Nói về THIỀN bằng ngôn ngữ TRIẾT HỌC: Thiền là phương cách sống: tồn tại mà không tồn tại
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà có thể tạm chia thành hai thế giới: thế giới khách quan và thế giới chủ quan. Hai thế giới này tồn tại song song.
Thế giới khách quan là bản thân vũ trụ với mọi thứ đang tồn tại và mọi sự đang xảy ra quanh ta – bất kể ta có nhận thức về nó hay không. Thế giới chủ quan được xây dựng bởi tâm trí bạn, hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Nó là cách bạn nhìn nhận về thế giới khách quan, về cuộc sống. Nghe mệt không? Triết học kinh điển nói vậy đấy. Hôm nay tôi sẽ “thử” nói lại ý tưởng này theo một cách thân thiện hơn, gần gũi hơn, ngọt ngào hơn để giúp bạn không còn quá sợ hãi Triết Học. Tôi gọi nó là Triết Học Ngọt Ngào mà nếu một ngày nào đó nhiều người biết đến trường phái triết học này hơn, thì thật tốt. Thế giới cần nhiều ngọt ngào hơn, kể cả một triết học ngọt ngào.
Triết học là thứ thuần tâm trí: dùng tâm trí để suy ngẫm, suy tư, diễn giải và cố tìm câu trả lời cho một thứ mà vượt bên ngoài khả năng hiểu của nó. Giống như một người mù cố tìm định nghĩa ánh sáng hoặc một người điếc cố gắng tìm ra bản nhạc hay nhất trên thế giới. Thiền là một trạng thái khi mà người ta được đưa vượt ra ngoài tâm trí, vượt ra ngoài logic và lập luận. Thiền như một phép màu giúp người mù sáng mắt, người điếc thông tai. Thiền không bận tâm đến logic và lập luận về ánh sáng, kiến thức hay tri thức về âm thanh, nhưng nó lại có khả năng biến bản thân người ta trở thành ánh sáng, biến người ta trở thành bản nhạc hay nhất để hoà mình vào thinh không vũ trụ vĩnh hằng.
Triết học và thiền dường như – vốn dĩ là không liên quan, nhưng ở một vài điểm, khi đã để bản thân trải qua những ngày tháng “triết gia” miệt mài đặt câu hỏi, miệt mài tìm câu trả lời. Rồi lại phải vứt hết câu trả lời mà mình tìm được, vứt luôn cả bản thân những câu hỏi. Khi vứt hết câu hỏi lẫn câu trả lời, vứt bỏ đi tâm trí thì đột nhiên vị “triết gia đường phố” ấy đã được nếm trải hương vị thiền thật sự. Thứ hương vị tinh khiết mà chẳng thể nào diễn đạt được. Bạn có thể dùng ngôn từ để tả hương vị của rượu, của bia, nước trái cây, nước bẩn, nhưng bằng cách nào bạn diễn tả được hương vị của nước tinh khiết? Không có cách nào cả, nó chỉ là… tinh khiết.
Triết gia là người cố định nghĩa hương vị của sự tinh khiết, đi tìm nước tinh khiết trong câu từ sách vở. Thiền nhân hay nhà huyền môn là người nếm trải hương vị của nước tinh khiết. Cảm nhận sự bình an, phúc lạc, vi diệu của nó và tìm cách đưa nhiều người hơn tới với nguồn mạch của suối nước ấy. Nơi mà kinh sách có để lại một vài bản đồ cũ kĩ nhưng bản thân dòng suối được vẽ trong kinh sách dù đẹp đến đâu cũng không phải là suối thực. Suối nước trên bản đồ sẽ không làm thoả cơn khát của bạn bất kể nó có lời lẽ mê hoặc và dịu ngọt đến đâu. Khi còn chưa thảo mãn cơn khát này, không tiền bạn – quyền lực – danh vọng – tình yêu nào có thể làm đầy được bạn. Bạn sẽ luôn và luôn trống rỗng bên trong. Bán sẽ luôn và luôn trong một cơn khát từ sâu thẳm linh hồn mình.
Cơn khát này là định mệnh của con người. Con người được sinh ra với sứ mệnh tìm ra đúng cơn khát của mình. Chỉ khi tìm đúng cơn khát người ta mới có cơ may tìm ra cách để giải cơn khát ấy – cơn khát tâm linh. Đây có thể coi như một câu trả lời nếu như người ta quá bận tâm về cách thức tiếp cận của triết học: Con người sinh ra để làm gì? Có sứ mệnh gì hay định mệnh gì?
Tôi đã trải qua nhiều năm tháng miệt mài đi tìm sứ mệnh của bản thân, tìm ra ý nghĩa cuộc đời mình. Chỉ đến khoảnh khắc khi tôi chấp nhận mình chẳng có sứ mệnh gì, chẳng có định mệnh gì, mình chẳng là ai. Khoảnh khắc ấy đã thánh hoá đời tôi. Khoảnh khắc ấy đã mưa rào ân huệ xuống tôi với tất cả mọi câu trả lời mà tôi tìm kiếm. Bạn có tin được vào điều ấy không? Khoảnh khắc khi ta dừng hỏi, ta có mọi câu trả lời. Thật là một câu nói mang đầy tính… triết học dễ khiến người ta phát điên.
