chảy đột nhiên dừng lại. Khoảnh khắc dòng chảy suy nghĩ của tâm trí dừng lại, bạn là vô trí, thế thì bạn đơn giản hiện hữu, hiện hữu thuần khiết. Đấy chính là khi nhân chứng đã được đưa vào hiện hữu trong bản thân nó.

“Trong trạng thái khác có đồng nhất với những biến thể của tâm trí.”

Ngoại trừ trạng thái vô trí khi bạn hiện hữu là chính bạn với bản thể thuần khiết, còn lại mọi trạng thái khác đều đồng nhất bạn với tâm trí, với thế giới và đây chính là nguyên do của mọi khổ. Chỉ khi siêu việt lên trên mọi đồng nhất bạn mới được giải thoát, bạn là một siddha, bạn trong niết bàn. Siêu việt lên trên tâm trí, ở trong vô trí, ấy là bạn đã siêu việt lên trên thế giới đau khổ này và ở trong thế giới của phúc lạc vĩnh hằng.

Và thế giới đó là ở đây, bây giờ, ngay bây giờ, ngay khoảnh khắc này. Bạn không cần chờ đợi cho dù một khoảnh khắc. Bao giờ cũng nhớ điều quan trọng nhất này: người ta phải đạt tới vô trí, đó là điều nền tảng, là mục đích tối thượng của mọi đạo, của Yoga.

Đủ cho hôm nay.

Osho, sách Yoga: từ Alpha tới Omega, tập 1

Bài nói về kinh Yoga của Patanjali

Phi Tuyết đọc, tách lọc và chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *