Osho nói về quyền lực: “Vì xoài hãy còn xanh.”

“Cả đời tôi đã được dạy để hướng theo tham vọng quyền lực và sự công nhận từ những người khác mà quyền lực mang lại. Giờ, những thứ ấy trở nên giống như nhà tù giam hãm tôi và chẳng còn quan trọng mấy nữa.

Đồng thời tôi cũng biết về những loại quyền lực khác, loại quyền lực mà không phụ thuộc vào ai hay vào sự công nhận của ai khác bên ngoài, nhưng là bên trong chính mình.

Xin thầy hãy nói thêm về tình huống mới này của tôi.”

 

Câu hỏi của bạn cần được xem xét một cách sâu sắc, bởi vì tôi có thể đồng ý với bạn nhưng cũng vừa không đồng ý. Tôi sẽ không đồng ý một cách dễ dàng vì có nhiều khả năng hơn để phản đối. Và tôi sẽ giải thích lý do cho bạn.

Đây vốn dĩ là cách mà tâm trí cứ hay bày trò với tất cả các bạn. Bạn nói “Cả đời tôi đã được định hướng để theo đuổi quyền lực và sự công nhận của mọi người.” Đây là một việc nhận ra rất chân thành, rất thực. Rất nhiều người dù cho vẫn đang bị định hướng theo quyền lực nhưng họ không có khả năng nhận ra điều đó. Ý-chí-theo-đuổi-quyền-lực của họ vẫn nằm yên trong vùng vô thức. Những người khác có thể thấy khao khát này trong họ, nhưng bản thân họ thì không thấy.

Như tôi đã nói nhiều lần, ý chí theo đuổi quyền lực này là căn bệnh lớn nhất khiến con người chìm trong khổ sở. Toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta, tôn giáo của chúng ta, văn hoá và xã hội của chúng ta đều đang hỗ trợ cho căn bệnh này. Mọi người đều muốn con cái họ trở nên vĩ đại. Hãy lắng nghe cách mà các bà mẹ nói về con cái họ mà xem, cứ như thể họ đã sinh ra Alexander Đại đế, Ivan Sa hoàng, Joseph Stalin, Ronald Reagan… Hàng tỉ người vẫn đang cố công theo đuổi quyền lực.

Một người cần phải hiểu rằng thôi thúc to lớn để chạy về phía quyền lực này được khởi sinh từ sự trống rỗng bên trong bạn. Một người không được định hướng theo đuổi quyền lực sẽ đơn giản cảm thấy thoả mãn, hạnh phúc và thoải mái như thể anh ta đang ở nhà mình. Anh ấy hiện hữu với một lòng biết ơn bao la đối với sự tồn tại, không gì khác được cần đến. Bất kể điều gì xảy đến với bạn, bạn chưa bao giờ đòi hỏi. Đó là món quà tuyệt vời đến từ sự giàu có của Thượng đế, của sự tồn tại.

Và đó là hai con đường tách rời nhau: một là ý chí hướng tới quyền lực, hai là ý chí hướng tới sự tan biến, hoà nhập.

Bạn nói “Giờ những thứ ấy dường như trở thành tù giam và không còn quan trọng nữa.” Không chỉ như tù giam và không quan trọng, nó còn là thứ bệnh hoạn và xấu xí. Ý tưởng có quyền lực lên trên người khác nghĩa là bạn đang hạ thấp nhân phẩm của người khác, phá huỷ tính cá nhân của người khác, ép buộc họ trở thành nô lệ. Chỉ có những tâm trí rất xấu xí mới có thể làm điều đó.

Bạn tiếp tục câu hỏi “Tôi cảm thấy có một loại quyền lực khác, không phụ thuộc vào người khác hay sự công nhận của người khác mà chỉ phụ thuộc vào chính mình.”

Có vài sự thật trong điều bạn nói, nhưng nó không phải kinh nghiệm của bạn. Quả thực có một loại quyền lực nằm bên ngoài tầm ảnh hưởng của người khác. Chẳng hạn quyền lực của một bông hoa bung nở những cánh hoa. Bạn đã bao giờ thấy quyền năng đó chưa, sự quang vinh của nó? Bạn đã bao giờ thấy quyền năng của một đêm tối trời đầy sao? Chúng chẳng phụ thuộc vào ai cả. Bạn đã bao giờ thấy quyền lực của một chiếc lá nhỏ nhảy múa trong ánh mặt trời hay trong cơn mưa rào mát rượi? Bạn có thấy vẻ đẹp của nó, sự cao quý của nó, niềm vui của nó? Những quyền năng này chẳng mắc mớ gì đến bất cứ ai cả. Nó thậm chí không cần bất cứ ai phải nhìn thấy.

