Ở Jabalpur có một nơi rất tuyệt, tuyệt đến nỗi tôi phải đến nơi đó gần như mỗi ngày và mỗi lần lại ít nhất 1-2 tiếng đồng hồ. Nó được gọi là Chợ Kẻ Trộm.
Tất cả mọi thứ đồ trộm cắp đều được bán ở đó. Tôi đến đó để tìm mua những cuốn sách. Rất nhiều sách bị trộm khỏi các thư viện và được mang đến bán tại đó, kể cả những cuốn sách cổ, sách quý hiếm và những cuốn khác rất đẹp. Tôi có nhiều sách quý nhờ vào khu chợ đó. Từ cuốn sách đầu tiên của Gurdjieff hay cuốn Ousoensky’s In Search of the Miraculous.
Một cuốn sách bình thường nếu có giá 50 rupees nhưng nếu mua ở Chợ Kẻ Trộm nó chỉ có giá một nửa, bởi vì ở nơi đó người ta bán sách theo cân.
Những người ở đó, họ không quan tâm chút nào chuyện sách đó là của Ouspensky, Plato hay Russell. Mọi thứ đều chỉ là đồ ve chai, rác rưới với họ, liệu bạn mua tạp chí cũ hay mua Socrates chăng nữa thì cũng đều chỉ chung mà một giá mà thôi.
Tôi đã sưu tập cho thư viện của mình hàng ngàn cuốn sách từ Chợ Kẻ Trộm đó.
Mọi người cứ liên tục hỏi: “Cậu có bị điên không? Tại sao cậu lại cứ đến nơi đó? Nơi đó không tốt. Người tốt không nên tới đó. Đó là thông đồng với kẻ trộm.”
Tôi nói: “Tôi không quan tâm. Kể cả nếu người ta nghĩ tôi là một kẻ trộm, điều đó cũng không thành vấn đề chút nào.”
Đối với tôi, Chợ Kẻ Trộm như một cái nguồn tuyệt nhất. Nó có cả những cuốn sách mà tôi thậm chí không thể tìm thấy trong các thư viện của trường đại học. Nó bán mọi thứ đồ có thể bị trộm, sách chỉ là một trong số các món hàng.
Tại Ấn Độ, trong mỗi thành phố lớn đều có một chợ kẻ trộm như thế. Tại Bombay, khu chợ ấy bán nhiều thứ rẻ đến nỗi bạn có thể mua mọi thứ với giá rẻ như cho không. Nhưng dầu vậy, việc mua hàng ở đây tương đối mạo hiểm vì nó là tài sản bị đánh cắp.
Tôi gặp rắc rối một lần khi mua 300 cuốn sách từ một cửa hàng nọ. Dường như toàn bộ thư viện của ai đó bị đánh cắp và chỉ với 150 rupees, tôi có 300 cuốn sách. Tôi không thể chừa bất cứ cuốn nào lại và thậm chí đã phải đôn đáo chạy đi mượn tiền để mua đống sách ấy cho bằng được.
Những cuốn sách này đã được đóng dấu với tên của ai đó và có cả địa chỉ trên trang bìa phụ. Cuối cùng cảnh sát cũng tới tìm tôi và hỏi về 300 cuốn sách ấy.
Tôi nói: “Vâng, đúng vậy. Kia là đống sách cháu đã mua từ Chợ Kẻ Trộm. Nhưng các bác có biết, người chủ của đống sách này, ông ta đã gần 90 tuổi rồi không? Ông ta sẽ không còn sống lâu nữa.”
Vị cảnh sát điều tra nói: “Cậu đang ngụ ý điều gì?”
Tôi nói: “Cháu chỉ muốn làm rõ mọi chuyện với các bác thôi. Người đàn ông già đó, ông ta sớm muộn cũng sẽ chết thôi và rồi đống sách sẽ bị mục nát đi. Tại sao phải lãng phí như vậy?
Nếu các bác muốn, cháu có thể đưa trả cho các bác đống sách này, nhưng các bác sẽ phải trả lại tiền cho cháu: 150 rupees cả thảy. Đó là khoản tiền cháu đã phải vay mượn để mua chúng. Các bác cũng không thể bắt cháu vì chúng ta có ông chủ tiệm làm chứng là cháu không phải kẻ trộm. Vậy nên việc của các bác phải là đến chỗ ông chủ tiệm để truy hỏi và tìm cho ra kẻ trộm sách.
Nếu các bác tìm ra hắn ta, hãy lấy lại 150 rupees từ chỗ hắn, hay từ bất kì chỗ nào khác cũng được, cháu không quan tâm. Các bác chỉ cần tìm và trả lại cho cháu 150 rupees và cháu sẽ trả lại đống sách này. Vậy mới công bằng chứ.
Trong lúc các bác tìm tên trộm ấy, cháu đảm bảo đống sách này không thể ở trong điều kiện nào tốt hơn được. Chúng sẽ được sử dụng với đúng mục đích mà chúng được tạo ra. Chúng sẽ được đọc và bảo quản cẩn thận chứ không phải trong tay một ông già mà không bao giờ mở chúng ra thêm lần nào nữa.”
Viên cảnh sát nói: “Cậu nói rất có lý, nhưng đây vẫn là những cuốn sách bị ăn trộm, chúng tôi không thể làm trái luật được.”
Tôi nói: “Vậy thì hãy cứ tiếp tục làm theo luật. Các bác hãy đến cửa hàng nơi mà cháu đã mua đống sách này, ông chủ tiệm sẽ làm chứng là cháu mua chúng chứ cháu không trộm. Ngay cả ông chủ tiệm cũng đã mua đống sách này, ông ta cũng không trộm. Nên các bác hãy đi mà tìm kẻ đã ăn trộm ấy.”
Ông ta nói: “Nhưng trên những cuốn sách vẫn còn nguyên con dấu và tên của người chủ.”
Tôi nói: “Các bác đừng lo. Lần tới các bác tới đây, dấu mộc và tên sẽ không còn ở đó nữa. Cháu có thể đảm bảo điều đó. Nhưng trước tiên các bác hãy đi tìm kẻ trộm trước đi. Cháu sẽ luôn ở đây, sẵn sàng phục vụ.”
Khi họ vừa đi khỏi, tôi xé ngay trang giấy có đề dấu mộc và tên, đó là trang giấy trống không có nội dung gì nên xé chúng khỏi cuốn sách không bị ảnh hưởng chút nào. Sau khi xé, tôi kí tên mình lên mọi cuốn sách. Và không chỉ một trang, tôi kí lên nhiều trang, để đảm bảo nếu chúng có bị đánh cắp, tôi sẽ tìm ra chúng.
Các vị giáo sư thường xuyên hỏi tôi: “Cậu đọc ngày đọc đêm nhưng tại sao cậu lại không thích sách giáo khoa?”
Tôi đáp: “Vì đơn giản, em không muốn người chấm bài nghĩ em là một con vẹt.”
Những cuốn sách giúp tôi rất nhiều để không là một con vẹt.
Osho.
Chương 11, sách Sinh Viên Nổi Loạn (Osho – giải phóng tuổi thanh niên)
Mời bạn liên hệ fanpage Cuộc đời Osho để đặt mua sách!
Namaste!