Đừng đòi làm chủ ai khi bạn còn không làm chủ nổi … hơi thở của chính mình
Hôm qua khí trời mát dịu lòng người, tôi lại như mọi ngày – không chống lại được cám dỗ mà uống tới hai tách cafe: một buổi sáng và một buổi chiều. Báo hại khuya thức đọc sách tới nửa đêm mới buồn ngủ và theo lẽ tất nhiên, buổi sáng cơ thể có phần uể oải khi phải dậy đi yoga từ sớm. Thật là một sai lầm.
Khi bạn thiếu ngủ mà tập yoga, cơ thể sẽ không nghe lời. Cả sáng này tôi cứ ngáp dài ngáp ngắn trong suốt buổi tập và không chỉ cơ thể, tâm trí cũng chẳng buồn cố gắng, nó cứ mơ màng và suy nghĩ linh tinh.
Điều an ủi duy nhất là những gì tôi nghĩ lúc tập yoga coi bộ cũng không đến nỗi vô nghĩa nên giờ ráng tranh thủ chia sẻ lại một ít trước khi tách cafe trước mặt nguội mất.
Bạn đi tập yoga đi, hoặc bất cứ môn thể dục nào cũng được, để thấy một sự thật hiển nhiên rằng cơ thể của bạn chẳng nghe lời bạn tí nào cả. Cơ thể của bạn có cá tính riêng và đa phần cá tính ấy khá cứng đầu và cũng khá bản ngã. Nó không thuần phục bạn đâu nếu như bạn không bày tỏ cho nó chút sự kính trọng, yêu thương. Yoga không là gì khác ngoài việc giúp bạn yêu thương, trân trọng cơ thể bạn để hiểu nó hơn, chỉ khi hiểu nó và yêu nó thế thì nó mới thuần phục, mới nghe lời bạn chút xíu. Cứ đi thử yoga đi bạn sẽ thấy bạn đang-không-làm-chủ cơ thể bạn chút xíu nào. Bạn không thể ra lệnh cho nó thở theo ý bạn mà không dùng tới nhận thức như một dạng “vũ khí” tinh tế. Thử hít thở bụng và ra lệnh bản thân phải hít thở bụng 24/7 đi xem nó có nghe lời bạn không. Thử cúi người và yêu cầu cơ thể bạn phải mềm ra theo ý bạn đi, xem nó có nghe lời? Không, cơ thể không nghe lời bạn một chút xíu nào cả. Bạn chưa từng là chủ của cơ thể bạn chút nào. Thử yoga đi bạn sẽ ý thức được tình trạng đó một cách vô cùng rõ ràng. Mọi môn thể thao đều cần sự kiên trì và bản lĩnh khủng khiếp để bạn có thể hiểu và thuần phục được cơ thể.
Nói tóm lại, bạn chưa bao giờ làm chủ được chính cơ thể mình như bạn nghĩ đâu.
Thế rồi, thêm một bậc, điều này dễ thấy vô cùng chứ không khó khăn gì, rằng bạn cũng chưa bao giờ thực sự làm chủ tâm trí của bạn cả. Những ý tưởng, suy tư, suy nghĩ, tưởng tượng chưa bao giờ tuân theo ý bạn. Giống hệt như những giấc mơ khi ngủ là thứ bạn hoàn toàn không có khả năng kiểm soát nó, bạn chỉ bị nó kéo trôi đi. (Có cách để kiến tạo và điều khiển giấc mơ, mình đã thử và thành công nhưng xin không nói tới ở đây.)
Thử mà xem, ai đó xúc phạm bạn và bạn tự nhủ “đừng tức giận” – tâm trí có nghe lời bạn không? Không hề, nó cứ tức giận. Bạn nhớ về ai đó và bạn ra lệnh cho tâm trí “làm ơn đừng nhớ về người đó nữa” – bạn có làm được không? Tâm trí có nghe lời bạn không? Tất nhiên là không. Bạn chưa bao giờ làm chủ tâm trí mình cả. Dường như là chưa bao giờ.
Thế rồi trái tim, bạn có thể ra lệnh cho trái tim phải yêu người này, phải thôi yêu người nọ? Thử ra lệnh đi, trái tim sẽ cười vào mặt bạn. Nó chả bận tâm đến ý muốn của bạn một tí tị ti nào. Bạn chưa bao giờ có bất cứ quyền hành nào đối với trái tim mình cả. Mà cũng tốt là bạn không có quyền. Chứ thử nghĩ về một trái tim chỉ hoạt động (đập và yêu) khi bạn ra lệnh đi. Bạn hẳn đang chết chắc rồi.
Thấy chưa? Thấy rõ ràng chưa? Bạn không phải là chủ của bạn chút nào. Chưa bao giờ là chủ chút nào cả. Nếu bạn không là chủ thì bạn là gì? Nô Lệ! Vâng, câu trả lời có hơi thảm nhưng mà sự thật là vậy đấy. Bạn chưa bao giờ có được quyền làm chủ cơ thể bạn, tâm trí bạn, trái tim bạn. Bạn chưa bao giờ làm chủ chính mình lẫn cuộc đời mình đâu. Nhưng sự thật này quả thật là “đau đít”, thật sự “nhục”, không ai muốn thừa nhận nó cả, mọi người tìm mọi cách để tránh né sự thật rằng bạn không là chủ. Mọi người làm mọi cách để quên đi cái trách nhiệm làm-chủ-chính-mình này. Bằng cách nào bạn biết không? Bằng cách xoay xở để làm chủ người khác. Khi không thể làm chủ thế giới bên trong người ta xoay xở để làm chủ thế giới bên ngoài. Ấy là khi người ta cố gắng bằng mọi cách để trở thành ông chủ này bà chủ nọ, thành chính trị gia này, tướng quân nọ, thành thầy này, thành cô nọ. Thậm chí thành cha thành mẹ nữa. Cha mẹ là cách dễ nhất để bạn tận hưởng cảm giác quyền lực sai khiến người khác. Người khác tội nghiệp này không ai khác hơn là con của bạn. Chính vì lẽ đó, những đứa trẻ là nô lệ đáng thương nhất trong toàn thể sự tồn tại. Chúng nhỏ và yếu, chúng ngây thơ và tin tưởng – cha mẹ đã lợi dụng điều này để thể hiện quyền lực của họ một cách tối đa.
Bằng việc có thứ quyền lực này của thế giới vật chất, người ta có cảm giác mình là chủ, mình có quyền điều khiển và sai khiến mọi người làm điều mình muốn. Cả thế giới vẫn đang chạy theo mục tiêu quyền lực hướng ngoại này.
Bằng việc có quyền lực hướng ngoại này người ta cảm thấy yên tâm về quyền làm chủ của bản thân. Người ta có thể gạt đi cái sự thật rằng đối với thế giới bên trong của chính họ, họ chỉ là một nô lệ.
Bạn là nô lệ cho bản năng xấu, cho ham muốn và tham vọng, cho xã hội mà bạn tưởng bạn là chủ.
Thế đấy!
Thế giới chỉ có ít người thực sự làm chủ bản thân họ, làm chủ thân thể và tâm trí. Khoảnh khắc người ta làm chủ tâm trí thì cơ thể cũng không quan trọng mấy nữa. Đó là khoảnh khắc người ta lấy lại quyền làm chủ đích thực của mình. Ấy là lúc vị hoàng đế lấy lại vương vị của mình, không còn là kẻ ăn xin nữa. Khoảnh khắc người ta làm chủ tâm trí, người ta làm chủ chính mình, không còn ham muốn tham vọng, không lo sợ bất an, không phán xét sợ hãi, không quá khứ tương lai – cái mà tôn giáo gọi là “Về tới nhà” đó.
Yoga là nỗ lực giúp bạn quan sát – thấu hiểu – yêu thương cơ thể để từ đó làm chủ cơ thể. Từ bậc thang làm chủ cơ thể mà bạn có khả năng làm điều tương tự với tâm trí: quan sát tâm trí, thấu hiểu nó và làm chủ nó.
Thế thì bạn phát hiện ra bạn vốn là một hoàng đế, một nữ hoàng, bạn không còn là nô lệ nữa. Khoảnh khắc bạn không còn là nô lệ của chính mình, bạn cũng không còn là nô lệ của ai hay của cả thế giới. Người ta có thể giết bạn, đầu độc hay đóng đinh bạn chăng nữa bạn vẫn mỉm cười và vui vẻ chấp nhận. Vì bạn biết kể cả cái chết cũng không thể lấy đi quyền làm chủ của bạn. Bạn mỉm cười đón chào cái chết như một người bạn và khoảnh khắc ấy bạn có thể xem như – chủ nhân của thần chết. À đấy, mình lại đang bị lái qua tập Harry Potter – Bảo Bối Tử Thần mới xong tối qua.
Có một câu nói của cụ Dumbledore mà mình tâm đắc quá, đọc xong còn phải chép ra giấy. Dù không liên quan mấy đến bài viết nhưng kệ xừ đi, chia sẻ với bạn nè:
“Đừng sót thương kẻ chết, nhưng hãy sót thương kẻ sống, trên nhất là những kẻ sống mà không yêu thương.” Huhu thật sự là một câu thần chú luôn chứ không chỉ là câu nói bình thường nhờ.
Tự dưng mình nghĩ, đúng rồi, đừng khóc thương Jesus nữa, hãy khóc thương những người đang làm bộ khóc thương Jesus nhưng thực tâm chẳng có chút tình yêu nào với những người đang sống bên cạnh. Lan ra thêm một tí, không cần khóc cho anh da đen bị ngạt thở chết và rồi lấy cớ bạo loạn om sòm, nhưng hãy khóc cho những sự phân biệt-phán xét còn đang tồn đọng trong chính mình ấy. Điều ấy thực tế hơn.
Bí mật là, trừ khi người ta có khả năng làm chủ chính mình và nhận ra tất cả những người khác cũng hệt như mình, cũng là mình. Vâng, trừ khi nhận ra điều ấy, rất khó để cho người ta yêu thương.
Phi Tuyết, Namaste!