Đây mới là sự độc lập thực sự. Nó sẽ mang bạn tới nguồn mạch sự tồn tại của bạn, nơi mà cuộc sống của bạn được tưới đẫm vinh quang trong từng giây phút. Nhưng loại quyền năng này không nên được gọi là quyền lực, bởi vì nó sẽ dễ tạo ra lẫn lộn.

Từ “quyền lực” cấy vào người ta ý tưởng về quyền lực lên trên ai đó. Thậm chí kể cả những người với hiểu biết lớn lao đôi khi cũng không thấy được vấn đề này.

Tại Ấn Độ có một tôn gíao rất cổ đang còn tồn tại – Jaina, từ Jaina có nghĩa là ‘người thắng trận’, ‘kẻ chinh phục’. Nghĩa nguyên bản của nó chính là nghĩa mà bạn thường được nghe: quyền lực khởi lên bên trong bạn giống như quyền lực mở cánh của những đoá hoa để giải phóng hương thơm của nó. Nhưng tôi đã nhìn sâu vào trong truyền thống của những người Jaina và phát hiện ra rằng khi họ gọi một người là người thắng trận, kẻ chinh phục, họ cũng nói về người đó như là anh ấy đã chinh phục chính mình, chiến thắng chính mình. Phải có ai đó bị chinh phục chứ.

Họ thay đổi tên của một trong những người sáng lập: Mahavira – tên ban đầu của ông ấy là Vardhamana. Mahavira nghĩa là người chinh phục vĩ đại, người chiến thắng vinh quang. Nhưng ý tưởng về chinh phục chính mình của Mahavira nếu nói đơn giản theo cách hiểu của tâm lý học thì nghĩa là ông ấy có thể đứng trần trụi trong cơn mưa, trong giá lạnh; rằng ông ấy có thể chịu đựng cơn đói (dưới tên gọi tuyệt thực) trong hàng tháng trời liên tục. Sau 12 năm của kỉ luật và chuẩn bị, ông ấy đã ăn chỉ 1 năm, 11 năm còn lại hoàn toàn nhịn đói. Trong một tháng ông ấy chỉ ăn một ngày; hai tháng tiếp theo nhịn đói, cứ như thế trong 12 năm ròng số lần ông ấy ăn chỉ quy đủ cho một năm, 11 năm còn lại ông ấy tra tấn bản thân mình bằng cơn đói.

Cần một cái nhìn sâu sắc để hiểu rằng không quan trọng liệu bạn tra tấn người khác hay bạn tra tấn chính mình, nó đều không khác biệt gì về bản chất cả. Khác biệt chỉ ở bên ngoài khi việc tra tấn người khác sẽ gặp sự phòng thủ và từ chối. Ít nhất đó cũng là một khả năng. Còn khi bạn bắt đầu tra tấn chính mình, không ai ở đó để phòng thủ và bảo vệ bạn cả. Bạn có thể làm bất cứ gì đối với cơ thể của mình. Đây là thói tự bạo. Nó không phải, theo hiểu biết của tôi, không phải là cách để tìm ra nguồn của hiện hữu của bạn.

Vì vậy tôi không muốn gọi thứ quyền năng mà chúng ta đang bàn tới là ‘quyền lực’. Bởi vì từ đó đã bị nhiễm độc. Tôi muốn gọi nó là quyền năng của an bình, tình yêu, từ bi… Bạn có thể chọn bất cứ từ nào bạn thích. Nhưng theo nghĩa thông thường, quyền lực là thứ nằm trong tay những người bạo hành, bất kể là bạo hành lên người khác hay bạo hành lên chính mình đều không khác biệt gì. Tôi nghĩ người có thói bạo hành lên người khác thậm chí còn tự nhiên hơn nhưng người mà tự bạo hành lên bản thân mình đơn giản là người bị mắc chứng bệnh thần kinh nào đó. Thế nhưng trong suốt lịch sử, người tự tra tấn chính mình thường được mọi người tuyên xưng là thánh nhân. Toàn thể đóng góp của họ cho thế giới là kỉ luật hà khắc trong việc làm sao để tự tra tấn chính bản thân mình.

Có những thánh nhân ngủ trên chiếc giường gai. Họ vẫn đang đầy rẫy như tại Varanasi, bạn có thể tìm thấy họ rất dễ dàng. Việc tự tra tấn của họ có thể là việc trình diễn tốt nhưng bản chất nó là cổ vũ nạn tự bạo xấu xí và phải bị lên án. Những người này không nên được tôn trọng. Họ là tội phạm thì đúng hơn, bởi vì họ đang phạm tội ác chống lại cơ thể họ nhưng lại không bị đem ra toà một chút nào.

Vậy nên phần thứ hai, con đường thứ hai của thứ quyền lực tự thân phải được hiểu cho thấu đáo, nếu không thì con đường đầu tiên – con đường định hướng quyền lực mà bạn đã và đang có – sẽ cứ liên tục lặp lại dưới những vỏ bọc nguỵ trang khác nhau. Bây giờ bạn sẽ bắt đầu tạo ra nỗ lực để tìm kiếm những quyền lực nằm bên ngoài bản thân bạn. Và đó dường như là điều đang xảy ra.

Bạn nói “… một loại quyền lực không phụ thuộc vào người khác lẫn sự công nhận của người khác nhưng là ở chính mình.” Thậm chí sự liên quan đến người khác và phản ứng của họ cũng ngụ ý rằng bạn đang không suy nghĩ theo cách thật sự khác biệt. Đầu tiên bạn hứng thú việc người ta nên trao cho bạn sự công nhận, bạn nên là một người quyền lực, người chinh phục thế giới, một người đạt giải Nobel hay ai đó ngu ngốc như thế. Nhưng mọi người không thể đều là Alexander đại đế. Cũng không thể mọi người đều đạt giải Nobel hay mọi người đều trở nên vĩ đại hơn những người khác. Vậy nên bạn đã chọn điều ngược lại: tìm kiếm bản thân bạn trong tình huống nơi những điều này không phải là không thể.

Nói cách khác, việc đạt tới quyền lực theo cách thông thường có quá nhiều cạnh tranh và bạn biết rằng bạn sẽ bị nghiền nát. Bạn biết rằng trong số những người cạnh tranh đó đầy rẫy người tuyệt vời hơn bạn, nguy hiểm hơn bạn – cho nên tốt hơn cả là rút lui vào bên trong chính mình và cố gắng tìm ra một loại quyền lực mà không liên quan tới người khác, độc lập khỏi người khác. Nếu là vậy thì nhiêu đó là đủ cho tôi để kết luận rằng bây giờ bạn đang trên một hành trình khác nhưng cùng một loại, một chiều hướng với hành trình cũ. Đầu tiên bạn cố gắng để thống trị người khác, giờ bạn sẽ cố gắng để thống trị chính mình. Đó là những gì mọi người hay gọi là “kỉ luật”.

Tôi nhớ về một nguyện ngụ ngôn nổi tiếng của Aeshop.

Mùa xoài tới, một con cáo cố gắng bứt những trái xoài chín nhưng chúng ở quá cao, ngoài tầm với của con cáo. Cố mấy cũng không thể, con cáo liền dừng lại, nhìn ra xung quanh xem có ai đang quan sát nó không và nhận thấy một vài chú thỏ đang ở đang xa và chứng kiến toàn bộ tình huống. Cáo ta liền bỏ đi, cố gắng che giấu cảm giác thất bại, nhưng một con thỏ hỏi “này anh, chuyện gì vậy?” Con cáo trả lời “Anh bạn à, xoài hãy còn xanh.”

Nếu bạn thay đổi khao khát của bạn về quyền lực, đi theo một hướng khác hẳn thì nó sẽ không giống như câu chuyện ngụ ngôn này. Bạn nên thấy từ chỗ đầu tiên nơi mà khao khát quyền lực đã nảy sinh. Nó nảy sinh từ sự trống rỗng của bạn, sự tự ti của bạn. Cách đúng duy nhất để được tự do khỏi khao khát xấu xí về việc kiểm soát người khác là hãy đi sâu vào sự trống rỗng của bạn để thấy chính xác nó là gì. Bạn đang chạy trốn khỏi việc đối diện cái trống rỗng của bạn thông qua việc kiếm tìm quyền lực lên người khác hoặc lên bản thân bạn. Muốn đổi hướng bạn phải đi ngược lại. Hãy đặt toàn bộ năng lượng của bạn không phải vào việc tự tra tấn bản thân, không vào việc tạo ra bất cứ kỉ luật nào của hành xác nhưng đơn giản vào trong sự trống rỗng của bạn để xem nó là gì.

