Câu hỏi: “Osho, tôi đã được nuôi dạy bởi phương pháp giáo dục của Rudolf Steiner, nhưng tôi vẫn chưa thể phá vỡ những rào chắn của mình đối với ông ấy. Mặc dù tôi tin rằng ông ấy đúng trong cách thức thể hiện cho phương tây về khả năng giải phóng bản thân khỏi “Maya” – thực tại ảo – để học cách suy nghĩ đúng đắn. Nhờ làm việc này kết hợp với thiền định, ông ấy nói rằng chúng ta có thể đánh mất bản ngã và tìm ra cái “tôi”. Nhân tố trung tâm của ông ấy là Chirst, là thứ mà ông ấy đã phân tách ra khỏi Jesus như thực thể hoàn toàn tách biệt. Con đường của thầy dường như rất khác biệt với tôi. Thầy có thể cho tôi lời khuyên không? Tôi như bị giằng xé giữa con đường của thầy và của Steiner.”
Osho: Rudolf Steiner là một tâm trí vĩ đại, nhưng để làm rõ, tôi nói “một tâm trí vĩ đại”, và tâm trí thì không có liên quan gì tới tôn giáo/tâm linh cả. Ông ấy là một tài năng lớn. Trên thực tế, rất khó mà tìm ra một tâm trí khác có thể so sánh với Rudolf Steiner. Ông ấy là thiên tài trong nhiều chiều hướng và kiểu mẫu, cứ như ông ấy là siêu nhân: một người suy ngẫm theo cách hợp lý hoá rất vĩ đại, một triết gia lớn, một kiến trúc sư lớn, một nhà giáo dục lớn và vân vân. Bất cứ gì ông ấy chạm vào, ông ấy liền mang theo nó những ý tưởng tân thời mới lạ vào chủ đề đó. Bất cứ nơi nào ông ấy để mắt tới, ông ấy sẽ tạo ra một khuôn mẫu mới cho việc nghĩ. Ông ấy thực là một người đàn ông vĩ đại, một tâm trí vĩ đại, nhưng sau rốt, tâm trí là thứ mà dù nhỏ bé hay vĩ đại, đều không có gì để làm khi có liên quan tới tính tâm linh, tới tôn giáo. Không liên quan chút nào.
Tôn giáo chỉ xuất hiện trong trạng thái không-tâm-trí. Tôn giáo không phải thứ liên quan đến tài năng hay sự trau dồi, nó là bản tính tự nhiên của bạn. Nếu bạn muốn trở thành một hoạ sĩ lớn, bạn phải có tài; nếu bạn muốn là một nhà thơ lớn, bạn cũng phải có tài; nếu bạn muốn là một nhà khoa học, tất nhiên bạn cũng phải có tài năng nữa. Nhưng nếu bạn muốn trở nên tôn giáo, không tài năng đặc biệt nào được cần tới. Bất cứ ai, dù nhỏ bé hay vĩ đại, bất cứ ai mà sẵn sàng vứt bỏ tâm trí để bước vào chiều hướng của tâm linh thì đều có thể. Nó không cần tài năng. Và tất nhiên, những người có tài năng lớn càng khó để vứt bỏ tâm trí, sự đầu tư của họ với tâm trí còn lớn hơn. Với một người bình thường không có tài năng gì, sẽ rất dễ dàng để vứt bỏ tâm trí – kể cả khi trông nó có vẻ khó khăn. Anh ta không có gì để mất cả dù bên ngoài vẫn tiếp tục cố gắng níu bám. Tất nhiên, khó khăn nhân lên nhiều lần khi bạn có một tâm trí tài năng, khi bạn là một thiên tài. Thế thì toàn bộ bản ngã của bạn được đầu từ trong tâm trí của bạn. Bạn không thể vứt bỏ nó.
Rudolf Steiner đã lập ra một phong trào mới gọi là Triết học Tâm linh (Nhân trí học), một phong trào chống lại nền thần học cũ. Ông ấy đã là một nhà thần học lúc ban đầu, sau đó bản ngã của ông ấy bắt đầu chiến đấu chống lại những bản ngã khác trong phong trào ấy. Ông ấy đã muốn trở thành người lãnh đạo, thành người tối cao của phong trào thần học trên thế giới. Điều đó là không thể vì luôn có quá nhiều bản ngã ở khắp nơi.
Rắc rối lớn nhất đến từ J. Krisnamurtri, người mà không có bản ngã chút nào. Và tất nhiên, các nhà thần học càng ngày càng nghĩ nhiều hơn về Krishnamurtri. Ông ấy dần dà trở nên như một đấng ‘messiah’. Điều này đã tạo ra rắc rối trong tâm trí Rudolf Steiner. Nó khiến ông ấy bứt ra khỏi phong trào cũ. Toàn thể nền thần học trong khu vực nước Đức đã bị phá vỡ bởi ông ấy. Ông ấy thực sự là một nhà hùng biện rất rất thuyết phục, một tác gia rất thuyết phục, ông ấy đã thuyết phục mọi người. Ông ấy đã phá huỷ nền thần học một cách sâu sắc, ông ấy chia nó ra. Và kể từ đó thần học không bao giờ có thể trở lại tính toàn thể và lành mạnh của nó nữa.
Rudolf Steiner đã có một sự đối kháng với tâm trí phương Tây, và nó chính là chỗ nguy hiểm. Bởi vì tâm trí phương Tây về căn bản được định hướng theo logic, sự hợp lý: lý do, suy nghĩ, biểu tượng. Ông ấy nói về nó và ông ấy nói: “Đây là cách thức cho tâm trí phương Tây.” Không. Không phương Đông và phương Tây, tâm trí là tâm trí, cách thức đúng là vô-trí. Nếu bạn là người phương Đông, bạn sẽ phải vứt bỏ tâm trí phương Đông. Nếu bạn là phương Tây, thế nữa bạn sẽ phải vứt bỏ tâm trí phương Tây. Để di chuyển vào thiền, tâm trí buộc phải bị vứt bỏ. Nếu bạn là người Ki-tô giáo bạn sẽ phải vứt bỏ tâm trí Ki-tô giáo. Nếu bạn là người Hindu, bạn sẽ phải vứt bỏ tâm trí Hindu. Thiền định không liên quan chút nào tới Ki-tô giáo, Hindu giáo, phương Đông, phương Tây, Ấn Độ hay Đức. Không chút nào.
Tâm trí là gì? Tâm trí là những điều kiện được trao cho bạn bởi xã hội. Nó là một sự áp đặt lên những tâm trí nguyên bản, thứ mà chúng ta gọi là vô-trí. Chỉ để cho bạn không băn khoăn, tất cả tâm trí đều phải bị vứt bỏ. Mọi con đường đều phải được làm trống để cho điều thiêng liêng có thể đi vào trong bạn. Suy nghĩ thì không phải là thiền định. Thậm chí suy nghĩ đúng cũng không phải là thiền. Đúng hay sai, suy nghĩ cần bị vứt bỏ. Khi mà không còn sót lại chút suy nghĩ nào trong bạn, không đám mây nào của suy nghĩ trong bạn, bản ngã biến mất. Và nhớ, khi bản ngã biến mất, cái “tôi” cũng sẽ không được tìm thấy. Không. Khi bản ngã biến mất, cái tôi cũng biến mất. Không có bất cứ gì được tìm thấy cả. Vâng, chính xác là như thế. Không-cái-gì được tìm thấy.
Mới đêm nọ tôi đã kể về một câu chuyện của một Thiền sư lớn, To-san. Ông ấy trở thành Cái Không, Sự trống rỗng tuyệt đối. Ông ấy đã chứng ngộ, trở nên không tồn tại – những gì mà Phật gọi là anatta, vô-trí. Lời đồn đến tai các vị thần rằng ai đó đã chứng ngộ và tất nhiên, khi ai đó chứng ngộ, thần tiên cũng muốn thấy mặt người đó: vẻ đẹp, sự nguyên bản, sự tinh tuyền của nó. Thế nên các thần tiên liền ghé thăm tu viện nơi To-san ở.
Họ nhìn quanh và họ cố gắng bằng nhiều cách. Họ đi vào bên trong ông ấy từ phía này sang phía nọ và không ai tìm thấy được gì bên trong To-san cả. Họ bực bội. Họ muốn thấy gương mặt nguyên bản nhưng ở đó chẳng có ai. Họ dùng nhiều phương kế và sau đó một vị thần rất tinh ranh, rất thông minh, nói, “Chúng ta hãy làm một việc này”: Ông ta chạy vào bếp của tu viện, bốc đầy tay một nắm gạo và lúa mì và đợi. Khi To-san trở lại tu viện sau buổi đi dạo buổi sáng, vị thần này liền ném gạo và lúa mì ngay trên đường đi của ông ấy.
Trong một thiền viện, mọi thứ đều được tôn trọng, thậm chí một hạt gạo hay một hạt lúa mì, kể cả một viên đá hay bất cứ thứ gì khác đều phải được tôn trọng. Mọi người trong thiền viện đều phải rất cẩn thận lẫn tỉnh táo. Không một hạt gạo nào bị rơi vãi chỗ này hay chỗ nọ trong thiền viện. Bạn phải hết sức tôn trọng. Và nhớ, sự tôn trọng này không liên quan gì với kinh tế học của những người theo Gandhi đâu. Nó không phải vấn đề về tính kinh tế, bởi vì người theo Gandhi chẳng là gì ngoài việc cố hợp lý hoá sự hà tiện của họ.
Sự tôn trọng của các thiền viện không liên quan chút nào tới sự hà tiện này. Nó đơn giản là sự tôn trọng dành cho mọi tạo vật một cách toàn bộ.
Cho nên việc rải gạo trên lối đi này là một điều rất thiếu tôn trọng. Đây là ý tưởng nguyên bản của Upanishads – nơi mà những nhà tiên tri đã nói “Anambrahma” nghĩa là “thực phẩm là thượng đế”. Bởi vì thực phẩm mang lại cho bạn sự sống, thực phẩm cho bạn năng lượng. Thượng đế đến cơ thể của bạn thông qua đồ ăn, đồ ăn trở thành máu thành xương của bạn. Vậy nên một hạt gạo cũng nên được đối xử như mọi thượng đế khác. Vậy nên khi vị thần này ném gạo và lúa mì trên con đường mà To-san đang tới, ông ấy đã ngạc nhiên, không thể tin được. Ông ấy đã ngạc nhiên: “Ai đã làm chuyện này? Ai đã trở nên vô tâm thế này?”
Một suy nghĩ khởi lên trong tâm trí Toshan khi ông ấy thốt ra lời ấy. Và câu chuyện là những vị thần đó nhờ vậy đã có thể thấy gương mặt nguyên bản của To-san trong một khoảnh khắc. Bởi vì trong khoảnh khắc suy nghĩ khởi lên, cái “tôi” cũng khởi lên theo cách rất tinh tế: “Ai đã làm điều này? Hẳn có gì đó đã đi sai.”
Bất cứ khi nào bạn quyết định cái gì là sai hay đúng, bạn có đó, ngay lập tức. Giữa sai và đúng là nơi mà bản ngã tồn tại. Giữa hai suy nghĩ là nơi mà bản ngã tồn tại. Mỗi suy nghĩ lại mang theo bản ngã của chính nó. Trong một khoảnh khắc, một đám mây khởi lên trong nhận thức của To-san: “Ai đã làm điều này?” – một chút căng thẳng đã khởi lên. Mỗi suy nghĩ bản thân nó đều là một sự căng thẳng. Kể cả khi suy nghĩ là nguyên bản, rất ngây thơ chăng nữa, nó cũng đều có những căng thẳng ẩn phía sau.
Ví dụ, bạn đi dạo buổi sáng trong khu vườn đẹp, mặt trời đang mọc, những chú chim đang hót và một ý tưởng khởi lên “Đẹp quá”! Thậm chí chỉ vậy, nó cũng là một sự căng thẳng. Đó là lý do tại sao nếu ai đó bước đi bên cạnh bạn, ngay lập tức bạn sẽ nói với anh ta: “Nhìn xem, thật là một buổi sáng tuyệt đẹp”. Bạn đang làm gì? Bạn chỉ đang đơn giản làm gia tăng sự căng thẳng đã có sẵn trong đầu bạn. Một buổi sáng đẹp và một suy nghĩ nảy ra. Nó đã tạo ra sự căng thẳng xung quanh ý tưởng đó. Sự tồn tại của bạn đầy ắp những căng thẳng.
Căng thẳng tinh tế này cần phải được giải phóng, vậy nên bạn nói với người khác. Điều bạn nói là vô nghĩa bởi vì người đó đang đứng ngay nơi mà bạn đứng. Anh ta cũng đã nghe tiếng chim, anh ta cũng đã thấy mặt trời mọc, anh ta cũng nhìn hoa nở, thế thì cần gì phải nói ra một câu như là “Nhìn này, đẹp quá”? Anh ta có mù đâu.
Nhưng điều đó không phải vấn đề. Khi bạn nói ra điều đó, bạn cũng không phải là đang giao tiếp với người kia. Thông điệp của cuộc sống rõ ràng với anh ta cũng hệt như nó rõ ràng với bạn. Trên thực tế, bạn chỉ đang cố giải phóng bản thân khỏi những căng thẳng trong đầu mình. Bằng việc nói nó ra, suy nghĩ sẽ bị phân tán vào trong bầu không khí. Bạn được làm nhẹ khỏi gánh nặng nào đó.
Một suy nghĩ khởi lên trong tâm trí của To-san, một đám mây đã tụ lại. Và thông qua đám mây đó mà các vị thần có thể thấy được khuôn mặt của ông ấy. Nó chỉ là một thoáng nhìn trôi qua rất nhanh thôi rồi đám mây lại biến mất, một lần nữa lại chẳng còn To-san nào hiện hữu.
Nhớ, đây là những gì mà thiền sẽ làm: nó sẽ phá huỷ bạn một cách toàn bộ đến nỗi thậm chí thần thánh có ghé đến cũng sẽ không tìm ra bạn. Bạn chỉ có thể được tìm thấy trong vài tình huống bất ngờ nào đó xảy ra. Không ai bên trong cả để mà được tìm thấy. Ngay cả ý tưởng “không-có-ai” cũng là một loại căng thẳng. Đó là lý do tại sao những người cho rằng họ là ai đó thì thường căng thẳng hơn. Những người nghĩ rằng họ chẳng là ai cả thì ít căng thẳng hơn. Chỉ người mà hoàn toàn quên mất bản thân mình thì mới không căng thẳng.
Vậy nên hãy nhớ, khi bản ngã bị mất, ngay cả “cái tôi” cũng không được tìm thấy. Khi bản ngã biến mất, không cái gì được tìm thấy cả. Chính cái không-gì-cả đó, cái tinh khiết của không-gì-cả đó chính là bản thể của bạn, là trung tâm cốt lõi của bạn. Nó là bản tính tự nhiên của bạn, bản tính Phật của bạn, nhận thức của bạn – giống như bầu trời rộng lớn không mây nào tụ lại.
Giờ hãy lắng nghe câu hỏi thêm lần nữa: “Tôi được nuôi dạy bởi phương pháp của Rudoilf Steiner.” Vâng, việc của họ là dạy bạn, việc của tôi ở đây thì không phải là dạy bạn chút nào cả. Thật ra là ngược lại, tôi đang lấy đi mọi điều mà bạn đã được dạy. Tôi không phải một nhà giáo. Tôi không truyền đạt kiến thức cho bạn. Toàn bộ nỗ lực của tôi ở đây là phá huỷ tất cả những gì bạn nghĩ là bạn biết. Nỗ lực của tôi là lấy hết mọi kiến thức khỏi bạn. Tôi ở đây để giúp bạn hồi quy, rũ bỏ mọi kiến thức.
“Tôi được nuôi dạy bởi phương pháp của Rudolf Steiner nhưng tôi vẫn chưa thể phá vỡ rào chắn của tôi đối với ông ấy.”
Không ai có thể phá vỡ rào chắn với một người mà bản thân người đó vẫn còn bị định hướng bởi bản ngã. Rất khó để phá vỡ rào chắn của bạn tới một người mà không còn tồn tại bản ngã nữa là. Thật ra nó là khó để phá vỡ bất cứ rào chắn nào bởi vì bản ngã của bạn sẽ kháng cự. Nhưng khi bạn ở quanh một người thầy mà bản ngã của người đó vẫn còn sống, người đó vẫn đang cố gắng để trở thành một ai đó, người mà vẫn còn những ý định, điều đó là bất khả cho bạn buông bỏ bản ngã của mình.
“Mặc dù tôi tin rằng ông ấy đã đúng theo cách mà ông ấy bày tỏ cho phương Tây, khả năng tự do khỏi ảo mộng – maya để học cách nghĩ-đúng.”
Không, cách thức đúng cho phương Đông hay phương Tây là: làm sao để xoá bỏ mọi suy nghĩ, làm sao để không nghĩ, để chỉ hiện diện.
Điều này cần cho phương Tây hơn cả phương Đông vì phương Tây sau hai thiên niên kỉ từ khi Aristotle áp đặt lên bạn việc suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ. Suy nghĩ đã trở thành mục tiêu. Tâm trí suy nghĩ đã trở thành mục tiêu của Phương Tây: Làm cách nào để trở nên chính xác hơn, khoa học hơn trong cách suy nghĩ của bạn?
Toàn thể thế giới khoa học được sinh ra từ nỗ lực này. Bởi vì khi bạn làm việc như một nhà khoa học bạn phải suy nghĩ. Bạn phải làm việc trong thế giới đối thể. Bạn phải tìm ra những cách chính xác hơn, giá trị hơn của việc nghĩ, nghiên cứu, tìm tòi. Và nó đã phải trả cái giá rất đắt vì trong quá trình nghiên cứu đối thể, nó đã quên mất chủ thể. Và chủ thể mới là thứ quan trọng.
Khoa học đã đạt thành công lớn trong việc nghiên cứu đối thể – việc đi ra ngoài. Vậy nên tất nhiên người ta nghĩ rằng cùng phương pháp đó sẽ hữu ích khi bạn đi vào bên trong. Đó là lối nguỵ biện của Rudolf Steiner.
Ông ấy cho rằng theo cùng một cách đó có thể được dùng để thấu tỏ vấn đề, cùng một phương pháp sẽ giúp người ta đi vào bên trong. Nó không thể. Bởi vì để đi vào bên trong, một người phải di chuyển theo hướng hoàn toàn ngược lại, hướng xuyên tâm.
Nếu suy nghĩ là hữu ích trong việc biết vấn đề, không-suy-nghĩ sẽ giúp bạn biết chính mình. Nếu logic, lập luận giúp bạn biết vấn đề, thế thì thứ gì đó như là Thiền Quán, thứ gì đó vô lý, phi lý sẽ giúp bạn đi vào bên trong và khám phá ra thế nào là tin cậy, tin tưởng, tình yêu – có thể, nhưng logic – không bao giờ.
Bất cứ gì có thể giúp bạn biết về thế giới tốt hơn thì đều đang tạo ra rào chắn bên trong bạn. Và cùng sự thật đó với thế giới bên ngoài nữa: bất cứ gì giúp bạn biết về chính mình sẽ không cần thiết trong việc giúp bạn biết vấn đề. Đó là lý do tại sao Phương Đông không thể phát triển xa về khoa học.
Cái thoáng nhìn đầu tiên của khoa học đã đến Phương Đông, nhưng Phương Đông không thể phát triển nó. Phương Đông không di chuyển theo hướng đó.
Những kiến thức nền tảng dạng thô sơ đã được phát triển ở Phương Đông, ví dụ như các ký hiệu toán học, các con số từ một tới mười đã được phát triển ở Ấn Độ. Chính nó đã làm cho toán học trở thành có thể. Nó là một khám phá lớn lao nhưng nó dừng lại ở đó. Cái khởi điểm đã xảy ra nhưng Phương Đông không thể đi xa hơn theo chiều hướng đó – hướng ra bên ngoài.
Bởi vì thế, mọi ngôn ngữ của thế giới, các chữ số, ký tự toán học đều mang gốc tiếng Phạn. Ví dụ: hai – two – là từ tiếng Phạn dwa – nó đã trở thành twa và sau đó là two. Ba – three – trong tiếng Phạn là tri, nó đã trở thành three. Sáu – Six trong tiếng Phạn là sasth, nó đã trở thành six. Bảy – Seven là Sapt. Tám là Ast, nó đã trở thành Eight. Chín trong tiếng Phạn là Nawa, nó thành Nine. Những phát minh nền tảng đã được làm ra ở Ấn Độ nhưng nó bị dừng lại ngay đó.
Tại Trung Quốc họ đã phát triển đạn dược lần đầu tiên, gần như năm ngàn năm trước, nhưng họ chưa bao giờ có thể tạo ra bất cứ quả bom nào từ đó. Họ chỉ có thể làm pháo hoa. Họ đã rất thích thú với nó, họ chơi với nó nhưng chỉ như đồ chơi. Họ không giết chết bất cứ ai với nó. Họ chưa bao giờ có thể đi xa đến vậy.
Phương Đông đã khám phá ra rất nhiều thứ cơ bản nhưng chẳng bao giờ đi xa được. Nó không thể, bởi vì toàn thể nỗ lực là đi vào bên trong chứ không phải bên ngoài.
Khoa học là một nỗ lực của Phương Tây; tâm linh – tính tôn giáo – là nỗ lực của phương Đông.
Ở Phương Tây thậm chí tôn giáo cũng cố để trở thành khoa học. Đó là những gì mà Rudolf Steiner đã làm: Cố gắng tạo ra một cách tiếp cận tôn giáo bằng nhiều lập luận hơn, nhiều logic hơn, nhiều nghiên cứu và nhiều khoa học hơn. Bởi vì ở phương Tây, khoa học là giá trị. Nếu bạn có thể chứng minh tôn giáo cũng là khoa học, thế thì tôn giáo cũng có thể trở nên giá trị trong một cách thức gián tiếp. Thế nên ở Phương Tây, những người tôn giáo vẫn đang tiếp tục cố gắng để chứng tỏ rằng khoa học thì không chỉ là khoa học, tôn giáo cũng là khoa học nữa.
Ở Phương Đông chúng ta chẳng bận tâm điều đó chút nào. Thậm chí còn là ngược lại: nếu có vài khám phá khoa học, người mà khám phá ra nó sẽ phải chứng mình rằng nó có vài yếu tố tôn giáo – tâm linh liên quan. Nếu không thì, nó sẽ là vô nghĩa.
“Nhờ cách làm này và kết hợp thiền định, ông ấy cho rằng chúng ta có thể đánh mất bản ngã để tìm ra cái “tôi”.
Rudolf Steiner không hề biết thiền định là gì, và những gì mà ông ấy gọi là thiền định thật ra chỉ là sự suy ngẫm tập trung. Ông ấy đã hoàn toàn lẫn lộn: ông ấy gọi sự suy ngẫm một cách tập trung chính là thiền định.
Suy ngẫm thì không phải là thiền định. Suy ngẫm chỉ là một cách thức rất rất hữu dụng cho tâm trí khoa học. Nó là việc định hướng tâm trí, mài giũa tâm trí, tập trung tâm trí vào một thứ xác định. Nhưng tâm trí vẫn còn nguyên đó, tâm trí chỉ trở nên tập trung hơn, tích hợp hơn.
Thiền định không tập trung cũng không suy ngẫm vào bất cứ gì cả. Trên thực tế, nó là việc thư giãn toàn bộ, không thu hẹp tâm trí vào bất cứ gì. Trong việc tập trung suy ngẫm, cần có một chủ đề. Trong thiền định không một chủ đề nào được nhắc tới. Bạn đơn giản biến mất vào trong vùng nhận thức vô-chủ-đề. Đó là một sự biến mất của nhận thức. Suy ngẫm tập trung là việc chọn lọc thứ gì đó, và mọi thứ khác đều bị khai trừ. Nó bao gồm chỉ một thứ, nó loại trừ mọi thứ khác.
Ví dụ: nếu bạn đang nghe tôi bạn có thể nghe theo hai cách: bạn có thể nghe thông qua việc tập trung, thế thì bạn căng thẳng, bạn rất chú ý vào những gì tôi nói. Thế thì chim chóc sẽ hót và bạn không nghe thấy tiếng chim chút nào. Bạn sẽ nghĩ tiếng chim là một dạng xao nhãng, phiền nhiễu. Sự phiền nhiễu nảy sinh từ nỗ lực tập trung của bạn. Sự phiền nhiễu là sản phẩm phụ của sự tập trung.
Và bạn cũng có thể nghe tôi theo cách thứ hai: cách thiền: bạn đơn giản mở, trở thành sẵn có: bạn có thể lắng nghe tôi, bạn cũng nghe cả tiếng chim nữa, và cơn gió thổi qua rặng cây và tạo những âm thanh xào xạc, bạn lắng nghe cả tiếng gió lùa vào lá cây, thế thì bạn ở đây một cách đồng thời và toàn bộ. Và thế thì bất cứ gì xảy ra ở đàng kia, bạn cũng mở mình ra cho nó mà không cần bận tâm về tâm trí chút nào, bạn chỉ nghe tất cả mà không lựa chọn chỉ nghe cái này hay cái nọ. Nó đơn giản không phải sự lựa chọn chút nào.
Bạn không nói, “Tôi sẽ nghe điều này và không nghe điều nọ.” Không, bạn lắng nghe toàn thể sự tồn tại. Thế thì tiếng chim và tôi và cơn gió không phải ba thứ tách biệt. Chúng vốn dĩ không tách biệt. Tất cả đều xảy ra đồng thời, tất cả cùng nhau và bạn lắng nghe tất cả. Tất nhiên sau đó sự hiểu biết của bạn được làm phong phú thêm rất nhiều bởi vì những chú chim đang nói cùng một điều theo cách riêng của chúng, cơn gió cũng mang theo thông điệp ấy theo cách riêng, tôi cũng vậy. Tôi nói theo cách của ngôn ngữ học để bạn có thể hiểu nhiều hơn. Nếu không thì, thông điệp chỉ có một. Cách thức biểu hiện là khác nhau, nhưng thông điệp thì giống nhau. Bởi vì Thượng đế chính là thông điệp.
Khi một chú chim cúc cu phát điên, Thượng đế phát điên. Đừng loại trừ, đừng loại bỏ nó, bởi vì thế thì bạn sẽ loại trừ Thượng đế. Đừng loại trừ bất cứ gì, hãy cộng gộp tất cả, hãy mở rộng khả năng đón nhận của bạn ra. Càng rộng càng tốt.
Tập trung là việc thu hẹp nhận thức lại. Thiền định là việc mở rộng: tất cả mọi cánh cửa đều mở, mọi cửa sổ đều mở và bạn không chọn lựa. Sau đó tất nhiên, khi bạn không chọn lựa thế thì bạn sẽ không thể bị phân tâm. Đó là vẻ đẹp của thiền định: một thiền nhân không thể nào bị phân tâm được.
Hãy để cho điều này làm tiêu chuẩn: nếu bạn cảm thấy bị phân tâm, xao nhãng, hãy biết rằng bạn đang cố tập trung, không phải thiền định. Một con chó bắt đầu sủa: thiền nhân không bị xao nhãng. Ông ấy hấp thu nó nữa, ông ấy thưởng thức nó nữa.
Ông ấy sẽ nói: “Nghe kìa, Thượng đế đang sủa thông qua những chú chó. Thật tuyệt. Cảm ơn Ngài về những tiếng sủa trong khi tôi đang thiền. Ngài đã chăm sóc tôi theo thật nhiều cách làm sao.” Nhưng không một sự căng thẳng nào nảy sinh cả. Ông ấy sẽ không nói: “Những con chó đang cố chống lại ta. Chúng đang cố phá huỷ sự tập trung của ta. Ta là người đầy tính tôn giáo, một người nghiêm túc và những con chó ngu xuẩn này… chúng đang làm gì vậy chứ?” Thái độ thù hằn nảy sinh, sự nóng giận nảy sinh. Và bạn nghĩ đó là thiền định sao? Không, nó là rất vô nghĩa nếu bạn trở nên tức giận với những chú chó. Những chú chó tội nghiệp chỉ đang làm công việc riêng của chúng. Chúng không phá huỷ thiền của bạn hay sự tập trung của bạn hay bất cứ gì cả. Chúng không bận tâm về tính chất tôn giáo của bạn chút nào, chúng cũng chẳng bận tâm tới bạn nữa. Chúng có thể không nhận thức được những điều điên rồ mà bạn đang làm. Chúng đơn giản đang tận hưởng cuộc đời của chúng, theo cách của chúng. Không, chúng không phải kẻ thù của bạn.
Nhìn xung quanh mà xem. Nếu một người trở nên tôn giáo trong một gia đình, toàn thể gia đình đó sẽ trở nên rất bối rối bởi vì người tôn giáo đó sẽ cứ tiếp tục ở ngay bên bờ vực của việc bị phân tâm. Ông ta cầu nguyện và không ai được phép làm ồn. Ông ấy thiền và bọn trẻ phải giữ im lặng, không ai được thoải mái vui chơi. Bạn phải trở nên nghiêm túc một cách không cần thiết, rồi bạn cũng áp đặt những điều kiện đó lên sự tồn tại xung quanh bạn. Nếu bạn thật là một người có tính tôn giáo và bạn cảm thấy bị làm phiền, thế thì bạn là người suy nhất phải chịu trách nhiệm. Chỉ mình bạn nên bị trách cứ, không phải người khác.
Những gì mà Rudolf Steiner gọi là “thiền” thì không là gì khác ngoài sự tập trung suy ngẫm. Và thông qua sự tập trung suy ngẫm đó bạn có thể đánh mất bản ngã và bạn sẽ đạt tới cái “tôi”. Nhưng “cái tôi” này thật ra lại chẳng là gì khác ngoài cách gọi khác của một bản ngã tinh tế hơn. Bạn sẽ trở thành một người theo thuyết sùng kính bản ngã tinh tế ấy. Bản ngã của bạn lúc này được trang trí dưới những ngôn từ tôn giáo, nhưng nó vẫn còn ở đó.
“Yếu tố trung tâm của ông ấy là tính Christ (tính Ki-tô) – mà đã được tách ra như thứ hoàn toàn riêng biệt với Jesus.”
Giờ, đối với một thiền nhân, chẳng có thứ gì gọi là nhân tố trung tâm hay yếu tố nòng cốt cả. Nó không được cần đến chút nào. Nhưng đối với những người thực hành việc tập trung, suy ngẫm, định tâm, thế thì sẽ cần một yếu tố trung tâm nào đó để hướng tới. Rudolf Steiner nói rằng Chirst là yếu tố trung tâm. Tại sao không phải là Buddha? Tại sao không phải là Patanjali? Sao không là Mahavir? Tại sao phải là Christ?
Đối với các Phật tử, Phật là nhân tố trung tâm, không phải Christ. Tất cả họ đều cần một chủ thể để có thể hướng tâm vào, tập trung vào. Một người tôn giáo thực thụ sẽ không cần tới nhân tố trung tâm nào để định tâm cả. Nếu như bản ngã trung tâm của bạn biến mất, hay đang tan biến đi, thế thì sẽ không còn bản ngã nào khác bên ngoài để hỗ trợ nó. Bản ngã chỉ là một, bất kể nó ở dạng thô hay dạng tinh tế, nó vẫn là một bản ngã. Cái tính “Christ” hay “Buddha” mà người ta cần để định tâm vào đó, lần nữa, lại tạo ra bản ngã ở đâu đó. Bạn đang tạo ra một sự phân cực giữa ‘tôi-bạn’.
Bạn nói “Chirst, ngài là thầy của tôi” nhưng ai là người nói điều này? Một “tôi” vẫn cần có đó để xác nhận. Nhìn xem, lắng nghe những lời Thiền Phật giáo, họ nói “Nếu bạn gặp Buddha – Phật – trên đường, giết ông ta ngay lập tức.” Nếu bạn không giết, ông ấy sẽ giết bạn. Đừng cho phép ông ấy một cơ hội nào, nếu không thì ông ấy sẽ chiếm hữu bạn và trở thành nhân tố trung tâm của bạn. Tâm trí bạn sẽ khởi lên mọi ý tưởng về ông ấy. Bạn sẽ trở thành một người mang tâm trí Phật nếu bạn không giết ngay những ý tưởng về ông ấy. Tương tự, bạn sẽ trở thành tâm trí Christ nếu cứ giữ những ý tưởng về Christ trong bạn.
Đối với một tâm trí xác định thì một chủ thể xác định là thứ được cần tới.
Và tất nhiên, Rudolf Steiner – ông ấy quan tâm về Chirst hơn là Jesus. Điều đó cũng cần được hiểu. Đó là cách mà một tâm trí tôn kính bản ngã nảy sinh.
Jesus chỉ giống như chúng ta: một con người với cơ thể, với cuộc sống bình thường, rất nhân tính. Bây giờ, với một tâm trí sùng-ngã điều bình thường này sẽ không có tác dụng. Ông ấy sẽ cần những yếu tố được thanh lọc đẹp đẽ hơn. Christ không là gì ngoài một Jesus-đã-qua-tinh-lọc.
Giống như bạn làm ra phô mai từ sữa, bạn tách kem ra khỏi sữa, rồi bạn tách lấy phần bơ từ chỗ kem ấy. Thế thì phần bơ đó chính là phần tinh chất nhất. Từ phần bơ cô đặc này bạn sẽ không thể chiết xuất cái gì ra được nữa. Bơ này là thứ tinh chế sau cùng, như là xăng trắng. Từ dầu ra xăng, từ xăng ra xăng trắng. Ấy là thứ cuối cùng, không thể lọc gì từ xăng trắng cả. Christ là phần tinh lọc của Jesus. Rất khó khăn cho Rudolf Steiner chấp nhận Jesus, nó cũng khó khăn cho mọi tâm trí tôn sùng bản ngã. Họ cố gắng từ chối những thứ bình thường bằng nhiều cách.
Ví dụ, Kito giáo nói rằng Jesus được sinh ra từ người mẹ đồng trinh. Vấn đề cơ bản của họ là không thể chấp nhận sự kiện Jesus được sinh ra chỉ như một con người bình thường. Bởi vì nếu thế ông ta trông sẽ giống như người thường, không linh thiêng. Họ phải làm cho ông ấy không bình thường, đặc biệt để cho những người đi theo được thoả mãn rằng họ đang theo một thầy đặc biệt. Không như Phật, được sinh ra từ tình yêu bình thường của con người, từ việc giao hợp bình thường, không – Jesus là người đặc biệt. Người ta muốn trở nên đặc biệt và để được đặc biệt thì sẽ cần tới những vị thầy đặc biệt. Đặc biệt như là sinh ra từ mẹ đồng trinh và lại là người con duy nhất của Thượng đế. Bởi vì nếu Thượng đế có những người con khác nữa thì Jesus sẽ chẳng còn đặc biệt chút nào. Ông ấy phải là đấng Christ duy nhất, người được chọn duy nhất bởi Thượng đế. Tất cả những người khác cùng lắm chỉ là sứ giả thôi, không thể ngang hàng như Jesus. Ki-tô giáo đã hoàn thành bản ngã của mình theo cách ấy. Nhưng tôi muốn bạn hiểu về Jesus nhiều hơn tính Christ của ông ấy. Bởi vì sẽ có nhiều phúc lành hơn để hiểu về Jesus, nhiều an lạc hơn, bình an hơn. Đó sẽ là một sự giúp đỡ lớn cho bạn trên con đường đạo. Bởi vì bạn đang trong tình trạng hiện hữu như một Jesus đã từng hiện hữu. Tính Christ giống như là một giấc mơ đối với bạn.
Trước tiên bạn phải chấp nhận việc hiện hữu như một Jesus, và chỉ sau đó, một ngày nào đó bản tính Christ mới khởi lên từ bên trong bạn. Christ chỉ là một trạng thái của hiện hữu, giống như Buddha cũng là một trạng thái của hiện hữu. Gautama đã trở thành Buddha, Jesus đã trở thành Christ. Bạn cũng có thể trở thành Christ nhưng ngay lúc này Christ là một trạng thái còn xa. Bạn có thể nghĩ về nó và tạo ra các triết học lẫn học thuyết về nó, nhưng việc đó sẽ chẳng giúp đỡ gì. Ngay lúc này điều tốt hơn là hiểu về Jesus, bởi vì đó là nơi mà bạn đang ở. Đó là nơi mà hành trình bắt đầu. Yêu mến Jesus bởi vì thông qua yêu mến Jesus bạn sẽ yêu toàn bộ nhân tính của nhân loại. Cố gắng hiểu Jesus và những nghịch lý, thông qua những nghịch lý bạn sẽ trở nên bớt mặc cảm tội lỗi hơn. Thông qua việc hiểu Jesus bạn sẽ có khả năng yêu mến chính mình nhiều hơn.
Giờ, các Ki-tô hữu vẫn đang tiếp tục cố gắng loại bỏ những nghịch lý về Jesus thông qua việc mang lại nhiều ý tưởng hơn về Christ. Ví dụ: có những khoảnh khắc khi Jesus đã tức giận, đó chính là vấn đề. Làm gì đây? Rất khó để tránh né các sự kiện này bởi vì thực tế Jesus đã tức giận rất nhiều lần và điều đó chống lại lời dạy của ông ấy. Ông ấy nói về tình yêu mà lại đi tức giận sao? Ông ấy nói về tha thứ cho kẻ thù, không chỉ có thế, còn yêu mến cả kẻ thù nhưng bản thân ông ấy lại không thể kiềm chế những cơn tức giận. Trong đền thờ ở Jerusalem ông ấy đã cầm roi da, đánh vào những người đổi tiền và ném họ ra khỏi đền thờ – chỉ một mình. Ông ấy hẳn đã trong cơn thịnh nộ thật sự, gần như giận đến phát điên.
Giờ, làm sao để giải thích điều này? Cách mà Ki-tô giáo đã tìm ra để giải thích và Rudolf Steiner đã dựa trên ý thức hệ của riêng mình để tạo ra một Christ, hoàn toàn chỉ mang tính hoà giải, hợp lý hoá. Cách thức ấy là quên tất cả về Jesus đi, mang đến một khái niệm tinh tuyền về Christ. Bạn có thể nói trong khoảnh khắc ấy, Jesus đã tức giận. Còn khi Jesus trên thập tự, nói “Lạy Cha, xin hãy tha thứ cho những người này, vì họ không biết việc họ đang làm.” thế thì ông ấy là Christ. Giờ thì nghịch lý đã được hoá giải êm xuôi. Khi ông ấy đi cùng phụ nữ – ông ấy là Jesus, khi ông ấy bảo Magdalene đừng chạm vào mình – ông ấy là Christ. Hai ý tưởng khác nhau về cùng một người đã giúp mọi thứ được phân loại dễ dàng. Nhưng bằng cách đó bạn đã phá huỷ đi vẻ đẹp của Jesus, bởi vì toàn bộ vẻ đẹp của ông ấy nằm trong những nghịch lý đó.
Không có nhu cầu phải giải thích hay hoà giải chút nào, bởi vì sâu bên dưới sự hiện hữu của Jesus, mọi thứ đều hài hoà. Trên thực tế, ông ấy có thể giận dữ chỉ bởi vì tình yêu bên trong ông ấy là quá nhiều. Ông ấy đã yêu một cách sâu sắc. Đó là lý do tại sao ông ấy có thể giận. Cơn giận của ông ấy không phát sinh từ ghét, nó phát sinh từ yêu. Bạn đã từng nhiều lần trải nghiệm khoảnh khắc tức giận vì yêu chưa? Thế thì không có gì sai cả. Bạn yêu con bạn, thỉnh thoảng bạn đánh đòn chúng, thỉnh thoảng bạn nổi cơn thịnh nộ, nhưng nó cũng xuất phát từ yêu. Nó không xuất phát từ ghét. Jesus đã tràn ngập trong yêu – đó là sự hiểu của tôi về Jesus. Ông ấy yêu nhiều đến nỗi quên tất cả về việc mình đang giận. Ông ấy có thể yêu và cũng có thể giận. Ông ấy không phải một tu sĩ chết, ông ấy là con người sống động. Tình yêu của ông ấy không chỉ là triết lý, nó là thực tại.
Khi tình yêu là thực tại, thỉnh thoảng yêu cũng biến thành giận nữa.
Jesus chỉ là một con người hệt như bạn. Vâng, ông ấy đã không dừng lại ở đó. Ông ấy đã vượt lên trên việc hiện hữu như một con người nữa nhưng về bản chất, ông ấy vẫn là con người. Ki tô giáo đã cố để chứng minh rằng ông ấy là siêu nhân, là đặc biệt còn toàn thể nhân loại thì chỉ là thường nhân, ngẫu nhiên, tình cờ. Ki-tô giáo tạo ra những con quỷ trong các câu chuyện cố cám dỗ Jesus và cho rằng đó là điều cần thiết vì Jesus đang phải ở trong cơ thể của người bình thường. Họ nói rằng việc ở trong một cơ thể người bình thường là lý do ông ấy tức giận. Bằng không thì ông ấy rất thuần khiết. Thứ thuần khiết đó sẽ phải chết.
Nếu như sự thuần khiết đó là thật và xác thực, nó sẽ không sợ bị làm bẩn. Nếu tình yêu là thật thì nó sẽ không sợ sự giận dữ. Nếu tình yêu là thật thì nó sẽ không sợ đấu tranh. Nó sẽ chứng minh rằng thậm chí chiến tranh cũng không thể phá huỷ nó. Nó sẽ sống sót. Có nhiều những người tu hành nói về việc yêu nhân loại nhưng lại không thể yêu một con người cá nhân nào cả. Thật là dễ để yêu toàn nhân loại. Nhớ điều này: khi bạn không thể yêu bất cứ ai, bạn sẽ yêu cả nhân loại. Nó rất dễ dàng bởi vì bạn có thể không bao giờ tiếp cận được nhân loại cả và nhân loại cũng sẽ không tạo ra rắc rối nào cho bạn cả. Nhưng một cá nhân con người sẽ tạo ra rất nhiều rắc rối. Bạn sẽ cảm thấy rất rất tốt khi bạn yêu toàn nhân loại, nhưng làm sao để yêu một con người? Yêu nhân loại và bạn thấy tình yêu của mình thật bao la. Bạn thật vĩ đại. Nhưng tôi bảo bạn: yêu một cá nhân, đó là điều chuẩn bị cơ bản để yêu toàn nhân loại. Nó là điều khó khăn và sẽ tạo ra những cuộc khủng khoảng lẫn thách thức liên tục. Nhưng nếu bạn có thể vượt qua nó, nếu bạn không phá huỷ tình yêu vì những khó khăn mà bạn sẽ phải đối mặt, nhưng thay vào đó bạn củng cố tình yêu của mình để đối mặt với mọi khó khăn – có thể, không thể – bạn sẽ trở nên hoà nhập. Christ yêu loài người và yêu rất nhiều, tình yêu của Ngài bao la tới mức nó vượt qua tình yêu cho cá nhân mà trở thành tình yêu cho cả nhân loại. Sau đó, nó vượt qua nhân loại và trở thành tình yêu cho toàn thể sự tồn tại. Đó là tình yêu dành cho Thượng đế.
“con đường của thầy dường như khác biệt đối với tôi”
Không chỉ khác biệt đâu, nó còn theo hướng hoàn toàn ngược lại – hướng xuyên tâm. Ngay chỗ đầu tiên, nó không phải là con đường chút nào. Nó không phải con đường nhưng nếu bạn yêu từ ngữ, bạn có thể gọi nó là con-đường-vô-lối, một cánh-cổng-vô-môn.
Nó không phải con đường vì một con đường được cần đến nếu thực tại của bạn đang ở xa bạn. Thế thì bạn sẽ phải bước vào con đường. Nhưng toàn thể sự nhấn mạnh của tôi là thực tại của bạn luôn có sẵn cho bạn ngay tại đây, ngay lúc này. Nó ngay đó bên trong chính bạn. Một con đường không được cần tới chút nào để tiếp cận được điểm ấy. Trên thực tế, chỉ nếu bạn có thể vứt bỏ mọi con đường, mọi cách thức, bạn sẽ đột nhiên nhận ra mình đang đứng ngay trên chính nơi bạn muốn đến. Bạn càng theo con đường nhiều, bạn càng đi xa khỏi chính bản thân mình nhiều bấy nhiêu. Những con đường là vô dụng, chúng sẽ chẳng dẫn bạn tới đâu cả bởi vì bạn đang ở ngay nơi mà bạn đang truy tìm rồi. Vậy nên con đường là không cần đến. Nhưng nếu bạn đã được huấn luyện để suy nghĩ theo những khuôn mẫu này, thế thì tôi sẽ nói rằng con đường của tôi là con đường hoàn toàn ngược lại, nó không dẫn bạn ra bên ngoài hay đến bất cứ đâu. Nó là con đường dẫn bạn đi xuyên tâm.
Steiner nói về nghĩ-đúng còn tôi nói, đúng hay sai không quan trọng, mọi suy nghĩ đều là sai. Suy nghĩ bản thân nó là hành động sai, không-suy-nghĩ mới đúng.
“Thầy có thể cho tôi lời khuyên không? Bởi vì bằng cách nào đó tôi bị giằng xé giữa thầy và con đường mà Steiner đã dẫn.”
Không.
Tôi muốn bạn sẽ phải duy trì ở trạng thái căng thẳng này thêm vài ngày nữa. Tôi sẽ không khuyên bạn và tôi sẽ không giúp gì cả. Bởi vì nếu tôi khuyên và giúp bạn, bạn sẽ đến và nghiêng về phía tôi, điều đó không mang lại sự trưởng thành nào cả. Bạn sẽ phải trải qua một cuộc chiến cần thiết với Steiner trước khi bạn có thể đến với tôi. Và nhất định ông ấy sẽ cho bạn một cuộc chiến rất ngon lành. Ông ấy sẽ không từ bỏ bạn dễ dàng đâu. Tôi cũng không định giúp bạn chút nào, để cho bạn đến với tôi bằng chính quyết định và sự lựa chọn của bạn.
Khi một trái chín cây, nó rụng xuống mà không gặp trở ngại nào. Tôi sẽ không ném dù chỉ một hòn đá nhỏ vào nó. Bởi vì nếu tôi làm vậy, trái cây đó có thể chưa chín và vẫn rụng bởi vì hòn đá đã làm rụng nó. Thế thì tình huống sẽ trở thành một tai nạn, một tai hoạ.
Bạn sẽ phải tiếp tục duy trì trạng thái giằng xé của tâm trí, thế rồi bạn sẽ phải quyết định. Bởi vì không ai có thể trong trạng thái giằng xé được lâu. Sẽ tới một điểm khi mà người đó sẽ phải ra quyết định. Và nó không chỉ là về Rudolf Steiner nếu như tôi giúp bạn. Ông ấy chết rồi. Ông ấy không thể tranh đấu với tôi. Nó sẽ quá dễ cho tôi để kéo bạn về phía tôi hơn là để ông ấy lôi kéo bạn. Vậy nên để công bằng với ông ấy, tôi sẽ để lại trách nhiệm quyết định lại cho bạn. Bạn sẽ phải tiếp tục tranh đấu. Bạn sẽ phải quyết định chọn con đường xuyên tâm của tôi, hoặc bạn sẽ phải vứt bỏ tôi. Kể cả điều đó nữa cũng là một thắng lợi, bởi vì sau đó bạn sẽ đi theo Rudolf Steiner một cách toàn bộ hơn. Nhưng tôi không nghĩ bạn có thể ra quyết định ngay lúc này. Chất độc đã ngấm vào bạn rồi. Sự giằng xé đó là chất độc. Nó buộc bạn phải ra quyết định. Bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Osho
Phi Tuyết dịch
Nguồn bài gốc: https://southerncrossreview.org/76/osho-steiner.html?fbclid=IwAR3rPUdj20PLIzCe5AOy1DpBL1NYbQaV30SW6J8hxePp1b8BECT1dEhj-eg