Chuyến bay tới thiên đường

Sài gòn, mười tám tháng mười hai, năm mười chín

Thiên đường có vị… mằn mặn như nước mắt

Thức giấc trong căn phòng nhỏ xinh với chiếc giường trắng tinh và những chiếc gối màu xanh êm ái, tôi nhanh chóng gom đồ đạc rồi đặt một chiếc grab đưa mình ra sân bay, lúc ấy khoảng sáu giờ sáng.

Chiếc xe hơi màu đỏ khá sang trọng đưa tôi xuyên qua những con đường vẫn còn vắng vẻ của buổi sớm mai, chỉ chốc nữa thôi trên những con đường này, hàng ngàn người sẽ đổ xuống đường đi làm và thành phố sẽ thức giấc. Tôi thầm thấy mình may mắn khi không phải là một trong số những công dân thành phố mẫn cán sáng sáng đi làm, tối tối về nhà. Khi Thượng đế tạo ra tôi hẳn ngài đã quên một thứ chất liệu nào đó như là “thích ổn định”. Cả đoạn đường dài ra sân bay, tôi và anh tài xế lặng im không nói một lời với nhau có lẽ vì cả hai đều muốn thưởng thức chút không khí yên tĩnh buổi sáng, hoặc thẳng thắn hơn, vì chẳng có gì nhiều nhặn để mà nói với nhau.

Tôi nhớ ra mình để quên cục sạc điện thoại trong phòng khách sạn nhưng chẳng màng quay lại lấy vì nghĩ: có lẽ chuyến này cũng chẳng cần đến điện thoại mà làm gì.

Tôi đến sân bay hai tiếng trước giờ bay nhưng vì xếp hàng làm thủ tục các thứ khá lâu nên thật hết hồn, tôi đến cửa lên máy bay vừa đúng lúc người ta xếp hàng lên máy bay. Chậm chút nữa có lẽ phải ở lại rồi. Dầu vậy, phải thú thật với bạn rằng trong suốt khoảng thời gian xếp hàng làm thủ tục ấy, nhiều lần tôi có một điều ước vớ vẩn là mình sẽ “được” trễ giờ bay, dù đã cố gắng hết sức. Thế thì tôi sẽ làm gì nhờ, ờ, có lẽ ra bắt xe ra Phan Thiết chẳng hạn.

Thật sự, tôi cảm thấy… sợ chuyến bay ấy. Đúng một năm trước, một ngày cuối tháng mười hai, tôi cũng từ Bảo Lộc xuống Sài Gòn bắt chuyến bay đi Bali, hệt như lần này. Mọi thứ cứ y chang một cách đáng sợ, chỉ khác một điều duy nhất là tâm trạng của người lữ khách không giống nhau chút nào. Năm ngoái tôi bay đi Bali lần đầu tiên với tâm trạng cực kì hồi hộp, hạnh phúc, xúc động và trông chờ. Vì tôi biết ở vùng đảo xinh đẹp xa xôi ấy, có một người đang chờ đợi tôi và tôi không muốn sống một ngày nào thiếu người ấy. Cả đời tôi đã hẹn hò nhiều, yêu cũng nhiều nhưng chưa bao giờ từng muốn gắn kết với ai ngoại trừ anh. Lần đầu gặp nhau bàn chuyện công việc anh đã thích tôi và rủ tôi cùng đi Bali một chuyến, tôi từ chối vì lúc ấy tôi chưa thích anh đến mức có thể du lịch cùng nhau. Tôi là cái người thà đi một mình hoặc chỉ ở nhà, còn hơn đi với sai người. Nhưng rất nhanh sau đó khi biết anh là người đúng, tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu cùng anh.

Lần ấy anh đến Bali trước để thăm gia đình một người bạn và anh mời tôi tới để cùng nhau đón giao thừa. Tôi không chỉ đến để đón giao thừa cùng anh mà còn chuẩn bị một màn cầu hôn đặc biệt. Vâng, tôi -đứa con gái dịch bài “kết hôn là sáng tạo ngu ngốc” đã bay một chuyến dài để cầu hôn người đàn ông mà tôi yêu thương. Tất nhiên lời cầu hôn này chỉ là thủ tục, tôi vẫn không có ý định kết hôn giấy tờ hay làm đám cưới hay gì cả, lời cầu hôn này đơn thuần là lời cam kết rằng chúng tôi muốn và khao khát được ở cùng nhau, được chia sẻ cuộc sống này với nhau. Lần ấy tôi đã cầu hôn anh bằng một bức thư tình và một cặp bàn chải đánh răng trong toilet khiến anh vui và cảm động đến mức vừa cười vừa khóc. Anh cười vì sự hài hước của tôi và khóc vì tấm lòng chân thành của tôi. Vâng, khi yêu, tôi sẽ làm mọi cách để người kia luôn cười nhiều nhất có thể và tôi đã làm điều ấy rất tốt. Chuyện này tôi từng kể trong một bài phỏng vấn của trang Eva. Chuyến đi ấy đối với tôi mà nói, là một chuyến mơ. Mơ theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng hay bất cứ nghĩa màu nào khác. Nó đẹp như một giấc mơ và tan cũng như một giấc mơ đến nỗi khi nó qua đi, giờ đây tôi nhìn lại và không biết nó có thật hay không nữa. Chính xác một năm về trước, chuyến bay ấy đưa tôi tới thiên đường của những giấc mơ ngọt ngào nhất. Nó ngọt ngào vì tôi biết nơi ấy có người đang đợi tôi và mong tôi từng khoảnh khắc.

Chuyến bay này cũng có ai đó đang đợi tôi nhưng không phải người đó nữa.

Chuyến đi này là một luân hồi nhỏ, tình huống giống nhau, nhân vật giống nhau nhưng toàn bộ hoàn cảnh thì khác nhau hoàn toàn. Đáng buồn làm sao.

Chuyến đi trước, tôi khóc rất nhiều, những giọt nước mắt của hạnh phúc.

Chuyến đi này, tôi cũng khóc nhưng là nước mắt của sự trống rỗng, hoàn toàn trống rỗng. Thật khó để diễn tả, nó không phải nước mắt của buồn hay sợ, cũng không phải nước mắt của vui, nó là những giọt nước mắt vượt lên trên cả hai cảm xúc này, pha trộn tất cả nhưng đồng thời cũng không phải là tất cả.

Máy bay cất cánh, tôi ngồi cạnh bên một cặp đôi Việt Kiều trẻ, họ nói chuyện với nhau khá nhiều sau lưng tôi khi tất cả cùng xếp hàng lấy vé. Có vẻ họ quen nhau lâu rồi nên dù còn trẻ nhưng không còn thấy những cử chỉ âu yếm yêu thương nữa. Những câu nói qua lại của họ thể hiện một sự chán chường nào đó mà tôi cảm nhận được và có lẽ họ cũng cảm nhận được nhưng không muốn nói ra, ví dụ cô gái nói: “Ôi em nhớ đồ ăn ở nhà quá, nhớ đồ ăn em nấu cơ.” Chàng trai đáp: “Anh không nhớ chúng chút nào.” Cô gái ngạc nhiên: “Thật sao? Vậy em sẽ không bao giờ nấu cho anh ăn nữa.” Chàng trai đáp, không hề cười hay tỏ ý đùa: “Vậy tốt thôi.”

Suốt bốn tiếng bay họ cũng không nói với nhau câu nào và cũng không có một hành động nào thường thấy của các cặp đôi đang yêu. Tình yêu như vậy chán thật. Tôi thuộc tuýp thích tình yêu nồng cháy, kể cả cháy thật to rồi tàn thật nhanh chăng nữa nhưng trong lúc nó bùng cháy, bản ngã và ham muốn cũng cháy theo, nó là một cảm giác rất tuyệt, cảm giác như thế giới chỉ còn là của hai người duy nhất mà thôi và đồng thời cả hai cũng trở nên tan biến trong nhau như chẳng hề tồn tại.

Quan sát các cặp đôi yêu nhau và những hành động yêu thương của họ, tôi thường thấy vui khi thấy ngọn lửa yêu thương họ dành cho nhau, kể cả họ ôm hôn nhau trước mặt tôi, tôi cũng thấy vui lây cho họ. Có lẽ vì tôi cũng đã quen với cảm giác ấy, cảm giác thổ lộ tình cảm của mình mọi lúc mọi nơi. Tôi là người thích thổ lộ tình cảm của mình mọi lúc mọi nơi chẳng phải để gây chú ý hay gì cả, đơn giản vì tình yêu nhiều quá, đầy quá, nó cần được trút ra bằng mọi cách và cách dễ nhất là những cái nắm tay, ôm, hôn, những ánh mắt trìu mến, những cái động chạm vào cơ thể nhau từ gương mặt, ngón tay hay đơn giản chỉ là tấm lưng của người mình thương… Tôi thật sự thích gần gũi người yêu của mình, bất kể chúng tôi ở đâu.

Khi tôi và J. còn bên nhau, chúng tôi cũng luôn gần gũi nhau như thế. Xếp hàng lấy vé bay hay lên máy bay hay ở hải quan, chúng tôi cũng phải ở gần nhau, ôm nhau theo cách nào đó. Ở trên máy bay bất kể ngồi cùng hàng hay đôi khi bị tách ra, tay chúng tôi cũng phải tìm lấy nhau, nắm chặt. Trên taxi, trong trung tâm thương mại, trong nhà hàng, ngoài đường… bất kể đâu chúng tôi cũng không thể nào ngừng những hành động, cử chỉ kết nối với nhau, đôi khi chỉ là hai ngón tay nghéo lại thật chặt. Cảm gíac ấy thật là thích. Đôi khi có những người nhìn chúng tôi với đôi mắt kiểu “Cái bọn này, suốt ngày tình tứ với nhau” thì chúng tôi sẽ nhìn lại với ánh mắt kiểu “Tao tình tứ với người yêu của tao, chứ có tình tứ với người yêu của mày đâu, mà dữ?”

Thế rồi với cái tính thích chọc điên người khác, J. sẽ còn ôm tôi chặt hơn, hôn tôi nhiều hơn trước mặt mọi người. Anh ấy và tôi hợp nhau trên rất nhiều phương diện và một trong số đó là thích cảm nhận tình yêu bằng tất cả các giác quan, bất kể chúng tôi đang ở đâu hay làm gì, dù cho là ở ngoài đường hay chỉ đơn giản cùng nằm xem tivi thì ngón tay và kể cả ngón chân của chúng tôi cũng phải được kết nối để cảm nhận tình yêu. Tôi thường chọc anh ấy mỗi khi anh đi đâu quá lâu “Ê anh sắp về chưa? Ngón chân em nhớ ngón chân anh rồi đây này” và anh cũng thường xuyên nói những lời như thế. Qủa thật chúng tôi là một cặp rất ngọt, ngọt hơn cả thứ mật ngọt nhất. Luôn là như thế và thật may mắn làm sao khi bạn là người thích thể hiện tình cảm và rồi người yêu của bạn còn thích thể hiện nhiều hơn cả bạn… Điều này có cái hay nhưng cũng có cái dở. Cái dở tới khi anh ấy không chỉ thể hiện những tình yêu ấy với tôi mà còn với những người khác nữa. Xin đừng hiểu lầm. Ý tôi là anh ấy yêu thương tôi nhiều tới mức cứ liên tục dẫn tôi đi giới thiệu với mọi bạn bè, người quen của anh ấy. Điều này tốt thôi. Tôi cũng vui khi gặp gỡ trò chuyện và biết thêm về họ. Nhưng khi anh ấy đi công tác xa và giới thiệu về tôi tới những người xa lạ ở tận đẩu tận đâu thì rắc rối bắt đầu. Tôi không quan tâm những người ấy cho nên chẳng mặn mà lắm việc giữ kết nối với họ. Họ chẳng quan trọng gì với tôi nhưng lại quan trọng với anh, tôi quên mất điều ấy và cách hành xử thẳng tuột, thiếu tế nhị của tôi đã làm anh thất vọng. Thế rồi đây là nơi mọi hiểu lầm bắt đầu…

Đó là chuyện cũ thôi, giờ đây tôi chỉ một mình, lặng lẽ trong sân bay bận rộn, mọi người dường như đều có đôi có cặp hoặc đi chung nhóm bạn, gia đình. Tôi chỉ có một mình, mãi mãi cũng chỉ một mình, bất kể thỉnh thoảng cũng có “Người đến, vui đấy, nhưng rồi cũng đi…” nhưng sau rốt tôi lại chỉ một mình.

Chuyến bay bốn tiếng khá êm mượt, tôi nhìn những đám mây trắng trôi bồng bềnh ngay ngoài ô cửa sổ và thấy đời mình chẳng khác gì một đám mây, lang thang, phiêu bạt, chẳng kế hoạch chẳng mục tiêu gì, cứ bồng bềnh thả trôi mình đến bất cứ nơi nào gió thổi tôi đi. Vâng, tôi chẳng là gì ngoài một đám mây lang thang vô định, cảm giác thật đơn độc nhưng cũng tự do làm sao, buồn đấy nhưng cũng thú vị làm sao.

Tôi chính là đám mây được tạo thành từ những giọt hơi nước li ti, thả mình bồng bềnh khắp trời xanh, khi nào nặng trĩu thì buông mình rơi xuống, bất kể rơi đi đâu thì cũng tìm đường về lại nguồn, về biển cả, rồi lại bốc hơi và bay đi…

Đám mây có thực sự tồn tại không? Nó chỉ là hơi nước, chẳng ai có thể nắm được mây, chạm được mây cả vì khi lại gần thì người ta chẳng thấy mây nào, chỉ một màn hơi nước mỏng như màn sương, sương chính là mây và mây là sương? Khi nhìn lên trời thì mây đẹp thế, tồn tại thế nhưng khi lại gần, nhìn thấy mây từ bên trong máy bay, ai chạm được vào mây?

Máy bay đi xuyên qua mây biết bao nhiêu lần, bay bên trên làn mây biết bao nhiêu dặm, máy bay có bao giờ cảm nhận được mây?

Tự dưng một cảm giác loé lên trong đầu, nếu như phải chọn một hình tượng đơn giản để nói về J. và về câu chuyện của chúng tôi thì có lẽ chiếc máy bay là một hình tượng hợp lý. Anh ấy như là chiếc máy bay hạng nhất, đưa người lữ khách độc hành là tôi lên tới trên chín tầng mây.

Ở trên chuyến bay ấy, tôi thấy thật an toàn và hạnh phúc, tôi hoàn toàn lãng quên mặt đất và quên cả việc mình chỉ đang trong một hành trình. Chuyến bay ấy dù tuyệt vời tới đâu cũng không phải là đích đến. J. là chuyến bay đưa tôi tới nơi tôi cần tới, nó đưa tôi lên mây và cho tôi thoáng nhìn về một thiên đường có thật. Nó cung cấp cho tôi tất cả những dịch vụ 5 sao tuyệt vời nhất và quan trọng hơn tất thảy, chuyến bay ấy có nhiệm vụ đưa tôi tới nơi mà linh hồn tôi cần tới, một cái đích của tâm linh.

Tôi đã có thời gian đẹp trên chuyến bay, tôi yêu quý nó, tôi biết ơn nó, tôi trân trọng nó nhưng tôi không thể nào sống mãi trên chiếc máy bay ấy được. Tôi tới nơi mình cần tới rồi, phải tạm biệt chiếc máy bay thôi, dù buồn tiếc thế nào. Không, phải cứng rắn lên, không được buồn, không được tiếc, tôi dặn lòng như thế nhưng bạn biết đấy, “lòng người” hay kể cả “lòng mình” là thứ chẳng bao giờ theo ý ta bất kể ta muốn thế nào. Bởi vì thực tế thì… lòng tôi vẫn cứ đau nhói, trái tim tôi cứ vụn vỡ ra mỗi lần tôi nghĩ tới anh. Thật sự đau đớn!

Viên phi công thông báo máy bay đang hạ độ cao, tôi lại nhìn ra cửa sổ và thấy những hòn đảo xinh đẹp bắt đầu xuất hiện trong tầm mắt. Bali xinh đẹp quá, thật không hổ danh là thiên đường. Từ trên cao, màu xanh của những rừng cây xen với đủ sắc màu xanh của biển, tất cả là nền cho những chiếc thuyền đủ màu sắc đậu trong bến hay bãi cát trắng trải dài, những mái ngói đỏ của khu dân cư dần xuất hiện. Đẹp quá. Thiên đường đẹp quá. Từ trên cao, lần đầu tiên tôi nhận ra Bali lớn thế nào, phố chìm trong rừng, rừng xen với biển, biển lại nối với phố. Ôi Bali lớn thế này sao? Tôi chưa từng nghĩ nó lớn như vậy bởi vì khi tôi ở cùng anh lần trước, tôi chẳng bận tâm về Bali chút nào. Ở cùng anh, thế giới thu nhỏ lại chỉ loanh quanh tầm mắt, tôi chưa bao giờ nghĩ Bali lại to lớn thế này.