Tại đó bạn sẽ thấy những đoá hồng nở rộ. Tại đó bạn sẽ tìm thấy nguồn mạch của sự tồn tại. Bạn sẽ không còn ở trong ở trong sự kiểm soát của phức cảm tự ti nữa. Bạn sẽ không còn thấy thua kém, tự ti hay ham muốn hơn người. Tại đó bạn sẽ không còn bất cứ sự liên quan hay phụ thuộc nào tới người khác nữa.

Tại đó bạn tìm ra chính mình.

Những người mà đã bị mắc mứu, bị hấp dẫn và điều khiển bởi tham vọng quyền lực thì ngày càng đi khỏi chính bản thân mình. Và tâm trí càng đi xa thực tại bao nhiêu, người ta lại càng cảm thấy trống rỗng bấy nhiêu. Nhưng kể cả những từ đẹp như ‘sự trống rỗng’ này cũng đã bị kết án trong nhiều thế kỉ. Người ta cho nó là thứ xấu, thứ tiêu cực, thứ cần bị xua đuổi. Chính vì những ý tưởng sai đó mà bạn đã chấp nhận một hành trình sai trong việc đi xa khỏi nó, thay vì đi vào trong nó để khám phá vẻ đẹp huy hàng của nó – phúc lạc đầy tràn của nó.

Nó là sự im lặng hoàn toàn. Nó là thứ âm nhạc vô âm thanh. Không một niềm vui nào có thể so sánh được với nó. Nó là niềm phúc lạc tối thượng và vô biên.

Phật Gautam đã gọi thứ phúc lạc vô tận này là ‘nirvana’. Nirvana nghĩa là cái không – cái trống rỗng – tánh không. Và một khi bạn đã trong hoà điệu với sự trống rỗng của bạn, tất cả mọi hạnh phúc, mâu thuẫn, lo lắng… đều biến mất. Bạn đã tìm ra nguồn mạch của cuộc sống, thứ được biết là không bao giờ chết.

Vậy nhưng, tôi phải nhắc bạn nhớ: đừng gọi nó là quyền lực. Gọi nó là tình yêu, gọi nó là im lặng, gọi nó là phúc lạc – bởi vì từ “quyền lực” đã bị nhiễm bẩn bởi quá khứ đến nỗi nó cần một sự thanh lọc lớn lao.

Thế giới này bị điều khiển bởi những người về cơ bản rất kém cỏi nhưng vẫn đang cố mọi cách để che dấu đi sự kém cỏi của mình. Họ che dấu nó bằng đủ mọi loại quyền lực, danh tiếng. Họ đã tạo ra rất nhiều cách để làm điều đó. Tất nhiên không phải mọi người đều có thể trở thành tổng thống một quốc gia, thế nên họ chia quốc gia thành nhiều bang nhỏ để cho nhiều người hơn có thể trở thành những thống đốc, bộ trưởng. Thế rồi họ lại chia công việc của họ thành nhiều bộ và mỗi bộ này lại được thành các cấp nhỏ hơn nữa để nhiều người cùng có thể tham gia vào cuộc chơi. Nhiều người không thể làm tổng thống, thống đốc, bộ trưởng nhưng họ có thể trở thành các thành viên nội các, các cấp phó và rồi cứ chia nhỏ quyền lực xuống mãi thành đủ mọi loại chức danh. Toàn bộ việc phân cấp này phù hợp với những ai đang phải chịu đau khổ bởi phức cảm tự ti. Từ chức vị của người canh gác thấp nhất cho đến tổng thống, họ đều là những người mang cùng một căn bệnh tự ti.

Indira Gandhi đã giữ được quyền lực ở Ấn Độ trong thời gian dài. Khi cô ấy còn đang trong quyền lực, cô ấy bảo với thư kí của tôi nhiều lần rằng cô ấy muốn gặp tôi, rằng cô ấy có vài câu hỏi. Ít nhất sáu cuộc hẹn đã được ấn định nhưng rồi lại bị huỷ chỉ một ngày trước đó. Tin nhắn báo huỷ luôn là vì “vài tình huống khẩn cấp xảy ra nên cô ấy không thể đến được.” Khi cùng tình huống như vậy xảy ra đến lần thứ sáu, tôi biết tình huống khẩn cấp này đã là một hạng mục trong lịch trình được lên sẵn của cô ấy. Tôi đã bảo thư kí gọi cho cô ấy để hỏi chính xác chuyện gì đang xảy ra và chúng tôi phát hiện rằng tình huống khẩn cấp này không có thật chút nào. Nhưng cô ấy ít nhất cũng đủ trung thực để nói “Vấn đề ở chỗ nhân sự nội các của tôi, đồng nghiệp của tôi trong nghị viện – tất cả họ đều ngăn cản tôi. Họ nói ‘Đi đến chỗ Osho rất nguy hại cho sự nghiệp chính trị của cô’.”

Sau khi cô ấy bị đánh bại trên chính trường, thư kí của tôi gọi nói, “Giờ thì không còn vấn đề nữa. Hãy tận dụng cơ hội này. Cô không còn là thủ tướng của đất nước nữa, cô có thể đến rồi.”

Cô ấy nói “Giờ thậm chí còn khó khăn hơn vì người của tôi nói ‘Nếu cô đi đến đó, thì hãy vứt luôn ý định tái cử đi’.”

Con trai cô ấy Rajiv Gandhi là một phi công và cậu ấy bảo với thư kí của tôi nhiều lần rằng cậu ấy muốn gặp tôi và muốn được nghe lời khuyên của tôi cho sự nghiệp tương lai của cậu, rằng liệu cậu ấy nên tham gia vào chính trường theo bước mẹ hay là tiếp tục làm một phi công.

Sau khi đắc cử và trở thành thủ tướng, cậu ấy không hỏi tôi thêm lời khuyên nào nữa. Tôi thấy cùng một nỗi sợ nơi cậu, như mẹ cậu vẫn luôn sợ hãi. Sau khi đắc cử, cậu ấy nhìn tôi như một mối nguy hiểm đối với sự nghiệp của mình. Kiểu như nếu bạn đến với tôi, tất cả những người chống lại tôi cũng sẽ chống lại bạn. Tôi có một đội quân kẻ thù ghét đông đảo khắp thế giới – tôi thích lắm, thật sự – một người đàn ông không có bất cứ vũ khí nào nhưng lại ở trong cuộc chiến lớn với cả 25 quốc gia. Mà lại còn toàn những quốc gia vĩ đại. Họ có mọi loại quyền lực nhưng dường như họ cũng hoàn toàn bất lực.

Tại Đức, người của tôi đã tham gia một vụ kiện chống lại chính quyền bởi vì trong nội các, họ gọi Ki-tô giáo là một tôn giáo trong khi gọi hoạt động của chúng tôi là một giáo phái. Trong thế giới thần học Ki-tô giáo, từ “giáo phái” gần như là một từ luôn bị kết án và bài xích. Trong hai phiên toà, chúng tôi đã nếu quan điểm rằng những người đó nên gọi Ki-tô giáo là giáo phái hoặc họ nên gọi hoạt động của chúng tôi là một bước phát triển mới của tôn giáo cũng được, nhưng không nên gọi chúng tôi là giáo phái. Chủ toạ hai phiên toà đó đã đưa ra lời tuyên án theo nguyện vọng của chúng tôi, rằng chính phủ không có quyền sử dụng những từ ngữ đã bị bài xích cho những người mà không làm bất cứ điều gì hây hại cả. Họ đồng ý rằng chúng tôi nên được xem như một bước phát triển mới của tôn giáo. Nhưng các chính quyền vẫn cứ tiếp tục dùng từ giáo phái đó để gọi chúng tôi.

Hai phiên toà đó đáng lẽ nên làm rõ rằng chính quyền đang phá huỷ hiến pháp, luật lệ của chính họ. Những người trong các chính quyền đó mà gọi chúng tôi là giáo phái thì đáng bị xem như phạm luật, phạm tội và nên được đối xử như những tội nhân. Dù cho là chính bản thân thủ tướng Đức đi chăng nữa cũng vậy. Nếu ông ấy vi phạm, ông ấy nên bị xử phạt. Thế nhưng tất cả bọn họ đều đang rất run rẩy từ bên trong. Họ rất lo lắng về việc quyền lực của họ có thể bị sụp đổ, chỉ cần một cú đẩy nhẹ. Họ biết rằng bên trong của họ chẳng có gì giá trị kể cả khi bên ngoài họ là những người có quyền lực vĩ đại của thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà 24 tirthankaras – những hoá thân Thượng đế của Jaina giáo – tất cả lại đến từ những gia tộc hoàng gia. Phật Gautam bản thân cũng là một hoàng tử. Chuyện gì đã xảy ra với những người ấy? Rama và Krishna, hoá thân Thượng đế của người Hindu, cũng xuất thân từ cùng một giai cấp, họ đều thuộc gia đình hoàng gia. Cứ như thể không ai khác đã trở nên giác ngộ. Cứ như thể chỉ mỗi dòng máu hoàng gia là cần để giác ngộ hay sao? Nhưng điểm chính tôi muốn làm cho rõ đó là những người đó đều đã ở trên đỉnh của quyền lực và danh vọng. Họ có quyền lực nhưng quyền lực mà họ có lại không hề lấp đầy được sự trống rỗng bên trong của họ. Và vì thế họ đã từ bỏ quyền lực để đạt được phẩm chất vĩnh hằng bên trong. Tìm kiếm nó, đạt được nó và họ nở hoa. Họ nở hoa trong một vẻ đẹp, một sự chân thực, một trạng thái mà nhân loại đã gọi là “về tới nhà”.

 

Người ta không nhận ra tại sao những người này lại từ bỏ vương quốc của họ. Họ có mọi quyền lực mà mọi người khao khát, mọi tiền bạc hơn cả mức có thể dùng trong nhiều đời nhưng ở điểm nào đó bên trong, họ biết rằng họ vẫn không là ai cả. Căn nhà của họ chất đầy tiền bạc, tiện nghi đắt đỏ, nhưng vị chủ nhà lại vắng mặt. Nó tạo ra một tình trạng khẩn cấp để truy tìm người chủ nhà, để truy tìm thứ quyền lực của một người chủ ngôi nhà bên trong và từ bỏ quyền lực dường như là một con đường nhiều người cùng đã trải qua.

Những người bình thường, một cách tự nhiên, đều không có quyền lực. Họ chỉ nhìn những người quyền lực từ phía xa và nghĩ “Nếu tôi có quyền lực như vậy, vị thế như vậy, tôi cũng sẽ là một ai đó. Tôi sẽ để lại dấu chân trên mặt cát của thời gian.” Họ trở nên bị dính mắc và bị thôi miên bởi quyền lực. Nhìn vào những người mà đã được sinh ra trong quyền lực và rồi từ bỏ nó, dường như họ đều chung quan điểm, chung một sự nhận biết rằng quyền lực bên ngoài chỉ là phù phiếm. Quyền lực có thể thay đổi nhiều thứ bên ngoài nhưng sâu bên trong bạn vẫn cứ trống rỗng, bạn vẫn cứ là như cũ, không là ai cả. Thậm chí cả khi bạn có hàng tỉ đô la, nó vẫn không thay đổi được cảm giác bên trong của bạn.

Chỉ có sự chuyển hoá bên trong mới có thể mang lại cho bạn bình an, phúc lạc. Từ an lạc đó mà bạn có tình yêu, có những điệu nhảy, những bài hát, có khả năng sáng tạo. Nhưng nhớ phải tránh xa cái từ “quyền lực” ấy.

Ngay lúc này, bạn chỉ nghĩ duy nhất về nó. Suy nghĩ chẳng giúp ích được gì. Suy nghĩ chỉ tốt khi bạn muốn cạnh tranh trong thế giới của quyền lực, tiền bạc, uy danh, sự tôn trọng. Nhưng khi có liên quan đến thế giới bên trong, tâm trí hoàn toàn vô dụng. Vì thế, toàn bộ nỗ lực của tôi ở đây là giúp bạn thoát ra khỏi tâm trí và đi sâu hơn vào thiền, thoát ra khỏi suy nghĩ mà đi sâu hơn vào im lặng.

Một khi bạn đã nếm trải sự hiện hữu bên trong, sự giàu có bên trong, thế thì tất cả mọi tham lam, tham vọng tiền bạc, quyền lực sẽ đơn giản bay hơi, biến mất. Không có sự đối chiếu hay so sánh nào. Bạn đã tìm thấy thánh linh bên trong bạn, ánh sáng bên trong bạn, Thượng đế bên trong bạn, thế thì bạn còn khao khát gì hơn?

12-24/6/2020

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *