53.
Mọi hoàn cảnh đều hoàn hảo cho Thiền.
Vậy thiền định là gì? Là ngồi im, không làm gì cả, chứng kiến và quan sát một cách lặng lẽ mọi thứ đang xảy ra xung quanh, chỉ nhìn và chứng kiến mà không có định kiến, không kết luận, không ý tưởng về đúng và sai chút nào.
Một chuyện từng xảy ra cho một người bạn của tôi, một ông già 78 tuổi.
Ông ấy bị té cầu thang và gãy vài cái xương. Bác sĩ bảo ông ấy nằm yên trên giường trong sáu tháng bởi vì tuổi già khiến xương khó lành và cần nhiều thời gian để hồi phục.
Ông ấy từng là một người rất năng động. Khi tôi đến thăm, ông ấy bắt đầu khóc dù ông ấy không phải kiểu người dễ khóc chút nào.
Ông ấy nói: “Có khi sẽ tốt hơn nếu như tôi được chết. Vì sáu tháng nằm một chỗ dường như còn tệ hơn cả cái chết. Sáu tháng quá dài và những cơn đau thì thật khủng khiếp. Tôi không nghĩ mình có thể qua được sáu tháng này.”
Tôi bảo ông ấy làm một việc: nhắm mắt, tập trung vào những chỗ bị đau, xác định những chỗ ấy và quan sát cơn đau ấy, từ bên trong.
Trong nửa tiếng, ông ấy thực hiện việc nhìn vào bên trong, gương mặt ông ấy giãn ra. Sau nửa tiếng, ông ấy trở lại và trở thành một con người khác hẳn.
Ông ấy nói: “Tôi có thể quan sát, tôi có thể thấy và chỉ bằng việc nhìn và quan sát đó. Bỗng nhiên tôi nhận ra mình được tách rời khỏi cơn đau.”
Ông ấy bắt đầu thực hiện nó và sáu tháng đó đã trở thành phúc lành. Ông ấy vẫn nằm trên giường nhưng tiếp tục đi vào bên trong, quan sát. Lần đầu tiên trong đời, ông ấy trở thành một thiền nhân. Ông ấy nói rằng hoá ra tai nạn đó lại là điều vĩ đại nhất từng xảy ra trong đời ông ấy. Và rồi ông ấy tiếp tục thực hiện nó mỗi ngày kể cả khi không còn phải nằm một chỗ trên giường nữa.
Người ta nên kiếm tìm những phương pháp làm sao để thay đổi một tai nạn sang một phúc lành. Luôn có cách để thực hiện điều đó. Chỉ cần tìm kiếm. Nó là nghệ thuật căn bản của cuộc sống: làm sao để biến đổi đau thương thành lễ hội; Làm sao để thay đổi một lời nguyền thành một phúc lành; Làm sao để sử dụng đau đớn vào việc phát triển; Làm sao để biến cơn đau thành bậc thang để tái sinh lần nữa.
*
Một lần, tôi ở trong một nhà khách và một chính trị gia cũng ở trong nhà khách đó. Nó chỉ là một nhà khách nhỏ trong một ngôi làng cũng nhỏ.
Vào giữa đêm, ông ta đến phòng tôi gõ cửa và nói: “Tôi không thể nào ngủ được. Làm sao anh có thể ngủ trong mớ âm thanh hỗn loạn này? Xin chỉ cho tôi.”
Tôi có thể hiểu khó khăn của ông ta vì những tiếng ồn xung quanh nhà khách đó thật là quá thể. Có lẽ tất cả mọi chó trong ngôi làng đã tụ tập ở đó – khoảng hai tá chó và chúng thi nhau sủa inh ỏi vào mọi đêm. Cũng có thể chúng tới đó để làm một cuộc họp bàn chính trị. Tất nhiên như mọi cuộc họp chính trị, chúng cãi nhau, kết án nhau, tranh đấu, chửi bới…
Ông chính trị gia nói: “Nhưng làm sao mà anh có thể ngủ được? Lũ chó đó khiến tôi không thể chợp mắt và tôi thì quá mệt mỏi rồi.”
Tôi nói với ông ta: “Nhưng lũ chó đó đâu có bận tâm về ông? Chúng không đọc tin tức báo chí, chúng không nghe đài radio, chúng cũng không xem tivi, chúng hoàn toàn không bận tâm về ông chút nào. Tôi ở đây trước ông nên tôi biết, đó là thói quen, là công việc hàng ngày của chúng. Chúng không phải sủa để chào đón hay làm khó ông đâu.
Vấn đề không nằm ở chúng, mà nằm ở ông.
Chính cái ý nghĩ rằng chúng đang làm phiền ông mới thật sự là thứ làm phiền ông nhiều nhất. Giờ hãy thử làm điều tôi bảo: Hãy chấp nhận tiếng sủa của chúng. Hãy nằm xuống trên giường. Lắng nghe kĩ càng những tiếng sủa và thử tận hưởng chúng giống như cách ông tận hưởng một bản nhạc, càng chú tâm càng tốt.”
Ông ấy nói: “Làm sao điều này có thể giúp được? Tôi muốn tránh những tiếng ồn đó cơ mà. Tôi muốn quên đi và anh lại bảo tôi hãy tập trung lắng nghe chúng một cách chăm chú sao? Điều này sẽ làm phiền tôi nhiều hơn thì có.”
Tôi bảo: “Ông cứ thử đã xem nào. Ông đã thử cách của ông và nó thất bại, giờ hãy thử cách của tôi và ông sẽ thấy nó hiệu quả, vì ít nhất nó đã hiệu quả với tôi.”
Ông ấy không sẵn sàng chút nào. Ông ấy cũng không tin nhưng bởi vì đã quá mệt và chẳng còn cách nào khác cả nên ông ấy thử. Và thế rồi mới chỉ trong vòng năm phút trôi qua mà ông ấy đã rơi vào giấc ngủ, giấc ngủ sâu, thậm chí còn ngáy.
Tôi đến chỗ ông ấy và lay ông ấy dậy và nói: “Làm sao mà ông có thể ngủ được như thế? Làm sao mà điều này là có thể? Cuộc họp chính trị của lũ chó không làm phiền ông nữa sao?”
Ông ấy thậm chí không thể trả lời vì vẫn còn không tin là mình đã có thể ngủ ngon lành như thế giữa những tiếng sủa ồn ào như vậy.
Nếu như bạn có thể chấp nhận mọi thứ, thế thì không thứ gì có thể làm phiền bạn. Chỉ có sự lên án, sự từ chối, sự không chấp nhận trong tâm trí bạn mới tạo ra mọi loại xao nhãng, phiền hà.
Vậy nên nếu bạn muốn thiền mà không bị xao nhãng, bài học là đừng từ chối bất cứ gì. Hãy chấp nhận tiếng ồn của giao thông, nó là một phần của thế giới, nó hoàn toàn ổn. Hay tiếng đứa trẻ khóc mè nheo cũng là một phần của thế giới này, nó hoàn toàn ổn.
Một khi bạn có thể chấp nhận mọi thứ xung quanh mình là hoàn toàn ổn, bạn có thể quan sát chính mình thư giãn hơn, từ bi hơn, khiêm tốn hơn, ít cáu bẳn nóng giận hơn. Khi bạn có thể quan sát những trạng thái này, những cảm giác phiền hà bên trong bạn như đang tan chảy ra, thế thì sau đó không còn gì làm xao nhãng bạn được nữa.
Chỉ trừ khi bạn làm được điều này, bằng không thì bạn có thể đi bất cứ đâu bạn muốn nhưng sự xao lãng, những phiền hà sẽ quấy nhiễu bạn không cách này thì cách khác.
54.
Thiền chạy bộ.
Một người đàn ông trẻ tìm đến tôi. Anh ta là một vận động viên môn chạy bộ và anh ta muốn biết làm sao để anh ta có thể thiền.
Anh ta nói: “Khi tôi ngồi xuống, và ông bảo tôi chỉ cần ngồi im lặng. Tôi không thể ngồi được vì năng lượng trong tôi quá nhiều. Nó khiến tôi không thể ngồi im được. Liệu có bất cứ khả năng nào để tôi có thể thiền không?”
Tôi nói: “Anh quên hết về thiền định đi. Anh chạy và hãy từ bỏ mọi ý tưởng về bản thân mình ngay trong lúc chạy. Một ngày thiền sẽ xảy ra.”
Anh ta nói: “Ông đang nói gì thế? Chỉ bằng việc chạy cũng có thể thiền sao? Đã từng có bất cứ ai trở thành Phật qua việc chạy bộ chưa?”