Nhận ra Bali lớn thế, trong lòng tôi bỗng bồi hồi một câu hỏi, một câu hỏi tu từ chẳng có câu trả lời, một câu hỏi khiến cho những giọt nước mắt nóng hổi bỗng dưng xuất hiện thi nhau lăn tràn trên má. Cứ như thể đâu đó trên hàng mi, một đám mây nhỏ nặng trĩu đầy tràn những giọt cảm xúc, nặng đến nỗi phải tuôn ra, phải trút ra, phải mưa xuống. Cảm xúc cô đọng nhiều đến nỗi chúng kết lại trong suốt chuyến bay và rồi bất chợt bung ra. Tôi không bận tâm liệu có ai trông thấy hay không, tôi chưa bao giờ bận tâm chuyện người khác thấy và nghĩ gì về mình, bất kể khi tôi hôn hay khi tôi khóc, bất kể khi tôi đang hạnh phúc hay đang chìm trong đau khổ.

Thế là Bali đón chào tôi bằng một cơn mưa: cơn mưa nước mắt của chính tôi,

chỉ vì một câu hỏi thổn thức tôi tự hỏi chính mình:

“Thiên đường rộng lớn như vậy, biết tìm anh nơi đâu…”

Tôi lặp đi lặp lại câu hỏi ấy trong bất lực cùng cực, nước mắt cứ vậy trào ra như thể nước từ suối nguồn của Thượng đế. Tôi thấy thương chính mình vì không biết mình là ai, mình muốn gì, mình đang làm gì ở đây. Thương rồi lại giận vì tôi chẳng tìm ra câu trả lời nào hợp lý cả. Đầu óc tôi trống rỗng, chỉ có đôi mắt là đầy ắp những nước và nước như thể mắt tôi chính là biển đông bao la kia vậy.

Tôi đến đây đâu phải để tìm anh? Tôi đến đây để hoàn thành một lời hứa và theo một lời mời cơ mà?

Có thật không? Hay tất cả chỉ là một cái cớ? Trái tim muốn gặp lại anh nhưng cái đầu thì không chút nào dù biết anh đang ở đâu đó trong cái thiên đường rộng lớn xinh đẹp này. Anh có còn muốn gặp tôi không hay anh đã có một cuộc sống mới? Tôi có nên tìm anh không hay tôi nên tôn trọng và buông xuôi theo sự sắp đặt của số phận? Chết tiệt, tôi thật sự ghét cái cảm giác ấy, cảm giác không biết mình là ai và mình muốn gì. Cảm giác trống rỗng đến phát điên nhưng cứ mỗi lần câu hỏi kia vang lên, tim tôi lại đau nhói:

“Thiên đường đẹp và rộng lớn như vậy, anh có muốn thấy tôi?”

 

Thiên đường có vị nồng như ly rượu thơm

Chùi nước mắt, tôi hạ cánh, làm thủ tục nhập cảnh xong kiếm wifi nhắn tin cho Leo báo rằng tôi đã tới. Leo đã chờ tôi ở đó từ hồi nào, thật tuyệt cái cảm giác bạn tới một sân bay xa lạ và có ai đó đã chờ sẵn bạn ở đó với những cái ôm hôn chào đón, nước mát lạnh và cả xe đưa đón. Tôi may mắn vì có Leo nhưng anh ấy lại là người rối rít cảm ơn tôi vì đã tới.

Leo sống ở Ubud, từ sân bay về Ubud mất khoảng mấy tiếng đồng hồ, là một người bận rộn nhưng anh ấy đã thu xếp công việc để đi đón tôi. Bởi vì vài năm trước khi chúng tôi lần đầu gặp nhau, tôi cũng đã ra tận sân bay ở Sài Gòn để đón anh ấy. Trong hơn một năm chúng tôi vẫn giữ liên lạc, vẫn luôn dành cho nhau những quan tâm và trân trọng, anh ấy thường rủ tôi qua thăm Hong Kong nhưng tôi chẳng bao giờ sẵn sàng cho Hong Kong cả. Từ khi nơi ấy có “loạn”, Leo chuyển qua sống ở Bali và tôi đã nhiều lần hứa với anh ấy là một ngày nào đó sẽ ghé thăm. Tôi chỉ không ngờ ngày đó lại chính là ngày này.

Chúng tôi từng hẹn nhau gặp ở Bali với một viễn cảnh thú vị, tôi sẽ cùng với J. và Leon sẽ cùng với vợ anh ấy, tất cả sẽ gặp nhau ở Bali cùng ăn tối, cùng đi nghe nhạc và trò chuyện thật nhiều. Tiếc rằng lần này không chỉ có tôi không đi cùng J. mà cả Leo cũng không còn ở cùng vợ anh ấy nữa. Hai con người lại trở lại trạng thái cô đơn hệt như khi chúng tôi mới quen biết nhau vài năm về trước.

Leo tiếp đón tôi rất chu đáo, anh ấy sống cùng với cô con gái mười hai tuổi cực kì xinh đẹp. Cô bé mới chuyển tới Bali từ Mỹ nên mọi thứ vẫn còn mới và bỡ ngỡ, Leo gọi cô bé lại để giới thiệu tôi và khoe là có nhiều món quà đặc biệt muốn “tặng” cho cô bé. Quà nào là một chiếc lò vi sóng, một cái nắp vung cỡ bự, những thanh nẹp cửa… Gà trống nuôi con mới thật dễ thương làm sao. Hai cha con họ thật ngọt ngào với nhau và đang cùng nhau bắt đầu gầy dựng lại cuộc sống tại phố núi xinh đẹp này.

Tôi nhìn Leo trao cho cô bé những “món quà” ấy thì bảo: “Xem nào, cô bé vẫn chỉ là một cô bé. Anh đáng lẽ phải tặng cô bé những món quà thật sự chứ? Sao lại chỉ có đồ gia dụng thế này?” Cả nhà cười, tôi mở giỏ lấy ra những món quà tôi đã chuẩn bị. Tôi tặng Leo cuốn sách “Revolution for Kids” và tặng cô bé một chiếc mũ nồi màu đỏ bằng dạ rất hợp không khí giáng sinh cuối năm cùng một cuốn sổ tay có bìa bằng da mà tôi tự làm. Chẳng biết cô bé có thích thật không nhưng vẫn không quên cảm ơn rối rít. Tôi say mê ngắm nhìn khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu, đôi mắt to tròn xinh đẹp như mắt của Leo nhưng vẫn còn long lanh trong suốt và tinh khiết làm sao. Cô bé xinh đẹp quá khiến tôi không thể ngừng ngắm nhìn và khen ngợi.

Cả ngày ngồi máy bay rồi lại ngồi ô tô hàng tiếng, tôi đói lả, dù không thèm ăn nhưng tôi biết mình cần ăn vì để còn uống thuốc. Tôi bị đau họng và ho mấy ngày rồi. Leo chở tôi và cô bé đến một nhà hàng chuyên món truyền thống của Indo. Nhà hàng lớn được làm bằng rất nhiều gỗ và treo cây khắp nơi khiến bạn tưởng như đang ở trong rừng. Chúng tôi gọi vài món truyền thống mà tôi chẳng thể nhớ tên, đại loại như mỳ ăn với nước súp và bò viên, cá viên… Tôi đói meo lên và háo hức thưởng thức mọi thứ.

Chà chà nói sao nhờ, hương vị của các món này rất “ngon” kiểu Indo, ngon chỉ… thua mì gói một chút xíu nhưng nếu phải chọn, có lẽ tôi vẫn thích mì gói hơn. Tôi ráng ăn cho hết tô mỳ súp của mình, cũng chẳng nhiều nhặn gì, may quá.

Điều tuyệt vời của việc mất vị giác ở chỗ bạn ăn đồ dở cũng như đồ ngon, chẳng khác biệt gì nhiều. Điều dở của việc mất vị giác là đồ ăn dở thì vẫn cứ dở, chẳng ngon hơn được tẹo nào, thậm chí còn tạo nhiều chán nản hơn. Tự dưng tôi thấy bản thân mình đang so sánh tô mỳ đó với lại một tô phở hay tô bún bò, bún riêu nóng hổi ở Việt Nam và rồi tôi tự giận mình vì… lỡ so sánh. Khi người ta so sánh, người ta sống trong quá khứ, người ta không thể thưởng thức hiện tại. Tôi rất ít khi so sánh nhưng mà đôi khi hiện tại dở qúa tôi cũng không thể kìm chế lòng mình mà… lén so sánh một tí, dù tất nhiên không nói ra thành lời chút nào. Tôi ăn không phải vì đồ ăn, tôi ăn chỉ để giữ cơ thể này tồn tại, ăn để bụng có gì đó mà còn uống thuốc, tôi ghét thấy cơ thể mình bất ổn.

Leo đọc được suy nghĩ của tôi nên an ủi: “Lần đầu tiên anh đến nhà hàng này nên không biết ngon dở ra sao. Em ăn tạm. Chút xíu mình sẽ đi những nhà hàng khác mà anh biết, có dẻ sườn heo sốt kiểu Mỹ nè, món Mexicon nè, Sushi nữa…”

Kayla, con gái của anh, hơi giận dỗi: “Ba suốt ngày dẫn con đi ăn đồ của du khách, con muốn ăn đồ của dân bản địa cơ. Vậy thì con mới có cảm giác là mình sống ở đây chứ không chỉ đến như một khách du lịch.”

Tôi đồng ý với Kayla, tôi cũng không thích đồ ăn Tây cho lắm, nhất là khi mất vị giác thế này thì đồ ăn kiểu gì cũng không thành vấn đề, nhưng mà nghĩ tới những món truyền thống của Indo mà tôi đang ăn tự dưng tôi thầm nghĩ: “Cả hai đều không hợp khẩu vị của mình nhưng dù sao đồ Tây vẫn tốt hơn. Đồ ăn tây dù không hạp nhưng ít nhất vẫn có gì đó để làm đầy cái bao tử chứ tô mỳ truyền thống này, ngoài vài sợi bún, vài sợi cải bắp, vài sợi gà xé thì chỉ toàn nước súp mà lại còn là nước súp có vị như nước súp khi bạn pha mì tôm nhưng quên bỏ… gói muối. Miệng mình hạnh phúc vì không phải ăn nhiều, cái bao tử cũng vui vì không phải tiêu hoá nhiều nhưng toàn cơ thể thì chẳng vui gì cả.”

Tôi thầm nghĩ và tự cười một mình trong khi hai cha con Leo tâm sự với nhau những chuyện mà tôi cũng chẳng bận tâm lắm. Chuyện đời tôi cũng đủ khiến tôi mỏi mệt rồi.

Ăn xong, tôi quyết định đi bộ về lại nhà thay vì ngồi lên chiếc xe phân khối lớn mà rõ ràng Leo cũng không rành lái cho lắm. Đoạn đường không quá xa và đầy ắp những cửa hàng bán đồ thủ công rất đẹp, này là những đàn cá gỗ đủ màu sắc, hàng đống những bức tượng đôi khi bằng thạch cao đôi khi bằng gỗ hoặc đá, những miếng sắt được chế tác khéo léo thành mọi loài động vật trên đời, những cửa hàng tranh vẽ trên giấy, trên vải và cả trên gỗ, những cửa hàng đồ gỗ đồ nội thất cũ hoặc mới đầy mùa sắc và cá tính riêng. Đặc biệt là rất nhiều cửa hàng chuyên bán dreamcatcher, rèm len, gối len, tranh bằng len rất nghệ thuật và bắt mắt. Tôi đi qua từng cửa hàng với đôi mắt cảnh giác cao độ, một mắt thì nhìn những món hàng đẹp đẽ, mắt còn lại phải nhìn xuống chân vì biết sơ xẩy một chút có thể lọt xuống những cái hố bất cứ lúc nào. Leo đặc biệt lưu ý tôi về chuyện phải chú ý những cái lỗ, cái hố, rãnh nước trên đường nếu tôi muốn “toàn mạng” trở về.

Lời khuyên ấy quả thật không thừa.