Người điên luôn hạnh phúc vì người đó đã vượt ra khỏi tâm trí, hạnh phúc của người đó là vô nhận biết, vô thức. Người đó ra khỏi tâm trí nhưng là tuột xuống bên dưới tâm trí.
Nhà huyền môn hay thiền nhân cũng là người đã ra khỏi tâm trí. Họ trông chẳng quá hạnh phúc theo kiểu của người điên đâu nhưng có thể nói hạnh phúc của họ là tổng hoà của phúc lạc, bình an, thanh thản. Thứ hạnh phúc này của họ đầy tràn bởi nhận thức và thấu suốt . Họ đã vượt ra khỏi tâm trí nhưng là vượt lên trên tâm trí. Đây là điểm khác nhau của người điên và thiền nhân.
Triết gia là người sống trong tâm trí và sống bởi tâm trí, bởi suy tư, bởi nghiền ngẫm. Hoàn toàn lạc trong tâm trí. Người thường là người bị tâm trí điều khiển. Triết gia là người cố sử dụng tâm trí cho đúng cách, đúng mục đích nhưng cả hai vẫn còn trong tâm trí.
Một câu nói, có lẽ nổi tiếng nhất của triết học mà tuy rất ngắn gọn thôi nhưng tôi tin nó chẳng dễ hiểu một chút xíu nào: “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”. Tôi hiểu câu này nhưng chẳng biết làm sao để giải thích nó mà cũng chẳng thấy quan trọng gì trong việc giải thích cả.
Hôm nay tôi thấy một tầng nghĩa mới của câu phát biểu kinh điển này. Nói đúng hơn, tôi khám phá ra một “chân lý” mới cho riêng mình nhưng đồng thời cũng biết cái chân-lý-mới này của tôi nó cũ và xưa như vũ trụ rồi. “Chân-lý-mới” mà tôi muốn phát biểu hôm nay, đó là: “Nếu như bạn tồn tại khi bạn tư duy, thế thì ngừng tư duy, bạn sẽ không tồn tại nữa.” Làm sao để ngừng tồn tại khi vẫn đang tồn tại? Đây không còn là vấn đề triết học nữa, nó thành vấn đề tâm linh rồi.
Tồn-tại-mà-không-tồn-tại, ấy chính là nghĩa của thiền là gì.
Làm tan biến bản thân bạn đi, biến mất đi. Và cách thức sao mà đơn giản thế: ngừng tư duy đi, ngừng suy nghĩ đi, ngừng tâm trí lại đi.
Tôi đã nếm trải cả hai thế giới: thế giới của triết gia và thế giới của thiền nhân, chẳng biết là do định mệnh hay may mắn, cũng có lẽ định mệnh của tôi là luôn may mắn. Nhưng nhờ đã nếm trải cả hai thế giới: một thế giới của tâm trí và một thế giới ra ngoài tâm trí mà tôi đã tìm ra một cây cầu nhỏ, cây cầu vô hình nối hai thế giới này. Một cách thức để người mù dù chưa thấy ánh sáng nhưng ít nhất có thể cảm nhận được ánh sáng thông qua vài đặc tính khác của ánh sáng, sức nóng chẳng hạn.
Nỗ lực dùng ngôn từ triết học để nói về thiền là một nỗ lực ngu ngốc, nhưng tôi ngu mà nên cứ thử xem sao. Người ta không thể dùng nỗ lực của ngôn từ để diễn tả về vẻ đẹp của im lặng, nhưng ít nhất người ta có thể nỗ lực làm ồn nhiều đến mức khiến cho đối phương mệt mỏi mà khao khát chút im lặng sau những tiếng ồn.
Tôi đang làm ồn đây và thông qua việc này, mong sẽ tưới thêm chút nước vào trong hạt mầm tâm linh đang im lặng ở bên trong bạn, để nó lớn dần hơn đến nỗi bạn không thể chịu đựng nổi khao khát lớn lên của nó. Hãy để sự im lặng ấy lớn dần lên thông qua việc hướng dẫn tâm trí nhìn ra tầm quan trọng của im lặng này.
Giờ, tôi sẽ nói về hai thế giới: khách quan và chủ quan bằng ngôn ngữ mộc mạc nhất mình có thể tìm được.
Thế giới khách quan là thứ tồn tại không liên quan đến suy nghĩ của bạn, tâm trí của bạn bao gồm phán xét, nhận định, suy tư, so sánh, cảm nghĩ của bạn. Mùa xuân hoa kia cứ nở bất kể bạn muốn hay không, mây cứ mưa khi nặng hạt ngày hè, lá cứ đỏ và rời cây khi thu đến, khí lạnh tràn về khi trời vào đông – bất kể bạn muốn hay không. Mặt trời kia cứ mọc mỗi sớm toả ánh nắng mai và màn đêm cứ buông khi mặt trời đi ngủ, bất kể nhân loại vừa sinh ra bao nhiêu đứa trẻ tinh khôi hoặc bệnh tật lẫn tai nạn đã mang đi sự sống của bao nhiêu con người trên mặt đất – mặt trời, mặt trăng và các vì sao vẫn thế dù cho bạn non nớt hay gìa cội, buồn hay vui, đang khóc hay đang cười. Cỏ cứ mọc, chim cứ hót, năng lượng cứ là vĩnh hằng bất kể trải qua bao nhiêu biến đổi hình dạng với thời gian. Bạn cứ ăn, uống, ngủ, hít thở và yêu một cách bình thường nếu như không có gì “bất thường” xảy ra. Đấy là thế giới khách quan.
Bạn chẳng có chút quyền lực nào để tác động lên thế giới này. Bạn có thể trồng hoa nhưng không thể bắt hoa ngừng bung toả hương thơm. Bạn có thể nuôi chim nhưng không thể bắt chim hót theo ý bạn. Bạn có thể trốn trong nhà cao cửa rộng nhưng không thể ngăn mẹ thiên nhiên tạo ra những cơn bão hay ngăn những vì sao lấp lánh trên bầu trời. Bạn làm nhiều hành động để “chinh phục” thế giới khách quan nhưng nỗ lực của bạn vẫn chỉ luôn là trò chơi con nít trước những sự vĩnh hằng của vũ trụ. Những hành động “cố gắng” thay đổi thế giới khách quan từ nhỏ đến lớn, từ cố trồng một búi hoa trong vườn cho đến tạo ra tàu vũ trụ, đều là nỗ lực của nhân loại nhằm mang cái chủ quan của mình để kiến tạo thế giới khách quan. Đây là khao khát của tâm trí, của nhân loại và nó luôn được chứng minh là việc làm vô nghĩa. Khi không thể làm gì thế giới khách quan, người ta không bỏ cuộc, người ta cố gắng tạo ra một thế giới khác nơi mà người ta có thể làm mọi thứ, tạo ra mọi thứ theo ý mình. Đó là khi người ta cố kiến tạo thế giới theo cách chủ quan của bản thân người ta – một việc mang nhiều hứa hẹn hơn rất nhiều.
Thế giới chủ quan được tạo ra khi bạn mang tâm trí của bạn áp vào thế giới khách quan. Bạn đặt thế giới khách quan dưới lăng kính phán xét của bạn. Hoa phải nở theo cách này, cỏ phải mọc theo cách kia, nhà phải xây theo kiểu nọ, người khác phải hành xử theo ý của bạn là tốt nhất. Bạn có một đôi mắt kiếng đặt trướt mắt để phán xét mọi thứ trên đời và mọi người khác trên đời. Kể cả người có hay không hề liên quan đến cuộc đời bạn. Nào là người này không nên thế này, việc kia không nên thế nọ. Mọi thứ đều chỉ “sai” hoặc “đúng” – bạn nhìn đời bằng con mắt của nhị nguyên. Nhị nguyên là phân chia đúng-sai, tốt-xấu. Bạn không nhìn được cái toàn cảnh vì cái toàn cảnh cho bạn thấy rằng cái nhìn của bạn là vô lý, ngớ ngẩn, thậm chí là ngu dốt.
Để che giấu sự bất lực của mình trong thế giới nhất nguyên toàn cảnh, bạn chọn đôi mắt của nhị nguyên phán xét và trong vở kịch phán xét này, bạn là quan toà, là chủ toạ, là luật, là chân lý. Bạn phán xét mọi sự về mọi người: Từ người hàng xóm không nên trồng cây cây trong vườn nhà họ vì lá có thể rụng xuống đường đi chung; từ bà goá cuối hẻm nên lấy thêm tấm chồng có đôi mụn con cho an ủi tuổi già… cho đến tận ông tổng thống nước Mỹ không nên phát ngôn này, hành động nọ. Rồi cả vợ ông tổng thống nữa, bà này đẹp nên cười nhiều hơn, bà kia xấu quá nên cười ít thôi vì khi cười trông bà ta như con khỉ… Người Mỹ không nên hành xử như thế này, người Trung Quốc không nên thế kia, người miền bắc là người thế nọ, người miền nam phải thế kia… Bạn luôn và luôn luôn có ý kiến về mọi thứ trên đời và cũng luôn có xu hướng cho rằng ý kiến của bạn là chân lý.
Ý kiến này chính là tâm trí, là thứ tạo ra thế giới chủ quan của bạn – thế giới mà bạn đang sống trong nó và là nô lệ của nó. Nó tạo ra bạn và điều khiển cách sống của bạn. Bạn không thể từ bỏ nó. Nó là cùm tay, là gông cổ nhưng bạn không nhận ra, bạn tưởng nó là trang sức, là vòng vàng và dây chuyền ngọc lục bảo. Khoảnh khắc bạn nhận ra nó là gông cùm và nhà tù, bạn vứt nó đi, thoát ra khỏi nó là khoảnh khắc bạn là chủ của nó. Khi là chủ, tâm trí là một nô lệ, một công cụ tuyệt vời. Bạn có thể quyết định dùng nó hay không, dùng theo cách nào và lúc ấy cuộc đời bỗng biến thành một cuộc chơi, một vở kịch. Bạn đóng đủ các thứ vai nhưng bạn không là vai diễn.
Người diễn viên có hai thế giới: thế giới nơi họ sống và thế giới nơi họ diễn trên sân khấu.
Chúng ta có hai thế giới: thế giới nơi mọi sự cứ thế xảy ra và thế giới nơi chúng ta cố điều khiển mọi sự xảy ra theo ý mình. Gọi ngắn gọn là thế giới khách quan và chủ quan như cách từ nãy giờ chúng ta vẫn gọi.
Đứa trẻ khi mới được sinh ra chỉ nhìn đời theo con mắt khách quan, nó không thấy tiền hay quyền lực, danh tiếng hay trình độ, tốt hay xấu. Nó chỉ thấy và biết thế – không phán xét. Nó gần gũi với thế giới khách quan của cây cỏ, động vật, đá sỏi, vỏ sò, mưa và nắng. Nó bận tâm nhiều về mây, về sấm chớp, về tại sao cây lại xanh, gió từ đâu tới, nước sẽ chảy về đâu? Những câu hỏi của nó bắt nguồn từ thế giới khách quan và đó là những câu hỏi thật đẹp dù cho người lớn chẳng thể nào trả lời được.
Người lớn hướng khả năng hỏi của nó vào những câu khác: Tượng chúa đẹp đâu? Tượng Phật đẹp đâu? Và ném cho nó cả đống những câu hỏi thuần chủ quan: Con thương ai hơn? Ba hay mẹ? Dép đẹp đâu, váy đẹp đâu? Ai xấu hơn? Bạn nào đẹp? Nhà nào giàu? Đây là cách người lớn “truyền” cho con trẻ cái nhìn chủ quan của họ và đồng thời che dấu sự bất lực của họ trước những câu hỏi về một thế giới của: tại sao cây lại xanh, hoa hồng lại hồng, chanh lại chua và mây lại bay?
Người lớn là tội phạm lớn nhất trong việc lấy mất đi sự ngây thơ của con trẻ và biến chúng trở nên đầy chủ quan, thiên kiến, phiến diện và đầy ắp phán xét – hệt như họ.
Giáo dục – văn hoá – truyền tống – tôn giáo – giải trí – truyền thông… là những “bậc thầy vĩ đại” dạy người ta cách phải nghĩ như thế này, phải ứng xử thế nọ, phải ý kiến thế kia. Cả đời chúng ta luôn được dạy phải ý kiến về mọi thứ và chúng ta cũng làm theo rất tốt. Phương Tây đi đầu phong trào này. Nó gầy dựng lên một thiên đường nơi người ta có thể dùng năng lực chủ quan để kiểm soát mọi thứ. Phương Đông đã từng có vị thế của riêng mình trong quá khứ khi dẹp bỏ năng lực chủ quan để chấp nhận tính khách quan của vũ trụ bằng việc thừa nhận những quy luật bất biến: luật luân hồi, nhân quả… Nhưng ngày nay với sức mạnh của vật chất, Phương Đông lại đang theo đuôi Phương Tây rất nhiều mà không nhận ra rằng Phương Tây – ở đỉnh điểm phát triển chủ quan của nó – lại đang quay vòng lại thừa nhận những gía trị mà phương đông đang dần vứt bỏ.
Ví dụ, Triết Học Phương Tây xoay quanh sự làm chủ của con người, của năng lực ý chí con người. Triết Học Phương Đông xoay quanh sự làm chủ của các quy luật bất biến của vũ trụ, cho rằng chỉ khi con người vứt bỏ ý chí làm chủ này thì mới đạt tới sự làm chủ hoàn toàn – một vị Phật – chủ nhân của Cái Không và cũng chẳng là chủ theo bất cứ nghĩa nào. Ở đỉnh điểm khi phương Tây đạt tới việc làm chủ ý chí, nó nhận ra chỉ vứt bỏ toàn bộ thì người ta mới đạt tới điểm cao nhất, điểm chủ nhân thực sự của ý chí. Phương Đông lạc mất cốt lõi của mình nên đuổi theo phương Tây và giờ đang quẩn quanh với hàng ngàn câu hỏi: làm sao đạt được cái này cái nọ, làm sao làm chủ cuộc đời, làm sao nổi tiếng, làm sao để giàu… Thật là một luân hồi vĩ đại.
Phương Đông đã từng nhìn vào trong – Nó phát triển Tâm linh. Phương Tây hướng cái nhìn ra bên ngoài và phát triển Khoa học. Phương Đông đã phát triển tôn giáo. Phương Tây phát triển Triết Học. Chúng ta đang sống trong thế giới định hướng bởi suy nghĩ của phương Tây: Ai giàu người ấy mạnh. Ai mạnh người ấy thắng. Ai thắng người ấy đúng.
Nhân loại nói chung và bạn nói riêng đang sống trong một cơn bão lớn của tư duy bị định hướng. Nó hướng mắt bạn nhìn ra ngoài nhiều quá đến nỗi bạn phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của một con mắt khác: con mắt nhìn vào bên trong. Nó hướng bạn nhìn thấy vật chất, thấy súng đạn chứ không thấy được những áng thơ, những giai điệu của cuộc sống. Nó hướng cuộc sống của bạn theo thế giới chủ quan nhiều đến mức bạn mất hoàn toàn khả năng chiêm ngắm thế giới khách quan lẫn khả năng nhìn nhận thế giới một cách khách quan: cách không phán xét, không ý kiến, không so sánh, không ý nghĩ nhưng chấp nhận mọi sự với cái nhìn thấu suốt, chấp nhận và cảm tạ.
Ý kiến chủ quan của bạn chỉ là ý kiến của bạn. Thế giới khách quan chỉ có một nhưng nhân loại 9 tỷ người tạo ra 9 tỷ thế giới chủ quan khác nhau. Chín tỷ người này đều cho rằng ý kiến của mình, nhận định của mình, cách nhìn của mình là đúng, là chân lý đáng được áp dụng cho toàn nhân loại, không được nhân loại thì nước mình, không được nước mình thì gia đình mình, nhóm bạn mình… Ai cũng như vậy thì hà cớ gì phải ngạc nhiên khi thế giới toàn tranh đấu, hơn thua, chạy đua quyền lực, đau khổ, nước mắt?
Mất đi cái nhìn khách quan này, con người là mù.
Mất đi khả năng nhìn chất thơ của cuộc sống, con người là mù bất kể họ thấy nhiều súng đạn thế nào. Mất đi vị giác và khả năng cảm nhận, con người là đáng thương trước bầy hầy đồ ăn bày trước mặt.
Bạn không còn thấy vẻ đẹp của ánh nắng trên giọt sương, đoá hoa dại lẻ loi bên bờ rào đang toả sắc. Bạn không thấy được sắc vàng bình yên của những chiếc lá vàng mùa thu rơi rụng khắp sân hay dòng suối xanh róc rách chảy xuôi về biển cả vừa tự do vừa kỉ luật. Đôi khi bạn cũng thấy chú chim công xoè cánh đẹp hay con hoạ mi hót thật hay và trầm trồ về nó nhưng bạn lại không thấy được vẻ đẹp của bầy chim sẻ nhà quê kêu ríu rít cả ngày trong bộ lông chẳng có chút sắc màu. Bạn thấy một cảnh đẹp và vội chụp nó lại để chia sẻ và rồi vô cùng sung sướng ngắm nhìn bức ảnh ấy thay cho vẻ đẹp thực tế ngay trước mắt. Biển mây trong thung lũng hay hoàng hôn nhiệm màu trên biển cũng chẳng nghĩa lý gì mấy nếu bạn không chụp được một tấm hình bản thân mình trong khung cảnh ấy để khoe với mọi người. Thế giới khách quan xinh đẹp và hùng vỹ làm vậy nhưng cũng bị bạn cố xé ra để nhồi nhét cho khớp với những ý tưởng về thế giới chủ quan mà bạn đang cố tạo ra. Bạn muốn có một cuộc sống hoàn hảo, tìm người bạn đời hoàn hảo, có tấm hình hoàn hảo nhưng chưa một lần nhìn thấy sự hoàn hảo của cuộc sống trong từng khoảnh khắc.
Mất đi cái nhìn khách quan này, bạn bị mù. Bạn không nhìn ra những may mắn của bản thân mình trong cuộc sống, sự hào phóng của mẹ thiên nhiên, vẻ đẹp huy hoàng và sự hài hước của cuộc sống đang diễn ra xung quanh bạn. Ví dụ một bà phu nhân vốn là người mẫu mặt luôn cau có, trong khi người “được khen” cười như khỉ thì chưa bao giờ thôi cười. Kể cả khi thấy sự hài hước này, bạn cũng chưa chắc nhìn ra vẻ đẹp của những gương mặt cau có rất thực hay sự xấu xí đàng sau những nụ cười giả tạo. Bạn không thấy vẻ đẹp của những nếp nhăn, khả năng chữa lành kì diệu những giọt nước mắt và gía trị của những nụ cười không phô diễn.
Mất đi cái nhìn khách quan này bạn không thể thấy những quy luật vũ trụ hiện hữu: luật nhân quả, luật luân hồi, luật hấp dẫn, luật bù trừ (luật cân bằng năng lượng), luật tiến hoá, luật yêu thương. Vì không thấy luật, bạn đi trái luật. Vì đi trái luật, bạn khổ.
Mất đi cái nhìn khách quan này, bạn mất khả năng sống trong thế giới khách quan bao la rộng lớn của Thượng đế mà chỉ sống trong thế giới chủ quan của bạn: một thế giới nhỏ bé, nghèo nàn và khá phiến diện.
Một ngày là một ngày, bất kể bạn làm gì hay không làm gì. Trái đất xoay vòng bản thân nó đủ một vòng quanh mặt trời. Con người tự gọi một vòng quay này là một ‘ngày’ thì cũng tốt thôi. Ngôn từ tạo ra những giới hạn. Từ ‘ngày’ giới hạn vũ trụ trong khoảng thời gian của ánh bình minh đầu tiên đến ánh hoàng hôn sau cùng. Trong cái nhìn khách quan thì mọi thứ đều đẹp, tươi tới, rạng rỡ dưới ánh mặt trời nhưng trong thế giới chủ quan của bạn thì không. Bạn gọi một ngày là tốt, ngày khác là xấu tuỳ vào chuyện xảy ra mỗi ngày. Bạn trải qua một ngày tốt đẹp hay tệ hại hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận nó và sống nó. Nhưng bạn vẫn thích gọi nó là một ngày tốt hay tệ, như thể cả vũ trụ này tồn tại chỉ để chống lại bạn hay ủng hộ bạn. Không. Vũ trụ này, cuộc sống này một cách khách quan chẳng ai hơi đâu bạn tâm đến bạn đâu. Bạn chỉ là một hạt bụi trên sa mạc thời gian vĩnh hằng, một giọt nước nhỏ trong bao la đại dương – đó là khách quan. Nếu bạn có thể chấp nhận sự thật khách quan này trong hiểu biết và vui vẻ thế thì đời bạn được giải thoát. Nhưng bạn nào có chịu được điều đó, tâm trí bảo bạn rằng bạn không tầm thường, bạn là trung tâm, là nhân vật quan trọng, rằng ý kiến của bạn là chân lý, rằng bạn phải là ốc đảo giữa sa mạc, giữa đại dương những người bình thường kia. Hoặc nếu bạn có là cát thì cũng phải là cát-kim-cương trong sa mạc chứ không thể bình thường như các hạt cát khác; Rằng nếu bạn có là giọt nước thì phải là giọt nước tinh khiết đặc biệt không trộn lẫn với nước khác… Tâm trí tạo nên thế giới chủ quan chưa bao giờ chấp nhận con người bạn, cũng như chưa bao giờ cho phép bạn thấy và chấp nhận thế giới theo chính bản thân nó.
Chính tâm trí này, khả năng suy nghĩ này là một món quà và cũng là lời nguyền cho con người, mỗi người chúng ta.
Thiền là nỗ lực để lấy lại khả năng nhìn thế giới khách quan cho bạn. Giúp bạn hiểu nó, chấp nhận nó và tan biến trong nó. Hoa kia vẫn nở bất kể bạn nghĩ gì. Bạn vẫn tồn tại bất kể tâm trí của bạn nghĩ gì. Thế giới khách quan không bị ảnh hưởng bởi ý kiến chủ quan của bạn chút nào. Nếu bạn không thông minh, bạn sẽ để cho tâm trí điều khiển bạn. Nếu bạn đủ thông minh và mạnh mẽ, bạn sẽ có khả năng điều khiển tâm trí, làm chủ tâm trí. Bạn sẽ có khả năng kiến tạo một thế giới chủ quan hoà nhập vào thế giới khách quan. Thế thì khi ấy cuộc sống sao thật dễ dàng, nhẹ nhàng, hoà hợp, bình an và phúc lạc.
Chỉ có một cách duy nhất để làm chủ tâm trí, vượt lên trên nó – ấy là thiền, là vứt bỏ tâm trí.
Thiền là những khoảnh khắc tâm trí ngừng hoạt động. Bạn hiện hữu một cách khách quan trong một thế giới khách quan: không suy nghĩ, không tưởng tượng, không so sánh, không phán xét, không bận tâm, không hạnh phúc cũng không bất hạnh – hoàn toàn trống rỗng.
Trống rỗng này là điểm giao nhau của hai thế giới. Là điểm hạt cát chìm vào sa mạc và giọt nước tan vào đại dương. Là khoảnh khắc giọt nước cảm nhận được nó bao la như chính bản thân đại dương vậy: không thể đo đếm, không thể phân chia, không giới hạn. Khoảnh khắc tan biến ấy bạn thấy mình là một với cuộc sống, với vũ trụ, với Thượng đế.
Thiền là nỗ lực làm trống rỗng tâm trí bạn, trao cho bạn đôi mắt thực (con mắt thứ ba) để nhìn mọi sự trong thống nhất, liên kết và hoà hợp – trong nhất nguyên.
Trong đôi mắt này bạn nhìn hoa và thấy không phân chia giữa bạn với hoa, bạn nhìn mây và không thấy phân chia giữa mây và bạn, bạn ngắm sao và không thấy khoảng cách, bạn nhìn mọi người như thể họ là chính bản thân mình. Khoảnh khắc ấy bạn là Phật và bạn thấy Phật khắp xung quanh. Khoảnh khắc ấy bạn thấy mình là phần tử con của Thương đế và mọi người khác là những phần tử con khác. Cùng nhau tất cả chúng ta tạo thành Thượng đế. Đó là thiên đàng, là niết bàn, là moska, là chân lý,… là tên gì cũng được. Cái tên không quan trọng, nó chỉ là một dạng của tâm trí đang cố gắng để phân chia. Vứt bỏ phân chia này, bạn là một với mọi người khác, với luật, với Thượng đế.
Thế giới khách quan là một thế giới không tên, không ranh giới, không phân chia, bạn không là ai nhưng bạn làm chủ cả thế giới. Bạn tự do khỏi mọi sự, kể cả khi thân thẻ bạn đang bị giam hãm trong nhà tù vững chắc nhất. Không gông cùm nào còn giữ bạn lại. Bạn không là gì, chỉ là không khí, ai có thể giữ được không khí?
Thiền là năng lực sống trong thế giới khách quan nơi bạn tồn tại cùng hoa cỏ, cùng mây và mưa, cùng ánh nắng và ánh sao, cùng mọi âm thanh và mọi màu sắc. Nơi bạn không tham, không sợ, không lo, không cần bất cứ gì và cũng không không-cần bất cứ gì.
Bạn không cần khoe khoang mà cũng chẳng cần khiêm tốn. Không bi quan cũng chẳng lạc quan. Không cần nín khóc mà cũng chẳng cần ráng cười. Không cần sự công nhận của ai mà cũng chẳng cần trao ai sự công nhận nào. Bạn không cần ý kiến của ai mà bản thân bạn cũng chẳng ý kiến về việc gì. Sự sống là tốt và cái chết cũng tốt. Mùa xuân hoàn hảo hệt như mùa đông. Đêm đen đẹp hệt như ban ngày. Tiếng cười và tiếng khóc gía trị ngang nhau. Mọi cơ hội và biến cố xảy ra đều hoàn hảo, đúng thời điểm và nơi chốn. Mọi màu sắc hợp lại thành ánh sáng trắng tinh khiết. Mọi biên giới đều được xoá nhoà. Bạn thấy mình là tất cả mà cũng chẳng là ai cả. Bạn cảm nhận bản thân mình tồn tại mà không tồn tại. Đấy là những khoảnh khắc linh thiêng.
Thánh hoá cuộc sống nghĩa là hãy biến mọi khoảnh khắc đời bạn từ thấp kém thành linh thiêng. Cách duy nhất để nó linh thiêng là khi nó không mang ý kiến chủ quan của bạn. Một người vừa tốt vừa xấu, chẳng ai thuần tốt mà cũng chẳng ai thuần xấu. Không có ai mang trái tim đen, chỉ có những tâm trí đen tối đã giành quyền kiểm soát con người và vứt bỏ trái tim qua một bên. Ban đầu bạn sẽ chấp nhận ý tưởng một người, bất cứ ai là vừa tốt-vừa xấu. Nhưng lên thêm một bậc mới của nhận thức, bạn sẽ nhìn ra một thực tế mới rằng một người là không tốt – không xấu.
Định nghĩa này về con người là hoàn chỉnh hơn. Con người tuy tốt và xấu nhưng cũng đồng thời không tốt – không xấu. Tốt – xấu là cách thức phân chia của tâm trí. Không tốt – không xấu là cách thức phân chia của tâm linh. Tất nhiên tâm linh tối thượng là không phân chia, nhưng khi có liên quan tới ngôn ngữ, cái không thể phân chia vẫn được người ta phân chia mỗi ngày.
Bạn phân chia thời gian thành quá khứ – hiện tại – tương lai. Bạn phân chia ranh giới của ngày và đêm. Thậm chí phân chia cả thiên đàng và địa ngục thành 7 tầng nữa chứ. Thật nhiều… chuyện.
Không tốt và không xấu – đây là cách mà mỗi thiền nhân định nghĩa về mình. Ít nhất, đây là cách tôi định nghĩa về mình. Tôi không nói mình tốt và xấu. Tôi sẽ nói mình không tốt và không xấu. Tuỳ theo cách bạn hiểu. Dù nỗ lực bao nhiêu, ngôn từ vẫn là có giới hạn.
Tương tự với tồn tại mà không tồn tại. Làm sao để vừa tồn tại mà vừa không tồn tại? Nếu như ý tưởng này vẫn khó hiểu cho bạn thì đây sẽ là cố gắng cuối của tôi trong bài này. Một ví dụ vừa rất liên quan vừa không liên quan: Tham-mà-không-tham. Nếu như bạn có thể hiểu ý tưởng tham-mà-không-tham. Bạn sẽ hiểu ý tưởng tồn-tại-mà-không-tồn-tại. Nhưng hiểu là một chuyện, tôi mong bạn nếm trải nó nữa. Chỉ khi nếm nó, nếm nước của suối nguồn tâm linh này thì linh hồn bạn mới thôi cơn khát vĩnh hằng: cơn khát chân lý, cơn khát tự do.
Tham mà không tham. Ví dụ tôi là người vừa tham tiền vừa không tham tiền; vừa quý tiền vừa không quý tiền; vừa yêu tiền lẫn không yêu tiền. Tôi từng làm việc chăm chỉ tích cóp từng đồng, tiết kiệm từng xu không dám tiêu xài để rồi liên tục ném tiền vào những việc ngớ ngẩn nhưng ví dụ này là về chuyện khác. Bộ sách về Cuộc đời nổi loạn của Osho tôi đã dịch và bán với giá 4 cuốn/triệu hẳn nhiều bạn cũng biết. Một triệu cho bốn cuốn sách, có đắt không? Có hay không tuỳ suy nghĩ chủ quan của bạn. Nếu bạn không so sánh – nó không đắt, nhưng giả sử nếu bạn so sánh nó với sách thông thường chỉ vài chục ngàn một cuốn thế thì nó là đắt, đắt quá đi chứ. Tất nhiên tôi có nhiều lý do trong việc đề ra giá này và một trong số lý do đó là sự yêu quý tiền bạc nữa. Thế thì tôi có phải là kẻ tham tiền đáng lên án không khi bán sách tâm linh, sách thiền với mức giá đó? (Ồ, có một người thậm chí còn gọi tôi là kẻ bán thánh buôn thần. Anh ấy chưa đọc sách, chỉ nhìn thấy giá đó và la lên như vậy. Ok thôi. Thường thì những người không có ý định mua mới là người hay phán xét) – Tóm lại, tôi có tham tiền: Đúng. Tôi bán thánh buôn thần: chà chà, nếu như dám xem bộ sách này là thần thánh thì có thể nói như vậy chứ. Dù rằng bộ sách này là bản đồ dẫn bạn đến suối nguồn tự do nhưng bản thân nó không phải tự do. Tôi bán sách và nhờ việc bán sách để sống, thế thì cứ cho là tôi bán thánh buôn thần, không sao cả. Nhân tiện đây, xin cảm ơn thần thánh (!).
Nhưng cùng lúc đó tôi sẵn sàng bán sách miễn phí – gửi sách đi khắp nơi cho những người muốn mua mà không có điều kiện trả tiền. Tôi bán sách mà chẳng bao giờ bận tâm họ có trả tiền không hay khi nào mới trả… Tôi hoàn toàn không bận tâm. Ít nhất là bây giờ, sau khi đã hồi đủ tiền vốn in ấn. Tôi không in quá nhiều, chỉ vài trăm bộ. Tôi yêu quý sách của mình như những đứa con, muốn chúng được yêu thương, được trân trọng nhưng đồng thời chúng cũng như những gánh nặng vo hình mà tôi chỉ muốn trút khỏi. Nếu bạn muốn mua và để lại địa chỉ, tôi sẵn sàng gởi sách và thường gởi ngay lập tức. Nếu bạn hỏi stk thì tôi đưa. Bạn đề nghị cod thì tôi cod. Bạn mà không hỏi stk thì tôi cũng chẳng nhớ mà đưa và đặc biệt nếu bạn muốn trả tiền khi nào thì trả. Không trả cũng rất tốt thôi. Tôi không sợ, chẳng tham, chẳng hối thúc hay hối hận. Cuộc sống của tôi chẳng khác bất kể bạn nghĩ gì, làm gì, trả tiền hoặc không. Vậy là tôi có tham lam không? Có là kẻ bán thánh buôn thần không? Hay giờ thành kẻ “ném thánh quăng thần” rồi? Tôi thậm chí chưa bao giờ tự hỏi bản thân những câu hỏi như vậy.
Kể cả sau khi tư vấn nhiều bạn đọc muốn mua mà không có đủ tiền tôi cứ phải năn nỉ người ta đưa địa chỉ để tôi gửi sách và đừng bận tâm chuyện tiền bạc mãi. Có người chịu, có người nhất định không chịu. Một bạn trẻ muốn mua trả góp, chuyển khoản trước 20%, khi nhận hàng trả thêm 30% và sau này trả thêm 50% nữa. Tôi nài nỉ không cần đâu, cứ đọc đi, bao giờ có hãy trả cũng được mà không có thì thôi. Bạn nhất định không chịu đến nỗi tôi phải thốt lên: “bạn khó tính quá” haha thật là nhiều kỉ niệm vui khi bạn sách. Tôi thưởng thức từng khoảnh khắc như vậy đến nỗi những kỉ niệm và tình huống này trở thành một nguồn lợi nhuậc khác mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Vui gì đâu.
Nhưng xin đừng nhầm lẫn, tôi không phải người tốt đâu, chẳng phải kẻ khiêm tốn. Tôi biết ơn bạn vô vàn khi bạn muốn đọc sách, cho một review dù cho review thường chỉ một câu “bộ sách tuyệt nhất em từng đọc” cũng đủ khiến tôi cảm thấy biết ơn vô vàn. Tôi biết ơn bạn vì chấp nhận bộ sách, vì chấp nhận tôi như một người đưa thư, vì chấp nhận những thông điệp trong sách và để chúng biến đổi cuộc đời bạn. Tôi cảm thấy may mắn vô vàn khi Osho đã “chọn” tôi là người để mang thông điệp này tới bạn. Chính ông ấy cũng là người khiến tôi “yêu và hiểu” triết học hơn dù rằng ông ấy rất ghét triết học và đã dùng cả đời để chống lại nó.
Tôi muốn là người dùng cả đời để tạo ra một chiếc cầu nối giữa Triết học và Tâm linh, giữa âm thanh và im lặng, giữa đời sống và tôn giáo, giữa tâm trí và trái tim.
Tôi không còn bất cứ câu hỏi nào về cuộc sống nữa, dù đời này hay đời sau. Không phải vì tôi đã tìm ra câu trả lời nhưng vì tôi đã đủ dũng cảm để vứt bỏ hết những câu hỏi ấy. Những câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời, hướng đi nào cho nhân loại hay đơn giản câu hỏi “tối nay ăn gì”, “giờ uống cafe lỡ tối mất ngủ thì sao?” cùng biến mất một cách “trắng trợn” và gọn gẽ.
Tôi nổi trôi trong cuộc đời và tan biến như bông tuyết nhỏ biến mất trong ánh nắng đầu đông. Chẳng còn tuyết nữa nhưng hơi nước vẫn đang bay trong vũ trụ, gặp mây thì đọng cùng mây, mây nặng thì mưa tôi xuống, nếu rơi vào suối thì tôi trôi cùng suối, rơi vào biển thì tôi hoà vào biển, rơi vào búi cỏ thì tắm mát cho búi cỏ, rơi vào đất thì đi sâu khám phá lòng đất. Chẳng có gì phải sợ, chẳng có gì phải lo, chẳng có gì để hỏi.
Khi bạn không còn gì để hỏi, bạn không còn phải mệt công đi tìm câu trả lời và khoảnh khắc câu hỏi biến mất, khao khát câu trả lời biến mất thì cũng là lúc tâm trí biến mất. Và tâm trí biến mất là lúc bạn đang sống trong thế giới khách quan – thế giới mà Thượng đế đã chuẩn bị cho chúng ta sống. Đó là khoảnh khắc ta quay trở lại vườn địa đàng. Nơi mà hoa luôn thơm, cỏ luôn xanh, cây luôn tràn ngập quả và người ta chẳng có gì ngoài phúc lạc vĩnh hằng.
Phi Tuyết, 27/06/2020
Namaste!