Tôi nói: “Đúng vậy, nó hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vì một người có thể thành Phật thông qua bất cứ hành động nào.”
Anh ta nói: “Tôi sẽ thử.”
Sau một tuần anh ta trở lại và nói: “Thật không thể tin được. Tôi không thể thậm chí tin rằng nó xảy ra. Thứ gì đó như là một niềm hạnh phúc vô biên xảy đến với tôi. Khi tôi đang chạy, chạy nhanh nhất có thể và như ông đã nói, tôi hoàn toàn quên mất bản thân mình.
Tôi không chạy để trình diễn, cũng không thể thi đấu. Tôi chỉ đơn giản chạy và tận hưởng khoảnh khắc đó, khi ánh nắng ấm tuôn chảy xung quanh tôi, bao phủ tôi, làm gió mát của buổi sáng sớm, tiếng chim hót và khúc sông vắng vẻ. Tất cả những thứ đó chưa bao giờ đẹp đến vậy, và tôi cứ thế chạy.
Tới một điểm, tôi thấy như mình đã hoà chung nhịp điệu với dòng chảy của con sông, nhịp điệu của gió, cả của những cái cây nữa. Đột nhiên, tôi cảm thấy nó. Tôi cảm thấy tuyệt đối vui sướng lẫn an lạc, chẳng vì lý do gì. Tôi chưa bao giờ vui sướng đến vậy trong đời.
Hãy cho tôi biết, Osho, có phải đó là nó không? Có phải nó đã thực sự xảy ra cho tôi rồi không? Bởi vì tôi không thể tin được chỉ bằng việc chạy mà thiền lại có thể xảy ra. Tôi đã chạy trong suốt cả đời mình hàng chục năm rồi nhưng chuyện như thế chưa bao giờ xảy ra cả.”
Trước giờ anh ta chạy như một màn biểu diễn, một cuộc thi đấu, nó luôn cần tập trung và một cái đích. Anh ta chưa bao giờ biết đến cảm giác đánh mất chính mình cho tới lần này.
Để tôi cho bạn hay, rằng bạn có thể thiền trong bất cứ hành động nào, kể cả chạy. Nếu như bạn không chạy như một buổi trình diễn, bạn có thể đạt được một cảm giác khoái lạc cực đỉnh, hệt như khi bạn cực đỉnh lúc làm tình, cùng sự ngây ngất mà thiền định mang đến cho bạn.
55.
Thiền trong cơn giận.
Tôi có một người bạn có vấn đề với những cơn giận.
Ông ấy nói: “Tôi rất đau khổ vì không thể kiềm chế được cảm giác tức giận của mình. Mỗi khi cơn giận đến, nó hoàn toàn kiểm soát tôi. Làm ơn hãy chỉ cho tôi một phương cách để tôi có thể dừng nó lại mà không làm tổn hại đến ai hay đến bản thân mình. Bởi vì tôi đã gần như bỏ cuộc. Tôi không nghĩ mình có thể làm bất cứ gì nữa cả. Tôi không nghĩ mình có thể thoát ra khỏi nó bằng nỗ lực tự thân chút nào.”
Tôi đưa ông ấy một mảnh giấy, viết: “Ngay lúc này, tôi đang bắt đầu nổi giận.” Và bảo ông ấy: “Giữ mảnh giấy này trong túi của ông. Bất cứ khi nào ông cảm thấy tức giận hãy lấy nó ra, đọc nó và nhét nó trở lại túi. Đây là việc ít nhất và dễ nhất mà ông có thể làm. Tôi không thể bảo ông làm bất cứ gì ít hơn thế này. Chỉ cần đọc nó và nhét nó trở lại túi, thế thôi.”
Sau hai hay ba tháng, khi tôi gặp lại ông ấy, tôi hỏi: “Thế nào rồi?”
Ông ấy nói: “Tuyệt vời. Tôi thật sự kinh ngạc. Mảnh giấy ấy có tác dụng như một câu thần chú. Cứ bất cứ khi nào tôi cảm thấy tức giận, bỏ tay vào túi để lấy tờ giấy. Nhưng ngay khoảnh khắc tôi định lấy nó ra, tay và chân tôi đang từ tê cứng bỗng trở nên thả lỏng. Tôi nhận biết cơn giận của mình rõ ràng hơn, chỉ cần nhớ ra tờ giấy, tôi cảm thấy tay chân mình như được nới lỏng. Khi tức giận, bàn tay tôi thường nắm chặt nhưng giờ cùng với sự nới lỏng đó, cơn giận bên trong như vỡ ra và tan biến. Khi tay tôi nằm trong túi quần, nó hoàn toàn thả lỏng, không còn nhu cầu để đọc mảnh giấy chút nào. Mỗi khi tôi cảm thấy tức giận tôi lại bắt đầu nhận thấy một sự tỉnh táo hiện hữu như chính tờ giấy đó đang nằm ngay trong túi mình.
Xin hãy nói cho tôi biết. Làm sao mà mảnh giấy này lại có thể hiệu quả như vậy? Bí mật của nó là gì?”
Tôi nói: “Chẳng có bí mật gì cả. Nó là sự thật đơn giản. Bất cứ khi nào ông trong trạng thái vô thức, hành động sai, mất cân bằng… thì sự hỗn loạn trong tâm trí sẽ chiếm lấy quyền điều khiển. Nhưng khi ông có khả năng nhận thức về nó, về sự mất tỉnh táo của mình, thế thì nó sẽ biến mất. Khoảnh khắc ông lấy lại ý thức, ông tạo ra sự cân bằng.”
Việc quan sát chính bản thân bạn có hai tác dụng: Bạn có khả năng đọc vị, hiểu thấu cảm xúc và năng lượng của mình. Khả năng này sẽ dần phát triển và biến bạn thành một người chủ, thay vì chỉ là nô lệ của cảm xúc. Thứ hai, đôi tay nắm chặt khi được buông lỏng ra cũng sẽ khiến cho năng lượng của cơn giận hạ xuống. Dần dần, chỉ bằng việc quan sát, bạn có thể rất dễ dàng nhận ra cơn giận của mình ngày một sớm hơn.
Ban đầu bạn nhận ra nó khi bạn đã chìm trong tức giận. Sau đó bạn nhận ra nó sớm hơn một chút. Đến một điểm mà sự tự nhận thức này lẫn cơn tức giận của bạn xảy ra một cách đồng thời.
Cái ngày mà sự nhận thức, tỉnh táo quan sát này của bạn diễn ra trước cả khi cơn giận xảy đến, bạn sẽ không còn khả năng nào để cho nó khởi lên chiếm lĩnh bạn nữa. Bạn đã hoàn toàn là chủ.
56. Thiền hút thuốc.
Một người bạn khác đồng thời cũng là đồng nghiệp của tôi trong trường đại học, nói với tôi rằng: “Tôi đã cố gắng bỏ thuốc lá trong nhiều năm rồi, gần hai mươi năm rồi, và luôn thất bại.”
Tôi nói: “Hai mươi năm? Thời gian đó là quá nhiều để đơn giản vứt bỏ một điếu thuốc. Ông đưa tôi một điếu thuốc ngay bây giờ, tôi có thể vứt bỏ nó ngay lập tức.”
Ông ấy nói: “Đừng chế nhạo tôi. Tôi đã cố gắng rất nhiều đấy chứ, thỉnh thoảng tôi có thể bỏ thuốc trong vài giờ, thỉnh thoảng là vài ngày nhưng rồi đâu lại vào đấy. Bây giờ tôi thậm chí đã từ bỏ luôn ý định sẽ bỏ thuốc bởi vì gần hai mươi năm rồi, chẳng đạt được gì. Vô nghĩa thế.”
Tôi nói: “Tại ông không hiểu một quy luật đơn giản của cuộc sống. Ông giống như một người đang ngủ. Khi người ta đang ngủ, họ không thể ra bất cứ quyết định gì, bất cứ cam kết nào. Lời khuyên của tôi cho ông là hãy cứ hút thuốc, nhưng đừng hút như một người ngủ mà hãy hút một cách thật tỉnh táo, thật ý thức vào.”
Ông ấy nói: “Cái gì? Nhưng tôi đang muốn từ bỏ nó cơ mà?”
Tôi nói: “cứ nghe tôi, hãy hút thuốc theo cách khác, tràn đầy nhận thức. Lấy bao thuốc ra khỏi túi ông một cách thật chậm rãi và ý thức. Lấy điếu thuốc ra khỏi bao một cách thật cẩn thận, chậm rãi và ý thức. Không việc gì phải vội cả. Sau đó quan sát điếu thuốc từ khắp các mặt, trên xuống dưới, đặt nó lên miệng, chờ đợi. Tuyệt đối đừng vội vã. Hãy hành động như thể người ta quay chậm hành động của ông trên một cuốn phim.”
Ông ấy hỏi: “Nhưng làm vậy để được gì?”
Tôi nói: “Cứ làm đi đã rồi ông sẽ biết nó được gì. Tiếp tục sau khi ông đặt thuốc lên miệng, hãy lấy bật lửa ra cũng theo cách thật chậm rãi như thế. Hãy nhìn cái bật lửa một cách thật chăm chú và ý thức…”
Ông ấy nói: “Ông đang biến tôi thành trò hề sao. Tất cả những việc này để làm gì chứ?”
Tôi nói: “Cứ làm đi. Đừng hỏi. Hai mươi năm qua ông đã làm theo cách của ông và chẳng có gì tác dụng. Trong hai mươi ngày tới, hãy làm theo cách của tôi.
Sau khi nhìn cái bật lửa thật chăm chú rồi, hãy bắt đầu châm lửa cho điếu thuốc, cũng thật chậm. Và rồi hút điếu thuốc ấy chầm chậm nhất có thể được. Sao cho ông nhận biết rõ ràng những đợt khói đi vào bên trong miệng, rồi xuống cổ họng ông, rồi lại đi ra ngoài.
Nó là một phương pháp thiền cổ, tên là vipassana. Phật Gautam đã làm nó nhưng chính ông ấy có lẽ cũng chưa bao giờ nghĩ tới rằng một ngày nào đó vipassana có thể được ứng dụng trên những điếu thuốc, cái bật lửa và việc hút thuốc. Tôi đã phải làm ra nó để cho riêng ông thôi đấy.”
Người bạn này nếu bình thường bảo ông ấy làm thiền vipassana, nhất định ông ấy sẽ không làm, nhưng vì lần này có liên quan tới hút thuốc nên ông ấy bảo: “Thôi được rồi, tôi sẽ thử, hai mươi ngày dù sao cũng không quá nhiều.”
Nhưng chỉ ngay ngày hôm sau, ông ấy đã chạy đến chỗ tôi và nói: “Điều này thật lạ lùng. Việc hút thuốc thật chậm này khiến tôi trở nên rất nhận biết. Chỉ bằng việc cố nhận thức những làn khói đi vào đi ra một cách chậm rãi đã khiến tôi trở nên yên lặng và bình tâm đến nỗi trong hai ngày, tôi đã hút ít đi một nửa số thuốc bình thường.”
Tôi nói: “Hãy đợi sau hai mươi ngày.”
Ông ấy nói: “Tôi không nghĩ mình cần tới hai mươi ngày. Có lẽ chỉ sau năm này, có cũng có tác dụng.”
Tôi bảo: “Đừng vội vàng để kết thúc nó. Bởi vì bất cứ thứ gì mà bị thúc ép, nó sẽ bám dính lấy ông và tìm cách khiến ông quay lại con đường cũ. Vậy nên hãy cứ hút thuốc đi, đừng nóng lòng, nhưng hãy làm thật chậm, không có gì phải vội vàng cả. Cứ hút thêm vài chục ngày nữa cũng không hại thêm gì mấy đâu.
Ông có thể chết sớm hơn hai năm nhưng thì sao? Kể cả khi ông sống được thêm hai năm thì hai năm đó ông cũng chỉ dành để hút thuốc, hút nhiều hơn nữa. Vậy nên không việc gì mà phải vội vàng.
Thế giới này đã quá đông đúc chật chội rồi, nếu như nhiều người biến mất nhanh chóng hơn chỉ vì thuốc lá, họ sẽ giúp cho nhân loại. Họ tạo ra nhiều không gian hơn cho những người khác. Nó là một hành động từ bi, một việc làm đầy thương xót của họ.”
Ông ấy nói: “Ông thật lạ lùng.”
Sau bốn ngày ông ấy quay trở lại và nói: “Bây giờ tình hình đã đổi khác. Giây phút tôi cho tay vào túi để lấy bao thuốc lá ra, tự dưng có một từ lực dừng tôi lại. Lực này là gì và từ đâu ra, tôi không biết. Tôi đã bỏ thuốc cả ngày hôm qua bởi vì mỗi lần tôi nghĩ về việc lấy một điếu thuốc, tôi thậm chí còn không thể lôi được hộp thuốc ra khỏi túi. Có lực gì đó rất mạnh cản tôi lại. Bí mật của chuyện này là gì?”
Tôi nói: “Chẳng có bí mật gì cả. Ông chỉ vừa học cách hút thuốc trong nhận thức, hút như một người tỉnh táo, người chủ, chứ không phải chỉ như một nô lệ của thói quen hay nô lệ của sự vô thức. Chẳng mấy ai có thể hút thuốc với sự nhận thức đầy đủ cả, vì thuốc lá không phải một tội, nó chỉ là một việc làm ngu xuẩn.
Khi ông tràn đầy tỉnh táo và ý thức, ông chẳng làm điều gì ngu xuẩn bao giờ. Không khí trong lành tràn đầy khắp xung quanh, ông có thể thoải mái hít thở cho đầy buồng phổi, hít bao nhiêu ông muốn cũng được. Hít thở thật sâu vào, làm đầy phổi bởi không khí trong lành, hương thơm của những loài hoa. Ông hẳn là đồ rất ngu mới đi bỏ tiền ra để mua những bao thuốc và hít thở thứ không khí độc hại của nó vào người. Thứ không khí đầy nicotine sẽ phá huỷ phổi ông, phá huỷ cuộc sống của ông mà chẳng để làm gì cả.
Khi người ta thiền, người ta tăng nhận thức, tăng sức mạnh nội lực của họ. Khi người ta thiền, trí thông minh được dịp làm cho sâu hơn, mạnh hơn. Người ta không muốn và không thể trở lại những cách hành xử ngu xuẩn của họ trước đây được nữa.”
57.
Thiền uống rượu.
Một người bạn đến với tôi và nói: “Tôi không nghĩ tôi sẽ có khả năng để thiền định trong kiếp này, vì tôi là một kẻ nghiện rượu. Những cơn nghiện hoàn toàn kiểm soát tôi đến nỗi chỉ nghĩ về thiền định, tôi đã muốn bỏ cuộc rồi. Tôi sẽ bắt đầu thiền từ kiếp sau.”
Anh ấy đã làm mọi nỗ lực có thể để thoát ra khỏi cơn nghiện rượu nhưng mọi cố gắng đều vô ích cả. Và khi anh đến với tôi, anh ấy đã bỏ cuộc, chẳng còn chút ý chí nào sót lại cả. Khuôn mặt anh ấy đầy chán chường và thất vọng vì mọi hi vọng đều chẳng mang lại kết quả.
Anh ấy bảo tôi đừng thuyết phục anh ấy ngừng uống, vì nó là vô ích. Thay vào đó liệu có cách nào để vừa uống rượu mà vừa thiền định cùng một lúc được không. Anh ta nói: “Nếu anh có bất cứ cách nào, làm ơn chỉ cho tôi.”
Tôi nói: “Thật ra việc uống rượu của anh là rất có lợi cho thiền định.”
Anh ta giật mình khi nghe tôi nói như vậy và nói: “Có lẽ mọi người nói đúng, anh là một người nguy hiểm, đáng ra ngay từ đầu tôi không nên đến tìm anh. Tôi cứ đinh ninh là anh sẽ bảo tôi một vài cách nào đó để thoát khỏi những cơn thèm rượu và cho tôi một vài đảm bảo nào đó. Và giờ thì anh lại nói điều tôi chưa từng dám nghĩ tới, rằng uống rượu là tốt cho thiền định.”
Vậy nên tôi bảo anh ta: “Hãy cố hiểu đi. Nếu như anh có thể nhận ra rằng uống rượu cũng là thiền định thế thì anh sẽ từ bỏ rượu sớm thôi. Bởi vì sau tất cả, lý do khiến anh uống rượu là gì? Anh uống để làm gì? Bỏ qua những lý do về bản thân rượu, hãy cho tôi biết những lý do của bản thân anh. Tại sao anh lại uống?”
Anh ta nói: “Tôi uống để quên đi bản thân mình.”
Tôi bảo: “Mong muốn quên đi bản thân mình về bản chất nó cũng chính là mục tiêu của thiền định. Về cái đích, mọi người muốn cùng một thứ thôi nhưng chỉ vì ngộ nhận mà họ chọn những cách thức sai.
Anh muốn “uống” thiền định nhưng vì không biết cách nên anh đã chọn thứ thay thế là uống rượu. Cho nên tôi sẽ không bảo anh phải ngừng uống rượu, thay vào đó, tôi sẽ khuyên anh nên học từ việc say rượu, học từ rượu nghệ thuật đánh mất bản thân và nhấn chìm chính mình.
Một khi anh học được nghệ thuật của say sưa, của chìm đắm, của lãng quên bản thân mình thế thì anh sẽ không còn cần sự trợ giúp của rượu nữa.
Và khi anh có thể hoàn toàn lãng quên bản thân mà không còn cần đến rượu, thế thì tất nhiên thói quen uống rượu có thể được từ bỏ một cách dễ dàng.
Bởi vì tôi biết anh, tôi có thể nói rằng anh không phải kẻ thèm khát rượu, thứ anh thèm khát là thiền định, anh chỉ chọn sai con đường mà không nhận ra điều đó.”
Anh ta bảo: “Vậy tôi có thể tới đây để thiền không? Trong khi tôi vẫn uống rượu?”Tôi nói: “Đừng nhắc tới tôi bất cứ điều gì về rượu. Vì tôi đang chuẩn bị cho anh một loại rượu mới. Loại rượu này sẽ khiến anh say mê và thay đổi vị giác của anh đến nỗi loại rượu cũ dường như chẳng mang chút hương vị gì. Và anh sẽ bắt đầu yêu thích hương vị rượu mới đến nỗi chỉ có đồ ngu mới không từ bỏ cái cũ. Nhưng trước tiên, cứ thử chút hương vị rượu mới này cái đã xem nó có thể tác động tới đâu.
Còn giả như thứ rượu mới này không làm anh thay đổi chút nào. Nếu như sau khi đã thưởng thức nó mà anh vẫn cứ mê đắm loại rượu cũ và không thể nào dứt bỏ nó được thì điều đó còn đơn giản hơn. Hãy quên tất cả về thiền định đi. Nó không phải thứ cho anh.
Nếu như thiền định không có tác dụng, thế có nghĩa là nó yếu hơn rượu của anh. Thế thì anh nên tiếp tục kết bạn với người bạn hùng mạnh đó, không có nhu cầu cho bạn mới. Ích gì để mà kết bạn với kẻ yếu chứ? Tốt hơn hết hãy là bạn với kẻ mạnh.”
Anh ấy hoài nghi, nhưng vẫn thử và thế rồi rất nhanh chóng anh ấy bị đắm chìm trong loại rượu mới mang tên thiền.
Điều này khó mà xảy ra với những người không bao giờ uống rượu bởi vì họ không biết nghệ thuật của việc chìm đắm mình, lãng quên chính mình.
Khi nói điều này tôi không ngụ ý bảo bạn hãy đi và bắt đầu tập uống rượu. Điều đó là không cần thiết. Bạn hoàn toàn có thể đi vào thiền định mà cả đời chẳng đụng một giọt rượu nào. Nhưng nếu bạn đã từng uống rượu, thế thì tốt hơn là hãy sử dụng điều đó như một lợi thế. Không sử dụng nó mới là lãng phí những kinh nghiệm sống mà bạn có.
Mọi kinh nghiệm sống đều mang theo một giọt tinh tuý về bản chất có liên quan đến thiền định. Hãy chưng cất giọt tinh tuý bản chất đó và tận dụng nó, thưởng thức nó.
Anh bạn tôi đã dìm bản thân mình trong thiền sâu sắc đến nỗi mối quan tâm về rượu hoàn toàn bị bỏ quên. Thế rồi anh ấy quay lại chỗ tôi và nói: “Tôi thật sư say mê món rượu mới này. Anh nói đúng, so với nó, món rượu cũ không mang lại bất cứ vị gì nữa.”
Trích chương 53-54-55-56-57 cuốn Giáo sư nổi loạn (Cuộc đời Osho)
Mời bạn inbox fanpage Cuộc đời Osho để đọc nhiều hơn những câu chuyện và tình huống lạ lùng nhưng không kém phần tuyệt vời!
Namaste!