Buổi tối Leo dẫn chúng tôi vào khu phố trung tâm, ghé vào một quán bar uống cocktail nghe nhạc ascoutic. Tôi gọi cho mình một ly Cosmospolitan thơm ngon màu hường sương sương trong khi không quên nhâm nhi giai điệu đầy vui tươi của những ca khúc La Tinh được ban nhạc bản địa vừa chơi nhạc cụ vừa hát. Những người nhạc công lẫn ca sĩ vừa hát vừa nhìn tôi thích thú vì tôi không chỉ nghe hát, tôi còn nhún người theo các giai điệu mà họ cất lên, có lẽ tôi đã khiến họ thấy vui vẻ hơn trong một không gian khá ít người như vậy. Tôi còn thấy họ nháy mắt và liên tục cười thật nhiều với tôi nữa. Leo nói nhỏ vào tai tôi: “Em đẹp quá, thật sự rất đẹp, rất quyến rũ.” Leo chính là chuyên gia khen ngợi, điều này khỏi cần bàn. Tôi nhìn anh, nháy mắt, mỉm cười cảm ơn. Tôi nghĩ mình nên ngậm miệng lại thay vì nói cho anh ấy biết sự thật rằng những lời khen ngợi ấy tôi rất trân trọng nhưng đối với tôi bây giờ, tôi không chỉ mất vị giác với đồ ăn, tôi còn mất cả cảm giác với mọi lời khen ngợi nữa.

Sau ly cocktail đầu tiên, chúng tôi dạo bộ trên phố, đi ngang qua những cửa hàng, quán xá lớn nhỏ, tôi thật sự ngạc nhiên về sự xinh đẹp của nơi này, nó thú vị và đáng sống hơn tôi nghĩ. Chúng tôi dừng lại một nhà hàng nơi có một ban nhạc khác đang chơi nhạc trong khi những cặp đôi thì nhảy điệu Salsa trên sàn. Leo gọi cho tôi một ly cocktail của người dân địa phương khá ngon miệng, giống như nước chanh pha thêm Vodka và một vài loại rượu thơm khác, nhẹ nhưng ngon. Tôi cứ phải nhắc đi nhắc lại chuyện tôi có thể ăn bất cứ gì nhưng cũng đồng thời không biết ăn gì vì nhìn vào menu chi chít chữ lẫn miêu tả, mắt tôi cứ hoa đi. Leo gọi cho tôi một phần thịt cừu cắt miếng vuông xiên cùng rau củ nướng, ăn kèm cơm chiên cà ri và salad. Tôi không biết đây có phải món truyền thống của Indo không nhưng tôi thích món này, ít nhất là thích hơn món mỳ hồi chiều. Nhìn tôi ăn ngon lành Leo rất vui trong khi Kayla thì có phần buồn chán. Cô bé chỉ ngồi im phóng đôi mắt buồn nhìn lơ đãng xung quanh. Tôi bảo cô bé: “Nói thật đi, em thích ở nhà hơn hay ở đây hơn?” Cô bé cúi đầu ngượng ngùng: “Em thích ở nhà.”

xúi: “Chị cũng nghĩ vậy. Đây không phải là nơi cho những cô bé chút nào vì toàn người lớn uống rượu, hát hò, nhảy múa. Thật ra, chị cũng không phải người thích nơi ồn ào như này đâu. Cũng như em, chị thích ở nhà hơn đấy, nhưng mà ở nhà nhiều quá thỉnh thoảng nó cũng làm mình ngu đi, lười biếng đi và “đóng” lại. Chị rất biết ơn ba em, vì ba em đang cố gắng “show” cho chị thành phố này, ba em muốn chị thấy mọi thứ, trải nghiệm mọi thứ ở nơi này, kể cả khi nó không hợp với em cho lắm. Lần sau, em nhớ nói với ba một tiếng là em có muốn đi hay muốn ở nhà hơn, em nhé. Điều này dễ cho em và cho cả ba em nữa. Ông ấy sẽ làm mọi thứ vì em đấy.”

Cô bé, với đôi mắt long lanh nhìn tôi mỉm cười.

Tôi thuyết phục Leo ra về sớm vì Kayla, cô bé còn quá nhỏ cho nơi ồn ào này. Leo chiều ý tôi nên chúng tôi rời khỏi nhà hàng đi dạo thêm một lát rồi về nhà.

Thả mình trên chiếc giường cùng tấm chăn trắng muốt êm ái thật dễ chịu. Tôi nhớ về chuyến bay đầy mây bồng bềnh hồi sáng này và cùng với sự cộng hưởng của hai ly cocktail hồi tối, tôi thấy mình ngủ trên chín tầng mây, dù cho lòng vẫn trống rỗng và đầu óc vẫn mù mịt như bao giờ.

It nhất cái bao tử của tôi có vẻ khá hài lòng vì món thịt cừu nướng rau củ sốt cari. Thế là đủ cho một ngày đầu tiên ở thiên đường…

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *